ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 657/QĐ-UBND
|
Quy Nhơn, ngày 14
tháng 9 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH GIẾT MỔ GIA SÚC,
GIA CẦM TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số
142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
và Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 Quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của luật thuế thu nhập doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số
394/QĐ-TTg ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư xây dựng
mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn
nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp và Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày
16/01/2008 về việc phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số
58/2006/TT-BTC ngày 26/6/2006 của Bộ Tài Chính về việc Hướng dẫn thực hiện Quyết
định số 394/QĐ-TTg ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu
tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và
cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 42/TT-BNN
ngày 01/6/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Hướng dẫn thực hiện Quyết định số
394/QĐ-TTg ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư xây dựng
mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn
nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Nông nghiệp và PTNT,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Chính sách khuyến
khích giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2.
1. Căn
cứ nội dung của Chính sách này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm
chủ trì trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện,
thành phố tổ chức triển khai thực hiện hàng năm; kiểm tra, theo dõi việc thực
hiện để tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách kịp thời.
2. UBND các huyện, thành
phố chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần
chúng để tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách này cho các tổ chức, các hộ
giết mổ gia súc, gia cầm biết và tổ chức triển khai thực hiện chính sách này đạt
hiệu quả.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp
và PTNT, Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, đơn vị có liên quan, Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, hộ giết mổ gia súc, gia cầm trên địa
bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thiện
|
CHÍNH SÁCH
KHUYẾN KHÍCH GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 14/9/2009 của UBND tỉnh)
Phần 1
CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ MỤC
TIÊU ĐẠT ĐƯỢC
Điều 1.
Cơ sở pháp lý và sự cần thiết để ban hành chính sách
Căn cứ Nghị định số:
142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
và Nghị định số: 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 Quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Căn cứ Quyết định 394/QĐ-TTg
ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở
rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm
tập trung, công nghiệp và Quyết định số: 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 về việc
phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
Thông tư 58/2006/TT-BTC ngày
26/6/2006 của Bộ Tài Chính về việc Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 394/QĐ-TTg
ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở
rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm
tập trung, công nghiệp.
Thông tư 42/TT-BNN ngày
01/6/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Hướng dẫn thực hiện Quyết định số
394/QĐ-TTg ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư xây dựng
mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn
nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có
hơn 600 điểm giết mổ heo, trâu, bò, gia cầm phân tán và phân bố xen kẽ trong
khu dân cư, giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường,…
lực lượng thú y không đủ để thực hiện công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ
sinh thú y sản phẩm động vật lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. Do vậy, tư
thương đã lợi dụng giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh, làm lây lan dịch bệnh động
vật và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tổ chức giết mổ động vật tập
trung có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế, xã hội, góp phần giải quyết được tình
trạng ô nhiễm môi trường, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh giữa động vật với động
vật và con người, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, phát hiện sớm dịch
bệnh động vật để có biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt kịp thời, giúp cho
chăn nuôi phát triển bền vững. Do đó, đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập
trung là loại hình đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Điều 2. Mục
tiêu đạt được
Đến năm 2010, phấn đấu xây dựng
17 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại 11 huyện, thành phố. Trong đó,
- Năm 2009: Xây dựng 06 cơ sở
giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở các huyện, thành phố (01 cơ sở/huyện,
thành phố): An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và thành phố Quy
Nhơn.
- Năm 2010: Xây dựng 11 cơ sở
giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn lại theo quy hoạch.
Phần 2
ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG VÀ QUY
MÔ CÔNG SUẤT CƠ SỞ GIẾT MỔ
Điều 3: Đối
tượng áp dụng.
- Tổ chức (trong và ngoài nước),
hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng mới cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh, với quy mô giết mổ
theo quy định tại điều 4 của Chính sách này.
- Các chủ cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm phân tán chấp hành di dời, tháo dỡ, đưa gia súc, gia cầm đến giết
mổ tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Điều 4: Quy
định về quy mô công suất giết mổ của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập
trung.
1. Cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm tập trung có quy mô giết mổ tối thiểu trong một ngày, đêm:
- Giết mổ riêng từng loại gia
súc, gia cầm:
+ Trâu bò: 50 con
+ Heo thịt: 200 con
+ Gia cầm (gà, vịt): 1000 con
2. Giết mổ chung cả gia
súc, gia cầm:
- Thành phố Quy Nhơn: Trâu, bò:
10 con; heo thịt: 100 con; gia cầm 200 con;
- Thị trấn: Trâu bò: 03 con;
heo thịt: 50 con; gia cầm: 100 con;
- Thị tứ, khu dân cư tập trung
các huyện đồng bằng và thị trấn 3 huyện miền núi: Trâu bò: 01 con; heo thịt: 20
con và gia cầm 50 con.
Phần 3
QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ
TRỢ CHO CHỦ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TẬP TRUNG VÀ NGƯỜI
KINH DOANH GIẾT MỔ CHẤP HÀNH GIẾT MỔ TẬP TRUNG
Điều 5.
Chính sách về đất đai
1. Về tiền thuê đất
- Áp dụng mức giá thấp nhất
trong khung giá cho thuê đất theo quy định hiện hành của pháp luật.
- Nhà nước miễn tiền thuê đất
trong 15 năm đầu tiên, kể từ ngày giao đất xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia
cầm tập trung.
2. Hỗ trợ bồi thường giải
phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%
kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đến chân hàng rào của cơ
sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cho 3 huyện Miền núi: Vân Canh, An Lão,
Vĩnh Thạnh và hỗ trợ 50% cho huyện Hoài Ân và Tây Sơn.
- Các huyện còn lại và thành phố
Quy Nhơn do ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 100%. Đối với huyện Hoài Ân và
Tây Sơn ngân sách huyện hỗ trợ 50%.
Điều 6. Hỗ
trợ về tín dụng
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 40%/năm
lãi suất vay trong thời gian 02 năm (24 tháng) kể từ thời điểm vay lần đầu ở
các ngân hàng thương mại cho các dự án xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia
cầm tập trung. Thời điểm vay để tính hỗ trợ lãi suất của các chủ đầu tư kể từ
khi UBND tỉnh ban hành chính sách này cho đến hết ngày 30/6/2010 (bao gồm chi
phí đầu tư xây dựng cơ sở, trang thiết bị phục vụ giết mổ và xây dựng các quầy
hàng để mua bán sản phẩm động vật tại cơ sở giết mổ). Khoản hỗ trợ này được
tính sau khi đã trừ vào khoản lãi suất ưu đãi (4%/năm) từ chính sách kích cầu của
Chính phủ.
- Thời gian hỗ trợ lãi suất là
02 năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được khoản vay lần đầu và nếu thời điểm
vay trước ngày ban hành chính sách này thì thời điểm hỗ trợ lãi suất tính kể từ
khi ban hành chính sách này.
* Điều kiện để được hỗ trợ tín
dụng: Chủ đầu tư phải đảm bảo đủ 35% vốn tự có của dự án đầu tư.
Điều 7. Hỗ
trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải
- Thực hiện theo chính sách hỗ
trợ đầu tư hệ thống xử lý chất thải trong các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập
trung do ngân sách nhà nước chi trả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ môi trường,
kinh phí sự nghiệp về môi trường và các nguồn vốn khác.
- Mức hỗ trợ thực hiện theo Quyết
định số 130/2002/QĐ-UBND ngày 01/10/2002 ban hành quy định một số chính sách hỗ
trợ đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điều 8. Hỗ
trợ về Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế suất ưu đãi 10% trong thời
hạn 15 năm kể từ khi cơ sở đi vào hoạt động kinh doanh.
- Miễn thuế 04 năm, kể từ khi
có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp theo.
Điều 9. Hỗ
trợ đối với chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phân tán chấp hành thực hiện giết
mổ gia súc, gia cầm tập trung
Đối với chủ các hộ giết mổ gia
súc, gia cầm phân tán phải di dời đến địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập
trung theo quy hoạch được hỗ trợ:
1. Ngân sách huyện,
thành phố hỗ trợ chi phí dỡ, đập phá các điểm giết mổ hiện có tại nhà của các hộ
giết mổ khi chấp hành đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tập trung từ 2 triệu - 5
triệu đồng cho mỗi hộ (tùy theo quy mô điểm giết mổ của từng hộ). Nếu không cam
kết thực hiện sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ này.
2. Ngân sách tỉnh hỗ trợ
100% trong 1 năm đầu và 50% cho năm thứ 2 đối với các loại phí và chi phí sau:
- Phí kiểm soát giết mổ,
- Chi phí dịch vụ giết mổ.
- Hỗ trợ theo số lượng đầu con
gia súc cho các hộ giết mổ gia súc, gia cầm phân tán đưa gia súc, gia cầm đến
giết mổ tại tại cơ sở giết mổ tập trung. Cụ thể như sau:
+ Trâu, bò: 10.000 đồng/con;
+ Heo thịt (trọng lượng từ 40
kg trở lên): 5.000 đồng/con.
Phần 4
QUY ĐỊNH HỖ TRỢ CHO ĐOÀN
KIỂM TRA LIÊN NGÀNH
Điều 10. Hỗ
trợ chi phí kiểm tra cho Đoàn kiểm tra liên ngành
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí
cho Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và Đoàn kiểm tra liên ngành của 3 huyện
miền núi (Vân Canh, An Lão,Vĩnh Thạnh) và hỗ trợ 50% cho Đoàn kiểm tra liên
ngành huyện Hoài Ân, Tây Sơn.
- Các huyện, thành phố còn lại:
Ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ chi phí cho Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện,
thành phố.
Phần 5
QUY ĐỊNH PHÂN BỔ NGUỒN
KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
Điều 11.
Ngân sách tỉnh
- Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện
chính sách cho 03 huyện miền núi và 50% kinh phí cho huyện Hoài Ân và Tây Sơn.
- Hỗ trợ ưu đãi về tín dụng,
phí kiểm soát giết mổ; hỗ trợ chi phí dịch vụ, số lượng đầu con gia súc đưa vào
giết mổ tập trung và chi phí Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh.
Điều 12.
Ngân sách huyện, thành phố
Đối với các huyện đồng bằng và
thành phố Quy Nhơn hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện chính sách về giải phóng mặt
bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tháo dỡ các điểm giết mổ gia súc, gia cầm phân
tán tại hộ gia đình và chi phí Đoàn kiểm tra liên ngành. Đối với huyện Hoài Ân
và Tây Sơn, ngân sách huyện hỗ trợ 50%.
Phần 6
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13.
Trách nhiệm của các Sở liên quan và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố
1. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
- Hướng dẫn thực hiện các quy định
quản lý nhà nước về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y theo
các quy định hiện hành của Nhà nước. Làm đầu mối tổng hợp, đôn đốc và kiểm tra
tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung
trên địa bàn tỉnh theo chính sách này.
- Phối hợp với Sở Tài chính và
UBND các huyện, thành phố hướng dẫn quy định mức hỗ trợ tháo dỡ điểm giết mổ tại
nhà của các hộ giết mổ khi chấp hành đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tập
trung.
2. Sở Tài chính: Hướng dẫn
các đối tượng liên quan thuộc diện được hỗ trợ theo chính sách này về thủ tục, quy
trình, cấp phát, thanh quyết toán phần kinh phí ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ.
3. Sở Tài nguyên và Môi
trường: Hướng dẫn các chủ đầu tư lập thủ tục thuê đất đai và hướng dẫn chủ đầu
tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thời gian giải quyết các thủ tục
không quá 30 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ của nhà đầu tư xây dựng cơ
sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
4. Các Sở Xây dựng, Kế
hoạch và Đầu tư, Y tế, Công Thương, Khoa học - Công nghệ, Công an tỉnh: Theo chức
năng, nhiệm vụ của ngành mình có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư tổ chức
thực hiện và kiểm tra, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện. Phối hợp các Sở và
UBND các huyện, thành phố giải quyết các công việc liên quan thuộc thẩm quyền
phụ trách.
5. Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố chủ trì, chỉ đạo tổ chức triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm tập trung trên địa bàn và thực hiện chức năng quản lý nhà nước
trên địa bàn đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy định.
Điều 14.
Trách nhiệm Chủ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung
Chủ đầu tư các dự án xây dựng
cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có trách nhiệm tổ chức, triển khai xây
dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Định phải theo quy
định hiện hành về quản lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, theo quy hoạch; sử dụng
nguồn ngân sách hỗ trợ và vốn vay đúng mục đích, hoàn trả gốc và lãi đúng thời
hạn quy định.
Điều 15.
Trách nhiệm của Chủ cơ sở giết mổ động vật phân tán
Chủ các cơ sở (điểm) giết mổ
gia súc, gia cầm phân tán chấp hành thực hiện phá dỡ địa điểm giết mổ tại nhà
và đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập
trung thì được hưởng chính sách ưu đãi này. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế
và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 16.
Hiệu lực thi hành
1. Chính sách khuyến
khích giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực
hiện, nếu có vướng mắc, các Sở, Ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
phản ánh thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp và đề xuất Ủy ban nhân
dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung chính sách đã ban hành tại quyết định này để đảm bảo
phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định của pháp luật./.