ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 538/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày
31 tháng 3 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG, ĐỔI MỚI CÔNG
NGHỆ VÀ CHUYỂN GIAO TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN
2011-2015
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng
9 năm 1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích
các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
2341/2000/TTLT/BKHCNMT-BTC ngày 28 tháng 11 năm 2000 của Liên Bộ: Khoa học và
Công nghệ và Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định 62/2010/QĐ-TTg ngày
15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc không thu hồi kinh phí do ngân sách
nhà nước hỗ trợ đối với các dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm;
Căn cứ Thông tư số 22/2011/TTLT/BTC-BKHCN
ngày 21 tháng 02 năm 2011 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng
dẫn quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà
nước hỗ trợ kinh phí;
Căn cứ Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 13
tháng 6 năm 2007 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý các đề tài, dự
án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang;
Căn cứ Quyết định số 47/2007/QĐ-UBND ngày 11
tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh An Giang về việc quy định mức chi đối với đề
tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;
Căn cứ Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 22 tháng 4
năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thực hiện kế hoạch hành động
của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ giải pháp triển khai khoa học và
công nghệ từ nay đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ tại Tờ trình số: 129/TTr-KHCN ngày 25 tháng 3 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hỗ trợ nghiên
cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh
An Giang giai đoạn 2011-2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/4/2011.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học
và Công nghệ, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- TT TU, HĐND tỉnh, TT.UBND tỉnh (để
b/c);
- Bộ Khoa học và Công nghệ (để b/c);
- Các Sở, Ban ngành đoàn thể cấp tỉnh (để t/h);
- UBND huyện, thị, thành phố (để t/h);
- Báo AG, Đài PTTHAG, Phân xã AG - phổ biến;
- Chánh, Phó VP.UB, Hiệp hội Doanh nghiệp;
- Phòng KT, TH, Lưu VT.
|
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Minh Tùng
|
CHƯƠNG TRÌNH
HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG, ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ VÀ CHUYỂN GIAO
CÁC TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2011-2015.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 538/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
I. Sự cần thiết của Chương
trình
Các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN)
từ lâu đã đóng vai trò vô cùng to lớn trong lịch sử phát triển của nhân loại.
Bước vào thế kỷ XXI, KH&CN hiện đại tiếp tục có tác động sâu sắc đến mọi hoạt
động trong xã hội. Những thành tựu KH&CN ngày càng được áp dụng rộng rãi
trong đời sống, sản xuất, góp phần đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất,
nâng cao năng suất lao động, chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của cả nước nói
chung và của tỉnh An Giang nói riêng.
Thời gian qua, ý thức được việc ứng dụng các
thành tựu KH&CN vào cuộc sống, xem đó là một trong những chìa khóa quan trọng
cho việc mở ra con đường thúc đẩy kinh tế phát triển, ngành KH&CN An Giang
luôn cố gắng đưa những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ triển
khai vào thực tế sản xuất, đời sống, từng bước nâng cao giá trị đóng góp của
KH&CN trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Với quan điểm đó, từ năm 2005, Sở KH&CN tỉnh
An Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ cho các
tổ chức, cá nhân ứng dụng những tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Cụ thể trong
giai đoạn 2005-2010, Sở KH&CN đã hỗ trợ được 78 mô hình/dự án với số tiền
trên 7,6 tỷ đồng. Trong đó, đã hỗ trợ được khoảng 44 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
kinh doanh nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng
(chiếm khoảng 18% tổng kinh phí đầu tư); đã hỗ trợ được khoảng 34 mô hình/ dự
án với số tiền trên 6 tỷ đồng cho các ngành, địa phương tổ chức thực hiện các
mô hình trình diễn về qui trình, kỹ thuật sản xuất mới, đã tổ chức khoảng 109 lớp
tập huấn về phương pháp, kỹ thuật, quy trình mới với trên 3.270 lượt người (bao
gồm: nông dân, cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên xã, cán bộ UBND xã…) tham dự.
Từ các kết quả đạt được như trên đã góp phần nâng
cao trình độ công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả
trong hoạt động sản xuất; thúc đẩy việc tăng cường hàm lượng KH&CN trong
các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh
tranh của sản phẩm trong hội nhập quốc tế.
Do đó, để tiếp tục triển khai việc hỗ trợ ứng dụng,
nhân rộng các thành tựu KH&CN vào thực tế sản xuất và đời sống; đồng thời
thực hiện tốt Kế hoạch hành động số 09/KH-UBND ngày 22/4/2010 UBND tỉnh về triển
khai thực hiện kế hoạch của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ giải pháp
triển khai khoa học công nghệ từ nay đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao
các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2011 -
2015.
II. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung:
Nâng cao nhận thức và năng lực của các tổ chức,
cá nhân về ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh và
bảo vệ môi trường. Tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong
hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần
phát triển năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập quốc tế. Phấn đấu hỗ
trợ 100 mô hình, dự án nghiên cứu ứng dụng đổi mới, công nghệ và chuyển giao
các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang từ nay đến năm 2015.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh An Giang ứng dụng, triển khai những kỹ thuật, công nghệ mới, phù hợp với
xu hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương và hạn chế tác động đến môi
trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh
nghiệp vừa và nhỏ) nâng cao trình độ công nghệ nhằm góp phần hợp lý hóa sản xuất,
tạo sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng, có giá trị kinh tế cao và thân thiện
với môi trường.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển giao,
ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng
nông thôn, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển mô hình nông
thôn mới tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015.
- Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu về công nghệ
sinh học, tập trung tuyển chọn, chuyển đổi, nhân rộng, sản xuất các loại giống
cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; đồng thời, phát
triển các sản phẩm mới từ công nghệ sinh học (giống cây trồng, vật nuôi, chủng
vi sinh vật, chế phẩm sinh học, các sản phẩm chế biến công nghiệp…).
- Ưu tiên ứng dụng và phát triển các công nghệ
tiên tiến trong lĩnh vực tái chế chất thải, sản xuất năng lượng tái tạo; công
nghệ tiết kiệm năng lượng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
tại địa phương.
III. Các nhiệm vụ chủ yếu
1. Tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức
và nâng cao năng lực cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tổ chức khoa học
công nghệ và các đơn vị có liên quan khác trên địa bàn tỉnh An Giang về những
thành tựu khoa học công nghệ có thể nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao và sản xuất
thử nghiệm. Hàng năm, tổ chức 03 - 05 cuộc Hội thảo chuyên đề nhằm tuyên truyền,
trao đổi thông tin, cũng như xúc tiến các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới
công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm.
2. Tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác nhằm
tìm kiếm, khảo sát, đánh giá các kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến
có thể nghiên cứu lựa chọn triển khai ứng dụng và phát triển tại An Giang.
3. Tổ chức xúc tiến, hình thành và phát triển thị
trường KH&CN trên địa bàn tỉnh An Giang (xây dựng các kênh thông tin về những
tiến bộ khoa học công nghệ mới, chợ khoa học công nghệ, các nhà đầu tư về khoa
học công nghệ…) nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công
nghệ và chuyển giao công nghệ của các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tổ chức
khoa học công nghệ…
4. Tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ cho
các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ
khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện những mô hình, dự án
nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, các mô hình, dự án về tập huấn kỹ thuật,
chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm có tính mới, tiên tiến, hiệu quả
và có thể nhân rộng, phát triển tại địa phương.
Đối tượng, điều kiện, các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ,
danh mục các mô hình, dự án ưu tiên xem xét hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ được qui
định tại mục IV, V và VI của Chương trình này.
IV. Đối tượng, điều kiện và
các lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ
1. Đối tượng được hỗ trợ:
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp,
đặc biệt ưu tiên đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
- Các tổ chức khoa học công nghệ;
- Các đơn vị có liên quan khác (các tổ chức khuyến
công, khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật, hội nông dân, hợp tác xã, tổ hợp
tác, các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp có liên quan, các đơn vị hoạt
động trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin và bảo vệ môi trường…);
2. Điều kiện được hỗ trợ:
- Đối tượng được hỗ trợ có địa chỉ hoạt động
trên địa bàn tỉnh An Giang; Đối với doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh
doanh phải hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, đã đăng ký nộp thuế.
- Việc thực hiện những mô hình, dự án nghiên cứu
ứng dụng, đổi mới công nghệ, các mô hình, dự án về tập huấn kỹ thuật, chuyển
giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm phải có tính mới, tính tiên tiến, tính hiệu
quả, tính bền vững so với công nghệ cũ. Đồng thời mô hình, dự án được hỗ trợ phải
mang tính nhân rộng và tính khả thi khi thực hiện.
- Phù hợp với lĩnh vực ưu tiên và danh mục hỗ trợ
được xem xét.
- Giải quyết được nhu cầu bức xúc, cấp thiết của
địa phương.
3. Lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ:
Công nghệ sinh học; Nuôi trồng, bảo quản, chế biến
nông lâm thủy sản, thực phẩm có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế và có hiệu
quả kinh tế cao; Tái chế, xử lý chất thải; Sản xuất năng lượng tái tạo và bảo vệ
môi trường; Công nghệ thông tin; Sản xuất thiết bị, công nghệ, vật liệu; Đổi mới
công nghệ sản xuất sử dụng ít nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu so với công nghệ
hiện có và các lĩnh vực khác có liên quan đến tính mới, tính hiệu quả và tính bền
vững.
V. Danh mục các mô hình, dự
án được xem xét hỗ trợ
A. Về lĩnh vực công nghệ sinh học:
Ưu tiên hỗ trợ các mô hình, dự án ứng dụng những
thành tựu về công nghệ sinh học với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Ứng dụng công nghệ gien, công nghệ tế bào,
công nghệ vi nhân giống để tạo ra các loại giống cây trồng mới, có đặc tính ưu
việt, giống có năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh, phù hợp với yêu cầu của thị
trường. Ứng dụng công nghệ sinh sản, áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử, công
nghệ chuyển gien trong chọn, tạo các giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng
cao. Ứng dụng công nghệ sinh học trong phục tráng, bảo tồn các giống bản địa.
2. Thử nghiệm, chọn tạo và nhân rộng các loại giống
cây trồng mới, có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh,
có tính chống chịu cao dưới tác động của biến đổi khí hậu, hiệu quả, phù hợp với
điều kiện thực tế của địa phương.
3. Thử nghiệm và nhân rộng các mô hình nuôi gia
súc, gia cầm từ một số giống mới có năng suất, chất lượng cao, sức chống chịu
và kháng bệnh tốt, hoặc từ quy trình sản xuất mới, quy trình an toàn sinh học,
đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.
4. Ứng dụng công nghệ sinh học trong tạo giống
thủy sản có chất lượng cao, kháng bệnh tốt, thích ứng với điều kiện biến đổi
khí hậu. Chuyển giao và ứng dụng những tiến bộ KH&CN về sinh sản nhân tạo ở
một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, tạo giống có tốc độ tăng trưởng
nhanh, chất lượng thịt ngon, khả năng kháng bệnh, phù hợp với điều kiện tự
nhiên của địa phương. Ứng dụng công nghệ mẫu sinh, phụ sinh trên một số đối tượng
thủy sản, chủ động tạo giống nhân tạo, phục vụ bảo tồn quỹ gien và nâng cao chất
lượng giống thủy sản.
5. Thử nghiệm một số chế phẩm, hoạt chất sinh học
để xử lý chất thải thủy sản và thay thế hóa chất, kháng sinh sử dụng trong sản
xuất thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả nuôi, bảo vệ môi trường, an toàn vệ
sinh sản phẩm thủy sản. Áp dụng các phương pháp phát hiện nhanh các tác nhân
nguy hiểm và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thực phẩm thủy sản. Ứng dụng
công nghệ sinh học để chẩn đoán nhanh, phòng trị có hiệu quả một số bệnh nguy
hiểm thường gặp ở các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh.
6. Ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym
và protein trong nuôi trồng, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, trong phòng trị bệnh
thủy sản và trong sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các chất phụ
gia, hóa chất, nguyên liệu hóa dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng...
7. Ứng dụng, phát triển công nghệ và chế phẩm
sinh học trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, chế biến và bảo
quản nông sản – thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm sạch nước sinh hoạt
và xử lý các phế phẩm, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất nông - thủy sản và sinh
hoạt.
8. Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y
- dược để tạo ra các sản phẩm y - dược mới, hiệu quả chữa bệnh cao, các dịch vụ
y học công nghệ cao. Nghiên cứu thử nghiệm các chất có hoạt tính sinh học từ động
vật, thực vật và vi sinh vật để sản xuất các loại thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm
chức năng.
9. Ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các
công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất nhiên liệu sinh học
(khí sinh học, xăng sinh học, diezel sinh học …).
10. Ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý các chất
thải gây ô nhiễm, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi
trường; lưu giữ, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, đất
đai, nước, không khí vì mục tiêu phát triển bền vững.
B. Nuôi trồng, bảo quản và chế biến nông lâm thủy
sản và thực phẩm: Tập trung hỗ trợ đối với các mô hình, dự án ứng dụng những tiến
bộ khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực nuôi trồng, bảo quản, chế biến nông thủy
sản với các nội dung chủ yếu bao gồm:
1. Phát triển hệ thống sản xuất giống cây trồng
mới có khả năng kháng sâu bệnh, giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế
cao và các giống đặc sản, bản địa cần bảo tồn, cụ thể như: giống lúa, ngô, đậu,
rau màu, nấm ăn, dược liệu, cây công nghiệp, hoa kiểng….
2. Phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản,
giống gia súc, gia cầm nhằm đáp ứng các yêu cầu về đa dạng đối tượng nuôi, giống
đạt năng suất và chất lượng cao, khắc phục hiện tượng thoái hóa giống.
3. Phát triển, đa dạng hóa quy trình và nhân rộng
những mô hình ứng dụng công nghệ mới, nhân rộng các quy trình ứng dụng các tiến
bộ khoa học kỹ thuật, các kiểu mẫu về sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có
năng suất, chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, thân thiện với môi trường, đảm
bảo các tiêu chuẩn về an toàn sinh học, phù hợp với điều kiện phát triển tại địa
phương, đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu chế biến sau thu hoạch và thị trường
tiêu thụ.
4. Ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình
nuôi trồng, khai thác, thu hoạch, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm
nông thủy sản chủ lực của địa phương nhằm giảm thất thoát, giảm tiêu hao nguyên
vật liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất, đáp ứng các yêu
cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
5. Ứng dụng những công nghệ mới, những tiến bộ mới
về khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông thủy sản, chế
biến thực phẩm nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, hiệu quả kinh tế, tạo
sản phẩm mới, sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao, đáp ứng các yêu cầu thị trường,
an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường.
6. Ứng dụng những tiến bộ KHCN trong trồng rừng,
bảo vệ và phát triển rừng và trồng cây phân tán.
7. Phát triển quy trình thực hành sản xuất tốt
theo các tiêu chuẩn tiên tiến.
8. Phát triển và nhân rộng các mô hình ứng dụng
công nghệ mới
C. Tái chế, xử lý chất thải; năng lượng tái tạo
và bảo vệ môi trường
Ứng dụng và nhân rộng những tiến bộ khoa học
công nghệ mới trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải, sản xuất năng lượng tái
tạo, ứng dụng công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng và công nghệ mới thân thiện
với môi trường; trong đó, các mô hình, dự án được ưu tiên hỗ trợ bao gồm:
1. Tái chế chất thải sinh hoạt, thương mại – dịch
vụ, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng… nhằm tạo ra các loại sản phẩm mới, sản
phẩm có giá trị kinh tế và giảm thiểu tác động đến môi trường.
2. Ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiệu quả
và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong xử lý chất thải sinh hoạt,
thương mại – dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, y tế, (bao gồm chất
thải nguy hại) nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
3. Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến,
hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nhiên liệu, sản xuất năng lượng tái tạo.
4. Ứng dụng công nghệ sạch trong hoạt động sản
xuất, triển khai các mô hình, dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tiết kiệm, hiệu
quả năng lượng.
D. Công nghệ thông tin
1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý
nhà nước tại các ban, ngành và huyện, thị, thành phố (quản lý tài nguyên và môi
trường, quản lý đô thị, hạ tầng; quản lý điện, cấp thoát nước, quản lý y tế,
giáo dục, du lịch, quản lý hành chính, quản lý văn bản đi/đến trên mạng, ứng dụng
chữ ký số vào công tác quản lý, bảo mật thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin
trong quản lý đề tài, dự án khoa học công nghệ…)
2. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động
sản xuất kinh doanh cho các Hợp tác xã, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh
niên, Hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp khác…
3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tại
các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (kiểm soát chất lượng; kiểm soát quy trình
sản xuất; kiểm soát, quản lý kho, giá thành sản phẩm).
E. Sản xuất công nghệ, thiết bị, vật liệu và các
lĩnh vực khác
1. Phát triển các công cụ, thiết bị mới, cải tiến
thay thế nhập khẩu, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, phục vụ trong
chế biến nông thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ
nghệ và các sản phẩm tiêu dùng khác.
2. Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến,
có hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường trong khai thác, chế biến
khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói,
đá xây dựng, than bùn… phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương.
3. Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến,
có hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường trong sản xuất các sản phẩm thủ
công mỹ nghệ, sản phẩm
truyền thống, đặc trưng của An Giang, sản phẩm
tiêu dùng mới có giá trị kinh tế, thay thế nhập khẩu hoặc có thể xuất khẩu.
4. Ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ
trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi,
điện tử, viễn thông và bảo vệ môi trường.
VI. Nguồn kinh phí và định mức
hỗ trợ:
A. Nguồn kinh phí hỗ trợ
Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình ứng
dụng, đổi mới công nghệ và các mô hình, dự án tập huấn kỹ thuật, chuyển giao
công nghệ và sản xuất thử nghiệm trong giai đoạn 2011 - 2015 được chi từ nguồn
sự nghiệp khoa học công nghệ.
Hàng năm, ưu tiên bố trí khoảng 40% kinh phí từ
nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh để triển khai hỗ trợ các mô
hình, dự án được xét duyệt hỗ trợ trong Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng,
đổi mới công nghệ và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh An Giang
giai đoạn 2011-2015.
B. Định mức hỗ trợ
1. Mức hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án có nội
dung về ứng dụng, đổi mới công nghệ được thực hiện theo Nghị định
119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính Phủ, tối đa không quá 30% tổng kinh phí
thực hiện mô hình, dự án và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 400 triệu đồng.
2. Mức hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án về sản
xuất thử nghiệm được thực hiện theo đúng tinh thần Quyết định số 62/2010/QĐ-TTg
ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số
22/2010/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21/02/2011 của Liên Bộ: Tài chính - Khoa học và
Công nghệ và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng.
3. Mức hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án về
chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến (không bao gồm đầu tư trang thiết
bị công nghệ) và các mô hình, dự án tập huấn kỹ thuật, mức hỗ trợ tối đa là
100% kinh phí thực hiện mô hình, dự án và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá
250 triệu đồng.
4. Mức hỗ trợ đối với mỗi mô hình, dự án có những
nội dung như đã nêu sẽ do Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh xem xét đề xuất trên
cơ sở thuyết minh mô hình, dự án chi tiết đề nghị hỗ trợ và được phân cấp phê
duyệt theo quy định. Mỗi mô hình, dự án có thể bao gồm nhiều nội dung (nghiên cứu
ứng dụng, đổi mới công nghệ; sản xuất thử nghiệm; tập huấn kỹ thuật và chuyển
giao công nghệ).
5. Thời gian thực hiện mỗi mô hình, dự án không
quá 2 năm (24 tháng) kể từ ngày được phê duyệt. Trong đó, các nội dung chi và định
mức chi hỗ trợ cụ thể do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính hướng
dẫn chi tiết trên cơ sở thực hiện theo các quy định hiện hành.
C. Thành lập Hội đồng Khoa học công nghệ và phân
cấp phê duyệt
1. Về việc thành lập Hội đồng Khoa học công nghệ:
- Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức
Hội đồng Khoa học công nghệ trên cở sở áp dụng các điều có liên quan của Quyết
định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 13/6/2007 và Quyết định số 47/2007/QĐ-UBND ngày
11/9/2007 của UBND tỉnh An Giang đối với Hội đồng Khoa học công nghệ.
- Hội đồng Khoa học công nghệ chịu trách nhiệm
thẩm định công nghệ; xem xét, đánh giá về công nghệ, về tính mới, tính tiên tiến,
tính khả thi, tính bền vững, tính nhân rộng và hiệu quả kinh tế xã hội của mô
hình, dự án đề nghị hỗ trợ; đồng thời, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể đối với từng
mô hình, dự án.
Các thành viên tham gia Hội đồng phải thực hiện
đánh giá một cách trung thực, khách quan và công bằng; Chịu trách nhiệm cá nhân
về kết quả đánh giá của mình, trách nhiệm tập thể về kết luận chung của Hội đồng.
- Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm tổ
chức kiểm tra, đánh giá, tổ chức Hội đồng nghiệm thu đối với các mô hình đã được
phê duyệt và triển khai thực hiện.
2. Về phân cấp phê duyệt mức hỗ trợ mô hình:
- Ủy quyền cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
phê duyệt với mức hỗ trợ không quá 150 triệu đồng đối với các mô hình, dự án đề
nghị hỗ trợ phù hợp với đối tượng, điều kiện và các lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ
như đã nêu ở mục IV và được Hội đồng Khoa học công nghệ xem xét, thống nhất đề
xuất.
- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm
trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với các mô hình đã được Hội đồng
Khoa học công nghệ đề xuất với mức hỗ trợ từ 150 triệu đồng trở lên.
VII. Tổ chức thực hiện
1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với
các Sở ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến, xác định nhu cầu và hướng dẫn
những nội dung thực hiện có liên quan đến việc hỗ trợ các mô hình ứng dụng, đổi
mới công nghệ và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, sản xuất thử nghiệm cho các tổ
chức, cá nhân có nhu cầu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn
toàn tỉnh.
2. Các tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở sản xuất
kinh doanh, các tổ chức khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hội nông dân, hợp
tác xã, tổ hợp tác, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ
thông tin và bảo vệ môi trường… trên địa bàn tỉnh An Giang có nhu cầu hỗ trợ thực
hiện ứng dụng, đổi mới công nghệ, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công
nghệ và sản xuất thử nghiệm theo các mô hình, dự án nêu trên có trách nhiệm nộp
hồ sơ đăng ký (bao gồm: đơn đề nghị hỗ trợ và thuyết minh thực hiện mô hình
theo hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ), gởi về Sở Khoa học và Công nghệ để
được thẩm định, xét duyệt hỗ trợ.
3. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm xây
dựng và phê duyệt các biểu mẫu về hồ sơ đăng ký hỗ trợ, biểu mẫu phục vụ cho
công tác tổ chức Hội đồng thẩm định các mô hình, dự án, Hội đồng nghiệm thu, biểu
mẫu xét duyệt, quy trình hỗ trợ và các hướng dẫn khác trên cơ sở áp dụng các Điều
có liên quan của Thông tư 2341/2000/TTLT/BKHCNMT-BTC ngày 28/11/2000 của Bộ
Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Tài chính và Thông tư số
22/2010/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21/02/2011 của Liên Bộ: Tài chính - Khoa học và
Công nghệ.
4. Định kỳ hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ
báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình và tổ chức sơ kết (vào đầu
quý II/2013) để có chấn chỉnh kịp thời và hoàn thiện có hiệu quả việc thực hiện
Chương trình; tổ chức tổng kết khi kết thúc Chương trình (tháng 11/2015) để
đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất thực hiện trong thời gian tới./.