ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 48/2017/QĐ-UBND
|
Bình Phước, ngày 13 tháng 11 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHĂN NUÔI, CƠ SỞ GIẾT MỔ, GIA SÚC GIA CẦM TẬP TRUNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2017-2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Thú y số 79/2015/QH13 ban hành ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ
Pháp lệnh giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội 11;
Căn cứ Nghị định số 43/2015/NĐ-CP
ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước;
Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP
ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y;
Căn cứ Nghị định số 66/2016/NĐ-CP
ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng, nuôi động vật rừng
thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;
Căn cứ Thông tư số
04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/01/2010 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông
thôn về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc tế về điều kiện chăn nuôi lợn, trại
chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học;
Căn cứ Thông tư số
13/2017/TT-BNNPTNT ngày 20/6/2017 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y;
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐH
ngày 20/11/2015 của Đại hội Đại biểu lần thứ X Đảng
Bộ Tỉnh Bình Phước - Nhiệm kỳ 2015-2020;
Thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 25/4/2017 của Tỉnh ủy Bình Phước
về việc chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp
tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 131/TTr-SNN&PTNT ngày 06/10/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chăn nuôi, cơ sở giết mổ,
gia súc gia cầm tập trung tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến
năm 2030.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số
01/2008/QĐ-UBND ngày 21/1/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chăn
nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước
giai đoạn 2006 - 2020 và Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 15/2/2008 của UBND
tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ: Trâu,
bò và các gia súc trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc
các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Tài nguyên
và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các
huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các ngành và
các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10
ngày kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ TP;
- Website Chính phủ;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Đoàn ĐBQH, Sở Tư pháp;
- TT Tin học- Công báo;
- LĐVP, các phòng, KT;
- Lưu: VT (Th qdqppl 02-017).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Trăm
|
QUY ĐỊNH
QUY HOẠCH CHĂN NUÔI, CƠ SỞ GIẾT MỔ, GIA SÚC GIA CẦM TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2017-2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030.
(Kèm theo Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND
ngày 13/11/2017 của UBND tỉnh)
Chương I
TÊN BÁO CÁO QUY
HOẠCH VÀ GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
Điều 1. Tên báo
cáo quy hoạch: Quy hoạch chăn nuôi, cơ sở giết mổ,
gia súc gia cầm tập trung tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
1. Vệ sinh thú y là việc đáp ứng các
yêu cầu nhằm bảo vệ sức khỏe động vật, sức khỏe con
người, môi trường và hệ sinh thái.
2. Kiểm tra vệ sinh thú y là việc kiểm
tra, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện; kiểm soát, ngăn chặn đối tượng
kiểm tra vệ sinh thú y.
3. Điều kiện vệ
sinh thú y cơ sở chăn nuôi bao gồm: Các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi; thức ăn; quản lý con
giống; quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh tiêu độc, khử trùng; kiểm soát
côn trùng và động vật gây hại; kiểm soát dịch bệnh; vệ sinh công nhân; quản lý
chất thải chăn nuôi đảm bảo cho sự sinh trưởng, phát triển của vật nuôi nhằm tạo
ra sản phẩm an toàn, không gây hại cho sức khỏe con người và không gây ô nhiễm
môi trường.
4. Điều kiện vệ sinh thú y cơ sở giết
mổ bao gồm: Các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; nguồn nước sử dụng
trong giết mổ; vệ sinh tiêu độc, khử trùng; kiểm soát côn trùng và động vật gây
hại; vệ sinh công nhân; quản lý chất thải giết mổ đảm bảo không gây hại cho sức
khỏe con người và không gây ô nhiễm môi trường.
5. Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật
trên cạn là cơ sở chăn nuôi được xác định không xảy ra ca bệnh đăng ký an toàn
dịch bệnh trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật
và hoạt động thú y tại cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.
6. Đường giao thông chính là đường
giao thông liên xã, liên huyện và liên tỉnh.
7. An toàn sinh học là các biện pháp
kỹ thuật được áp dụng nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc và lây
lan của các tác nhân gây bệnh xuất hiện tự nhiên hoặc do con người gây ra trong
hoạt động chăn nuôi làm cho các tác nhân gây bệnh không có khả năng xâm nhập,
gây nguy hại đến động vật trong cơ sở.
8. Cơ sở chăn
nuôi quy mô trang trại là cơ sở chăn nuôi đạt số lượng động vật như sau: Cơ sở
chăn nuôi trâu, bò, ngựa từ 30 con nuôi sinh sản hoặc từ 50 con nuôi lấy thịt;
Cơ sở chăn nuôi dê, cừu từ 100 con sinh sản hoặc từ 200 con nuôi lấy thịt; Cơ sở
chăn nuôi lợn từ 30 con nái sinh sản hoặc từ 200 con nuôi lấy thịt; Cơ sở chăn
nuôi thỏ từ 3.000 con sinh sản hoặc từ 6.000 con nuôi lấy thịt; Cơ sở chăn nuôi
gà từ 3.000 con mái sinh sản hoặc từ 5.000 con nuôi lấy thịt; Cơ sở chăn nuôi
ngan, vịt từ 2.500 con mái sinh sản hoặc từ 4.000 con nuôi lấy thịt; Cơ sở chăn
nuôi đà điểu từ 100 con mái sinh sản hoặc từ 200 con nuôi lấy thịt; Cơ sở chăn
nuôi chim cút từ 10.000 con sinh sản hoặc từ 20.000 con nuôi lấy thịt.
9. Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập
trung là cơ sở giết mổ có số lượng động vật giết mổ đạt 20 con gia súc/ngày đêm (đối với cơ sở chỉ
giết mổ trâu, bò thì 10 con trâu,
bò/ngày đêm) hoặc 500 con gia cầm/ngày đêm.
10. Khu dân cư tập
trung: Khu nhà ở tập trung có từ 15 hộ trở lên.
11. Hành lang bảo vệ Hồ thủy điện, thủy
lợi: Hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định trong vùng tính từ đường biên
cao trình đỉnh đập đến đường biên có cao trình bằng cao trình giải phóng mặt bằng
lòng hồ.
Chương II
NỘI DUNG QUY HOẠCH
CHĂN NUÔI, CƠ SỞ GIẾT MỔ, GIA SÚC GIA CẦM TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
GIAI ĐOẠN 2017-2020 VÀ TẦM NHÌN 2030
Điều 3. Định hướng
phát triển chăn nuôi
1. Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất chăn
nuôi nuôi theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia
tăng và phát triển bền vững; phát huy về vị trí, đất đai, khí hậu hình thành các khu vực chăn nuôi tập trung cung cấp thực phẩm cho các đô thị,
khu công nghiệp và xuất khẩu trên cơ sở các chuỗi liên kết
khép kín, chuỗi sản phẩm chăn nuôi an toàn từ sản xuất
chăn nuôi đến tiêu dùng.
2. Sắp xếp chăn nuôi theo hướng chăn
nuôi an toàn, chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Tỷ lệ chăn nuôi tập trung an toàn
đạt 98% tổng đàn; 75% trang trại chăn nuôi có ứng dụng
công nghệ cao; 100% trang trại đảm bảo an toàn không phát sinh dịch bệnh, an
toàn về môi trường.
Điều 4. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
a) Giá trị ngành sản xuất chăn nuôi đạt
15% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp của tỉnh năm 2020, 20% năm 2030.
b) Xây dựng và phát triển vùng chăn
nuôi tập trung trên cơ sở đảm bảo về điều kiện vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh.
Nâng cao năng suất chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, trong nước
và tiến tới xuất khẩu.
c) Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo
chuỗi giá trị khép kín từ chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2020
- Tổng đàn lợn: đạt 800.000 con
(riêng huyện Lộc Ninh không quá 360.000 con); Chăn nuôi tập trung đạt 90% tổng
đàn, tỷ lệ nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%; 80% cơ sở chăn
nuôi quy mô công nghiệp thực hiện chăn nuôi theo chuỗi ngành hàng khép kín.
- Tổng đàn gia cầm đạt 9 triệu con; Tỷ
lệ chăn nuôi tập trung 88% đối với gia cầm; tỷ lệ nuôi tập trung công nghệ cao
đạt trên 70%; 80% cơ sở chăn nuôi quy mô công nghiệp thực hiện chăn nuôi theo
chuỗi ngành hàng khép kín.
- Duy trì đàn trâu bò 45.000 con.
- Đảm bảo các cơ sở giết mổ phải đáp ứng
yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm.
b) Đến năm 2030
- Tổng đàn lợn: đạt 1 triệu con
(riêng huyện Lộc Ninh không quá 360.000 con); chăn nuôi tập trung đạt 95% tổng
đàn, tỷ lệ nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao đạt trên 80%; 85% cơ sở chăn
nuôi quy mô công nghiệp thực hiện chăn nuôi theo chuỗi ngành hàng khép kín.
- Tổng đàn gia cầm đạt 9 triệu con; Tỷ
lệ chăn nuôi tập trung đạt 95% đối với gia cầm; tỷ lệ nuôi tập trung công nghệ
cao đạt trên 75%; 85% cơ sở chăn nuôi quy mô công nghiệp thực hiện chăn nuôi
theo chuỗi ngành hàng khép kín.
- Tổng đàn trâu bò 45.000 con.
Điều 5. Quy hoạch
vùng chăn nuôi
1. Vùng cấm chăn nuôi tập trung
Vùng cấm chăn nuôi tập trung bao gồm
các phường, xã thuộc thị xã, các trung tâm thị trấn, khu trung tâm hành chính
xã và các công trình hạ tầng xã hội tại điểm dân cư nông thôn; các khu đô thị,
khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch sinh thái, di
tích lịch sử, công trình công cộng, hành lang bảo vệ hồ thủy lợi, thủy điện, rừng
đặc dụng và rừng phòng hộ.
Các vùng cấm cụ thể:
a) Bao gồm các phường của thị xã
- Đồng Xoài: Phường Tân Xuân, Tân
Phú, Tân Bình, Tân Đồng, Tân Thiện; xã Tiến Hưng, xã Tiến Thành.
- Bình Long: Phường Phú Đức, Hưng Chiến,
Phú Thịnh, An Lộc.
- Phước Long: Phường Thác Mơ, Long Phước,
Long Thủy, Phước Bình, Sơn Giang.
- Các thị trấn gồm: Thị trấn Tân Phú
(huyện Đồng Phú), thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành), thị trấn Lộc Ninh
(huyện Lộc Ninh), thị trấn Thanh Bình (huyện Bù Đốp), thị
trấn Đức Phong (huyện Bù Đăng), khu trung tâm hành chính
huyện Bù Gia Mập, khu trung tâm hành chính Huyện Hớn Quản, khu quy hoạch trung
tâm hành chính huyện Phú Riềng.
b) Các khu công nghiệp, trường học, bệnh
viện, chợ
Các khu công nghiệp: Khu Công nghiệp
Chơn Thành I; Khu Công nghiệp Chơn Thành II; Khu Công nghiệp Tân Khai II; Khu
Công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc; Khu Công nghiệp Minh Hưng III; Khu Công nghiệp
Nam Đồng Phú; Khu Công nghiệp Đồng Xoài I, II và III; Khu
Công nghiệp Bắc Đồng Phú, Khu Công nghiệp Minh Hưng - Sikico; Khu Công
nghiệp Việt Kiều; Khu Công nghiệp Becamex Bình Phước; các
Khu kinh tế cửa khẩu Hoàng Diệu, Hoa Lư, Tân Thành, Tà
Vát, khu vực trường học, bệnh viện, chợ.
c) Các cụm và điểm du lịch
- Cụm du lịch Trung tâm thị xã Đồng Xoài,
Suối Lam, Khu tưởng niệm Phú Riềng Đỏ, Mả Thằng Tây;
- Cụm du lịch Đông Bắc: Núi Bà Rá, hồ
Thác Mơ, khu bảo tồn Bù Gia Mập, Dinh Tỉnh trưởng, các khu Di tích lịch sử cách
mạng, Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc Sok Bom Bo, Khu du lịch
trảng cỏ Bàu Lạch;
- Cụm du lịch Tây Cát Tiên: Khu vực
phía tây Vườn Quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn tỉnh Bình Phước;
- Cụm du lịch Tây Bắc: Đền thần Hưng
Long, Khu di tích Chốt chặn Tàu Ô, Thác số 4 Bình Long, Khu căn cứ Bộ Chỉ huy
Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Tà Thiết, Mộ 3.000 người, sân bay quân sự Lộc
Ninh, kho xăng dầu Lộc Quang, chợ biên giới Hoa Lư, khu sinh thái Sóc Xiêm.
d) Vùng rừng đặc dụng và phòng hộ gồm
- Rừng đặc dụng: huyện Bù Gia Mập, thị
xã Phước Long, huyện Bù Đăng, huyện Lộc Ninh.
- Rừng phòng hộ: Thị xã Phước Long, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản.
2. Vùng chăn nuôi tập trung
a) Ngoài những vùng cấm chăn nuôi là
vùng phát triển chăn nuôi.
b) Các cơ sở chăn nuôi tập trung phải
đáp ứng đầy đủ những quy định cụ thể về điều kiện vệ sinh
thú y hiện hành và các điều kiện quy định khác có liên quan.
c) Vị trí xây dựng
cơ sở chăn nuôi tập trung
- Địa điểm, vị trí cơ sở chăn nuôi phải
theo quy hoạch của UBND tỉnh đáp ứng đầy đủ điều kiện vệ sinh thú y.
- Phải cách biệt tối thiểu 100m với
đường giao thông chính, suối.
- Phải cách biệt tối thiểu 500 m với
các cụm dân cư tự phát; sông; đường biên hành lang bảo vệ nguồn nước (có cao
trình bằng cao trình giải phóng mặt bằng lòng hồ) theo quy
định ở các hồ thủy lợi, thủy điện.
- Phải cách biệt tối thiểu 1 km với:
các khu dân cư tập trung; ranh giới hành chính nội thị; ranh giới đất quy hoạch
xây dựng đô thị theo quy hoạch chung được duyệt; khu trung tâm hành chính xã;
ranh giới các công trình hạ tầng xã hội, các điểm dân cư theo quy hoạch nông
thôn mới được phê duyệt; đất quy hoạch khu công nghiệp; khu kinh tế, khu du lịch,
khu sinh thái, di tích lịch sử, thắng cảnh; trường học, bệnh viện, nhà máy chế
biến, cơ sở giết mổ, chợ chuyên buôn gia súc, gia cầm
(riêng khu du lịch, khu sinh thái, di tích lịch sử, thắng cảnh về vị trí xây dựng
phải đảm bảo mỹ quan và nằm khuất ở phía sau).
Điều 6. Quy hoạch
cơ sở giết mổ tập trung
1. Quy hoạch cơ sở giết mổ
a) Giai đoạn đến năm 2020 như sau
- Thị xã Đồng Xoài (01-02 cơ sở giết
mổ gia súc, 01 cơ sở giết mổ gia cầm)
+ Cơ sở giết mổ gia súc tại phường
Tân Xuân tiếp tục duy trì hoạt động và phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y. Khi
nhu cầu giết mổ tăng vượt công suất giết mổ mà cơ sở giết
mổ không có khả năng nâng cấp, mở rộng quy mô thì tiến hành cho xây thêm 01 cơ sở
giết mổ gia súc khác.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia cầm
tại thị xã Đồng Xoài.
- Huyện Đồng Phú (02 cơ sở giết mổ
gia súc, 02 cơ sở giết mổ gia cầm)
+ Duy trì và nâng cấp cơ sở giết mổ
gia cầm tại xã Đồng Tiến thành cơ sở giết mổ gia cầm công nghiệp vào năm 2018.
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia súc bán
công nghiệp tại xã Tân Tiến.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia súc
bán công nghiệp tại xã Đồng Tiến.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia cầm
tại xã Tân Tiến với công suất 1.000 con gia cầm/ngày đêm. Đến năm 2020 nâng công suất lên 2.000 con/ngày và nâng cấp thành cơ sở giết
mổ công nghiệp.
- Huyện Chơn Thành (03 cơ sở giết mổ
gia súc, 01 cơ sở giết mổ gia cầm)
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia súc bán
công nghiệp tại thị trấn Chơn Thành.
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia súc bán
công nghiệp tại xã Minh Hưng.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia súc
tại xã Minh Lập.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia cầm
tại huyện Chơn Thành.
- Huyện Hớn Quản (03 cơ sở giết mổ
gia súc, 01 cơ sở giết mổ gia cầm)
+ Duy trì và nâng cấp cơ sở giết mổ
gia súc ở xã Tân Khai và Thanh An lên cơ sở bán công nghiệp.
+ Duy trì và nâng cấp cơ sở giết mổ
gia cầm tại xã Tân Lợi thành cơ sở giết mổ gia cầm công
nghiệp.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia súc
tại xã Tân Hiệp.
- Thị xã Bình Long (02 cơ sở giết mổ
gia súc, 01 cơ sở giết mổ gia cầm).
+ Cơ sở giết mổ gia
súc bán công nghiệp tại phường Phú Đức tiếp tục duy trì hoạt động và phải đảm bảo
yêu cầu vệ sinh thú y. Nếu do nhu cầu giết mổ tăng, vượt công suất giết mổ mà cơ sở giết mổ
không có khả năng mở rộng quy mô hoặc không đảm bảo yêu cầu vệ
sinh thú y mà không khắc phục được thì cho xây thêm 01 cơ sở giết mổ gia súc để
phục vụ nhu cầu địa phương.
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia súc bán
công nghiệp tại xã Thanh Lương.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia cầm
công nghiệp tại thị xã Bình Long.
- Huyện Lộc Ninh (04 cơ sở giết mổ
gia súc, 01 cơ sở giết mổ gia cầm)
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia súc xã Lộc
Hiệp.
+ Duy trì quy hoạch cơ sở giết mổ gia
súc tại xã Lộc Hưng. Hiện nay, cơ sở giết mổ gia súc tại xã Lộc Hưng nằm sát Quốc
lộ 13 và gần khu dân cư, phải di dời vào năm 2017.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia súc bán công nghiệp tại thị trấn Lộc Ninh. Cụ thể: Năm 2017, phải
xây dựng 01 cơ sở giết mổ gia súc bán công nghiệp tại thị trấn Lộc Ninh. 02 cơ
sở giết mổ gia súc thủ công tại thị trấn Lộc Ninh và cơ sở
giết mổ gia súc Lộc Tấn tạm thời hoạt động đến khi cơ sở giết mổ bán công nghiệp
tại thị trấn Lộc Ninh xây dựng xong và đi vào hoạt động.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia súc
xã Lộc Điền.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia cầm
tại huyện Lộc Ninh vào năm 2020 nâng cấp thành cơ sở giết mổ công nghiệp.
- Huyện Bù Đốp (02 cơ sở giết mổ gia
súc, 01 cơ sở giết mổ gia cầm)
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia súc bán
công nghiệp tại thị trấn Thanh Bình.
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia súc bán
công nghiệp tại xã Tân Thành.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia cầm
tại huyện Bù Đốp.
- Huyện Bù Gia Mập (05 cơ sở giết mổ
gia súc, 01 cơ sở giết mổ gia cầm)
+ Duy trì và nâng cấp cơ sở giết mổ
gia súc tại xã Đắc Ơ.
+ Duy trì quy hoạch cơ sở giết mổ gia
súc tại xã Đa Kia. Hiện nay cơ sở giết mổ gia súc tại xã
Đa Kia nằm sát đường tỉnh lộ và nằm
trong khu dân cư, phải di dời vào năm 2017.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia súc
tại xã Phú Văn.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia súc
bán công nghiệp tại xã Phú Nghĩa.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia súc
tại xã Bù Gia Mập.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia cầm
tại huyện Bù Gia Mập.
- TX Phước Long (01 cơ sở giết mổ gia
súc, 01 cơ sở giết mổ gia cầm)
+ Cơ sở giết mổ gia súc bán công nghiệp
tại phường Phước Bình tiếp tục duy trì hoạt động và phải đảm
bảo yêu cầu vệ sinh thú y. Nếu do nhu
cầu giết mổ tăng, vượt công suất giết mổ mà cơ sở giết mổ không có khả năng mở
rộng quy mô hoặc không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y mà không khắc phục được thì cho xây thêm 01 cơ sở giết mổ gia
súc để phục vụ nhu cầu địa phương.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia cầm
công nghiệp tại thị xã Phước Long,
- Huyện Bù Đăng
(09 cơ sở giết mổ gia súc, 01 cơ sở giết mổ gia cầm)
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia súc bán công
nghiệp tại thị trấn Đức Phong.
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia súc tại
xã Bom Bo, xã Nghĩa Trung và xã Thống Nhất
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia cầm tại
xã Minh Hưng.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia súc tại xã Minh Hưng.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia súc
tại xã Đức Liễu
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia súc
tại xã Đắk Nhau; 01 cơ sở giết mổ gia súc tại xã Thọ Sơn và 01 cơ sở giết mổ
gia súc tại xã Phước Sơn.
- Huyện Phú Riềng (03 cơ sở giết mổ
gia súc, 01 cơ sở giết mổ gia cầm)
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia súc tại
xã Phú Riềng và đến năm 2018 phải nâng cấp lên cơ sở giết mổ gia súc bán công nghiệp.
+ Duy trì cơ sở giết mổ gia súc bán
công nghiệp tại xã Bù Nho, xã Long Bình.
+ Quy hoạch 01 cơ sở giết mổ gia cầm
tại huyện Phú Riềng.
- Cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ
Tại các vùng nông thôn, vùng đồng
bào, các xã vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn chưa có cơ sở giết mổ tập
trung được thực hiện tại cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và phải đảm bảo điều kiện vệ sinh
thú y theo quy định.
- Đối với các doanh nghiệp, hợp tác
xã, hộ kinh doanh
Được xây dựng cơ sở giết mổ theo dự án chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ. Cơ
sở giết mổ này hoạt động trong phạm
vi dự án chuỗi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tại vùng chăn nuôi tập trung
Doanh nghiệp được đầu tư Dự án cơ sở
giết mổ công nghiệp công suất từ 500 con gia súc trở lên/ngày đêm hoặc 5.000 con gia cầm trở lên/ngày đêm và
hoạt động theo quy mô giết mổ của dự án được UBND tỉnh phê
duyệt.
b) Định hướng đến năm 2030
Duy trì hệ thống cơ sở giết mổ đã có,
trường hợp địa phương nào có nhu cầu giết mổ tăng cao thì tiến hành nâng cấp hoặc
xây mới cơ sở giết mổ quy mô công nghiệp.
2. Địa điểm vị trí xây dựng cơ sở giết
mổ tập trung
a) Địa điểm, vị trí cơ sở giết mổ phải
theo quy hoạch của UBND tỉnh đáp ứng đầy đủ điều kiện vệ sinh thú y.
b) Phải cách biệt tối thiểu 500m với
khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông người đường quốc lộ, sông
suối, nguồn cấp nước sinh hoạt.
c) Phải cách biệt tối thiểu 1km với trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, và các nguồn gây
ô nhiễm như bãi rác, nghĩa trang, nhà máy thải bụi và hóa chất độc hại.
Điều 7. Quy hoạch
cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi
Khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu
tư từ nay đến năm 2030 xây dựng ít nhất 02 nhà máy chế biến đóng gói, có thương
hiệu từ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Chương III
CÁC GIẢI PHÁP VÀ
TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
Điều 8. Các giải
pháp thực hiện quy hoạch
1. Tổ chức sản xuất chăn nuôi
a) Sắp xếp chăn nuôi theo hướng chăn
nuôi tập trung áp dụng chăn nuôi theo chuỗi liên kết, đảm bảo an toàn về dịch bệnh,
an toàn vệ sinh môi trường.
b) Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu,
lao động đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi.
c) Phát triển hệ thống tiêu thụ sản
phẩm theo chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - lưu
thông - tiêu thụ sản phẩm.
d) Khai thác nguyên liệu vùng sản xuất
thức ăn chăn nuôi, đa dạng hóa nguyên liệu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
e) Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước
về công tác chăn nuôi.
2. Giải pháp về khoa học - công nghệ
trong chăn nuôi
a) Tiến hành xây dựng và phổ biến các
mô hình nông nghiệp ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ.
b) Khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng
công nghệ tái sử dụng nước thải để phục vụ chăn nuôi, hạn chế sử dụng nước ngầm.
c) Dành một khoản kinh phí hàng năm
cho nghiên cứu (thực hiện các đề tài nghiên cứu) trong
chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
d) Tổ chức tiếp nhận việc chuyển giao
một số công nghệ cao từ nước ngoài phù hợp nếu có.
3. Giải pháp hỗ trợ quảng bá, liên kết
sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
a) Xây dựng các chương trình hỗ trợ
và quảng bá các thương hiệu sản phẩm chăn nuôi.
b) Khuyến cáo sản xuất chăn nuôi theo
quy luật cung - cầu, theo đơn đặt hàng, sản xuất chọn lọc và tuân thủ theo quy
định.
c) Hướng dẫn xây dựng thương hiệu cho
mặt hàng chăn nuôi.
4. Hệ thống dịch vụ
a) Tổ chức lại hệ thống tiêu thụ sản
phẩm gắn với cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn
thực phẩm.
b) Triển khai có hiệu quả chương
trình xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm phát
triển thị trường.
5. Giải pháp về chính sách
Thực hiện tốt Nghị quyết số
31/2017/NQ-HĐND ngày 19/7/2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc ban hành quy
định về chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước;
Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 10/1/2017 về việc Ban hành chính sách hỗ trợ nâng
cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn
2017-2020.
Điều 9. Tổ chức
thực hiện quy hoạch
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện và quản lý
quy hoạch. Tổ chức công bố kết quả điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đến năm
2020 theo quy định.
b) Tăng cường năng lực quản lý nhà nước
về chăn nuôi đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi ngày càng tăng của tỉnh nhằm
quản lý tốt quy hoạch chăn nuôi.
c) Xây dựng, cụ thể kế hoạch kiểm
soát của các cấp từ khâu đánh giá phê duyệt DTM, xây dựng và hoàn công đưa công
trình chăn nuôi vào sử dụng và giám sát đánh giá theo năm.
2. Các sở, ngành
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn
từ Ngân sách nhà nước, các nguồn vốn khác để thực hiện có hiệu quả những nội
dung của quy hoạch.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp
với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các chính sách về đất đai cho các tổ chức,
cá nhân thuê để đầu tư phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế
biến và kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giết mổ.
c) Cục thuế, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở
Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu và có kế hoạch làm việc với các
doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để các đơn vị thực
hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách tỉnh.
d) Các sở, ngành khác: theo chức
năng, nhiệm vụ tham gia, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
triển khai thực hiện quy hoạch.
3. UBND các huyện, thị xã
Theo chức năng nhiệm vụ được giao,
UBND huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực
hiện quy hoạch và kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong
quá trình sản xuất chăn nuôi bảo đảm đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Chỉ đạo
chính quyền các xã, phường tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy
định về chăn nuôi tại các cơ sở.
4. UBND các xã, phường, thị trấn
Theo chức năng nhiệm vụ được giao, trực
tiếp theo dõi, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển
chăn nuôi trên địa bàn.
5. Các tổ chức, cá nhân tham gia sản
xuất chăn nuôi, giết mổ
Tổ chức sản xuất đúng theo quy hoạch,
đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước về điều kiện vệ sinh thú y trong chăn
nuôi, giết mổ./.