BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/QĐ-BNV
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 01 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH KẾ HOẠCH CỦA BỘ NỘI VỤ VỀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRUYỀN THÔNG VỀ QUYỀN CON NGƯỜI Ở
VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2023 - 2028
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Nghị định số 63/2022/NĐ-CP ngày 12/9/2022
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Nội vụ;
Căn cứ Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt
Nam giai đoạn 2023 - 2028;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch của Bộ Nội vụ thực
hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc
Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cổng thông tin điện tử BNV (để đăng tải);
- VPB: Phòng TĐKT&TT (để thực hiện);
- Lưu: VT, VP (M. Châu).
|
BỘ TRƯỞNG
Phạm Thị Thanh Trà
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN TRUYỀN THÔNG VỀ QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2023 - 2028
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 09/QĐ-BNV ngày 11 tháng 01 năm 2023)
I. QUAN ĐIỂM
1. Hiểu biết một cách đúng đắn về quyền con người
cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền
con người là điều kiện tiên quyết để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách
hiệu quả. Thông tin, truyền thông về quyền con người phải được tiến hành thường
xuyên, liên tục với hình thức đa dạng để mọi cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động của Bộ Nội vụ hiểu biết, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền con
người; đấu tranh phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người.
2. Công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm
vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ
Nội vụ, trước mắt và lâu dài. Kết quả tuyên truyền về quyền con người là một
trong những tiêu chí khách quan để đánh giá hiệu quả công tác quyền con người của
các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
3. Tuyên truyền về quyền con người cần được triển
khai trên cả 03 nội dung chính: Phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người;
tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích,
làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người
ở Việt Nam. Trong đó, ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên
các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong nước, quốc
tế về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người của Nhà nước ta.
II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG,
PHẠM VI
1. Mục tiêu tổng quát
Truyền thông đến cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động của Bộ Nội vụ về quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức,
hiểu biết: về các quyền con người; về quan điểm, chủ trương của Đảng, nỗ lực và
kết quả đạt được trong công tác bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam;
nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở trong nước, khu vực
và thế giới.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2028
- 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
của Bộ Nội vụ tuân thủ cơ chế phát ngôn về quyền con người. Người phát ngôn của
Bộ Nội vụ cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về công tác quyền con người
theo quy định hiện hành để thông tin về tình hình và kết quả công tác quyền con
người kịp thời, tương xứng với các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người
theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- 100% công chức, viên chức làm công tác về quyền
con người, 100% công chức, viên chức làm công tác quản lý thông tin, truyền
thông, 100% nhân sự tham gia công tác thông tin đối ngoại của Bộ Nội vụ; 70%
công chức, viên chức lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ được
cập nhật thông tin tình hình công tác quyền con người ở Việt Nam, tập huấn kiến
thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người.
- Chủ trì và tham gia tổ chức Triển lãm ảnh, tài liệu
lưu trữ về quyền con người ở Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài tại
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số địa bàn trọng điểm ở nước
ngoài.
- Đa dạng hóa hình thức các sản phẩm truyền thông về
quyền con người trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ; các tạp chí; Website
của Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia; các Ban, Cục
trực thuộc Bộ Nội vụ và các hình thức truyền thông khác; nâng tỉ trọng các sản
phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài và sản
phẩm truyền thông trên nền tảng số của Bộ Nội vụ chiếm từ 15% đến 20% tổng số sản
phẩm truyền thông về quyền con người.
- 100% nguồn dữ liệu và sản phẩm truyền thông về
quyền con người của Bộ Nội vụ được số hóa, sử dụng chung và phổ biến trên không
gian mạng để lan tỏa thông tin, tích cực, nhân văn, giảm thông tin sai lệch,
tin giả, tin xấu độc hại về quyền con người trên không gian mạng.
3. Yêu cầu
- Nội dung truyền thông: Bám sát nội dung truyền thông
theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/9/2022 phê duyệt
Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 và Kế hoạch
này.
- Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm với vai trò chủ
trì hoặc phối hợp của từng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ để thực hiện Kế
hoạch bảo đảm có chất lượng, hiệu quả.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI
1. Đối tượng
Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ là chủ thể thực hiện
Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/9/2022 phê duyệt Đề
án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 và Kế hoạch
của Bộ Nội vụ.
2. Phạm vi
Thực hiện nhiệm vụ truyền thông về quyền con người ở
Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
IV. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ THỰC HIỆN
KẾ HOẠCH
1. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến đến toàn thể
cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị về Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ ngày 14/9/2022 phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt
Nam giai đoạn 2023 - 2028 và Kế hoạch này để chủ động thực hiện theo chức năng,
nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.
- Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp thông tin
giữa các đơn vị để cung cấp thông tin định kỳ cho cơ quan báo chí nhanh chóng,
trung thực, chính xác về các nhiệm vụ đã thực hiện liên quan đến quyền con người
theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.
- Đẩy mạnh truyền thông về quyền con người lồng
ghép trong các buổi sinh hoạt Chi bộ, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề,
các buổi hội nghị, hội thảo của đơn vị. Thông tin tuyên truyền kịp thời về các
văn bản hướng dẫn, chủ trương, chính sách của Đảng về quyền con người.
- Vận động các công chức, viên chức, người lao động
tích cực tham gia các cuộc thi viết, tìm hiểu kiến thức pháp luật về quyền con
người tại địa phương theo chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền.
- Báo cáo sơ kết 03 năm và tổng kết thực hiện Kế hoạch
của Bộ Nội vụ về thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam về
Văn phòng Bộ để tổng hợp, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
2. Vụ Tổ chức cán bộ
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức
về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người.
- Cử nhân sự của Bộ tham gia tập huấn, học tập,
nghiên cứu về quyền con người khi có yêu cầu của các Bộ, ngành có liên quan.
- Rà soát, thống kê công chức, viên chức của Bộ Nội
vụ có chuyên môn, nghiệp vụ, đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về
quyền con người (nếu có) để có kế hoạch sử dụng nhân lực phù hợp.
3. Vụ Hợp tác Quốc tế
- Cập nhật thông tin các điều ước quốc tế liên quan
đến quyền con người mà Việt Nam là thành viên để phổ biến đến các đơn vị thuộc,
trực thuộc Bộ.
- Là đầu mối theo dõi, tham dự các hội nghị, hội thảo
quốc tế có nội dung liên quan đến quyền con người.
4. Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước
- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn,
công bố trong và ngoài nước các tài liệu lưu trữ Nhà nước phản ánh tư tưởng quyền
con người của Việt Nam.
- Chủ trì chia sẻ các hình ảnh, tài liệu, số liệu
phản ánh nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam thông qua các
buổi triển lãm tư liệu, công bố tư liệu do Cục Văn thư và Lưu trữ thực hiện.
5. Ban Tôn giáo Chính phủ
- Chủ trì xây dựng các sản phẩm truyền thông, phát
triển dữ liệu truyền thông về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và kết quả bảo đảm
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
- Chủ trì tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề,
tọa đàm chuyên gia nhằm nâng cao, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng nghiệp vụ về quyền
con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Phối hợp với Trung tâm thông tin của Bộ Nội vụ để
số hóa, tích hợp vào cơ sở dữ liệu dùng chung về quyền con người về quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo và kết quả bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt
Nam.
6. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương
- Phối hợp với Trung tâm thông tin; Tạp chí Tổ chức
Nhà nước thực hiện nội dung tại Mục 8 Phần IV Kế hoạch này.
- Đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện
tốt nhiệm vụ truyền thông về Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
ngày 14/9/2022 phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai
đoạn 2023 - 2028.
7. Học viện Hành chính Quốc gia
- Phối hợp với Trung tâm thông tin; Tạp chí Tổ chức
Nhà nước thực hiện các nội dung tại Mục 8 Phần IV Kế hoạch này.
- Tổ chức các buổi truyền thông, hội thảo về quyền
con người trong các chương trình giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng của Học viện
Hành chính Quốc gia.
8. Trung tâm thông tin, Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Đẩy mạnh truyền thông về quyền con người trên nền
tảng số; đặt bài, viết bài về quyền con người, về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm
quyền con người; làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình
hình quyền con người ở Việt Nam.
- Tổ chức theo dõi, tổng hợp dư luận báo chí trong
và ngoài nước, xây dựng lập luận đấu tranh với các thông tin sai lệch về tình
hình bảo đảm quyền con người thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và có
báo cáo khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
- Tiếp nhận các xuất bản phẩm chính thống của các tổ
chức, cơ quan về quyền con người để kịp thời đăng tải trên Cổng thông tin điện
tử của Bộ, Tạp chí Tổ chức Nhà nước; ưu tiên các sản phẩm có phong cách mới,
cách nhìn mới dễ tiếp cận và lan truyền trên mạng xã hội; sách điện tử có thể
quét mã QR, tải lên các ứng dụng trực tuyến như Viber; Zalo của Bộ Nội vụ.
- Tích hợp các nội dung, nhiệm vụ từ các đề án truyền
thông hiện hành về quyền con người trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Tạp chí
Tổ chức Nhà nước.
- Công bố, cập nhật thông tin về kết quả triển khai
thực hiện quyền con người trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Tạp chí Tổ chức
Nhà nước.
- Cử viên chức, phóng viên phụ trách truyền thông,
phóng viên, biên tập viên tham dự các Hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, tọa
đàm chuyên gia nhằm nâng cao, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ truyền
thông về quyền con người.
9. Văn phòng Bộ
- Phối hợp với Trung tâm thông tin; Tạp chí Tổ chức
Nhà nước thực hiện nội dung tại Mục 8 Phần IV Kế hoạch này.
- Chủ trì tham mưu, đề xuất các hình thức tuyên
truyền về quyền con người tại trụ sở Bộ Nội vụ.
- Chủ trì đề xuất thành lập tiểu ban tuyên truyền
Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/9/2022 phê duyệt Đề
án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 và Kế hoạch
của Bộ Nội vụ.
- Là đơn vị đầu mối tiếp nhận, tổng hợp Báo cáo thường
xuyên, định kỳ, báo cáo sơ kết 03 năm và các báo cáo đột xuất khác từ các đơn vị
thuộc, trực thuộc về thực hiện Đề án, Kế hoạch trình cấp có thẩm quyền khi có
yêu cầu.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ
- Triển khai, thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ ngày 14/9/2022 phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con
người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 và Kế hoạch này bảo đảm chất lượng, hiệu
quả.
- Chủ động xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện,
trong mỗi nhiệm vụ của đơn vị cần xây dựng thời gian thực hiện và sản phẩm cụ
thể; phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính để dự toán thực hiện Kế
hoạch trong dự toán ngân sách nhà nước của đơn vị (trong trường hợp Kế hoạch
triển khai thực hiện của đơn vị cẩn nguồn ngân sách).
2. Kinh phí thực hiện
- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này
được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Mục 12 Phần VII Quyết
định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền
thông về quyền con người ở Việt Nam.
- Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với
Văn phòng Bộ bố trí kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ
trên cơ sở thực tế tình hình quản lý ngân sách của Bộ và theo quy định của pháp
luật./.