Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản

Số hiệu: 26/2022/TT-BNNPTNT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Nguyễn Quốc Trị
Ngày ban hành: 30/12/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Đối tượng lập bảng kê lâm sản

Đây là nội dung tại Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Trong đó, đối tượng lập bảng kê lâm sản bao gồm:
 
- Chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền lập sau khi khai thác;
 
- Chủ lầm sản lập khi bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển; khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu lâm sản;
 
- Người có thẩm quyền lập khi lập hồ sơ xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến lâm sản;
 
- Cơ quan được giao xử lý tài sản sau khi xử lý tịch thu lập khi bán đấu giá.
 
Ngoài ra việc lập Bảng kê lâm sản được lập tương ứng với các Mẫu số 01, 02, 03, 04 và 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT .
 
Xem chi tiết các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản tại Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2022/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, TRUY XUẤT NGUỒN GỐC LÂM SẢN

Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về:

1. Trình tự, thủ tục khai thác thực vật rừng thông thường, động vật rừng thông thường.

2. Hồ sơ lâm sản hợp pháp, quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

3. Đánh dấu mẫu vật các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thực vật hoang dã, động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây gọi tắt là CITES), trừ loài thủy sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cơ quan Kiểm lâm sở tại là Cơ quan Kiểm lâm cấp huyện hoặc Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh ở những địa phương không có Cơ quan Kiểm lâm cấp huyện.

2. Gỗ tròn là gỗ nguyên khai, gỗ lóc lõi còn nguyên hình dạng sau khai thác chưa cắt khúc hoặc đã cắt khúc có kích thước thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Gỗ có đường kính đầu nhỏ từ 10 centimét (cm) đến dưới 20 cm và chiều dài từ 01 mét (m) trở lên;

b) Gỗ có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên và chiều dài từ 30 cm trở lên;

c) Gỗ rừng trồng, rừng tràm, rừng ngập mặn có đường kính đầu nhỏ từ 06 cm trở lên và chiều dài từ 01 m trở lên.

3. Gỗ xẻ, gỗ đẽo là gỗ đã bị tác động thành gỗ có hình dạng thanh, tấm, hộp, tròn, khối trụ đa giác hoặc hình thù khác.

4. Thực vật rừng ngoài gỗ, bao gồm: Các loại thuộc họ song, mây, tre, nứa, cau, dừa, sim, mua; thực vật rừng thân thảo; nấm, củi, dẫn xuất, bộ phận khác của cây gỗ.

5. Chủ lâm sản là tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có quyền sở hữu hợp pháp đối với lâm sản theo quy định của pháp luật.

6. Chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.

7. Khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên là hoạt động lấy cá thể động vật rừng thông thường, trứng, ấu trùng của chúng ra khỏi nơi cư trú tự nhiên.

8. Sản phẩm gỗ hoàn chỉnh là sản phẩm chế biến từ gỗ được lắp ráp đầy đủ các bộ phận theo công dụng của sản phẩm hoặc các chi tiết tháo rời của sản phẩm đó, khi lắp ráp có thể sử dụng được ngay theo công dụng của sản phẩm.

9. Thực vật rừng thông thường là những loài không thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và không thuộc Phụ lục CITES.

Điều 4. Xác định số lượng, khối lượng lâm sản

1. Phương pháp đo, tính khối lượng gỗ tròn:

a) Chiều dài: Đo khoảng cách ngắn nhất giữa mặt cắt ngang ở hai đầu của lóng gỗ. Nếu mặt cắt ngang của đầu gỗ bị nghiêng, bị lõm thì đo ở vị trí có chiều dài ngắn nhất giữa hai đầu lóng gỗ. Đơn vị tính là m, lấy số nguyên và hai số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

b) Đường kính: Đo ở hai đầu lóng gỗ (trừ phần vỏ cây); mỗi đầu lóng gỗ đo ở hai vị trí có đường kính lớn nhất và nhỏ nhất sau đó tính trị số trung bình cộng để xác định đường kính của mỗi đầu lóng gỗ; đường kính trung bình của lóng gỗ được tính bằng trị số trung bình cộng đường kính của hai đầu lóng gỗ; đơn vị đo là cm; lấy số nguyên và một số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

c) Khối lượng được xác định theo thể tích gỗ:

V= π/4 x (Dtb)2 x l

Trong đó:

V: Thể tích mét khối (m3), lấy số nguyên và ba số hàng thập phân sau số hàng đơn vị

π: Hằng số pi (π = 3,14)

Dtb: Đường kính trung bình của lóng gỗ (m)

l: Chiều dài ngắn nhất giữa hai mặt cắt (m)

d) Sai số tính thể tích gỗ trong mỗi lần đo đối với từng khúc, lóng gỗ tròn, gỗ khối trụ tròn là mười phần trăm (±10%).

2. Phương pháp đo, tính khối lượng gỗ xẻ, gỗ đẽo thành hình dạng thanh, tấm, hộp (mặt cắt ngang, mặt cắt dọc có hình vuông hoặc hình chữ nhật):

a) Chiều dài: Đo khoảng cách ngắn nhất giữa mặt cắt ngang ở hai đầu của từng thanh, tấm, hộp gỗ. Đơn vị tính là m, lấy số nguyên và hai số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

b) Chiều rộng và chiều dày: Đo khoảng cách giữa hai mặt cắt dọc đối diện của từng thanh, tấm, hộp gỗ. Trường hợp các mặt gỗ bị chéo, lượn sóng thì đo tại vị trí có kích thước lớn nhất, nhỏ nhất và tính trị số trung bình cộng; đơn vị đo là cm, lấy số nguyên và một số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

c) Khối lượng được xác định theo thể tích gỗ:

V = l x a x b

Trong đó:

V: Thể tích (m3), lấy số nguyên và ba số hàng thập phân sau số hàng đơn vị

l: Chiều dài ngắn nhất giữa hai mặt cắt (m)

a: Chiều rộng của hộp gỗ (m)

b: Chiều dày của hộp gỗ (m)

d) Sai số tính thể tích gỗ trong mỗi lần đo đối với từng thanh, tấm, hộp gỗ xẻ, đẽo là năm phần trăm (± 5%).

3. Phương pháp đo, tính khối lượng gỗ xẻ, gỗ đẽo thành hình dạng khối trụ đa giác:

a) Chiều dài: Đo khoảng cách ngắn nhất giữa mặt cắt ngang ở hai đầu của gỗ khối trụ đa giác. Đơn vị tính là m, lấy số nguyên và hai số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

b) Tính tiết diện mặt cắt ngang: Là trị số trung bình cộng của mặt cắt có diện tích lớn nhất và nhỏ nhất của gỗ khối trụ đa giác. Đơn vị tính là mét vuông (m2), lấy số nguyên và hai số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

c) Khối lượng được xác định theo thể tích gỗ:

V = l x S

Trong đó:

V: Thể tích (m3), lấy số nguyên và ba số hàng thập phân sau số hàng đơn vị

l: Chiều dài ngắn nhất giữa hai mặt cắt ngang (m)

S: Tiết diện mặt cắt ngang của khối gỗ đa giác (m2)

d) Sai số tính thể tích gỗ trong mỗi lần đo đối với từng khối gỗ trụ đa giác là năm phần trăm (± 5%).

4. Phương pháp đo, xác định khối lượng cây thân gỗ còn cả gốc, rễ, thân, cành, lá:

a) Chiều cao: Đo chiều dài toàn thân tính từ vị trí gốc cây sát mặt đất đến ngọn chính của cây gỗ. Đơn vị tính là m, lấy số nguyên và hai số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

b) Đường kính: Đo chu vi để xác định đường kính ở vị trí 1,3 m tính từ mặt cắt ngang của gốc cây; đơn vị đo là cm; lấy số nguyên và một số hàng thập phân sau số hàng đơn vị;

c) Khối lượng được xác định theo thể tích cây gỗ:

V = (C21.3/4π) x Hvn x f

Trong đó:

V: Khối lượng gỗ được tính bằng thể tích (m3) lấy số nguyên và ba số hàng thập phân sau số hàng đơn vị

C1.3: Chu vi tại vị trí 1,3 m của cây (m)

π: Hằng số pi (π=3,14)

Hvn: Chiều dài toàn cây đo từ gốc đến ngọn (m)

f: Hình số thân cây (đối với cây rừng trồng giá trị của f bằng 0,5; đối với cây rừng tự nhiên giá trị của f bằng 0,45).

d) Sai số tính thể tích gỗ trong mỗi lần đo đối với từng cây là mười phần trăm (± 10%).

5. Trường hợp gỗ rỗng ruột, gỗ mục phải ghi khối lượng rỗng ruột, khối lượng mục trong Bảng kê lâm sản.

6. Đối với gỗ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư này; cây gỗ không xác định được đường kính tại vị trí 1,3 m; gỗ gốc, rễ, gỗ có hình thù phức tạp, không đồng nhất; gỗ lạng, gỗ bóc, dăm gỗ không thể đo được kích thước thì cân, đơn vị tính là kilogam (kg) hoặc tính theo ster; quy đổi từ kg ra m3 gỗ tròn thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12619-2:2019 về tính chất vật lý và cơ học gỗ; trường hợp gỗ không được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12619-2:2019 thì quy đổi 1000 kg bằng 01 m3 gỗ tròn hoặc quy đổi 01 ster bằng 0,7 m3 gỗ tròn.

7. Đơn vị tính đối với động vật là số lượng cá thể, trứng động vật là số lượng quả; trường hợp không xác định được số lượng thì cân, đơn vị tính là kg.

8. Đơn vị tính đối với thực vật rừng ngoài gỗ, bộ phận của động vật rừng là kg; lâm sản thuộc họ song, mây, tre, nứa, cau dừa, sim, mua được xác định bằng số lượng cây hoặc cân, đơn vị tính là kg.

9. Dẫn xuất của động vật, thực vật được xác định bằng kg, m3, lít hoặc mililít (ml).

Điều 5. Bảng kê lâm sản

1. Đối tượng lập Bảng kê lâm sản:

a) Chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền lập sau khi khai thác;

b) Chủ lâm sản lập khi bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển; khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu lâm sản;

c) Người có thẩm quyền lập khi lập hồ sơ xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến lâm sản;

d) Cơ quan được giao xử lý tài sản sau xử lý tịch thu lập khi bán đấu giá.

2. Lập Bảng kê lâm sản:

a) Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này lập Bảng kê lâm sản tương ứng theo các Mẫu số 01, 02, 03, 0405 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này:

Ghi chi tiết đối với khúc, lóng gỗ tròn, gỗ đẽo tròn có kích thước theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư này; gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp có chiều dài từ 1m trở lên, chiều rộng từ 20 cm trở lên, chiều dày từ 5 cm trở lên; gỗ xẻ, gỗ đẽo thành hình dạng khối trụ đa giác khác.

Ghi tổng hợp chung số lượng, khối lượng đối với gỗ tròn không đủ kích thước quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư này; gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp có chiều dài dưới 1m, chiều rộng dưới 20 cm, chiều dày dưới 5 cm; gỗ rừng trồng.

Ghi chi tiết hoặc ghi tổng hợp chung số lượng, khối lượng đối với từng loại lâm sản ngoài gỗ phù hợp với thực tế.

Tại cuối mỗi trang của Bảng kê lâm sản ghi tổng khối lượng lâm sản;

b) Tổ chức, cá nhân lập bảng kê lâm sản chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung kê khai và nguồn gốc lâm sản hợp pháp tại Bảng kê lâm sản.

3. Lâm sản phải xác nhận Bảng kê lâm sản, gồm:

a) Gỗ loài thông thường khai thác tận dụng, tận thu từ rừng tự nhiên;

b) Lâm sản sau xử lý tịch thu;

c) Gỗ, thực vật ngoài gỗ có nguồn gốc từ tự nhiên, nhập khẩu hoặc trồng cấy thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc Phụ lục CITES;

d) Động vật rừng và bộ phận, dẫn xuất, sản phẩm của động vật rừng có nguồn gốc từ tự nhiên, nhập khẩu hoặc gây nuôi; động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES, trừ loài thủy sản;

đ) Lâm sản không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, và d khoản này hoặc gỗ cây công nghiệp hoặc sản phẩm gỗ hoàn chỉnh theo đề nghị của chủ lâm sản.

4. Sản phẩm gỗ hoàn chỉnh hoặc lâm sản của doanh nghiệp Nhóm I theo quy định tại Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển không phải xác nhận Bảng kê lâm sản.

5. Sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất, chế biến từ cá sấu, loài thuộc nhóm IIB theo Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, loài thuộc Phụ lục II, III CITES đã được đánh dấu mẫu vật có số lượng dưới 05 sản phẩm khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển không phải lập Bảng kê lâm sản.

6. Cơ quan có thẩm quyền xác nhận Bảng kê lâm sản: Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

7. Hồ sơ:

a) Bản chính Đơn đề nghị xác nhận Bảng kê lâm sản theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Bảng kê lâm sản được lập theo quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Bản sao Phương án khai thác theo quy định tại Điều 6 hoặc Điều 7 Thông tư này đối với trường hợp đề nghị xác nhận sau khai thác;

d) Bản sao hồ sơ lâm sản nhập khẩu quy định tại Điều 16 Thông tư này đối với trường hợp chủ lâm sản nhập khẩu bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu;

đ) Bản sao hồ sơ lâm sản sau xử lý tịch thu theo quy định tại Điều 17 Thông tư này đối với trường hợp chủ lâm sản mua trực tiếp từ cơ quan được giao xử lý tài sản, bán, chuyển giao quyền sở hữu lần kế tiếp;

e) Bản sao Bảng kê lâm sản mua bán, chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó;

g) Bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản đối với trường hợp xác nhận theo đề nghị của tổ chức, cá nhân quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;

h) Bản chính Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản đối với chủ lâm sản là tổ chức, hộ kinh doanh xuất bán lâm sản theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

8. Trình tự thực hiện:

a) Chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ tương ứng với từng loại lâm sản đề nghị xác nhận theo quy định tại khoản 7 Điều này đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại. Trường hợp chủ lâm sản tạo mã phản hồi nhanh (QR) chứa đựng hồ sơ lâm sản trong Bảng kê lâm sản thì không phải nộp hồ sơ quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 7 Điều này. Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (sau đây gọi là Nghị định số 45/2020/NĐ-CP).

b) Thời gian trả lời tính hợp lệ của thành phần hồ sơ:

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan Kiểm lâm sở tại kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính hợp lệ của thành phần hồ sơ cho chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền.

Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử: Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại xem xét tính hợp lệ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ theo quy định, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận Bảng lâm sản; xác nhận lâm sản tồn trong Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản đối với trường hợp quy định tại điểm h khoản 7 Điều này. Trường hợp cần xác minh nguồn gốc lâm sản, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại thông báo cho chủ lâm sản về việc xác minh; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, Cơ quan Kiểm lâm sở tại tiến hành xác minh, lập Biên bản xác minh theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và hoàn thành xác nhận Bảng kê lâm sản; xác nhận lâm sản tồn vào Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản; trường hợp có nhiều nội dung phức tạp, việc xác minh và xác nhận được thực hiện không quá 07 ngày. Trường hợp không xác nhận thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Sau khi xác nhận Bảng kê lâm sản, Cơ quan Kiểm lâm sở tại trả bản chính Bảng kê lâm sản và Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản đã xác nhận cho chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền.

9. Cơ quan Kiểm lâm sở tại chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xác nhận Bảng kê lâm sản; lập và cập nhật xác nhận vào Sổ theo dõi xác nhận Bảng kê lâm sản theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; lưu giữ bản sao của Bảng kê lâm sản đã xác nhận và hồ sơ lâm sản theo quy định tại khoản 7 Điều này.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KHAI THÁC THỰC VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG, ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG

Mục 1. PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC

Điều 6. Phê duyệt Phương án khai thác thực vật rừng thông thường

1. Trường hợp phê duyệt Phương án khai thác:

a) Khai thác tận dụng gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên;

b) Khai thác tận thu gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên;

c) Khai thác thực vật rừng ngoài gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên là rừng đặc dụng;

d) Thu thập mẫu vật thực vật rừng thông thường phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ từ rừng đặc dụng;

đ) Khai thác gỗ rừng trồng loài thực vật rừng thông thường do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu;

e) Khai thác gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng trồng phòng hộ do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư.

2. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Phương án khai thác đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này đối với diện tích rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt Phương án khai thác đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này do cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư; khai thác tận dụng, tận thu gỗ rừng sản xuất là rừng tự nhiên do cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư quản lý;

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Phương án khai thác đối với trường hợp không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

3. Hồ sơ:

a) Bản chính Đơn đề nghị phê duyệt Phương án khai thác theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Phương án khai thác theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc bản sao quyết định phê duyệt dự án lâm sinh hoặc tài liệu chứng minh việc thực hiện các biện pháp lâm sinh hoặc chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều này.

4. Trình tự thực hiện:

a) Chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân được chủ rừng ủy quyền nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này đến Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.

b) Thời gian trả lời tính hợp lệ của thành phần hồ sơ:

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính hợp lệ của thành phần hồ sơ cho chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân được chủ rừng ủy quyền.

Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử: Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan phê duyệt xem xét tính hợp lệ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Phương án khai thác lâm sản và trả kết quả cho chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân được chủ rừng ủy quyền; trường hợp không phê duyệt thì thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Phương án khai thác gửi bản sao Phương án khai thác được phê duyệt đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại nơi khai thác để theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Điều 7. Phê duyệt Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên

1. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

2. Hồ sơ:

a) Bản chính Đơn đề nghị phê duyệt Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trình tự thực hiện:

a) Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại. Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP;

b) Thời gian trả lời tính hợp lệ của thành phần hồ sơ:

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan Kiểm lâm sở tại kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính hợp lệ của thành phần hồ sơ cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại xem xét tính hợp lệ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ theo quy định, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại phê duyệt Phương án khai thác và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư; trường hợp không phê duyệt thì thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục II. TRÌNH TỰ KHAI THÁC THỰC VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG, ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG

Điều 8. Khai thác tận dụng gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên

1. Hồ sơ:

a) Khai thác trong phạm vi giải phóng mặt bằng: Bản sao quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; bản sao Phương án khai thác tận dụng gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên được phê duyệt;

b) Khai thác trong quá trình thực hiện điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng biện pháp lâm sinh khác: Bản sao quyết định phê duyệt dự án lâm sinh hoặc bản sao tài liệu chứng minh việc thực hiện các biện pháp lâm sinh; bản sao Phương án khai thác tận dụng gỗ loài thông thường rừng tự nhiên được phê duyệt.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản chính Bảng kê lâm sản gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại để xác nhận theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 9. Khai thác tận thu gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên

1. Hồ sơ: Bản sao Phương án khai thác tận thu gỗ loài thông thường rừng tự nhiên được phê duyệt.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản chính Bảng kê lâm sản gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại để xác nhận theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 10. Khai thác thực vật rừng ngoài gỗ đối với loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên

1. Hồ sơ:

a) Bản sao Phương án khai thác được phê duyệt đối với trường hợp khai thác thực vật rừng ngoài gỗ, dẫn xuất của thực vật rừng đối với loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên là rừng đặc dụng.

b) Bản sao Phương án khai thác do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác lập theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp khai thác thực vật rừng ngoài gỗ, dẫn xuất của thực vật rừng loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên là rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản sao Bảng kê lâm sản đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, tổng hợp.

Điều 11. Khai thác thực vật rừng thông thường từ rừng trồng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; khai thác thực vật rừng thông thường từ rừng phòng hộ là rừng trồng do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư

1. Hồ sơ:

a) Bản sao Phương án khai thác được phê duyệt đối với trường hợp khai thác gỗ hoặc bản sao Phương án khai thác do chủ rừng lập theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp khai thác thực vật rừng ngoài gỗ, bộ phận, dẫn xuất từ thực vật rừng;

b) Bản sao quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với trường hợp khai thác tận dụng gỗ trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác hoặc bản sao quyết định phê duyệt dự án lâm sinh hoặc bản sao tài liệu chứng minh việc thực hiện các biện pháp lâm sinh đối với khai thác tận dụng trong quá trình thực hiện điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng biện pháp lâm sinh khác.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản sao Bảng kê lâm sản đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, tổng hợp.

Điều 12. Khai thác thực vật rừng thông thường từ rừng sản xuất là rừng trồng do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư; cây trồng phân tán, cây vườn nhà có tên trùng với cây gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên

1. Hồ sơ: Bản chính Phiếu thông tin khai thác lâm sản do chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền lập theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền gửi bản sao hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản sao Bảng kê lâm sản đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, tổng hợp.

Điều 13. Thu thập mẫu vật thực vật rừng thông thường phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong rừng đặc dụng

1. Hồ sơ:

a) Bản sao chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Bản sao Phương án thu thập mẫu vật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản sao Bảng kê lâm sản gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, tổng hợp.

Điều 14. Khai thác động vật rừng thông thường, bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng thông thường từ tự nhiên

1. Hồ sơ: Bản sao Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên được phê duyệt theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản chính Bảng kê lâm sản gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại để xác nhận theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Chương III

HỒ SƠ LÂM SẢN HỢP PHÁP

Mục 1. HỒ SƠ NGUỒN GỐC LÂM SẢN

Điều 15. Hồ sơ nguồn gốc lâm sản sau khai thác

1. G khai thác từ rừng tự nhiên: Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

2. Gỗ khai thác từ rừng trồng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; rừng trồng phòng hộ do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư:

a) Bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập; bản sao Phương án khai thác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với trường hợp chủ lâm sản đề nghị xác nhận theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

3. Gỗ khai thác từ rừng sản xuất là rừng trồng, gỗ có tên trùng với cây gỗ rừng tự nhiên, cây trồng phân tán, cây vườn nhà do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư: Bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập hoặc Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với trường hợp chủ lâm sản đề nghị xác nhận theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

4. Thực vật rừng ngoài gỗ khai thác từ rừng tự nhiên, rừng trồng:

a) Đối với thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại;

b) Đối với thực vật rừng ngoài gỗ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này: Bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập hoặc bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với trường hợp chủ lâm sản đề nghị xác nhận theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

5. Động vật rừng: Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

Điều 16. Hồ sơ nguồn gốc lâm sản nhập khẩu

1. Gỗ nhập khẩu: Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

2. Lâm sản ngoài gỗ nhập khẩu:

a) Đối với loài thuộc Phụ lục CITES: Tờ khai hải quan theo quy định pháp luật; bản chính hoặc bản sao hoặc bản điện tử giấy phép CITES nhập khẩu;

b) Đối với loài không thuộc Phụ lục CITES: Tờ khai hải quan theo quy định pháp luật; bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập hoặc packing-list/log-list do tổ chức, cá nhân lập theo quy định của nước xuất khẩu.

3. Sau thông quan, Cơ quan Hải quan trả lại hồ sơ cho chủ lâm sản để lưu giữ theo quy định.

Điều 17. Hồ sơ nguồn gốc lâm sản sau xử lý tịch thu

1. Gỗ sau xử lý tịch thu:

a) Đối với trường hợp cơ quan được giao xử lý tài sản sau xử lý tịch thuCơ quan Kiểm lâm: Bản chính Bảng kê lâm sản do Cơ quan Kiểm lâm được giao xử lý tài sản lập;

b) Đối với trường hợp cơ quan được giao xử lý tài sản sau xử lý tịch thu không phải là Cơ quan Kiểm lâm: Bản chính Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

2. Lâm sản sau xử lý tịch thu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này: Bản chính Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập.

Mục 2. HỒ SƠ LÂM SẢN KHI MUA BÁN, CHUYỂN GIAO QUYỀN SỞ HỮU, VẬN CHUYỂN TRONG NƯỚC VÀ XUẤT KHẨU

Điều 18. Hồ sơ lâm sản khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển trong nước

1. Đối với lâm sản thuộc đối tượng phải xác nhận Bảng kê lâm sản theo quy định tại điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 5 Thông tư này:

a) Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại;

b) Bản sao hồ sơ mua bán, chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc sử dụng mã phản hồi nhanh (QR) chứa đựng hồ sơ quy định tại điểm này trên Bảng kê lâm sản.

2. Đối với lâm sản không phải là sản phẩm gỗ hoàn chỉnh và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 5 Thông tư này:

a) Bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản bán, chuyển giao quyền sở hữu lập hoặc bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với lâm sản quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Thông tư này;

b) Bản sao hồ sơ mua bán, chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc sử dụng mã phản hồi nhanh (QR) chứa đựng hồ sơ quy định tại điểm này trên Bảng kê lâm sản.

3. Đối với lâm sản sau khai thác do chủ lâm sản vận chuyển về kho, bãi trong cùng một lần và cùng một phương tiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

4. Đối với lâm sản nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu đến kho hàng của tổ chức, cá nhân nhập khẩu: Thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

5. Đối với lâm sản mua trực tiếp từ Hội đồng đấu giá, sau đó lâm sản vận chuyển về kho hàng của tổ chức, cá nhân mua: Thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.

6. Đối với sản phẩm gỗ hoàn chỉnh: Bản chính Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập hoặc bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

Điều 19. Hồ sơ lâm sản khi xuất khẩu

1. Đối với gỗ tròn, gỗ xẻ, sản phẩm gỗ, hồ sơ gồm một trong các tài liệu sau:

a) Bản chính Bảng kê lâm sản hoặc bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với lâm sản quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này;

b) Bản chính hoặc bản sao hoặc bản điện tử Giấy phép CITES xuất khẩu đối với gỗ, sản phẩm gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES.

2. Đối với lâm sản ngoài gỗ, hồ sơ gồm một trong các tài liệu sau:

a) Bản chính hoặc bản sao hoặc bản điện tử giấy phép CITES đối với mẫu vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES;

b) Bản chính Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với động vật rừng thông thường;

c) Bản chính Bảng kê lâm sản đối với thực vật rừng ngoài gỗ thuộc loài thực vật rừng thông thường.

3. Sau khi thông quan, Cơ quan Hải quan trả lại hồ sơ cho chủ lâm sản để lưu giữ theo quy định.

Mục 3. HỒ SƠ LÂM SẢN TẠI CƠ SỞ CHẾ BIẾN, KINH DOANH, CẤT GIỮ, NUÔI, TRỒNG THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG

Điều 20. Hồ sơ lâm sản tại cơ sở chế biến, kinh doanh, cất giữ gỗ, thực vật rừng, động vật rừng, các loài thuộc Phụ lục CITES

1. Bản chính hồ sơ nguồn gốc lâm sản sau khai thác, nhập khẩu, gây nuôi hoặc sau xử lý tịch thu đối với trường hợp chủ cơ sở trực tiếp khai thác, nhập khẩu hoặc mua lâm sản sau xử lý tịch thu.

2. Bản chính Bảng kê lâm sản và bản sao hồ sơ lâm sản chuyển giao quyền sở hữu từ tổ chức, cá nhân liền kề trước đó.

3. Bản sao hồ sơ lâm sản khi xuất bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân.

4. Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản đối với tổ chức, hộ kinh doanh theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Chủ lâm sản có trách nhiệm cập nhật các thông tin vào Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản khi nhập, xuất lâm sản.

5. Đối với các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; loài thuộc Phụ lục CITES: Các loại sổ theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

6. Chủ lâm sản có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ lâm sản tương ứng với từng giai đoạn của chuỗi cung ứng lâm sản, bao gồm: Hồ sơ nguồn gốc lâm sản sau khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất, mua bán, chuyển giao quyền sở hữu nhập khẩu, lâm sản sau xử lý tịch thu theo quy định tại Thông tư này.

Điều 21. Hồ sơ lâm sản tại cơ sở nuôi, trồng

1. Hồ sơ lâm sản tại cơ sở nuôi các loài động vật rừng; động vật thuộc Phụ lục CITES:

a) Mã số cơ sở nuôi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đối với cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES;

b) Bản chính hồ sơ nguồn gốc động vật được khai thác trong nước, nhập khẩu hoặc gây nuôi đối với chủ cơ sở đồng thời là tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, nhập khẩu hoặc gây nuôi; Bản sao hoặc bản điện tử hồ sơ nguồn gốc khai thác, nhập khẩu hoặc gây nuôi đối với chủ cơ sở không trực tiếp khai thác, nhập khẩu hoặc gây nuôi;

c) Bản chính hồ sơ lâm sản khi nhận chuyển giao quyền sở hữu từ tổ chức, cá nhân liền kề trước đó;

d) Bản sao hồ sơ lâm sản khi xuất bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân;

đ) Các loại sổ theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

2. Hồ sơ lâm sản tại cơ sở trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thực vật thuộc Phụ lục CITES:

a) Mã số cơ sở trồng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Bản chính hồ sơ nguồn gốc lâm sản khai thác trong nước, nhập khẩu hoặc trồng cấy nhân tạo đối với chủ cơ sở đồng thời là tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, nhập khẩu hoặc trồng cấy nhân tạo; bản sao hoặc bản điện tử hồ sơ nguồn gốc khai thác, nhập khẩu hoặc trồng cấy nhân tạo đối với chủ cơ sở không trực tiếp khai thác, nhập khẩu hoặc trồng cấy nhân tạo;

c) Bản chính hồ sơ lâm sản khi nhận chuyển giao quyền sở hữu từ tổ chức, cá nhân khác trước đó;

d) Bản sao hồ sơ lâm sản khi xuất bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân khác;

đ) Các loại sổ theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Chương IV

ĐÁNH DẤU MẪU VẬT

Điều 22. Đối tượng đánh dấu

1. Sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất, chế biến từ cá sấu, loài thuộc Nhóm IIB theo Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, loài thuộc Phụ lục II, III CITES khi mua, bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển.

2. Mẫu vật của loài thuộc các Phụ lục CITES xuất khẩu mà CITES đã có quy định đánh dấu thì thực hiện theo quy định của CITES.

Điều 23. Hình thức, phương pháp, trách nhiệm đánh dấu mẫu vật

1. Việc đánh dấu mẫu vật có thể thực hiện bằng tem, mã số, mã vạch, mã QR, hoặc vật liệu khác (sau đây gọi chung là nhãn đánh dấu) có chứa đựng đầy đủ thông tin quy định tại Điều 24 Thông tư này để quản lý và truy xuất nguồn gốc.

2. Chủ mẫu vật tự quyết định chất liệu, kích thước, hình thức của nhãn đánh dấu, phù hợp với tính chất, chủng loại của mẫu vật và đảm bảo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

3. Một sản phẩm được đánh dấu bằng một nhãn đánh dấu. Nhãn đánh dấu mẫu vật được gắn trực tiếp lên sản phẩm hoặc trên bao bì, vật dụng lưu giữ, đảm bảo có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường hoặc thiết bị đọc và tránh làm giả.

4. Nhãn đánh dấu gắn trực tiếp lên mẫu vật phải đảm bảo khi bóc nhãn đánh dấu sẽ bị rách, bị hỏng và không thể sử dụng lại. Trường hợp các mẫu vật được chứa đựng cùng một bao bì, vật dụng lưu giữ, nhãn lâm sản phải gắn ở những vị trí mà khi mở bao bì, vật dụng đó thì nhãn đánh dấu sẽ bị rách, bị hỏng và không thể sử dụng lại.

5. Chủ mẫu vật thực hiện đánh dấu mẫu vật trước khi vận chuyển, mua bán, chuyển giao quyền sở hữu mẫu vật.

6. Sau khi hoàn thành đánh dấu mẫu vật, trong thời hạn 01 ngày làm việc, chủ lâm sản ghi đủ các thông tin đánh dấu vào Sổ theo dõi đánh dấu mẫu vật bằng sổ giấy hoặc sổ điện tử theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin của nhãn đánh dấu; gửi Thông báo đánh dấu mẫu vật theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý.

Điều 24. Thông tin và đăng ký nhãn đánh dấu

1. Thông tin của nhãn đánh dấu:

a) Tên mẫu vật;

b) Tên loài: Tên phổ thông và tên khoa học. Trường hợp mẫu vật được sản xuất từ nhiều loài động vật, thực vật khác nhau, phải ghi đầy đủ tên phổ thông và tên khoa học của từng loài;

c) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân bán, chuyển giao quyền sở hữu mẫu vật và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân mua, nhận chuyển giao quyền sở hữu mẫu vật;

d) Định lượng mẫu vật: Là lượng mẫu vật được thể hiện bằng đơn vị đo lường hoặc theo số đếm tùy theo đặc điểm của từng loại mẫu vật;

đ) Số Sê-ri của nhãn, gồm: Số của nhãn đánh dấu, tên viết tắt của tỉnh, mã số đơn vị hành chính cấp huyện, tên viết tắt của chủ mẫu vật, viết tắt 2 số của năm cấp mã số. Trong đó:

Số của nhãn đánh dấu: Được ghi bằng chữ số Ả-rập, theo số thứ tự tăng dần từ số 01 trở đi đến khi kết thúc năm.

Tên viết tắt của tỉnh tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Tên viết tắt của chủ mẫu vật: Do chủ mẫu vật tự quyết định và thông báo với Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh. Trường hợp chủ mẫu vật thay đổi tên, chủ mẫu vật lựa chọn tên viết tắt mới và thông báo cho Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh để biết và quản lý.

Mã số đơn vị hành chính cấp huyện là mã số tương ứng với từng huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh được mã hóa bằng 3 chữ số theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân đánh dấu mẫu vật gửi thông báo kèm với mẫu nhãn đánh dấu mẫu vật cho Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh để tổng hợp theo dõi.

Chương V

KIỂM TRA, TRUY XUẤT NGUỒN GỐC LÂM SẢN

Điều 25. Đối tượng, hình thức kiểm tra

1. Đối tượng được kiểm tra: Tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất, mua bán, chuyển quyền sở hữu lâm sản, xuất khẩu, nhập khẩu, cất giữ lâm sản, nuôi động vật rừng, trồng thực vật rừng và đánh dấu mẫu vật.

2. Hình thức kiểm tra:

a) Kiểm tra theo kế hoạch;

b) Kiểm tra đột xuất.

Điều 26. Nội dung kiểm tra

1. Đối với khai thác lâm sản: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác lâm sản theo Quy chế quản lý rừng và quy định tại Chương II Thông tư này và lâm sản khai thác thực tế tại hiện trường.

2. Đối với lâm sản khi nhập khẩu, xuất khẩu: Kiểm tra hồ sơ lâm sản theo quy định tại Điều 16 và Điều 19 Thông tư này và lâm sản thực tế tại cửa khẩu.

3. Đối với vận chuyển lâm sản: Kiểm tra việc chấp hành quy định về hồ sơ lâm sản trong quá trình vận chuyển theo quy định tại Điều 18 Thông tư này và lâm sản trên phương tiện vận chuyển.

4. Đối với cơ sở chế biến, kinh doanh, cất giữ gỗ, lâm sản: Kiểm tra việc chấp hành quy định về hồ sơ lâm sản theo quy định tại Điều 20 Thông tư nàylâm sản hiện có tại cơ sở.

5. Đối với cơ sở nuôi động vật rừng, động vật thuộc Phụ lục CITES; cơ sở trồng các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc thực vật thuộc Phụ lục CITES: Kiểm tra việc chấp hành quy định về hồ sơ lâm sản theo quy định tại Điều 21 Thông tư này và động vật, thực vật đang nuôi, trồng tại cơ sở.

6. Đối với nơi cất giữ lâm sản: Kiểm tra hồ sơ lâm sản theo quy định tại Thông tư này và lâm sản hiện có.

 Điều 27. Nguyên tắc kiểm tra

1. Hoạt động kiểm tra của Cơ quan Kiểm lâm do Tổ kiểm tra hoặc Đoàn kiểm tra (sau đây gọi tắt là Tổ kiểm tra) thực hiện khi có quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền quy định tại Điều 30 Thông tư này, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Thông tư này.

2. Hoạt động kiểm tra của Kiểm lâm phải đảm bảo kịp thời, khách quan, chính xác, đúng nhiệm vụ, quyền hạn và tuân thủ quy định của pháp luật.

3. Hoạt động kiểm tra phải thực hiện đúng trình tự quy định tại Điều 31 Thông tư này và phải lập Biên bản kiểm tra theo Mẫu số 16 hoặc Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 28. Kiểm tra theo kế hoạch

1. Kế hoạch kiểm tra hằng năm:

a) Trước ngày 30 tháng 11 hằng năm, Thủ trưởng Cơ quan Kiểm lâm quy định tại Điều 30 Thông tư này có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra năm sau, trình cấp trên trực tiếp phê duyệt;

b) Trường hợp có ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên hoặc có nội dung cần quản lý phát sinh ngoài kế hoạch kiểm tra hằng năm thì điều chỉnh kế hoạch kiểm tra và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Căn cứ kế hoạch kiểm tra được duyệt, Cơ quan Kiểm lâm thông báo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trước ngày 31 tháng 12 hằng năm hoặc sau khi phê duyệt điều chỉnh kế hoạch kiểm tra.

2. Kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề: Căn cứ tình hình quản lý lâm sản trên địa bàn cần phải kiểm tra ngăn chặn và xử lý, Thủ trưởng Cơ quan Kiểm lâm chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề.

Điều 29. Kiểm tra đột xuất

1. Căn cứ kiểm tra đột xuất:

a) Thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng;

b) Thông tin từ đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc tin báo của tổ chức, cá nhân;

c) Thông tin từ đơn đề nghị xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân;

d) Thông tin từ phát hiện hoặc trường hợp phát hiện vi phạm quả tang của công chức Kiểm lâm quản lý địa bàn hoặc công chức Kiểm lâm được giao nhiệm vụ theo dõi, phát hiện vi phạm;

đ) Văn bản chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

e) Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

2. Công chức Kiểm lâm thu thập, tiếp nhận thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo cáo ngay Thủ trưởng Cơ quan Kiểm lâm trực tiếp để xử lý thông tin.

3. Căn cứ thông tin quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm xử lý thông tin, chỉ đạo kiểm tra, chịu trách nhiệm về quyết định của mình; chỉ đạo việc lập Sổ theo dõi thông tin và tổ chức quản lý theo chế độ quản lý tài liệu mật.

Điều 30. Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra của Kiểm lâm

1. Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm ban hành quyết định kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có thể ủy quyền cho cấp phó ban hành quyết định kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trình tự kiểm tra

1. Công bố và giao quyết định kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra hoặc người đại diện của đối tượng được kiểm tra; thông báo về thành phần Tổ kiểm tra và người chứng kiến (nếu có).

2. Yêu cầu đối tượng được kiểm tra hoặc người đại diện của đối tượng được kiểm tra chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền và làm việc với Tổ kiểm tra. Trường hợp những người này không có mặt tại nơi kiểm tra thì Tổ kiểm tra mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an nơi kiểm tra, người chứng kiến để công bố quyết định kiểm tra và tiến hành kiểm tra theo quy định.

3. Tổ chức kiểm tra theo đúng nội dung của quyết định kiểm tra đã công bố. Trường hợp có nội dung phát sinh trong quá trình kiểm tra vượt quá thẩm quyền, Tổ kiểm tra phải báo cáo ngay với người ban hành quyết định kiểm tra để kịp thời xử lý.

4. Kiểm tra vận chuyển lâm sản: Tổ kiểm tra chỉ được dừng phương tiện giao thông đang lưu thông để kiểm tra lâm sản khi có căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Thông tư này. Hiệu lệnh dừng phương tiện có thể sử dụng một loại hoặc sử dụng kết hợp còi, cờ hiệu Kiểm lâm, đèn pin.

5. Kiểm tra lâm sản nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh tại cửa khẩu: Cơ quan Kiểm lâm phối hợp với cơ quan Hải quan cửa khẩu tổ chức kiểm tra lâm sản theo quy định tại Thông tư này.

6. Đối tượng được kiểm tra phải chấp hành các yêu cầu kiểm tra của Tổ kiểm tra; xuất trình ngay hồ sơ lâm sản theo quy định tại Thông tư này và các tài liệu liên quan khác theo quy định của pháp luật.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 32. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục Lâm nghiệp:

a) Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trên phạm vi cả nước;

b) Trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Phương án khai thác đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

2. Cục Kiểm lâm:

a) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động chấp hành pháp luật về khai thác, quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại Thông tư này;

b) Xây dựng mô hình thí điểm về mã vùng trồng rừng nguyên liệu phục vụ truy xuất gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng;

c) Xây dựng mô hình thí điểm về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản;

d) Tổng hợp, báo cáo tình hình chấp hành quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản trong phạm vi toàn quốc tại Thông tư này.

3. Chi cục Kiểm lâm vùng:

a) Tổ chức kiểm tra nguồn gốc lâm sản theo quy định của Thông tư này theo chỉ đạo của Cục Kiểm lâm trên địa bàn được phân công;

b) Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Thông tư này trên địa bàn được phân công khi cấp có thẩm quyền yêu cầu.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Thông tư này trên địa bàn tỉnh.

5. Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh:

a) Tổng hợp, lưu giữ thông tin về tình hình khai thác; nhập, xuất lâm sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định của Thông tư này;

b) Quản lý hồ sơ lâm sản theo quy định tại Thông tư này;

c) Báo cáo tình hình quản lý, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản; cơ sở nuôi động vật, trồng thực vật trên địa bàn theo quy định tại Thông tư này.

6. Cơ quan Kiểm lâm sở tại:

a) Tổng hợp, lưu giữ thông tin về tình hình khai thác; nhập, xuất lâm sản trên địa bàn quản lý; tổ chức kiểm tra, xác minh, giám sát, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định của Thông tư này;

b) Quản lý hồ sơ lâm sản theo quy định tại Thông tư này;

c) Lưu giữ hồ sơ do chủ rừng, chủ lâm sản nộp theo quy định tại Chương II, III Thông tư này; quản lý Sổ theo dõi xác nhận Bảng kê lâm sản theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Tổng hợp báo cáo theo Mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này về tình hình nhập, xuất lâm sản trên địa bàn gửi về Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của tổ chức, hộ kinh doanh theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều này.

7. Chủ rừng:

a) Lưu giữ đầy đủ hồ sơ nguồn gốc lâm sản theo quy định tại Thông tư này;

b) Thực hiện báo cáo trước và sau khi khai thác theo quy định tại Thông tư này.

8. Tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, công đồng dân cư:

a) Lưu giữ đầy đủ hồ sơ lâm sản theo quy định tại Thông tư này;

b) Chịu trách nhiệm về tính chính xác và chấp hành quy định kiểm tra, truy xuất của cơ quan chức năng có thẩm quyền;

c) Đối với tổ chức, hộ kinh doanh: Lập Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; cập nhật đầy đủ, kịp thời tình hình nhập xuất lâm sản và xuất trình khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; báo cáo tình hình nhập, xuất lâm sản cho Cơ quan Kiểm lâm sở tại theo Mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này theo định kỳ sáu tháng trước ngày 15 tháng 7 và định kỳ hằng năm trước ngày 15 tháng 01. Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6; thời gian chốt số liệu báo cáo hằng năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của kỳ báo cáo.

Điều 33. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2023.

2. Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Quy định chuyển tiếp

a) Trường hợp chủ lâm sản cất giữ gỗ có nguồn gốc hợp pháp khai thác từ rừng tự nhiên, gỗ sau xử lý tịch thu, gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, gỗ thuộc Phụ lục CITES trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Chủ lâm sản thực hiện thống kê gỗ có nguồn gốc hợp pháp khai thác từ rừng tự nhiên, gỗ sau xử lý tịch thu, gỗ thuộc Phụ lục CITES cất giữ tại cơ sở, lập Bảng kê lâm sản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận, quản lý, thời gian hoàn thành trước ngày 30 tháng 9 năm 2023.

b) Trường hợp hồ sơ khai thác lâm sản đã được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa khai thác hoặc đang khai thác thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Hồ sơ lâm sản sau khai thác thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

4. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Công báo Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Ủy ban nhân dân, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tổng cục Hải Quan;
- Bộ NN&PTNT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ, Cổng thông tin điện tử Bộ;
- Lưu: VT.TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Quốc Trị

Phụ lục

(Ban hành kèm theo Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Mẫu số

Mẫu biểu

Mẫu số 01

Bảng kê lâm sản áp dụng đối với gỗ tròn, gỗ xẻ, cây thân gỗ

Mẫu số 02

Bảng kê lâm sản áp dụng đối với sản phẩm gỗ hoàn chỉnh

Mẫu số 03

Bảng kê lâm sản áp dụng đối với thực vật rừng ngoài gỗ hoặc bộ phận, dẫn xuất của thực vật rừng ngoài gỗ

Mẫu số 04

Bảng kê lâm sản áp dụng đối với động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng

Mẫu số 05

Bảng kê lâm sản áp dụng đối với trường hợp lâm sản là tang vật vụ vi phạm

Mẫu số 06

Đơn đề nghị xác nhận Bảng kê lâm sản

Mẫu số 07

Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản

Mẫu số 08

Biên bản xác minh

Mẫu số 09

Sổ theo dõi xác nhận Bảng kê lâm sản

Mẫu số 10

Đơn đề nghị phê duyệt Phương án khai thác thực vật rừng thông thường/động vật rừng thông thường từ tự nhiên/thu thập mẫu vật loài thông thường

Mẫu số 11

Phương án khai thác gỗ loài thực vật rừng thông thường/thực vật rừng ngoài gỗ đối với loài thực vật rừng thông thường/thu thập mẫu vật loài thực vật rừng thông thường

Mẫu số 12

Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên

Mẫu số 13

Phiếu thông tin khai thác lâm sản

Mẫu số 14

Sổ theo dõi đánh dấu mẫu vật

Mẫu số 15

Thông báo đánh dấu mẫu vật

Mẫu số 16

Biên bản kiểm tra lâm sản

Mẫu số 17

Biên bản kiểm tra khai thác lâm sản

Mẫu số 18

Báo cáo tình hình nhập, xuất lâm sản

Mẫu số 01: Bảng kê lâm sản áp dụng đối với gỗ tròn, gỗ xẻ, cây thân gỗ

…………………………
…………………………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số(1): ……/……/BKLS

Tờ số(2): …………… Tổng số tờ: ……………

BẢNG KÊ LÂM SẢN

(Áp dụng đối với gỗ tròn, gỗ xẻ, cây thân gỗ)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Thông tin chủ lâm sản:

- Tên chủ lâm sản(4): ………………………………………………………………………………

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

2. Thông tin tổ chức, cá nhân mua/nhận chuyển giao quyền sở hữu:

- Tên tổ chức, cá nhân(4): ………………………………………………………………………..

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

3. Thông tin vận chuyển (nếu có): Biển kiểm soát/số hiệu phương tiện: ……………; thời gian vận chuyển: …… ngày; từ ngày …… tháng …… năm ……… đến ngày …… tháng …… năm ………; Vận chuyển từ: …………… đến: …………………………

4. Thông tin về nguồn gốc:

Khai thác trong nước

Nhập khẩu

Sau xử lý tịch thu

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- Số Tờ khai hải quan: ………

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; cơ quan lập.

- …… n

II. THÔNG TIN CHI TIẾT

TT

Số hiệu gỗ

Tên thông thường

Tên khoa học

Nhóm loài
(thông thường; nguy cấp, quý, hiếm; PLI/II CITES)

Số lượng

Kích thước

Khối lượng (m3)

Ghi chú

Dài (m)

Rộng (cm)

Đường kính/chiều dày (cm)

1

2

Tổng

Chúng tôi/Tôi cam kết những nội dung kê khai trong bảng kê này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực của thông tin./.

……, ngày ……… tháng ……… năm 20……
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN
KIỂM LÂM SỞ TẠI(8)
Vào sổ số: …/…(9)
(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên,
đóng dấu)

……, ngày ……… tháng ……… năm 20……
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LẬP BẢNG KÊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu
đối với tổ chức)

Ghi chú:

(1) Ghi số thứ tự theo số Bảng kê lâm sản đã lập trong năm; Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã lập; 2023 là năm xác nhận.

(2) Ghi số thứ tự tờ bảng kê, tổng số tờ của bảng kê.

(3) Mã phản hồi nhanh (QR) tích hợp vào Bảng kê lâm sản chứa đựng thông tin Hồ sơ lâm sản mua bán/chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc Phương án khai thác gỗ (nếu có).

(4) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(5) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(6) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(7) Liệt kê đầy đủ số Bảng kê lâm sản sau khai thác hoặc số Bảng kê gỗ nhập khẩu và số tờ khai hải quan sau thông quan hoặc số Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập.

(8) Cơ quan Kiểm lâm sở tại thực hiện xác nhận đối với bảng kê lâm sản theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư này.

Trường hợp Bảng kê không thuộc đối tượng phải xác nhận, chủ rừng hoặc chủ lâm sản không phải thể hiện nội dung này trong Bảng kê lâm sản.

(9) Cơ quan xác nhận ghi rõ số thứ tự bảng kê đã xác nhận/năm xác nhận. Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã xác nhận; 2023 là năm xác nhận.

Mẫu số 02. Bảng kê lâm sản đối với sản phẩm gỗ

…………………………
…………………………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số(1): ……/……/BKLS

Tờ số(2): …………… Tổng số tờ: ……………

BẢNG KÊ LÂM SẢN

(Áp dụng đối với sản phẩm gỗ)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Thông tin chủ lâm sản:

- Tên chủ lâm sản(4): ………………………………………………………………………………

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

2. Thông tin tổ chức, cá nhân mua/nhận chuyển giao quyền sở hữu:

- Tên tổ chức, cá nhân(4): ………………………………………………………………………..

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

3. Thông tin vận chuyển (nếu có): Biển kiểm soát/số hiệu phương tiện: ……………; thời gian vận chuyển: …… ngày; từ ngày …… tháng …… năm ……… đến ngày …… tháng …… năm ………; Vận chuyển từ: …………… đến: …………………………

4. Thông tin về nguồn gốc:

Khai thác trong nước

Nhập khẩu

Sau xử lý tịch thu

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- Số Tờ khai hải quan: ………

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; cơ quan lập.

- …… n

II. THÔNG TIN CHI TIẾT

TT

Tên sản phẩm gỗ

Số hiệu/ nhãn đánh dấu
(nếu có)

Đơn vị tính

Tên gỗ nguyên liệu

Số lượng sản phẩm

Khối lượng (m3)

Ghi chú

Tên phổ thông

Tên khoa học

Nhóm loài
(thông thường; nguy cấp, quý, hiếm; PLI/II CITES)

1

2

3

Tổng:

Chúng tôi/Tôi cam kết những nội dung kê khai trong bảng kê này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực của thông tin./.

……, ngày ……… tháng ……… năm 20……
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN
KIỂM LÂM SỞ TẠI(8)
Vào sổ số: …/…(9)
(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên,
đóng dấu)

……, ngày ……… tháng ……… năm ……
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LẬP BẢNG KÊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu
đối với tổ chức)

Ghi chú:

(1) Ghi số thứ tự theo số Bảng kê lâm sản đã lập trong năm; Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã lập; 2023 là năm xác nhận.

(2) Ghi số thứ tự tờ bảng kê, tổng số tờ của bảng kê.

(3) Mã phản hồi nhanh (QR) tích hợp vào Bảng kê lâm sản chứa đựng thông tin Hồ sơ lâm sản mua bán/chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc Phương án khai thác gỗ (nếu có).

(4) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(5) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(6) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(7) Liệt kê đầy đủ số Bảng kê lâm sản sau khai thác hoặc số Bảng kê gỗ nhập khẩu và số tờ khai hải quan sau thông quan hoặc số Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập.

(8) Cơ quan Kiểm lâm sở tại thực hiện xác nhận đối với bảng kê lâm sản theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư này.

Trường hợp Bảng kê không thuộc đối tượng phải xác nhận, chủ rừng hoặc chủ lâm sản không phải thể hiện nội dung này trong Bảng kê lâm sản.

(9) Cơ quan xác nhận ghi rõ số thứ tự bảng kê đã xác nhận/năm xác nhận. Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã xác nhận; 2023 là năm xác nhận.

Mẫu số 03: Bảng kê lâm sản áp dụng đối với thực vật rừng ngoài gỗ; bộ phận, dẫn xuất của thực vật rừng ngoài gỗ

…………………………
…………………………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số(1): ……/……/BKLS

Tờ số(2): …………… Tổng số tờ: ……………

BẢNG KÊ LÂM SẢN

(Áp dụng đối với thực vật rừng ngoài gỗ hoặc bộ phận, dẫn xuất của thực vật rừng ngoài gỗ)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Thông tin chủ lâm sản:

- Tên chủ lâm sản(4): ………………………………………………………………………………

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

2. Thông tin tổ chức, cá nhân mua/nhận chuyển giao quyền sở hữu:

- Tên tổ chức, cá nhân(4): ………………………………………………………………………..

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

3. Thông tin vận chuyển (nếu có): Biển kiểm soát/số hiệu phương tiện: ……………; thời gian vận chuyển: …… ngày; từ ngày …… tháng …… năm ……… đến ngày …… tháng …… năm ………; Vận chuyển từ: …………… đến: …………………………

4. Thông tin về nguồn gốc:

Khai thác trong nước

Nhập khẩu

Sau xử lý tịch thu

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- Số Tờ khai hải quan: ………

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; cơ quan lập.

- …… n

II. THÔNG TIN CHI TIẾT

TT

Vị trí (8)

Tên lâm sản

Nhóm loài
(thông thường; nguy cấp, quý, hiếm; PLI/II CITES)

Số lượng

Khối lượng

Ghi chú

Khoảnh

Tiểu khu

Tên thông thường

Tên khoa học

01

02

Cộng

Chúng tôi/Tôi cam kết những nội dung kê khai trong bảng kê này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực của thông tin./.

……, ngày ……… tháng ……… năm 20……
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN
KIỂM LÂM SỞ TẠI(9)
Vào sổ số: …/…(10)
(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

……, ngày ……… tháng ……… năm ……
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LẬP BẢNG KÊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

Ghi chú:

(1) Ghi số thứ tự theo số Bảng kê lâm sản đã lập trong năm; Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã lập; 2023 là năm xác nhận.

(2) Ghi số thứ tự tờ bảng kê, tổng số tờ của bảng kê.

(3) Mã phản hồi nhanh (QR) tích hợp vào Bảng kê lâm sản chứa đựng thông tin Hồ sơ lâm sản mua bán/chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc Phương án khai thác gỗ (nếu có).

(4) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(5) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(6) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(7) Liệt kê đầy đủ số Bảng kê lâm sản sau khai thác hoặc số Bảng kê lâm sản nhập khẩu và số tờ khai hải quan sau thông quan hoặc số Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập.

(8) Trường thông tin chỉ thể hiện trong trường hợp chủ rừng lập Bảng kê lâm sản sau khai thác.

(9) Cơ quan Kiểm lâm sở tại thực hiện xác nhận đối với bảng kê lâm sản theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư này.

Trường hợp Bảng kê không thuộc đối tượng phải xác nhận, chủ rừng hoặc chủ lâm sản không phải thể hiện nội dung này trong Bảng kê lâm sản.

(10) Cơ quan xác nhận ghi rõ số thứ tự bảng kê đã xác nhận/năm xác nhận. Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã xác nhận; 2023 là năm xác nhận.

Mẫu số 04: Bảng kê lâm sản áp dụng đối với động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng

…………………………
…………………………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số(1): ……/……/BKLS

Tờ số(2): …………… Tổng số tờ: ……………

BẢNG KÊ LÂM SẢN

(Áp dụng đối với động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Thông tin chủ lâm sản:

- Tên chủ lâm sản(4): ………………………………………………………………………………

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

2. Thông tin tổ chức, cá nhân mua/nhận chuyển giao quyền sở hữu:

- Tên tổ chức, cá nhân(4): ………………………………………………………………………..

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC(5): …………………………………………

- Địa chỉ(6): …………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: …………………………, Địa chỉ Email: ………………………………………

3. Thông tin vận chuyển (nếu có): Biển kiểm soát/số hiệu phương tiện: ……………; thời gian vận chuyển: …… ngày; từ ngày …… tháng …… năm ……… đến ngày …… tháng …… năm ………; Vận chuyển từ: …………… đến: …………………………

4. Thông tin về nguồn gốc:

Khai thác trong nước

Nhập khẩu

Sau xử lý tịch thu

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; tên tổ chức, cá nhân lập

- Số Tờ khai hải quan: ………

- …… n

- Số (7): ……/………; ngày, tháng, năm; cơ quan lập.

- …… n

II. THÔNG TIN CHI TIẾT

TT

Tên loài

Nhóm loài
(thông thường; nguy cấp, quý, hiếm; PLI/II CITES)

Ký hiệu nhãn đánh dấu
(nếu có)

Số lượng

Đơn vị tính

Khối lượng

Ghi chú

Tên thông thường

Tên khoa học

1

2

Cộng

Chúng tôi/Tôi cam kết những nội dung kê khai trong bảng kê này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực của thông tin./.

……, ngày ……… tháng ……… năm 20……
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN
KIỂM LÂM SỞ TẠI
Vào sổ số: …/…(8)
(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên,
đóng dấu)

……, ngày ……… tháng ……… năm ……
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LẬP BẢNG KÊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

Ghi chú:

(1) Ghi số thứ tự theo số Bảng kê lâm sản đã lập trong năm; Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã lập; 2023 là năm xác nhận.

(2) Ghi số thứ tự tờ bảng kê, tổng số tờ của bảng kê.

(3) Mã phản hồi nhanh (QR) tích hợp vào Bảng kê lâm sản chứa đựng thông tin Hồ sơ lâm sản mua bán/chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc Phương án khai thác gỗ (nếu có).

(4) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(5) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(6) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(7) Liệt kê đầy đủ số Bảng kê lâm sản sau khai thác hoặc số Bảng kê lâm sản nhập khẩu và số tờ khai hải quan sau thông quan hoặc số Bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập.

(8) Cơ quan xác nhận ghi rõ số thứ tự bảng kê đã xác nhận/năm xác nhận. Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã xác nhận; 2023 là năm xác nhận.

Mẫu số 05: Bảng kê lâm sản áp dụng đối với trường hợp lâm sản là tang vật vụ vi phạm

........................
........................
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số(1):..../..../BKLS

Tờ số(2):............. Tổng số tờ:............

BẢNG KÊ LÂM SẢN

(Áp dụng đối với trường hợp lâm sản là tang vật vụ vi phạm)

(Kèm theo (3)..............................)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Người lập Bảng kê lâm sản:

- Họ và tên:................................................; Chức vụ:...........................................

- Cơ quan/đơn vị:..................................................................................................

- Địa chỉ:...............................................................................................................

2. Tổ chức/cá nhân vi phạm:

- Tên tổ chức/cá nhân (4):......................................................................................

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC (5):.....................................

- Địa chỉ (6):...........................................................................................................

3. Người chứng kiến (7):......................................................................................

II. THÔNG TIN CHI TIẾT(8)

1. Ghi thông tin theo mẫu và hướng dẫn trong Mục II Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đối với tang vật là gỗ tròn, gỗ xẻ, cây thân gỗ.

2. Ghi thông tin theo mẫu và hướng dẫn trong Mục II Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đối với tang vật là sản phẩm gỗ.

3. Ghi thông tin theo mẫu và hướng dẫn trong Mục II Mẫu số 03 Phụ lục tại Thông tư này đối với tang vật là thực vật rừng ngoài gỗ hoặc bộ phận, dẫn xuất của thực vật rừng ngoài gỗ.

4. Ghi thông tin theo mẫu và hướng dẫn trong Mục II Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đối với tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng.

Tổng số lượng, khối lượng đối với từng loại lâm sản có trong bảng kê: ............................................................................................................................../.


TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LIÊN QUAN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu
đối với tổ chức)




......, ngày....... tháng....... năm 20....
NGƯỜI LẬP BẢNG KÊ
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI CHỨNG KIẾN
(Ký, ghi rõ họ tên)



Ghi chú:

(1) Ghi số thứ tự theo số Bảng kê lâm sản đã lập trong năm; Ví dụ 001/2023: 001 là số thứ tự bảng kê đã lập; 2023 là lập trong năm 2023.

(2) Ghi số thứ tự tờ bảng kê, tổng số tờ của bảng kê.

(3) Ghi theo từng trường hợp cụ thể, ví dụ: Kèm theo Biên bản vi phạm hành chính/Biên bản làm việc/Biên bản kiểm tra.... số... ngày... tháng... năm của đơn vị/cơ quan có thẩm quyền.

(4) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(5) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(6) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(7) Ghi đầy đủ họ tên cá nhân; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu; địa chỉ thường trú theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(8) Người có thẩm quyền lập Bảng kê lâm sản ghi thông tin phù hợp với từng loại lâm sản.

Mẫu số 06: Đơn đề nghị xác nhận Bảng kê lâm sản

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN BẢNG KÊ LÂM SẢN

Kính gửi (1):.........................................................

1. Thông tin về chủ lâm sản/chủ rừng

a) Tên chủ lâm sản/chủ rừng (2):..........................................................................;

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC (3):......................................

- Địa chỉ (4):..........................................................................................................;

- Số điện thoại:..........................., Địa chỉ Email:..................................................

2. Thông tin về lâm sản

a) Loại lâm sản (5):.................................................................................................

b) Số lượng, khối lượng (6):...................................................................................

3. Tài liệu kèm theo

a) Bảng kê lâm sản (7):...........................................................................................

b) Hồ sơ kèm theo (8):............................................................................................

Chúng tôi/Tôi cam kết những nội dung kê khai trong đề nghị này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực của thông tin.

Đề nghị (1)................... xem xét kiểm tra, xác nhận Bảng kê lâm sản./.

......,ngày....... tháng....... năm....
CHỦ RỪNG/CHỦ LÂM SẢN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

Ghi chú:

(1) Cơ quan Kiểm lâm sở tại nơi khai thác, cất giữ lâm sản.

(2) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(3) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(4) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(5) Ghi rõ chủng loại lâm sản: Gỗ tròn/gỗ xẻ/sản phẩm gỗ/thực vật rừng ngoài gỗ/động vật rừng/sản phẩm, bộ phận dẫn xuất của động vật rừng.

(6) Ghi số lượng, khối lượng, đơn vị tính theo từng loại lâm sản quy định tại Điều 4 Thông tư này.

(7) Căn cứ loại lâm sản, chủ rừng/chủ lâm sản lập Bảng kê lâm sản theo một trong các Mẫu số 01, 02, 03 hoặc 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

(8) Kê khai hồ sơ kèm theo khi đề nghị xác nhận.


Mẫu số 07: Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản

TÊN ĐƠN VỊ LẬP SỔ
................................................

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

   Số sổ:....... /Năm lập:....

SỔ THEO DÕI NHẬP, XUẤT LÂM SẢN

Lâm sản có đầu kỳ (1)

Lâm sản nhập trong kỳ

Lâm sản xuất ra trong kỳ

Lâm sản tồn cuối kỳ (2)

Ghi chú

Xác nhận khối lượng lâm sản tồn(3)

Ngày, tháng, năm

Tên lâm sản

Số hiệu, nhãn đánh dấu

Đơn vị tính

Khối lượng

Hồ sơ kèm theo  lâm sản nhập

Ngày, tháng, năm

Số bảng kê lâm sản xuất ra

Khối lượng

Hồ sơ xuất lâm sản kèm theo

Ước tính nguyên liệu tiêu hao  (nếu có)

Tên thông thường

Tên khoa học

Loài nguy cấp, quý, hiếm; CITES

Loài thông thường

CHỦ ĐƠN VỊ LẬP SỔ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

NGƯỜI GHI SỔ (4)

Ghi chú:

(1) Ghi thông tin lâm sản có ở đầu kỳ theo dõi;

(2) Ghi thông tin lâm sản có ở cuối kỳ theo dõi;

(3) Đại diện Cơ quan Kiểm lâm sở tại đối chiếu khối lượng lâm sản tồn; ghi ngày, tháng, năm xác nhận và ký, ghi rõ họ tên.

(4) Ngày cuối của tháng, của năm: ghi tổng hợp số lượng, khối lượng từng loại lâm sản nhập, xuất, tồn kho trong tháng, trong năm và người ghi sổ, chủ đơn vị lập sổ ký xác nhận. Chủ lâm sản lưu theo dõi, quản lý.


Mẫu số 08: Biên bản xác minh nguồn gốc lâm sản

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN XÁC MINH NGUỒN GỐC LÂM SẢN

Căn cứ Thông tư số.../2022/TT-BNNPTNT ngày...../12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản;

Căn cứ hồ sơ kèm theo Đơn đề nghị xác nhận Bảng kê lâm sản ngày... tháng…

năm......, của (1)...........................................................................,

Hôm nay, hồi...... giờ......, ngày........ tháng....... năm.........., tại(2).........................

...............................................................................................................................

I. THÀNH PHẦN

1. Đại diện cơ quan có thẩm quyền xác nhận Bảng kê lâm sản:

- Ông (bà)......................................................; chức vụ:........................................

- Ông (bà)....................................................; chức vụ:..........................................

2. Đại diện (1)...........................................:

- Ông (bà)....................................................; chức vụ:..........................................

- Ông (bà)....................................................; chức vụ:..........................................

3. Đại diện tổ chức/cá nhân liên quan (3):

- Ông (bà):....................... Đại diện cơ quan:........................................................

- Ông (bà):....................... Đại diện cơ quan:........................................................

II. NỘI DUNG XÁC MINH

Tiến hành xác minh về nguồn gốc lâm sản, cụ thể như sau:................................

1. Tính hợp pháp của lâm sản:

Hợp pháp: □                 Không hợp pháp: □

Lí do:.....................................................................................................................

2. Phù hợp lâm sản thực tế và hồ sơ đề nghị xác nhận:

Phù hợp: □                   Không phù hợp: □

Lí do:.....................................................................................................................

- Tài liệu thu thập kèm theo (nếu có):

...............................................................................................................................

Việc xác minh nguồn gốc lâm sản được thực hiện theo đúng quy định, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của (1).............................................................

III. KẾT LUẬN

(4)............................................................................................................................

Biên bản lập xong hồi…..... giờ.... phút, ngày..../..../......, gồm.... tờ, được lập thành.... bản có nội dung và giá trị như nhau. Sau khi đọc lại biên bản, những người có tên nêu trên cùng nghe, công nhận là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã ghi và kết luận nêu trên, cùng thống nhất, ký và ghi rõ họ tên vào biên bản; giao mỗi bên 01 bản./.

ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC XÁC MINH
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN
(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC/CÁ NHÂN LIÊN QUAN (nếu có)

(Ký, ghi rõ họ tên)

Ghi chú:

(1) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(2) Ghi cụ thể địa danh nơi chủ lâm sản cất giữ lâm sản (ghi chi tiết đến thôn/xóm/đội, xã/phường/thị trấn, tỉnh/thành phố).

(3) Ghi tên tổ chức/cá nhân tham gia xác minh và lập biên bản.

(4) Kết luận đủ điều kiện xác nhận Bảng kê lâm sản hay không.


Mẫu số 09: Sổ theo dõi xác nhận Bảng kê lâm sản

TÊN ĐƠN VỊ LẬP SỔ
..............................

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

Số sổ:......./Năm: 20.....

SỔ THEO DÕI XÁC NHẬN BẢNG KÊ LÂM SẢN

TT

Số vào sổ

Ngày, tháng, năm xác nhận

Tên chủ lâm sản

Địa chỉ của chủ lâm sản

Xác nhận

Ghi chú

Tổng lâm sản xác nhận (1)

Tên, chức danh người xác nhận

Người xác nhận ký tên

1

2

...

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

NGƯỜI GHI SỔ (2)

Ghi chú:

(1) Ghi tổng số lượng và khối lượng, đơn vị tính từng loại lâm sản ghi trong Bảng kê lâm sản theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

(2) Cuối năm người ghi sổ ký, ghi rõ họ tên và trình Thủ trưởng đơn vị ký tên, đóng dấu để lưu sổ theo quy định.


Mẫu số 10. Đơn đề nghị phê duyệt phương án khai thác thực vật rừng thông thường/động vật rừng thông thường/thu thập mẫu vật loài thông thường

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN (*)

(1).......................

Kính gửi (2):.....................................................................

1. Thông tin chủ rừng:

a) Tên chủ rừng (3):................................................................................................

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC (4):.....................................................

c) Địa chỉ chủ rừng (5):..........................................................................................

d) Số điện thoại:......................................; Địa chỉ Email:.....................................

2. Nội dung đề nghị phê duyệt: Phương án khai thác (1) .....................................................................................................................................

3. Tài liệu gửi kèm:

- Bản chính Phương án (1).....................................................................................

- Tài liệu khác (nếu có).........................................................................................

.........., ngày...... tháng....... năm.....
CHỦ RỪNG
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

Ghi chú:

(*) Mẫu này do chủ rừng lập khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Phương án khai thác gỗ/thực vật rừng thông thường/động vật rừng thông thường từ tự nhiên/thu thập mẫu vật loài thực vật rừng thông thường.

(1) Ghi trường một trong các trường hợp khai thác cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này hoặc trường hợp khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên.

(2) Ghi rõ tên cơ quan phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 6 hoặc khoản 1 Điều 7 Thông tư này.

(3) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc ghi đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(4) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(5) Ghi rõ địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động với tổ chức; địa chỉ thường trú trên chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu đối với cá nhân.

Mẫu số 11: Phương án khai thác gỗ loài thực vật rừng thông thường/thực vật rừng ngoài gỗ đối với loài thực vật rừng thông thường/thu thập mẫu vật loài thực vật rừng thông thường

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

PHƯƠNG ÁN

 (1)..................................

I. Thông tin chủ rừng:

1. Tên chủ rừng (2):................................................................................................

2. Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC (3):...................................................

3. Địa chỉ chủ rừng (4):..........................................................................................

4. Số điện thoại:.....................................; Địa chỉ Email:......................................

II. Nội dung phương án

1. Căn cứ xây dựng phương án (5):........................................................................

2. Đối tượng (6):.....................................................................................................

3. Địa danh, diện tích khai thác (7):.......................................................................

4. Sản lượng dự kiến khai thác (8):........................................................................

5. Các biện pháp bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng:.......................................

6. Giải pháp phục hồi rừng sau khai thác (đối với thực hiện dự án lâm sinh):.....

.........., ngày.... tháng...... năm.....
CHỦ RỪNG
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

Phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền(9)

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

........., ngày... tháng... năm 20...

(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Ghi trường một trong các trường hợp khai thác cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

(2) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc ghi đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(3) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(4) Ghi rõ địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; địa chỉ thường trú trên chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu đối với cá nhân.

(5) Ghi thông tin các văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu liên quan.

(6) Ghi đối tượng khai thác tại quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

(7) Ghi thông tin khu vực dự kiến khai thác (lô, khoảnh, Tiểu khu).

(8) Đối với gỗ: Ghi số lượng cây, khối lượng (m3, kg, ster)/thực vật rừng ngoài gỗ (kg, m3, ster)/số lượng mẫu vật...

(9) Thủ trưởng cơ quan quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này phê duyệt.

Mẫu số 12: Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

PHƯƠNG ÁN

KHAI THÁC ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG TỪ TỰ NHIÊN

I. THÔNG TIN VỀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHAI THÁC

1. Tên và địa chỉ (1):.............................................................................................

2. Mục đích khai thác (2):....................................................................................

II. HIỆN TRẠNG KHU VỰC KHAI THÁC, LOÀI KHAI THÁC, PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC

1. Tổng quan chung khu vực khai thác

1.1. Điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu, thủy văn), kinh tế, xã hội.

1.2. Hiện trạng khu vực khai thác (3):....................................................................

2. Mô tả thông tin loài đề nghị khai thác (4):.....................................................

3. Phương án khai thác (5):..................................................................................

4. Tài liệu kèm theo:

- Bản sao Quyết định thành lập nếu chủ thể khai thác là tổ chức (nếu có);

- Bản đồ hiện trạng rừng (nếu có), bản đồ khu vực khai thác.

- Bản sao tài liệu có liên quan khác (nếu có).

......., ngày...... tháng...... năm...
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHAI THÁC
(Ký ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

Phê duyệt của cơ quan Kiểm lâm sở tại nơi khai thác

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

.........,ngày... tháng... năm 20...

(Người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Ghi thông tin chủ thể lập phương án khai thác:

- Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc ghi đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

- Ghi rõ địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; địa chỉ thường trú trên chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu đối với cá nhân. Trường hợp chủ rừng liên kết với tổ chức, cá nhân khác để khai thác, đề nghị nêu rõ tất cả các thông tin của chủ rừng/tổ chức/cá nhân khai thác, trong đó làm rõ tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm khai thác chính.

(2) Ghi rõ mục đích khai thác: Vì mục đích thương mại/ không vì mục đích thương mại.

(3) Ghi thông tin hiện trạng khu vực khai thác:

- Diện tích khu vực khai thác:

- Nếu khu vực khai thác có rừng: Diện tích rừng; loại rừng; trạng thái rừng, diện tích từng trạng thái; mô tả khu hệ động vật, thực vật của khu vực khai thác. Vị trí khu vực khai thác: thuộc lô:... , khoảnh:... , tiểu khu

- Nếu khu vực khai thác không có rừng: Mô tả sinh cảnh khu vực khai thác (hiện trạng thực vật, diện tích khu vực trên cạn và khu vực dưới nước nếu có...); mô tả hệ động vật, thực vật khu vực dự kiến khai thác.

- Ranh giới: mô tả rõ ranh giới tự nhiên, kèm bản đồ khu vực dự kiến khai thác tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000.

- Tên chủ rừng (nếu khai thác tại khu vực có rừng): địa chỉ, số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao, cho thuê đất rừng (trường hợp có 2 chủ rừng trở lên thì lập bảng kèm theo).

(4) Ghi thông tin hiện trạng loài đề nghị khai thác, gồm:

a) Mô tả về loài: Đặc tính sinh học của loài; độ tuổi sinh sản và mùa sinh sản.

b) Mô tả hiện trạng của loài tại khu vực đề nghị khai thác: Kích thước quần thể, phân bố theo sinh cảnh, mật độ/trữ lượng; tăng trưởng số lượng (số lượng sinh sản trung bình hàng năm, tỷ lệ sống sót); số lượng con trưởng thành (số con cái và đực); số lượng con non (số con đực và cái nếu phân biệt được); số lượng con già (không còn khả năng sinh sản); đánh giá sự biến đổi của quần thể sau khi khai thác trong thời gian tới.

c) Tài liệu kèm theo: Bản đồ điều tra, phân bố loài đề nghị khai thác tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000; các tài liệu khác nếu có.

(5) Ghi thông tin phương án khai thác, bao gồm:

a) Loài khai thác: Tên loài (gồm tên thông thường và tên khoa học); loại mẫu vật khai thác; số lượng (tổng số lượng) và đơn vị tính; tổng số lượng cá thể đực, số lượng cá thể cái; độ tuổi (con non, con trưởng thành).

b) Thời gian khai thác: từ ngày…... tháng…... năm…... đến ngày……. tháng……. năm….... (tối đa không quá 03 tháng).

c) Mục đích khai thác:

d) Phương pháp khai thác: Phương tiện, công cụ sử dụng trong khai thác: tên, số lượng...; phương thức khai thác (săn, bắn, bẫy, lưới,...)

đ) Danh sách những người thực hiện khai thác.

Mẫu số 13: Phiếu thông tin khai thác lâm sản

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

PHIẾU THÔNG TIN KHAI THÁC LÂM SẢN

1. Thông tin chung

- Tên chủ rừng (1):..................................................................................................

- Số GCN/MSDN/GPTL/ĐKHĐ/CCCD/CMND/HC (2):......................................

- Địa chỉ chủ rừng (3):............................................................................................

- Số điện thoại:....................................; Địa chỉ Email:.........................................

- Địa danh khai thác (4):.........................................................................................

- Diện tích khai thác (5):.......... ha; Thời gian khai thác: Từ......... đến.......

2. Thông tin lâm sản khai thác

a) Đối với gỗ:

TT

Vị trí

Mã số vùng trồng (nếu có)

Tên thông thường của cây gỗ

Số lượng

(Cây)

Đường kính trung bình (cm)

Chiều cao trung bình

(m)

Khối lượng (m3/kg/ster)

Ghi chú

Khoảnh

Tiểu khu

01

02

...

Tổng

b) Đối với thực vật rừng ngoài gỗ:

TT

Vị trí

Tên lâm sản

Số lượng

Khối lượng

Ghi chú

Khoảnh

Tiểu khu

Tên thông thường

Tên khoa học

01

02

...

Tổng

CHỦ RỪNG
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

Ghi chú:

(1) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc ghi đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(2) Ghi Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/mã số doanh nghiệp/giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động đối với tổ chức; số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với cá nhân.

(3) Ghi rõ địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động với tổ chức; địa chỉ thường trú trên chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu đối với cá nhân.

(4) Ghi địa danh hành chính khu vực có hoạt động khai thác (xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố).

(5) Ghi diện tích khu vực dự kiến khai thác, trừ trường hợp khai thác tận thu, cây trồng phân tán, cây vườn nhà.


Mẫu số 14: Sổ theo dõi đánh dấu mẫu vật

SỔ THEO DÕI ĐÁNH DẤU MẪU VẬT

1. Họ và tên chủ mẫu vật:.........................................................................................................

2. Địa chỉ:..................................................................................................................................

TT

Ngày đánh dấu

Số Sê-ri của nhãn đánh dấu mẫu vật

Mẫu vật đánh dấu

Ghi chú

Xác nhận của cơ quan Kiểm lâm (7)

Tên loài động vật, thực vật

Loại mẫu vật (1)

Kích thước (2)

Khối lượng (3)

Số lượng mẫu vật đánh dấu (4)

Đơn vị tính (5)

Nguồn gốc mẫu vật(6)

Tên phổ thông

Tên khoa học

Chiều dài (cm)

Chiều rộng (cm)

Chiều cao (cm)

01

02

...

Ghi chú:

(1) Mô tả loại mẫu vật, ví dụ như túi, ví, da khô, v.v.

(2) Mô tả kích thước của từng mẫu vật, trừ mẫu vật là dẫn xuất. Trường hợp vật tương tự nhau về kích thước, khối lượng và được chứa đựng trong cùng một bao bì, dụng cụ đựng thì ghi mẫu vật có kích thước nhỏ nhất và mẫu vật có kích thước lớn nhất. Ví dụ: 20-30.

(3) Ghi khối lượng của từng mẫu vật; đơn vị tính của dẫn xuất là ml hoặc lít; đơn vị tính của mẫu vật khác là kg. Trường hợp vật tương đồng nhau về kích thước, khối lượng và được chứa đựng trong cùng một bao bì, dụng cụ chứa đựng thì ghi tổng khối lượng mẫu vật.

(4) Mẫu vật được ghi chi tiết về khối lượng của từng mẫu vật thì phải ghi số lượng là 1; những mẫu vật tương đồng kích thước đã ghi tổng khối lượng và được chứa đựng trong cùng một bao bì, dụng cụ đựng thì phải ghi tổng số lượng của các mẫu vật đó.

(5) Ghi đơn vị tính của mẫu vật, ví dụ: cái, chiếc, v.v.

(6) Mô tả nguồn gốc mẫu vật, ví dụ: khai thác từ tự nhiên trong nước, nhập khẩu, mua từ cơ sở A, v.v.

(7) Cơ quan Kiểm lâm ký xác nhận, ghi rõ họ tên, đóng dấu khi tiến hành kiểm tra.


Mẫu số 15: Thông báo đánh dấu mẫu vật

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

THÔNG BÁO

Về việc đánh dấu mẫu vật

Kính gửi (1):................................................................

Ngày...... tháng.... năm..., chúng tôi thực hiện đánh dấu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm/mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES/ sản phẩm gỗ hoàn chỉnh để bán như sau (2):

1. Tên chủ mẫu vật(3):............................................................................................

2. Địa chỉ(4):...........................................................................................................

3. Tên mẫu vật(5):..................................................................................................

4. Đơn vị tính mẫu vật(6):......................................................................................

5. Nguồn gốc, xuất xứ mẫu vật:............................................................................

6. Các thông tin khác thể hiện nguồn gốc của mẫu vật (nếu có)..........................

7. Số sê-ri của nhãn(7):..........................................................................................

Trân trọng thông báo tới (1).............................................................. được biết./.

......., ngày.... tháng... năm...
CHỦ MẪU VẬT
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

Ghi chú:

(1) Tên Cơ quan Kiểm lâm sở tại;

(2) Trường hợp có nhiều mẫu vật được đánh dấu, chủ mẫu vật lập thành bảng theo số thứ tự và mỗi mẫu vật phải chứa đầy đủ thông tin từ mục 1 đến mục 7.

(3) Ghi tên bằng tiếng Việt hoặc tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có) đối với tổ chức hoặc đầy đủ họ tên đối với cá nhân.

(4) Ghi địa chỉ tổ chức theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động; ghi địa chỉ thường trú của cá nhân theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

(5) Ghi tên phổ thông và tên khoa học của mẫu vật.

(6) Ghi theo đơn vị đo lường hoặc theo số đếm tùy theo đặc điểm của từng loại mẫu vật.

(7) Ghi thông tin theo quy định tại đ khoản 1 Điều 24 Thông tư này.

Mẫu số 16: Biên bản kiểm tra lâm sản

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN KIỂM TRA LÂM SẢN

Hôm nay, ngày....... tháng...... năm......, hồi..... giờ... Tại:....................................

1. Chúng tôi gồm:

- Ông (bà):..............................., chức vụ:....................., đơn vị:...........................

- Ông (bà):..............................., chức vụ:....................., đơn vị:...........................

2. Tiến hành kiểm tra lâm sản của (tổ chức, cá nhân):.....................................

- Địa chỉ:............................................., nghề nghiệp:...........................................

- Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh/mã số doanh nghiệp số/.........................................; ngày cấp .................................................., nơi cấp .............................................................................................. (đối với tổ chức).

- Số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/Hộ chiếu:....................; ngày cấp.................., nơi cấp ................................................................. (đối với cá nhân).

3. Người chứng kiến (nếu có):

- Họ tên.................................................................................................................

- Địa chỉ:...............................................................................................................

- Số chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu:..................................; ngày cấp: ................................, nơi cấp:.......................................................................

4. Nội dung kiểm tra:

...............................................................................................................................

Hồ sơ lâm sản kèm theo gồm có:..........................................................................

5. Kết luận sau kiểm tra:....................................................................................

Việc kiểm tra kết thúc vào hồi...... giờ..... ngày.... tháng... năm..............., quá trình kiểm tra thực hiện theo đúng quy định, không làm hư hỏng, mất mát tài sản của tổ chức, cá nhân được kiểm tra.

Sau khi đọc lại biên bản, những người có tên nêu trên cùng nghe, công nhận đúng, ký và ghi rõ họ tên vào biên bản. Biên bản lập thành.... bản có giá trị pháp lý như nhau, giao cho cá nhân/tổ chức được kiểm tra một bản./.

CÁ NHÂN/TỔ CHỨC ĐƯỢC KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu đối với tổ chức)

ĐẠI DIỆN
TỔ KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI CHỨNG KIẾN
(nếu có, ký, ghi rõ họ tên)

Mẫu số 17: Biên bản kiểm tra khai thác lâm sản

.....................
..................
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN KIỂM TRA KHAI THÁC LÂM SẢN

Hôm nay, ngày....... tháng...... năm...., hồi..... giờ.... Tại:.....................................

Chúng tôi gồm:

1) Ông (bà)...................................., chức vụ:.........................., đơn vị:................

2) Ông (bà)...................................., chức vụ:.........................., đơn vị:................

3) Ông (bà)...................................., chức vụ:.........................., đơn vị:................

Tiến hành kiểm tra khai thác lâm sản của (tổ chức, cá nhân):........................

- Địa chỉ:.........................................................., nghề nghiệp:...............................

- Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh/mã số doanh nghiệp số/.........................................; ngày cấp .........................................................., nơi cấp ............................................................................................ (đối với tổ chức).

- Số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/Hộ chiếu:.............................; ngày cấp.................., nơi cấp .......................................................... (đối với cá nhân).

Người chứng kiến (nếu có):

- Họ tên.................................................................................................................

- Địa chỉ:................................................................................................................

- Số chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu:..............................; ngày cấp:.................., nơi cấp: .....................................................................................

Nội dung kiểm tra:

1) Kiểm tra hồ sơ khai thác:

...............................................................................................................................

2) Kiểm tra hiện trường khai thác:

...............................................................................................................................

3) Kiểm tra lâm sản sau khai thác:

...............................................................................................................................

4) Kết luận sau kiểm tra:

...............................................................................................................................

Biên bản lập xong hồi.... giờ.... phút, ngày..../..../......, gồm.... tờ, được lập thành.... bản có nội dung và giá trị như nhau. Sau khi đọc lại biên bản, những người có tên nêu trên cùng nghe, công nhận là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã ghi và kết luận nêu trên, cùng thống nhất, ký và ghi rõ họ tên vào biên bản; giao mỗi bên 01 bản./.

CÁ NHÂN/TỔ CHỨC ĐƯỢC KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN
TỔ KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI LÀM CHỨNG
(Nếu có, ký ghi rõ họ tên)


Mẫu số 18: Báo cáo nhập, xuất lâm sản

ĐƠN VỊ BÁO CÁO
.....................................
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BÁO CÁO NHẬP, XUẤT LÂM SẢN

(Tháng...... năm 20.....)

TT

Tên lâm sản

Nhóm loài

(thông thường; nguy cấp, quý, hiếm; PLI/II CITES)

Đơn vị tính

LÂM SẢN NHẬP VÀO

LÂM SẢN XUẤT RA

Tồn kho cuối kỳ

Tồn kho đầu kỳ

Nhập trong kỳ

Tổng cộng


THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Ngày........ tháng........ năm 20.......
NGƯỜI LẬP BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên)


MINISTRY OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

No. 26/2022/TT-BNNPTNT

Hanoi, December 30, 2022

 

CIRCULAR

On management and tracing of forest products

Pursuant to Decree No. 105/2022/ND-CP dated December 22, 2022 of the Government of Vietnam on functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam;

Pursuant to the Law on Forestry dated November 15, 2017;

At the request of the General Director of the Vietnam Administration of Forestry;

The Minister of Agriculture and Rural Development hereby promulgates a Circular on management and tracing of forest products.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Circular provides for:

1. Procedures for harvesting ordinary forest plants and ordinary forest animals.

2. Lawful forest product dossiers and inspection of tracing of forest products.

3. Marking of specimens of species on the list of endangered/rare forest plants and animals; species of wild plants and animals included in Appendices of the Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora (hereinafter referred to as “CITES”), except for aquatic species.

Article 2. Regulated entities

This Decree applies to organizations, individuals, business households, households and residential communities engaging in activities related to the contents prescribed in Article 1 hereof.

Article 3. Definitions

1. “local forest protection authorities” are forest protection authorities of districts or forest protection authorities of provinces in the areas where forest protection authorities of districts are not available.

2. “log” means natural timber and heart timber remaining its original shape after being extracted and being cut into pieces or not being cut into pieces and coming in one of the following sizes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Timber has a small end diameter of from at least 20 cm and a length of at least 30 cm;

c) Timber from planted forests, cajuput forests and mangrove forests has a small end diameter of least 06 cm and a length of at least 01 m.

3. “sawn timber” mean timber that have been cut into shapes of strips, boards, cubes, cones, cylindcrical prism, polygonal prism or other kinds of prisms.

4. “non-timber forest plants” include plants belong to the family/subfamily Calamoideae, Phyllostachys, Arecaceae, Myrtaceae, Melastomataceae; herbaceous plants; mushrooms, firetimber, parts and derivatives thereof.

5. “forest product owner” means an organization, individual, household business, household or residential community that has the legal ownership of a forest product as prescribed by law.

6. “Forest owner” means an organization, individual, household or residential community assigned or lent forests, lands to plant forests by the State; self-recovering and developing forests; transferring, donating, inheriting forests according to the law.

7. “harvesting of ordinary forest animals from nature” means the removal of ordinary forest animals and their eggs and larvae from their natural habitat.

8. “finished timber product” refers to a product processed from timber and fully assembled according to its use or its detached parts which can be used immediately according to their use after they are assembled.

9. “ordinary forest plants” are the species that are not included in the list of endangered/rare forest plants and animals and CITES Appendices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Methods of measuring and calculating the weight of a log:

a) Regarding length of the round timber, the shortest distance between the cross sections of both ends of the timber section is measured. In case of the concave or inclined cross-section, measurement is carried out at the position with the shortest length between both ends of the timber section. The unit is meter (m); the result is rounded to the nearest hundredth;

b) Regarding diameter of round timber, both ends of the timber section (except for the bark) are measured. At each end of the timber section, measure the largest and smallest diameters and then calculate the average value to determine the diameter of each end of the timber section; the average diameter of the timber section equals the average value of the diameters of the two ends of the timber section; the unit is centimeter (cm); the result is rounded to the nearest tenth;

c) The weight is determined by the volume of the timber:

V= π/4 x (Dtb)2 x l

Where:

V is the volume (m3); the result is rounded to the nearest thousandth;

π is pi (π = 3,14)

Dtb is the average diameter of the timber section (m)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Deviation upon calculation of the timber volume of each measurement of each section of a log is 10% (±10%).

2. Methods of measuring and calculating the weight of a timber sawn up or hewn out into a strip, board or cube (horizontal and vertical cross sections of the timber are squares or rectangles):

a) Regarding length of the sawn/hewn timber, the shortest distance between the cross sections of both ends of each strip, board or cube is measured. The unit is meter (m); the result is rounded to the nearest hundredth;

b) Regarding width and thickness of the sawn/hewn timber, the distance between the two vertical opposite cross sections of each strip, board or cube is measured. In case the surface of the sawn/hewn timber is crossed or wavy, measurement is carried out at the positions with the largest and smallest size and the average value is calculated; the unit is centimeter (cm); the result is rounded to the nearest tenth;

c) The weight is determined by the volume of the timber:

V= l x a x b

Where:

V is the volume (m3); the result is rounded to the nearest thousandth;

l is the shortest length between the cross sections (m)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b is the thickness of the timber cube (m)

d) Deviation upon calculation of the timber volume of each measurement of each sawn/hewn timber strip, board or cube is 5% (±5%).

3. Methods of measuring and calculating the weight of a timber sawed/cut into a prism:

a) Regarding length of the timber, the shortest distance between the cross sections of both ends of the prism is measured. The unit is meter (m); the result is rounded to the nearest hundredth;

b) Cross sectional area is the arithmetic mean of the cross sections with the largest and smallest areas of the prism. The unit is square meter (m2); the result is rounded to the nearest hundredth;

c) The weight is determined by the volume of the timber:

V= l x S

Where:

V is the volume (m3); the result is rounded to the nearest thousandth;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



S is the horizontal cross sectional area of the polygonal cylinder (m2)

d) Deviation upon calculation of the timber volume of each measurement of each polygonal cylinder is 5% (±5%).

4. Methods of measuring and calculating the weight of a timber tree with roots, trunks, branches and leaves:

a) Regarding the tree height, the total height from the base of the tree to the tip of the highest branch on the tree is measured. The unit is meter (m); the result is rounded to the nearest hundredtht;

b) Regarding diameter of the tree, perimeter is measured to determine diameter at the height of 1,3 m from the cross section of the root; the unit is centimeter (cm); the result is rounded to the nearest tenth;

c) The weight is determined by the volume of the timber tree:

C= (C21.3/4π) x Hvn x f

Where:

V is the weight of the timber tree which is calculated by the volume (m3); the result is rounded to the nearest thousandth;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



π is pi (π = 3,14)

Hvn is the total height from the base to the tip of the tree (m)

f = 0,5 for planted forests; f = 0,45 for natural forests.

d) Tolereance of timber volume is ±10%.

5. In case of hollow core or rot, the volume of them must be recorded in the Packing list of forest products.

6. Regarding timber which is not mentioned in Clause 2 and Clause 3 Article 3 hereof; timber trees of which diameter cannot be determined at the height of 1,3 m; stumps and roots with complex and irregular shapes; sliced timber, barked timber and timber chips, which cannot be measured, they shall be weighed in kilograms (kg) or in stere; the conversion from kg into m3 of log shall comply with the TCVN 12619-2:2019 on physical and mechanical properties of timber; in case timber is not prescribed in the TCVN 12619-2:2019, 1000 kg of round timber shall be converted into 01 m3 of round timber or one stere of round timber shall be converted into 0,7 m3 of round timber;

7. Regarding animals, the unit is the number of individual animals; regarding animal eggs, the unit is the number of eggs; in case the quantity cannot be determined, the unit will be kg.

8. Regarding non-timber forest plants and parts of forest animals, the unit is kg; regarding forest products belong to the family/subfamily Calamoideae, Phyllostachys, Arecaceae, Myrtaceae, Melastomataceae, expressed as number of trees or kg, the unit will be kg.

9. Regarding derivatives of animals and plants, the unit is kg, m3, liter or milliliter (ml).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Entities subject to making packing lists of forest products include:

a) A forest product owner or an organization/individual who is authorized by a forest product owner shall make a list after the harvesting.

b) A forest product owner shall make a list when purchasing or transferring, transporting, dispatching forest products at a time and on the same vehicle; when preparing the application for issuance of license to export forest products;

c) A competent person shall make a list when preparing documents about penalties for violations concerning forest products;

d) An agency assigned to manage property after confiscating the property shall make a list when auctioning.

2. Making of packing lists of forest products:

a) The organization/individual prescribed in Clause 1 of this Article shall make a packing list of forest products using Form No. 01, Form No. 02, Form No. 03, Form No. 04, Form No. 05 in the Appendix enclosed herewith:

Specifying sections of logs, round timber which have the sizes prescribed in Point a and Point b Clause 2 Article 3 of this Circular; sawn timber which has the length of 1m or more, the width of 20 cm or more, the thickness of 5 cm or more; timber sawed/cut into other prisms.

Specifying total quantity and volume or weight of logs which fail to reach the sizes prescribed in Point a, Point b Clause 2 Article 3 hereof; sawn timber which has the length of less than 1m, the width of less than 20 cm, the thickness of less than 5 cm; timber from planted forests.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Specifying total volume or weight of forest products at the bottom of each page of the packing list of forest products;

b) The organization/individual making the list of forest products shall be responsible before law for declared contents and lawful origins of forest products specified in the packing list of forest products.

3. Forest products for which the packing list certification is required include:

a) Timber of ordinary species after salvage logging and full utilization from natural forests;

b) Forest products after confiscation;

c) Timber and non-timber plants which have natural origins, are imported or planted and are not included in the list of endangered/rare forest plants and animals and CITES Appendices;

d) Forest animals and parts, derivatives, products thereof which have natural origins, are imported or raised; endangered wild animals listed in the CITES Appendices, except for aquatic species;

dd) Forest products which are not mentioned in Points a, b, c and d of this Clause or timber of industrial crops or finished timber products at the request of the forest product owner.

4. For finished timber products or forest products of group-I enterprises, according to regulations in Circular No. 21/2021/TT-BNNPTNT dated December 29, 2021 of the Minister of Agriculture and Rural Development on classification of timber processing and exporting enterprises, the packing list certification is not required when trading, transferring or transporting them.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Agencies competent to certify packing lists: local forest protection authorities.

7. A dossier shall include:

a) The original application for packing list certification made using Form No. 06 in Appendix enclosed herewith;

b) The original packing list which is made according to the regulations in Clause 2 of this Article;

c) A copy of the harvesting plan in accordance with the regulations in Article 6 and Article 7 of this Article in case of request for certification after harvesting;

d) A copy of the dossier on imported forest products prescribed in Article 16 of this Circular in case the forest product owner imports these products for selling or transferring them;

dd) A copy of the dossier on confiscated forest products prescribed in Article 17 of this Circular in case the forest product owner directly purchases these products from the agency which is assigned to confiscate such products, then sell or transfer them;

e) A copy of the packing list of forest products previously traded or transferred;

g) A copy of the forest product origin dossier in case a certification is required by an organization or individual prescribed in Points dd Clause 3 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Procedures:

a) The forest product owner or the organization/individual who is authorized by the forest product owner shall submit in person or via postal service or by an electronic mean 01 dossier corresponding to each type of forest products for which a certification is required as prescribed in Clause 7 of this Article to the local forest protection authority. If the forest product owner generates a QR code linked to the forest product dossier in the packing list, the documents prescribed in Points c, d, dd, e and g Clause 7 of this Article are not required. In case the dossier is submitted via an electronic mean, it shall comply with the regulations in Decree No. 45/2020/ND-CP dated August 08, 2020 of the Government of Vietnam on administrative procedures by electronic means (hereinafter referred to as "Decree No. 45/2020/ND-CP”).

b) Time limit for informing the applicant of the validity of the dossier:

In case the dossier is submitted in person, the local forest protection authority shall check documents of the dossier and immediately inform the forest product owner or the organization/individual authorized by the forest product owner of the validity of the dossier.

In case the dossier is submitted via postal service or an electronic mean, within 01 working day from the day on which the dossier is received, the local forest protection authority shall consider the validity of the documents of the dossier; if the dossier is not valid as prescribed, a written notification specifying reasons for the invalidity shall be sent;

c) Within 02 working days from the day on which the valid dossier is received, the local forest protection authority shall certify the packing list; certify the quantity of forest products in stock in the inventory log book in the cases prescribed in Point h Clause 7 of this Article. If a certification of the forest product origin is required, within 01 working day from the day on which the valid dossier is received, the local forest protection authority shall send a notification of the certification to the forest product owner; within 03 working days from the day on which the notification is received, the local forest protection authority shall verify and prepare a verification record using Form No. 08 in the Appendix enclosed herewith and complete the certification of the packing list; certification of the quantity of forest products in stock in the inventory log book; if there are many complicated contents, the certification and verification shall be carried out within 07 days. In case of rejection, the local forest protection authority shall send the applicant a written reply which specifies reasons for rejection;

d) After certification of the packing list, the local forest protection authority shall return the original packing list and inventory log book of forest products which have been certified to the forest product owner or the organization/individual who is authorized by the forest product owner.

9. The local forest protection authority shall be responsible before the law when certifying the packing list; prepare and update the certification on the packing list certification log book using Form No. 09 in the Appendix enclosed herewith; save the certified true copy of the packing list and forest product dossier as prescribed in Clause 7 of this Article.

Chapter II

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 1. Approval for harvesting plans

Article 6. Approval for plans for harvesting ordinary forest plants

1. Cases of approval for a harvesting plan:

a) Salvage logging of ordinary forest plant species from natural forests;

b) Full utilization of ordinary forest plant species from natural forests;

c) Harvesting of non-timber forest plants from ordinary forest plant species from natural forests which are classified as reserve forests;

d) Collection of ordinary forest plant specimens serving scientific and technological researches from reserve forests;

dd) Harvesting of ordinary forest plant species from planted forests whose ownership is represented by the State;

e) Harvesting of ordinary forest plant species from planted protection forests whose investment is stimulated by organizations, individuals, household businesses, and residential community.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall approve the harvesting plan in the cases prescribed in Points a, b, c, d and dd Clause 1 of this Article for forest area controlled by the Ministry of Agriculture and Rural Development;

b) The district-level People’s Committees shall approve the harvesting plan in the case prescribed in Point dd Clause 1 of this Article invested by individuals, household businesses, residential community; plans for salvage logging and full utilization of timber from production forests which are natural forests managed by individuals, household businesses, residential community;

c) The Department of Agriculture and Rural Development shall approve the harvesting plan in cases other than those prescribed in Points a and b of this Clause;

3. A dossier shall include:

a) The original application for approval for harvesting plan using Form No. 10 in the Appendix enclosed herewith;

b) The original harvesting plan using Form No. 11 in the Appendix enclosed herewith;

c) A copy of the decision on forest repurposing or copy of the decision on approval for the silviculture project or documents proving the implementation of silviculture measures or scientific research program/project that has been approved by a competent authority in the cases prescribed in Points a and d Clause 1 of this Article.

4. Procedures:

a) The forest owner or the organization/individual who is authorized by the forest owner shall submit in person or via postal service or by an electronic mean 01 dossier prescribed in Clause 3 of this Article to the approving authority prescribed in Clause 2 of this Article. In case the dossier is submitted via an electronic mean, it shall comply with the regulations in Decree No. 45/2020/ND-CP.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In case the dossier is submitted in person, the aproving authority shall check documents of the dossier and immediately inform the forest owner or the organization/individual authorized by the forest owner of the validity of the dossier.

In case the dossier is submitted via postal service or an electronic mean, within 01 working day after receiving the dossier, the approving authority shall consider the validity of the documents of the dossier; if the dossier is invalid as prescribed, a written notification specifying reasons for the invalidity shall be sent.

c) Within 10 working days from the day on which a valid dossier is received, the approving authority shall approve the harvesting plan and return results to the forest owner or the organization/individual authorized by the forest owner. In case of rejection, a written notification specifying reasons thereof shall be given.

4. The approving authority which has approved the harvesting plan shall send a copy of the approved harvesting plan to the local forest protection authority where the harvesting is carried out for monitoring, inspection and supervision.

Article 7. Approval for plans for harvesting ordinary forest animals from nature

1. Approving authorities: local forest protection authorities.

2. A dossier shall include:

a) The original application for approval for a plan for harvesting of ordinary forest animals from nature, which is made using the Form No. 10 hereof.

b) The original plan for harvesting of ordinary forest animals from nature, which is made using the Form No. 12 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Organization/individual/household business/residential community (applicant) harvesting ordinary forest animals from nature shall submit in person or via postal service or by an electronic mean 01 dossier as prescribed in Clause 2 of this Article to a local forest protection authority. In case the dossier is submitted via an electronic mean, it shall comply with the regulations in Decree No. 45/2020/ND-CP.

b) Time limit for informing the applicant of the validity of the dossier:

In case the dossier is submitted in person, the local forest protection authority shall check documents of the dossier and immediately inform the applicant of the validity of the dossier.

In case the dossier is submitted via postal service or an electronic mean, within 01 working day after receiving the dossier, the local forest protection authority shall consider the validity of the documents of the dossier; if the dossier is invalid as prescribed, a written notification specifying reasons for the invalidity shall be sent;

c) Within 10 working days from the day on which a valid dossier is received, the local forest protection authority shall approve the harvesting plan and return results to the applicant. In case of rejection, a written notification specifying reasons thereof shall be given.

Section II. PROCEDURES FOR HARVESTING ORDINARY FOREST PLANTS AND ORDINARY FOREST ANIMALS

Article 8. Salvage logging of ordinary forest plant species from natural forests

1. A dossier shall include:

a) Harvesting carried out in the area of site clearance: a copy of the decision on forest repurposing; a copy of the approved plan for salvage logging of ordinary forest plant species from natural forests;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 9. Full utilization of ordinary forest plant species from natural forests

1. A dossier shall include a copy of the approved plan for full utilization ordinary forest plant species from natural forests.

2. Within 05 working days from the day on which the harvesting is completed, the forest product owner or organization/individual authorized by the forest product owner shall submit 01 dossier as prescribed in Clause 1 of this Article and the original packing list to the local forest protection authority for certification as prescribed in Article 5 of this Circular.

Article 10. Harvesting of non-timber forest plants from ordinary forest plant species from natural forests

1. A dossier shall include:

a) A copy of the approved harvesting plan in case of harvesting of non-timber forest plants, derivatives of ordinary forest plant species from natural forests which are reserve forests.

b) A copy of the harvesting plan made by an organization/household business/ individual/residential community using Form No. 11 in the Appendix enclosed herewith in case of harvesting of non-timber forest plants, derivatives of ordinary forest plant species from natural forests which are protection and production forests.

2. Within 05 working days from the day on which the harvesting is completed, the forest product owner or organization/individual authorized by the forest product owner shall submit 01 dossier as prescribed in Clause 1 of this Article and a copy of the packing list to the local forest protection authority for monitoring and consolidation.

Article 11. Harvesting of ordinary forest plants from planted forests whose ownership is represented by the State; Harvesting of ordinary forest plants from planted protection forests whose investment is stimulated by organizations, individuals, household businesses, and residential community

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) A copy of the approved harvesting plan in case of harvesting of timber or a copy of the harvesting plan made by the forest owner using Form No. 11 in the Appendix enclosed herewith in case of harvesting of non-timber forest plants, parts and derivatives from forest plants;

b) A copy of the decision on forest repurposing in case of salvage logging of the repurposed area or a copy of the decision on approval of the silviculture project or copies of documents proving the implementation of silviculture measures for forest utilization during adjustment of forest composition, forest cultivation, and implementation of other silviculture measures.

2. Within 05 working days from the day on which the harvesting is completed, the forest product owner or organization/individual authorized by the forest product owner shall submit 01 dossier as prescribed in Clause 1 of this Article and a copy of the packing list to the local forest protection authority for monitoring and consolidation.

Article 12. Harvesting of ordinary forest plants from planted production forests whose investment is stimulated by organizations, individuals, household businesses, residential community; scattered trees, garden plants whose names are the same as those of timber trees from ordinary forest plant species from natural forests

1. A dossier shall include an original forest product harvesting information sheet made by the forest product owner or organization/individual authorized by the forest product owner using Form No. 13 in the Appendix enclosed herewith.

2. Within 05 working days from the day on which the harvesting is completed, the forest product owner or organization/individual authorized by the forest product owner shall submit 01 dossier as prescribed in Clause 1 of this Article and a copy of the packing list to the local forest protection authority for monitoring and consolidation.

Article 13. Collection of ordinary forest plant specimens serving scientific and technological researches from reserve forests

1. A dossier shall include:

a) A copy of the scientific research program/project which has been approved by a competent authority;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Within 05 working days from the day on which the harvesting is completed, the forest product owner or organization/individual authorized by the forest product owner shall submit 01 dossier as prescribed in Clause 1 of this Article and a copy of the packing list to the local forest protection authority for monitoring and consolidation.

Article 14. Harvesting of ordinary forest animals, parts and derivatives of ordinary forest animals from nature

1. A dossier shall include a copy of the approved plan for harvesting ordinary forest animals from nature as prescribed in Article 7 of this Circular..

2. Within 05 working days from the day on which the harvesting is completed, the forest product owner or organization/individual authorized by the forest product owner shall submit 01 dossier as prescribed in Clause 1 of this Article and the original packing list to the local forest protection authority for certification as prescribed in Article 5 of this Circular.

Chapter III

LAWFUL FOREST PRODUCT DOSSIERS

Section 1. FOREST PRODUCT ORIGIN DOSSIER

Article 15. Dossiers on origins of forest products after being harvested

1. Regarding timber harvested from natural forests, the dossier includes an original packing list certified by a local forest protection authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) An original packing list made by the forest product owner; a copy of the harvesting plan approved by a competent authority;

b) An original packing list certified by a local forest protection authority in case the forest product owner requests certification in accordance with the regulations in Point dd Clause 3 Article 5 hereof.

3. Regarding timber harvested from planted production forests, timber whose name is the same as that of timber trees from natural forests, scattered trees, garden plants whose investment is stimulated by organizations, individuals, household businesses, residential community, the dossier includes an original packing list made by the forest product owner or an original packing list certified by a local forest protection authority in case the forest product owner requests certification in accordance with the regulations in Point dd Clause 3 Article 5 of this Circular.

4. Non-timber forest plants harvested from natural forests and planted forests:

a) Regarding non-timber forest plants included in the list of endangered/rare forest plants and animals and CITES Appendices, the dossier includes an original packing list certified by a local forest protection authority;

b) Regarding non-timber forest plants that are not included in the list of endangered/rare forest plants and animals and CITES Appendices, the dossier includes an original packing list certified by a local forest protection authority in case the forest product owner requests certification in accordance with the regulations in Point dd Clause 3 Article 5 hereof.

5. Regarding forest animals, the dossier includes an original packing list certified by a local forest protection authority.

Article 16. Imported forest product origin dossier

1. For imported timber: The regulations specified in Article 7 Decree No. 102/2020/ND-CP dated September 01, 2020 of the Government on Vietnam timber legality assurance system shall be applied.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Regarding species listed in the CITES Appendices, the dossier includes a customs declaration form as prescribed by law; an original CITES permit or a copy of the CITES permit or electronic CITES permit for import;

b) Regarding species that are not listed in the CITES Appendices, the dossier includes a customs declaration form as prescribed by law; an original packing list made by the forest product owner or applicant in accordance with regulations of the importing country;

3. After customs clearance, the Customs authority shall return the dossier to the forest product owner for storage as prescribed.

Article 17. Confiscated forest product origin dossier

1. Timber after being confiscated:

a) In case the agency assigned to handle assets after being confiscated is a forest protection authority, the dossier includes an original packing list made by the forest protection authority assigned to handle such assets;

b) In case the agency assigned to handle assets after being confiscated is not a forest protection authority, the dossier includes an original packing list made by the agency assigned to handle such assets certified by a local forest protection authority.

2. Regarding forest products after being confiscated that is not prescribed in Clause 1 of this Article, the dossier includes an original packing list made by the agency assigned to handle assets.

Section 2. Dossiers on forest products domestically traded, transported or transferred, and exported

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Regarding forest products that must be specified in the packing list as prescribed at Points a, b, c and d Clause 3 Article 5 hereof, the dossier includes:

a) An original packing list certified by a local forest protection authority;

b) A copy of the previous dossier on trading and transfer of forest products or a QR code linked to the required dossier prescribed in this Point written in the packing list.

2. Regarding forest products that are not finished timber products and are not prescribed at Point a, b, c and d Clause 3 Article 5 hereof, the dossier includes:

b) An original packing list made by the forest product owner who sells or transfers the forest products or an original packing list certified by a local forest protection authority for forest products prescribed at Point dd Clause 3 Article 5 hereof;

b) A copy of the previous dossier on trading and transfer of forest products or a QR code linked to the required dossier prescribed in this Point written in the packing list.

3. Regarding forest products after being harvested transported to warehouses in the same time and on the same vehicle by the forest product owner, the regulations in Article 15 hereof shall be applied.

4. Regarding imported forest products transported from border checkpoints to warehouses of importers, the regulations in Article 16 hereof shall be applied.

5. Regarding forest products directly purchased from auction councils, then transported to warehouses of purchasers, the regulations in Article 17 hereof shall be applied.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 19. Dossiers on exported forest products

1. Regarding logs, sawn timber and timber products, a dossier includes:

a) An original packing list or an original packing list certified by a local forest protection authority for forest products prescribed at Point dd Clause 3 Article 5 hereof;

b) An original CITES permit, a copy of the CITES permit or electronic CITES permit for export of timber and timber products specified in the list of endangered/rare forest plants and animals; the list of endangered wild plants and animals in the CITES Appendices.

2. Regarding non-timber forest products, a dossier includes:

a) An original CITES permit, a copy of the CITES permit or electronic CITES permit for specimens specified in the list of endangered/rare forest plants and animals; the list of endangered wild plants and animals in the CITES Appendices.

b) An original packing list certified by a local forest protection authority for ordinary forest animals;

c) An original packing list for non-timber forest plants from ordinary forest plant species.

3. After customs clearance, the Customs authority shall return the dossier to the forest product owner for storage as prescribed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 20. Forest product dossier prepared by a facility for processing, trading and storage of timber, forest plants, animals and other species listed in the Appendices CITES

1. An original dossier on origins of forest products after being harvested, imported, raised or confiscated in case the facility owner directly harvests, imports or purchases such forest products after being confiscated.

2. An original packing list and a copy of the dossier on transfer of forest products from the previous owner.

3. A copy of the dossier on sale or transfer of forest products to a new owner.

4. An inventory log book for a business operator using Form No. 07 in the Appendix enclosed herewith. The forest product owner shall be responsible for updating information on the entry and exit of forest products on the forest product entry and exit book.

5. Regarding species specified in the list of endangered/rare forest plants and animals and CITES Appendices: types of books in accordance with regulations of the Government on management of endangered/rare forest plants and animals and implementation of CITES.

6. The forest product owner shall be responsible for storing forest product dossiers corresponding to each stage of the forest product supply chain, including: a dossier on origins of forest products after being harvested, transported, processed, produced, traded, transferred, imported or confiscated in accordance with the regulations herein.

Article 21. Forest product dossiers prepared by a facility for raising forest products

1. A forest product dossier prepared by a facility for raising forest animal species and animal species listed in the Appendices CITES:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) An original dossier of origins of animals that are domestically harvested, imported or raised in case the facility owner directly harvests, imports or raises such animals; A copy of the dossier or an electronic dossier on origins of animals that are harvested, imported or raised in case the facility owner does not directly harvest, import or raise such animals;

c) An original dossier on receipt of forest products from the previous owner.

d) A copy of the dossier on sale or transfer of forest products to a new forest product owner;

dd) Types of books in accordance with regulations of the Government on management of endangered/rare forest plants and animals and implementation of CITES.

2. A forest product dossier prepared by a facility for raising endangered/rare forest plants and plants listed in the Appendices CITES:

a) Number of the raising facility issued by a competent regulatory authority;

b) An original dossier of origins of forest products that are domestically harvested, imported or artificially raised in case the facility owner directly harvests, imports or artificially raises such forest products; A copy of the dossier or an electronic dossier on origins of forest products that are harvested, imported or artificially raised in case the facility owner does not directly harvest, import or artificially raise such forest products;

c) An original dossier on receipt of forest products from the previous owner.

d) A copy of the dossier on sale or transfer of forest products to a new owner;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

SPECIMEN MARKING

Article 22. Specimens to be marked

1. Finished products which are produced or processed from crocodilia, a species named in group-IIB of the list of endangered/rare forest plants and animals and species listed in Appendices II and III of CITES when being traded or transferred or transported.

2. If specimens of species listed in Appendices export CITES are subject to CITES marking requirements, such requirements shall be complied with.

Article 23. Forms, methods and responsibilities for specimen marking

1. A specimen can be marked with a stamp, code, bar code, QR code or another material (hereinafter referred to as "marking label") linked to all information prescribed in Article 24 hereof for management and tracing thereof.

2. The specimen owner shall decide on the material, size, form of the marking label in conformity with the characteristic and type of the specimen and regulations of the law on goods labels.

3. A product shall be marked with a marking label. The marking label shall be attached directly to the product or its packing, container in a manner that is easily identified with the naked eye or the reader and avoids counterfeiting.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The specimen owner shall carry out specimen marking before transporting, trading or transferring their specimens.

6. After the marking is completed, within 01 working day, the forest product owner shall specify all marking information in a physical or electronic specimen marking log book, which is made using Form No. 14 in the Appendix enclosed herewith and take responsibility for the accuracy of the information of the marking label; send a notification of specimen marking, which is made using Form No. 15 in the Appendix enclosed herewith to a local forest protection authority for monitoring and management.

Article 24. Information on and registration of marking label

1. Information on a marking label:

a) Name of the specimen;

b) Name of the species: common name and scientific name. In case a specimen is produced from various types of animals and plants, the common name and scientific name of each type must be clearly specified;

c) Name and address of the organization/individual selling or transferring the specimen and name and address of the organization/individual purchasing or receiving the specimen;

d) Amount of the specimen: expressed in units of measurement or cardinal numbers, depending on characteristics of each specimen;

dd) Serial number of the label, including: number of the marking label, abbreviation of the province, code of the district, abbreviation of the specimen owner, the last 2 digits of the year in which the code is granted. Of which:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Abbreviation of the province is included in the Appendix enclosed with the Decree of the Government on management of endangered/rare forest plants and animals and implementation of CITES.

Abbreviation of the specimen owner shall be decided by himself or herself and notified to the provincial forest protection authority. The specimen owner shall choose another abbreviation and inform the provincial forest protection authority for information and management in case of change of abbreviation.

Code of the district which is corresponding to each district, ward, town and city affiliated to the province is encoded with 03 digits according to Decision No. 124/2004/QD-TTg dated July 08, 2004 of the Prime Minister on promulgation of the list and codes of administrative units of Vietnam.

2. Organization/individual who marks the specimen shall submit a notification together with a model label of the specimen to the provincial forest protection authority for consolidation and monitoring.

Chapter V

INSPECTION AND TRACING OF FOREST PRODUCTS

Article 25: Entities subject to and methods of inspection

1. Entities subject to inspection: organizations, individuals, household businesses, residential community engaging in harvesting, transport, processing, manufacturing, trading, transfer, import, export and storage of forest products, raising of forest animals and plants, and marking of specimens.

2. Inspection methods:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Ad hoc inspection.

Article 26. Inspection contents

1. For harvesting of forest products: inspection of the compliance with law on harvesting of forest products according to the Rules for forest management and the regulations in Chapter II hereof and physical inspection of forest products at places where the forest products are harvested.

2. For import and export of forest products: inspection of forest product dossiers as prescribed in Article 16 and Article 19 of this Circular and physical inspection at border checkpoints.

3. In case of transport of forest products: inspection of the compliance with regulations on forest product dossiers during transport as prescribed in Article 18 hereof and inspection of forest products contained on vehicles.

4. For facilities for processing, trading and storing timber and forest products: inspection of the compliance with regulations on forest product dossiers as prescribed in Article 20 hereof and inspection of available forest products at these facilities.

5. For facilities for raising forest animals and animals listed in the Appendices CITES; facilities for raising of endangered/rare forest plants or plants listed in the Appendices CITES: inspection of the compliance with regulations on forest product dossiers as prescribed in Article 21 hereof and inspection of animals and plants that are raised at these facilities.

6. For places where forest products are stored: inspection of forest product dossiers as prescribed in this Circular and inspection of available forest products.

Article 27. Inspection rules

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The inspection by forest protection authorities must be carried out promptly, objectively, accurately within their jurisdiction and in conformity with regulations of law.

3. The inspection must be carried out under the correct procedure prescribed in Article 31 hereof and inspection minutes must be made using Form No. 16 and Form No. 17 in the Appendix enclosed herewith.

Article 28. Scheduled inspection

1. Annual inspection plan:

a) Before November 30, the head of the forest protection authority prescribed in Article 30 hereof shall prepare an inspection plan for the next year and submit it to the supervisory authority for approval;

b) In case an unplanned inspection is demanded by a superior authority or needed otherwise, the inspection plan shall be adjusted and submitted to the competent authority for approval;

c) On the basis of the approved inspection plan, the forest protection authority shall send a notification to relevant agencies, organizations and individuals before December 31 of every year or after the adjusted inspection plan is approved.

2. Thematic inspection plan: On the basis of the management of forest products that needs inspecting, the head of the forest protection authority shall proactively prepare a thematic inspection plan.

Article 29. Ad hoc inspection

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Information from mass media;

b) Information from complaints, denunciations or reports made by an organization or individual;

c) Information from the application form for actions against violations submitted by an organization or individual;

d) Information given by local rangers or rangers assigned to detect violations or cases of violations to be caught red-handed by them;

dd) Instructional documents promulgated by the head of a competent regulatory authority;

e) Suspicion of violations against the law.

2. Any ranger that collects and receives information or suspicions about violations against the law shall immediately notify the head of a forest protection authority thereof.

3. According to the information specified in Clause 1 of this Article, the head of the forest protection authority shall process such information, direct inspection and take responsibility for his/her decision; direct the preparation of information logbooks and organize the management thereof in accordance with regulations on management of confidential documents.

Article 30. Authorization for issuance of decisions on inspection of forest protection authorities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Competent persons prescribed in Clause 1 of this Article may authorize their deputies for promulgation of decisions on inspection as prescribed by law.

Article 31. Inspection procedures

1. Issue and disclose an inspection decision to the inspected entities or their representatives; notify participants of the inspectorate and witnesses (if any).

2. Request the inspected entities or their representatives to abide by the inspection decision issued by the competent person and work with the inspectorate. If the inspected entities or representatives thereof are not present at the place where the inspection is carried out, the inspectorate shall invite a representative of the People’s Committee of the commune or a representative of police authority where the inspection carried out or a witness to announce the decision on inspection and carry out inspection as prescribed.

3. The inspection must be carried out according to the disclosed inspection decision. Any issues that arise during the implementation and are beyond the power of the inspectorate should be promptly reported to the issuer of the decision for handling.

4. In case of inspection of transport of forest products: the inspectorate is only allowed to stop a moving vehicle if there is one of the bases specified in Clause 1 Article 29 of this Circular. One or a combination of forest ranger whistle, flag and torch may be used to issue an order to stop a vehicle.

5. Regarding the inspection of forest products that are imported, exported or transited at the border checkpoint, the forest protection authority shall cooperate with the border checkpoint customs authority in inspecting forest products as prescribed in this Circular.

6. The inspected entities must comply with requirements for inspection of the inspectorate; present their forest product dossiers immediately as prescribed in this Circular and other relevant documents as prescribed by law.

Chapter VI

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 32. Responsibility for implementation

1. The Vietnam Administration of Forestry shall:

a) Implement this Circular nationwide;

b) Propose to the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam approval for the harvesting plans in the cases prescribed at Point a Clause 2 Article 6 hereof.

2. Forest protection department shall:

a) Provide guidelines and inspect and supervise the compliance with law on harvesting, management and tracing of forest products nationwide as prescribed herein;

b) Develop a pilot model of codes of places of production of material production forests serving tracing associated with sustainable forest management and forest certification;

c) Develop a pilot model of information technology application to management and tracing of forest products;

d) Consolidate and report the compliance with regulations on management and tracing of forest products nationwide in this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Organize inspection of origins of forest products as prescribed in this Circular under direction of the Forest Protection Department in their assigned regions;

b) Consolidate and report the implementation of this Circular in regions where they are assigned to inspect at the request of competent authorities.

4. Departments of Agriculture and Rural Development shall organize the implementation and provide guidelines on the implementation of this Circular within provinces;

5. Forest protection authorities of provinces shall:

a) Consolidate and save information on the harvesting, import and export of forest products within provinces; organize inspection, supervision and tracing of forest products as prescribed herein;

b) Manage forest product dossiers as prescribed in this Circular;

c) Report the management, inspection and tracing of forest products; the situation of facilities for raising of animals and plants in provinces as prescribed herein;

6. Local forest protection authorities shall:

a) Consolidate and save information on the harvesting, import and export of forest products in areas where they manage, organize inspection, verification, supervision and tracing of forest products as prescribed herein;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Save dossiers submitted by forest product owners as prescribed in Chapter II and Chapter III hereof; manage packing list certification log books using Form No. 09 in the Appendix enclosed herewith;

d) Consolidate reports using Form No. 18 in the Appendix enclosed herewith on the receipt and delivery of forest products in their areas and submit them to the provincial forest protection authorities within 10 days from the day on which reports of business operators are received as prescribed in Point c Clause 8 of this Article.

7. Forest owners shall:

a) Store all dossiers on origins of forest products as prescribed in this Circular;

b) Prepare reports before and after harvesting as prescribed herein.

8. Organizations, individuals, household businesses, households or residential community shall:

a) Store all forest product dossiers as prescribed in this Circular;

b) Take responsibilities for the accuracy and comply with regulations on inspection and tracing issued by competent authorities;

c) Regarding business operators: prepare an inventory log book of forest products using Form No. 07 in the Appendix enclosed herewith; promptly update all information on the entry and exit of forest products and present it at the request of competent authorities; prepare 6-month reports on the entry and exit of forest products to local forest protection authorities using Form No. 18 in the Appendix enclosed herewith before July 15 and annual reports thereon before January 15. The first-6-month report shall cover the period from January 01 to June 30; an annual report shall cover the period from January 01 to December 31 of the year.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. This Circular comes into force from February 15, 2023.

2. Circular No. 27/2018/TT-BNNPTNT dated November 16, 2018 of the Minister of Agriculture and Rural Development on management and tracing of forest products is invalid from the day on which this Circular comes into force.

3. Transitional clauses

a) If forest product owners store timber with legal origin which is harvested from natural forests, timber after being confiscated, timber included in the list of endangered/rare forest plants and animals, timber listed in the Appendices CITES before the date on which this Circular comes into force, upon trading, transfer and transport thereof, they must carry out certification of their packing lists as prescribed in Article 5 hereof. The forest product owners shall make statistics on the volume of timber with legal origins which are harvested from natural forests, timber after being confiscated, timber listed in the Appendices CITES, which are stored at their facilities, make packing lists using Form No. 01 in the Appendix enclosed herewith and submit them to local forest protection authorities for certification and management. These tasks must be completed before September 30, 2023.

b) If dossiers on harvesting of forest products have been approved before the day on which this Circular comes into force but such forest products have not yet been harvested or are being harvested, it is continued to comply with regulations in Circular No. 27/2018/TT-BNNPTNT dated November 16, 2018 of the Minister of Agriculture and Rural Development on management and tracing of forest products. Harvested forest product dossiers shall comply with regulations in this Circular.

4. In case the legislative documents referred to this Circular are amended or replaced, the newest document shall be applied.

5. Difficulties arising in the period of implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Agriculture and Rural Development (via NAFIQAD) for consideration and decision./.

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


109.914

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.159.17
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!