Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 số 22/2000/QH10

Số hiệu: 22/2000/QH10 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nông Đức Mạnh
Ngày ban hành: 09/06/2000 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2000/QH10

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 2000

LUẬT

NGÀY 09/06/2000 CỦA QUỐC HỘI SỐ 22/2000/QH10 VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

LỜI NÓI ĐẦU

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt.
Để đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống và những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xoá bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình;
Để nâng cao trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam;
Kế thừa và phát triển pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này quy định chế độ hôn nhân và gia đình.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình

Luật hôn nhân và gia đình có nhiệm vụ góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Luật hôn nhân và gia đình quy định chế độ hôn nhân và gia đình, trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, các tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3. Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.

4. Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội; con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà; các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau.

5. Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.

6. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ.

Điều 3. Trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình

1. Nhà nước có chính sách, biện pháp tạo điều kiện để các công dân nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ và gia đình thực hiện đầy đủ chức năng của mình; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình; vận động nhân dân xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giáo dục, vận động cán bộ, công chức, các thành viên của mình và mọi công dân xây dựng gia đình văn hoá; thực hiện tư vấn về hôn nhân và gia đình; kịp thời hoà giải mâu thuẫn trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình.

3. Nhà trường phối hợp với gia đình trong việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình cho thế hệ trẻ.

Điều 4. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi.

Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Cấm ngượ đãi, hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em và các thành viên khác trong gia đình.

3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Điều 5. Áp dụng quy định của Bộ luật dân sự

Các quy định của Bộ luật dân sự liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình trong trường hợp pháp luật về hôn nhân và gia đình không có quy định.

Điều 6. Áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình

Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại Luật này thì được tôn trọng và phát huy.

Điều 7. Áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

1. Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

Điều 8. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chế độ hôn nhân và gia đình là toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn, nghĩa vụ và quyền giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, cấp dưỡng, xác định cha, mẹ, con, con nuôi, giám hộ, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình;

2. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn;

3. Kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định;

4. Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật;

5. Cưỡng ép kết hôn là hành vi buộc người khác phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ;

6. Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn;

7. Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân;

8. Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Toà án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng;

9. Cưỡng ép ly hôn là hành vi buộc người khác phải ly hôn trái với nguyện vọng của họ;

10. Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo quy định của Luật này;

11. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này;

12. Những người cùng dòng máu về trực hệ là cha, mẹ đối với con; ông, bà đối với cháu nội và cháu ngoại;

13. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú con bác, con cô con cậu, con dì là đời thứ ba;

14. Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình:

a) Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài;

b) Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam;

c) Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Chương 2:

KẾT HÔN

Điều 9. Điều kiện kết hôn

Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;

2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;

3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này.

Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn

Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:

1. Người đang có vợ hoặc có chồng;

2. Người mất năng lực hành vi dân sự;

3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

5. Giữa những người cùng giới tính.

Điều 11. Đăng ký kết hôn

1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này.

Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý.

Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn.

2. Chính phủ quy định việc đăng ký kết hôn ở vùng sâu, vùng xa.

Điều 12. Thẩm quyền đăng ký kết hôn

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn là cơ quan đăng ký kết hôn.

Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở nước ngoài.

Điều 13. Giải quyết việc đăng ký kết hôn

1. Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về hộ tịch, cơ quan đăng ký kết hôn kiểm tra hồ sơ đăng ký kết hôn; nếu xét thấy hai bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn tổ chức đăng ký kết hôn.

2. Trong trường hợp một bên hoặc cả hai bên không đủ điều kiện kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn từ chối đăng ký và giải thích rõ lý do bằng văn bản; nếu người bị từ chối không đồng ý thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Tổ chức đăng ký kết hôn

Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên.

Điều 15. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

1. Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này.

2. Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật này.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật này:

a) Vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn;

b) Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;

c) Hội liên hiệp phụ nữ.

4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

Điều 16. Hủy việc kết hôn trái pháp luật

Theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 15 của Luật này, Toà án xem xét và quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật và gửi bản sao quyết định cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn. Căn cứ vào quyết định của Toà án, cơ quan đăng ký kết hôn xoá đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn.

Điều 17. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

2. Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.

3. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

Chương 3:

QUAN HỆ GIỮA VỢ VÀ CHỒNG

Điều 18. Tình nghĩa vợ chồng

Vợ chồng chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Điều 19. Bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng

Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình.

Điều 20. Lựa chọn nơi cư trú của vợ, chồng

Nơi cư trú của vợ, chồng do vợ chồng lựa chọn, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.

Điều 21. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng

1. Vợ, chồng tôn trọng và giữ gìn danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau.

2. Cấm vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau.

Điều 22. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng

Vợ, chồng tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; không được cưỡng ép, cản trở nhau theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Điều 23. Giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt

Vợ, chồng cùng bàn bạc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mỗi người.

Điều 24. Đại diện cho nhau giữa vợ, chồng

1. Vợ chồng có thể uỷ quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả vợ chồng; việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản.

2. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Toà án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó.

Điều 25. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện

Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình.

Điều 26. Quan hệ hôn nhân khi một bên bị tuyên bố là đã chết mà trở về

Khi Toà án ra quyết định huỷ bỏ tuyên bố một người là đã chết theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật dân sự mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân đương nhiên được khôi phục; trong trường hợp vợ hoặc chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực pháp luật.

Điều 27. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

2. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

Điều 28. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

1. Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thoả thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

Điều 29. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

1. Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

2. Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận.

Điều 30. Hậu quả chia tài sản chung của vợ chồng

Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người; phần tài sản còn lại không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Điều 31. Quyền thừa kế tài sản giữa vợ chồng

1. Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế.

2. Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thoả thuận cử người khác quản lý di sản.

3. Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định; nếu hết thời hạn do Toà án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án cho chia di sản thừa kế.

Điều 32. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng.

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân.

2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

Điều 33. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng

1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

2. Vợ, chồng tự quản lý tài sản riêng; trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không uỷ quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó.

3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng.

5. Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thoả thuận của cả vợ chồng.

Chương 4:

QUAN HỆ GIỮA CHA MẸ VÀ CON

Điều 34. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên; không được xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Điều 35. Nghĩa vụ và quyền của con

Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

Điều 36. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, tàn tật; trong trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Điều 37. Nghĩa vụ và quyền giáo dục con

1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.

Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hoà thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục con.

2. Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động xã hội của con.

3. Khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được, cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con.

Điều 38. Nghĩa vụ và quyền của bố dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng

1. Bố dượng, mẹ kế có nghĩa vụ và quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng cùng sống chung với mình theo quy định tại các điều 34, 36 và 37 của Luật này.

2. Con riêng có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình theo quy định tại Điều 35 và Điều 36 của Luật này.

3. Bố dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau.

Điều 39. Đại diện cho con

Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.

Điều 40. Bồi thường thiệt hại do con gây ra

Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định tại Điều 611 của Bộ luật dân sự.

Điều 41. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Khi cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi truỵ, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì tuỳ từng trường hợp cụ thể Toà án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 42 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Toà án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Điều 42. Người có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

3. Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

a) Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;

b) Hội liên hiệp phụ nữ.

4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

Điều 43. Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

1. Trong trường hợp một trong hai người là cha hoặc mẹ bị Toà án hạn chế một số quyền đối với con chưa thành niên thì người kia thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.

2. Trong trường hợp cha mẹ đều bị Toà án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật này.

3. Cha, mẹ đã bị Toà án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Điều 44. Quyền có tài sản riêng của con

1. Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và các thu nhập hợp pháp khác.

2. Con từ đủ mười lăm tuổi trở lên còn sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; nếu có thu nhập thì đóng góp vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Điều 45. Quản lý tài sản riêng của con

1. Con từ đủ mười lăm tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

2. Tài sản riêng của con dưới mười lăm tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự thì do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể uỷ quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con.

3. Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 46. Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên

1. Trong trường hợp cha mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới mười lăm tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, có tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.

2. Con từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng; nếu định đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý của cha mẹ.

Chương 5:

QUAN HỆ GIỮA ÔNG BÀ NỘI, ÔNG BÀ NGOẠI VÀ CHÁU; GIỮA ANH, CHỊ, EM VÀ GIỮA CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH

Điều 47. Nghĩa vụ và quyền của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

1. Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 48 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

2. Cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại.

Điều 48. Nghĩa vụ và quyền của anh, chị, em

Anh, chị, em có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có nghĩa vụ và quyền đùm bọc, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

Điều 49. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình

1. Các thành viên cùng sống chung trong gia đình đều có nghĩa vụ quan tâm, giúp đỡ nhau, cùng nhau chăm lo đời sống chung của gia đình, đóng góp công sức, tiền và tài sản khác để duy trì đời sống chung phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mình.

Các thành viên trong gia đình có quyền được hưởng sự chăm sóc, giúp đỡ nhau. Quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các thế hệ trong gia đình chăm sóc, giúp đỡ nhau nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Chương 6:

CẤP DƯỠNG

Điều 50. Nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này.

Điều 51. Một người cấp dưỡng cho nhiều người

Trong trường hợp một người cấp dưỡng cho nhiều người thì người cấp dưỡng và những người được cấp dưỡng thoả thuận với nhau về phương thức và mức cấp dưỡng phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của những người được cấp dưỡng; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Điều 52. Nhiều người cùng cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người

Trong trường hợp nhiều người cùng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người thì những người này thỏa thuận với nhau về phương thức và mức đóng góp phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mỗi người và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Điều 53. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Điều 54. Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thoả thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Điều 55. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

3. Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;

b) Hội liên hiệp phụ nữ.

4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Điều 56. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn

Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Điều 57. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ

Con đã thành niên không sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Điều 58. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em

1. Trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Điều 59. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

1. Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 58 của Luật này.

2. Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

Điều 60. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn

Khi ly hôn, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.

Điều 61. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng

Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động;

2. Người được cấp dưỡng có thu nhập hoặc tài sản để tự nuôi mình;

3. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

4. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

5. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

6. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn với người khác;

7. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 62. Khuyến khích việc trợ giúp của tổ chức, cá nhân

Nhà nước và xã hội khuyến khích các tổ chức, cá nhân trợ giúp bằng tiền hoặc tài sản khác cho các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, túng thiếu.

Chương 7:

XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON

Điều 63. Xác định cha, mẹ

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Toà án xác định.

Việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học do Chính phủ quy định.

Điều 64. Xác định con

Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Toà án xác định người đó là con mình.

Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Toà án xác định người đó không phải là con mình.

Điều 65. Quyền nhận cha, mẹ

1. Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.

2. Con đã thành niên xin nhận cha, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của mẹ; xin nhận mẹ, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của cha.

Điều 66. Người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự

1. Mẹ, cha hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.

2. Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.

3. Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự:

a) Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;

b) Hội liên hiệp phụ nữ.

4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.

Chương 8:

CON NUÔI

Điều 67. Nuôi con nuôi

1. Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội.

Một người có thể nhận một hoặc nhiều người làm con nuôi.

Giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi có các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của Luật này.

2. Nhà nước và xã hội khuyến khích việc nhận trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ bị tàn tật làm con nuôi.

3. Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.

Điều 68. Người được nhận làm con nuôi

1. Người được nhận làm con nuôi phải là người từ mười lăm tuổi trở xuống.

Người trên mười lăm tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu cô đơn.

2. Một người chỉ có thể làm con nuôi của một người hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Điều 69. Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi

Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Hơn con nuôi từ hai mươi tuổi trở lên;

3. Có tư cách đạo đức tốt;

4. Có điều kiện thực tế bảo đảm việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

5. Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em; có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Điều 70. Vợ chồng cùng nhận nuôi con nuôi

Trong trường hợp vợ chồng cùng nhận nuôi con nuôi thì vợ chồng đều phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 69 của Luật này.

Điều 71. Sự đồng ý của cha mẹ đẻ, người giám hộ và người được nhận làm con nuôi

1. Việc nhận người chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự làm con nuôi phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ đẻ của người đó; nếu cha mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được cha, mẹ thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ.

2. Việc nhận trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

Điều 72. Đăng ký việc nuôi con nuôi

Việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào Sổ hộ tịch.

Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi, giao nhận con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Điều 73. Từ chối việc đăng ký nuôi con nuôi

Trong trường hợp một bên hoặc các bên không có đủ các điều kiện nhận nuôi con nuôi hoặc làm con nuôi thì cơ quan đăng ký việc nuôi con nuôi từ chối đăng ký và giải thích rõ lý do bằng văn bản; nếu cha mẹ đẻ, người giám hộ và người nhận nuôi con nuôi không đồng ý thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Điều 74. Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi

Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, kể từ thời điểm đăng ký việc nuôi con nuôi.

Con liệt sĩ, con thương binh, con của người có công với cách mạng được người khác nhận làm con nuôi vẫn được tiếp tục hưởng mọi quyền lợi của con liệt sĩ, con thương binh, con của người có công với cách mạng.

Điều 75. Thay đổi họ, tên; xác định dân tộc của con nuôi

1. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.

Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ chín tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

Việc thay đổi họ, tên của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

2. Việc xác định dân tộc của con nuôi được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Bộ luật dân sự.

Điều 76. Chấm dứt việc nuôi con nuôi

Theo yêu cầu của những người quy định tại Điều 77 của Luật này, Toà án có thể quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp sau đây:

1. Cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi;

2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của cha, mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha, mẹ nuôi hoặc có hành vi phá tán tài sản của cha, mẹ nuôi;

3. Cha mẹ nuôi đã có các hành vi quy định tại khoản 3 Điều 67 hoặc khoản 5 Điều 69 của Luật này.

Điều 77. Người có quyền yêu cầu Toà án chấm dứt việc nuôi con nuôi

1. Con nuôi đã thành niên, cha, mẹ đẻ, người giám hộ của con nuôi, cha, mẹ nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại Điều 76 của Luật này.

2. Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại điểm 2 và điểm 3 Điều 76 của Luật này.

3. Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại điểm 2 và điểm 3 Điều 76 của Luật này:

a) Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;

b) Hội liên hiệp phụ nữ.

4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại điểm 2 và điểm 3 Điều 76 của Luật này.

Điều 78. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt nuôi con nuôi

1. Khi chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Toà án, các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi cũng chấm dứt; nếu con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Toà án ra quyết định giao người đó cho cha mẹ đẻ hoặc cá nhân, tổ chức trông nom, nuôi dưỡng.

2. Trong trường hợp con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó; nếu con nuôi có công sức đóng góp vào khối tài sản chung của gia đình cha mẹ nuôi thì được trích một phần từ khối tài sản chung đó theo thoả thuận giữa con nuôi và cha mẹ nuôi; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

3. Khi việc nuôi con nuôi chấm dứt, theo yêu cầu của cha mẹ đẻ hoặc của người đã làm con nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc người đã làm con nuôi được lấy lại họ, tên mà cha mẹ đẻ đã đặt.

Chương 9:

GIÁM HỘ GIỮA CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH

Điều 79. Áp dụng pháp luật về giám hộ trong quan hệ gia đình

Khi trong gia đình có người cần được giám hộ thì việc giám hộ được thực hiện theo các quy định về giám hộ của Bộ luật dân sự và Luật này.

Điều 80. Cha mẹ giám hộ cho con

Trong trường hợp cha mẹ cùng giám hộ cho con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì họ đều phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của người giám hộ. Cha, mẹ thoả thuận với nhau về việc đại diện theo pháp luật cho con trong các giao dịch dân sự vì lợi ích của con.

Điều 81. Cha mẹ cử người giám hộ cho con

Trong trường hợp cha mẹ còn sống nhưng không có điều kiện trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ có thể cử người khác giám hộ cho con; cha mẹ và người giám hộ thoả thuận về việc người giám hộ thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc giám hộ.

Điều 82. Con riêng giám hộ cho bố dượng, mẹ kế

Trong trường hợp bố dượng, mẹ kế không có người giám hộ theo quy định tại Điều 72 của Bộ luật dân sự thì con riêng đang sống chung với bố dượng, mẹ kế làm người giám hộ, nếu có đủ điều kiện làm người giám hộ.

Điều 83. Giám hộ giữa anh, chị, em

1. Trong trường hợp anh, chị, em ruột cần được giám hộ thì anh, chị, em đã thành niên có năng lực hành vi dân sự thoả thuận cử một người trong số họ có đủ điều kiện làm người giám hộ.

2. Khi quyết định các vấn đề liên quan đến nhân thân, tài sản của em chưa thành niên thì anh, chị là người giám hộ của em phải tham khảo ý kiến của những người thân thích và ý kiến của em, nếu em từ đủ chín tuổi trở lên.

Điều 84. Giám hộ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

1. Trong trường hợp cháu cần được giám hộ mà ông bà nội, ông bà ngoại có đủ điều kiện làm người giám hộ thì những người này thoả thuận cử một bên làm người giám hộ.

2. Cháu có đủ điều kiện làm người giám hộ thì phải giám hộ cho ông bà nội, ông bà ngoại, nếu ông bà không có con phụng dưỡng.

Chương 10:

LY HÔN

Điều 85. Quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.

2. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.

Điều 86. Khuyến khích hoà giải ở cơ sở

Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hoà giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hoà giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hoà giải ở cơ sở.

Điều 87. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn

Toà án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật này.

Điều 88. Hoà giải tại Toà án

Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Toà án tiến hành hoà giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Điều 89. Căn cứ cho ly hôn

1. Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn.

Điều 90. Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định.

Điều 91. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án xem xét, giải quyết việc ly hôn.

Điều 92. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.

Điều 93. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Toà án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.

Điều 94. Quyền thăm nom con sau khi ly hôn

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.

Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Điều 95. Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn

1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Điều 96. Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn

1. Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thoả thuận với gia đình; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia.

Điều 97. Chia quyền sử dụng đất của vợ, chồng khi ly hôn

1. Quyền sử dụng đất riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.

2. Việc chia quyền sử dụng đất chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:

a) Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thoả thuận của hai bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định tại Điều 95 của Luật này.

Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;

b) Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật này;

d) Việc chia quyền sử dụng đối với các loại đất khác được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật dân sự.

3. Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết theo quy định tại Điều 96 của Luật này.

Điều 98. Chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng

Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có thể chia để sử dụng thì khi ly hôn được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật này; nếu không thể chia được thì bên được tiếp tục sử dụng nhà ở phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng.

Điều 99. Giải quyết quyền lợi của vợ, chồng khi ly hôn trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên

Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên đã được đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn, nhà ở đó vẫn thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà, nhưng phải thanh toán cho bên kia một phần giá trị nhà, căn cứ vào công sức bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhà.

Chương 11:

QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Điều 100. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

1. Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng các quyền và có nghĩa vụ như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.

3. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế.

4. Các quy định của Chương này cũng được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài.

Điều 101. Áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Trong trường hợp Luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có quy định hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia viện dẫn thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc quy định trong Luật này.

Trong trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Điều 102. Thẩm quyền giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi và giám hộ có yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi, giám hộ giữa công dân ViệtNam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam do Chính phủ quy định.

2. Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc đăng ký kết hôn, giải quyết các việc về nuôi con nuôi và giám hộ có yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật này, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia, nếu việc đăng ký, giải quyết đó không trái với pháp luật của nước sở tại; có trách nhiệm thực hiện việc bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

3. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương huỷ việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ có yếu tố nước ngoài, xem xét việc công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam huỷ việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 103. Kết hôn có yếu tố nước ngoài

1. Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.

Việc kết hôn giữa những người nước ngoài với nhau tại Việt Nam trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.

2. Nghiêm cấm lợi dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác.

Điều 104. Ly hôn có yếu tố nước ngoài

1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam được giải quyết theo quy định của Luật này.

2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam.

3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

4. Bản án, quyết định ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài được công nhận tại ViệtNam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 105. Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

1. Người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam hoặc nhận trẻ em nước ngoài thường trú tại Việt Nam làm con nuôi phải tuân theo quy định của Luật này và quy định trong pháp luật của nước mà người đó là công dân về điều kiện nhận nuôi con nuôi.

Việc công dân Việt Nam nhận trẻ em là người nước ngoài làm con nuôi đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì được công nhận tại Việt Nam.

Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.

2. Trong trường hợp việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam thì quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, việc chấm dứt nuôi con nuôi được xác định theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được thực hiện tại nước ngoài thì quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, việc chấm dứt nuôi con nuôi được xác định theo pháp luật của nước nơi thường trú của con nuôi.

Điều 106. Giám hộ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

1. Việc giám hộ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam, việc giám hộ được đăng ký tại Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác cuả pháp luật Việt Nam.

2. Trong trường hợp việc giám hộ trong quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được thực hiện tại nước ngoài thì quyền và nghĩa vụ giữa người giám hộ và người được giám hộ được xác định theo pháp luật của nước nơi thường trú của người giám hộ.

Chương 12:

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 107. Xử lý vi phạm pháp luật trong quan hệ hôn nhân và gia đình

Người nào vi phạm các điều kiện kết hôn; cản trở việc kết hôn đúng pháp luật; giả mạo giấy tờ để đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi; hành hạ, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và các thành viên khác trong gia đình; lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi; không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ giám hộ hoặc có các hành vi khác vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 108. Xử lý vi phạm pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi, xác định cha, mẹ, con trái pháp luật; vi phạm thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi; không thực hiện yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình hoặc có các hành vi khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Chương 13:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 109. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001.

Luật này thay thế Luật hôn nhân và gia đình năm 1986.

Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài ngày 02 tháng 12 năm 1993 hết hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001.

Điều 110. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2000.

Nông Đức Mạnh

(Đã ký)

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 22/2000/QH10

Hanoi, June 09, 2000

 

LAW

THE MARRIAGE AND FAMILY

PREAMBLE

Families constitute cells of the society, cradles where men are brought up, and an important environment for personality formation and education, contributing to the construction and defense of the Fatherland. Good families make good society, good society makes better families.
In order to enhance the role of families in the social life, preserve and promote the fine traditions, customs and practices of the Vietnamese people, abolish backward customs and practices regarding marriage and family;
In order to raise the responsibilities of citizens, the State and the society in the building and consolidation of the Vietnamese marriage and family regime;
To inherit and develop the Vietnamese marriage and family legislation;
Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
This Law provides for the marriage and family regime.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Missions and scope of application of the Marriage and Family Law

The Marriage and Family Law has the missions to contribute to building, perfecting and protecting the progressive marriage and family regime, formulate legal standards for the conducts of family members; protect the legitimate rights and interests of family members; inherit and promote the fine ethical traditions of the Vietnamese families in order to build prosperous, equal, progressive, happy and lasting families.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 2.- Basic principles of the marriage and family regime

1. Voluntary, progressive and monogamous marriage in which husband and wife are equal.

2. Marriage between Vietnamese citizens of different nationalities and/or different religions, between religious and non-religious people, and between Vietnamese citizens and foreigners is respected and protected by law.

3. Husband and wife are obliged to implement the population and family planning policy.

4. Parents are obliged to bring up their children into citizens useful for the society; children are obliged to respect, care for and support their parents; grand-children are obliged to respect, care for and support their grandparents; family members are obliged look after, care for and help one another.

5. The State and society shall not accept the discrimination among children, between sons and daughters, between biological and adopted children, between in-wedlock and out-of-wedlock children.

6. The State, society and families have the duty to protect women and children, and help mothers to well fulfill their lofty motherhood functions.

Article 3.- The State’s and society’s responsibilities for marriage and family

1. The State adopts policies and measures to create conditions for male and female citizens to establish voluntary and progressive marriage and for families to fulfill their functions; intensify the dissemination and popularization of the marriage and family legislation; mobilize people to abolish backward customs and practices related to marriage and family, promote fine traditions, customs and practices embodying the identity of each nationality; build up progressive marriage and family relations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Schools shall coordinate with families in educating, disseminating and popularizing the marriage and family legislation among the young generations.

Article 4.- Protection of the marriage and family regime

1. Marriage and family relations conforming to this Law are respected and protected by law.

2. Underage marriage, forcing marriage, hindering voluntary and progressive marriage, feigned marriage, deceiving other persons into marriage or divorce; forcing divorce, feigned divorce; property demand for wedding are all forbidden.

A married person is forbidden to marry or live with another person as husband or wife and an unmarried person is forbidden to marry or live with a married person as husband or wife.

Ill-treatment and persecution against grandparents, parents, spouses, children, grandchildren, siblings or other family members are forbidden.

3. All acts of violating the marriage and family legislation must be handled promptly, strictly and in accordance with law.

Agencies, organizations and individuals have the right to request the Court or other competent bodies to take measures to promptly stop and severely handle those who commit acts of violating the marriage and family legislation.

Article 5.- Application of the provisions of the Civil Code

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 6.- Application of marriage and family-related customs and practices

In marriage and family relations, the customs and practices embodying the identity of each nationality and not running counter to the principles laid down in this Law are respected and promoted.

Article 7.- Application of the marriage and family legislation to the marriage and family relations involving foreign elements

1. The provisions of the marriage and family legislation of the Socialist Republic of Vietnam shall be applicable to the marriage and family relations involving foreign elements, except otherwise provided for by this Law.

2. Where an international agreement which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to contains provisions different from this Law’s provisions, the provisions of such international agreement shall apply.

Article 8.- Interpretation of terms

In this Law the following terms are construed as follows:

1. The marriage and family regime means the entire law provisions on marriage, divorce, obligations and rights between wives and husbands, parents and children, and among other family members, support, determination of parents, biological children, adopted children and guardians, marriage and family relations involving foreign elements and other matters related to marriage and family;

2. Getting married is an act whereby a man and a woman establish the husband and wife relation according to the law provisions regarding conditions for getting married and marriage registration;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Underage marriage means getting married when one or both marriage partners have not reached the marriage age prescribed by law.

5. Forcing marriage is an act of forcing other persons to get married against their will;

6. Marriage means the relationship between husband and wife after getting married;

7. Marriage period means the duration of time when the husband and wife relationship exists, counting from the date of marriage registration till the date of marriage termination;

8. Divorce means the termination of husband and wife relationship, which is recognized or decided by the Court at the request of either spouse or both.

9. Forcing divorce is an act of forcing other persons to divorce against their will;

10. Family means a group of persons closely bound together by marriage, blood ties or rearing relations, thus giving rise to obligations and rights among these persons according to the provisions of this Law;

11. Support means an act whereby a person has the obligation to contribute money or other kinds of property to meet the essential needs of another person not cohabiting but having marriage, blood or rearing relations with him/her in cases where the latter is a minor or an adult who has no working capacity and no property to support himself/herself, or who meets with economic difficulties, as prescribed by this Law;

12. People of the same direct blood line are parents with respect to their children; grandparents with respect to their grandchildren;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



14. Marriage and family relations involving foreign elements are marriage and family relations between:

a/ Vietnamese citizens and foreigners;

b/ Foreigners permanently residing in Vietnam;

c/ Vietnamese citizens but the bases for establishing, changing or terminating such relations are governed by the law of a foreign country or the property related to such relations is located abroad.

Chapter II

GETTING MARRIED

Article 9.- Conditions for getting married

A man and a woman wishing to marry each other must satisfy the following conditions:

1. The man has reached the age of twenty or over, the woman has reached the age of eighteen or over;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The marriage does not fall into one of the circumstances where marriage is forbidden as prescribed in Article 10 of this Law.

Article 10.- Circumstances where marriage is forbidden

Marriage is forbidden in the following circumstances:

1. Married people;

2. People who have lost their civil act capacity;

3. Between people of the same direct blood line; between relatives within three generations;

4. Between adoptive parents and adopted children; between former adoptive parents and former adopted children; between fathers-in-law and daughters-in-law, mothers-in-law and sons-in-law, stepfathers and stepchildren, stepmothers and stepchildren;

5. Between people of the same sex.

Article 11.- Marriage registration

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Any marriage proceedings at variance with the provisions in Article 14 of this Law shall not be legally valid.

Man and woman who fail to register their marriage but live together as husband and wife shall not be recognized by law as husband and wife.

Divorced husband and wife wishing to remarry each other must also register their remarriage.

2. The Government shall stipulate the marriage registration in remote and deep-lying areas.

Article 12.- Competence to register marriage

The People’s Committees of communes, wards or townships where either of the marriage partners resides are the marriage registration offices.

The overseas Vietnamese diplomatic missions or consulates are the offices registering marriage between Vietnamese citizens living abroad.

Article 13.- Handling of marriage registration

1. After receiving complete and valid documents according to the civil status legislation, the marriage registration offices check the marriage registration dossiers; if deeming that both the male and female partners to the marriage are eligible for marriage, the marriage registration offices shall organize the marriage registration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 14.- Organization of marriage registration

Marriage registration must be organized in the presence of both male and female partners. A representative of the marriage registration office first asks the two partners about their wish for voluntary marriage, if they agree to marry each other, the representative of the marriage registration office shall hand the marriage certificate to them.

Article 15.- People entitled to request the annulment of illegal marriages

1. The partner who is forced or deceived into marriage has the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request by himself/herself the Court or propose the Procuracy to request the Court to annul the illegal marriage due to violation of the provisions in Clause 2, Article 9 of this Law.

2. The Procuracy has the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request the Court to annul illegal marriages due to violation of the provisions in Clause 1, Article 9 and Article 10 of this Law.

3. The following individuals, agencies and organizations have the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request by themselves the Court or propose the Procuracy to request the Court to annul illegal marriages due to violation of the provisions in Clause 1, Article 9 and Article 10 of this Law:

a/ Spouses, parents or children of the marriage partners;

b/ The child protection and care committees;

c/ The women’s unions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 16.- Annulment of illegal marriages

At the request of individuals, agencies or organizations prescribed in Article 15 of this Law, the Court shall consider and decide the annulment of illegal marriages and send copies of its decisions to the offices that have made the marriage registration. Basing themselves on the Court’s decisions, the marriage registration offices shall erase the marriage registration in the Marriage Register.

Article 17.- Legal consequences of the annulment of illegal marriages

1. When an illegal marriage is annulled, the two male and female partners must stop their relation as husband and wife.

2. Their children’s interests shall be dealt with as for cases where their parents are divorced.

3. Their property shall be dealt with on the principle that his/her personal property shall still belong to him/her; their common property shall be divided as agreed upon by the two partners; if they fail to reach an agreement thereon, they may request the Court to settle it, taking into account each partner’s contributions and giving priority to protecting the legitimate interests of women and children.

Chapter III

RELATIONSHIP BETWEEN HUSBAND AND WIFE

Article 18.- Husband and wife attachment

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 19.- Equality in obligations and rights between husband and wife

Husband and wife are equal to each other, having equal obligations and rights in all aspects of their family.

Article 20.- Selection of the domicile of husband and wife

The domicile of husband and wife is selected by themselves without being bound by customs, practices and/or administrative boundaries.

Article 21.- Respect for honor, dignity and prestige of husband and wife

1. Husband and wife respect each other and preserve each other’s honor, dignity and prestige.

2. Husband and wife are strictly forbidden to commit acts of ill-treating, persecuting or hurting the honor, dignity or prestige of each other.

Article 22.- Respect for the right to freedom of religion and belief of husband and wife

Husband and wife respect each other’s right to freedom of belief and religion; must not compel or impede each other to adhere or not adhere to any religion.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Husband and wife discuss together, help and create conditions for each other to select professions, study and raise their educational level, professional qualifications and skills; take part in political, economic, cultural and social activities according to each partner’s aspiration and ability.

Article 24.- Mutual representation between husband and wife

1. Husband and wife may authorize each other to establish, perform or terminate transactions which, as prescribed by law, must be agreed upon by both husband and wife; such authorization must be made in writing.

2. Husband and wife may represent each other when either of them loses his/her civil act capacity while the other is eligible to act as guardian or when either of them is limited in his/her civil act capacity while the other is designated by the Court to act as a representative at law for his/her partner.

Article 25.- Joint liability of husband and wife for transactions conducted by either of them

Husband or wife must take joint liability for lawful civil transactions conducted by either of them to satisfy their family’s daily-life essential needs.

Article 26.- Marriage relations when a partner returns after being declared dead

When the Court issues a decision abrogating a declaration that a person was dead as provided for in Article 93 of the Civil Code and his/her spouse has not yet married another person, their marriage relation will be automatically restored; where his/her spouse has married another person, the marriage relation established later shall be legally valid.

Article 27.- Common property of husband and wife

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The land use right obtained by husband and wife after their marriage is their common property. The land use right obtained before the marriage or personally inherited by husband or wife shall be common property only if so agreed upon by husband and wife.

Common property of husband and wife falls under common ownership by integration.

2. Where a property under the common ownership of husband and wife is required by law to be registered for ownership, the names of both husband and wife must be inscribed in the ownership certificate thereof.

3. Where there is no evidence proving that a property being in dispute between husband and wife is his/her personal property, such property is common property.

Article 28.- Possession, use and disposition of common property

1. Husband and wife have equal obligations and rights in the possession, use and disposition of their common property.

2. Common property of husband and wife is used only to ensure the family’s needs and perform their common obligations.

3. The establishment, performance or termination of civil transactions related to common property which is of big value or the family’s sole means of livelihood, the use of common property for business investment must be discussed and agreed upon by husband and wife, except where such common property has been divided for his/her own business investment under Clause 1, Article 29 of this Law.

Article 29.- Division of common property during the marriage period

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Division of common property of husband and wife in order to shirk the performance of property obligations shall not be recognized by law.

Article 30.- Consequences of the division of common property of husband and wife

Where common property of husband and wife is divided, yields or profits arising from the divided property shall belong to the ownership of each person; the undivided property portion remains under the common ownership of husband and wife.

Article 31.- Husband and wife’s right to inherit each other’s property

1. Husband and wife have the right to inherit each other’s property according to the provisions of the inheritance legislation.

2. When the wife or husband dies or is declared dead by the Court, the living partner shall manage their common property, except for cases where another person is designated in the testament to manage the heritage or the heirs agree to designate another person to manage the heritage.

3. Where there is a request to divide the heritage but the division of heritage shall seriously affect the life of the living spouse and the family, the living spouse may request the Court to determine the heritage portions to be enjoyed by the heirs but delay the heritage division for a certain period of time; past the time limit determined by the Court or if the living partner has married another person, the other heirs may request the Court to permit the division of the heritage.

Article 32.- Personal property of husband and wife

1. Husband and wife have the right to own personal property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Husband and wife may consolidate or not consolidate their personal property into the common property.

Article 33.- Possession, use and disposition of personal property

1. Husband and wife have the right to possess, use and dispose their personal property, except for cases prescribed in Clause 5 of this Article.

2. Husband and wife manage by themselves their personal property; where either spouse is not able to manage by himself or herself his/her personal property and does not authorize another person to manage, the other partner may manage such property.

3. Each partner’s own property obligations are performed with his/her personal property.

4. Personal property of husband and wife are also used to meet their family’s essential needs if their common property is not enough.

5. Where either spouse’s personal property has been put to common use and the profits or yields from such personal property constitute the family’s sole means of livelihood, the disposition of such personal property must be agreed upon by both husband and wife.

Chapter IV

RELATIONSHIP BETWEEN PARENTS AND CHILDREN

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Parents have the obligations and rights to love, look after, rear, care for, and protect the legitimate rights and interests of, their children; respect their children’s opinions; attend to the study and education of their children so as to ensure their healthy development in all physical, intellectual and moral aspects to become pious children of the family and useful citizens of the society.

2. Parents must not discriminatorily treat, ill-treat or persecute their children, or hurt their honor; must not abuse the labor power of their minor children; must not incite or compel their children to act against law and social morality.

Article 35.- Obligations and rights of children

Children have the duty to love, respect, show gratitude and piousness to, their parents, pay heed to the good advices of their parents, preserve the good traditions and prestige of their family.

Children have the obligations and rights to care for and support their parents.

Children are strictly forbidden to ill-treat, persecute or hurt the honor, of their parents.

Article 36.- Obligations and rights to care for and support

1. Parents have the obligations and rights to jointly care for and raise their minor children or adult children who are disabled, have lost their civil act capacity, have no working capacity and no property to support themselves.

2. Children have the obligations and rights to care for and support their parents, especially when their parents fall sick, become senile or disabled; where a family has several children, the children must together care for and support their parents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Parents have the obligations and rights to educate their children, attend to and create conditions for their study.

Parents create conditions for their children to live in a happy and harmonious family environment, set good examples for their children in every aspect, work closely with the school and social organizations in educating their children.

2. Parents guide their children to select professions; respect their children’s rights to select professions and participate in social activities.

3. When facing difficulties which cannot be solved by themselves, parents may request concerned agencies and organizations to assist in educating their children.

Article 38.- Obligations and rights of or stepfathers, stepmothers and stepchildren

1. Stepfathers or stepmothers have the obligations and rights to look after, rear, care for, and educate cohabiting stepchildren according to the provisions in Articles 34, 36 and 37 of this Law.

2. Stepchildren have the obligations and rights to care for and support cohabiting stepfathers or stepmothers according to the provisions in Articles 35 and 36 of this Law.

3. Stepfathers, stepmothers and stepchildren must not ill-treat, persecute or hurt the honor of, one another.

Article 39.- Representation for children

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 40.- Making compensation for damage caused by children

Parents must pay compensation for damage caused by their minor children or adult children who have lost their civil act capacity, as provided for in Article 611 of the Civil Code.

Article 41.- Restrictions on fathers’ and/or mothers’ rights toward their minor children

When fathers and/or mothers are sentenced for one of the crimes of deliberately infringing upon the health, dignity or honor of their children or commit acts of seriously breaching their obligations to look after, care for, rear and educate their children; dissipate property of their children; lead a debauched life; incite or force their children to act against law or social morality, the Court may, on the case-by-case basis, make decisions by itself or at the request of the individuals, agencies or organizations prescribed in Article 42 of this Law, to disallow such parents to look after, care for and educate their children or manage the personal property of their children or act as their children’s representatives at law for a time limit of between one and five years. The Court may also consider to shorten this time limit.

Article 42.- People entitled to request the Court to restrict fathers’ and/or mothers’ rights toward their minor children

1. Fathers, mothers or relatives of minor children have the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request the Court by themselves or propose the Procuracy to request the Court to restrict certain rights of fathers and/or mothers toward their minor children.

2. The Procuracy has the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request the Court to restrict certain rights of fathers and/or mothers toward their minor children.

3. The following agencies and organizations have the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request the Court by themselves or propose the Procuracy to request the Court to restrict certain rights of fathers and/or mothers toward their minor children:

a/ The child protection and care committees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Other individuals, agencies and organizations have the right to propose the Procuracy to consider and request the Court to restrict certain rights of fathers and/or mothers toward their minor children.

Article 43.- Legal consequences of the restrictions on the fathers’ and/or mothers’ rights toward their minor children

1. Where either parent has his/her certain rights toward his/her minor children restricted by the Court, the other parent exercises her/his right to look after, rear, care for and educate the children, manage the children’s personal property and acts as their representative at law.

2. Where both parents have their rights toward their minor children restricted by the Court, a guardian shall be assigned to look after, care for and educate the children and manage the children’s personal property according to the provisions of the Civil Code and this Law.

3. Fathers and/or mothers who have their rights toward their minor children restricted by the Court still have to perform the obligations to rear their children.

Article 44.- Children’s right to have personal property

1. Children have the right to have personal property. A child’s personal property includes property inherited or given solely to him/her, incomes from his/her labor, yields and profits arising from his/her personal property and other lawful incomes.

2. Children aged from full fifteen years or older and still living with their parents are obliged to take care of their family’s life; and contribute their incomes, if any, to meeting their familys essential needs.

Article 45.- Management of childrens personal property

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Personal property of children who are under fifteen years old or have lost their civil act capacity shall be managed by their parents. Parents may authorize other persons to manage their childrens personal property.

3. Parents shall not manage their childrens personal property if the persons giving or bequeathing under testament such property to their children have designated other persons to manage such property or in other cases prescribed by law.

Article 46.- Disposition of minor childrens personal property

1. Parents who manage their under-fifteen childrens personal property have the right to dispose of such property in the interests of their children, taking into account the desire of the children if they are aged full nine years or older.

2. Children aged between full fifteen and under eighteen years shall have the right to dispose of their personal property; if the property is of big value or if used for business activities, the disposal thereof must be agreed upon by their parents.

Chapter V

RELATIONS BETWEEN PATERNAL GRANDPARENTS, MATERNAL GRANDPARENTS AND GRANDCHILDREN; AMONG SIBLINGS AND FAMILY MEMBERS

Article 47.- Obligations and rights of paternal and maternal grandparents toward their grandchildren

1. Paternal and maternal grandparents have the obligations and rights to look after, care for and educate their grandchildren, lead an exemplary life and set good examples for their grandchildren. Where the grandchildren are minor or adult but are disabled, have lost their civil act capacity, have no working capacity and no property to support themselves while having no one to support them as prescribed in Article 48 of this Law, their paternal and maternal grandparents shall be obliged to rear them.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 48.- Obligations and rights of siblings

Siblings have the duty to love, care for and help one another; have the obligations and rights to help, protect as well as support one another in cases where they no longer have parents or their parents have no conditions to look after, rear, care for and educate their children.

Article 49.- Relations among family members

1. Cohabiting family members are all obliged to care for and help one another, together care for their family life, contribute labor, money and other property to maintain their common life in proportion to their actual incomes and capabilities.

Family members are entitled to enjoy mutual care for and help. Their legitimate rights and interests are respected and protected by law.

2. The State encourages and creates conditions for different generations in families to care for and help one another in order to preserve and promote the fine traditions of the Vietnamese families.

Chapter VI

SUPPORT

Article 50.- The supporting obligation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The supporting obligation must be neither substituted by another obligation nor transferred to other persons.

2. Where a person with the supporting obligation shirks the performance of such obligation, he/she shall be forced to perform his/her supporting obligation prescribed in this Law.

Article 51.- One person supports several persons

Where a person supports several persons, the supporting person and the supported persons shall agree mutually upon the mode and extent of support appropriate to the actual income and capability of the supporting person and the essential needs of the supported persons; if they fail to reach an agreement thereon, they may request the Court to settle it.

Article 52.- Several persons jointly support one or several persons

Where several persons share the same obligation to support one or several persons, they shall agree mutually upon the mode and level of support appropriate to the actual income and capability of each supporting person and the essential needs of the supported person(s); if they fail to reach an agreement thereon, they may request the Court to settle it.

Article 53.- Support level

1. The support level shall be agreed upon by the person(s) with the supporting obligation and the person(s) enjoying the support or the latters guardian on the basis of the actual income and capability of the person(s) with the supporting obligation and the essential needs of the person(s) enjoying the support; if they fail to reach an agreement thereon, they may request the Court to settle it.

2. Where there exist plausible reasons, the support level may change. The change of the support level shall be agreed upon by the concerned parties; if they fail to reach an agreement thereon, they may request the Court to settle it.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The support may be provided monthly, quarterly, biannually, annually or in lump sum.

The concerned parties may agree upon a change in the supporting mode or a pause of the support in cases where the person(s) with the supporting obligation falls into a strained economic circumstance, thus being unable to perform his/her supporting obligation; if they fail to reach an agreement thereon, they may request the Court to settle it.

Article 55.- People entitled to request the performance of the supporting obligation

1. People enjoying the support or their guardians have the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request the Court by themselves or propose the Procuracy to request the Court to force the people who fail to voluntarily perform their supporting obligation to perform such obligation.

2. The Procuracy have the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request the Court to force the people who fail to voluntarily perform their supporting obligation to perform such obligation.

3. The following agencies and organizations have the right, as prescribed by the civil procedures legislation, to request the Court by themselves or to propose the Procuracy to request the Court to force the people who fail to voluntarily perform their supporting obligation to perform such obligation:

a/ The child protection and care committees;

b/ The womens unions.

4. Other individuals, agencies and organizations have the right to propose the Procuracy to consider and request the Court to force the people who fail to voluntarily perform their supporting obligation to perform such obligation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When divorced, the fathers of mothers who do not directly raise their minor children or adult children who are disabled, have lost their civil act capacity or have no working capacity and no property to support themselves, have the obligation to support the children.

The level of support for children shall be agreed upon by the fathers and mothers, if they fail to reach an agreement thereon, they may request the Court to settle it.

Article 57.- Childrens obligation to support their parents

Adult children who no longer live with their parents are obliged to support their parents who have no working capacity and no property to support themselves.

Article 58.- Obligation of mutual support among siblings

1. In cases where their parents are no longer alive or have no working capacity and no property to support their children, adult elder brothers and/or sisters who no longer live with their younger brothers and/or sisters are obliged to support their minor brothers or sisters who have no property to support themselves or adult younger brothers and/or sisters who have no working capacity and no property to support themselves.

2. Adult younger sisters and/or brothers who no longer live with their elder sisters and/or brothers are obliged to support their elder sisters and/or brothers who have no working capacity and no property to support themselves.

Article 59.- The supporting obligation between grandparents and grandchildren

1. Grandparents who do not live with their grandchildren are obliged to support their grandchildren if the latter are minor or grown up but have no working capacity, no property to support themselves and have no one to support as prescribed in Article 58 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 60.- The supporting obligation between husband and wife when divorced

When divorced, if the party facing with economic difficulties requests support with plausible reasons, the other party is obliged to support according to his/her capability.

Article 61.- Termination of the supporting obligation

The supporting obligation terminates in the following circumstances:

1. The supported people have attained their adulthood and have the working capacity;

2. The supported people have incomes or property to support themselves;

3. The supported people are adopted;

4. The supporting people directly rear the supported people;

5. The supporting people or supported people die;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Other cases prescribed by law.

Article 62.- Encouragement of organizations and individuals financial support

The State and society encourage organizations and individuals to provide support in cash or other property to families and individuals in extremely difficult and needy circumstances.

Chapter VII

DETERMINATION OF FATHERS, MOTHERS, CHILDREN

Article 63.- Determination of fathers, mothers

1. Children born or conceived by the wife during the marriage period are common children of the husband and wife.

Children born before the marriage registration date and recognized by their parents are also common children of the husband and wife.

2. In cases where the fathers and mothers decline to recognize children, they must produce evidences which must be determined by the Court.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 64.- Determination of children

A person who is not recognized as father or mother of another person may request the Court to determine that person is his/her child.

A person who is recognized as father or mother of another person may request the Court to determine such person is not his/her child.

Article 65.- The right to recognize fathers, mothers

1. Children have the right to claim their fathers and/or mothers, even when the fathers and/or mothers have died.

2. Grown-up children may claim their fathers without the consent of their mothers; may claim their mothers without the consent of their fathers.

Article 66.- People entitled to request the determination of fathers and/or mothers for minor children or adult children who have lost their civil act capacity or determination of children for fathers and/or mothers who have lost their civil act capacity

1. Mothers, fathers or guardians have the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request the Court by themselves or propose the Procuracy to request the Court to determine fathers and/or mothers for minor children or adult children who have lost their civil act capacity or determine children for fathers and/or mothers who have lost their civil act capacity.

2. The Procuracy have the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request the Court to determine fathers and/or mothers for minor children or adult children who have lost their civil act capacity or determine children for fathers and/or mothers who have lost their civil act capacity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The children protection and care committees;

b/ The womens unions.

4. Other individuals, agencies and organizations have the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request by themselves the Court or propose the Procuracy to request the Court to determine parents for minor children or adult children who have lost their civil act capacity or determine children for fathers and/or mothers who have lost their civil act capacity.

Chapter VIII

ADOPTED CHILDREN

Article 67.- Child adoption

1. Child adoption means the establishment of the parent-child relationship between the adopter and adoptee, ensuring that the adoptee will be looked after, reared, cared for and brought up in conformity with the social morality.

A person may adopt one or several persons as his/her adopted children.

The adopter and the adoptee have the rights and obligations of parents and children as prescribed by this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. It is strictly forbidden to abuse the child adoption to exploit the labor power, sexually assault or traffick in children or for other self-seeking purposes.

Article 68.- Adoptees

1. Adoptees must be aged fifteen years or younger.

Those aged over fifteen years may be adopted if they are war invalids, disabled people or people who have lost their civil act capacity or if they are adopted by old, lonely people.

2. A person may only be adopted by one person or two persons being husband and wife.

Article 69.- Conditions for adopters

Adopters must fully meet the following conditions:

1. Having full civil act capacity;

2. Being twenty years or more older than their adopted children;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Having actual conditions to ensure the care for, support and education of their adopted children.

5. They must not be people who have certain parental rights toward minor children restricted or who have been sentenced for one of the crimes of deliberately infringing upon the life, health, dignity and honor of another person; ill-treating or persecuting their grandparents, parents, spouses, children, grandchildren and/or fosterers; inciting, forcing juvenile people to commit offenses or harboring juvenile offenders; trafficking in, fraudulently exchanging or abducting children; or the crimes of sexual abuse against children; committing acts of enticing and/or forcing their own children to act against law or social morality, but have not yet enjoyed criminal record remission.

Article 70.- Adoption of children by both the husband and wife

In cases where both husband and wife adopt a child, they must fully meet the conditions prescribed in Article 69 of this Law.

Article 71.- Consent of natural parents, guardians and adoptees

1. The adoption of minor children or adults who have lost their civil act capacity must be consented in writing by such persons natural parents; if their natural parents have already died, lost their civil act capacity or cannot be determined, their guardians written consents are required.

2. The adoption of children aged full nine years or older must have the consent of such children.

Article 72.- Child adoption registration

Child adoption must be registered with the competent State agencies and inscribed in the Civil Status Register.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 73.- Refusal to register child adoption

Where one party or all parties involved fail to fully meet the conditions for adopting children or being adopted, the child adoption registration offices shall refuse to register and clearly explain the reasons therefor in writing; if natural parents, guardians or adopters disagree, they may lodge complaints according to the law provisions.

Article 74.- Rights and obligations between adoptive parents and adopted children

Adoptive parents and adopted children have the parents and childrens rights and obligations prescribed in this Law, as from the time the child adoption is registered.

Children of fallen heroes, war invalids or people with meritorious services to the revolution, who are adopted by other people, shall continue to enjoy all benefits of the children of fallen heroes, war invalids or people with meritorious services to the revolution.

Article 75.- Change of family name, given name; determination of nationalities of adopted children

1. At the request of the adoptive parents, the competent State agencies shall decide the change of the family names and/or given names of their adopted children.

The change of the family names and/or given names of adopted children aged from full nine years or older must have their consents.

The change of the family names and/or given names of adopted children shall comply with the provisions of the civil status legislation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 76.- Termination of child adoption

At the request of the persons defined in Article 77 of this Law, the Court may decide to terminate the adoption in the following circumstances:

1. Adoptive parents and the adopted children who have attained adulthood voluntarily terminate the adoptive relationship;

2. The adopted children are sentenced for one of the crimes of infringing upon the life, health, dignity and honor of their adoptive fathers and/or mothers; ill-treating, persecuting their adoptive fathers and/or mothers or committing acts of dissipating their adoptive fathers and/or mothers property;

3. The adoptive parents have committed the acts specified in Clause 3, Article 67 or Clause 5, Article 69 of this Law.

Article 77.- Persons entitled to request the Court to terminate child adoption

1. The adopted children who have attained adulthood, their natural parents or guardians, their adoptive fathers and/or mothers have the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request the Court by themselves or propose the Procuracy to request the Court to decide to terminate the child adoption in the cases specified in Article 76 of this Law.

2. The Procuracy has the right, as prescribed by the civil procedure legislation, to request the Court to decide to terminate the child adoption in the cases specified at Points 2 and 3, Article 76 of this Law.

3. The following agencies and organizations have the right, as prescribed the civil procedure legislation, to request the Court by themselves or propose the Procuracy to request the Court to decide to terminate the child adoption in the cases specified at Points 2 and 3, Article 76 of this Law:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The womens unions.

4. Other individuals, agencies and organizations have the right to propose the Procuracy to consider and request the Court to decide to terminate the child adoption in the cases specified at Points 2 and 3, Article 76 of this Law:

Article 78.- Legal consequences of the termination of child adoption

1. When the child adoption is terminated by decision of the Court, the rights and obligations between adoptive parents and adopted children shall also terminate; if the adopted children are minors or adults who are disabled, have lost their civil act capacity, have no working capacity and no property to support themselves, the Court shall issue decisions to assign such persons to their natural parents or other individuals or organizations for care and support.

2. Where adopted children have personal property they are entitled to receive back such property; if adopted children contributed labor and efforts to the common property of their adoptive parents families, they are entitled to receive part of such common property according the agreement between the adopted children and their adoptive parents; if they fail to reach an agreement thereon, they may request the Court to settle it.

3. Where the child adoption terminates, at the request of the former adopted children or their natural parents, the competent State agencies shall decide on the former adopted childrens reclaiming their family names, and/or names given by their natural parents.

Chapter IX

GUARDIANSHIP BETWEEN FAMILY MEMBERS

Article 79.- Application of the guardianship legislation to family relations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 80.- Guardianship of children by parents

Where both parents act as guardians of their adult children who have lost their civil act capacity, they have to together exercise the guardian s rights and perform the guardians obligations. The fathers and mothers shall agree upon acting as representatives at law for their children in civil transactions in the interests of their children.

Article 81.- Appointment of guardians by parents for their children

Where the parents are still alive but have no conditions to personally look after, rear, care for and educate their minor children and/or adult children who have lost their civil act capacity, they may appoint guardians for their children; the parents and the guardians shall agree upon the performance of part or whole of the guardianship by the guardians.

Article 82.- Guardianship by stepchildren for their stepfathers or stepmothers

Where stepfathers or stepmothers have no guardians as prescribed in Article 72 of the Civil Code, stepchildren who are living with the stepfathers or stepmothers shall act as guardians if they are eligible for acting as guardians.

Article 83.- Guardianship among brothers and sisters

1. Where a blood brother or sister needs to have a guardian, his/her brothers or sisters who have attained their adulthood and have civil act capacity shall agree upon the appointment of one of them, who is eligible, for acting as the guardian.

2. When deciding personal matters or property of a minor younger brother or sister, the elder brother or sister acting as the guardian of his/her younger brother or sister must consult his/her next of kin and the younger brother or sister, if he/she is aged full nine years or older.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Where a grandchild needs to have a guardian and his/her paternal grandparents and maternal grandparents are eligible for acting as guardians, they shall agree upon the appointment of one of them to acts as the guardian.

2. A grandchild who is eligible for acting as guardian must act as a guardian for his/her paternal grandparents and/or maternal grandparents if the grandparents have no children to rely on.

Chapter X

DIVORCE

Article 85.- The right to request the Court to settle it a divorce

1. Either spouse or both have the right to request the Court to settle their divorce.

2. Where the wife is pregnant or is nursing a under-12-month infant, the husband is not entitled to request a divorce.

Article 86.- Encouragement of grassroots-level reconciliation

The State and society encourage the grassroots-level reconciliation when husband and/or wife apply for a divorce. The reconciliation shall comply with the legislation on grassroots-level reconciliation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Court processes and handles divorce applications according to the provisions of the civil procedure legislation.

Where a couple who have not registered their marriage file an application for divorce, the Court shall process and handle the case and declare non-recognition of their spousal relation according to the provisions in Clause 1, Article 11 of this Law; any children- or property-related requests shall be dealt with according to Clauses 2 and 3, Article 17 of this Law.

Article 88.- Reconciliation at the Court

After processing and handling a divorce application, the Court shall proceed with the reconciliation according to the provisions of the civil procedure legislation.

Article 89.- Bases for permitting a divorce

1. The Court considers the divorce application, if deeming that the situation is serious, the couple can no longer live together and the marriage purposes cannot be achieved, the Court shall decide to permit the divorce.

2. Where the spouse of the person who has been declared missing by the Court applies for a divorce, the Court shall permit such divorce.

Article 90.- Divorce by consent

Where both the husband and wife request a divorce and the reconciliation at the Court fails, if deeming that the two parties are really willing to divorce and have agreed upon the property division, the nursing, rearing, care for and education of their children, the Court shall recognize the divorce by consent and the agreement on property and children on the basis of ensuring the legitimate interests of the wife and children; if the husband and wife fail to reach an agreement or has reached an agreement which, however, fails to ensure the legitimate interests of the wife and children, the Court shall make decisions thereon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When either spouse requests a divorce and the reconciliation at the Court fails, the Court shall consider and decide the divorce.

Article 92.- The nursing, care for, education and raising of children after the divorce

1. After their divorce, the husband and wife are still obliged to look after, care for, educate and rear their minor children or adult children who are disabled, have lost their civil act capacity, have no working capacity and no property to support themselves.

The person who does not directly rear children is obliged to provide support for the children.

2. Husband and wife agree upon who shall directly rear their children, the rights and obligations of each party toward their children after divorce; if they fail to reach an agreement thereon, the Court shall decide to assign one party to directly rear the children, on the basis of the childrens interests in every aspect, if the children are aged full nine years or older, their aspirations must be taken into consideration.

In principle, all children under three years of age shall be assigned to their mothers for direct rearing, unless otherwise agreed upon by the two parties.

Article 93.- Change of the person directly raising children after divorce

In the interests of children, at the request of one or both parties, the Court may decide to change the person directly raising the children.

The change of the person directly raising the children after divorce shall be effected in cases where such person fails to ensure the childrens interests in all aspects, with the aspirations of children aged full nine years or older taken into consideration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



After divorce, the person who does not directly rear children has the right to visit the children; nobody is allowed to impede such person to exercise this right.

Where the person who does not directly raise the children abuses his/her visits to impede or badly affect the nursing, care for, education and rearing of the children, the person directly raising the children may request the Court to restrict such person’s right to visit children.

Article 95.- Principles of division of property upon divorce

1. Upon a divorce the division of property shall be agreed upon by the concerned parties; if they fail to reach an agreement thereon, they may request the Court to settle it. Personal property of one party shall belong to such party.

2. The division of common property is effected on the following principles:

a/ The common property of husband and wife shall, in principle, be halved, with due consideration given to each partys situation, the property status, each partys contributions to the creation, preservation and development of this property. The housework done in the family by the husband and/or wife is regarded as income-generating labor;

b/ The legitimate rights and interests of wife, minor children or adult children who are disabled, have lost their civil act capacity, have no working capacity and no property to support themselves, are protected;

c/ The legitimate interests of each party in their production, business and career activities are protected to provide them with conditions to continue their income-generating labor.

d/ The common property of husband and wife is divided in kind or according to its value; the party who receives his/her property portion in kind which has a value bigger than the portion he/she deserves, he/she must pay the value difference to the other party.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 96.- Division of property in cases where a couple divorce while living with the whole family.

1. Where a couple divorce while living with the whole family, if their property cannot be determined separately from the whole familys common property, the wife or husband shall be divided part of the familys common property on the basis of the husbands and wifes contributions to the creation, preservation and development of the common property as well as the life of the whole family. The divorced couple and their family shall agree upon the portion divided from the whole familys common property; if they cannot reach agreement thereon, they may request the Court to settle it.

2. Where the couple live with the whole family and their property can be determined as a portion of the whole familys common property, such property portion of the couple, when they divorce, shall be extracted from the common property for division.

Article 97.- Division of the husbands and/or wifes land use right when they divorce

1. The land use right solely owned by one party shall still belong to such party after divorce.

2. The divorced couples common land use right is divided as follows:

a/ For agricultural land under annual crops or aquaculture, if both parties have the need and conditions to directly use the land, the land use right shall be divided according to their agreement; if they fail to reach an agreement thereon, they may request the Court to settle it according to the provisions in Article 95 of this Law.

Where only one party has the need and conditions to directly use the land, such party may continue to use the land but must pay to the other party the portion of the land use right value the latter is entitled to;

b/ Where husband and wife share the right to use agricultural land under annual crops or aquaculture with the whole household, when they divorce the couples share of such land use right shall be separated for division according to the provisions at Point a of this Clause;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ The division of the right to use other categories of land shall comply with provisions of the land and civil legislation.

3. Where husband and wife live with the whole family and share no land use right with the whole household, when they divorce the interests of the party who does not have the land use right and does not continue to live with the family shall be settled according to the provisions in Article 96 of this Law.

Article 98.- Division of a residential house jointly owned by husband and wife

Where a residential house jointly owned by husband and wife may be divided for use by each party, when they divorce, the house shall be divided under Article 95 of this Law; if the house is indivisible, the person who is allowed to continue using the house must pay to the other party the value he/she is entitled to.

Article 99.- Settlement of the interests of divorced husband or wife where the residential house is under the private ownership of one party.

Where the residential house being under private ownership of one party has been put to common use, when the couple divorce, such residential house still belongs to its owner who, however, must pay to the other party part of the houses value, depending on the latters contributions to maintaining, upgrading, renovating and/or repairing the house.

Chapter XI

MARRIAGE AND FAMILY RELATIONS INVOLVING FOREIGN ELEMENTS

Article 100.- Protection of the legitimate rights and interests of the parties to the marriage and family relations involving foreign elements

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In their marriage and family relations with Vietnamese citizens, foreigners in Vietnam enjoy the same rights and obligations like Vietnamese citizens, except otherwise provided for by the Vietnamese law.

3. The Socialist Republic of Vietnam State protects the legitimate rights and interests of Vietnamese citizens abroad in their marriage and family relations in accordance with the Vietnamese law, the host countrys law and international laws and practices.

4. The provisions in this Chapter shall also apply to the marriage and family relations between Vietnamese citizens where one or both parties reside abroad.

Article 101.- Application of foreign laws to the marriage and family relations involving foreign elements

Where this Law and other legal documents of Vietnam prescribe or the international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to invoke, the invoked foreign law shall apply, if such application does not contravene the principles laid down in this Law.

Where a foreign law refers back to the Vietnamese law, Vietnams marriage and family legislation shall apply.

Article 102.- Competence to settle matters related to the marriage and family relations involving foreign elements

1. The Peoples Committees of the provinces and centrally-run cities effect the marriage registration, child adoption and guardianship involving foreign elements in accordance with the provisions of this Law and other Vietnamese law provisions.

The marriage registration, child adoption and guardianship between Vietnamese citizens residing in border areas and citizens of neighboring countries living in the areas bordering on Vietnam shall be stipulated by the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Peoples Courts of the provinces and centrally-run cities annul illegal marriages, settle divorce cases, disputes over the rights and obligations of husband and wife, parents and children, recognition of fathers, mothers or or children, child adoption and guardianship, which involve foreign elements, consider the recognition or non-recognition of marriage and family-related judgements and decisions of the Court or other competent bodies of foreign countries in accordance with the provisions of this Law and other Vietnamese law provisions.

The Peoples Courts of rural districts, urban districts, provincial towns or cities where Vietnamese citizens reside annul illegal marriages, settle divorce cases, disputes over the rights and obligations of husband and wife, parents and children, recognition of parents, children, child adoption and guardianship between Vietnamese citizens residing in the border areas with citizens of neighboring countries living in the areas bordering on Vietnam according to the provisions of this Law and other Vietnamese law provisions.

Article 103.- Marriage involving foreign elements

1. For marriages between Vietnamese citizens and foreigners, each party must abide by his/her countrys legislation on the marriage conditions; if their marriage is effected at a Vietnamese competent State agency, the foreigner must also abide by the provisions of this Law on the marriage conditions.

The marriages between foreigners in Vietnam before the Vietnamese competent agencies must comply with the provisions of this Law on the marriage conditions.

2. It is strictly forbidden to take advantage of the marriages involving foreign elements to traffick in, sexually abuse against women or for other self-seeking purposes.

Article 104.- Divorce involving foreign elements

1. Divorce between a Vietnamese citizen and a foreigner or between two foreigners permanently residing in Vietnam is settled according to the provisions of this Law.

2. Where a partner being a Vietnamese citizen does not reside in Vietnam at the time of requesting the divorce, the divorce shall be settled according to the law of the country where husband and wife permanently co-reside; if they do not have a permanent co-residence place, the Vietnamese law shall apply.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Divorce judgements or decisions of foreign Courts or other foreign competent bodies shall be recognized in Vietnam according to the provisions of the Vietnamese law.

Article 105.- Child adoption involving foreign elements

1. Foreigners apply to adopt Vietnamese children or foreign children permanently residing in Vietnam must abide by the provisions of this Law and of the law of the country where such foreigners are citizens regarding the conditions for child adoption.

Adoption of foreign children by Vietnamese citizens, which has been already registered at foreign competent bodies shall be recognized in Vietnam.

It is strictly forbidden to take advantage of child adoption to exploit the labor power of, sexually abuse against or traffick in, children, or for other self-seeking purposes.

2. Where a child adoption involving foreign elements is effected in Vietnam, the rights and obligations of the adoptive parents and the adopted children and the termination of the adoption shall comply with the provisions of this Law.

Where a child adoption is effected between Vietnamese citizens and foreigners in foreign countries, the rights and obligations of the adoptive parents and the adopted children and the termination of adoption shall comply with the law provisions of the country of residence of the adopted children.

Article 106.- Guardianship in the marriage and family relations involving foreign elements

1. Guardianship in the marriage and family relations involving foreign elements effected in Vietnam, guardianship already registered at overseas Vietnamese diplomatic missions or consulates must comply with the provisions of this Law and other Vietnamese law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter XII

HANDLING OF VIOLATIONS

Article 107.- Handling of law violations in the marriage and family relations

Those who breach the provisions on marriage conditions; obstruct the lawful marriages, forge papers for marriage registration or child adoption registration; ill-treat, persecute or hurt the honor and dignity of their grandfathers, grandmothers, fathers, mothers, spouses, children and other family members; abuse adoption to make illegal profits; fail to perform the supporting or guardianship obligations; or commit other acts of violating the marriage and family legislation, shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively sanctioned or examined for penal liability; if causing any damage, they must pay compensation therefor.

Article 108.- Handling law violations by people with positions and powers

Those who abuse their positions and powers to register marriages, child adoptions, determination of parents or children in contravention of law; violate regulations on competence or procedures for marriage registration and child adoption registration; fail to settle the requests to protect the legitimate rights and interests of family members or commit other acts of abusing their positions and powers to breach the marriage and family legislation, shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability, if causing any damage, they must pay compensation therefor.

Chapter XIII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 109.- Implementation effect

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



This Law replaces the 1986 Marriage and Family Law.

The December 3, 1993 Ordinance on Marriage and Family Between Vietnamese Citizens and Foreigners ceases to be effective as from January 1st, 2001.

Article 110.- Implementation guidance

The Government, the Supreme Peoples Court and the Supreme Peoples Procuracy shall, within their respective tasks and powers, guide the implementation of this Law.

This Law was adopted by the Socialist Republic of Vietnams Xth National Assembly at its 7th session on June 9, 2000.

 

 

NATIONAL ASSEMBLY CHAIRMAN




Nong Duc Manh

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Hôn nhân và Gia đình 2000

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


272.680

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.130.242
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!