ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4547/QĐ-UBND
|
Bình Định, ngày
15 tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN
2021 - 2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp
giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
tại Tờ trình số 328/TTr-SNN ngày 09/11/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cơ cấu lại ngành
nông nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và
PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài
nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN và PTNT (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các hội, đoàn thể;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, K10, K13, K19.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tuấn Thanh
|
KẾ HOẠCH
CƠ
CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 4547/QĐ-UBND ngày 15/11/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh
Bình Định)
Thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp
giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp
tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp của
tỉnh theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị
gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng
cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp
theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển
công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững
với chuỗi giá trị nông sản trên cả nước và hướng đến xuất khẩu.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông
nghiệp đạt bình quân từ 3,2 đến 3,6%/năm.
- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản
(sau đây gọi là nông sản) được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết
đạt trên 30%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy
trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công
nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8,0%/năm; diện tích nhóm đất nông nghiệp sản
xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 đến 2,0% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; tốc độ
tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bình quân khoảng 4,5 - 5,0%/năm.
- Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên
60%; trên 60% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập của cư dân
nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
- Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm
phân bón được tiêu thụ đạt 15%; tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
trong tổng số thuốc bảo vệ thực vật đạt 30%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 58%,
tăng cường chất lượng rừng.
II. NHIỆM VỤ ĐẾN NĂM 2025
1. Cơ cấu lại sản xuất theo
nhóm sản phẩm
a) Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh
Các địa phương căn cứ lợi thế, điều kiện cụ thể và
nhu cầu thị trường, có cơ chế hỗ trợ và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các
sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh. Đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản
xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn
thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát
triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đối với các
sản phẩm chủ lực cấp tỉnh có tiềm năng phát triển quy mô lớn, tăng cường liên kết
giữa các địa phương để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới
hóa gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; có chính sách, giải pháp
và nguồn lực để mở rộng quy mô, chất lượng và thương hiệu sản phẩm để bổ sung
vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện.
Định hướng phát triển nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh,
gồm:
- Về trồng trọt:
+ Lúa: nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, diện
tích đất trồng lúa đến năm 2025 là 52.802 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước
45.846 ha; diện tích gieo trồng 90.000 ha, sản lượng đạt 648.000 tấn. Diện tích
gieo trồng lúa chất lượng cao 10.000 ha, chiếm 10,8% tổng diện tích gieo trồng;
tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận khoảng 99%. Đẩy mạnh phát triển sản xuất gạo hữu
cơ và đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo và phụ phẩm của lúa gạo (rơm, rạ, trấu,
cám) để tăng giá trị gia tăng. Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao, nhân rộng
các quy trình canh tác lúa tiên tiến vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an
toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Phát triển mở rộng dự án cánh đồng liên kết sản
xuất và tiêu thụ lúa áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại các
vùng sản xuất tập trung tại các huyện, thị xã: Tuy Phước, Tây Sơn, An Nhơn,
Hoài Nhơn... Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đầu tư các dự án
sản xuất lúa thương phẩm theo hướng VietGap, hữu cơ gắn với liên kết sản xuất
và chế biến gạo.
+ Rau dưa các loại: diện tích trồng rau dưa các loại
18.000 ha, sản lượng 333.000 tấn. Phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại các
huyện: Tuy Phước, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Lão, thị
xã: An Nhơn, Hoài Nhơn. Hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại,
mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng đến xuất khẩu; phát triển mở rộng
vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap khoảng 100 ha trên cơ sở tăng cường
chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN, công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất tốt,
hữu cơ để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
+ Lạc: tăng diện tích trồng lạc lên 15.000 ha, sản
lượng 56.000 tấn trên cơ sở chuyển đổi đất sản xuất lúa, mía, sắn sang sản xuất
lạc; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch, sơ
chế, bảo quản. Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến lạc gắn
với xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn tại các huyện: Phù Cát, Phù Mỹ,
Tây Sơn. Tạo vùng lạc hàng hóa đủ kiểu kiện để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư
nhà máy chế biến các sản phẩm từ lạc.
+ Sắn: ổn định diện tích trồng sắn 10.000 ha, sản
lượng 340.000 tấn. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình
canh tác bền vững; chuyển đổi diện tích trồng sắn có điều kiện về nước tưới
sang các cây trồng hàng năm, thực hiện các mô hình luân canh, xen canh sắn có
hiệu quả; áp dụng cơ giới hóa, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh
thái.
+ Ngô: ổn định diện tích trồng ngô 9.200 ha, sản lượng
59.000 tấn; tập trung đầu tư thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi diện tích đất trồng
lúa sang trồng ngô cung cấp nguyên liệu cho các Nhà máy sản xuất thức ăn chăn
nuôi của tỉnh; phát triển mô hình trồng ngô sinh khối, ngô ngọt theo hướng liên
kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
+ Dừa: tăng diện tích trồng dừa lên 10.000 ha, tập
trung đầu tư thâm canh, cải tạo vườn dừa, ưu tiên phát triển dừa lấy nước gắn với
tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, phát triển du lịch; tăng cường áp dụng các
giải pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư xây dựng các mô hình trồng dừa
ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm
từ dừa như: dầu dừa tinh khiết, bánh tráng nước dừa,...
- Về chăn nuôi:
+ Bò thịt: đạt 330.000 con; trong đó, bò thịt chất
lượng cao đạt 99.000 con, chiếm 30% tổng đàn, tỷ lệ bò lai đạt 93%. Phát triển
các HTX chăn nuôi bò gắn với liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Tiếp tục triển
khai chính sách phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ, giai
đoạn 2021 - 2025 gắn với phát huy nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”
nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chuỗi liên kết sản xuất bò thịt chất lượng
cao. Xúc tiến hình thành từ 01 đến 02 trang trại chăn nuôi bò thịt quy mô lớn, ứng
dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
+ Lợn: đạt 1,1 triệu con, sản lượng thịt lợn
160.000 tấn. Phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản theo hướng trang trại
công nghiệp; tăng đàn lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; đàn lợn
nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 50%, trong đó chăn nuôi ứng dụng công
nghệ cao chiếm 22%. Phát triển hệ thống quản lý chăn nuôi ứng dụng công nghệ
cao, hệ thống giết mổ công nghiệp hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an
toàn thực phẩm gắn với chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn. Hình thành và
nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn
gốc sản phẩm lợn hơi; tiếp tục phát huy hiệu quả chuỗi liên kết cung ứng thịt lợn
cho thị trường Đà Nẵng. Xây dựng vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh tại huyện
Hoài Ân.
+ Gà: đạt 10 triệu con; trong đó chăn nuôi ứng dụng
công nghệ cao chiếm 35%. Tập trung phát triển các giống gà hiện có, trong đó ưu
tiên phát triển giống Gà Minh Dư mang tầm quốc tế, hướng tới xuất khẩu. Đẩy mạnh
chăn nuôi theo theo hướng trang trại công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, gắn
với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm thịt, trứng
có chất lượng cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Hình thành và
nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thịt,
trứng gia cầm, hướng tới xuất khẩu.
- Về thủy sản:
+ Cá ngừ đại dương: tổng số tàu thuyền khai thác cá
ngừ đại dương đến năm 2025 đạt khoảng 1.500 tàu (chiếm khoảng 50% tàu khai thác
vùng khơi), sản lượng cá ngừ đại dương đạt khoảng 12.000 tấn. Phát triển khai
thác cá ngừ đại dương ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng, tạo nguồn
nguyên liệu ổn định, nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường
và phát triển bền vững.
+ Tôm: phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao,
an toàn sinh học, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường; xây dựng vùng nuôi tôm
thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao Biofloc, RAS,...; tổ chức sản
xuất theo hướng liên kết, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm thẻ chân trắng;
sử dụng giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng; tổ chức lại các hộ nuôi theo hình
thức hợp tác xã nuôi tôm, hình thành các vùng nuôi tôm tập trung. Tổng diện
tích nuôi tôm nước lợ đến năm 2025 đạt khoảng 2.250 ha, sản lượng đạt 22.000 tấn,
trong đó diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao khoảng 680 ha, sản lượng đạt
khoảng 13.000 tấn, chiếm tỷ lệ khoảng 30% về diện tích nuôi và 59% về sản lượng
tôm nuôi.
- Về lâm nghiệp:
+ Gỗ và các sản phẩm từ gỗ: tiếp tục triển khai trồng
rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng theo Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa
bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2035. Phấn đấu đến
năm 2025, trồng mới được 7.334 ha cây gỗ lớn, để đạt diện tích 10.000 ha. Nâng
cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng bằng biện pháp thâm canh rừng
trồng sản xuất, sử dụng cây giống nuôi cấy mô, cây giống lâm nghiệp mới, chất
lượng cao phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng phương án
quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng (FSC) cho 10.000 ha rừng trồng sản
xuất.
+ Giống cây lâm nghiệp: phát triển nâng cao năng lực
sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các cơ sở sản xuất giống
cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp cho sản xuất đủ giống có chất lượng,
chống chịu cao với sâu và bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
b) Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương
Tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ
và các giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, từng
bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với Chương
trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm
phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, thúc đẩy tổ
chức và đảm bảo giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với
xây dựng nông thôn mới. Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật,
bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu
hàng hóa. Phát triển các HTX gắn với các sản phẩm OCOP của địa phương. Trong
đó, ưu tiên phát triển một số sản phẩm như sau:
- Hoa: xây dựng và phát triển làng nghề sản xuất
cây Mai vàng Nhơn An (thị xã An Nhơn), làng nghề trồng hoa Bình Lâm (huyện Tuy
Phước); làng hoa Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) theo hướng ứng dụng công nghệ cao
để nâng cao hiệu quả trồng hoa, bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch; đẩy
mạnh ứng dụng các công nghệ trồng hoa tiên tiến, sử dụng các giống hoa mới có
giá trị, phù hợp với thị hiếu đối với từng vùng trồng hoa chuyên canh để tăng
giá trị gia tăng.
- Cây ăn quả: tập trung phát triển các cây ăn quả
có lợi thế của tỉnh như: bưởi, xoài, dừa xiêm... hình thành vùng sản xuất tập
trung theo hướng an toàn và áp dụng các công nghệ cao như: trồng theo hướng hữu
cơ, VietGap, hệ thống tưới tự động hoặc bán tự động ở các huyện, thị xã: Hoài
Ân, Phù Cát, Tây Sơn, An Lão, Phù Mỹ, Hoài Nhơn gắn với tiêu thụ sản phẩm; tiếp
tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án trồng cây
ăn quả sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến.
- Phát triển một số loại vật nuôi đặc sản phù hợp với
điều kiện, lợi thế của một số địa phương vùng miền núi, trung du như: lợn thảo
dược, lợn đen, gà thả đồi.
2. Cơ cấu lại sản xuất theo từng
lĩnh vực
a) Lĩnh vực trồng trọt
Cơ cấu lại sản xuất trồng trọt theo hướng giảm tỷ
trọng giá trị sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp lâu năm; tăng tỷ trọng
cây công nghiệp ngắn ngày, cây rau, cây ăn quả đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị
trường, góp phần bảo đảm an ninh lương.
Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng sản xuất trồng
trọt đạt bình quân từ 1,8%/năm; đến năm 2025, giá trị sản phẩm thu hoạch trên
01 ha đất trồng trọt đạt khoảng 130 triệu đồng.
b) Lĩnh vực chăn nuôi
Tiếp tục duy trì tốc độ phát triển chăn nuôi từ 5 -
6%/năm, phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đến năm 2025 đạt 260.000 tấn.
Chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là
tăng gà lông màu); không tăng nhiều đàn lợn, bò; chủ yếu tập trung nâng cao
năng suất, chất lượng để tăng giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi
hiện đại ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi
thân thiện với môi trường, gắn với phát triển công nghiệp chế biến; kết nối bền
vững với chuỗi giá trị chăn nuôi trong vùng, toàn quốc, phấn đấu tỷ lệ giá trị
sản xuất chăn nuôi theo hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%. Xây dựng
vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cơ sở chăn nuôi đạt
tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đến năm 2025 có 25 doanh nghiệp, trang trại sản
xuất chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGAHP, VietGAHP; 10 doanh
nghiệp được công nhận doanh nghiệp công nghệ cao, xây dựng từ 02 - 03 cơ sở giết
mổ động vật tập trung quy mô cơ giới hiện đại.
c) Lĩnh vực thủy sản
Phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả,
bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo
vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo. Tăng cường khai thác thủy sản
vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở trữ lượng nguồn lợi thủy sản; xây dựng
cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp, xác định và phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản
vùng vùng lộng, ven bờ và khai thác nội địa phù hợp với tình hình thực tế và khả
năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản. Phát triển nuôi trồng thủy sản
thâm canh tập trung theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; đảm bảo hiệu
quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, đảm bảo an toàn sinh
học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân từ 3,5 đến
4,0%/năm, giá trị gia tăng bình quân từ 3,3 đến 3,8%/năm. Cơ cấu lại sản xuất
theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng từ 4,2% hiện nay lên khoảng 10%
năm 2025, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác từ 95,8% hiện nay xuống còn khoảng
90% năm 2025.
d) Lĩnh vực lâm nghiệp
Bảo vệ và xây dựng ổn định diện tích rừng tự nhiên
hiện có, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất. Phát
huy chức năng phòng hộ đầu nguồn, nâng độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt trên
58%, góp phần cải thiện môi trường, cân bằng sinh thái, chống xói mòn, hạn chế
thiên tai, tạo nguồn sinh thủy và bảo tồn tính đa dạng sinh học. Cụ thể như
sau:
- Về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các khu
rừng đặc dụng, phòng hộ: bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích rừng
hiện có 311.275,01 ha. Tiếp tục thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng giai đoạn
2021 - 2025 của các chương trình, dự án là 608.236,0 lượt ha (bình quân
121.647,2 ha/năm).
- Về phát triển rừng: kế hoạch trồng rừng tập trung
giai đoạn 2021 - 2025 diện tích 40.000 ha (bình quân 8.000 ha/năm); trong đó trồng
rừng phòng hộ, đặc dụng 1.525,00 ha (bình quân 305,0 ha/năm); trồng rừng sản xuất
38.475,0 ha (bình quân 7.695,0 ha/năm). Tiếp tục triển khai trồng rừng gỗ lớn gắn
với cấp chứng chỉ rừng theo Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình
Định giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2035; theo đó đến năm 2025, diện
tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn 10.000 ha; năng suất bình quân trên
20m3/ha/năm; tỷ lệ sản lượng gỗ lớn bình quân đạt 50 - 60%. Nâng cao năng suất,
chất lượng rừng trồng; trong đó, năng suất bình quân khi khai thác chính dự kiến
khoảng 150 tấn/ha, dự kiến sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng giai đoạn 2021
- 2025 là 4.000.000 tấn.
- Về quản lý rừng bền vững: triển khai thực hiện
Phương án quản lý rừng bền vững đối với các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng
trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025 có 10.000 ha diện tích rừng được cấp
chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
đ) Lĩnh vực diêm nghiệp
Trong giai đoạn 2021 - 2025, đẩy mạnh ứng dụng các
tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng
muối và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ
với các cơ sở chế biến muối trong và ngoài tỉnh (đặc biệt là các cơ sở chế biến
trong tỉnh). Phát triển các sản phẩm OCOP từ muối. Nâng cao chất lượng muối
tinh, muối tinh trộn I- ốt và đa dạng hoá các sản phẩm từ muối, đáp ứng yêu cầu
sức khoẻ và thị hiếu của người tiêu dùng (chú trọng sản xuất, chế biến muối chứa
nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi
cho sức khỏe)
Đến năm 2025, diện tích sản xuất muối của tỉnh (tại
02 huyện Phù Mỹ và Phù Cát) là 140 ha; trong đó: sản xuất muối công nghiệp là
11 ha, sản xuất muối trải bạt ô kết tinh là 70 ha, sản xuất theo truyền thống
là 59 ha; sản lượng muối toàn tỉnh đạt 25.000 tấn (Phù Mỹ 13.000 tấn; Phù Cát
12.000 tấn); năng suất muối bình quân đến năm 2025 đạt 178,5 tấn/ha.
3. Cơ cấu lại sản xuất theo
vùng
Đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển sản xuất
nông nghiệp bền vững giữa các địa phương nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của
mỗi vùng và của từng địa phương; cụ thể như sau:
a) Vùng đồng bằng
- Về trồng trọt: phát triển lúa thương phẩm, lúa giống;
phát triển vùng sản xuất cây lạc, ngô; phát triển vùng sản xuất rau dưa các loại;
đầu tư thâm canh nâng cao chất lượng dừa chế biến và dừa lấy nước.
- Về chăn nuôi: tập trung phát triển các dự án chăn
nuôi công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào
các trang trại chăn nuôi hiện có; giảm dần quy mô chăn nuôi nông hộ, đảm bảo
khoảng cách theo quy định cho từng vùng quy mô chăn nuôi; phát triển nghề nuôi
chim yến có sự kiểm soát; xây dựng Vùng chăn nuôi công nghệ cao của tỉnh tại xã
Nhơn Tân, thị xã An Nhơn.
- Về thủy sản: phát triển nuôi thủy sản nước lợ ở
các khu vực cửa sông, ven biển, nuôi tôm trên cát, vùng trọng điểm sản xuất tôm
giống. Tổ chức hợp lý khai thác vùng lộng, vùng khơi, nhất là nghề câu cá ngừ đại
dương và nghề vây. Xây dựng trung tâm nghề cá của tỉnh tại vùng biển Tam Quan Bắc,
thị xã Hoài Nhơn. Phát triển mô hình nuôi biển cộng đồng, mô hình nuôi biển ứng
dụng công nghệ cao với các đối tượng có tiềm năng kinh tế, như: nhuyễn thể
(hàu, ốc hương), tôm hùm; cá biển (cá bốp, cá chẽm, cá mú ...) tại vùng biển
Quy Nhơn và Phù Mỹ. Phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển
tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ thành vùng nông nghiệp công nghệ cao của khu vực
miền Trung.
- Về lâm nghiệp: xây dựng vùng trồng rừng nguyên liệu
gắn với công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh tại các địa phương; bảo vệ và phát triển
hệ thống rừng phòng hộ ven biển.
- Về kinh tế nông thôn: phát triển các loại hình du
lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái vùng ven đầm, ven biển, các hồ chứa thủy lợi;
du lịch làng nghề truyền thống gắn với các sản phần OCOP, du lịch văn hóa, lịch
sử.
b) Vùng trung du
- Về trồng trọt: ưu tiên phát triển ngô, sắn, lạc,
lúa, điều, cây thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả...
- Về chăn nuôi: phát triển chăn nuôi quy mô trang
trại, ưu tiên trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với các
loại vật nuôi, như: bò thịt chất lượng cao, lợn và gà cao sản; phát triển chăn
nuôi gà thả đồi; phát triển nghề nuôi chim yến có sự kiểm soát; xây dựng vùng
chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh.
- Về thủy sản: phát triển diện tích nuôi cá nước ngọt
tại các hồ chứa thủy lợi phù hợp với điều kiện hiện có và khả năng mở rộng thị
trường.
- Về lâm nghiệp: phát triển trồng rừng nguyên liệu
có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; xây dựng vùng trồng rừng nguyên liệu gắn với
công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh.
- Về kinh tế nông thôn: phát triển các loại hình du
lịch sinh thái gắn với các sản phần OCOP của địa phương; du lịch sinh thái gắn
với cảnh quan thiên nhiên, du lịch văn hóa, lịch sử.
c) Vùng miền núi
- Về trồng trọt: ổn định diện tích trồng lúa nước
nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực tại chỗ; phát triển cây dược liệu, rau đậu, cây
ăn quả, ngô, sắn...
- Về chăn nuôi: phát triển chăn nuôi quy mô trang
trại, ưu tiên trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với các
loại vật nuôi, như: bò thịt chất lượng cao; lợn đen địa phương; phát triển chăn
nuôi gà thả đồi; phát triển nghề nuôi chim yến có sự kiểm soát.
- Về thủy sản: phát triển diện tích nuôi cá nước ngọt,
cá nước lạnh (cá rô phi, cá tầm,.) tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phù hợp
với điều kiện hiện có và khả năng mở rộng thị trường.
- Về lâm nghiệp: bảo vệ và phát triển rừng tự
nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để duy trì nguồn nước, bảo vệ đất, đặc biệt
ở những khu vực có nguy cơ xói mòn cao, đảm bảo duy trì đa dạng sinh học; phát
triển rừng trồng sản xuất.
- Về kinh tế nông thôn: phát triển các loại hình du
lịch sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn.
d) Vùng đô thị
- Về trồng trọt: phát triển nông nghiệp đô thị,
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: rau, hoa.
- Về chăn nuôi: di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi
khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư tập trung xây dựng nhà ở liền kề - khu vực
không được phép chăn nuôi.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các
cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Trung ương và của tỉnh đã
được ban hành; đồng thời rà soát, bổ sung một số quy định, cơ chế, chính sách,
như: cơ chế tạo điều kiện để sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp nhằm tổ chức sản
xuất theo hướng tập trung; ban hành chính sách hỗ trợ chuyển giao ứng dụng tiến
bộ kỹ thuật; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu
cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố,
thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim
yến trên địa bàn tỉnh; chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi; chính sách hỗ
trợ xây dựng chợ đầu mối để tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh,...
2. Đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật,
công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ sinh học trong
khâu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản và kỹ thuật canh tác, kỹ
thuật nuôi trồng, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tăng cường
công tác chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất,
chất lượng cao vào sản xuất để tăng nhanh năng suất, chất lượng và hiệu quả
trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.
3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ
chức sản xuất, năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân trong
việc tổ chức sản xuất theo chuỗi từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến
nông sản và tiếp cận thị trường. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và
tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, tăng cường khuyến khích, kêu gọi các
doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, xác định doanh
nghiệp giữ vai trò là “trụ cột”, nòng cốt, dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ,
trình độ quản trị vào chuỗi giá trị.
4. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông
thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường
liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại
với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi
khí hậu.
Tiếp tục hoàn thiện thủy lợi nội đồng, phát triển
thủy lợi nhỏ trên địa bàn tỉnh; trong đó, ưu tiên hoàn thiện hệ thống thủy lợi
đảm bảo chủ động cấp nước cho diện tích chuyên trồng lúa, diện tích các cây trồng
cạn chủ lực của tỉnh, vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung theo hướng
công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống
thiên tai đồng bộ, đảm bảo đủ khả năng chống chịu trước thiên tai và giảm thiểu
thiệt hại về người và sản xuất; trong đó, ưu tiên sửa chữa nâng cấp 12 hồ chứa
xung yếu; nghiên cứu đề xuất nâng cấp hồ Định Bình tăng dung tích chứa nước, chủ
động điều tiết giảm ngập lụt cho vùng An Nhơn, Tuy Phước, đồng thời chuyển nước
từ hồ Định Bình đến các vùng hạn, chuyển nước hồ Đồng Mít từ Lại Giang vào Bắc
Phù Mỹ.
Tập trung đầu tư phát triển cảng cá kết hợp với khu
neo đậu tàu thuyền nghề cá để tăng hiệu quả đầu tư, trong đó, đầu tư nâng cấp cảng
cá Tam Quan, Đề Gi kết hợp với đầu tư đồng bộ khu neo đậu tàu thuyền nghề cá để
tăng hiệu quả đầu tư, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
5. Có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện cơ giới
hóa và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả sản xuất; áp dụng
cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm
nông nghiệp, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi.
Phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp.
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với
phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ,
theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa
học kỹ thuật, công nghệ cao thân thiện với môi trường và hệ thống quản lý chất
lượng hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến,
tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến
từ các phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng; đảm bảo kiểm
soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng
tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường.
6. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo
chất lượng, an toàn thực phẩm. Phát triển các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi
trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, nhất là ở các vùng sản xuất
hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.
Tăng cường hệ thống kiểm soát dịch hại, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi.
7. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục
vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; ưu tiên đào tạo nhân lực có trình
độ chuyên môn cao, đủ khả năng tiếp cận, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện
đại để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, kịp thời giải quyết các vấn đề,
thách thức của ngành do biến đổi khí hậu và dịch bệnh gây ra. Đào tạo nghề cho
lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp
tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông
thôn. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp các cấp
chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
8. Đẩy nhanh hoàn thành xây dựng thương hiệu cho
các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương gắn với
chỉ dẫn địa lý, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi
trường, phát triển mạnh thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
9. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động
nhân dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là ở các làng nghề;
các khu xử lý rác thải tập trung đảm bảo thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải,
chất thải rắn đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp
tiết kiệm nước và vật tư nông nghiệp, giảm phát khí thải nhà kính.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan của
tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch này; phân
công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chuyên môn của Sở và hướng dẫn các địa
phương triển khai thực hiện.
- Căn cứ Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá ban hành tại
Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Cục
Thống kê tỉnh và các địa phương tổ chức thực hiện tiêu chí giám sát, đánh giá
trên địa bàn tỉnh; thường xuyên đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch
cơ cấu lại theo Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết
quả thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả
các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn của Trung ương
và tỉnh đã được ban hành. Đồng thời nghiên cứu đề xuất ban hành một số cơ chế,
chính sách của tỉnh để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành
nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
- Xây dựng các chương trình, đề án, dự án trọng điểm
phát triển nông nghiệp phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng vùng, địa
phương; trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh
và các sản phẩm đặc sản của địa phương gắn với công nghiệp chế biến nông sản.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên
quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển để xây dựng
kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp
trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và
ngoài nước tham gia đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính
- Cân đối, đề xuất bố trí nguồn ngân sách để triển
khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đặc biệt bố
trí đủ nguồn lực và kịp thời để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông
nghiệp, nông thôn của tỉnh và các chính sách của Trung ương.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở,
ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tài chính phủ hợp
với Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 theo
quy định hiện hành.
- Cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí chi thường xuyên
cho hoạt động của hệ thống quản lý ngành nông nghiệp của tỉnh để thực hiện cơ cấu
lại ngành nông nghiệp theo phân cấp ngân sách, phù hợp với quy định của Luật
Ngân sách và các văn bản hướng dẫn.
4. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và
địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại
sản phẩm nông sản. Tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách và hoạt động thúc
đẩy tiêu thụ nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp
tham gia chuỗi cung ứng thương mại điện tử.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng
cường rà soát các hàng rào kỹ thuật và thương mại đối với nông sản xuất khẩu.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp
và PTNT, các sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng chính sách ưu tiên
thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh
doanh nông nghiệp gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển dịch
cơ cấu lao động ở nông thôn. Đề xuất xây dựng và đẩy mạnh triển khai các cơ chế,
chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp.
- Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải
pháp thu hút các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics, chợ đầu mối nông
sản gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, các chợ liên xã, liên vùng tại
các huyện hoặc khu vực miền núi.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành
liên quan đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan hỗ trợ
tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và
tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên các đề xuất nhiệm vụ của Kế
hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở đề xuất đặt hàng của Sở Nông nghiệp
và PTNT và các đơn vị liên quan.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, hỗ
trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, bảo vệ và khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, sản
phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các
địa phương rà soát, quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan
đến quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức cá nhân làm
thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế nông nghiệp.
- Đề xuất các chính sách liên quan đến đất đai theo
hướng tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
7. Sở Lao động Thương binh và
Xã hội
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ
đào tạo nghề nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn;
đào tạo nghề gắn với địa chỉ sử dụng lao động cụ thể (doanh nghiệp, cơ sở kinh
doanh, hợp tác xã...).
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT lập
kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ sản
xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản nông sản đáp ứng nhu cầu của cơ cấu lại
ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
8. Ngân hàng Nhà nước tỉnh
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng
phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn
đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn và tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để
các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là các doanh
nghiệp đầu tư vào dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ,
công nghiệp chế biến nông sản.
- Tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp,
hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn
tín dụng.
9. Các sở, ban, ngành khác
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong tổ chức
thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025;
đề xuất UBND tỉnh những vấn đề liên quan đến lĩnh vực của ngành quản lý, kịp thời
giải quyết các vướng mắc để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành
nông nghiệp của tỉnh.
10. Các hội, hiệp hội, tổ chức
chính trị - xã hội
Tham gia thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên
truyền và hỗ trợ hội viên, nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh
nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình
ký kết và thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản.
11. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
- Xây dựng kế hoạch sản xuất, rà soát, điều chỉnh
cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông
nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi địa
phương, xác định lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp có lợi
thế, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ và theo định hướng phát triển
của tỉnh để tập trung ưu tiên sản xuất.
- Tăng cường phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và
PTNT trong công tác chỉ đạo, phát triển sản xuất nông nghiệp; có cơ chế hỗ trợ
từ ngân sách địa phương gắn với các chương trình, dự án, chính sách của tỉnh nhằm
thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
- Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của tỉnh để
khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương,
thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn./.