Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 435-LN Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp Người ký: Nguyễn Tạo
Ngày ban hành: 24/07/1964 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 435-LN

Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 1964

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC TRẠI CHĂN NUÔI TRÂU VÀ CHẾ ĐỘ CHĂN NUÔI TRÂU ĐỂ CUNG CẤP SỨC KÉO CHO CÁC CƠ SỞ KHAI THÁC LÂM SẢN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Căn cứ vào Nghị định số 140-CP ngày 29-09-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Lâm nghiệp;
Để tăng cường và cải tiến tổ chức quản lý việc chăn nuôi trâu kéo cung cấp cho các cơ sở khai thác lâm sản;
Theo đề nghị của các ông Cục trưởng Cục Khai thác vận chuyển phân phối lâm sản, Cục Kiến thiết cơ bản, ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Ban hành kèm theo quyết định này hai bản điều lệ tổ chức trại chăn nuôi trâu và chế độ chăn nuôi trâu để cung cấp sức kéo cho các cơ sở khai thác lâm sản.

Điều 2.Kể từ ngày ban hành quyết định này việc tổ chức trại chăn nuôi trâu kéo và việc chăn nuôi trâu kéo trong ngành lâm nghiệp phải tiến hành theo các quy định của điều lệ và chế độ.

Điều 3.Các ông Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục Khai thác vận chuyển phân phối lâm sản, Cục trưởng Cục Kiến thiết cơ bản, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, các ông Trưởng ty Lâm nghiệp và Giám đốc lâm trường trực thuộc chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP




Nguyễn Tạo

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC TRẠI CHĂN NUÔI TRÂU ĐỂ CUNG CẤP SỨC KÉO CHO CÁC CƠ SỞ KHAI THÁC LÂM SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 435-LN ngày 24 tháng 07 năm 1964)

Mục đích ý nghĩa:

Trong điều kiện hiện nay và một thời gian sau này phương tiện vận xuất lâm sản chủ yếu vẫn là trâu kéo. Khối lượng lâm sản khai thác ngày càng nhiều thì yêu cầu về trâu kéo ngày càng tăng.

Trong mấy năm nay ngành lâm nghiệp đã mua hơn một vạn trâu kéo và hàng năm vẫn phải mua thêm một số lớn để thay thế những con già yếu và cung cấp cho những nhu cầu mới. Việc mua trâu kéo gặp nhiều khó khăn phần vì phải chọn lọc kỹ để đảm bảo tiêu chuẩn, phần vì giá cả lên quá cao, nguồn hàng không đạt kế hoạch mua trâu.

Để giảm bớt tình trạng bị lệ thuộc vào các điều kiện thị trường, để giành được chủ động trong việc giải quyết sức kéo cho khâu khai thác lâm sản, ngành lâm nghiệp cần tổ chức các trại chăn nuôi trâu kéo để tiến tới sự giải quyết đầy đủ các nhu cầu.

Điều lệ này được ban hành nhằm đặt cơ sở cho việc tổ chức và quản lý chăn nuôi trâu kéo.

Chương 1:

NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC

Điều 1. Trại chăn nuôi trâu kéo có những nhiệm vụ sau đây:

1. Mua trâu nghé, trâu giống tốt theo chính sách, kế hoạch và giá cả đã được quy định; bảo quản chăn nuôi và phát triển đàn trâu để có trâu béo, khỏe cung cấp cho các cơ sở khai thác lâm sản theo sự phân phối của cấp trên;

2. Kết hợp với việc chăn nuôi trâu kéo là chủ yếu, có thể tùy theo điều kiện cụ thể của trại mà chăn nuôi thêm bò, dê, cừu, gà, vịt, ngan, ngỗng, lươn, ếch, thả cá v.v...;

3. Tổ chức vệ sinh phòng trừ bệnh dịch cho trâu và các gia súc khác của trại;

4. Tăng gia sản xuất trồng trọt để cung cấp thức ăn cho gia súc đồng thời có thêm lương thực, thực phẩm để cải thiện đời sống của cán bộ, công nhân viên của trại;

5. Quản lý lao động, tài sản vật tư của trại theo đúng các thể lệ, chế độ hiện hành.

Điều 2. Tổng cục quyết định việc thành lập trại chăn nuôi trâu kéo tùy theo nhu cầu của ngành.

Trại chăn nuôi trâu kéo do Ty Lâm nghiệp hoặc lâm trường quốc doanh trực thuộc Tổng cục quản lý.

Ty hoặc lâm trường có trách nhiệm xây dựng trại thành đơn vị hạch toán kinh tế độc lập.

Điều 3.Trại chăn nuôi trâu kéo do một trưởng trại phụ trách và có một phó trại giúp việc.

Trưởng trại có trách nhiệm quản lý trại về mọi mặt theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, theo đúng các thể lệ, chế độ hiện hành và có quyền quyết định mọi công việc của trại.

Phó trại giúp trưởng trại trong việc quản lý trại và được phân công phụ trách một phần công việc của trại.

Điều 4.Tổ chức bộ máy của trại chăn nuôi trâu kéo gồm có:

a) Bộ phận quản lý:

1. Tổ kế hoạch thống kê, tài vụ, kế toán;

2. Tổ hành chính, quản trị, nhân sự, bảo vệ;

3. Tổ kỹ thuật (cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y);

4. Kho.

b) Bộ phận trực tiếp sản xuất:

1. Tổ chăn nuôi;

2. Tổ trồng trọt;

3. Một số tổ khác tùy theo sự cần thiết.

Biên chế của trại do Tổng cục quyết định theo đề nghị của Ty hoặc lâm trường.

Điều 5.Cục khai thác vận chuyển phân phối lâm sản và các Cục, Vụ khác có liên quan có trách nhiệm giúp Tổng cục trong việc lãnh đạo công tác chăn nuôi trâu kéo, trong việc chỉ đạo và kiểm tra các Ty, lâm trường tổ chức và quản lý trại chăn nuôi trâu kéo, cụ thể là:

- Vụ Kế hoạch, Vụ Kế toán tài vụ, Cục Kiến thiết cơ bản cấp vốn và thiết kế chuồng trại;

- Vụ Tổ chức cán bộ cung cấp cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y;

- Cục Cơ khí vật tư đôn đốc thu mua trâu nghé;

- Cục Khai thác vận chuyển phân phối lâm sản trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra việc tổ chức và quản lý trại chăn nuôi.

Chương 2:

ĐỊA ĐIỂM, TRANG THIẾT BỊ CHO CHUỒNG TRẠI

Điều 6.Địa điểm được chọn làm nơi xây dựng trại chăn nuôi trâu kéo phải có đủ những điều kiện sau đây:

- Địa điểm cao ráo, thoáng khí, gần nguồn nước đủ đảm bảo nhu cầu về nước cho người và gia súc ở trại, tương đối xa nơi dân cư ở tập trung;

- Có đủ diện tích đồng cỏ tốt bảo đảm cho mỗi đầu trâu là một éc-ta; có đủ ruộng đất để trồng trọt và trồng cỏ, đào ao hồ, xây dựng chuồng trại;

- Tiện cho việc kiểm soát và bảo vệ gia súc, đề phòng được thú dữ, tiện cho việc đi lại.

Điều 7.Trại chăn nuôi phải quy hoạch thành hai khu vực riêng biệt: khu ăn ở của cán bộ, công nhân viên và khu chăn nuôi. Hai khu này phải cách xa nhau để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên.

Điều 8.Chuồng trại đặt ở trung tâm đồng cỏ để thuận tiện cho việc chăm sóc, cho trâu bò đi về, cho việc điều hòa đồi cỏ, hạn chế được tình trạng ăn nơi gần bỏ nơi xa.

Diện tích của chuồng trại phải bảo đảm cho mỗi con trâu đực giống 7m2 50, mỗi con trâu cái đẻ 5m2, mỗi con trâu nghé (một đến hai tuổi) 2m2 50.

Nền chuồng phải được đầm kỹ, lợi dụng thế đất hơi nghiêng, có rãnh thoát nước.

Chuồng trại phải có sức mở ra ba hướng theo vùng cỏ để có thể chủ động điều khiển trâu đi ra theo hướng định chăn, phải có rào cứng chắc xung quanh chuồng để có thể thả trâu đi lại thoải mái bên trong rào, không phải buộc trâu, nhốt trâu trong chuồng.

Điều 9.Phải phân loại đàn gia súc để chăn dắt riêng, có chuồng riêng cho từng loại trâu đực, trâu cái, trâu cái chửa, nghé, trâu có bệnh và có chuồng riêng cho các loại gia súc khác nuôi thêm.

Điều 10.Ngoài chuồng trại để nuôi giữ trâu và các gia súc khác, còn có:

- Kho dụng cụ, vật liệu;

- Kho dự trữ và nơi chế biến thức ăn cho gia súc;

- Nơi chứa phân;

- Nơi chứa nước và ao cho trâu đầm;

Điều 11.Cần trồng cây to (như mít, nhãn, chẩu v.v...) trên đồng cỏ chăn nuôi và xung quanh chuồng trại để lấy bóng mát cho trâu trong mùa hè, để bảo vệ và cải tạo đồng cỏ đồng thời tăng thu nhập cho trại.

Chương 3:

CHĂN NUÔI, CHĂM SÓC TRÂU

Điều 12.Trâu mới đem về trại phải có tiểu ban thu nhận và lập biên bản. Tiểu ban thu nhận trâu gồm có:

- Trưởng hoặc phó trại;

- Cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y;

- Cán bộ tài vụ;

- Thủ kho;

- Tổ trưởng chăn nuôi.

Điều 13.Việc thu nhận, chăn nuôi, chăm sóc trâu, việc vệ sinh phòng bệnh, bảo hộ lao động phải được tiến hành theo đúng chế độ chăn nuôi trâu do Tổng cục ban hành cùng với điều lệ này.

Điều 14.Khi có dịch phát sinh phải thành lập ban chống dịch gồm có:

- Trưởng trại làm                                                             trưởng ban

- Đại diện Đảng bộ ở cơ sở                                              phó ban

- Đại diện Công Đoàn cơ sở                                            ủy viên

- Cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y cơ sở                            ủy viên

- Cán bộ bảo vệ cơ sở                                                     ủy viên

để huy động toàn thể cán bộ, công nhân viên chức áp dụng mọi biện pháp chống dịch.

Trưởng trại liên hệ với chính quyền địa phương và nhân dân địa phương để ngăn ngừa dịch tràn lan.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 15.Căn cứ vào điều lệ và chế độ chung do Tổng cục ban hành, trưởng trại chăn nuôi trâu kéo có trách nhiệm xây dựng các chế độ nội quy công tác cụ thể cho trại và cho từng tổ công tác, tổ chức cho toàn thể cán bộ, công nhân viên học tập các điều lệ, chế độ, nội quy và kiểm tra việc chấp hành các điều lệ, chế độ, nội quy ấy.

Điều 16.Trại phải có nội quy bảo vệ kinh tế, bảo vệ trật tự an ninh vệ sinh, nội quy phòng cháy và chữa cháy.

Điều 17.Những người có thành tích trong việc chấp hành các điều lệ, chế độ, nội quy sẽ được khen thưởng, những người vi phạm sẽ bị thi hành kỷ luật theo các thể lệ, chế độ chung về khen thưởng và kỷ luật.

Điều 18.Ông Cục trưởng Cục Khai thác vận chuyển phân phối lâm sản có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra các Ty, các lâm trường trực thuộc trong việc quản lý các trại chăn nuôi trâu kéo.

Các ông Trưởng ty Lâm nghiệp, Giám đốc lâm trường trực thuộc có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và có kế hoạch thường xuyên kiểm tra công tác của trại chăn nuôi thuộc Ty lâm trường quản lý.

CHẾ ĐỘ

CHĂN NUÔI TRÂU ĐỂ CUNG CẤP SỨC KÉO CHO CÁC CƠ SỞ KHAI THÁC LÂM SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 435-LN ngày 24-07-1964)

Căn cứ vào điều lệ tổ chức trại chăn nuôi trâu để cung cấp sức kéo cho các cơ sở khai thác lâm sản do Tổng cục ban hành cùng với chế độ này, để cải tiến phương pháp công tác, đưa việc chăn nuôi trâu kéo đi dần vào nền nếp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công nhân viên trại chăn nuôi nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp sức kéo cho các cơ sở khai thác lâm sản, tăng cường, quản lý tài sản, nay ban hành chế độ công tác ở các trại chăn nuôi trâu kéo của ngành lâm nghiệp như sau:

I. CHẾ ĐỘ MUA VÀ NHẬN TRÂU

Điều 1.Quy mô chăn nuôi trâu trung bình của mỗi trại là hai trăm con trâu, gồm có 150 trâu nghé đực tốt dưới ba tuổi, 48 trâu cái đẻ và 2 trâu đực giống tốt. Đàn trâu chăn nuôi ở mỗi trại có thể nhiều hơn hoặc ít hơn quy mô trung bình nói trên tùy theo điều kiện cụ thể của trại.

Trưởng ty Lâm nghiệp, Giám đốc lâm trường phải có kế hoạch dự trù mua trâu và dụng cụ thiết bị cần thiết giao cho trưởng trại chịu trách nhiệm quản lý.

Điều 2.Phải chú trọng chọn lọc giống, gây giống và cải tạo giống. Chỉ được mua và nhận trâu lành mạnh, giống tốt, không mua và nhận trâu ốm, giống xấu hoặc trâu ở vùng đang có dịch.

Cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú ý (dưới đây gọi tắt là cán bộ kỹ thuật) cùng đi với cán bộ mua, nhận trâu để lựa chọn và khám trâu trước khi mua, nhận về.

Điều 3.Mỗi khi mua trâu, nhận trâu ở nơi khác chuyển đến phải có hóa đơn, chứng từ đầy đủ và hợp lệ.

Khi trâu mới mua, mới chuyển về trại, tiểu ban thu nhận phải lập biên bản. Tiểu ban này gồm có:

- Trưởng hoặc phó trạm;

- Cán bộ kỹ thuật;

- Cán bộ kế hoạch tài vụ;

- Thủ kho;

- Tổ trưởng chăn nuôi.

Điều 4.Khi có trâu mới thu nhận, phải làm ngay mấy việc sau đây:

1. Đưa đến khu vực dành cho trâu mới đến, khu vực này cần đặt cách trại từ năm đến bảy cây số, không đặt ở đầu nguồn nước chảy hoặc phía trên trại; thủ kho và tổ trưởng chăn nuôi phải ghi ngay vào sổ trâu mới đến;

2. Đóng dấu nóng hoặc dấu bằng sơn trên sừng; mỗi năm một lần hoặc khi dấu mờ đi phải đóng dấu lại;

3. Đeo mõ gỗ hoặc mõ tre cho trâu, có ghi số hiệu của trâu;

4. Cán bộ kỹ thuật và tổ chăn nuôi tắm cọ trâu sạch sẽ, phân loại để nhốt vào ngăn riêng, tiêm phòng bệnh dịch, sau một thời gian theo dõi kỹ lưỡng độ 15 đến 20 ngày thì chuyển trâu lành mạnh sang khu chăn nuôi, loại nào theo loại ấy.

Điều 5.Mỗi tổ, mỗi người chăn nuôi phụ trách chăn nuôi, chăm sóc một số trâu nhất định theo tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định cho từng loại.

Trước khi tiếp nhận trâu mới đến, tổ chăn nuôi phải quét rửa chuồng, ngăn sạch sẽ, tẩy uế bằng nước sát trùng, quét vôi trắng tường, bỏ chuồng ngăn không vài ngày.

Ở mỗi ngăn có trâu đều có bảng ghi rõ số đầu trâu hiện có. Mỗi khi có sự thay đổi về số lượng phải ghi ngay vào sổ của thủ kho và của tổ trưởng, đồng thời điều chỉnh bảng ghi số đầu trầu treo ở ngăn.

II. CHẾ ĐỘ CHO TRÂU ĂN, UỐNG

Điều 6.Cần lập quy hoạch đồng cỏ, áp dụng cách luân chăn, thường xuyên bảo vệ và cải tạo đồng cỏ, trồng thêm và tìm những nguồn thức ăn mới dự trữ cho mùa đông và những ngày mưa gió để đảm bảo có nguồn cung cấp thức ăn cho trâu được đầy đủ và đều đặn quanh năm, đảm bảo cho trâu ăn no đủ mùa hè cũng như mùa đông.

Điều 7.Biện pháp chăn nuôi chủ yếu là thả rông trên đồng cỏ, kết hợp với việc nuôi ở chuồng trong những ngày mưa, gió rét.

Phải tích cực phát dọn, quy hoạch xây dựng đồng cỏ thiên nhiên theo tiêu chuẩn mỗi trâu một éc-ta đồng cỏ.

Ngoài nguồn cỏ tự nhiên, để chủ động giải quyết thức ăn cho trâu trong mùa đông cần trồng thêm cỏ theo tiêu chuẩn 25 trâu một éc-ta – Tùy theo khí hậu, đất đai của từng nơi mà chọn giống cỏ cho thích hợp với hoàn cảnh thiên nhiên ở đó: cỏ voi, cỏ tây Nghệ An, cỏ xu-đăng, cỏ sữa, cỏ dầy.

Ngoài ra có thể sản xuất:

- Lúa để lấy gạo cho người và rơm cho trâu;

- Ngô để lấy bắp và cây;

- Khoai lang để lấy củ và dây;

- Mía để lấy ngọn và lá.

Điều 8.Để bảo vệ và cải tạo đồng cỏ, lấy bóng mát cho trâu nghỉ lúc nắng, kết hợp có thêm nguồn thức ăn cho trâu đồng thời tăng thu nhập cho trại, cần trồng cây ăn quả lớn trên đồng cỏ chăn nuôi và xung quanh chuồng trại, ví dụ trồng cây mít để lấy lá cho trâu ăn mùa đông, thêm thức ăn cho lợn và thêm quả cho người. Trồng thưa thành hàng cách nhau 10 mét, mỗi cây cách nhau 5 mét, và phải chăm sóc cho cây mọc và phát triển tốt.

Điều 9.Hàng ngày phải bảo đảm cho mỗi con trâu được ăn theo đúng khẩu phần được ấn định cho từng loại trâu to nhỏ, lành mạnh hoặc ốm yếu, chửa đẻ, đang thời kỳ lấy giống.

Dưới đây hướng dẫn khẩu phần hàng ngày của mỗi con trâu thuộc từng loại:

1. Trâu bình thường:

Chủ yếu là chăn thả trên đồng cỏ để cho ăn. Về mùa đông, lúc ban đêm cho ăn thêm 10 ki-lô cỏ hoặc 8 ki-lô rơm.

Trường hợp mưa, bão rét không chăn thả được thì cắt cỏ về hoặc lấy cỏ rơm dự trữ cho ăn độ 50 ki-lô. Nếu cho thức ăn khác thì phải bảo đảm chất dinh dưỡng tương đương với 50 ki-lô cỏ.

2. Trâu ốm yếu:

a) Trâu còn chăn thả được;

- Ban ngày thả cho ăn;

- Tối về cho ăn thêm 10 ki-lô cỏ và cho ăn thêm chất bột (0,300kg gạo hoặc nửa ki-lô ngô nấu cháo, hoặc 1 ki-lô cám, hoặc 2 ki-lô khoai); cho thêm 30 gam muối hòa vào nước rồi vẩy vào cỏ hoặc hòa vào nước gạo cho uống.

b) Trâu không chăn thả được:

- Cho ăn 50 ki-lô cỏ làm ba lần (sáng, trưa, chiều), bỏ dần dần để tránh trâu dẫm nát;

- Cho ăn thêm chất bột và muối như trên.

3. Trâu chửa đẻ:

- Ngày chăn thả như thường lệ;

- Tối về cho ăn 10 ki-lô cỏ hoặc 8 ki-lô rơm;

- Khi chửa được sáu tháng trở đi, cho ăn thêm các loại cây có chất đạm, khoáng như cây đậu, lạc, ngô non v.v... và chất bột (như cho trâu ốm yếu).

4. Trâu giống:

- Những ngày không nhẩy: cho ăn như trâu bình thường;

- Những ngày nhẩy: cho ăn bồi dưỡng như đối với trâu ốm, từ hai ngày ba ngày trước ngày nhẩy.

5. Nghé mới đẻ:

Phải chú ý cho ăn uống sạch sẽ.

- Nếu trâu mẹ ít sữa, bồi dưỡng cho trâu mẹ có sữa; lấy lá đậu ván, rau muống, hoa chuối giã vắt lấy nước cho nghé thay sữa;

- Nghé được 20 ngày, cho ăn chất mềm như cháo rao muống, cỏ non;

- Nghé được bốn tháng trở lên, cho ăn như trâu bình thường và bồi dưỡng thêm mỗi ngày nửa ki-lô cám cho đến khi được một năm.

Về mùa đông, không có đủ thức ăn tươi thì cho trâu ăn thức ăn khô như bắp, khoai củ, rơm, cỏ phơi khô, lá mít, với chất lượng tương đương với khẩu phần ấn định trên, đồng thời cần chú ý tăng chất dinh dưỡng cho trâu có đủ sức chống đỡ với giá rét.

Điều 10.Nước uống rất cần thiết cho trâu, mùa nóng cũng như mùa lạnh, nhất là mùa đông trâu thường ăn cỏ khô, rơm khô ít nước. Trung bình mỗi trâu hàng ngày uống 40 lít nước.

Nước uống cho trâu phải bảo đảm đầy đủ sạch sẽ, tuyệt đối không cho uống nước ao tù, nước vũng trâu đầm. Mùa rét phải đun nước ấm cho trâu uống.

Hàng ngày cho mỗi trâu độ 30 gam muối, pha vào nước uống hoặc hòa tan vào nước rồi vẩy vào cỏ, rơm cho ăn.

III. CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC, VỆ SINH, PHÒNG CHỮA BỆNH CHO TRÂU

Điều 11.Hàng ngày phải quét dọn chuồng thật sạch sẽ, không để ứ đọng phân và nước tiểu trong chuồng, hót phân vào hố ở xa chuồng.

Về mùa rét, trâu ít chịu lạnh, nhất thiết phải có phên che kín ấm cho trâu (nhất là che hướng bắc), đêm vào rét quá thì lấy rơm rạ, lá chuối khô lót ổ cho trâu nằm.

Ban ngày trời nắng, nhắc phên che chuồng ra cho thoáng khí, cho ánh sáng lọt vào tiêu diệt vi trùng và hạn chế ký sinh trùng phát triển.

Thường xuyên hun ruồi, muỗi, làm mành che muỗi cho trâu. Mùa ve vắt thì lấy phân trâu khô đánh thành đống để hun và nuôi gà để bắt ve vắt cho trâu.

Thường xuyên khơi thông cống rãnh, rải trắng vôi bột các cửa cống, cửa ra vào và đường đi giữa các chuồng. Mỗi tháng quét vôi trắng chuồng một lần.

Điều 12.Về mùa nóng: mỗi ngày cho trâu tắm một lần và cho trâu đầm một hai lần; hàng tuần phải cọ chải cho trâu một lần, bảo đảm cho thân thể trâu sạch sẽ, da bóng mịn, lông mượt, móng chân sạch, không bị bệnh móng chân; cho trâu uống nước sạch trước khi đầm (để trâu không uống nước bẩn).

Về mùa rét: một, hai ngày chải cọ cho trâu một lần, bắt ve, bắt rận cho trâu; tranh thủ những ngày nắng ấm để tắm cho trâu.

Không buộc trâu mà để cho trâu đi lại thoải mái bên trong hàng rào bao bọc xung quanh chuồng. Khi mưa rét thì lùa trâu vào chuồng.

Lúc chiều tối, trâu về chuồng, đếm số trâu ghi vào bảng treo ở ngăn, soát lại cửa chuồng và đóng chặt không để trâu sổng.

Những ngày mua to, bão lụt hoặc thay đổi thời tiết đột ngột phải có người thường trực ngày đêm theo dõi chăm sóc súc vật, che mưa che gió, chằng kho tàng chuồng trại cho vững chắc.

Trong quá trình chăn nuôi cần tập vực cho trâu.

Điều 13.Luôn luôn kiểm tra sức khỏe cho trâu.

Bôi thuốc sát trùng khi thấy trâu bị sây sát. Nếu phát hiện triệu chứng ốm đau, bệnh tật phải đánh dấu trâu, tẩy uế chuồng và báo cáo ngay với cán bộ kỹ thuật để cách ly, chữa và bồi dưỡng cho trâu.

Khi có bệnh truyền nhiễm phải tích cực chạy chữa; áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh tràn lan và tiêu diệt bệnh.

Cần mua thuốc phòng và chữa bệnh cho trâu, các dụng cụ như ống tiêm, kìm, kéo, cặp, bông, băng v.v...

Nên trồng cây xoan, cây lá ngón (có tính chất sát trùng) để lấy lá bỏ vào chuồng, để tắm cọ cho trâu.

Điều 14.Khi phát hiện có dịch trâu trong trại chăn nuôi hoặc ở địa phương nơi trại đóng, ngoài những biện pháp chống dịch thường xuyên, cấm ngặt việc xuất nhập trâu ở trại, hạn chế việc người ngoài ra vào trại, ngừng hẳn việc tham quan chuồng trại, và phải thành lập ban chống dịch của trại theo như điều 14 của điều lệ tổ chức trại quy định.

Ban chống dịch có nhiệm vụ:

- Huy động toàn thể cán bộ, công nhân viên chức áp dụng mọi biện pháp chống dịch;

- Nắm vững tình hình trâu ốm, chết và kiểm tra đôn đốc việc chấp hành các chủ trưởng, biện pháp đã đề ra;

- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, hợp tác xã nông nghiệp và nhân dân địa phương để nhanh chóng và kịp thời dập tắt nạn dịch ngay từ khi mới phát hiện;

Sau khi hết dịch, tổng kết kinh nghiệm, tìm nguyên nhân phát dịch để có biện pháp ngăn ngừa.

Điều 15.Trưởng trại phải có kế hoạch giải quyết những con trâu già, yếu không còn khả năng về sức kéo.

Trâu ốm hoặc chết phải được cán bộ kỹ thuật khám xét và tùy theo trường hợp nặng nhẹ, truyền nhiễm hay không mà đề nghị Ty, lâm trường cho phép:

- Đốt xác hoặc chôn sâu;

- Hủy bỏ lòng, lột da;

- Luộc thịt;

- Hoặc bán cho xí nghiệp thương nghiệp bán lẻ.

Điều 16.Trại chăn nuôi không được tự tiện mổ thịt trâu để sử dụng hoặc bán lẻ. Chỉ được mổ thịt những con trâu xét ra nuôi không lớn, không có lợi, trâu ốm què không chữa được, đã được cán bộ kỹ thuật khám xét và đề nghị Trưởng ty Lâm nghiệp hoặc Giám đốc lâm trường quyết định.

Điều 17. Mỗi khi giải quyết trâu ốm hoặc chết, mổ thịt trâu theo như quy định ở các điều 15 và 16 trên đây, phải có tiểu ban xác nhận, lập biên bản. Thành phần của tiểu ban này giống như tiểu ban thu nhận trâu nói ở điều 3 trên đây.

IV. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ BẢO VỆ TRẠI

Điều 18. Sổ sách ghi chép theo dõi phải luôn luôn ăn khớp với số lượng trâu thực có ở trại và phản ánh được tình hình biến đổi của số lượng trâu: Số trâu mới thu nhận, sinh sản thêm, trâu chuyển dịch trong nội bộ trại và xuất đi nơi khác, trâu chết hoặc đào thải, v.v…

Các loại đồ dùng, dụng cụ, vật liệu, tài sản khác của trại phải được bảo quản tốt và sắp xếp trật tự, vệ sinh, có sổ sách theo dõi ghi chép việc xuất nhập.

Phân chuồng và các sản phẩm khác của trại như gia súc nuôi thêm, ao cá, rau, hoa quả v.v… cần được chăm sóc quản lý tốt để tăng thu hoạch cho trại.

Việc phân phối, cung cấp sử dụng trâu và các sản phẩm khác của trại phải làm theo đúng các thể lệ, chế độ chung của Nhà nước và các quy định và kế hoạch của Tổng cục.

Điều 19. Trại phải có nội quy bảo vệ kinh tế, bảo vệ trật tự an ninh của trại, nội quy phòng cháy và chữa cháy.

Phải quy vùng khu vực chăn nuôi, rào kín xung quanh trại; mọi người đều ra vào qua cổng chính có người thường trực kiểm soát; cấm người ngoài mượn đường đi qua trại.

Phải thường xuyên giáo dục ý thức phòng cháy chữa cháy cho toàn thể cán bộ công nhân viên, tổ chức các đội phòng cháy chữa cháy có tính chất nghĩa vụ, các đội này phải thường xuyên tập dượt và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy.

Hàng tuần, hàng tháng có kiểm điểm tình hình chấp hành các nội quy bảo vệ, rút kinh nghiệm bổ sung nội quy, kịp thời biểu dương khen thưởng những tổ và cá nhân có thành tích, phê bình và thi hành kỷ luật đối với những người vi phạm.

V. CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG

Điều 20.Trưởng trại nghiên cứu định ra tiêu chuẩn lao động cho từng loại công việc và chế độ tiền thưởng căn cứ vào các thể lệ, chế độ chung hiện hành. Các tiêu chuẩn lao động và chế độ tiền thưởng này phải được Trưởng ty Lâm nghiệp hoặc Giám đốc lâm trường duyệt trước khi thi hành.

Điều 21.Phải có chế độ, nội quy vệ sinh phòng bệnh, bảo hộ lao động; mỗi người phải chấp hành các chế độ nội quy ấy để bảo đảm sức khỏe và điều kiện làm việc tốt.

Khi làm việc phải mặc quần áo làm việc mang vải che miệng, đi ủng; khi vào chuồng trâu phải đi qua cửa và dẫm ủng lên vôi bột, khi ra về phải rửa tay chân, thay quần áo ở nơi quy định. Không ăn uống khi còn ở trong chuồng trâu.

Điều 22.Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ cơ sở, trưởng trại có trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo phong trào thi đua của trại với sự tham gia của Công đoàn và Đoàn Thanh niên lao động.

Có thể áp dụng các hình thức thi đua như: phong trào đỡ đầu trâu, thi trâu v.v…

Điều 23.Hàng tuần, từ trưởng trại đến nhân viên văn phòng tham gia một buổi lao động trong các bộ phận chăn nuôi và trồng trọt.

VI. CHẾ ĐỘ KIỂM TRA VÀ KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 24.Trại chăn nuôi thực hiện lối làm việc có chế độ, nội quy công tác.

Căn cứ vào điều lệ và chế độ chung do Tổng cục ban hành, căn cứ vào tình hình đặc điểm của trại, sau khi cán bộ, công nhân viên của trại đã tham gia ý kiến, trưởng trại xây dựng các chế độ, nội quy công tác cụ thể áp dụng chung cho trại và riêng cho từng bộ phận công tác của trại.

Trưởng trại có trách nhiệm tổ chức cho toàn thể cán bộ, công nhân viên của trại học tập nắm vững các điều lệ, chế độ, nội quy để chấp hành và kiểm tra việc học tập, việc chấp hành, để góp ý kiến bổ sung cho thích hợp.

Cán bộ, công nhân viên mới đến nhận công tác ở trại phải được học tập các chế độ, nội quy trước khi bắt đầu làm việc.

Các chế độ, nội quy cần được niêm yết rõ ràng ở những nơi cán bộ, công nhân viên của trại thường hội họp, qua lại.

Điều 25.Hàng tháng hoặc hai tháng một lần Tổng cục (Cục Khai thác vận chuyển phân phối lâm sản) cử cán bộ đi kiểm tra các Ty, lâm trường trong việc chỉ đạo công tác của các trại chăn nuôi. Cán bộ đi kiểm tra phải xuống tận cơ sở chăn nuôi để nắm tình hình thực tế. Khi kiểm tra xong phải lập biên bản ghi nhận xét, kết luận, đề nghị của trại, Ty, lâm trường và cán bộ kiểm tra của Tổng cục, Biên bản này phải có chữ ký của trưởng trại, trưởng ty, giám đốc lâm trường và cán bộ kiểm tra của Tổng cục.

Tổng cục có thể cử cán bộ đi kiểm tra bất thường khi có dịch, có trâu chết hoặc khi xẩy ra sự việc gì nghiêm trọng khác. Khi kiểm tra bất thường cũng phải lập biên bản như nói ở trên đây.

Điều 26.Trưởng ty, giám đốc lâm trường phải có kế hoạch thường xuyên chỉ đạo và kiểm tra công tác của các trại chăn nuôi thuộc Ty, lâm trường quản lý. Mỗi tháng ít nhất một lần, trưởng hoặc phó ty, giám đốc hoặc phó giám đốc lâm trường phải xuống tận cơ sở chăn nuôi để kiểm tra, nắm tình hình thực tế.

Hàng tháng, hàng quý, hàng năm, trại có trách nhiệm báo cáo lên Ty và lâm trường về tình hình chăn nuôi theo mẫu báo cáo do Cục Khai thác vận chuyển phân phối lâm sản hướng dẫn và sao gửi báo cáo đó lên Tổng cục.

Trong các báo cáo công tác định kỳ của các Ty, lâm trường gửi lên Tổng cục phải có phần nói về công tác chăn nuôi trâu.

Điều 27.Cán bộ của Tổng cục cũng như cán bộ của Ty, lâm trường khi kiểm tra công tác chăn nuôi cần chú ý mấy điểm chính sau đây:

1. Tình hình chấp hành các chế độ, nội quy, căn cứ vào bản chế độ này của Tổng cục và các chế độ, nội quy của trại;

2. Kiểm tra sổ sách, chứng từ, sổ biên bản đối chiếu với tình hình thực tế của đàn gia súc, kho tàng v.v…;

3. Phát hiện những ưu điểm, kinh nghiệm sáng kiến tốt để biểu dương, khen thưởng, phổ biến những khuyết điểm để uốn nắn, xử lý và rút kinh nghiệm.

Cần chú ý đề phòng và phát hiện, xử lý nghiêm khắc đối với những hành động gian lận, tham ô, như: thông đồng mua đắt bán rẻ trâu; trao đổi trâu xấu lấy trâu tốt, trâu bé lấy trâu lớn; lấy bớt khẩu phần phần thức ăn của trâu, v.v…

Điều 28.Việc chấp hành tốt các điều lệ, chế độ, nội quy công tác là một trong các tiêu chuẩn thi đua của trại. Những người có thành tích trong việc chấp hành sẽ được khen thưởng, những người vi phạm sẽ bị thi hành kỷ luật theo các thể lệ, chế độ chung về khen thưởng và kỷ luật.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 435-LN ngày 24/07/1964 ban hành điều lệ tổ chức trại chăn nuôi trâu và chế độ chăn nuôi trâu để cung cấp sức kéo cho các cơ sở khai thác lâm sản do Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.645

DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.207.112
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!