BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3094/TB-BVHTTDL
|
Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2012
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG HOÀNG TUẤN ANH TẠI HỘI NGHỊ GIAO BAN TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ
DU LỊCH
Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch tại cuộc
họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch (Thông báo số 252/TB-VPCP ngày 13 tháng
7 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ), ngày 28
tháng 8 năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị giao ban
trực tuyến toàn quốc về du lịch tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội nghị có đại diện một số
Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, đại diện lãnh đạo Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ;
đại diện lãnh đạo một số tỉnh/thành; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
các tỉnh/thành và đại diện các cơ sở đào tạo có chuyên ngành du lịch, đại diện
các doanh nghiệp du lịch.
Hội nghị đã tập trung vào 07 nội dung
chính: Đánh giá tình hình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2011 và 6
tháng đầu năm 2012; kế hoạch 02 năm xây dựng đủ hệ thống nhà
vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch,
trên các tuyến du lịch; kế hoạch tăng cường hiệu lực, hiệu
quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu, điểm du lịch; kế hoạch phát
triển, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên
du lịch trên toàn quốc; kế hoạch triển khai công tác thống
kê du lịch theo mô hình tài khoản vệ tinh du lịch; đánh giá
hiệu quả công tác tổ chức Năm Du lịch quốc gia và tiếp tục xây dựng cơ chế,
chính sách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.
Sau khi nghe Tổng cục trưởng Tổng cục
Du lịch báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các nội dung trên, ý kiến thảo luận,
đánh giá, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu dự Hội nghị, Bộ trưởng kết luận:
I. VỀ 07 VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA DU LỊCH VIỆT NAM
1) Song song với sự tăng trưởng về số
lượng khách du lịch, du lịch Việt Nam cần tập trung hướng tới chất lượng, chiều
sâu, tính chuyên nghiệp và hiệu quả:
- Đề nghị các Bộ, ngành chức năng,
đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
triển khai đồng bộ, hiệu quả, liên kết, phối hợp thực hiện
các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
- Đề nghị các tỉnh/thành rà soát quy
hoạch, định hướng phát triển, tiềm năng, thế mạnh du lịch,
tái xác định sản phẩm đặc trưng, nguồn lực, công tác quảng bá xúc tiến, đào tạo
nhân lực, khả năng liên kết phát triển, lộ trình thích hợp trên cơ sở Chiến
lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, quy hoạch phát
triển du lịch vùng, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chỉ đạo triển khai thực hiện.
- Giao Tổng cục Du lịch tổng hợp, tập
trung nghiên cứu các cơ chế chính sách, đề án thúc đẩy sự phát triển du lịch
theo hướng chiều sâu, chuyên nghiệp, tập trung cho chương trình quản lý chất
lượng du lịch, làm rõ các ưu tiên, hạn chế, báo cáo Bộ trưởng xem xét, trình
Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch tại phiên họp lần thứ 3, dự kiến vào
tháng 11/2012.
2) Về kế hoạch 02 năm xây dựng đủ hệ thống nhà vệ sinh đạt yêu
cầu chất lượng phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, trên các tuyến
du lịch:
- Tập trung xóa trắng các khu, điểm du lịch, các tuyến du lịch không có nhà vệ sinh; nâng
cấp, hoàn thiện các nhà vệ sinh công cộng tại các khu du lịch lớn, khu, điểm du
lịch quốc gia, điểm chốt trên các tuyến du lịch quốc gia.
Đề nghị các
tỉnh/thành xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu
tư thực hiện việc xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống nhà vệ sinh công cộng
đạt yêu cầu chất lượng phục vụ, cập nhật báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch định kỳ 6 tháng/lần. Đối với các tỉnh/thành chưa có báo cáo, đề nghị có
báo cáo trong tháng 9/2012.
- Giao Tổng cục Du lịch định kỳ tổng
hợp, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống nhà
vệ sinh đạt yêu cầu chất lượng phục vụ khách du lịch, kịp thời phối hợp tháo gỡ
vướng mắc của các địa phương (nếu có) theo thẩm quyền.
3) Khống chế, từng bước đẩy lùi có
hiệu quả tình trạng mất an ninh, trật tự tại các khu, điểm, tuyến du lịch:
- Đề nghị các tỉnh/thành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, có giải pháp khắc
phục tính mùa vụ của du lịch, đặc biệt đối với các tỉnh khu vực phía Bắc. Tăng
cường sự chỉ đạo liên ngành, nghiên cứu, xây
dựng mô hình phù hợp tiến hành ngăn chặn, đẩy lùi
tình trạng mất trật tự, an toàn tại các khu, điểm, tuyến du lịch, xử lý nghiêm các vụ vi phạm, định kỳ 6 tháng/lần báo cáo kết quả về
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Đề nghị các tỉnh/thành tăng cường
công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các khu,
điểm, tuyến du lịch, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, mùa du lịch.
- Giao Tổng cục Du lịch tổng hợp, báo
cáo Bộ trưởng những sáng kiến, mô hình, giải pháp thực hiện hiệu quả trong việc
bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách để kịp thời tuyên truyền, nhân rộng tại
các địa phương.
- Giao Thanh tra Bộ chủ động xây dựng
kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đồng thời chỉ đạo Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch các địa phương thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý
những hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh, các hoạt động du lịch tại các
địa phương.
4) Kế hoạch phát triển, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên,
thuyết minh viên du lịch các tỉnh/thành cả nước:
- Đây là điểm mấu chốt góp phần hình
thành chất lượng sản phẩm du lịch, là trách nhiệm của cơ quan quản lý, đồng
thời là trọng tâm ưu tiên của các doanh nghiệp du lịch. Đề nghị các tỉnh/thành, đặc biệt là các địa phương
trọng điểm du lịch căn cứ Quy hoạch nhân lực nhóm ngành du lịch
đến năm 2020 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, xây dựng và
triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch của địa phương, tập
trung triển khai có lộ trình, phù hợp theo đặc thù, yêu cầu của địa phương, chú
ý tính thực tế và liên kết
trong đào tạo nhân lực.
- Giao Vụ Đào tạo tập trung hướng dẫn
triển khai Quy hoạch nhân lực nhóm ngành du lịch, hằng năm tổng hợp báo cáo Bộ
trưởng.
5) Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác thống kê du lịch.
- Đề nghị Tổng cục Thống kê phối hợp
liên ngành trong công tác điều tra, thống kê, đào tạo nhân lực thống kê du lịch.
- Giao Tổng cục Du lịch xây dựng
chương trình, kế hoạch phối hợp, chế độ thông tin báo cáo định kỳ, đột xuất từ
các kênh doanh nghiệp du lịch với Tổng cục Thống kê, phối hợp với Tổng cục
Thống kê trong các đợt điều tra có liên quan.
6) Về nâng cao hiệu quả của Năm Du
lịch quốc gia:
- Năm Du lịch quốc gia là cơ hội,
thời cơ tập trung nâng cao nhận thức về du lịch, tập trung
đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch của địa phương, vùng, tăng cường đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh quảng bá, xúc
tiến du lịch. Đề nghị các địa phương đăng
cai Năm Du lịch quốc gia 2014 đến 2017
khẩn trương xây dựng kế hoạch
tổng thể, đồng bộ từ hạ tầng, hoạt động để
phát huy lợi thế, hiệu quả, tính liên kết, mục tiêu của Năm Du lịch quốc gia.
- Giao Tổng cục Du lịch tổng hợp, báo
cáo lãnh đạo Bộ việc tổ chức hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả Năm Du lịch quốc gia với lãnh đạo các tỉnh/thành, Bộ, ngành có liên quan
để tập trung nguồn lực cho Năm Du lịch quốc gia.
7) Có cơ chế
chính sách thu hút nguồn vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch:
- Vụ Kế hoạch, Tài chính chủ trì,
phối hợp với Tổng cục Du lịch, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề xuất
các giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư
phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Giao Tổng cục Du lịch chủ trì, phối
hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức giao ban 6 tháng/lần nhằm đánh giá
hiện trạng và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển du lịch.
II. VỀ MỘT SỐ
NỘI DUNG KHÁC
1) Giao Tổng cục Du lịch:
- Tăng cường công tác quản lý nhà
nước về du lịch; tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp
luật về du lịch phù hợp với điều kiện thực tế; mở rộng hợp
tác quốc tế về du lịch, đào tạo nhân lực du lịch.
- Thường xuyên cập nhật thông tin, trao đổi với Cục Hàng không dân dụng Việt Nam nghiên cứu, định hướng thị trường
trọng điểm, thị trường tiềm năng, thông tin doanh nghiệp để
thu hút khách du lịch.
- Phối hợp với Hiệp
hội Du lịch Việt Nam làm việc với Tổng cục Đường sắt thống nhất nội dung, chất
lượng toa xe, vệ sinh môi trường phục vụ khách du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ,
Viện thuộc Bộ khẩn trương đề xuất và triển khai thực hiện chương trình phối hợp
gắn kết du lịch với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nghệ
thuật truyền thống.
2) Đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam
chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch nghiên cứu, tăng cường, chủ động đổi mới
công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và ngoài
nước.
3) Đề nghị các tỉnh/thành tăng cường
công tác quản lý nhà nước về du lịch; kiện toàn tổ
chức bộ máy, nhân sự quản lý du lịch ở địa phương; vấn đề môi trường du lịch, an ninh, an toàn của khách du lịch; mở rộng hợp
tác quốc tế về du lịch, đào tạo nhân lực du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông
báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Phó TTg CP Nguyễn Thiện Thuật (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để báo
cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- UBND các tỉnh/thành;
- Các Sở VHTTDL;
- Các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL;
- Hiệp hội Du lịch;
- Lưu: VT, VP (THTT) NTS.150.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG
Phan Đình Tân
|