Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 83/1998/NĐ-CP đăng ký hộ tịch

Số hiệu: 83/1998/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 10/10/1998 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 83/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1998

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để thực hiện thống nhất việc quản lý nhà nước về hộ tịch, nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đăng ký hộ tịch;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hộ tịch và đăng ký hộ tịch

Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết.

Đăng ký hộ tịch theo quy định của Nghị định này là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

1. Xác nhận các sự kiện: Sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi họ, tên, chữ đệm; cải chính họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; xác định lại dân tộc; đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn; đăng ký lại các việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi;

2. Căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ghi vào sổ đăng ký hộ tịch các việc về ly hôn, xác định cha, mẹ, con, thay đổi quốc tịch, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, huỷ hôn nhân trái pháp luật, hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc những sự kiện khác do pháp luật quy định. Giấy tờ hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo thủ tục, trình tự được quy định tại Nghị định này là bằng chứng công nhận các sự kiện về hộ tịch, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức.

Điều 2. Mục đích quản lý hộ tịch Quản lý hộ tịch là công việc thường xuyên của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện để theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tại cơ sở xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch Các sự kiện hộ tịch đều phải được đăng lý tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Nghị định này.

Cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch và có trách nhiệm tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

Điều 4. Nguyên tắc đăng ký, kiểm tra và xử lý các vi phạm về hộ tịch

Việc đăng ký, kiểm tra và xử lý các vi phạm về hộ tịch phải được thực hiện kịp thời, khách quan, chính xác theo quy định của Nghị định này và những quy định khác của pháp luật về hộ tịch.

Điều 5. Đăng ký và quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài

Việc đăng ký và quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của Nghị định này và những quy định khác của pháp luật về hộ tịch. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Nghị định này và những quy định khác của pháp luật về hộ tịch, thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Điều 6. Việc lưu sổ đăng ký hộ tịch

Sổ đăng ký hộ tịch được lưu ở hai cấp: một bộ sổ lưu tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đăng ký hộ tịch và một bộ sổ lưu tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh).

Điều 7. Lệ phí hộ tịch

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đăng ký hộ tịch được thu lệ phí. Mức thu lệ phí, việc miễn, giảm lệ phí và chế độ sử dụng lệ phí do Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định.

Chương 2:

QUẢN LÝ HỘ TỊCH

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong quản lý hộ tịch

1. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý hộ tịch, có nhiệm vụ quyền hạn sau đây:

a. Soạn thảo các dư án luật, pháp lệnh về hộ tịch;

b. Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch;

c. Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn về hộ tịch;

d. Ban hành, quản lý và hướng dẫn việc sử dụng thống nhất các loại sổ sách, biểu mẫu hộ tịch;

đ. Thống kê hộ tịch;

e. Thanh tra, kiểm tra về đăng ký và quản lý hộ tịch;

g. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về hộ tịch theo thẩm quyền;

h. Hàng năm tổng hợp tình hình và báo cáo Chính phủ về công tác hộ tịch;

i. Hợp tác quốc tế về hộ tịch.

2. Trong đăng ký và quản lý hộ tịch, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ tịch của các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự ở nước ngoài (sau đây gọi chung là Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự) theo quy định của pháp luật về hộ tịch;

b. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch ở Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài;

c. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về hộ tịch theo thẩm quyền;

d. Tổng hợp tình hình và thống kê các số liệu hộ tịch ở nước ngoài gửi cho Bộ Tư pháp theo định kỳ sáu tháng và hàng năm.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý và đăng ký hộ tịch

1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất quản lý hộ tịch trong địa phương mình, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a. Chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định của Nghị định này đối với Uỷ ban nhân dân các cấp trong địa phương mình;

b. Xây dựng hệ thống tổ chức đăng ký và quản lý hộ tịch trong địa phương mình;

c. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hộ tịch;

d. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện);

đ. Đăng ký các sự kiện hộ tịch phát sinh ở địa phương cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về hộ tịch;

e. Cho phép thay đổi họ, tên, chữ đệm; cải chính họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; xác định lại dân tộc;

g. Đăng ký quá hạn các sự kiện hộ tịch thuộc thẩm quyền đăng ký của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

h. Đăng ký lại các sự kiện hộ tịch do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã đăng ký;

i. Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc;

k. Tổng hợp tình hình và báo cáo thống kê các số liệu hộ tịch cho Bộ Tư pháp theo định kỳ sáu tháng và hàng năm;

l. Lưu trữ sổ sách, hồ sơ hộ tịch từ Uỷ ban nhân dân cấp xã chuyển lên và sổ sách, hồ sơ hộ tịch đăng ký tại Uỷ ban nhân dâ

n cấp tỉnh;

m. Quản lý, sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp;

n. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về đăng ký và quản lý hộ tịch theo thẩm quyền.

2. Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong quản lý hộ tịch

1. Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý hộ tịch trong địa phương mình, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong địa phương mình;

b. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hộ tịch;

c. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hộ tịch tư pháp trong địa phương mình;

d. Tổng hợp tình hình và báo cáo thống kê các số liệu hộ tịch cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo định kỳ sáu tháng và hàng năm;

đ. Quản lý việc sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp;

e. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về đăng ký và quản lý hộ tịch theo thẩm quyền.

2. Phòng Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp xã trong đăng ký và quản lý hộ tịch

1. Trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, Uỷ ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a. Đăng ký sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn; đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi;

b. Căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ghi vào sổ đăng ký hộ tịch các việc về ly hôn, xác định cha, mẹ, con thay đổi quốc tịch, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế hành vi dân sự, huỷ hôn nhân trái pháp luật, hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên và những sự kiện hộ tịch khác pháp luật quy định;

c. Cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc;

d. Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hộ tịch;

đ. Tổng hợp tình hình báo cáo thống kê các số liệu hộ tịch cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo định kỳ sáu tháng và hàng năm;

e. Lưu trữ sổ sách, hồ sơ hộ tịch;

g. Sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp;

h. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về đăng ký và quản lý hộ tịch theo thẩm quyền.

2. Cán bộ hộ tịch tư pháp của Ban Tư pháp có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 12. Chế độ của cán bộ hộ tịch tư pháp

Ở Uỷ ban nhân dân cấp xã, cán bộ hộ tịch tư pháp được hưởng chế độ sinh hoạt phí theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.

Điều 13. Tiêu chuẩn của cán bộ hộ tịch tư pháp

Những người có đủ các điều kiện sau đây có thể được giao làm cán bộ hộ tịch tư pháp:

1. Là công dân Việt Nam;

2. Có đầy đủ năng lực hành vi;

3. Có tư cách đạo đức tốt;

4. Đã tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên;

5. Có tinh thần trách nhiệm trong công tác;

6. Chữ viết rõ ràng;

7. Được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.

Điều 14. Những trường hợp không được giao làm cán bộ hộ tịch tư pháp

Cán bộ hộ tịch tư pháp không được giao thực hiện công tác hộ tịch trong các trường hợp sau đây:

1. Không hoàn thành nhiệm vụ được giao;

2. Không có điều kiện thực hiện nhiệm vụ;

3. Vi phạm những quy định về đăng ký, quản lý hộ tịch hoặc những vi phạm pháp luật khác.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ hộ tịch tư pháp

Cán bộ hộ tịch tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Thụ lý hồ sơ, xác minh, kiểm tra và đề xuất Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định việc đăng ký hộ tịch theo quy định của Nghị định này và những quy định khác của pháp luật về hộ tịch. Khi đăng ký phải ghi đầy đủ, chính xác các nội dung đã được quy định trong sổ sách, biểu mẫu hộ tịch;

2. Thường xuyên kiểm tra và đăng ký kịp thời các sự kiện hộ tịch phát sinh trong địa phương mình. Đối với những khu vực người dân còn bị chi phối bởi những phong tục, tập quán, điều kiện đi lại quá khó khăn, cán bộ hộ tịch tư pháp phải có lịch định kỳ đến tận nhà dân để đăng ký những sự kiện hộ tịch đã phát sinh;

3. Phối hợp với cơ quan có liên quan trong việc báo cáo thống kê chính xác các số liệu hộ tịch theo định kỳ sáu tháng và hàng năm;

4. Phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hộ tịch;

5. Sử dụng các mẫu biểu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp;

6. Lưu trữ sổ sách, hồ sơ hộ tịch.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch.

1. Trong đăng ký và quản lý hộ tịch, Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: 1. Đăng ký sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; cải chính họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn; đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi (đối với những sự kiện hộ tịch trước đây đã đăng ký tại Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự) cho công dân Việt Nam ở nước ngoài;

2. Căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ghi vào sổ đăng ký hộ tịch các việc về ly hôn, xác định cha, mẹ, con thay đổi quốc tịch, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế hành vi dân sự, huỷ hôn nhân trái pháp luật, hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên và những sự kiện khác do pháp luật quy định.

3. Đăng ký lại các sự kiện hộ tịch xảy ra ở nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại đăng ký cho công dân Việt Nam, khi đương sự có yêu cầu.

4. Cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc;

5. Lưu trữ hồ sơ, sổ sách hộ tịch;

6. Tổng hợp tình hình và báo cáo thống kê các số liệu hộ tịch cho Bộ Ngoại giao theo định kỳ sáu tháng và hàng năm;

7. Sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp;

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về đăng ký và quản lý hộ tịch theo thẩm quyền.

Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cử cán bộ chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ngoài.

Chương 3 :

ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH

MỤC 1: ĐĂNG KÝ KHAI SINH

Điều 17. Thẩm quyền đăng ký khai sinh

1. Việc đăng ký khai sinh được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người mẹ có hộ khẩu thường trú, hoặc nơi trẻ em sinh ra.

2. Trong trường hợp người mẹ thường trú ở một nơi, nhưng lại đăng ký khai sinh cho con ở một nơi khác, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký phải gửi thông báo kèm theo một bản sao Giấy khai sinh cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người mẹ có hộ khẩu thường trú để ghi vào Sổ đăng ký khai sinh. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký phải lập một quyển Sổ đăng ký khai sinh riêng cho những trường hợp này, không đưa vào số liệu thống kê số trẻ em sinh của địa phương.

3. Trong trường hợp người mẹ không có hộ khẩu thường trú, đã cắt chuyển hộ khẩu tại nơi thường trú cũ, nhưng chưa đủ thủ tục, điều kiện để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi thực tế đang cư trú, thì việc đăng ký cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người mẹ đăng ký hộ khẩu tạm trú có thời hạn.

Điều 18. Thời hạn đăng ký khai sinh

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày sinh trẻ em, cha, mẹ, hoặc người thân thích, người có trách nhiệm phải khai sinh cho trẻ em; đối với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, thì thời hạn trên không quá 60 ngày.

Điều 19. Thủ tục đăng ký khai sinh

1. Người đi khai sinh nộp Giấy chứng sinh do cơ sở Y tế nơi trẻ em sinh ra cấp và xuất trình các giấy tờ sau đây:

a. Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em (nếu có);

b. Sổ hộ khẩu gia đình hoặc Giấy đăng ký tạm trú của người mẹ;

c. Chứng minh nhân dân của người đến đăng ký khai sinh.

Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ nêu trên, thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

Nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở Y tế, thì Giấy chứng sinh được thay thế bằng văn bản xác nhận của người làm chứng hoặc của người chỉ huy, người điều khiển phương tiện giao thông, nếu sinh con trên các phương tiện giao thông.

Nếu có đủ các giấy tờ hợp lệ, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp ngay một bản chính Giấy khai sinh cho trẻ em, cán bộ hộ tịch tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai sinh. Bản sao và số lượng bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.

2. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, phần khai về cha, mẹ khi chưa xác định được thì trong Giấy khai sinh và trong Sổ đăng ký khai sinh để trống. Nếu có người nhận làm cha, mẹ của trẻ em, thì căn cứ vào Quyết định công nhận việc cha, mẹ nhận con của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà ghi tên của người được công nhận là cha, mẹ vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh và trong Sổ đăng ký khai sinh của người con.

3. Người làm chứng phải có đầy đủ những điều kiện sau đây:

a. Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực và hành vi dân sự đầy đủ;

b. Biết rõ sự việc liên quan đến việc làm chứng;

c. Không có quyền, lợi ích liên quan đến việc làm chứng.

Người làm chứng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mà họ đã làm chứng.

Những giấy tờ có được do hành vi làm chứng sai sự thật sẽ bị thu hồi.

Những điều kiện đối với người làm chứng quy định tại khoản 3 Điều này được áp dụng đối với tất cả các trường hợp đăng ký hộ tịch mà Nghị định này quy định phải có người làm chứng.

Điều 20. Khai sinh cho trẻ em sinh ra rồi mới chết

Trẻ em sinh ra sống được 24 giờ trở lên rồi mới chết, thì cũng phải đăng ký khai sinh theo quy định của Nghị định này, nếu chết trước khi sinh (chết lưu) hoặc sinh ra mà sống chưa được 24 giờ, thì không phải đăng ký khai sinh.

Điều 21. Khai sinh cho trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi

Người phát hiện thấy trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ em đó và báo ngay cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cơ sở nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Uỷ ban nhân dân tìm người hoặc tổ chức nhận nuôi dưỡng trẻ em đó.

Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cơ sở nơi có trẻ sơ sinh bị bỏ rơi phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em đó. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi phát hiện trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi, nếu không tìm được cha, mẹ đẻ, thì cá nhân hoặc tổ chức nhận nuôi dưỡng phải khai sinh cho trẻ em đó tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản.

Khi khai sinh cho trẻ em, người đi khai sinh phải nộp biên bản xác nhận tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và xuất trình Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế.

Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ em bị bỏ rơi là ngày sinh, nơi sinh là nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi. Phần khai về cha, mẹ của trẻ em trong Giấy khai sinh và trong Sổ đăng ký khai sinh được để trống. Trong trường hợp có người nhận trẻ em làm con nuôi, thì căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi của Uỷ ban nhân dân cấp xã, cán bộ hộ tịch tư pháp ghi tên của người được công nhận là cha, mẹ nuôi vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi, nhưng phần ghi chú trong Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "cha, mẹ nuôi". Nội dung ghi chú này phải được đảm bảo bí mật tuyệt đối, chỉ những người có thẩm quyền mới có quyền khai thác và sử dụng thông tin này.

MỤC 2: ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Điều 22. Thẩm quyền đăng ký kết hôn

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn.

Điều 23. Thủ tục đăng ký kết hôn

Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ phải có mặt, nộp tờ khai đăng ký kết hôn và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Giấy khai sinh của mỗi bên;

2. Sổ hộ khẩu gia đình của bên nam hoặc bên nữ nơi đăng ký kết hôn.

Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ trên, thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

Trong trường hợp nghi ngờ một bên hoặc cả hai bên nam nữ mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức được hành vi của mình, đang mắc bệnh hoa liễu, thì phải có giấy khám sức khoẻ của cơ quan Y tế cấp huyện.

Tờ khai đăng ký kết hôn phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác (đối với cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân), hoặc của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (đối với nhân dân) của mỗi bên về tình trạng hôn nhân. Việc xác nhận tình trạng hôn nhân này có giá trị không quá 30 ngày. Trong trường hợp một trong hai bên hoặc cả hai bên đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hay người kia đã chết, thì phải nộp bản sao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án về việc cho ly hôn hoặc bản sao Giấy chứng tử.

Trong trường hợp một trong hai người không thể đến nộp hồ sơ xin đăng ký kết hôn mà có lý do chính đáng, thì có thể gửi cho Uỷ ban nhân dân nơi đăng ký kết hôn đơn xin nộp hồ sơ vắng mặt, trong đơn phải nêu rõ lý do vắng mặt, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

Vợ chồng đã ly hôn, muốn kết hôn lại với nhau, thì cũng phải đăng ký kết hôn theo thủ tục quy định tại Điều này.

Điều 24. Thời hạn đăng ký kết hôn

Khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải tiến hành xác minh điều kiện kết hôn và niêm yết công khai việc xin đăng ký kết hôn tại trụ sở Uỷ ban nhân dân trong thời hạn 7 ngày. Nếu cần phải xác minh thêm, thì thời hạn kéo dài không quá 7 ngày.

Sau thời hạn nói trên, nếu xét thấy hai bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình và không có sự khiếu nại, tố cáo về việc kết hôn, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho hai bên nam nữ biết về ngày đăng ký.

Sau thời hạn 7 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu hai bên nam nữ không đến đăng ký kết hôn mà không có lý do chính đáng, thì Uỷ ban nhân dân huỷ việc xin đăng ký kết hôn đó và thông báo cho đương sự biết.

Điều 25. Lễ đăng ký kết hôn

Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký. Đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại quá khó khăn, thì lễ đăng ký kết hôn có thể được tổ chức tại bản, làng.

Tại lễ đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ phải có mặt, đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã hỏi ý kiến lần cuối của hai bên, nếu hai bên vẫn đồng ý kết hôn với nhau, thì cán bộ hộ tịch tư pháp mời họ cùng ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và trao cho mỗi bên một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Bản sao và số lượng bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của hai bên nam nữ.

Điều 26. Từ chối đăng ký kết hôn

Trong trường hợp một bên hoặc cả hai bên không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình, thì trong thời hạn 7 ngày, Uỷ ban nhân dân cấp xã mời hai bên nam, nữ đến Uỷ ban nhân dân để thông báo việc từ chối đăng ký, lý do từ chối phải ghi rõ bằng văn bản.

MỤC 3: ĐĂNG KÝ KHAI TỬ

Điều 27. Thẩm quyền đăng ký khai tử

1. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người chết, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết thực hiện việc đăng ký khai tử.

2. Việc đăng ký khai tử cho quân nhân đang làm nghĩa vụ quân sự được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú trước khi đi nghĩa vụ quân sự.

3. Việc đăng ký khai tử cho sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, công an nhân dân được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người chết.

4. Đối với việc đăng ký khai tử cho người chết ở nơi tạm giam, tạm giữ, thì người chỉ huy trực tiếp nơi tạm giam, tạm giữ có trách nhiệm phải thông báo về nơi người đó cư trú trước khi bị tạm giam, tạm giữ để đăng ký khai tử.

5. Việc đăng ký khai tử cho người chết trong khi thi hành án phạt tù, chết do bị thi hành án tử hình hoặc chết tại cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi giam giữ của người đó.

Điều 28. Thời hạn đăng ký khai tử

Khi có người chết tại nhà hoặc khi nhận được giấy báo tử, người thân thích của người chết phải đi khai tử. Nếu người chết không có người thân thích, thì chủ nhà hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi người đó chết đi khai tử.

Đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, thì thời hạn đăng ký khai tử là 48 giờ, kể từ khi người đó chết.

Đối với khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, thì thời hạn trên không quá 15 ngày.

Điều 29. Đăng ký khai tử cho trẻ em sinh ra rồi mới chết

Trẻ em sinh ra mà sống được 24 giờ trở lên rồi mới chết thì vừa phải đăng ký khai sinh, vừa phải đăng ký khai tử, nếu chết trước khi sinh (chết lưu) hoặc sinh ra mà chết ngay thì không phải đăng ký khai tử.

Điều 30. Đăng ký khai tử trong các trường hợp người chết có nghi vấn, chết do bệnh dịch

1. Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ đăng ký khai tử và cấp Giấy phép mai táng sau khi đã có văn bản xác định nguyên nhân chết của Công an cấp có thẩm quyền trong các trường hợp sau đây:

a. Chết đột ngột mà không rõ nguyên nhân;

b. Chết do tai nạn;

c. Chết do bị giết, do tự tử hoặc nghi là bị giết, bị bức tử;

d. Người chết không rõ tung tích;

đ. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Người phát hiện người chết có nghi vấn phải báo ngay cho Công an cơ sở nơi gần nhất, Công an cơ sở phải báo ngay lên Công an cấp trên có thẩm quyền. Khi nhận được tin báo, Công an cấp có thẩm quyền phải có văn bản xác định nguyên nhân chết để Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện việc đăng ký khai tử.

2. Trong trường hợp chết do bệnh dịch, Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ đăng ký khai tử và cấp Giấy phép mai táng sau khi đã có ý kiến của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Điều 31. Đăng ký khai tử cho người chết không rõ tung tích

Người phát hiện người chết không rõ tung tích phải báo ngay cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cơ sở nơi có người chết để lập biên bản xác nhận tình trạng người chết không rõ tung tích. Biên bản phải có chữ ký của người phát hiện ra người chết không rõ tung tích, đại diện Công an xã, đại diện Uỷ ban nhân dân và hai người làm chứng.

Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cơ sở nơi có người chết phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm người thân thích của người chết. Trong thời hạn 72 giờ, kể từ khi phát hiện người chết, nếu không tìm được người thân thích và được phép của Công an cấp có thẩm quyền, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có người chết phải thực hiện việc đăng ký khai tử, mai táng và lưu giữ hình ảnh, dấu tích, đồ vật của người chết.

Điều 32. Đăng ký khai tử cho người bị Toà án tuyên bố là đã chết

1. Việc đăng ký khai tử cho người bị Toà án tuyên bố là đã chết được thực hiện khi quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Người yêu cầu Toà án tuyên bố một người là đã chết phải thực hiện việc đăng ký khai tử.

2. Khi một người bị Toà án tuyên bố là đã chết, đã được đăng ký khai tử, nay trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai tử căn cứ vào quyết định của Toà án về việc huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó đã chết, gạch tên người đó trong sổ đã đăng ký khai tử.

Điều 33. Cấp Giấy báo tử

1. Thẩm quyền cấp Giấy báo tử:

a. Đối với người chết tại bệnh viện hoặc chết tại các cơ sở Y tế khác, thì Trưởng khoa hoặc người phụ trách cơ sở y tế đó cấp Giấy báo tử;

b. Đối với người chết trên các phương tiện giao thông, thì người chỉ huy hoặc người điều khiển phương tiện giao thông phải lập biên bản xác nhận việc chết, có chữ ký xác nhận của ít nhất hai hành khách cùng đi trên phương tiện giao thông đó. Khi đến bến đỗ đầu tiên đối với từng loại phương tiện giao thông, người chỉ huy hoặc người điều khiển phương tiện giao thông bàn giao biên bản xác nhận việc chết cho người phụ trách bến đỗ, người phụ trách bến đỗ có trách nhiệm đến Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cơ sở nơi gần nhất để làm thủ tục cấp Giấy báo tử;

c. Đối với người chết trong thời gian đang làm nghĩa vụ quân sự, thì cấp có thẩm quyền trong quân đội của người đó cấp Giấy báo tử;

d. Đối với người thường trú một nơi, nhưng chết ở một nơi khác ngoài cơ sở y tế, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết cấp Giấy báo tử;

đ. Dối với người chết trong trạm giam, thì Giám thị trại giam cáp Giấy báo tử;

e. Đối với người bị thi hành án tử hình, thì cơ quan thi hành án tử hình cấp Giấy báo tử;

g. Trong trường hợp một người bị Toà án tuyên bố là đã chết, thì quyết định tuyên bố chết của Toà án được thay cho Giấy báo tử;

h. Trong trường hợp người chết có nghi vấn hoặc chết do bệnh dịch, thì văn bản xác định nguyên nhân chết của Công an hoặc ý kiến của cơ quan Y tế có thẩm quyền được thay cho Giấy báo tử.

Cơ quan đã cấp Giấy báo tử có trách nhiệm gửi Giấy báo tử về Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết để làm thủ tục đăng ký khai tử.

2. Đối với người chết tại nhà ở nơi cư trú, thì không phải cấp Giấy báo tử mà chỉ thực hiện việc đăng ký khai tử.

Điều 34. Thủ tục đăng ký khai tử

Người đi khai tử phải nộp Giấy báo tử và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Sổ hộ khẩu gia đình của người chết;

2. Chứng minh nhân dân của người đi khai tử.

Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ nêu trên, thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

Nếu có đủ hồ sơ hợp lệ, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp ngay cho người đến khai tử một bản chính Giấy chứng tử và Giấy cho phép mai táng, cán bộ hộ tịch tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai tử. Bản sao và số lượng bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi khai tử.

Nếu một người cư trú một nơi, nhưng chết ở một nơi khác mà không có điều kiện mai táng tại nơi cư trú, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy cho phép mai táng.

Trong trường hợp đăng ký khai tử cho người chết không rõ tung tích, nếu không có cơ sở để xác định ngày chết và nơi chết, thì ngày phát hiện ra người đó chết là ngày chết, nơi chết là nơi lập biên bản, nguyên nhân chết được ghi theo văn bản xác định nguyên nhân chết của cơ quan Công an. Những phần còn lại trong Giấy chứng tử và trong Sổ đăng ký khai tử được để trống. Phần ghi chú trong Sổ đăng ký khai tử phải ghi rõ "người chết không rõ tung tích" và ghi chính xác địa điểm đã mai táng người chết.

MỤC 4: ĐĂNG KÝ NHẬN NUÔI CON NUÔI

Điều 35. Thẩm quyền đăng ký nhận nuôi con nuôi

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người xin nhận nuôi con nuôi, hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi.

Điều 36. Thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi

Người xin nhận nuôi con nuôi phải nộp đơn xin nhận nuôi con nuôi, Giấy thoả thuận về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi của cha, mẹ đẻ, người giám hộ, cơ sở y tế hoặc cơ sở nuôi dưỡng và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Giấy khai sinh của người nhận nuôi con nuôi;

2. Chứng minh nhân dân của người nhận nuôi con nuôi;

3. Sổ hộ khẩu gia đình của người nhận nuôi con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi tại nơi đăng ký nhận nuôi con nuôi;

4. Giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi. Trong trường hợp trẻ em chưa được khai sinh, thì phải đăng ký khai sinh trước khi đăng ký nhận nuôi con nuôi;

5. Nếu người được nhận làm con nuôi từ 9 tuổi trở lên, thì phải có sự đồng ý của người đó.

Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ theo quy định tại điểm 1, 2, 3 trên đây, thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

Đơn xin nhận nuôi con nuôi phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi người nhận nuôi công tác (đối với cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân), hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (đối với nhân dân) của người nhận nuôi về việc người đó có tư cách đạo đức tốt và có đủ điều kiện khác để nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình. Trong đơn phải có cam kết của người xin nhận nuôi con nuôi về việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nếu người nhận nuôi con nuôi có vợ hoặc chồng, thì đơn phải có chữ ký của cả vợ và chồng.

Trong trường hợp con nuôi là thương binh, người tàn tật hoặc người xin nhận con nuôi già yếu, cô đơn, thì đơn phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về hoàn cảnh đặc biệt đó.

Giấy thoả thuận của cha, mẹ đẻ, người giám hộ, cơ sở y tế, hoặc cơ sở trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em về việc đồng ý cho trẻ em đó làm con nuôi phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha, mẹ, người giám hộ hoặc nơi có trụ sở của cơ sở Y tế, cơ sở trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em đó.

Điều 37. Thời hạn đăng ký nhận nuôi con nuôi

Khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải tiến hành xác minh việc xin nhận nuôi con nuôi. Trong trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi có nguồn gốc không rõ ràng, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã phải tiến hành niêm yết công khai việc xin nhận nuôi con nuôi tại trụ sở Uỷ ban nhân dân, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 7 ngày. Trong trường hợp cần phải xác minh thêm, thì thời hạn kéo dài không quá 7 ngày.

Sau thời hạn nói trên, nếu xét thấy việc xin nhận nuôi con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình và không có khiếu nại, tố cáo thì Uỷ ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho bên giao và bên nhận con nuôi biết về ngày đăng ký.

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu bên giao, bên nhận và con nuôi không đến đăng ký việc nhận nuôi con nuôi mà không có lý do chính đáng, thì Uỷ ban nhân dân huỷ việc xin đăng ký nhận nuôi con nuôi đó và thông báo cho đương sự biết. Sau đó, nếu đương sự xin đăng ký lại việc nhận nuôi con nuôi, thì thủ tục đăng ký được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này.

Điều 38. Lễ giao nhận con nuôi

Tại lễ giao nhận con nuôi, bên giao, bên nhận con nuôi và người được xin làm con nuôi phải có mặt. Bên giao, bên nhận con nuôi phải cùng ký tên vào Sổ đăng ký nhận nuôi con nuôi và biên bản giao, nhận con nuôi. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và trao cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận nuôi con nuôi, giải thích cho bên nhận nuôi và con nuôi về quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình. Bản sao và số lượng bản sao Quyết định công nhận nuôi con nuôi cấp theo yêu cầu của hai bên giao và nhận nuôi con nuôi.

Điều 39. Từ chối đăng ký nhận nuôi con nuôi

Trong trường hợp xét thấy người xin nhận nuôi con nuôi không có đủ các điều kiện để nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình, thì trong thời hạn 7 ngày, Uỷ ban nhân dân cấp xã mời hai bên giao và nhận con nuôi đến Uỷ ban nhân dân để thông báo việc từ chối đăng ký, lý do từ chối phải ghi rõ bằng văn bản.

Điều 40. Ghi chú chấm dứt việc nhận nuôi con nuôi

Khi nhận được Quyết định của Toà án về việc chấm dứt nuôi con nuôi đã có hiệu lực pháp luật, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký việc nhận nuôi con nuôi ghi chú vào sổ đã đăng ký nhận nuôi con nuôi.

MỤC 5: ĐĂNG KÝ GIÁM HỘ

Điều 41. Thẩm quyền đăng ký giám hộ

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người giám hộ hoặc nơi có trụ sở của cơ quan, tổ chức đảm nhận giám hộ thực hiện việc đăng ký giám hộ.

Điều 42. Đăng ký giám hộ đương nhiên

Người làm giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ Luật Dân sự phải đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để đăng ký việc giám hộ. Trong trường hợp giữa những người cùng có thể làm giám hộ đương nhiên có sự thoả thuận về việc cử một người trong số họ làm giám hộ, thì người đó phải xuất trình văn bản thoả thuận khi đăng ký giám hộ.

Điều 43. Thủ tục đăng ký cử người giám hộ

1. Khi đăng ký cử người giám hộ, người được cử làm giám hộ phải nộp văn bản cử giám hộ của cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức cử người giám hộ, Giấy chấp thuận việc làm giám hộ của người được cử làm giám hộ và xuất trình các giấy tờ sau đây:

a. Giấy khai sinh của người giám hộ;

b. Sổ hộ khẩu gia đình của người giám hộ;

c. Chứng minh nhân dân hoặc Giấy uỷ quyền của người hoặc tổ chức được cử làm giám hộ.

Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ nêu trên, thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

2. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu xét thấy việc cử người giám hộ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về giám hộ, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã đăng ký việc cử người giám hộ.

Khi đăng ký cử người giám hộ, người cử giám hộ, người được cử làm người giám hộ và người được giám hộ đều phải có mặt. Nếu một người trong số họ vì có lý do chính đáng mà vắng mặt, thì phải có uỷ quyền bằng văn bản, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận giám hộ, giải thích cho người giám hộ và người được giám hộ về quyền và nghĩa vụ của hai bên, cán bộ hộ tịch tư pháp ghi vào Sổ đăng ký giám hộ. Trong Quyết định công nhận giám hộ phải ghi rõ lý do cử giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người được cử làm người giám hộ. Nếu người được giám hộ có tài sản riêng, thì phải ghi rõ tình trạng tài sản của người được giám hộ. Bản sao và số lượng bản sao Quyết định công nhận giám hộ cấp theo yêu cầu của bên cử giám hộ và bên nhận giám hộ.

Điều 44. Thừ chối đăng ký giám hộ

Trường hợp không có đủ cơ sở để đăng ký việc giám hộ, thì trong thời hạn 7 ngày, Uỷ ban nhân dân cấp xã mời người xin đăng ký giám hộ đến Uỷ ban nhân dân để thông báo việc từ chối đăng ký, lý do từ chối phải ghi rõ bằng văn bản.

Điều 45. Đăng ký việc thay đổi, chấm dứt giám hộ

1. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký giám hộ thực hiện đăng ký việc thay đổi, chấm dứt giám hộ.

2. Việc thay đổi người giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 80 của Bộ Luật Dân sự

3. Việc chấm dứt giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Bộ Luật Dân sự.

Điều 46. Thủ tục đăng ký việc thay đổi, chấm dứt giám hộ

Người xin thay đổi, chấm dứt giám hộ phải nộp đơn, Quyết định công nhận việc giám hộ và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Sổ hộ khẩu gia đình của người giám hộ hoặc của người được giám hộ nơi đã đăng ký giám hộ trước đây;

2. Chứng minh nhân dân của người giám hộ;

3. Biên bản xác định tình trạng tài sản hiện tại của người được giám hộ (nếu trong Quyết định công nhận giám hộ trước đây có ghi về tình trạng tài sản của người được giám hộ), có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản của người được giám hộ.

Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ theo quy định tại điểm 1, 2 trên đây, thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu xét thấy yêu cầu xin thay đổi hoặc chấm dứt giám hộ là chính đáng và không có gì tranh chấp liên quan đến tài sản của người được giám hộ, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định công nhận chấm dứt việc giám hộ, cán bộ hộ tịch tư pháp ghi chú vào sổ đã đăng ký việc giám hộ trước đây, thu hồi Quyết định công nhận giám hộ đã cấp. Bản sao và số lượng bản sao Quyết định công nhận chấm dứt giám hộ được cấp theo yêu cầu của đương sự.

Trong trường hợp xin thay đổi giám hộ, thì sau khi đã chấm dứt quan hệ giám hộ cũ, thủ tục đăng ký giám hộ mới được thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Nghị định này.

MỤC 6: ĐĂNG KÝ VIỆC NHẬN CHA, MẸ, CON

Điều 47. Thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người con công nhận và đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, nếu việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp.

Điều 48. Thủ tục đăng ký việc cha, mẹ nhận con

Người xin nhận con phải nộp đơn và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Giấy khai sinh của người con;

2. Sổ hộ khẩu gia đình của người con;

3. Chứng minh nhân dân của người có đơn yêu cầu;

4. Các giấy tờ cần thiết khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ theo quy định tại điểm 1, 2, 3 trên đây, thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

Đơn xin nhận con phải có sự đồng ý của người hiện đang nuôi dưỡng trẻ em đó. Nếu người được nhận làm con từ 9 tuổi trở lên, thì phải được sự đồng ý của người con đó.

Trong trường hợp một người mà tính mạng bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác, không thể đến Uỷ ban nhân dân cấp xã yêu cầu công nhận người khác là con mình, thì đơn được thay thế bằng văn bản có xác nhận của hai người làm chứng về nguyện vọng nhận con của người đó. Trong trường hợp người đó đã có đơn xin nhận con, thì người thân thích hoặc người được uỷ quyền thay mặt người đó làm thủ tục đăng ký việc cha, mẹ nhận con.

Điều 49. Thủ tục đăng ký việc con nhận cha, mẹ

Người xin nhận cha, mẹ phải nộp đơn và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Giấy khai sinh của người xin nhận cha, mẹ;

2. Sổ hộ khẩu gia đình của người xin nhận cha, mẹ;

3. Các giấy tờ cần thiết khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ theo quy định tại điểm 1, 2 trên đây, thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

Đơn xin nhận cha hoặc mẹ phải được người hiện đang là mẹ hoặc cha, và người được nhận là cha, hoặc mẹ đồng ý.

Trong trường hợp người xin nhận cha hoặc mẹ dưới 15 tuổi, thì đơn do mẹ, cha, hoặc người đang nuôi dưỡng viết, nếu trẻ em từ 9 tuổi trở lên, thì phải có sự đồng ý của người đó, nếu từ đủ 15 tuổi trở lên, thì đơn phải do chính người đó viết.

Điều 50. Thời hạn đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải tiến hành xác minh và niêm yết công khai việc xin nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Uỷ ban nhân dân. Trong trường hợp cần phải xác minh thêm thì thời hạn kéo dài không quá 7 ngày.

Sau thời hạn nói trên, nếu xét thấy việc xin nhận cha, mẹ, con có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình và không có khiếu nại, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho các bên về ngày đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, thì cả cha, mẹ và người được nhận làm con phải có mặt. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc cha, mẹ nhận con hoặc con nhận cha, mẹ, cán bộ hộ tịch tư pháp ghi vào Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao và số lượng bản sao Quyết định công nhận được cấp theo yêu cầu của các bên cha, mẹ, con.

Điều 51. Từ chối đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

Trong trường hợp không có đủ cơ sở để công nhận việc nhận cha, mẹ, con, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã mời người xin nhận cha, mẹ, con đến Uỷ ban nhân dân để thông báo việc từ chối đăng ký, lý do từ chối phải ghi rõ bằng văn bản.

MỤC 7: ĐĂNG KÝ VIỆC THAY ĐỔI HỌ, TÊN, CHỮ ĐỆM; CẢI CHÍNH HỌ, TÊN, CHỮ ĐỆM, NGÀY, THÁNG, NĂM SINH; XÁC ĐỊNH LẠI DÂN TỘC

Điều 52. Thẩm quyền đăng ký việc thay đổi họ, tên, chữ đệm; cải chính họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; xác định lại dân tộc

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú hoặc nơi đã đăng ký khai sinh của người có đơn yêu cầu có thẩm quyền cho thay đổi họ, tên, chữ đệm; cải chính họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh (sau đây gọi chung là thay đổi, cải chính hộ tịch); xác định lại dân tộc đã được đăng ký trong bản chính Giấy khai sinh.

Điều 53. Thủ tục đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc

1. Người xin thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc phải nộp đơn và xuất trình các giấy tờ sau đây:

a. Bản chính Giấy khai sinh;

b. Sổ hộ khẩu gia đình của người có đơn yêu cầu;

c. Chứng minh nhân dân;

d. Các giấy tờ cần thiết khác chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại Điều 29 của Bộ Luật Dân sự (đối với trường hợp xin thay đổi họ, tên), và Điều 30 của Bộ Luật Dân sự (đối với trường hợp xin xác định lại dân tộc).

Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ theo quy định tại điểm a, b, c trên đây thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

Đơn xin thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc phải nói rõ lý do và các nội dung xin thay đổi, cải chính, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người có đơn yêu cầu cư trú. Trong trường hợp xin thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc tại Uỷ ban nhân dân cấp xã không phải nơi đã đăng ký khai sinh, thì phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây.

2. Việc thay đổi, cải chính hộ tịch, đối với người dưới 18 tuổi được thực hiện theo đơn yêu cầu của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu xét thấy việc xin thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc không trái với các quy định của pháp luật, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc. Căn cứ vào Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp ghi rõ nội dung thay đổi vào Sổ đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch và bản chính Giấy khai sinh của đương sự. Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi một bản sao Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc cho cơ quan Công an cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh để ghi chú nội dung thay đổi vào Sổ đăng ký khai sinh của đương sự. Bản sao và số lượng bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự.

Điều 54. Từ chối đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc

Trong trường hợp không có đủ cơ sở để đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh từ chối đăng ký và giải thích rõ lý do bằng văn bản.

Điều 55. Điều chỉnh giấy tờ, hồ sơ cá nhân sau khi có Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc

Cơ quan, tổ chức hữu quan hiện đang quản lý hồ sơ cá nhân của đương sự căn cứ vào Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và bản chính Giấy khai sinh đã ghi chú sự thay đổi để điều chỉnh các giấy tờ, hồ sơ cá nhân của đương sự.

MỤC 8: GHI VÀO SỔ CÁC THAY ĐỔI HỘ TỊCH KHÁC

Điều 56. Nội dung ghi vào sổ các thay đổi hộ tịch khác

Các thay đổi hộ tịch khác bao gồm các việc về ly hôn, xác định cha, mẹ, con, thay đổi quốc tịch, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, huỷ hôn nhân trái pháp luật, hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên.

Điều 57. Thẩm quyền ghi vào sổ các thay đổi hộ tịch khác

Uỷ ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch thực hiện ghi vào sổ các thay đổi hộ tịch khác trên cơ sở quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 58. Thủ tục ghi vào sổ các thay đổi hộ tịch khác

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi ra quyết định liên quan đến các thay đổi hộ tịch khác, có trách nhiệm gửi một bản sao quyết định về Uỷ ban nhân dân nơi đã đăng ký các sự kiện hộ tịch để ghi vào sổ nội dung các thay đổi hộ tịch khác.

Trong trường hợp một người đã bị Toà án ra quyết định tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, đã được ghi vào sổ tại Uỷ ban nhân dân, mà có quyết định của Toà án huỷ bỏ việc tuyên bố, thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền nơi đã ghi vào sổ căn cứ vào quyết định đó để ghi chú nội dung việc huỷ bỏ này.

MỤC 9: ĐĂNG KÝ QUÁ HẠN, ĐĂNG KÝ LẠI

Điều 59. Đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn

1. Việc sinh, tử chưa đăng ký trong thời hạn quy định tại Điều 18 và Điều 28 của Nghị định này, thì phải đăng ký theo thủ tục đăng ký quá hạn.

2. Người có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh, khai tử mà không đăng ký đúng theo thời hạn quy định của Nghị định này, nếu không có lý do chính đáng, thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 60. Thẩm quyền đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú thực hiện việc đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn.

Điều 61. Thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn

1. Khi đăng ký khai sinh quá hạn, đương sự phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này, ngoài ra còn phải nộp đơn xin đăng ký khai sinh quá hạn, trong đơn phải nói rõ lý do về việc không đăng ký đúng hạn.

2. Khi đăng ký khai tử quá hạn, đương sự phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại Điều 34 của Nghị định này, ngoài ra còn phải nộp đơn xin đăng ký khai tử quá hạn, trong đơn phải nói rõ lý do về việc không đăng ký đúng hạn.

Điều 62. Thời hạn đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu xét thấy việc xin đăng ký quá hạn là đúng sự thật, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho đương sự một bản chính Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng tử, cán bộ hộ tịch tư pháp ghi vào sổ đăng ký theo từng loại việc và ghi "Đăng ký quá hạn" vào cột "ghi chú" của hai loại sổ nói trên. Bản sao và số lượng bản sao Giấy khai sinh, Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của đương sự.

Trong trường hợp cần phải xác minh thêm, thì thời hạn kéo dài không quá 7 ngày.

Điều 63. Đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi

Việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi đã được đăng ký, nhưng bản chính và sổ gốc đã bị mất hoặc hư hỏng mà không sử dụng được, thì được đăng ký lại.

Điều 64. Thẩm quyền đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú hoặc nơi đương sự đã đăng ký hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi.

Điều 65. Thủ tục đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi

Người xin đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi, phải nộp đơn và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Sổ hộ khẩu gia đình;

2. Chứng minh nhân dân;

3. Các giấy tờ cần thiết khác để chứng minh sự kiện hộ tịch được đăng ký lại là đúng sự thật.

Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ theo quy định tại điểm 1, 2 trên đây, thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

Đơn xin đăng ký lại phải có xác nhận của hai người làm chứng.

Trong trường hợp xin đăng ký lại tại Uỷ ban nhân dân không phải là nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây, thì phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch về việc đã đăng ký.

Điều 66. Thời hạn đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu xét thấy việc xin đăng ký lại là đúng sự thật, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho đương sự một bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng tử, Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, cán bộ hộ tịch tư pháp ghi vào sổ đăng ký theo từng loại việc và ghi "Đăng ký lại" vào cột "ghi chú" của các loại sổ nói trên. Trong trường hợp cần phải xác minh thêm, thì thời hạn kéo dài không quá 7 ngày.

Khi đăng ký lại việc kết hôn, nhận nuôi con nuôi, tại lễ trao Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy công nhận việc nuôi con nuôi các bên đương sự phải có mặt.

Điều 67. Từ chối việc đăng ký quá hạn, đăng ký lại

Trong trường hợp không có đủ cơ sở để giải quyết cho đăng ký quá hạn, đăng ký lại, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký và giải thích rõ lý do bằng văn bản.

Chương 4:

ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Điều 68. Thẩm quyền đăng ký khai sinh

1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú của người nước ngoài thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha và mẹ là người nước ngoài, nếu họ có yêu cầu.

2. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam còn người kia là người nước ngoài được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam. Thời hạn đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này.

Điều 69. Thủ tục đăng ký khai sinh

Người đi đăng ký khai sinh phải nộp đơn, Giấy chứng sinh và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu có);

2. Giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

3. Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân, hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế của người đi khai sinh.

Trong trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài, thì giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này được thay thế bằng Sổ hộ khẩu gia đình của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu có người nhận làm cha, mẹ đẻ của trẻ em, thì Sở Tư pháp căn cứ vào Quyết định công nhận việc cha, mẹ nhận con ngoài giá thú của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà ghi tên của người được công nhận là cha, mẹ vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của người con.

Điều 70. Thời hạn đăng ký khai sinh

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký và cấp một bản chính Giấy khai sinh cho trẻ em, Sở Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai sinh. Bản sao và số lượng bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi đăng ký khai sinh.

Trong trường hợp cần xác minh thêm, thì thời hạn kéo dài không quá 7 ngày.

Điều 71. Thẩm quyền đăng ký khai tử

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú của người đã chết là người nước ngoài thực hiện việc đăng ký khai tử.

Điều 72. Thủ tục đăng ký khai tử

Người đi đăng ký khai tử phải nộp đơn, Giấy báo tử và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam của người đã chết;

2. Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế của người đi khai tử.

Điều 73. Thời hạn đăng ký khai tử

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký và cấp một bản chính Giấy chứng tử cho người đi đăng ký khai tử, Sở Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai tử, gửi qua đường ngoại giao một bản sao Giấy chứng tử cho Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự tại Việt Nam của nước mà người chết là công dân (nếu có). Bản sao và số lượng bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi đăng ký khai tử.

Việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài chết trong các trường hợp quy định tại Điều 30 của Nghị định này, chỉ được thực hiện sau khi có văn bản xác nhận việc chết của cơ quan Công an, hoặc của cơ quan Y tế cấp tỉnh.

Điều 74. Đăng ký khai sinh, khai tử cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài

Việc đăng ký khai sinh, khai tử xảy ra ở Việt Nam cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định tại các Điều từ Điều 68 đến Điều 73 của Nghị định này.

Điều 75. Đăng ký kết hôn, nhận nuôi con nuôi, nhận cha, mẹ, con, nhận giám hộ có yếu tố nước ngoài

Việc đăng ký kết hôn, nhận nuôi con nuôi, nhận cha, mẹ, con, nhận đỡ đầu (giám hộ) giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Điều 76. Thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam

Việc đăng ký kết hôn giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam, nếu có yêu cầu được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi người nước ngoài cư trú.

Điều 77. Thủ tục đăng ký kết hôn giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam

Người nước ngoài xin đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam, phải tuân theo quy định của pháp luật nước họ về điều kiện kết hôn và có Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc cho phép được đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Giấy này phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải được dịch ra tiếng Việt, có chứng nhận của Công chứng nhà nước.

Điều 78. Thời hạn đăng ký kết hôn giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn.

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ký Giấy chứng nhận kết hôn, Sở Tư pháp tiến hành việc trao cho mỗi bên một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn và ghi vào Sổ đăng ký kết hôn.

Khi trao Giấy chứng nhận kết hôn, cả hai bên nam, nữ là người nước ngoài phải có mặt để cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn. Bản sao và số lượng bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của hai bên nam, nữ.

Điều 79. Thẩm quyền đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã đăng ký khai sinh trước đây của người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Điều 80. Thủ tục đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch; xác định lại dân tộc cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Người xin thay đổi, cải chính hộ tịch; xác định lại dân tộc phải nộp đơn và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Bản chính Giấy khai sinh;

2. Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế;

3. Các giấy tờ cần thiết khác chứng minh đủ điều kiện theo quy định của Điều 29 Bộ luật Dân sự (đối với trường hợp xin thay đổi họ, tên), và Điều 30 Bộ luật Dân sự (đối với trường hợp xin xác định lại dân tộc).

Đơn xin thay đổi, cải chính hộ tịch; xác định lại dân tộc phải nói rõ lý do và các nội dung xin thay đổi, cải chính, có xác nhận của hai người làm chứng.

Điều 81. Thời hạn đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch; xác định lại dân tộc cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu xét thấy việc xin thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch; xác định lại dân tộc. Căn cứ vào Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp ghi rõ nội dung thay đổi vào Sổ đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, bản chính Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của đương sự.

Điều 82. Việc sử dụng các giấy tờ hộ tịch do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài

1. Các giấy tờ về hộ tịch do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, nếu sử dụng tại Việt Nam phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải được dịch ra tiếng Việt, có chứng nhận của Công chứng nhà nước.

2. Trong trường hợp công dân Việt Nam hồi hương về nước có những giấy tờ hộ tịch do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, thì phải ghi chú vào Sổ đăng ký hộ tịch của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

Điều 83. Thẩm quyền ghi vào sổ các thay đổi về hộ tịch do kết hôn, nuôi con nuôi, ly hôn và chấm dứt việc nuôi con nuôi (sau đây gọi chung là đăng ký các thay đổi về hộ tịch)

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi công dân Việt Nam cư trú hoặc nơi lưu trữ sổ đã đăng ký hộ tịch của người đó thực hiện việc ghi vào sổ các thay đổi về hộ tịch do kết hôn, nuôi con nuôi, ly hôn và chấm dứt việc nuôi con nuôi đã đăng ký trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Điều 84. Nguyên tắc công nhận các thay đổi về hộ tịch

1. Giấy chứng nhận kết hôn, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của nước đã ký kết với Việt Nam Hiệp định tương trợ tư pháp cấp, được coi là căn cứ cho việc ghi vào sổ các thay đổi về hộ tịch.

Bản án, Quyết định cho ly hôn, chấm dứt nuôi con nuôi do toà án có thẩm quyền của nước đã ký kết với Việt Nam Hiệp định tương trợ tư pháp mà không có yêu cầu công nhận tại Việt Nam cũng được coi là căn cứ cho việc ghi vào sổ các thay đổi về hộ tịch.

2. Đối với các nước chưa ký kết với Việt Nam Hiệp định tương trợ tư pháp, thì các giấy tờ về hộ tịch nói tại khoản 1 của Điều này chỉ được coi là căn cứ cho việc ghi vào sổ các thay đổi về hộ tịch tại Việt Nam trên nguyên tắc có đi có lại.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc áp dụng nguyên tắc này đối với từng trường hợp cụ thể.

Điều 85. Thủ tục ghi vào sổ các thay đổi về hộ tịch

1. Người xin ghi vào sổ các thay đổi hộ tịch phải có đơn yêu cầu gửi cho Bộ Tư pháp. Kèm theo đơn yêu cầu, tuỳ từng trường hợp phải có:

a. Hộ chiếu hoặc Giấy tờ hợp lệ thay thế;

b. Bản sao Giấy đăng ký kết hôn, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc bản sao Bản án, Quyết định của Toà án nước ngoài xử ly hôn, chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Các giấy tờ trên được lập thành hai bộ hồ sơ như nhau.

2. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp xem xét, nếu có đủ điều kiện, thì gửi Công văn nêu rõ ý kiến kèm theo một bộ hồ sơ cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện việc ghi vào sổ.

Trong trường hợp không đủ điều kiện, thì Bộ Tư pháp trả hồ sơ cho đương sự và giải thích rõ lý do bằng văn bản.

3. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ và Công văn của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc ghi sổ các thay đổi về hộ tịch.

Điều 86. Thẩm quyền đăng ký quá hạn việc sinh, tử cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã xảy ra sự kiện sinh, tử của người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện đăng ký quá hạn việc sinh, tử.

Điều 87. Thủ tục đăng ký quá hạn việc sinh, tử cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Người xin đăng ký quá hạn việc sinh, tử phải nộp đơn và xuất trình các giấy tờ sau:

1. Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế;

2. Các giấy tờ cần thiết khác để chứng minh việc đăng ký quá hạn việc sinh, tử là đúng sự thật.

Đơn xin đăng ký quá hạn phải trình bày rõ lý do xin đăng ký quá hạn, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã xảy ra sự kiện sinh, tử và của hai người làm chứng.

Điều 88. Thời hạn đăng ký quá hạn việc sinh, tử cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu xét thấy việc xin đăng ký quá hạn là đúng sự thật, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký, cấp cho đương sự một bản chính Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng tử, Sở Tư pháp ghi vào sổ đăng ký theo từng loại việc và ghi "Đăng ký quá hạn có yếu tố nước ngoài" vào cột "Ghi chú" của hai loại sổ nói trên. Bản sao và số lượng bản sao Giấy khai sinh, Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của đương sự.

Trong trường hợp cần xác minh thêm, thì thời hạn kéo dài không quá 7 ngày.

Điều 89. Thẩm quyền đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú trước khi xuất cảnh hoặc nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây của người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi đã được đăng ký trước đây tại Việt Nam.

Điều 90. Thủ tục đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Người xin đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi phải nộp đơn và xuất trình các giấy tờ sau:

1. Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế;

2. Các giấy tờ cần thiết khác để chứng minh việc đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi là đúng sự thật.

Đơn xin đăng ký phải trình bày rõ lý do xin đăng ký lại, có xác nhận của hai người làm chứng. Trong trường hợp đăng ký lại tại Uỷ ban nhân dân không phải là nơi đã đăng ký hộ tịch, thì phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây về sự kiện hộ tịch đã đăng ký.

Điều 91. Thời hạn đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu xét thấy việc đăng ký lại là chính đáng và việc đăng ký trước đây là đúng sự thật, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký, cấp cho đương sự một trong các loại: bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng tử, Giấy chứng nhận kết hôn, Quyết định công nhận nuôi con nuôi, Sở Tư pháp ghi vào sổ đăng ký theo từng loại việc, và ghi "Đăng ký lại có yếu tố nước ngoài" vào cột "Ghi chú" của các loại sổ nói trên.

Trong trường hợp cần xác minh thêm, thì thời hạn kéo dài không quá 7 ngày.

Đối với việc đăng ký lại kết hôn, nhận nuôi con nuôi, khi trao Giấy chứng nhận kết hôn, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, các bên đương sự phải có mặt để cùng ký vào Sổ và Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Sổ và Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi.

Chương 5:

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 92. Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức liên quan đến việc đăng ký hộ tịch

1. Công dân, tổ chức có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc từ chối đăng ký hoặc đăng ký hộ tịch trái pháp luật.

2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thủ tục quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 93. Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền trong việc quản lý và đăng ký hộ tịch

Người có thẩm quyền trong việc đăng ký và quản lý hộ tịch mà do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái với các quy định của Nghị định này và văn bản pháp luật khác về hộ tịch, thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 94. Xử lý đối với cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của Nhà nước trong đăng ký hộ tịch

Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phải đi đăng ký hộ tịch mà không thực hiện đúng theo các quy định của Nghị định này, hoặc có hành vi gian dối khi đăng ký hộ tịch, thì tuỳ mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 95. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, và thay thế Điều lệ đăng ký hộ tịch ban hành theo Nghị định số 04/CP ngày 16 tháng 01 năm 1961 của Chính phủ. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 96. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 97. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
----------

No. 83/1988/ND-CP

Hanoi, October 10, 1998

 

DECREE

ON CIVIC STATUS REGISTRATION

THE GOVERNMENT

Pursuant to the Law on Organization of the Government of September 30, 1992;
In order to ensure unified observance of State management of civic status and create convenience for individuals and organizations in civic status registration;
At the proposal of the Minister of Justice,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Civic status and civic status registration

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Civic status registration as prescribed in this Decree is the fact that the competent State authority:

1. Certifies these events: birth; marriage; death; adoption; tutorship; recognition of father, mother, child; change of family name, given name, middle name; correction of family name, given name, middle name, day, month and year of birth; re-determination of nationality; overdue registration of birth and death; re-registration of birth, death, marriage and adoption;

2. On the basis of the decision of the competent State authority, to record in the household register events pertaining to divorce, recognition of father, mother and child, change of nationality, missing, loss of capacity for civil acts, limitation of capacity for civil acts, annulment of illegal marriage, restriction of the right of father and mother over a minor child and other events prescribed by law.

The papers on civic status issued by the competent State agency according to procedures and order prescribed in this Decree are written evidences of the events concerning civic status, or certificates of acts that cause the happening of, change or terminate the rights and obligations of individuals and organizations.

Article 2.- Objective of civic status management

Civic status management is the regular work of the competent State authorities to monitor the real situation and the change in civic status aimed at protecting the legitimate rights and interests of individuals and organizations, creating the basis for socio-economic building and development, ensuring national security and defense and the policy on population and family planning.

Article 3.- Right and obligation to register civic status

All civic status events must be registered at the competent State authority as prescribed in this Decree.

Individuals and organizations have the right and obligation to register their civic status.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 4.- Principle of registering and inspecting civic status and handling violations of civic status

The registration and inspection of civic status and the handling of violations of civic status regulations must be carried out in time, objectively and accurately according to provisions of this Decree and other regulations of the legislation on civic status.

Article 5.- Registration and management of civic status with foreign elements

The registration and management of civic status with foreign elements shall be carried out according to provisions of this Decree and other regulations of the legislation on civic status. In case an international convention which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to provides otherwise than this Decree or other provisions of the legislation on civic status, the international convention shall prevail.

Article 6.- Keeping civic status register on file

Civic status register is kept at two levels: one register is kept at the People's Committee of commune, ward, township level (hereafter commonly called commune-level People's Committee) where civic status is registered, and the other kept at the People's Committee of the province or city directly under the Central Government (hereafter commonly called provincial-level People's Committee).

Article 7.- Civic status fee

The competent State authority is entitled to collect fee when registering civic status. The fee levels, the fee exemption and reduction, and the regime of using fee shall be prescribed by the Ministry of Finance and the Ministry of Justice.

Chapter II

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 8.- Tasks and powers of the Ministry of Justice and the Ministry for Foreign Affairs in the management of civic status

1. The Ministry of Justice which assists the Government in exercising unified management of civic status has the following tasks and powers:

a/ To elaborate draft laws and ordinances on civic status;

b/ To submit to the Government for promulgation or to promulgate according to its competence legal documents on the registration and management of civic status;

c/ To guide and direct the professional technique on civic status;

d/ To issue, manage and guide the unified use of the various kinds of civic status register and forms;

e/ To draw statistics on civic status;

f/ To inspect and control the registration and management of civic status;

g/ To settle complaints and denunciations on civic status according to its competence;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



i/ To undertake international cooperation in civic status.

2. In the registration and management of civic status, the Ministry for Foreign Affairs has the following tasks and powers:

a/ To coordinate with the Ministry of Justice in directing, guiding, inspecting and organizing the implementation of the registration and management of civic status of the diplomatic missions, consular offices and other agencies of Vietnam authorized to perform the consular function in foreign countries (hereafter commonly called diplomatic missions or consular offices) as prescribed by the legislation on civic status;

b/ To organize professional training for civic status workers at the diplomatic missions and consular offices of Vietnam abroad;

c/ To settle complaints and denunciations on civic status according to its competence;

d/ To sum up the situation and draw the civic status statistics in foreign countries and send them to the Ministry of Justice every six months and annually.

Article 9.- Tasks and powers of the provincial-level People's Committee in civic status management and registration

1. The provincial-level People's Committee exercising unified management of civic status in its locality has the following tasks and powers:

a/ To direct, inspect and organize the registration and management of civic status according to the prescriptions of this Decree with regard to the People's Committees of various levels in its locality;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To organize the education, popularization and mobilization of the people to implement the provisions of the legislation on civic status;

d/ To organize the professional training of civic status workers of the People's Committees of the districts, townships and provincial cities (hereafter commonly called district-level People's Committees);

e/ To register civic status events arising in the locality concerning foreigners, Vietnamese residing in foreign countries as stipulated by the legislation on civic status;

f/ To permit the change of family name, given name, middle name; correction of family name, given name, middle name, day, month and year of birth; re-determination of nationality;

g/ To back register civic status events under the registration authority of the provincial-level People's Committee;

h/ To re-register the civic status events registered by the provincial People's Committee;

i/ To issue copies of civic status papers from the original register;

j/ To sum up the situation and report statistics of civic status figures to the Ministry of Justice every six months and annually;

k/ To keep file of civic status books and dossiers handed over by the commune-level People's Committee and civic status books and dossiers registered at the provincial-level People's Committee;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



m/ To settle complaints and denunciations and handle violations in civic status registration and management under its competence.

2. The Justice Service shall assist the provincial-level People's Committee in carrying out the tasks and exercising powers as provided for in Item 1 of this Article.

Article 10.- Tasks and power of the district-level People's Committee in civic status management:

1. The district-level People's Committee managing civic status registration in its locality has the following tasks and powers:

a/ To direct and inspect the carrying out of the registration and management of civic status in its locality;

b/ To organize the education, popularization and mobilization among the population for the implementation of the prescriptions of legislation on civic status;

c/ To organize the professional training of juridical status civic workers in its locality;

d/ To sum up the situation and report the statistics of civic status figures to the provincial-level People's Committee every six months and annually;

e/ To manage the use of different kinds of civic status books and forms as prescribed by the Ministry of Justice;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Justice Service shall assist the district-level People's Committee in carrying out its tasks and exercising its powers as provided for in Item 1 of this Article.

Article 11.- Tasks and powers of the commune-level People's Committee in the registration and management of civic status

1. In the domain of civic status management, the commune-level People's Committee has the following tasks and powers:

a/ To register births; marriages; deaths; adoptions; tutorships; recognition of father, mother, child; overdue registration of births and deaths; re-registration of births, deaths, marriages and adoptions;

b/ On the basis of the decisions of the competent State authority, to record in the civic register events concerning divorces, determination of fathers, mothers and children, changes of nationality, missing, loss of civil act capacity, limitation of civil act capacity, annulment of illegal marriages, restriction of parents' right over underage children and other civic status events prescribed by law;

c/ To issue copies of civic status papers from the original register;

d/ To educate the population on and popularize the provisions of the legislation on civic status and call upon the population to implement them;

e/ To sum up the situation and report the statistics on civic status figures to the district-level People's Committee every six months and annually;

f/ To keep files of the registers and dossiers on civic status;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



h/ To settle complaints and denunciations and handle violations concerning the registration and management of civic status under its competence.

2. Juridical civic status workers of the Justice Commission shall have to assist the commune-level People's Committee to carry out its tasks and exercise its powers as provided for at Item 1 of this Article.

Article 12.- Regime for juridical civic status workers

At the commune-level People's Committee, juridical civic status workers shall enjoy the regime of living allowance as stipulated in Decree No. 09/1998/ND-CP of January 23, 1998 amending and supplementing Decree No. 50-CP of July 26, 1995 of the Government on the regime of living allowance for cadres at communes, wards and townships.

Article 13.- Criteria of juridical civic status workers

Persons who fully meet the following conditions may be appointed as juridical civic status workers:

1. Being a Vietnamese citizen;

2. Having full capacity of action;

3. Having good ethical records;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Showing the sense of responsibility in his/her work;

6. Having a clear handwriting;

7. Having received training in civic status registration.

Article 14.- Persons who cannot be appointed as juridical civic status workers

A juridical civic status worker shall not be assigned with civic status registration work in the following cases:

1. Failing to complete his/her assigned tasks;

2. Having no condition to carry out his/her tasks;

3. Violating regulations on civic status registration and management or committing other law breaking acts.

Article 15.- Tasks and powers of juridical civic status registration workers

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To process dossiers, verify, check and propose to the President of the commune-level People's Committee for consideration and decision on civic status registration as prescribed in this Decree and other regulations of the legislation on civic status registration. When registering they must record fully and accurately the contents already provided for in the civic status registration books and forms;

2. To regularly check and register in time civic status events arising in his/her locality. In the areas where the people are still subject to long-standing habits and customs or where transportation is too difficult, they must work out a calendar for periodical visits to each home to register civic status events which have arisen;

3. To coordinate with the related agencies in reporting the accurate statistics of civic status figures every six months and annually;

4. To popularize the regulations of the legislation on civic status registration and call on the population to implement them;

5. To use the forms of civic status registration as prescribed by the Ministry of Justice.

6. To keep files on civic status registration books and dossiers.

Article 16.- Tasks and powers of the diplomatic missions and consular offices of Vietnam in foreign countries in civic status registration and management

In civic status registration and management, the diplomatic missions and consular offices of Vietnam in foreign countries have the following tasks and powers:

1. To register births; marriages; deaths; adoptions; tutorships; recognitions of father, mother and child; correction of family name, given name and middle name, day, month and year of birth; overdue registration of births and deaths; re-registration of birth, death, marriage and adoption (for civic status events which have been registered at the diplomatic missions or consular offices) for Vietnamese citizens in foreign countries;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To re-register civic status events occurring in foreign countries which have been registered by the competent authority in the concerned country for a Vietnamese citizen when the latter so requests.

4. To issue copies of civic status papers from the original register;

5. To keep files of civic status registration dossiers and books;

6. To sum up the situation and report the statistics on civic status figures to the Ministry for Foreign Affairs every six months and annually;

7. To use various kinds of civic status registration books and forms as prescribed by the Ministry of Justice;

8. To settle complaints and denunciations and handle violations of civic status registration and management according to its competence.

Diplomatic missions and consular offices of Vietnam in foreign countries shall appoint specialized workers to carry out the tasks and powers on civic status registration and management in foreign countries.

Chapter III

CIVIC STATUS REGISTRATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 17.- Competence in birth registration

1. Birth registration shall be carried out at the People's Committee of the commune where the mother has her permanent residence certificate or where the child is born.

2. In case the mother has her permanent residence in one place and registers the birth of her child in another place, the commune-level People's Committee at the place of registration must send a notification enclosed with a copy of the Birth Declaration to the People's Committee at the commune-level where the mother has her permanent residence certificate in order to record it in the birth register. The commune-level People's Committee at the place of registration must open a separate birth register for such cases and must not list them among the children born in the locality.

3. In case the mother does not have her permanent residence certificate or has filled the formalities to terminate her permanent residence at the old place but has not filled the formalities or has not gathered the necessary conditions to register her permanent residence at the place where she is actually living, the registration for the child shall be performed at the commune-level People's Committee at the place where the mother has registered for temporary limited residence.

Article 18.- Time-limit for birth registration

Within 30 days from the birth of a child, the father, mother or next of kin or the responsible person shall have to register the birth of the child; for the mountainous areas, deep-lying or remote areas, this time-limit shall not exceed 60 days.

Article 19.- Procedures for birth registration

1. The person who wants to declare a childbirth shall submit the Birth Certificate issued by the medical establishment where the child is born and shall have produce the following papers:

a/ The marriage certificate of the parents of the child (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The Identity Card of the person who makes the birth declaration.

In case not all the above papers are available, there must be valid substitutes.

If the child is born outside a medical establishment, the Birth Certificate must be replaced by a written certificate by the witness or the commander or driver of the means of transport if the child is born on a means of transport.

If all the valid papers are available, the President of the commune-level People's Committee shall sign and issue immediately the main copy of the Birth Declaration and the juridical civic status worker shall record it in the birth register. The copy of the Birth Declaration and its number shall be issued at the request of the person who makes the declaration.

2. In the Birth Declaration for a child born out of wedlock, the declaration about the father and mother shall be left vacant in the Birth Declaration and in the birth register pending determination of the father and mother. If a person declares himself or herself to be the father or mother of the child then, on the basis of the Decision of the competent State authority on the recognition of the father, mother or child, the name of the person who is recognized as father or mother shall be entered into the part reserved for the declaration about the father or mother in the Birth Declaration and in the birth register of the child.

3. The witness must meet all the following conditions:

a/ He/she must be 18 years of age or older and has full capacity for civil acts;

b/ He/she must have full knowledge of the facts related to the witnessing;

c/ He/she has no right or interest related to the witnessing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The papers which come by as a result of untruthful witnessing shall be revoked.

The conditions with regard to the witness stipulated in Item 3 of this Article shall apply to all cases of civic status registration which require witness under this Decree.

Article 20.- Birth declaration for a child who dies after birth

A child that lives 24 hours and more after birth shall also have to be registered for birth as prescribed in this Decree. If he/she dies before birth (stillborn) or lives less than 24 hours after birth, he/she shall not have to register for birth.

Article 21.- Birth declaration for an abandoned newborn

The person who detects an abandoned newborn shall have to protect him/her and notify immediately the nearest commune-level People's Committee or grassroots police in order to write a report certifying the conditions of the abandoned child. The People's Committee shall find a person or organization to care for the baby.

The commune-level People's Committee or the grassroots police where the newborn is abandoned shall have to notify on the mass media to find the natural father and mother of the child. Within 30 days after detection of the abandoned newborn, if the natural father and mother cannot be found, the individual or organization that accepts to raise the baby must declare his/her birth at the commune-level People's Committee at the place where the report is made.

When making the birth declaration for the child, the person who makes it shall have to hand in the report certifying the condition of the abandoned child and produce the Family Civic Status Register or a valid substitute paper.

When registering the birth of an abandoned child, if no ground exists to determine the date and place of birth, the day when the abandoned child is detected shall be the birthday, and the birth place is the place where the report certifying the condition of the abandoned child is made. The part devoted to the declaration on the father and mother of the child in the Birth Declaration and in the Birth Register shall be left vacant. In case a person accepts the child as adoptive child, then on the basis of the Decision of the commune-level People's Committee to recognize the adoption, the juridical civic status worker shall record the name of the person who is recognized as foster father or foster mother into the part devoted to the father and/or mother in the Birth Declaration of adoptive child and in the Birth Register the word "foster father and foster mother" must be clearly recorded. Absolute confidentiality must be ensured for this recording and only competent persons have the right to take and use this information.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 22.- Competence in marriage registration

The commune-level People's Committee at the place of residence of the male or female party shall perform the marriage registration.

Article 23.- Procedures for marriage registration

At the time of marriage registration, both the male and female parties have to be present, submit the declaration for marriage registration and produce the following papers:

1. The birth certificate of each party;

2. The civic family register of the male or female party at the place of marriage registration.

In case all the above papers are not available there must be valid substitutes.

In case of suspicion that one party or both parties, male and female, have contracted mental disease and are not able to take cognizance of their act, or a venereal disease, there must be a medical certificate of the medical establishment at the district level.

The declaration for marriage registration must be certified by the agency or unit at the place of his or her work (for government employees and workers, laborers, people's armed forces) or by the commune-level People's Committee at the place of their residence (for ordinary people) of each party on his/her marital status. This certification of the marital status is valid for no more than 30 days. In case one of the two parties or both parties have been married but such marriage has been dissolved by divorce or his/her spouse has died, they must hand in a copy of the verdict or decision of the Court which has taken legal effect allowing the divorce or a copy of the Death Certificate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A couple who have divorced and who now want to remarry each other shall also have to register for marriage according to the prescriptions in this Article.

Article 24.- Time-limit for marriage registration

Upon reception of the full valid dossier, the commune-level People's Committee shall have to verify the marriage conditions and post up the application for marriage registration at the office of the People's Committee within seven days. If more clarification is needed, this time-limit may be extended but for no more than seven days.

Past this time-limit, if the two parties, male and female, are considered fully qualified to marry as prescribed by the legislation on marriage and the family without any complaint or denunciation about their marriage, the commune-level People's Committee shall have to inform the two parties, male and female, of the date of registration.

After the time-limit of seven days from the date of notification, if the two parties, male and female, fail to come to register for marriage without plausible reason, the People's Committee shall annul the application for marriage registration and inform the concerned parties thereof.

Article 25.- Marriage registration ceremony

The marriage registration ceremony shall be held solemnly at the commune-level People's Committee at the place of registration. For the mountain, deep-lying and remote areas where transportation is too difficult, the marriage registration ceremony may be held at the hamlet or village.

At the ceremony the two parties, male and female, must be present. The representative of the commune-level People's Committee shall ask the opinion of both parties for the last time, if both parties still agree to the marriage, the juridical civic status worker shall invite them to sign together to the Marriage Certificate and the Marriage Register. The President of the commune-level People's Committee shall sign and hand to each party a main copy of the Marriage Certificate and explain to the two parties about the rights and duties of the wife and husband as prescribed by the legislation on marriage and the family. The Marriage Certificate and its number of copies shall be issued at the request of the two parties, male and female.

Article 26.- Refusal of marriage registration

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



SECTION 3. DEATH REGISTRATION

Article 27.- Competence in death registration

1. The commune-level People's Committee at the place of residence of the dead person shall perform the registration of death. In case the place of residence of the dead cannot be identified, the commune-level People's Committee at the place where the person dies shall register the death.

2. The registration of an army man/ woman in active service shall be performed at the commune-level People's Committee where he/she resided before doing his/her military duty.

3. The registration of death for army officers, professional armymen (women), defense workers and employees, and people's security forces is performed at the commune-level People's Committee at the place of residence of the dead.

4. With regard to the persons who die while serving their term of temporary custody or detention, the direct commander of the place of temporary custody or detention shall notify the place where he/she resided before he/she is taken into custody or detention in order to register his/her death.

5. The registration of the death of a person who dies while serving his imprisonment term or in execution of a death penalty or who dies at a reeducation center or a reformatory shall be performed at the commune-level People's Committee of the place where the concerned person is detained.

Article 28.- Time-limit for death registration

When a person dies at home or when receiving the death notice, the next of kin of the dead must declare his/her death. If he/she has no next of kin, the house owner or the responsible person of the agency, unit or organization where the person dies shall perform the death declaration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For rural areas, mountain, deep-lying and remote regions, such time-limit shall not exceed 15 days.

Article 29.- Death registration for a child who dies after birth

A child that dies 24 hours and more after birth shall have to be registered for both birth and death. If he/she dies before birth (stillborn) or immediately after birth, death registration is not necessary.

Article 30.- Death registration in cases of suspicion about the dead person or death of epidemics

1. The commune-level People's Committee shall register and issue the Burial Permit after receiving the written certification by the competent level of Police of the cause of the death in the following cases:

a/ Sudden death for unknown reason;

b/ Death by accident;

c/ Death by murder or suicide, suspected murder or forcible suicide;

d/ Death of an unidentified person;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The person who detects a suspected death must immediately inform the nearest grassroots Police. The grassroots Police must immediately inform the higher competent Police authority. Upon receiving this information the higher competent Police authority shall make a written certification of the cause of death so that the commune-level People's Committee can perform the death registration.

2. In case of death of epidemics, the commune-level People's Committee shall register the death and issue the Burial Permit only after consulting the competent medical authority.

Article 31.- Death registration for an unidentified person

The person who detects an unidentified dead person must report immediately to the commune-level People's Committee or the grassroots Police at the place where the unidentified dead person is found so that a written certification can be made of the condition of the unidentified dead. The report must bear the signatures of the person who detects the dead, the representative of the commune Police, the representative of the People's Committee and two witnesses.

The commune-level People's Committee or the grassroots Police at the place where the dead is found must report on the mass media in order to find the next of kin of the dead. Within 72 hours after detecting the dead, if no next of kin is found and with the permission of the competent Police authority, the commune-level People's Committee at the place where the unidentified dead person is found must perform the death registration and burial and keep the portraits, vestiges and objects of the dead.

Article 32.- Death registration for a person who is declared dead by the Court

1. The death registration for a person who is declared dead by the Court shall be performed when the decision of the Court has taken legal effect. The person who asks the Court to declare a person dead must perform the death registration.

2. If a person who is declared dead by the Court and has been entered in the death register now returns or is accurately reported to be still living, the commune-level People's Committee at the place of the death registration shall base itself on the decision of the Court on the annulment of the decision to declare the person dead to cross out his/her name from the death register.

Article 33.- Issue of Death Notice

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ For a person who dies at a hospital or other medical establishments, the department head or the person in charge of the establishment shall issue the Death Notice;

b/ For a person who dies on a means of transport, the commander or driver of the means shall make the written certification of the death signed by at least two passengers on the same means. At the first stop of the means of transport, the commander or driver shall hand over the certification report of the death to the man in charge of the stop. The latter shall have to come to the commune-level People's Committee or the nearest grassroots police station to fill the procedures for the issue of the Death Notice;

c/ For a person who dies during the period of his military service duty the competent authority in the army to which he/she is assigned shall issue the Death Notice;

d/ For a person who resides in one place but dies in another place outside the medical station, the commune-level People's Committee at the place where the person dies shall issue the Death Notice;

e/ For a person who dies in a detention camp, the camp director shall issue the Death Notice;

f/ For a person who dies by the execution of his death penalty the agency that executes the death sentence shall issue the Death Notice;

g/ In case a person is declared dead by the court the decision of the court to declare the death shall replace the Death Notice;

h/ In case the dead is a suspect or dies of epidemics, the written certification of the police or the opinion of the competent medical authority on the cause of the death shall replace the Death Notice.

The agency which issues the Death Notice shall have to send the Death Notice to the commune-level People's Committee at the place where the dead last resided in order to fill the procedure for death declaration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 34.- Procedures for death registration

The person who makes a death declaration shall submit the Death Notice and produce the following papers:

1. The family household register of the dead;

2. The identity card of the person who makes the death declaration.

In case not all the above papers are available, there must be valid substitutes.

If all the valid dossiers are available, the President of the commune-level People's Committee shall sign and issue immediately to the person who comes to make the declaration a main copy of the Death Certificate and the Burial Permit. The juridical civic status worker shall record it in the Death Register. The copy and number of copies of the Death Certificate shall be issued at the request of the person who makes the declaration.

If a person resides at a place but dies in another and there is no condition to bury him at the place of his residence, the commune-level People's Committee at the place where he dies shall have to issue a Burial Permit.

In case of death registration for an unidentified dead, if there is no ground to determine the date and place of death, the day when the dead is detected shall be the date of his death, the place of death is where the report of the death and the cause of death is made according to the written certification of the death by the Police office. The remaining sections in the Death Certificate and the Death Register shall be left blank. In the annotation of the Death Register, the word "unidentified dead" must be clearly written and the place of burial must be accurately recorded.

SECTION 4. REGISTRATION OF ADOPTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The commune-level People's Committee at the place of residence of the person who applies for adoption or the person who is adopted shall perform the registration of adoption.

Article 36.- Procedures for registration of adoption

The applicant to adopt a child must submit an application for adoption, the written consent of the natural father, natural mother, tutor and the medical establishment or nursing home to give the child as adoptive child, and produce the following papers:

1 The birth certificate of the person who adopts the child;

2. The identity card of the person who adopts the child;

3. The family household register of the person who adopts the child or the person who is adopted at the place of registration of the adoption;

4. The birth certificate of the person who is adopted. In case of a child whose birth is not yet registered, his/her birth must be registered before the adoption is registered;

5. If the adopted person is nine years old or older, there must be his/her consent.

In case not all the valid papers are available as prescribed in Points 1, 2 and 3 above, there must be valid substitutes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In case the adoptive person is a war invalid or a disabled person, or if the applicant is old and weak or lonely, this must be certified in the application by the commune-level People's Committee at the place of residence of that person.

The written consent of the natural father or mother or tutor, medical establishment or the establishment which directly raises the child to give him/her as adoptive child must be certified by the commune-level People's Committee at the place of residence of the father, mother, tutor or where the medical or the establishment directly raising the child is located.

Article 37.- Time-limit for registering to adopt a child

Upon receiving the full valid dossier, the commune-level People's Committee shall certify the adoption. In case the adoptive child is not clearly identified, the commune-level People's Committee shall post up the application for adoption at the office of the People's Committee and at the same time notify it on the mass media for 7 days. In case more clarification is needed, this may be extended but for not more than seven days.

Past that time-limit, if the application for adoption is judged to have met all the conditions prescribed by the legislation on marriage and the family and if no complaint or denunciation is received, the commune-level People's Committee shall have to inform the deliverer and receiver of the adopted person of the date for registration.

Within 7 days from the date of notification if the deliverer, the receiver and the adoptive child fails to come and register the adoption without plausible reason, the People's Committee shall annul the application to register for adoption and inform the concerned persons thereof. Later, if the applicant again asks to register for adoption, the registration procedure shall be performed as prescribed in Article 36 of this Decree.

Article 38.- Ceremony to hand over and receive the adoptive child

At the ceremony to hand over and receive the adoptive child, the deliverer, the receiver and the person who is adopted must be present. Both the deliverer and the receiver of the adoptive child must sign to the Register of Adoption and the record of delivery and reception of the adoptive child. The President of the commune-level People's Committee shall sign it and hand to each party a main copy of the Decision to recognize the adoption, explain to the receiving party and the adoptive child about the rights and obligations of the adoptive parents and child as prescribed by the legislation on marriage and the family. The copy of the Decision to recognize the adoption and its number shall be issued at the request of the delivering and receiving parties.

Article 39.- Refusal to register for adoption

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 40.- Recording the termination of adoption

Upon receiving of the decision of the Court which has taken legal effect on the termination of adoption, the commune-level People's Committee at the place where the adoption is registered shall record it in the adoption register.

SECTION 5. TUTORSHIP REGISTRATION

Article 41.- Competence in tutorship registration

The commune-level People's Committee at the place of residence of the tutor or the office of the agency or organization assuming the tutorship shall perform the registration of tutorship.

Article 42.- Registration of natural tutorship

The natural tutor as defined in Article 70 and Article 71 of the Civil Code shall have to come to the commune-level People's Committee at the place of his/her residence to register the tutorship. In case the persons who are all eligible to serve as natural tutor agree to appoint one of them to this task, the appointed person must produce the written accord when he/she goes to register tutorship.

Article 43.- Procedures for registering the appointment of the tutor

1. When registering the appointment of the tutor, the appointee must submit the record on the appointment by the individual, agency or organization that makes the appointment, the written consent to act as tutor of the appointee, and produce the following papers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The household family register of the tutor;

c/ The identity card or the mandate of the person or organization that is appointed as tutor.

In case not all the above valid papers are available there must be valid substitutes.

2. Within 7 days from the date when all the valid dossiers are received, if the appointment of the tutor fully meets the conditions prescribed by the legislation on tutorship, the commune-level People's Committee shall register the appointment of the tutor.

When registering the appointment of the tutor the appointee and both the appointed tutor and tutored must be present. If one of them is absent for plausible reason there must be a written mandate certified by the commune-level People's Committee at the place of his/her residence. The President of the commune-level People's Committee shall sign and issue to each party a main copy of the Decision recognizing the tutorship, explain to the tutor and the tutored person on the rights and obligations of both parties. Then the juridical civic status worker shall record it in the Register of Tutorship. In the Decision recognizing the tutorship, the reason for the appointment of the tutor, the specific rights and obligations of the appointed tutor must be clearly written. If the tutored person has private properties, their conditions must be clearly recorded as properties of the tutored person. The copy of the Decision to recognize the tutorship and its number shall be issued at the request of the appointee and receiver of tutorship.

Article 44.- Refusal to register tutorship

In case there is not enough ground to register tutorship, within 7 days the commune-level People's Committee shall invite the applicant for tutorship registration to the Committee to inform him/her of the refusal of registration, the reason for the refusal must be clearly stated in writing.

Article 45.- Registering the change and termination of tutorship

1. The commune-level People's Committee at the place where the tutorship is registered shall perform the registration of the change and termination of tutorship.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The termination of tutorship shall comply with the stipulations in Article 82 of the Civil Code.

Article 46.- Procedures for registration of the change or termination of tutorship

The person who asks for the change or termination of tutorship shall have to send an application and the Decision to recognize the tutorship, and produce the following papers:

1. The household family register of the tutor or the tutored person at the place where tutorship registration was made earlier;

2. The identity card of the tutor;

3. The written certification of the conditions of the current property of the tutored person (if the Decision to recognize the tutorship has recorded the conditions of the property of the tutored person) certified by the commune-level People's Committee where the property of the tutored person is located.

In case not all the papers prescribed in Points 1 and 2 above are available, there must be valid substitutes.

Within 7 days after reception of the full valid dossiers, if the request for change or termination of tutorship is judged legitimate and there is no dispute relating to the properties of the tutored person, the President of the commune-level People's Committee shall sign and issue to the concerned person a main copy of the Decision to recognize the termination of tutorship, the juridical civic status worker shall record it in the register which has registered the tutorship, retrieve the Decision recognizing the tutorship already issued. The copy of the Decision recognizing the termination of tutorship and its number shall be issued at the request of the concerned parties.

In case of a request for change of tutorship, after terminating the old tutorship relation, the procedure of new tutorship registration shall be performed as prescribed in Article 43 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 47.- Competence in registering the recognition of father, mother and child

The commune-level People's Committee at the place of residence of the child shall recognize and register the recognition of mother, father or child if this recognition is voluntary and free of dispute.

Article 48.- Procedure of registering the recognition of child by father and mother

The person who asks to recognize a child must submit an application and produce the following papers:

1. The birth certificate of the child;

2. The household family register of the child;

3. The identity card of the applicant;

4. Other necessary papers testifying to the father-child relations or mother-child relations.

In case not all the papers prescribed in Points 1, 2 and 3 above are available, there must be valid substitutes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In case a person whose life is threatened with death due to disease or other causes cannot come to the commune-level People's Committee to ask for recognition of another person as his/her child, the application shall be replaced by a written certification by two witnesses of the desire of that person to recognize the child. In case that person has filed an application for recognition of the child, his/her next of kin or his/her mandated person shall fill the procedures to register the recognition of the child by the father or mother.

Article 49.- Procedures to register the recognition of father or mother by the child

The applicant for recognition of father or mother must file an application and produce the following papers:

1. The birth certificate of the applicant for recognition of father or mother;

2. The household family register of the applicant for recognition of father or mother;

3. Other necessary papers testifying to the father-child or mother-child relations.

In case not all the papers prescribed in Points 1 and 2 above are available, there must be valid substitutes.

The application to recognize a father or a mother must have the consent of the person who is currently the mother or father, or the person recognized as father or mother.

In case the applicant to recognize another as father or mother is under 15 years old, the application must be written by the mother or father or the person who is raising the applicant. If he/she is 9 years and older there must be his/her consent, if he/she is full 15 years or older the application must be written by himself/herself.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Within 7 days after reception of full valid dossier, the commune-level People's Committee must conduct the verification and post up the application to recognize father, mother or child at the office of the People's Committee. In case more clarification is needed, this time-limit may be extended but for no more than 7 days.

Past that time-limit, if the application for recognition of father, mother or child is judged having met the conditions required by the legislation on marriage and the family and if there is no complaint, the commune-level People's Committee shall inform the parties of the date of registration of the recognition of father, mother or child.

At the registration of the recognition of father, mother or child, both parents and the person accepted as child must be present. The President of the commune-level People's Committee shall sign and issue to each party a main copy of the Decision recognizing the acceptance by a parent of another person as his/her child or by a child of another person as his/her father or mother. The juridical civic status worker shall record it in the register of acceptance of fathers, mothers and children. The copy of the recognition Decision and its copies shall be issued at the request of the parties, the father, mother and child.

Article 51.- Refusal to register the recognition of father, mother or child

In case there is not enough ground to recognize the acceptance of father, mother or child, the commune-level People's Committee shall invite the person who asks to recognize another as father, mother or child to the People's Committee to inform him/her of the refusal of registration, the reason for refusal must be stated clearly in writing.

SECTION 7. REGISTERING THE CHANGE OF FAMILY NAME, GIVEN NAME, MIDDLE NAME; THE CORRECTION OF FAMILY NAME, GIVEN NAME, MIDDLE NAME, THE DAY, MONTH AND YEAR OF BIRTH; RE-DETERMINATION OF NATIONALITY

Article 52.- Competence in registering the change of family name, given name, middle name; the correction of family name, given name, the middle name, day, month and year of birth; re-determination of nationality

The provincial-level People's Committee at the place of residence or where the birth of the applicant for change of family name, given name, middle name; the correction of family name, given name and middle name, the day, month and year of birth (hereafter commonly called change and correction of civic status); re-determination of nationality has been registered in the main copy of the Birth Certificate shall be competent for such changes, correction or redetermination.

Article 53.- Procedures for registering the change or correction of civic status, re-determination of nationality

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The main copy of the birth certificate;

b/ The household family register of the applicant;

c/ The identity card;

d/ Other necessary papers to testify that he/she has all the conditions prescribed in Article 29 of the Civil Code (for applications to change family name and given name) and Article 30 of the Civil Code (for applications to re-determine the nationality).

In case not all the papers prescribed in Points a, b and c above are available, there must be valid substitutes.

The application for change or correction of civic status or re-determination of nationality must clearly state the reason and contents of the application for change or correction certified by the commune-level People's Committee at the place of residence of the applicant. If it is an application to change or correct the civic status or to re-determine the nationality at a commune-level People's Committee other than the place of birth registration, there must be certification by the commune-level People's Committee at the place where the birth is registered earlier.

2. The change or correction of civic status for a person under 18 years old shall be performed at the written request of his/her parents or legal tutor. For a person of full 9 years or older, his/her consent is required.

Within 15 days from reception of the full valid dossier, if the request of change or correction of the civic status or re-determination of nationality is judged not contrary to the prescriptions of law, the President of the provincial-level People's Committee shall sign and issue to the concerned person a main copy of the Decision allowing the change or correction of the civic status or the re-determination of nationality. Basing itself on the Decision of the provincial-level People's Committee, the Justice Service shall record the contents of the change in the register of changes and corrections of civic status and the main copy of the birth certificate of the concerned person. The Justice Service shall send a copy of the Decision allowing the change or correction of the civic status or re-determination of nationality to the Police agency of the same level and the commune-level People's Committee where the birth has been registered in order to record the changes in the birth register of the concerned person. The copy of the Decision and its number shall be issued at the request of the concerned persons.

Article 54.- Refusal to register the change or correction of the civic status or the re-determination of nationality

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 55.- Readjusting papers and individual dossiers of following the Decision allowing the change or correction of the civic status or re-determination of nationality

The agency or related organization which is managing the individual dossier of the concerned person shall base itself on the Decision of the provincial-level People's Committee allowing the change or correction of the civic status or the re-determination of nationality and the main copy of the Birth Certificate in which the change has been recorded to readjust the individual papers and dossier of the concerned person.

SECTION 8. RECORDING IN THE REGISTER OTHER CHANGES IN THE CIVIC STATUS

Article 56.- Contents to be recorded in register of other civic status changes

Other civic status changes include events concerning divorce, the determination of father, mother or child, change of nationality, missing, loss of capacity for civil acts, limitation of capacity of civil acts, annulment of illegal marriage, restriction of rights of father and mother over minor children.

Article 57.- Competence in recording other civic status changes in register

The People's Committee at the place of civic status registration shall record the other civic status changes on the basis of the decision of the competent State authority which has taken legal effect.

Article 58.- Procedure of recording other civic status changes in the register

When issuing a decision related to the other civic status changes, the competent State authority shall have to send a copy of the decision to the People's Committee where the civic status events are registered in order to record them in the register of the other civic status changes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



SECTION 9. OVERDUE REGISTRATION, RE-REGISTRATION

Article 59.- Overdue registration of birth and death

1. If a birth or death is not yet registered within the time-limit prescribed in Articles 18 and 28 of this Decree, it must be registered according to the procedures for overdue registration.

2. The person who has the responsibility to register a birth or a death but who fails to do it within the time-limit prescribed by this Decree without plausible reason, may be subject to administrative sanctions as prescribed by law.

Article 60.- Competence in overdue registration of birth and death

The commune-level People's Committee at the place of residence of the concerned person shall have to conduct overdue registration of birth and death.

Article 61.- Procedures for overdue birth and death registration

1. When registering an overdue declaration of birth, the concerned person shall have to produce all the papers prescribed in Article 19 of this Decree. He/she also has to file an application for overdue declaration of birth and must state the reason for the overdue registration.

2. When registering for an overdue declaration of death, the concerned person shall have to produce all the papers prescribed in Article 34 of this Decree. He also must file an application for overdue registration of death with specification of the reason for failing to register on schedule.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Within 7 days after reception of full valid dossier, if the application for overdue registration is judged plausible, the President of the commune-level People's Committee shall sign and issue to the concerned person a main copy of the Birth Certificate or Death Certificate and the juridical civic status worker shall record it in the register according to each kind of work and write the word "Overdue registration" on the "annotation" column of the above two kinds of register. The copy of the birth or death certificate and its number shall be issued at the request of the concerned person.

In case more clarification is needed, this time-limit may be extended but for no more than 7 days.

Article 63.- Re-registration of birth, death, marriage, and adoption

In case a birth, death, marriage and adoption which has been registered but the main copy and the original registered is lost or damaged and becomes unusable, it can be re-registered.

Article 64.- Competence in re-registering birth, death, marriage and adoption

The commune-level People's Committee where the concerned person lives or registers his/her civic status shall perform the re-registration of birth, death, marriage and adoption.

Article 65.- Procedure of re-registration of birth, death, marriage, and adoption

The applicant for re-registering birth, death, marriage and adoption shall have to send an application and produce the following papers:

1. The household civic family register;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Other necessary papers to prove that the registered civic status event is true.

In case not all the papers required in Points 1 and 2 above are available, there must be valid substitutes.

The application for re-registration must be certified by two witnesses.

In case re-registration is made at the People's Committee at a place other than where registration was made earlier, there must be certification by the commune-level People's Committee where civic status registration has taken place.

Article 66.- Time-limit for re-registration of birth, death, marriage and adoption

Within 7 days after reception of full valid dossier, if the application for re-registration is judged truthful, the President of the commune-level People's Committee shall sign and issue to the concerned party a main copy of the birth declaration, the death certificate, the marriage certificate or the Decision to recognize the adoption; the juridical civic status worker shall record it in the register according to each kind of work and write the word "Overdue registration" on the annotation column of the above kinds of register. In case further clarification is needed, this time-limit may be extended but for no more than 7 days.

When re-registering the marriage or adoption, the concerned parties must be present at the ceremony to deliver the marriage certificate or the certificate of adoption.

Article 67.- Refusal of overdue registration and re-registration

In case there is not enough ground to allow overdue registration or re-registration, the commune-level People's Committee shall refuse the registration and explain it in writing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



CIVIC STATUS REGISTRATION INVOLVING FOREIGN ELEMENTS

Article 68.- Competence in birth registration

1. The People's Committee in a province where the foreigners reside shall carry out birth registration for children born in Vietnam from a foreign father and mother if the foreigners so request.

2. The birth registration for a child born in Vietnam from a father or a mother who is a Vietnamese citizen living in Vietnam while the other spouse is a foreigner, shall be performed at the People's Committee of the province where resides the father or mother who is a Vietnamese citizen. The time-limit for birth registration shall be performed as stipulated in Article 18 of this Decree.

Article 69.- Procedures for birth registration

The person who performs birth registration shall have to file an application, the birth certificate and produce the following papers:

1. The marriage certificate of the father and mother of the child (if any);

2. The certificate of permanent or temporary residence of the foreigner in Vietnam;

3. The passport, identity card or other valid substitute of the person who makes the birth declaration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If the birth registration concerns a child born out of wedlock, and if a person acknowledges himself or herself as father or mother of the child, the Justice Service shall, basing itself on the Decision of the competent State authority recognizing the acceptance by the father or mother of the child out of wedlock, record the name of the recognized father and mother in the declaration on father and mother in the Birth Certificate and the Birth Register of the child.

Article 70.- Time-limit for birth registration

Within 7 days from reception of the full valid dossier, the President of the People's Committee at provincial-level shall sign and issue a main copy of the Birth Certificate to the child, and the Justice Service shall record it in the Birth Register. The copy of the Birth Certificate and its number shall be issued at the request of the person who comes to the office to register the birth.

In case further clarification is needed, this time-limit may be extended but for no more than 7 days.

Article 71.- Competence in death registration

The provincial-level People's Committee at the place of residence of the dead who is a foreigner shall perform the death registration.

Article 72.- Procedures for death registration

The person who registers for death declaration shall have to send an application and the death notice and produce the following papers:

1. The certificate of permanent or temporary residence in Vietnam of the dead.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 73.- Time-limit for registration of death declaration

Within 7 days after reception of full valid dossier, the President of the provincial-level People's Committee shall sign and issue a main copy of the death certificate to the person who is to register the death declaration; the Justice Service shall record it in the register of death declaration, and send through diplomatic channel a copy of the death certificate to the diplomatic representative office and the consulate of Vietnam in the country of which the dead is a citizen (if any). The copy of the death certificate and its number shall be issued at the request of the person who is to register for death declaration.

The registration of death declaration for a foreigner who dies in the circumstances defined in Article 30 of this Decree shall be performed only after a written certification of the death is issued by the police agency or medical agency of provincial level.

Article 74.- Registration of birth and death for Vietnamese citizens having settled abroad

The registration of the birth or death in Vietnam for a Vietnamese citizen having settled abroad shall be performed as defined in the articles from Article 68 to Article 73 of this Decree.

Article 75.- Registration of marriage, adoption, recognition of father, mother, child and acceptance of tutorship with foreign elements

The registration of marriage, adoption, recognition of father, mother, acceptance of tutorship (guardianship) between a Vietnamese citizen and a foreigner or between Vietnamese themselves of which a party has settled abroad shall be performed as prescribed by the legislation on marriage and the family involving foreign elements.

Article 76.- Competence in registering the marriage between foreigners in Vietnam

The registration of marriage between foreigners in Vietnam, if so requested, shall be performed at the People's Committee of provincial level at the place where the foreigners reside.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Foreigners who apply to register their marriage in Vietnam must conform with the prescriptions of the law in their country or countries on the conditions for marriage and have the certificate of the competent office of the country of which they are citizens concerning the permission to register for marriage at the competent office of Vietnam. This certificate must be legalized by the consulate as prescribed by Vietnamese law and must be translated into Vietnamese and certified by the Notary Public.

Article 78.- Time-limit for registration of marriage between foreigners in Vietnam.

Within 7 days after reception of full valid dossier, the President of the People's Committee of provincial-level shall sign the Marriage Certificate.

Within 7 days after the signing of the Marriage Certificate, the Justice Service shall hand to each party a main copy of the Marriage Certificate and record it in the Marriage Register.

When handing the Marriage Certificate, both foreign parties, male and female, must be present to sign at the same time to the Marriage Certificate and the Marriage Register. The copy of the Marriage Certificate and its number shall be issued at the request of the two parties, male and female.

Article 79.- Competence in registering the changes or corrections of civic status, or re-determination of nationality of Vietnamese settlers abroad.

The People's Committee of provincial level where the Vietnamese settler abroad has earlier registered his/her birth shall perform the registration of the change or correction of his/her civic status or the re-determination of his/her nationality.

Article 80.- Procedures of registering the changes or corrections of the civic status, and re-determination of nationality of Vietnamese settlers abroad

The person who asks for change or correction of the civic status or re-determination of nationality shall file an application and produce the following papers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Passport, the Identity Card or a valid substitute;

3. Other necessary papers to prove that he/she has all the conditions prescribed in Article 29 of the Civil Code (concerning the application for change of family and given names) and Article 30 of the Civil Code (concerning the application for re-determination of nationality).

The application for change or correction of the civic status or for re-determination of nationality must state clearly the reason and the contents of the proposed changes and corrections and must be certified by two witnesses.

Article 81.- Time-limit to register the change or correction of civic status, or re-determination of nationality of Vietnamese settlers abroad.

Within 15 days after receiving full valid dossier, if the demand for change or correction of civic status or for re-determination of nationality meets all the conditions prescribed by law, the President of the People's Committee of provincial-level shall sign and issue to the concerned party a main copy of the Decision allowing the change or correction of civic status or the re-determination of nationality. Based on the Decision of the provincial-level People's Committee, the Justice Service shall record the contents of the change into the register of changes and corrections of civic status, the main copy of the Birth Certificate and the Register where the birth of the concerned party has been registered.

Article 82.- Use of civic status papers issued by the competent foreign authority to Vietnamese citizens residing abroad

1. Civic status papers issued by competent foreign authority to Vietnamese citizens living abroad and if used in Vietnam must be legalized by the consulate as prescribed by Vietnamese law and must be translated into Vietnamese and certified by the State Notary Public.

2. A Vietnamese citizen who repatriates with civic status papers issued by the Vietnamese diplomatic representative or consulate in a foreign country or the competent foreign authority, he/she must record it in the civic status register of the commune-level People's Committee at the place of his/her permanent residence.

Article 83.- Competence in recording in the register changes of nationality due to marriage, adoption, divorce and termination of adoption (hereafter commonly called registration of civic status changes).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 84.- Principle of recognizing civic status changes

1. The Marriage Certificate or the Decision recognizing an adoption issued by the competent authority of the country which has signed an Agreement on Judiciary Mutual Aid with Vietnam shall be regarded as basis for the recording of civic status changes into the register.

The Court verdict, the Decision to allow divorce or termination of adoption issued by the competent Court of a country which has signed an Agreement on Judiciary Mutual Aid that is not necessarily recognized in Vietnam shall also be considered as basis for the recording of civic status changes into the register.

2. For the countries which have not yet signed juridical mutual aid agreements with Vietnam the civic status papers mentioned in Item 1 of this Article shall be regarded only as basis for recording into the register civic status changes in Vietnam on the principle of reciprocity.

The Minister of Justice shall decide on the application of this principle in each specific case.

Article 85.- Procedure of recording civic status changes into the register

1. The applicant for recording civic status changes into the register must send an application to the Ministry of Justice. Depending on each case the application must be attached to:

a/ The Passport or a valid substitute;

b/ A copy of the Marriage Registration Paper, the Decision of the competent authority of the foreign country recognizing the adoption or a copy of the Verdict and of the Decision of the foreign Court which orders the divorce and the termination of the adoption.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Within 7 days after reception of the full valid dossier, the Ministry of Justice shall examine and, if all conditions are met, shall send an official dispatch stating its opinion attached to a set of dossier to the People's Committee of provincial-level in order to record it in the register.

In case not all conditions are met, the Ministry of Justice shall return the dossier to the concerned party and explain the reason in writing.

3. Within 7 days after reception of the dossier and the official dispatch of the Ministry of Justice, the People's Committee of provincial-level shall record the event in the Register of changes in civic status.

Article 86.- Competence in overdue registration of birth and death for Vietnamese settlers abroad

The People's Committee of provincial-level at the place where the birth or death of the Vietnamese residents abroad occurs shall perform the overdue registration of births and deaths.

Article 87.- Procedures for overdue registration of births and death for Vietnamese settling abroad

The applicant for overdue registration of birth or death shall send an application and produce the following papers:

1. The Passport, the Identity Card or a valid substitute;

2. Other necessary papers to prove that the overdue registration of birth or death is truthful.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 88.- Time-limit for overdue registration of birth and death of Vietnamese settlers abroad

Within 7 days after reception of full valid dossier, if the overdue registration is judged truthful, the President of the People's Committee of provincial-level shall sign and issue to the concerned person a main copy of the Birth Certificate or Death Certificate, the Judiciary Service shall record in the register according to each type of affairs and write "Overdue registration with foreign elements" in the column "Notes" of these two registers. The copy of the Birth Certificate or Death Certificate and their numbers shall be issued at the request of the concerned party.

If further clarification is needed, the time-limit may be extended but for no more than 7 days.

Article 89.- Competence in re-registration of birth, death, marriage and adoption for Vietnamese settlers abroad

The People's Committee of provincial-level where the Vietnamese settler had his/her permanent residence before going abroad or the place of his/her earlier civic status registration, shall perform the re-registration of the birth, death, marriage and adoption which has been registered earlier in Vietnam.

Article 90.- Procedures for re-registration of birth, death, marriage and adoption of Vietnamese settlers abroad

The applicant for re-registration of birth, death, marriage and adoption shall have to send an application and produce the following papers:

1. Passport, Identity Card or valid substitute;

2. Other necessary papers to prove that the re-registration of birth, death, marriage and adoption is truthful.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 91.- Time-limit for re-registration of birth, death, marriage and adoption for Vietnamese settlers abroad

Within 7 days after reception of full valid dossier, if the re-registration is judged lawful and that the previous registration is truthful, the President of the People's Committee of provincial-level shall sign and issue to the concerned party one of the following papers: the main copy of the Birth Certificate, or Death Certificate or Marriage Certificate, the Decision recognizing the adoption, and the Justice Service shall record in the register according to each type of affairs and write "Re-registration with foreign elements" in the column "Notes" of the above kinds of register.

If further clarification is needed, the time-limit may be extended but for no more than 7 days.

For the re-registration of marriage and adoption, at the delivery of the marriage Certificate or the Decision recognizing the adoption, the concerned parties must be present in order to sign together to the Register and the Marriage Certificate, or the Register and Certificate recognizing the adoption.

Chapter V

SETTLEMENT OF COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS AND HANDLING OF ADMINISTRATIVE VIOLATIONS

Article 92.- Right of citizens and organizations to lodge complaints and denunciations related to the civic status registration

1. Citizens and organizations have the right to complain and denounce to the competent State authority about refusal to register or about unlawful civic status registration.

2. The settlement of complaints and denunciations shall comply with the procedures prescribed by legislation on complaints and denunciations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A competent person in the registration and management of civic status, either by lack of responsibility or deliberate contravention of this Decree and other legal documents on civic status shall, depending on the seriousness of the violation, be subjected to discipline or examined for penal liability. If damage is caused, the compensation therefor must be made as prescribed by law.

Article 94.- Punishment of individuals and organizations that violate State prescriptions in civic status registration

Individuals and organizations that have the duty to register civic status but that do not correctly comply with the prescriptions of this Decree or that take fraudulent acts in civic status registration shall, depending on the extent of their violation, be subjected to administrative sanctions or examined for penal liabilities according to prescriptions of law.

Chapter VI

FINAL PROVISION

Article 95.- This Decree takes effect 15 days after its signing and replaces the Statute on Civic Status Registration issued together with Decree No. 04-CP of the Government on January 16, 1961. All earlier regulations which are contrary to this Decree are now annulled.

Article 96.- The Minister of Justice, the Minister of Finance, the Minister-Head of the Government Commission for Organization and Personnel and the Minister for Foreign Affairs shall have to guide the implementation of this Decree.

Article 97.- The Ministers, the Heads of ministerial level agencies, the Heads of agencies attached to the Government, the Presidents of the People's Committees of the provinces and cities directly under the Central Government shall have to implement this Decree.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



THE GOVERNMENT




Phan Van Khai

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 về việc đăng ký hộ tịch

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


42.458

DMCA.com Protection Status
IP: 18.219.224.103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!