BỘ KHOA HỌC
VÀ CÔNG NGHỆ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 01/2013/TT-BKHCN
|
Hà Nội,
ngày 14 tháng 01 năm 2013
|
THÔNG
TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH TIÊU CHÍ ĐỀ TÀI, ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ
CAO VÀ THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT
TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO
Căn cứ Luật
Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học
và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 55/2010/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2010 của Thủ
tướng Chính phủ hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận tổ chức,
cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, chứng nhận tổ chức, cá nhân nghiên
cứu và phát triển công nghệ cao và công nhận doanh nghiệp công nghệ cao;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghệ
cao;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy
định về việc xác định tiêu chí đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ
cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên cứu và phát
triển công nghệ cao như sau:
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này quy định về việc xác định
tiêu chí đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (sau đây viết tắt
là đề tài, đề án); thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên
cứu và phát triển công nghệ cao (sau đây viết là Giấy chứng nhận).
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức,
cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước
ngoài tham gia hoặc thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao
tại Việt Nam.
Điều 2. Tiêu chí xác
định đề tài, đề án
1. Đề tài, đề án được xác định là
nghiên cứu và phát triển công nghệ cao phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:
a) Công nghệ được nghiên cứu trong đề
tài, đề án phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển
được ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg
ngày 19 tháng 07 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
b) Đề tài, đề án thuộc một trong 3
trường hợp sau:
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao:
từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; từ công nghệ cao được
chuyển giao; từ công nghệ cao được nhập khẩu, nhằm tiếp thu, làm chủ việc ứng
dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam.
- Nghiên cứu tạo ra công nghệ cao thay
thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài: nghiên cứu từng phần hoặc toàn bộ công
nghệ nhập khẩu; nghiên cứu giải mã công nghệ để tiếp thu các giải pháp, quy trình,
bí quyết kỹ thuật của công nghệ, từng bước hoàn thiện công nghệ, nâng cao tỷ
trọng nội địa hóa các công nghệ được nhập khẩu.
- Nghiên cứu sáng tạo công nghệ cao
mới để tạo ra công nghệ cao lần đầu tiên được tạo ra tại Việt Nam;
c) Đề tài, đề án phải có tính mới, có
khả năng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; có tính độc đáo, đóng góp cho
việc nâng cao trình độ và tiềm lực công nghệ cao của Việt Nam; dễ dàng được
chuyển giao vào sản xuất trên quy mô công nghiệp;
d) Tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, đề
án có năng lực hoặc huy động nguồn lực từ bên ngoài để bảo đảm được tài chính,
quản lý, công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý và những yếu tố quan trọng khác cho
việc thực hiện thành công đề tài, đề án; có khả năng tổ chức triển khai kết quả
đề tài, đề án vào sản xuất với quy mô lớn; có khả năng hợp tác trong và ngoài
nước để triển khai đề tài, đề án;
đ) Số lượng cán bộ trực tiếp tham gia
thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 85% tổng số cán
bộ của đề tài, đề án, trong đó số cán bộ có bằng đại học trở lên chiếm ít nhất
85%;
e) Đề tài, đề án phải tuân thủ các
tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực nghiên cứu và
phát triển của đề tài, đề án theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khuyến khích
đề tài, đề án đạt các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường như ISO 14000 hoặc tiêu
chuẩn tương đương.
2. Đối với đề tài, đề án nghiên cứu và
phát triển công nghệ cao đã hoặc đang triển khai, khi nộp hồ sơ đề nghị cấp
Giấy chứng nhận phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại Khoản 1 của Điều
này.
3. Đối với đề tài, đề án nghiên cứu và
phát triển công nghệ cao chưa triển khai, khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng
nhận phải cam kết trong thời gian 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận
phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Khoản 1 của Điều này.
Điều 3. Các mẫu của
hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận
1. Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận
hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao dành cho tổ chức, cá nhân (Biểu B1-TCĐTĐA, Biểu
B1-CNĐTĐA phụ lục kèm theo).
2. Mẫu thuyết minh đề tài, đề án
nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (Biểu
B2-TMĐTĐA phụ lục kèm theo).
3. Mẫu đơn đề nghị xác nhận thuyết
minh đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (Biểu B3-XNĐTĐA phụ lục kèm theo).
4. Mẫu Giấy chứng nhận hoạt động
nghiên cứu và phát triển công nghệ cao dành cho tổ chức, cá nhân (Biểu B4-HĐĐTĐA phụ lục kèm theo).
Điều 4. Thẩm định hồ
sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận
Quy trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp
Giấy chứng nhận; nguyên tắc làm việc của Hội đồng; trình tự làm việc của Hội
đồng; kinh phí phục vụ công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận
được áp dụng thực hiện theo quy định tại các Điều 4, Điều 5, Điều
6, Điều 7 Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc xác định tiêu chí dự án ứng
dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định
hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh
nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh
nghiệp công nghệ cao.
Điều 5. Trách nhiệm
thi hành
1. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng
nhận theo định kỳ 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm
gửi báo cáo kết quả hoạt động về Văn phòng Chứng nhận hoạt động công nghệ cao
và doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Văn phòng Chứng nhận hoạt động công
nghệ cao và doanh nghiệp khoa học công nghệ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, tổ chức
thẩm định; kiểm tra và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực
hiện Thông tư này, trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ những vấn đề vượt
quá thẩm quyền.
Điều 6. Điều khoản
thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45
ngày kể từ ngày ký ban hành.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có
khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức cá nhân phản ánh kịp thời bằng
văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
-
Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VT, CNC.
|
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Chu Ngọc Anh
|