ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 709/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày 30
tháng 3 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG NGHIÊN CỨU, CHUYỂN GIAO, SẢN XUẤT
VÀ CUNG ỨNG GIỐNG CÂY NÔNG, LÂM NGHIỆP, GIỐNG VẬT NUÔI VÀ GIỐNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày
07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch
và Đầu tư tại Tờ trình số 64/TTr-SKHĐT ngày 22 tháng 3 năm 2018 về việc phê duyệt
“Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây
nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang đến
năm 2020, định hướng đến năm 2030”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống
cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản trên địa bàn tỉnh An
Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan
điểm
1.1. Quy hoạch phát triển
hệ thống nghiên cứu chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây trồng,
vật nuôi, giống cây lâm nghiệp và giống thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang
theo hướng hiện đại - hội nhập quốc tế. Hướng đến nâng cao tiềm lực khoa học,
công nghệ và hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu chọn tạo và sản
xuất kinh doanh để thực hiện công nghiệp hóa ngành giống. Chủ động đi tắt, đón
đầu thông qua việc nhận chuyển giao các tiến bộ về giống, du nhập giống tốt, giống
chất lượng cao trong và ngoài tỉnh.
1.2. Nghiên cứu chọn tạo
giống mới đưa vào sản xuất phải đáp ứng nhu cầu thị trường, cạnh tranh về năng
suất và chất lượng, yêu cầu về an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng, phù
hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn từ nay đến
năm 2030.
1.3. Phát triển giống
cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác tối đa nguồn gen nội địa; đồng thời, kết
hợp hài hòa giữa nghiên cứu chọn tạo trong nước và nhập nội giống mới từ nước
ngoài, mở rộng trao đổi nguồn gen với các nước trong khu vực và trên thế giới để
chọn tạo giống mới đa dạng di truyền, thích ứng với biến đổi khí hậu, điều kiện
tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh.
1.4. Trong giai đoạn trước
mắt, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục giữ vai trò nòng cốt của trong nghiên cứu,
chuyển giao và cung ứng giống cho nông dân. Các doanh nghiệp giữ vai trò chủ lực
trong sản xuất và cung ứng giống. Phát huy vai trò tích cực của các hợp tác xã,
tổ liên kết, nông hộ trong sản xuất giống.
2. Mục
tiêu
2.1. Mục tiêu chung
Đến năm 2025, hệ thống giống
đáp ứng đủ giống xác nhận hoặc tương đương, giống chất lượng cao, giống tiến bộ
kỹ thuật cho sản xuất nông lâm thủy sản hàng hóa của tỉnh; tiến tới xây dựng An
Giang trở thành trung tâm giống cấp vùng, cấp Quốc gia, với thế mạnh vượt trội
về sản xuất và cung ứng giống lúa, một số giống rau màu, giống thủy sản nước ngọt
và giống heo. Trước mắt, tập trung phấn đấu đưa An Giang trở thành trung tâm sản
xuất, cung ứng giống lúa, giống cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả
nước. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống phục vụ cây giống, con giống
cho các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, đồng thời có
tính đến việc cung ứng cây, con giống cho các địa phương trong và ngoài Vùng.
Trong mỗi loại giống cây trồng,
vật nuôi, thủy sản đều có ít nhất một doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt và ở đó
có triển khai tương đối đồng bộ chuỗi hoạt động nghiên cứu - sản xuất - chuyển
giao giống theo mô hình tháp giống đa cấp. Hoàn chỉnh hệ thống quản lý giống đồng
bộ từ các cơ quan nghiên cứu chọn tạo, cơ sở sản xuất giống thương phẩm đến cơ
quan quản lý giống của tỉnh.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a) Các giống cây trồng
chính
- Đối với giống lúa: Đến năm
2020, hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đáp ứng đủ 100% nhu cầu giống xác
nhận phục vụ sản xuất trong tỉnh, đảm bảo giống lúa xác nhận có chất lượng và
nguồn gốc rõ ràng. Tăng tỷ lệ giống xác nhận qua kiểm định, kiểm nghiệm lên
trên 30% năm 2020 và trên 75% năm 2030. Sản lượng lúa giống hàng hóa sản xuất
trên địa bàn tỉnh đạt 200.000 tấn/năm giai đoạn 2018-2020 và 250.000 tấn/năm
giai đoạn 2021-2030.
- Đối với các giống cây trồng
khác: Đến năm 2020 mạng lưới các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng
toàn tỉnh cần đảm bảo cung cấp 30% giống xác nhận hoặc tương đương và hạt lai
F1 cho sản xuất; giống cây ăn trái được sản xuất từ cây đầu dòng đạt ít nhất
50%. Đến năm 2025, đảm bảo cung cấp trên 50% giống xác nhận hoặc tương đương và
hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây ăn trái được sản xuất từ cây đầu dòng đạt
70%. Đến năm 2030, đảm bảo cung cấp trên 75% giống xác nhận hoặc tương đương và
hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây ăn trái được sản xuất từ cây đầu dòng đạt
90%.
b) Các giống vật nuôi
chính: Đảm bảo cung cấp đủ các loại giống gốc heo, bò, gia cầm
cho nhu cầu nhân giống thương mại phục vụ sản xuất. Phấn đấu tới năm 2020 tỷ lệ
giống tiến bộ kỹ thuật đối với heo, gia cầm đạt 90%, đối với bò thịt đạt 70%; đến
năm 2025, đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với đối với
heo, gia cầm đạt trên 95%, bò thịt đạt 80%; đến năm 2030, tiếp tục tăng tỷ lệ sử
dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với các vật nuôi chính kể trên.
c) Các giống thủy sản
- Đến năm 2020: Đảm bảo sản xuất
trong tỉnh chủ động cung cấp trên 90% nhu cầu giống cho nuôi trồng, trong đó
80% giống các đối tượng nuôi chủ lực như: cá tra, tôm càng xanh, cá rô phi, cá
điêu hồng, cá lóc, cá sặc rằn... là giống chất lượng cao, sạch bệnh.
- Đến năm 2025: Đảm bảo chủ động
cung cấp 100% nhu cầu giống cho nuôi trồng, trong đó trên 90% giống các đối tượng
thủy sản nuôi chủ lực là giống chất lượng cao, sạch bệnh.
- Định hướng đến năm 2030: Đảm
bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho nuôi trồng là giống chất lượng
cao, sạch bệnh.
3. Định
hướng phát triển Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng
giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, định
hướng đến năm 2030
3.1. Quy hoạch hệ thống
nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống cây trồng đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030
a) Giống lúa: Duy
trì và phát triển hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng lúa giống
theo mô hình tháp giống 3 cấp. Đẩy mạnh công tác chọn tạo và nhân giống lúa thơm,
đặc sản; giống lúa chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường; Định hướng chọn
tạo giống lúa: Điều chỉnh việc chọn tạo giống lúa vừa năng suất cao ngắn ngày,
vừa đảm bảo yếu tố chất lượng, giá trị cao hơn. Việc thay đổi cơ cấu giống lúa
dựa trên xu hướng nhu cầu thị trường; Duy trì năng lực sản xuất lúa giống cấp
xác nhận khoảng 140-160 ngàn tấn/năm, trong đó nhu cầu sử dụng giống của tỉnh
khoảng 80-85 ngàn tấn/năm, thương mại nội địa khoảng 50-65 ngàn tấn và xuất khẩu
khoảng 10 ngàn tấn/năm.
b) Giống rau màu:
Phục tráng các giống địa phương; chọn tạo và nhân giống các loại rau màu mới
có năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng sâu bệnh. Thay vì nhập khẩu các loại giống
cây trồng từ nước ngoài là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao để phát triển
những giống rau màu vốn là thế mạnh địa phương; Phát triển các doanh nghiệp giống
sản xuất, cung ứng các chủng loại giống F1 cho nhà vườn. Nhập khẩu và khảo nghiệm
các giống rau màu có năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng sâu bệnh và phù hợp với
điều kiện sinh thái địa phương; Đầu tư thích đáng cho khâu nghiên cứu sản xuất
giống mới, nhân giống mới và cải tạo giống, hỗ trợ nông dân trong việc sử dụng
giống mới để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ.
c) Giống cây ăn trái: Tập
trung phát triển sản xuất giống cây ăn trái để phục vụ kế hoạch tái canh cải tạo
giống, kế hoạch chuyển đổi giống đáp ứng mục tiêu của Quy hoạch phát triển vùng
sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; Tăng cường hoạt động bình tuyển, lựa
chọn các cây có ưu thế vượt trội để hình thành các cây đầu dòng, tiếp tục xây dựng,
quản lý, khai thác các vườn cây đầu dòng để phục vụ cho việc ghép, lai tạo;
Phát triển phương pháp nuôi cấy mô thực vật đối với cây ăn quả. Tiếp tục đầu
tư, phát triển các cơ sở sản xuất tại huyện Chợ Mới, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh
Biên, phát triển thêm các cơ sở sản xuất giống tại huyện để phục vụ cho nhu cầu
tại chỗ.
d) Giống cây dược liệu: Quy
hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây dược liệu
nhằm đáp ứng Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ
cao trên địa bàn tỉnh.
đ) Giống cây lâm nghiệp:
Quy hoạch hệ thống giống lâm nghiệp đảm bảo đồng bộ, hài hoà giữa lĩnh vực
nghiên cứu và sản xuất; coi trọng cả cây gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ, cây bản địa
và cây nhập nội; Ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học vào sản
xuất lâm nghiệp, trước mắt là ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất giống
cây trồng có năng suất cao. Gắn nghiên cứu giống lâm nghiệp với nhu cầu chất lượng
giống của sản xuất để chọn tạo ra nhiều giống mới có năng suất cao, chất lượng
tốt.
3.2. Quy hoạch hệ thống
nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao và cung ứng giống vật nuôi đến năm 2020, định
hướng đến năm 2030
a) Giống heo: Quản
lý hệ thống nhân giống theo sơ đồ hình tháp 3 cấp: cấp heo giống cụ kỵ (GGP), cấp
heo giống ông bà (GP), cấp heo giống bố mẹ (PS); Đến năm 2025 xây dựng được đàn
heo giống có năng suất, chất lượng cao, quy mô đàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu
trong tỉnh về con giống hậu bị, con giống heo nuôi thịt, không phải nhập con giống
từ bên ngoài vào; Từ sau năm 2025, các trại giống công nghệ cao trên địa bàn tỉnh
không những đáp ứng đủ nhu cầu của tỉnh, mà còn cung cấp heo giống cho các tỉnh
trong Vùng, cung cấp tinh heo ra nhiều địa phương trong cả nước; Hình thành mạng
lưới các cơ sở sản xuất, kinh doanh heo giống thương phẩm quy mô ở các địa
phương để phục vụ chăn nuôi gia trại; đầu tư hệ thống trạm thụ tinh nhân tạo,
thường xuyên tổ chức bình tuyển, đánh giá chất lượng và quản lý đàn heo đực giống.
b) Giống gia cầm, thủy cầm:
Phát triển mạng lưới sản xuất giống gia cầm, thủy cầm theo hình tháp các cấp,
mô hình sản xuất con giống ứng dụng công nghệ cao nhằm cung ứng đủ giống bố mẹ
cho các cơ sở sản xuất giống thương phẩm, hạn chế tình trạng sử dụng giống
thương phẩm làm bố mẹ; Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1 thương hiệu giống gà,
giống vịt của tỉnh và xây dựng được 1 hệ nhân giống gia cầm 4 cấp do doanh nghiệp
đầu tư; Phát triển các giống gà có chất lượng thịt tốt, được thị trường ưa chuộng
như gà Tàu vàng, Tam Hoàng, Lương Phượng, gà Tre Tân Châu. Phát triển các giống
vịt chuyên thịt như Super M, Grumaud và giống vịt chuyên trứng như vịt Triết
Giang.
c) Giống bò: Đẩy
mạnh phát triển chăn nuôi bò thịt bằng các giống lai thông qua phương pháp thụ
tinh nhân tạo. Cải tiến và nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zebu hóa thông
qua gieo tinh nhân tạo hoặc bò đực giống đã qua chọn lọc cho nhân giống ở những
nơi chưa có điều kiện gieo tinh nhân tạo; Nâng tỷ lệ thụ tinh nhân tạo lên khoảng
40% năm 2020, trên 70% năm 2025 và trên 90% năm 2030. Đồng thời, đảm bảo duy
trì trên 80% đàn bò lai trong tổng đàn bò thịt thương phẩm; Trung tâm giống cây
trồng và vật nuôi tỉnh triển khai chương trình cải tạo đàn bò, ưu tiên các giống
có ưu thế thị trường tiêu thụ.
3.3. Quy hoạch hệ thống nghiên
cứu, chuyển giao sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030
a) Giống cá tra:
Tập trung xây dựng và phát triển bền vững mô hình Giống cá tra 3 cấp. Tiến
tới xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất giống cá tra chất lượng cao và An Giang
sẽ là trung tâm sản xuất giống cá tra của Vùng; Hình thành chuỗi liên kết sản
xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá
tra theo hướng chuỗi sản xuất thủy sản bền vững, tạo bước đột phá trong lĩnh vực
thủy sản của tỉnh An Giang; Diện tích sản xuất giống cá tra khoảng 1.000 ha
giai đoạn 2020-2021; năng lực cung cấp khoảng 50% nhu cầu giống cá tra cho An
Giang và các tỉnh trong Vùng.
b) Giống tôm càng xanh: Xây
dựng và phát triển hệ thống sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực theo hình thức
trại giống 2 cấp, trong đó cấp 1 là Trung tâm Giống thủy sản An Giang và cấp 2
là các trại vệ tinh; Phấn đấu có ít nhất 1 doanh nghiệp giống tôm càng xanh có
năng lực mạnh về nhân lực, công nghệ, tài chính, thị trường tiêu thụ, góp phần
tạo dựng An Giang là trung tâm giống thủy sản cấp vùng.
c) Giống thủy sản nước ngọt
khác: Tập trung vào nâng cao chất lượng con giống và nghiên cứu
chọn tạo để bổ sung các giống mới nhằm phong phú hơn nữa cơ cấu đàn giống để sản
xuất, cung ứng được nhiều đối tượng, đảm bảo chất lượng, sạch bệnh cho người
nuôi; Trung tâm Giống thủy sản An Giang là đơn vị cung cấp đàn bố mẹ chọn giống,
công nghệ sản xuất giống cho các trại sản xuất giống và cùng với các trại giống
của doanh nghiệp là các đơn vị chủ yếu trong sản xuất, cung ứng cá giống, các
giống thủy sản khác cho nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh; Củng cố, nâng cấp
mạng lưới các trại sản xuất cá giống, điểm ương cá giống ở các vùng nuôi để đáp
ứng nhu cầu giống tại chỗ.
4.. Một số
giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch
4.1. Hoàn thiện hệ thống tổ
chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu, sản xuất giống:
Chú trọng đến hệ thống các cơ sở
chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống; đồng thời xác định khâu nghiên cứu chủ yếu
thực hiện qua các đề tài khoa học cấp tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ bình tuyển;
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm giống của tỉnh. Nghiên cứu
chuyển đổi phương thức hoạt động theo hướng hiệu quả hơn cho các Trung tâm giống.
4.2. Xây dựng các mô hình hợp
tác công - công, công - tư, cũng như thúc đẩy mối liên kết giữa các cấp của
tháp giống, giữa nghiên cứu cơ bản - nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai
- thương mại, thương mại - sử dụng nhằm phát triển đồng bộ thị trường giống
nông nghiệp, thủy sản tại tỉnh.
4.3. Giải pháp về cơ chế
chính sách khuyến khích phát triển:
Khuyến khích các tổ chức, cá
nhân tham gia nghiên cứu chọn tạo, nhân giống đáp ứng yêu cầu cung cấp đủ giống
tốt phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản; Hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở
hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị, phòng thí nghiệm cho các tổ chức và cá nhân
tham gia công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, công nghệ sản xuất giống;
Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu
chọn tạo giống, chuyển giao công nghệ sản xuất giống, nhập khẩu giống, sản xuất
cung ứng giống cho sản xuất; Hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ về chọn tạo, nhân
giống, khuyến nông về giống, công tác khảo kiểm nghiệm, sản xuất giống đầu
dòng, giống siêu nguyên chủng, giống sạch bệnh cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi
thành phần kinh tế.
4.4. Giải pháp về khoa học
và công nghệ: Ưu tiên hàng đầu cho đầu tư phát triển, ứng dụng công
nghệ sinh học vào nghiên cứu chọn tạo giống; Tăng cường kinh phí các đề tài, dự
án nghiên cứu về giống mới; Xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học,
với các Viện Trường để triển khai các đề tài nghiên cứu triển khai nghiên cứu
chọn tạo giống; Hỗ trợ về vốn, đăng ký bản quyền, thương mại hóa đầu ra cho các
tổ chức, cá nhân có các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ giống, làm chủ
công nghệ chọn tạo, lai tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thuỷ
sản; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mới, đổi mới công nghệ thiết bị nghiên cứu, sản
xuất, chế biến bảo quản giống.
4.5. Nâng cao năng lực quản
lý Nhà nước về giống đảm bảo kiểm soát được giống cây trồng, giống vật nuôi, thủy
sản cả về chủng loại, số lượng, chất lượng:
Tăng cường công tác quản lý Nhà
nước về giống; Tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng; năng lực cho hệ
thống khảo, kiểm nghiệm và kiểm soát chất lượng giống; Đổi mới công tác khuyến
nông, nâng cao nhận thức và duy trì bền vững các tổ chức giống nông hộ; Đảm bảo
công tác quản lý Nhà nước về môi trường sinh thái, cũng như xử lý các nguồn thải
phát sinh trong quá trình triển khai các dự án trong quy hoạch ngành giống.
4.6. Giải pháp đào tạo và
phát triển nguồn nhân lực ngành giống:
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực
chất lượng cao trong lĩnh vực chọn tạo giống thông qua các chương trình đào tạo
chuyên sâu trong và ngoài nước; Có chính sách thu hút cán bộ có trình độ, năng
lực và tâm huyết làm việc tại các cơ sở nghiên cứu chọn tạo giống; chính sách
quản lý, sử dụng, đãi ngộ và khen thưởng xứng đáng cho nhân lực khoa học công
nghệ của ngành giống; Tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học;
đảm bảo các doanh nghiệp và các tác giả bảo vệ bản quyền giống, kiểu dáng công
nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa.
4.7. Các dự án ưu tiên đầu
tư: (phụ lục đính kèm).
Điều 2: Tổ
chức thực hiện:
1. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì triển khai và tổ chức thực hiện quy hoạch,
có trách nhiệm:
1.1. Chủ trì, phối hợp
các sở, ngành, địa phương tổ chức, triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn
tỉnh. Xây dựng kế hoạch hàng năm, hướng dẫn các địa phương thực hiện các mục
tiêu, nội dung, giải pháp của quy hoạch, đồng thời hướng dẫn công tác xây dựng
kế hoạch giống, phương án sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng giống. Thường
xuyên kiểm tra và giám sát, định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện quy hoạch.
Đề xuất giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện, tổng hợp báo cáo
UBND tỉnh.
1.2. Tham mưu UBND tỉnh
trong việc tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về công tác giống cây trồng, vật
nuôi theo pháp luật về giống trên địa bàn tỉnh.
1.3 Tham mưu trong việc
cân đối, bố trí ngân sách đầu tư hàng năm cho các dự án cụ thể trong quá trình
thực hiện quy hoạch.
1.4. Tham mưu, đề xuất cụ
thể hóa các cơ chế chính sách và huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
1.5. Chỉ đạo các đơn vị
thuộc Sở, các cơ sở trong hệ thống giống trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, tiếp nhận,
chuyển giao và áp dụng rộng rãi các qui trình công nghệ sản xuất giống mới, sạch
bệnh.
2. Các sở, ngành liên
quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các nội dung, giải pháp của
quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
2.1. Sở Kế hoạch và Đầu
tư: Tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cân đối, bố trí nguồn vốn ngân
sách để đầu tư xây dựng các công trình dự án đầu tư trình UBND tỉnh xét duyệt.
2.2. Sở Tài chính: Phân
bổ kinh phí ngân sách Nhà nước để triển khai thực hiện Quy hoạch; hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát việc cấp phát, sử dụng kinh phí và thanh quyết toán theo quy định.
2.3. Sở Công Thương: Phối
hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc giám sát các cơ sở kinh doanh giống.
2.4. Sở Tài nguyên và
Môi trường: Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các chính sách về đất
đai, thực hiện công tác quản lý môi trường vừa phục vụ phát triển giống bền vững.
2.5. Sở Khoa học - Công
nghệ: Hướng dẫn đăng ký tiêu chuẩn chất lượng giống theo quy định; triển khai
các đề tài, dự án trong ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong công tác
giống.
3. UBND các huyện, thành
phố, thị xã chịu trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về công tác giống trên
địa bàn quản lý. Phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan thực hiện
công tác phát triển giống trên địa bàn; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn lập kế
hoạch, lộ trình thực hiện các nội dung, giải pháp để đạt được mục tiêu của quy
hoạch tại địa phương.
4. Các doanh nghiệp, hộ
gia đình tham gia nghiên cứu, sản xuất cung ứng giống: thực hiện sản xuất, kinh
doanh giống đúng theo Pháp luật về giống cây trồng, vật nuôi, quy chế quản lý
giống và các nội dung có liên quan trong Quy hoạch của tỉnh.
Điều 3: Quyết
định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT.TU, TT.HĐND, TT.UBND;
- Sở KHĐT, Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Sở TNMT, Sở TC, Sở CT, Sở KHCN;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- P.KTN, P.HCTC.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Quang Thi
|
PHỤ LỤC:
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG
GIỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh An Giang)
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
|
I. Các chương trình, dự án
xây dựng An Giang trở thành trung tâm sản xuất các giống lúa, thủy sản, giống
heo của vùng và cả nước
|
1. Giống cá tra
|
- Dự án nâng cấp Trung tâm giống
thủy sản An Giang trở thành Trung tâm giống thủy sản cấp vùng trước năm 2025
|
- Dự án Quy hoạch vùng ương
nuôi giống cá tra tập trung chất lượng cao
|
- Dự án liên kết sản xuất giống
cá tra 3 cấp, chất lượng cao
|
2. Giống lúa
|
- Đề án Sản xuất giống lúa 3
cấp phục vụ cho toàn vùng ĐBSCL
|
- Dự án Xây dựng Trại sản xuất
giống lúa thuộc Trung tâm giống cây trồng và vật nuôi
|
- Đề án Phát triển mạng lưới
sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng và cấp xác nhận
|
- Đề án Phục tráng các giống lúa
địa phương có chất lượng cao
|
3. Giống heo
|
- Dự án Xây dựng Trung tâm
heo giống công nghệ cao liên kết với Đan Mạch thuộc Trung tâm giống cây trồng
và vật nuôi
|
- Dự án Xây dựng Trung tâm
nuôi giữ heo giống gốc cấp vùng tại tỉnh (Bộ NN&PTNT quản lý)
|
- Dự án Xây dựng trại heo giống
công nghệ cao tại Tịnh Biên và Tri Tôn
|
- Dự án Xây dựng Trung tâm phối
giống tinh nhân tạo và các trạm thụ tinh nhân tạo tại các địa phương
|
- Chương trình Phát triển heo
đực giống và hệ thống gieo tinh nhân tạo để nâng tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cho
tổng đàn heo nái
|
- Chương trình kiểm định giống
heo theo phương pháp BLUP để nâng cao tiến bộ di truyền giống heo thuần trên
địa bàn tỉnh
|
4. Đầu tư xây dựng các trại
giống cho trung tâm giống cây trồng và vật nuôi
|
II. Xây dựng các dự án
phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi trong khu nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao của tỉnh
|
- Dự án xây dựng Khu nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 200 ha, trong đó có các khu chức năng
phát triển hệ thống giống cây, giống con
|
- Thành lập Trung tâm Nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao
|
III. Các chương trình, dự
án phát triển giống cây
|
1. Giống rau màu các loại
|
- Đề án Phát triển giống rau
màu
|
- Dự án xây dựng vùng sản xuất
giống bắp lai F1 trên địa bàn các huyện An Phú, Tân Châu, Chợ Mới
|
- Đề án Phát triển giống đậu
phộng, đậu nành, cây mè, cây đậu khác
|
2. Giống cây ăn trái chủ lực
|
- Đề án phát triển một số giống
cây ăn trái chủ lực
|
- Dự án phát triển các cây đầu
dòng và vườn cây đầu dòng cây ăn trái chủ lực
|
- Dự án đầu tư trồng chuối cấy
mô công nghệ cao theo
|
- Dự án đầu tư chuỗi cung ứng
giống, liên kết sản xuất và sơ chế xoài đạt tiêu chuẩn quốc tế
|
3. Giống cây dược liệu
|
- Chương trình phát triển giống
cây dược liệu.
|
4. Giống cây lâm nghiệp
|
- Chương trình phát triển giống
cây gỗ
|
- Chương trình, dự án giống
lâm nghiệp
|
5. Giống hoa kiểng
|
- Dự án Nghiên cứu, chọn tạo
chọn tạo các giống hoa kiểng mới bằng các kỹ thuật, công nghệ chuyển gen, gây
đột biến, lai tế bào...
|
IV. Các chương trình, dự
án phát triển giống con
|
1. Giống bò
|
- Chương trình phát triển giống
bò thịt
|
- Đề án Xây dựng hệ thống quản
lý giống bò thịt (chủ yếu là bò đực giống)
|
- Dự án xây dựng Trung tâm
chăn nuôi bò đực giống và sản xuất tinh cọng đông lạnh, ứng dụng công nghệ
cao trong sản xuất tinh bò thịt
|
2. Giống gia cầm, thủy cầm
|
- Chương trình phát triển giống
gia cầm, thủy cầm
|
- Dự án xây dựng các trang trại
nuôi gà bố mẹ - sản xuất con giống thương phẩm (2 cấp) dựa vào cộng đồng.
|
- Dự án xây dựng Trại giống
gia cầm công nghệ cao (Trại giống gia cầm Lạc Quới), ứng dụng công nghệ thụ
tinh nhân tạo cho gia cầm
|
3. Giống thủy sản
|
- Chương trình phát triển giống
cá tra, giống tôm càng xanh và các giống thủy sản nước ngọt
|
- Đề án phát triển giống và bảo
tồn một số loài cá bản địa có giá trị kinh tế hoặc có nguy cơ tuyệt chủng
|
V. Các chương trình dự án
hỗn hợp khác
|
- Dự án phục hồi các nguồn
gen của cây trồng, vật nuôi bản địa tỉnh An Giang
|
- Đào tạo, phát triển nguồn
nhân lực và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về Giống
|
- Chương trình quảng bá
thương hiệu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản
|
- Chương trình chuyển giao tiến
bộ kỹ thuật, sử dụng giống mới, giống chất lượng cao
|
- Chương trình sưu tập, bảo tồn
và phục tráng giống cây trồng, thủy sản địa phương
|
- Các đề tài nghiên cứu khoa
học
|
- Đề án Hỗ trợ các cơ sở sản
xuất giống đầu tư đồng bộ trang thiết bị, công nghệ phục vụ nghiên cứu, sản
xuất, chế biến và bảo quản giống.
|
* Ghi chú: Về vị
trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án
nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và
trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn
đầu tư cho từng thời kỳ./.