BỘ TƯ PHÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4279/QĐ-BTP
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 11 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG KẾT CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH VÀ VIỆC THỰC HIỆN
CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HỘ TỊCH
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22
tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06
tháng 8 năm 2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012
và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011;
Căn cứ Quyết định số 1681/QĐ-TTg ngày 27
tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì,
soạn thảo dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm
2012 và các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng
luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hành chính tư
pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ
tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin
và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3 (để thi hành);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg Nguyễn Xuân Phúc (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Bộ Ngoại giao (để phối hợp);
- Bộ Công an (để phối hợp);
- Bộ Nội vụ (để phối hợp);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (để phối hợp);
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để chỉ đạo thực hiện);
- Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc TW (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ HCTP.
|
BỘ TRƯỞNG
Hà Hùng Cường
|
KẾ HOẠCH
TỔNG
KẾT CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH VÀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM
PHÁP LUẬT VỀ HỘ TỊCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4279/QĐ-BTP ngày 17 tháng 11 năm 2011 của
Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Trong những năm gần đây, với những cố gắng
của hệ thống cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch từ cấp Trung ương đến cấp cơ
sở, sự phối hợp của các ngành liên quan đã tạo nên bước chuyển biến tích cực
trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Hoạt động quản lý hộ tịch ngày càng
khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng một nền hành
chính công minh bạch, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phục vụ. Thông qua
việc quản lý hộ tịch của chính quyền các cấp đã giúp Nhà nước theo dõi thực
trạng và sự biến động về hộ tịch, trên cơ sở đó bảo hộ các quyền, lợi ích hợp
pháp của cá nhân và gia đình, đồng thời góp phần xây dựng các chính sách về
kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và dân số, kế hoạch hóa gia đình. Hệ thống
pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực hộ tịch (kể cả văn bản pháp luật điều chỉnh
lĩnh vực hộ tịch trong nước và hộ tịch có yếu tố nước ngoài) đã ngày càng được
hoàn thiện và đã phát huy hiệu quả tích cực; tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại
văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trực tiếp điều chỉnh trong lĩnh vực hộ tịch
chỉ là Nghị định nên phải phụ thuộc vào văn bản cao hơn; mặt khác, các văn bản
này còn nhiều và tản mát (có tới 05 Nghị định, 05 Thông tư và 01 Thông tư liên
tịch), điều này đã gây khó khăn cho cơ quan đăng ký hộ tịch khi áp dụng để giải
quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch của công dân.
Ngày 06/8/2011, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp
thứ nhất đã thông qua Nghị quyết số 07/2011/QH13 về Chương trình xây dựng luật,
pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm
2011. Trong đó, Luật Hộ tịch đã được đưa vào chương trình chính thức trình Quốc
hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Ngày 27 tháng 9 năm 2011,
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1681/QĐ-TTg về việc phân công cơ
quan chủ trì, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật,
pháp lệnh năm 2012 và các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội; trong đó Luật Hộ tịch sẽ
trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2012 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem
xét, cho ý kiến vào tháng 8 năm 2012. Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn
bản quy phạm pháp luật về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện các văn bản
quy phạm pháp luật trong quy trình xây dựng luật (khoản 1 Điều
33), Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ
tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch bao gồm các
nội dung sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
VÀ PHẠM VI TỔNG KẾT
1. Mục đích tổng kết
Đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực
trạng công tác hộ tịch từ trước đến nay về thể chế và tổ chức thực hiện thể
chế; rút ra những kinh nghiệm thành công và chưa thành công trong công tác hộ
tịch để làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Luật Hộ tịch, đồng thời tạo
chuyển biến cơ bản, bền vững, bảo đảm công tác đăng ký hộ tịch được chính xác,
đầy đủ, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh, quốc
phòng trong thời gian tới.
2. Yêu cầu tổng kết
Việc tổng kết cần được thực hiện nghiêm túc,
toàn diện ở tất cả các cấp (từ cấp xã đến cấp Trung ương) và các Cơ quan đại
diện Việt Nam ở nước ngoài; nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng
thực tế khách quan, có phân tích, đánh giá sâu sắc; tránh làm theo kiểu thống
kê, báo cáo thành tích. Mỗi cấp ở địa phương và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở
nước ngoài khi đánh giá phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình để đi
sâu vào từng nội dung tổng kết (theo những nội dung liên quan hướng dẫn tại Mục
II của Kế hoạch này); kết quả tổng kết phải xây dựng thành Báo cáo để gửi cấp
trên; Việc tổng kết cần được tiến hành một cách bài bản, bảo đảm chất lượng,
phục vụ đắc lực cho công tác xây dựng Luật Hộ tịch với những cải cách cơ bản
nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đăng ký hộ tịch trong thời gian tới.
3. Phạm vi tổng kết
- Đánh giá các quy định của pháp luật hiện
hành về hộ tịch (đánh giá mặt được, mặt chưa được của mô hình cơ quan quản lý,
đăng ký hộ tịch; đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về hộ tịch;
đánh giá phương pháp đăng ký hộ tịch, lưu trữ sổ hộ tịch, cấp giấy tờ hộ tịch…
theo quy định của pháp luật hộ tịch hiện hành);
- Đánh giá tình hình đăng ký và quản lý hộ
tịch từ khi ngành Tư pháp tiếp nhận công tác này từ năm 1987 đến nay (đánh giá
những mặt đã đạt được; những hạn chế, tồn tại; những khó khăn, vướng mắc;
nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp).
- Thống kê, đánh giá tình hình lưu sổ hộ tịch
(trong đó tập trung vào 03 loại sổ: Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký kết hôn,
Sổ đăng ký khai tử) từ năm 1987 đến nay. Đối với những tỉnh, thành phố có những
sổ hộ tịch từ trước năm 1987 đang lưu tại Sở Tư pháp và UBND huyện, quận, thị
xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là UBND cấp huyện) thì cũng báo cáo chung
tình hình lưu các loại sổ này.
- Tổng hợp, báo cáo thống kê số liệu đăng ký
hộ tịch được ghi trong các sổ hộ tịch đang lưu trữ (Ví dụ: xã A lưu được 40
quyển Sổ đăng ký khai sinh, thống kê được 2000 trường hợp khai sinh đã được
đăng ký trong các sổ đó).
Số liệu đăng ký hộ tịch của UBND cấp huyện là
tổng hợp số liệu báo cáo của các UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND
cấp xã) trong địa bàn và số liệu đăng ký trong sổ hộ tịch đang lưu tại UBND cấp
huyện (số liệu đăng ký trong sổ hộ tịch đang lưu tại UBND cấp huyện chỉ thống
kê trong các sổ hộ tịch chỉ có lưu tại UBND cấp huyện mà không lưu ở UBND cấp
xã); đối với các loại sổ kép đang lưu đồng thời tại UBND cấp xã và UBND cấp
huyện, thì chỉ UBND cấp xã thống kê báo cáo, UBND cấp huyện không phải thống kê
số liệu đăng ký trong sổ hộ tịch lưu kép tại UBND cấp huyện.
II. NỘI DUNG TỔNG KẾT
1. Đánh giá các quy
định của pháp luật về hộ tịch hiện hành trong mối liên hệ với thực tiễn để làm
cơ sở cho việc xây dựng Luật Hộ tịch
Những quy định hiện hành của pháp luật về hộ
tịch bao gồm:
a) Các quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự
năm 2005, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Các văn bản nêu trên tuy không phải là những
văn bản quy định trực tiếp về đăng ký và quản lý hộ tịch, nhưng là quy định về
quyền nhân thân của cá nhân và những quy định mang tính nguyên tắc trong lĩnh
vực hộ tịch, trên cơ sở đó việc đăng ký và quản lý hộ tịch chính là nhằm công nhận
và bảo đảm thực hiện các quyền về hộ tịch của cá nhân, vì vậy cũng cần được
đánh giá theo góc độ quản lý hộ tịch (quy định hiện hành là hợp lý hay chưa hợp
lý, nếu chưa hợp lý thì nêu rõ chưa hợp lý ở điểm nào, kiến nghị sửa đổi như
thế nào cho phù hợp), cụ thể là:
- Quy định của Hiến pháp tại Chương V về
quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định cụ thể tại Điều
64, Điều 65…
- Các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005
tại Mục 2 Chương II về quyền nhân thân, bao gồm các quy định về: quyền đối với họ
tên (Điều 26); quyền thay đổi họ tên (Điều 27);
quyền xác định dân tộc và xác định lại dân tộc (Điều 28);
quyền được khai sinh (Điều 29); quyền được khai tử (Điều 30); quyền kết hôn (Điều 39), quyền ly
hôn (Điều 42); quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con (Điều 43); quyền đối với quốc tịch (Điều 45);
các quy định tại Mục 4 Chương II về giám hộ…
- Các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình
năm 2000, bao gồm các quy định về: đăng ký kết hôn (Điều 11);
thẩm quyền đăng ký kết hôn (Điều 12); giải quyết việc đăng
ký kết hôn (Điều 13); tổ chức đăng ký kết hôn (Điều 14); xác định cha, mẹ (Điều 63); xác
định con (Điều 64); quyền nhận cha, mẹ (Điều
65); thẩm quyền giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước
ngoài (Điều 102)…
b) Những quy định của Nghị định số
68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có
yếu tố nước ngoài và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2006 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP .
c) Những quy định của Nghị định số
158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch,
Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ quy định chi
tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc
hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày
27/3/2002 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình đối với
các dân tộc thiểu số.
Những quy định về thẩm quyền, thủ tục, trình
tự đăng ký hộ tịch; cách thức đăng ký hộ tịch; trách nhiệm quản lý nhà nước về
hộ tịch… trong các văn bản nêu trên cần được xác định là nội dung chính của
việc tổng kết, đánh giá.
d) Các Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự,
hôn nhân và gia đình mà Việt Nam đã ký với các quốc gia khác liên quan đến hộ
tịch.
Phương pháp đánh giá:
Việc đánh giá các quy định của pháp luật nêu
trên cần được giới hạn trong phạm vi đăng ký và quản lý hộ tịch, tính khoa học
và tính thực tiễn của các quy định đó: đồng thời nêu cả những vấn đề hộ tịch
mới phát sinh trong thực tiễn mà chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh.
Đối với các tỉnh có nhiều người dân tộc thiểu
số sinh sống cần chú ý liên hệ với các phong tục tập quán lành mạnh, tốt đẹp về
hôn nhân và gia đình của các dân tộc đó trong mối liên hệ với các quy định của
pháp luật về hộ tịch, đề xuất giải quyết nhằm bảo đảm tính khả thi của pháp
luật, nhưng đồng thời không làm ảnh hưởng đến phong tục tập quán tốt đẹp của
các dân tộc thiểu số đó.
2. Đánh giá tình hình
đăng ký, quản lý hộ tịch và hiệu quả thực tế của công tác này đối với các mặt
kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương trong thời gian qua
a) Sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính
quyền địa phương đối với công tác hộ tịch (đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết
bị làm việc; bố trí công chức thực hiện công tác hộ tịch…).
b) Tổ chức bộ máy làm công tác đăng ký và
quản lý hộ tịch ở 03 cấp (tỉnh, huyện, xã), đặc biệt là việc rà soát, phân
tích, đánh giá về đội ngũ công chức Tư pháp hộ tịch tính đến thời điểm hiện nay
trên tất cả các mặt: số lượng, độ tuổi, dân tộc, trình độ văn hóa, trình độ
chuyên môn, thâm niên đảm nhiệm công tác Tư pháp, Hộ tịch…; chế độ chính sách,
khả năng đáp ứng yêu cầu công tác (cả Tư pháp và Hộ tịch); những điểm hạn chế,
yếu kém và nguyên nhân hạn chế, yếu kém của đội ngũ công chức Tư pháp hộ tịch…
đề xuất giải pháp tăng cường năng lực của đội ngũ công chức Tư pháp hộ tịch.
c) Đánh giá hệ thống sổ hộ tịch, hồ sơ hộ
tịch đang lưu trữ tại:
- Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Sở Tư pháp;
- Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
- Bộ Ngoại giao.
d) Đánh giá tình hình và khả năng khai thác
hệ thống dữ liệu hộ tịch; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc cung
cấp thông tin về hộ tịch, khai thác cơ sở dữ liệu về hộ tịch…
đ) Đánh giá hiệu quả thực tế của công tác hộ
tịch đối với các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương trong
thời gian qua.
e) Đánh giá công tác đăng ký, quản lý hộ tịch
trong mối quan hệ với cải cách thủ tục hành chính.
3. Đánh giá mô hình
đăng ký và quản lý hộ tịch
Mô hình quản lý hộ tịch hiện tại ở 04 cấp:
Trung ương (Bộ Tư pháp), địa phương (tỉnh, huyện, xã); trong đó việc giao đồng
thời cho 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) trực tiếp đăng ký hộ tịch như hiện nay có ưu,
nhược điểm gì? Cần cải tiến, phân cấp như thế nào cho phù hợp?
4. Đánh giá tình hình
ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch
- Đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, bất
cập của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo phương thức đăng ký hộ tịch
thủ công hiện nay;
- Tình hình áp dụng công nghệ thông tin trong
đăng ký, quản lý hộ tịch ở địa phương: Mức độ kết nối thông tin ở các địa
phương đã triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý
hộ tịch;
- Triển vọng của việc tin học hóa đăng ký,
quản lý hộ tịch tại địa phương trong những năm tới.
5. Đánh giá mối quan
hệ giữa hộ tịch với các lĩnh vực khác
- Mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước về hộ
tịch với quản lý Nhà nước thuộc các lĩnh vực của các ngành khác có liên quan ở
địa phương như:
+ Ngành Công an trong quản lý Hộ khẩu, Giấy
chứng minh nhân dân;
+ Ngành Y tế trong quản lý dân số và kế hoạch
hóa gia đình;
+ Ngành Giáo dục và Đào tạo trong quản lý học
bạ, văn bằng chứng chỉ;
+ Ngành Nội vụ trong quản lý hồ sơ cán bộ,
công chức;
+ Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
trong quản lý bảo hiểm xã hội;
+ Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… trong việc
tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cá nhân trong việc thực hiện quyền và
nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.
- Việc sử dụng thông tin về hộ tịch của các
cơ quan có liên quan (cơ quan quản lý hồ sơ cán bộ, công chức; cơ quan quản lý
dữ liệu lý lịch tư pháp…).
- Mối quan hệ giữa các bộ, ngành có liên quan
ở Trung ương, đặc biệt là với Bộ Công an liên quan đến số định danh cá nhân
trong hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với số định danh trong đăng ký hộ
tịch; vấn đề kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở
dữ liệu về hộ tịch trong tương lai; và vấn đề hợp tác quốc tế về hộ tịch.
6. Đề xuất nội dung
xây dựng Luật Hộ tịch
- Về mô hình hệ thống cơ quan đăng ký, quản
lý hộ tịch từ cấp Trung ương đến địa phương:
Luật Hộ tịch cần nghiên cứu, cải tiến mô hình
quản lý và đăng ký hộ tịch như thế nào? Có nên theo hướng tập trung việc đăng
ký hộ tịch vào 01 hoặc 02 cấp không? Nếu 01 cấp đăng ký thì nên giao cho cấp xã
hay cấp huyện; nếu 02 cấp đăng ký thì nên giao cụ thể cho những cấp nào (có nên
giao cho cấp xã và cấp huyện để cấp tỉnh tập trung vào chức năng quản lý nhà
nước không?). Theo mô hình này thì cấp Trung ương là cấp quản lý vĩ mô chuyên
về hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật; cấp tỉnh là cấp tổ chức thực hiện
pháp luật, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra; cấp huyện chủ yếu là kiểm tra, thanh
tra, có thể trực tiếp đăng ký một số việc hộ tịch (theo mô hình 02 cấp đăng
ký), cấp xã là cấp trực tiếp đăng ký.
- Về quan hệ giữa hộ tịch với các lĩnh vực
khác: Luật Hộ tịch cần quy định như thế nào để khai thác, chia sẻ thông tin
giữa lĩnh vực hộ tịch với các lĩnh vực khác (như hệ cơ sở quốc gia về dân cư, chính
sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; lý lịch tư pháp…).
- Về tổ chức, quản lý cơ sở dữ liệu về hộ
tịch:
Cơ sở dữ liệu hộ tịch là kết quả của hoạt
động đăng ký hộ tịch. Cơ sở dữ liệu hộ tịch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối
với hoạt động quản lý hộ tịch và quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Cơ sở dữ
liệu hộ tịch có thể là cơ sở dữ liệu bằng giấy hoặc cơ sở dữ liệu điện tử (hiện
nay ở nước ta cơ sở dữ liệu hộ tịch chủ yếu là bằng giấy); do đó, việc tin học
hóa đăng ký và quản lý hộ tịch là một yêu cầu tất yếu. Việc tin học hóa và xây
dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nên làm theo từng địa phương (tức là mỗi
tỉnh, thành phố có cơ sở dữ liệu tập trung cấp tỉnh, có thể có cơ sở dữ liệu
cấp huyện) hay cần xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc? Biện pháp trước
mắt và lâu dài nên tiến hành như thế nào cho khả thi với điều kiện kinh tế - xã
hội của nước ta? Đề xuất vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu
về hộ tịch với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan (hộ khẩu, chứng
minh nhân dân, lý lịch tư pháp…).
- Về mã số công dân:
Dự kiến mã số này được cấp cho mỗi cá nhân
một lần duy nhất trong đời vào lúc đăng ký khai sinh và sử dụng cho đến khi
chết; mỗi cá nhân có một mã số riêng, không trùng với bất kỳ một người nào
khác. Trên thế giới hiện hay đã có rất nhiều nước áp dụng việc cấp và sử dụng
một mã số cá nhân, ở Việt Nam mã số cá nhân chưa được áp dụng trong lĩnh vực hộ
tịch. Một số loại mã số tương tự đang được áp dụng ở nước ta để phục vụ cho
hoạt động quản lý của một số ngành như: số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, mã
số thuế cá nhân, mã số bảo hiểm xã hội… trong các mã số nêu trên thì số chứng
minh nhân dân là phổ biến nhất (được áp dụng cho tất cả công dân từ đủ 14 tuổi
trở lên). Hiện nay số chứng minh nhân dân đang được sử dụng phổ biến trong hoạt
động quản lý của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Ngay cả các lĩnh vực quản lý có
mã số chuyên ngành cũng đều sử dụng số chứng minh nhân dân để hỗ trợ cho việc
nhận dạng. Như vậy, số chứng minh nhân dân đã được thừa nhận như một mã số cá
nhân (số định danh cá nhân), tuy nhiên hạn chế của mã số này là chỉ được cấp
cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, người dưới 14 tuổi không được cấp. Với những
thực tế nêu trên, thì Luật Hộ tịch nên quy định việc xây dựng mã số cá nhân
trên cơ sở nào (cấp mã số cá nhân ngay từ khi đăng ký khai sinh lần đầu cho
công dân hay lấy theo số Chứng minh nhân dân của ngành Công an).
- Về chế định Hộ tịch viên:
Hiện nay, trong công tác đăng ký hộ tịch,
công chức Tư pháp hộ tịch, là một công chức giúp việc cho Chủ tịch UBND cấp xã,
không trực tiếp ký các loại giấy tờ hộ tịch, không chịu trách nhiệm trực tiếp
đối với các giấy tờ hộ tịch do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND cấp xã ký, mặc
dù các loại giấy tờ đó đều do công chức Tư pháp hộ tịch lập ra. Ngoài việc giúp
UBND cấp xã thực hiện việc quản lý và đăng ký hộ tịch ở địa phương, công chức
Tư pháp hộ tịch còn phải đảm nhiệm rất nhiều công việc tư pháp khác, do đó ảnh
hưởng nhiều đến chất lượng công tác hộ tịch ở cơ sở. Để bảo đảm ổn định và nâng
cao chất lượng công tác hộ tịch, Luật Hộ tịch cần quy định về chức danh Hộ tịch
viên trên cơ sở tách riêng công tác hộ tịch khỏi công tác tư pháp khác, theo
hướng chuyên nghiệp hóa chức danh Hộ tịch viên. Chức danh Hộ tịch viên cần được
đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ hộ tịch như các chức danh tư pháp khác (Công
chứng viên, Trợ giúp viên pháp lý, Đấu giá viên…). Trên cơ sở đó, yêu cầu về
tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Hộ tịch viên; quyền hạn và trách nhiệm của Hộ
tịch viên… cần quy định như thế nào cho phù hợp?
- Các đề xuất khác (nếu có).
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Phân công nhiệm vụ
1.1. Đối với các địa phương
a) Ủy ban nhân dân cấp xã
- Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn
xây dựng báo cáo tổng kết gửi UBND cấp huyện bao gồm những nội dung sau đây:
+ Đánh giá quy định của Nghị định số
158/2005/NĐ-CP , Nghị định số 77/2001/NĐ-CP , Nghị định số 32/2002/NĐ-CP trong
mối liên hệ với thực tiễn, rút ra những điểm hợp lý hoặc không hợp lý để làm cơ
sở cho việc xây dựng Luật Hộ tịch (nêu tại điểm c khoản 1 Mục II của Kế hoạch
này);
+ Đánh giá về tình hình đăng ký, quản lý hộ
tịch và hiệu quả thực tế của công tác này đối với các mặt kinh tế, xã hội, an
ninh, quốc phòng tại địa phương trong thời gian qua (nêu tại khoản 2 Mục II của
Kế hoạch này);
+ Đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông
tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch (nêu tại khoản 4 Mục II của Kế hoạch này);
+ Đánh giá tình hình phối hợp giữa công tác
quản lý hộ tịch với các công tác quản lý nhà nước khác ở địa phương (nêu tại khoản
5 Mục II của Kế hoạch này);
+ Rà soát đội ngũ công chức Tư pháp hộ tịch
(theo biểu Phụ lục 1 kèm theo Kế hoạch này);
+ Thống kê số lượng sổ hộ tịch đang lưu trữ
tại UBND cấp xã (theo biểu Phụ lục 4 kèm theo Kế hoạch này).
+ Thống kê số liệu đăng ký trong sổ hộ tịch
đang lưu trữ tại UBND cấp xã (theo biểu Phụ lục 7 kèm theo Kế hoạch này).
Công chức Tư pháp hộ tịch có trách nhiệm giúp
Chủ tịch UBND cấp xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Chỉ đạo UBND cấp xã gửi báo cáo tổng kết
đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng, số liệu thống kê báo cáo phải chính xác;
- Tổng hợp kết quả báo cáo tổng kết của các
UBND cấp xã trong địa phương và tổ chức Hội nghị tổng kết ở cấp huyện có sự
tham gia của các cơ quan, ban, ngành ở địa phương như: Công an; Tài chính; Nội
vụ; Giáo dục và đào tạo; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Hội Phụ nữ;
Đoàn Thanh niên; Mặt trận và đại diện UBND các xã, phường, thị trấn trong địa
bàn.
- Báo cáo tổng kết của UBND cấp huyện gửi Sở
Tư pháp bao gồm những nội dung sau đây:
+ Đánh giá quy định của Nghị định số
158/2005/NĐ-CP trong mối liên hệ với thực tiễn, rút ra những điểm hợp lý hoặc
không hợp lý để làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Hộ tịch (nêu tại điểm c khoản
1 Mục II của Kế hoạch này);
+ Đánh giá tình hình đăng ký, quản lý hộ tịch
và hiệu quả thực tế của công tác này đối với các mặt kinh tế, xã hội, an ninh,
quốc phòng tại địa phương trong thời gian qua (nêu tại khoản 2 Mục II của Kế
hoạch này);
+ Đánh giá mô hình quản lý, đăng ký hộ tịch
(nêu tại khoản 3 Mục II của Kế hoạch này);
+ Đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông
tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch (nêu tại khoản 4 Mục II của Kế hoạch này);
+ Đánh giá tình hình phối hợp giữa công tác
hộ tịch với các công tác quản lý nhà nước khác ở địa phương (nêu tại khoản 5 Mục
II của Kế hoạch này);
+ Đề xuất nội dung xây dựng Luật Hộ tịch theo
những gợi ý được nêu tại khoản 6 Mục II của Kế hoạch này;
+ Tổng hợp kết quả rà soát đội ngũ cán bộ Tư
pháp hộ tịch (qua tổng hợp kết quả của UBND cấp xã) (theo biểu Phụ lục 2 kèm
theo Kế hoạch này);
+ Tổng hợp, thống kê số sổ hộ tịch đang lưu
trữ tại UBND cấp xã trong địa bàn và sổ hộ tịch đang lưu tại UBND cấp huyện
(theo biểu Phụ lục 5 kèm theo Kế hoạch này);
+ Tổng hợp, thống kê số liệu đăng ký trong sổ
hộ tịch đang lưu trữ tại UBND cấp xã trong địa bàn và số liệu trong sổ hộ tịch
đang lưu trữ tại UBND cấp huyện (theo biểu Phụ lục 8 kèm theo Kế hoạch này).
Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, giúp
UBND cấp huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Thành lập Ban chỉ đạo tổng kết, do một Lãnh
đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Trưởng
ban thường trực, các thành viên gồm: đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh/thành
phố; đại diện các ban, ngành ở cấp tỉnh như: Công an; Tài chính; Nội vụ; Ngoại
vụ (nếu có); Giáo dục và đào tạo; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban
dân tộc (nếu có); Hội Liên hiệp phụ nữ; Đoàn Thanh niên; Mặt trận và đại diện
UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong địa bàn.
- Ban chỉ đạo tổng kết có nhiệm vụ xây dựng
và triển khai Kế hoạch tổng kết ở địa phương theo đúng yêu cầu của Kế hoạch
này; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các UBND cấp huyện trong việc tiến hành tổng
kết; chỉ đạo xây dựng báo cáo tổng hợp về tình hình đăng ký và quản lý hộ tịch
của địa phương, tổ chức Hội nghị tổng kết toàn tỉnh/thành phố.
Báo cáo tổng kết của UBND cấp tỉnh gửi Bộ Tư
pháp bao gồm những nội dung sau đây:
+ Đánh giá theo các nội dung đã nêu tại Mục
II của Kế hoạch này;
+ Tổng hợp kết quả rà soát đội ngũ công chức
Tư pháp hộ tịch (qua tổng hợp kết quả của UBND cấp huyện) (theo biểu Phụ lục 3
kèm theo Kế hoạch này);
+ Thống kê số lượng sổ hộ tịch đang lưu trữ
tại UBND cấp xã và UBND cấp huyện (qua tổng hợp số liệu do UBND cấp huyện báo
cáo) và số sổ hộ tịch đang lưu tại Sở Tư pháp (theo biểu Phụ lục 6 kèm theo Kế
hoạch này);
+ Thống kê số liệu đăng ký trong sổ hộ tịch
lưu tại UBND cấp xã và UBND cấp huyện (qua tổng hợp số liệu do UBND cấp huyện
báo cáo) và số liệu đăng ký trong sổ hộ tịch lưu tại Sở Tư pháp (theo biểu Phụ
lục 9 kèm theo Kế hoạch này).
Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu, giúp Ban chỉ
đạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Các ban, ngành, đoàn thể các cấp ở địa phương
khi tham dự Hội nghị tổng kết cần có đánh giá về hiệu quả của công tác hộ tịch
đối với công việc của ngành mình.
1.2. Đối với các Cơ quan đại diện
Báo cáo tổng kết của các Cơ quan đại diện gửi
Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp bao gồm những nội dung sau đây:
+ Đánh giá các quy định của pháp luật về hộ
tịch hiện hành trong mối liên hệ với thực tiễn đăng ký và quản lý hộ tịch tại
các Cơ quan đại diện, rút ra những điểm hợp lý hoặc không hợp lý để làm cơ sở
cho việc xây dựng Luật Hộ tịch (nêu tại khoản 1 Mục II của Kế hoạch này);
+ Đánh giá về tình hình đăng ký, quản lý hộ
tịch và hiệu quả thực tế của công tác này đối với các công tác khác ở các Cơ
quan đại diện;
+ Đánh giá đội ngũ viên chức lãnh sự làm công
tác hộ tịch tại các Cơ quan đại diện;
+ Đánh giá thực tế quá trình kết nối, chia sẻ
thông tin hộ tịch giữa các Cơ quan đại diện với nhau, giữa Cơ quan đại diện với
các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch ở trong nước và giữa Cơ quan đại diện với
Bộ Ngoại giao;
+ Đề xuất nội dung xây dựng Luật Hộ tịch theo
những gợi ý được nêu tại khoản 6 Mục II của Kế hoạch này;
+ Thống kê số lượng sổ hộ tịch đang lưu trữ
tại Cơ quan đại diện (theo biểu Phụ lục 10 kèm theo Kế hoạch này);
+ Thống kê số liệu đăng ký trong sổ hộ tịch
đang lưu trữ tại các Cơ quan đại diện (theo biểu Phụ lục 11 kèm theo Kế hoạch
này).
1.3. Đối với các cơ quan Trung ương
a) Bộ Ngoại giao
- Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện
tiến hành tổng kết, báo cáo tình hình đăng ký và quản lý hộ tịch (chủ yếu là ở
những địa bàn có đông công dân Việt Nam sinh sống) theo những nội dung đã nêu
tại khoản 2 của Mục này.
- Bộ Ngoại giao tập hợp báo cáo của các Cơ
quan đại diện, xây dựng báo cáo tình hình quản lý và đăng ký hộ tịch tại các Cơ
quan đại diện; tổng hợp tình hình lưu trữ, thống kê số sổ hộ tịch đang lưu tại
các Cơ quan đại diện và tại Bộ Ngoại giao (theo biểu Phụ lục 12 kèm theo Kế
hoạch này); thống kê số liệu đăng ký hộ tịch trong sổ hộ tịch đang lưu trữ tại
các Cơ quan đại diện và tại Bộ Ngoại giao (theo biểu Phụ lục 13 kèm theo Kế
hoạch này).
Bộ Ngoại giao chỉ thống kê số liệu đăng ký
trong sổ hộ tịch lưu tại Bộ Ngoại giao khi các sổ này chỉ có lưu tại Bộ Ngoại
giao mà không lưu ở Cơ quan đại diện; đối với các loại sổ kép đang lưu đồng
thời tại Cơ quan đại diện và Bộ Ngoại giao, thì chỉ Cơ quan đại diện thống kê
báo cáo.
b) Bộ Tư pháp
- Thành lập Ban chỉ đạo tổng kết toàn quốc,
do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, thành viên Ban chỉ đạo là đại diện Lãnh
đạo các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương như: Bộ Ngoại giao; Bộ Công an; Bộ Tài
chính; Bộ Nội vụ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Ủy ban dân tộc và miền núi; Hội nông dân Việt Nam; Trung ương Hội liên hiệp phụ
nữ Việt Nam.
Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo do Vụ trưởng Vụ
Hành chính tư pháp làm Tổ trưởng, thành viên Tổ giúp việc là đại diện Lãnh đạo
cấp Vụ, Cục và tương đương của các bộ, ngành, đoàn thể đã nêu ở trên.
- Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các bộ,
ngành, đoàn thể ở Trung ương nêu tại điểm này trực tiếp kiểm tra công tác tổng
kết của một số địa phương và chỉ đạo điểm về công tác tổng kết.
- Trên cơ sở tập hợp báo cáo của các địa
phương và của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng báo cáo tổng hợp của
Hội nghị tổng kết toàn quốc.
Vụ Hành chính tư pháp giúp Bộ trưởng trong
việc theo dõi, thực hiện Kế hoạch tổng kết này; phối hợp với các bộ, ngành liên
quan xây dựng Kế hoạch chi tiết tổ chức Hội nghị toàn quốc trình Lãnh đạo Bộ
ký, ban hành.
2. Thời hạn tổng kết
và gửi báo cáo
- Báo cáo tổng kết của UBND cấp xã gửi về
UBND cấp huyện trước ngày 01/02/2012.
- Hội nghị tổng kết ở cấp huyện được tổ chức
trong tháng 2 năm 2012; báo cáo tổng kết của UBND cấp huyện gửi về UBND cấp
tỉnh trước ngày 29/02/2012.
- Hội nghị tổng kết ở cấp tỉnh được tổ chức
vào ngày 15/03/2012.
- Báo cáo tổng kết của UBND cấp tỉnh và Bộ
Ngoại giao gửi về Bộ Tư pháp (Vụ Hành chính Tư pháp) trước ngày 31/3/2012.
- Hội nghị tổng kết toàn quốc được tổ chức
vào cuối tháng 4 năm 2012 theo hình thức Hội nghị trực tuyến hoặc tập trung.
3. Kinh phí
- Kinh phí tổ chức Hội nghị tổng kết tại địa
phương được lấy từ kinh phí hành chính của địa phương.
- Kinh phí chuẩn bị nội dung và tổ chức Hội
nghị tổng kết toàn quốc được lấy từ nguồn kinh phí hàng năm của Bộ Tư pháp./.