Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 52/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Trần Minh Cả
Ngày ban hành: 28/11/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2006/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 28 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09/6/2000;

Căn cứ Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Quyết định số 188/2005/QGG-TTg ngày 22/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng;

Căn cứ nghị quyết 58/2006/NQ-HĐND ngày 20/7/2006 của HĐND tỉnh Quảng Nam về chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Quảng Nam đến 2015, tầm nhìn 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 675/TTr-SKHCN ngày 26/10/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Chương trình phát triển công nghệ sinh học tỉnh Quảng Nam đến năm 2015.

Điều 2. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công nghiệp, Thủy sản, các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình đạt mục tiêu đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TTTU, TTHĐND, TTUBND tỉnh;
- CPVP;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu: VT, TH, VX, KTN.
(Z:\KTN\Hung\Khoa hoc cong nghe\Quyet dinh\QD 11.06 ban hanh Chuong trinh cong nghe sinh hoc.doc)

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Cả

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015 (BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 52 /2006/QĐ-UBND NGÀY 28 /11 /2006 CỦA UBND TỈNH)

I. Thực trạng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh

1. Những kết quả đạt được

Việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tuy chưa nhiều nhưng cũng đã đem lại một số kết quả đáng ghi nhận; cơ sở vật chất kỹ thuật bước đầu được đầu tư; việc ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, y tế, môi trường, ... đã được triển khai.

* Về tiềm lực công nghệ sinh học:

- Đội ngũ cán bộ: Đến nay cán bộ, công chức ngành Sinh học có trình độ đại học là 9 người; chưa có cán bộ chuyên ngành CNSH trên đại học.

- Cơ sở vật chất kỹ thụât: Đã hình thành mạng lưới các phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác nghiên cứu và ứng dụng CNSH tại các đơn vị như: Trung tâm Nông nghiệp và Khuyến nông thực hiện nghiên cứu và ứng dụng CNSH về nông,lâm nghiệp; Trung tâm Khuyến ngư triển khai ứng dụng CNSH trong ngành thuỷ sản; Bệnh viện đa khoa tỉnh ứng dụng CNSH trong công tác chẩn đoán bệnh; Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng, Chuyển giao Khoa học và Công nghệ đang được đầu tư một số thiết bị CNSH.

* CNSH trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp

Đã sản xuất được giống lúa lai phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, hiện đang cung ứng giống cho các địa phương trong tỉnh. Công nghệ sản xuất các chủng giống nấm đã cung ứng nguồn nấm giống phục vụ sản xuất nấm thương phẩm ở quy mô hộ gia đình; đã nuôi cấy mô tế bào thành công các cây keo lai, bạch đàn, dó bầu. Một số giống cây khác cũng được nuôi cấy mô thành công như dứa, mía, khoai mỡ, chuối, mít, tuy nhiên sản phẩm chưa gắn kết được với sản xuất. Các loại phân vi sinh cố định nitơ và phân giải lân, phân bón sinh hoá, phân hữu cơ từ rác thải và các chế phẩm sinh học như phân bón qua lá, chất kích thích ra hoa, chất kích thích ra rễ, ... được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Thông qua nhập tinh đông lạnh và sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, công tác sind hoá đàn bò đã được triển khai. Triển khai thành công tạo giống cá rô phi đơn tính, hàng năm cung cấp giống cho các hộ nuôi cá nước ngọt trong và ngoài tỉnh. Ứng dụng CNSH ở mức độ sinh học phân tử để kiểm tra bệnh tôm.

* CNSH trong chế biến

Các sản phẩm lên men như rau quả đóng hộp, bánh mì, nước mắm, tương chao, bia, rượu... đang được quan tâm đầu tư phát triển sản xuất. Công nghệ vi sinh được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi từ các nguồn nguyên liệu là các phụ phẩm trong nông nghiệp để làm thức ăn cho trâu bò.

* CNSH trong y dược

Đã ứng dụng công nghệ Test Elisa trong chẩn đoán HIV, các xét nghiệm sinh học. Sử dụng hiệu quả các loại vaccine trong tiêm phòng bệnh như: viêm gan B, ho gà, bại liệt, uốn ván, bại liệt, sởi, rubella, quai bị... . Ứng dụng cấy ghép da trong trường hợp bỏng nặng, tai nạn. Sử dụng phương pháp phản ứng ngưng kết kháng nguyên kháng thể chẩn đoán viêm gan B, viêm gan C, giang mai và định nhóm máu. Nghiên cứu phát triển và bảo tồn các cây thuốc quí cung cấp nguyên liệu chữa bệnh, đặc biệt đã bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh (Panax Vietnamensis Ha et Grushv), Ba kích, sản xuất một số loài nấm làm thuốc chữa bệnh,...

* CNSH trong xử lý ô nhiễm môi trường

Ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý nước trong nuôi trồng thuỷ sản; ứng dụng công nghệ Biogas xử lý chất thải trong ngành chăn nuôi làm chất đốt rẻ tiền, góp phần bảo vệ môi trường; xử lý nước thải các nhà máy, xí nghiệp bằng công nghệ hiếm khí.

2. Những tồn tại và nguyên nhân

* Những tồn tại:

Mặc dù đạt được một số thành quả bước đầu nhưng việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu thực tế, chưa tạo ra những sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế. Công nghệ sinh học được ứng dụng chủ yếu là CNSH truyền thống, trong khi đó lĩnh vực CNSH hiện đại chưa đủ điều kiện để ứng dụng. Chưa có sự nối kết bền vững giữa cơ quan nghiên cứu về CNSH với các nhà máy, cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; một số sản phẩm CNSH được nghiên cứu, tạo ra nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi.

* Nguyên nhân

- Nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là các cấp lãnh đạo về tầm quan trọng của CNSH còn hạn chế; chưa có định hướng chiến lược và kế hoạch phát triển CNSH ở các ngành và địa phương;

- Lực lượng cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNSH còn mỏng, chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có những chuyên gia đầu đàn. Chưa có chiến lược đào tạo và cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực về CNSH;

- Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho CNSH tuy được quan tâm nhưng còn ở mức thấp. Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng CNSH còn hạn chế và chưa có trọng tâm, trọng điểm;

- Chưa có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hấp dẫn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đầu tư phát triển và thương mại hoá các sản phẩm CNSH.

- CNSH là một ngành khoa học công nghệ cao và là ngành khoa học mới được phát triển ở nước ta, nên việc triển khai ứng dụng cần phải có thời gian khảo nghiệm chứ không thể áp dụng và nhân rộng ngay được.

II. Định hướng phát triển công nghệ sinh học tỉnh Quảng Nam đến năm 2015

1. Quan điểm và mục tiêu

*Quan điểm:

- Phát triển CNSH trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các thành tựu CNSH trong và ngoài nước, triển khai ứng dụng tại địa phương, thực hiện phương châm “đi tắt đón đầu”;

- Tiếp tục thực hiện ứng dụng CNSH truyền thống vào sản xuất và đời sống; đồng thời từng bước nghiên cứu, ứng dụng CNSH hiện đại nhằm tạo bước tiến mới, đột phá trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật sinh học vào sản xuất và đời sống.

* Mục tiêu:

- Tạo ra, tiếp nhận các giống cây trồng, con vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để phục vụ sản xuất. Ứng dụng CNSH trong bảo quản sản phẩm nông-lâm-thuỷ sản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hoá nông - lâm - thủy sản xuất khẩu. Bảo tồn nguồn gen các loại cây trồng, vật nuôi của tỉnh;

- Từng bước xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất được một số sản phẩm chủ lực của tỉnh phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu;

- Đưa CNSH phục vụ hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân và nâng cao công tác bảo vệ môi trường;

- Xây dựng được các cơ sở nghiên cứu-ứng dụng và phát triển thuộc lĩnh vực CNSH có đủ khả năng nghiên cứu và tiếp nhận, tạo ra công nghệ mới, chuyển giao ứng dụng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

2. Các nhiệm vụ cụ thể:

* Giai đoạn 2006-2010

- Ban hành các văn bản, thể chế về quản lý và khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước các cấp trong lĩnh vực CNSH; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi của địa phương trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Trung ương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNSH, trong đó chú trọng các chính sách thu hút, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học về CNSH; chính sách khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động chuyển giao và áp dụng CNSH vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tự xây dựng cơ sở nghiên cứu và ứng dụng CNSH.

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực

Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ CNSH. Phấn đấu đến cuối năm 2010 có khoảng 40-50 cán bộ có trình độ Đại học và trên Đại học về lĩnh vực CNSH.

Từng bước đầu tư xây dựng và nâng cấp, hoàn chỉnh các phòng thí nghiệm CNSH tại các cơ quan, đơn vị. Quy hoạch lại mạng lưới và định hướng hoạt động các đơn vị nghiên cứu - ứng dụng và phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh, trong đó có khoảng 2-3 đơn vị ở các ngành chủ yếu có liên quan có đủ năng lực, khả năng nghiên cứu và tiếp nhận, tạo ra công nghệ mới, chuyển giao ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp

Tạo ra và tiếp nhận các giống cây trồng, con vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục nghiên cứu và sản xuất đại trà các giống lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Mở rộng việc ứng dụng CNSH trong việc tạo và nhân giống các loại nấm ăn, nấm dược liệu, đáp ứng sản xuất nấm thương phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Chọn lọc và xử lý di truyền cây trồng để có được các đặc điểm nông - sinh học mong muốn (năng suất cao, chịu hạn, chống bệnh, sạch bệnh...). Ứng dụng các chế phẩm sinh học như vaccine, thuốc trừ sâu, phân bón vi sinh trong việc bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Tăng cường ứng dụng công nghệ nuối cấy mô tế bào thực vật để nhân nhanh với số lượng lớn các giống cây trồng công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả bản địa (quế, song mây, dâu...), các loại cây dược liệu, các loài hoa, cây cảnh có giá trị; đặc biệt thử nghiệm nuôi cấy mô các cây có hợp chất tự nhiên có giá trị ở Quảng Nam (chất Saponin, tinh dầu...) để nhân giống phục vụ việc trồng và tiến tới chế biến chiết xuất các hợp chất tự nhiên có giá trị (từ cây Sâm Ngọc Linh, ...).

Xây dựng phòng thí nghiệm sử dụng CNSH để chẩn đoán bệnh các giống gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm H5N1. Ứng dụng CNSH trong sản xuất giống nhân tạo có chất lượng cao, tạo ra các dòng chất lượng tốt kháng bệnh trong thuỷ sản.Tiếp tục nhân rộng việc ứng dụng CNSH ở mức độ sinh học phân tử để kiểm tra bệnh tôm. Ứng dụng CNSH trong bảo quản nông sản, thuỷ sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch

- CNSH trong chế biến

Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ vi sinh trong công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; chế biến các sản phẩm nông sản. Nghiên cứu sử dụng các chủng vi sinh vật, enzyme vào chế biến thực phẩm (như sản xuất nước mắm,...); cải tiến và nâng cao chất lượng các sản phẩm như bia, rượu cũng như các sản phẩm làng nghề (tương chao, tơ tằm... ). Sản xuất phân bón sinh học, các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng và đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng.

- CNSH trong y dược

Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNSH trong chẩn đoán và điều trị bệnh; nâng cao chất lượng bảo quản vaccine và đảm bảo cung cấp đủ các vaccine cơ bản để phòng và chữa bệnh. Mở rộng ứng dụng công nghệ Test Elisa để chẩn đoán, đánh giá một số bệnh khác như: tìm ra ấu trùng sán lá gan lớn ở người, phát hiện ký sinh trùng sốt rét, chẩn đoán tiên lượng sốt xuất huyết.... Ứng dụng CNSH chẩn đoán nhiễm cúm H5N1, hội chứng SARS và các bệnh do virut gây ra ở người. Chọc ối, sinh thiết gai nhau, cấy máu dây rốn để chẩn đoán nhiễm sắc thể ở người. Sử dụng phương pháp điện di protein huyết thanh và nước tiểu ở người. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng CNSH phục vụ cho việc bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh, nấm, các cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Nuôi cấy mô tế bào những cây thuốc có giá trị cao song song với xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu.

- CNSH trong xử lý ô nhiễm môi trường

Ứng dụng các chế phẩm sinh học cho công tác xử lý nước phục vụ nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, chất lượng tốt; xử lý môi trường nước, rác thải, không khí tại các khu công nghiệp, khu đô thị, các trại chế biến nông sản, chăn nuôi, các làng nghề, tại các bệnh viện.

Phổ biến việc ứng dụng CNSH trong lĩnh vực tạo năng lượng: sử dụng biogas, sản xuất ethanol dùng làm nhiên liệu.

* Giai đoạn 2011 - 2015

- Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển và ứng dụng CNSH

Xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi, thu hút các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực CNSH; khuyến khích, động viên các cán bộ KHCN tham gia đào tạo về CNSH; chính sách khuyến khích việc thành lập và hoạt động cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CNSH.

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực

Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo và đào tạo chuyên sâu cho một số cán bộ về CNSH, phấn đấu đến cuối năm 2015 trên địa bàn tỉnh có khoảng 80-100 cán bộ có trình độ Đại học và trên Đại học về lĩnh vực CNSH. Tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp hoàn thiện mạng lưới các phòng thí nghiệm, các đơn vị nghiên cứu-ứng dụng và phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh.

- CNSH trong lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp

Ứng dụng các kỹ thuật CNSH tạo ra giống cây trồng, con vật nuôi chất lượng cao, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; tập trung vào nhóm cây lương thực, một số cây ăn quả, cây công nghiệp bản địa, cây lâm nghiệp, gia súc, gia cầm, thủy hải sản. Phát triển các cơ sở nhân giống cây trồng, con vật nuôi sạch bệnh, sản xuất hạt giống chất lượng cao tại các địa phương của tỉnh. Sử dụng các KIT chẩn đoán một số bệnh của cây trồng. Nâng cao hiệu quả sinh sản của vật nuôi. Đưa tỷ lệ sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng. Tăng cường ứng dụng CNSH trong kiểm soát dịch bệnh thuỷ sản và các dư lượng chất độc hại.

Tiếp cận công nghệ gen, đưa vào sản xuất một số giống biến đổi gen. Sử dụng có hiệu quả các giống cây trồng chuyển gen cho phép nhằm cải thiện các đặc điểm nông-sinh quý giá mà các phương pháp truyền thống không tạo ra được.

- CNSH trong công nghệ chế biến

Đẩy mạnh và phát triển công nghệ enzyme, protein trong bảo quản và chế biến nông-lâm-thuỷ sản. Dùng kỹ thuật di truyền để cải tiến các loại vi sinh vật, tạo ra các chủng vi sinh vật mới có năng suất sinh học cao, ứng dụng trong sản xuất công nghiệp (như sản xuất nước uống lên men, lên men thực phẩm, ...).

Sản xuất các hợp chất tự nhiên bằng CNSH trên cơ sở nguồn nguyên liệu có sẵn, đặc sản của Quảng Nam (như sản xuất chất Saponin từ cây Sâm Ngọc Linh,...) để xuất khẩu; mở rộng việc nhân giống, đưa vào trồng các cây có giá trị (cây nghệ đen,...).

- CNSH trong y dược

Đưa vào sử dụng một số loại thuốc phục vụ phòng và chữa bệnh được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu có nguồn gốc từ protein tái tổ hợp. Chẩn đoán gen của các loại vi khuẩn và virut; chẩn đoán ADN ở người. Từng bước ứng dụng liệu pháp công nghệ gen, công nghệ tế bào vào điều trị các bệnh hiểm nghèo. Thử nghiệm và triển khai nuôi cấy mô tế bào da để cấy ghép da trong các trường hợp chữa bệnh cần thiết. Mở rộng ứng dụng CNSH phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh. Sản xuất một số vitamin, axit amin, men tiêu hóa, các chế phẩm y sinh từ thảo dược bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

- CNSH trong bảo vệ môi trường

Ứng dụng CNSH trong việc xử lý rác thải, nước thải ở các cơ sở sản xuất công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp, trong chăn nuôi; xử lý sự cố ô nhiễm tràn dầu trên biển. Sử dụng các giải pháp CNSH trong khắc phục suy thoái và sự cố môi trường.

III. Các giải pháp thực hiện

- Triển khai quán triệt Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho các cấp ủy Đảng, các Sở, Ban, ngành, các tổ chức Đoàn thể, chính trị - xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân trong tỉnh;

- Đầu tư phát triển tiềm lực công nghệ sinh học. Bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách hàng năm của tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực CNSH; đầu tư nguồn vốn sự nghiệp KHCN cho các đề tài, dự án về CNSH. Các đề tài dự án cần tập trung vào các lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, chế biến, y tế và bảo vệ môi trường;

- Tăng cường hợp tác với các cơ quan khoa học, các trường Đại học, các doanh nghiệp CNSH trong và ngoài nước trong đào tạo, chuyển giao các thành tựu CNSH. Đặc biệt đối với các công nghệ phức tạp, khó cần phối hợp với các cơ quan khoa học ở trung ương, các doanh nghiệp CNSH trong và ngoài nước để tổ chức thực hiện.

IV. Tổ chức thực hiện

- Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nội vụ và các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Chương trình phát triển và ứng dụng CNSH để chỉ đạo thực hiện. Ban chỉ đạo xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy thực hiện chương trình phát triển CNSH của tỉnh;

- Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định các đề tài/dự án đầu tư trong lĩnh vực CNSH bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, có kế hoạch bố trí vốn để triển khai thực hiện;

- Các Sở: Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài nguyên & Môi trường, Y tế, Công nghiệp, Thuỷ sản và đơn vị liên quan có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển CNSH ở đơn vị, địa phương mình;

- Sở Văn hóa Thông tin, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNSH, nêu gương các điển hình tiên tiến trong phát triển và ứng dụng CNSH ở các ngành, địa phương./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 52/2006/QĐ-UBND ngày 28/11/2006 ban hành Chương trình phát triển công nghệ sinh học tỉnh Quảng Nam đến năm 2015

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.695

DMCA.com Protection Status
IP: 18.221.52.77
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!