Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 67/2004/QĐ-BNV Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nội vụ Người ký: Đặng Quốc Tiến
Ngày ban hành: 13/10/2004 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NỘI VỤ

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 67/2004/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ CỦA HIỆP HỘI CAO SU VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập Hội;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam và Vụ trưởng Vụ tổ chức phi Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt bản Điều lệ của Hiệp hội Cao su Việt Nam đã được Đại hội lần thứ 1 của Hiệp hội thông qua ngày 24/6/2004.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Đặng Quốc Tiến

 

ĐIỀU LỆ

HIỆP HỘI CAO SU VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo quyết định số 67/2004/QĐ-BNV ngày 13/10/2004)

Chương 1

TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

Điều 1.

Hội lấy tên là: Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Tên tiếng Anh: The Vietnam Rubber Association.

Viết tắt: VRA.

Điều 2. Hiệp hội Cao su Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Hiệp hội) là tổ chức tập hợp và đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến ngành Cao su của Việt Nam; được thành lập trên cơ sở tự nguyện nhằm mục đích phối hợp với hoạt động hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bảo vệ môi trường và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế và ngành ngân hàng cao su.

Mục đích của Hiệp hội là liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong nghiên cứu, công nghệ, trồng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nâng cao giá trị sản phẩm từ cây cao su; đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên; góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống của người lao động.

Điều 3. Hiệp hội Cao su Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và có tài khoản tại Ngân hàng.

Hiệp hội Cao su Việt Nam đặt trụ sở tại số 236 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - phường 6 - quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, có Văn phòng đại diện trong nước và ngoài nước theo quy định hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước sở tại.

 Điều 4. Hiệp hội Cao su Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước. Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước, hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ có liên quan. Hiệp hội hoạt động theo pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo Điều lệ này.

Chương 2

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HIỆP HỘI

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệp hội.

Hiệp hội Cao su Việt Nam có trách nhiệm và quyền hạn chủ yếu sau:

A. Nhiệm vụ của Hiệp hội:

1. Kiến nghị với Nhà nước về chiến lược phát triển ngành Cao su, các chủ trương, chính sách và biện pháp cần thiết để bảo vệ, khuyến khích người sản xuất, chế biến, xuất khẩu cao su (đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và thị trường xuất khẩu cao su), đồng thời bảo đảm lợi ích của Nhà nước, xã hội và các hội viên Hiệp hội.

2. Tham gia, kiến nghị với các cơ quan nhà nước về mục tiêu, phương hướng sản xuất kinh doanh; các kế hoạch về đầu tư, sản xuất, thị trường, áp dụng khoa học công nghệ, tài chính, xuất khẩu, hợp tác quốc tế, các vấn đề khác có liên quan; các giải pháp bình ổn giá cả thị trường, xây dựng quỹ hỗ trợ rủi ro cho ngành hàng cao su Việt Nam theo sự phân công, uỷ quyền của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Tổ chức phối hợp các hoạt động của hội viên trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo… để đạt được hiệu qủa chung cao nhất và điều hòa lợi ích giữa các hội viên. Ngăn chặn kịp thời các hoạt động và hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.

4. Tư vấn cho các hội viên về công tác nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, tiêu chuẩn hóa nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, chủng loại sản phẩm, công nghệ chế biến, bảo vệ môi trường…

5. Tư vấn cho các hội viên về phương án đầu tư, thị trường, xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo, tham quan, khảo sát về ngành hàng cao su trong và ngoài nước để hoạt động có hiệu quả.

6. Tổ chức thông tin kịp thời cho các hội viên về tình hình thị trường, kinh tế, khoa học công nghệ, pháp luật, số liệu thống kê trong và ngoài nước qua các bản tin định kỳ, webstie, hội thảo, hội nghị và báo cáo tổng kết hàng năm; trao đổi thông tin với các tổ chức cao su quốc tế, các quốc gia theo nguyên tắc chấp hành các quy định của Nhà nước và Hiệp hội, đảm bảo bí mật quốc gia, bí mật nghề nghiệp và có sự chấp thuận của hội viên.

B. Quyền hạn của Hiệp hội:

1. Đại diện cho ngành Cao su Việt Nam để đàm phán, ký kết các văn bản phù hợp với chức năng hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, tham dự hội nghị, hội thảo, tham quan, khảo sát về ngành hàng cao su của các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác khi Hiệp hội được nhà nước cho phép tham gia.

2. Tham gia và kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại và các Bộ, nghành liên quan về quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu và các chính sách liên quan đến ngành Cao su Việt Nam.

3. Quản lý và sử dụng các khoản hội phí do các Hội viên đóng góp theo quy định hiện hành của Nhà nước và Hiệp hội; thực hiện nghĩa vụ hội phí đối với các tổ chức quốc tế trong trường hợp Hiệp hội Cao su Việt Nam là thành viên của các tổ chức này.

4. Hiệp hội Cao su Việt Nam được quyền lập và sử dụng quỹ bảo hiểm, qũy hỗ trợ theo quy định của Nhà nước và Nghị quyết của Đại hội để giúp đỡ các hội viên duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hàng cao su.

5. Chủ tịch Hiệp hội có quyền cử hội viên, cán bộ của Hiệp hội đi công tác trong và ngoài nước theo yêu cầu của công việc và theo kế hoạch của Hiệp hội theo quy định của nhà nước; đề cử các hội viên, cán bộ tham gia các chương trình nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ trong và ngoài nước nhằm nâng cao hiệu quả ngành Cao su Việt Nam.

Chương 3

HỘI VIÊN

Điều 6. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, có tư cách pháp nhân của Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến ngành cao su như trồng trọt, sơ chế, chế biến, đào tạo, tài chính, tín dụng, tư vấn và những lĩnh vực khác; không phân biệt cấp quản lý, kể cả các doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty Cao su Việt Nam; tán thành điều lệ Hiệp hội; tự nguyện có đơn xin gia nhập và đóng góp đầy đủ các hội phí, các quỹ theo quy định đều được xét để công nhận là hội viên. Ban chấp hành Hiệp hội cao su Việt Nam là cơ quan công nhận tư cách hội viên và quy định chi tiết thủ tục kết nạp.

1. Hội viên chính thức: gồm hội viên cá nhân và hội viên tập thể:

1.1. Hội viên cá nhân: Là người Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, cung ứng dịch vụ, đào tạo, nghiên cứu khoa học về cao su, tán thành Điều lệ Hiệp hội, tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hiệp hội và được kết nạp Hiệp hội.

1.2. Hội viên tập thể: là các tổ chức trồng trọt, sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, cung ứng dịch vụ và các trường học, cơ quan nghiên cứu khoa học về cao su Việt Nam, tán thành Điều lệ Hiệp hội, do người đứng đầu thay mặt làm đơn gia nhập Hiệp hội và được kết nạp vào Hiệp hội.

2. Hiệp hội liên kết: Là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên doanh hoặc có 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động tại Việt Nam, có nhiều đóng góp cho Hiệp hội, tán thành Điều lệ Hiệp hội và được Ban chấp hành kết nạp vào Hiệp hội.

3. Hội viên danh dự: là các tổ chức và cá nhân có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của Hiệp hội, tán thành Điều lệ Hiệp hội và được Ban Chấp hành mời tham gia Hiệp hội.

Điều 7. Nghĩa vụ và quyền lợi của Hội viên.

A. Nghĩa vụ của hội viên:

1. Thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp, chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước và Điều lệ, nội quy, quy chế, các nghị quyết, quyết định của Hiệp hội. Tích cực tham gia các hoạt động chung theo sự phân công của Hiệp hội.

2. Đóng góp hội phí và các khoản qũy chung theo quy định của Hiệp hội bao gồm:

- Hội phí khi tham gia nhập làm hội viên Hiệp hội và hội phí hàng năm.

- Quỹ có thời hạn, không có lãi do các Hội viên tự nguyện đóng góp theo Nghị quyết của Ban chấp hành Hiệp hội.

- Quỹ sử dụng cho mục đích bảo hiểm, hỗ trợ sản xuất, chế biến cao su, xuất khẩu, nghiên cứu, đào tạo và hoạt động của Hiệp hội do các hội viên tự nguyện đóng góp.

3. Tăng cường phối hợp, liên kết, hỗ trợ với các hội viên khác nhằm đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh có hiệu quả và giảm thiểu tổn thất của mỗi hội viên.

Các hội viên tăng cường liên kết, hợp tác với nhau trong các hoạt động như: liên doanh, nhận uỷ thác với chi phí hợp lý, cung ứng vật tư – nguyên liệu, tiền vốn, cung cấp thông tin về khách hàng, hoạch định chính sách giá cả mua bán trong nước và xuất khẩu, liên kết đấu thầu trả nợ, liên kết trồng mới cao su thâm canh cây trồng, chế biến sản phẩm, trao đổi thông tin, hợp tác đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, cho mượn – thuê tài sản cố định, tiêu thụ sản phẩm…

4. Hội viên không được cho người nước ngoài, tổ chức nước ngoài lợi dụng danh nghĩa hoặc sử dụng tên của Hội viên để hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nước và nước ngoài; không được lợi dụng danh nghĩa Hiệp hội để quan hệ với các tổ chức ngoài Hiệp hội; không được hoạt động dưới hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh gây tổn thất cho Hiệp hội hoặc các hội viên trong Hiệp hội như bán phá giá, lôi kéo khách hàng của nhau một cách thiếu trung thực, mua phá giá, lũng đoạn thị trường lừa đảo, tranh mua, tranh bán…

5. Có trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung của toàn Hiệp hội và các hội viên. Bảo vệ lợi ích và uy tín cao su Việt Nam trên trường quốc tế.

- Chỉ xuất sản phẩm cao su đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo hợp đồng ký kết, bảo đảm thời hạn giao hàng… cùng phối hợp, liên kết với nhau để bảo vệ quyền lợi chung của Hiệp hội và mỗi hội viên khi bị nước ngoài vi phạm hợp đồng đã ký kết.

- Không lấy danh nghĩa hội viên Hiệp hội trong trường hợp để cung cấp tài liệu, thông tin, tiết lộ bí mật có hại đến chủ trưởng, chính sách của nhà nước, các nghị quyết của Hiệp hội về sản xuất, chế biến, kinh doanh trong ngành cao su, gây tổn thất cho bạn hàng, cho ngành và quốc gia.

6. Thực hiện các quy định thông tin, báo cáo lên Hiệp hội những vấn đề theo quy chế hoạt động của Ban chấp hành Hiệp hội nhằm phục vụ lợi ích chung của toàn Hiệp hội.

B. Quyền lợi hội viên:

1. Tham gia thảo luận, biểu quyết các vấn đề chung, ứng cử và bầu cử cơ quan quản lý của Hiệp hội và tham gia vào các hoạt động do Hiệp hội tổ chức.

Hội viên liên kết và hội viên danh dự không tham gia ứng cử, đề cử vào Ban chấp hành và không biểu quyết các vấn đề của Hiệp hội.

2. Được cung cấp và cập nhật các thông tin cần thiết về các mặt có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, khoa học công nghệ… đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

3. Được giữ nguyên quyền chủ động của mình trong quan hệ kinh tế, hoạt động đối ngoại; khi cần thiết có thể được Hội ủy quyền thay mặt Hiệp hội trong quan hệ với các tổ chức khác ngoài Hiệp hội, nếu xét thấy việc uỷ nhiệm đó không làm tổn hại đến lợi ích của Hiệp hội, của quốc gia và của hội viên khác trong Hiệp hội.

4. Được hưởng chế độ ưu đãi của Hiệp hội dành cho hội viên. Được Hiệp hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong hoạt động, sản xuất kinh doanh, trong quan hệ với khách hàng trong nước và ngoài nước. Được xét hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu ngành hàng cao su khi gặp thiên tai, rủi ro theo khả năng quỹ hỗ trợ của Hiệp hội và theo yêu cầu trực tiếp, chính đáng cụ thể của hội viên.

5. Hội viên ở vùng khó khăn (miền núi, vùng kinh tế mới, định canh, định cư…) được ưu tiên hưởng các quyền ưu đãi của nhà nước dành cho Hiệp hội.

6. Được Hiệp hội giúp đỡ trong các hoạt động kinh tế đối ngoại, tham quan, khảo sát ở nước ngoài, tham gia các hội trợ, triển lãm, quảng cáo… Hội viên chịu trách nhiệm về chi phí.

7. Được khen thưởng về những kết quả hoạt động đóp góp chung cho Hiệp hội.

8. Được xin ra khỏi Hiệp hội khi tự mình không muốn hoặc không thể tiếp tục tham gia hoạt động với tư cách là hội viên.

Điều 8. Tư cách Hội viên sẽ không có giá trị nếu xảy ra một trong những trường hợp sau đây:

1. Bị đình chỉ chấm dứt hoạt động.

2. Giải thể hoặc phá sản.

3. Theo Quyết định của Ban chấp hành Hiệp hội với sự nhất trí của ít nhất là 3/4 số thành viên Ban chấp hành do một trong những nguyên nhân sau:

a) Không thực hiện đúng hoặc vi phạm nghiêm trọng những nghị quyết, quyết định, quy định của Hiệp hội và điều lệ Hiệp hội.

b) Hoạt động trái với mục đích của Hiệp hội, gây tổn hại đến uy tín hoặc tài chính của Hiệp hội.

Hội viên bị tước tư cách theo khoản 3 Điều 8 có quyền khiếu nại lên Đại hội và quyết định của Đại hội là quyết định cuối cùng.

Chương 4

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ ĐIỀU HÀNH HIỆP HỘI

Điều 9. Tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Cao su Việt Nam theo nguyên tắc tự nguyện và tập trung dân chủ, thể hiện ở các nghị quyết của Đại hội và của Ban chấp hành được biểu quyết theo đa số, các cá nhân chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của mình được phân công.

Điều 10. Tổ chức bộ máy của Hiệp hội Cao su bao gồm:

- Đại hội đại biểu toàn quốc.

- Ban chấp hành.

- Ban kiểm tra.

- Cơ quan giúp việc Ban chấp hành.

Điều 11. Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội Cao su Việt Nam có quyền lực cao nhất Hiệp hội, được tổ chức 5 năm một lần và có nhiệm vụ:

1. Thảo luận và thông qua các báo cáo về tình hình hoạt động và kế hoạch hoạt động của Hiệp hội.

2. Xem xét và thông qua báo cáo, kế hoạch tài chính của Hiệp hội.

3. Xem xét và quyết định các vấn đề có liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của các Hội viên, các quyết định của Ban Chấp hành Hiệp hội về việc kết nạp hoặc khai trừ Hội viên.

4. Xem xét và quyết định việc bổ sung, sửa đổi điều lệ Hiệp hội.

5. Bầu ban chấp hành Hiệp hội và Ban kiểm tra Hiệp hội.

6. Trong trường hợp số hội viên lên trên 100, Đại hội tiến hành theo hình thức Đại hội Đại biểu, số lượng đại biểu sẽ do Ban chấp hành theo hình thức Đại hội Đại biểu, số lượng đại biểu sẽ do Ban chấp hành quy định căn cứ theo tỷ lệ hội viên. Nếu số hội viên ít hơn 100, Đại hội bao gồm toàn thể hội viên.

Điều 12. Hội nghị hội viên được triệu tập một năm một lần để bàn và quyết định công việc của Hiệp hội theo quy định tại khoản 1,2,3 của Điều 11.

Điều 13. Khi cần thiết, theo yêu cầu của trên một nửa số hội viên, hoặc theo quyết định của Ban chấp hành Hiệp hội, Đại hội Đại biểu toàn quốc hoặc Hội nghị hội viên bất thường có thể được triệu tập.

Điều 14. Đại hội và Hội nghị hội viên tiến hành biểu quyết các vấn đề theo nguyên tắc đa số.

- Các quyết định được thể hiện bằng nghị quyết. Khi thông qua với số phiếu hợp lệ (có quy chế cụ thể riêng) thì được coi là bắt buộc đối với các hội viên Hiệp hội.

- Trường hợp hội viên vắng mặt được quyền gửi ý kiến bằng văn bản.

Điều 15. Ban chấp hành Hiệp hội:

1. Ban chấp hành Hiệp hội là cơ quan điều hành hoạt động của Hiệp hội giữa các kỳ Đại hội.

2. Thành viên của Ban chấp hành Hiệp hội từ 15 đến 17 người, trong đó có 02 thành viên đại diện cho các cơ quan Nhà nước là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại; các đại diện này do Bộ trưởng của mỗi Bộ trên cử. Số thành viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định. Thành viên của Ban chấp hành được phân bổ theo tỷ lệ hội viên trong từng khu vực, lãnh thổ.

3. Ban chấp hành Hiệp hội gồm:

- Chủ tịch.

- Các Phó Chủ tịch.

- Tổng thư ký.

- Các Ủy viên.

Chủ tịch và Phó Chủ tịch do Ban chấp hành Hiệp hội bầu ra.

Nhiệm kỳ của Ban chấp hành Hiệp hội là 5 năm, thành viên của Ban chấp hành Hiệp hội được bầu có thể miễn nhiệm trước thời hạn theo quyết định của Đại hội bất thường hoặc theo đề nghị của trên 2/3 hội viên.

Trong trường hợp thành viên của ban chấp hành nghỉ hưu, bị đình chỉ công tác hoặc vì lý do khác không thể tiếp tục nhiệm vụ của Ban chấp hành, thì Hội viên là pháp nhân có các thành viên đó cử người khác thay thế và phải thông báo cho Chủ tịch Hiệp hội trong vòng 30 ngày. Người được cử thay thế chỉ được công nhận là thành viên Ban chấp hành với sự chấp thuận ít nhất 2/3 số thành viên Ban chấp hành.

4. Ban chấp hành Hiệp hội thường kỳ 6 tháng một lần để xem xét và đánh giá tình hình hoạt động của Hiệp hội, bàn bạc và quyết định các biện pháp cần thiết để thực hiện nghị quyết của đại hội Hiệp hội.

Khi cần, Ban chấp hành Hiệp hội có thể họp bất thường theo triệu tập của Chủ tịch Hiệp hội.

Ban chấp hành Hiệp hội ra nghị quyết các vấn đề lớn liên quan đến chủ trương, đối sách chung của toàn Hiệp hội phải được 100% thành viên Ban chấp hành có mặt nhất trí. Những vấn đề khác được biểu quyết theo đa số.

Nghị quyết của Ban chấp hành Hiệp hội có thể mất hiệu lực bằng phủ quyết của Đại hội toàn thể hoặc Đại hội Đại biểu hội viên.

Điều 16. Nhiệm vụ của Ban chấp hành Hiệp hội:

1. Tổ chức thực hiện điều lệ, các nghị quyết, các quy định đã được Đại hội hoặc Hội nghị hội viên thông qua.

2. Thực hiện các nghĩa vụ của thành viên đối với các tổ chức Quốc tế mà Hiệp hội tham gia (cung cấp thông tin, nộp niên liễm cho Hiệp hội).

3. Đề xuất ý kiến cho các cơ quan Nhà nước giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành cao su và của các hội viên, nhằm thực hiện hiệu quả sản xuất, áp dụng hoa học công nghệ và xuất nhập khẩu cao su, nâng cao tính cạnh tranh của mặt hàng cao su Việt Nam trên thị trường quốc tế, bảo vệ quyền lợi của Hội viên.

4. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, chuẩn bị các nội dung, xây dựng các dự án, dự thảo quy chế trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất nhập khẩu, tổ chức quản lý để đưa ra Đại hội Hiệp hội quyết định.

5. Ban chấp hành triệu tập Hội nghị đại biểu, Hội nghị đại biểu bất thường hội viên để giải quyết các vấn đề phát sinh quan trọng có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh và tổ chức quản lý của Hiệp hội khi chưa đến nhiệm kỳ đại hội.

6. Xét kết nạp, khai trừ, khen thưởng các hội viên, đề nghị Hiệp hội và các cơ quan Nhà nước xử lý các hội viên trong Hiệp hội vi phạm điều lệ hoặc vi phạm các quy định, thể chế, pháp luật cũng như lợi ích của Nhà nước.

Điều 17. Cơ quan thường trực ban chấp hành Hiệp hội gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng thư ký.

Cơ quan Thường trực có trách nhiệm điều hành công việc thường xuyên của Ban chấp hành Hiệp hội.

Điều 18. Chủ tịch Hiệp hội là người đại diện hợp pháp cho Hiệp hội, điều hành hoạt động của Ban chấp hành, thay mặt Ban chấp hành và Hiệp hội trong quan hệ với các cơ quan, các tổ chức trong và ngoài nước để giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Hiệp hội.

Chủ tịch Ban chấp hành có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ban chấp hành giải quyết từng vấn đề sau khi Ban chấp hành bàn bạc thống nhất. Khi Chủ tịch đi vắng. Một Phó Chủ tịch được Ủy quyền điều hành hoạt động của Ban chấp hành và bộ máy giúp việc của Ban chấp hành.

Điều 19. Tổng thư ký là thành viên Ban chấp hành, giúp Ban chấp hành xử lý các công việc hàng ngày của cơ quan Thường trực Ban chấp hành.

Tổng thư ký là người phụ trách Văn phòng của Hiệp hội, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của văn phòng Hiệp hội.

Tổng thư ký giúp Chủ tịch trong việc giao dịch với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm thực hiện các chương trình công tác của Hiệp hội.

Tổng thư ký do Chủ tịch đề cử và Ban chấp hành thông qua. Nhiệm kỳ của Tổng thư ký là 05 năm.

Điều 20. Để giúp cho Ban chấp hành, Hiệp hội thành lập Văn phòng của Hiệp hội do Tổng thư ký Hiệp hội phụ trách. Số lượng cán bộ - nhân viên văn phòng Hiệp hội do Chủ tịch đề xuất và phải được Ban chấp hành thông qua.

Điều 21. Căn cứ yêu cầu thực tế công việc, Ban chấp hành Hiệp hội được thành lập các Tiểu ban giúp (Tiểu ban Khuyến nông, Khoa học - kỹ thuật, Thị trường giá cả - marketing,…)

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thường trực Ban chấp hành Hiệp hội có thể mời một số cán bộ làm cố vấn.

Điều 22. Ban kiểm tra gồm có 03 thành viên do Đại hội hoặc Hội nghị hội viên bầu với nhiệm kỳ 05 năm, trong đó có 01 Trưởng ban là thành viên của Ban chấp hành, thực hiện theo Quy chế được Ban hành thông qua.

Ban kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra tư cách Đại biểu tham dự Đại hội; kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đại hội, của Ban chấp hành; kiểm tra về tài chính và báo cáo kết quả kiểm tra về tài chính và báo cáo kết quả kiểm tra trước Ban chấp hành, trước hội nghị hàng năm và trước Đại hội.

Chương 5

TÀI CHÍNH CỦA HIỆP HỘI

Điều 23. Tài chính của Hiệp hội bao gồm các nguồn:

- Lệ phí gia nhập và hội phí do hội viên đóng góp. Mức thu cụ thể từng năm do Chủ tịch Hiệp hội đề xuất thông qua Ban chấp hành và Đại hội hoặc Hội nghị hội viên quyết định. Hội phí được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí hoạt động của hội viên.

- Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su được thành lập theo quy định của Nhà nước.

- Tài trợ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Hoạt động của Hiệp hội tạo ra.

- Các nguồn thu hợp pháp khác.

 Điều 24. Quy chế quản lý và sử dụng tài chính – tài sản của Hiệp hội do Ban chấp hành Hiệp hội xây dựng trên cơ sở các quy định của Nhà nước và Đại hội Hiệp hội, có cán bộ (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) giúp việc, định kỳ báo cáo quyết toán công khai trước Ban chấp hành Hiệp hội về quản lý và sử dụng.

Chương 6

THÀNH LẬP - GIẢI THỂ HIỆP HỘI

Điều 25. Hiệp hội giải thể khi có 2/3 số đại biểu Hội viên tại Đại hội kiến nghị bằng nghị quyết và được Bộ Nội vụ phê chuẩn. Khi giải thể, Ban chấp hành Hiệp hội có trách nhiệm giải quyết đầy đủ những thủ tục, những việc có liên quan giữa Hiệp hội với các hội viên theo đúng luật pháp.

Chương 7

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Điều lệ này có 7 chương, 26 Điều đã được Đại hội toàn thể hội viên Hiệp hội Cao su Việt Nam nhất trí thông qua ngày 24 tháng 6 năm 2004. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ phải được Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Cao su Việt Nam nhất trí kiến nghị và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có giá trị thực hiện./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 67/2004/QĐ-BNV ngày 13/10/2004 phê duyệt bản Điều lệ của Hiệp hội Cao su Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.924

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.19.205
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!