Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 431/QĐ-BNN-TT năm 2024 phê duyệt “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030” (Gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu: 431/QĐ-BNN-TT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Phan Chí Hiếu
Ngày ban hành: 26/01/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 431/QĐ-BNN-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÂY CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC ĐẾN NĂM 2030
(Gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa)

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19/11/2018; Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng các Cục: Trồng trọt; Bảo vệ thực vật; Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch, Tài chính, Khoa học công nghệ và Môi trường, Hợp tác quốc tế; Chủ tịch UBND các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương có trồng, chế biến sản phẩm 6 cây công nghiệp chủ lực và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- UBND các tỉnh/TP trực thuộc TƯ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ NN và PTNT;
- Lưu: VT, TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN CÂY CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26 tháng 01 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)

I. QUAN ĐIỂM

1. Phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược Phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái; phù hợp với truyền thống sản xuất, điều kiện kinh tế, xã hội từng vùng; không gây mất rừng, suy thoái rừng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh; chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường; giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng.

4. Sử dụng tối đa các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực; phát triển kinh tế tuần hoàn, khai thác đa giá trị giữa sản xuất cây công nghiệp chủ lực với văn hóa, du lịch và dịch vụ.

5. Huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cây công nghiệp chủ lực. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển bền vững các cây công nghiệp chủ lực (cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa), góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản, hiệu quả sản xuất, đời sống dân cư nông thôn và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Diện tích cây công nghiệp chủ lực cả nước đạt khoảng 2,1-2,3 triệu ha; sản lượng cà phê nhân đạt 1,8-2,0 triệu tấn, mủ cao su thô 1,3-1,5 triệu tấn, chè búp tươi 1,2-1,4 triệu tấn, hạt điều 0,36-0,4 triệu tấn, hồ tiêu 0,18-0,23 triệu tấn, dừa 2,1-2,3 triệu tấn.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm 6 cây công nghiệp chủ lực đạt khoảng 14-16 tỷ USD (không tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su).

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030

1. Cây cà phê

1.1. Sản xuất

Đến năm 2030, diện tích cà phê cả nước khoảng 640-660 nghìn ha; trong đó, vùng Tây Nguyên khoảng 600 nghìn ha, còn lại 40-60 nghìn ha được trồng tại các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sơn La, Quảng Trị, Bình Thuận... Cơ cấu diện tích cà phê vối khoảng 90-92%, cà phê chè khoảng 8-10%; cà phê chè được trồng tại một số tỉnh: Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên, Lâm Đồng, Kon Tum...

Phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan; những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ... Rà soát diện tích cà phê trồng ở những nơi không thích hợp, năng suất thấp chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn. Tiếp tục trồng tái canh, ghép cải tạo diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các giống mới năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh...; đến năm 2030, 80-90% diện tích cà phê trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn. Diện tích cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ đạt khoảng 2%, cà phê đặc sản khoảng 3%, diện tích cà phê đạt các tiêu chuẩn sản xuất (RA, 4C, Flo, C.A.F.E. Practices...) khoảng 35-40%; trên 70% diện tích cà phê được cấp mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

1.2. Chế biến

Tỷ lệ thu hái cà phê đúng độ chín, đạt tiêu chuẩn chất lượng khoảng 80-90%. Hạt cà phê cần được đảm bảo sạch trong tất cả các khâu: thu hái, phơi sấy, sơ chế, bảo quản, cung cấp cà phê nguyên liệu... để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khuyến khích đầu tư các nhà máy sử dụng công nghệ mới, hiện đại chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Đến năm 2030, sản lượng cà phê chế biến sâu đạt khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê cả nước. Khối lượng cà phê xuất khẩu đến năm 2030 đạt khoảng 80-85% tổng sản lượng cà phê cả nước; trong đó, cà phê rang xay chiếm khoảng 5-6%, cà phê hòa tan từ 19-20%.

2. Cây cao su

2.1. Sản xuất

Diện tích cao su cả nước đến năm 2030 khoảng 800-850 nghìn ha; trong đó, vùng Đông Nam bộ khoảng 480-500 nghìn ha, vùng Tây Nguyên khoảng 180-200 nghìn ha, còn lại 140-150 nghìn ha được trồng tại một số tỉnh vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc.

Rà soát, chuyển đổi diện tích cao su ở vùng không thích hợp sang cây trồng khác, thâm canh chăm sóc diện tích cao su hiện có, trồng tái canh diện tích đến thời kỳ thanh lý (chủ yếu các tỉnh vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ) bằng các giống thích hợp. Đến năm 2030, 100% diện tích cao su trồng mới được sử dụng các giống đúng tiêu chuẩn.

Tổ chức trồng cao su theo hướng đại điền, diện tích cao su thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt trên 70%, diện tích cao su được cấp chứng chỉ rừng bền vững khoảng 250-300 nghìn ha; 100% lượng mủ và gỗ cao su Việt Nam có mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

2.2. Chế biến

Đầu tư mới hoặc nâng cấp nhà máy chế biến mủ cao su, nâng sản lượng mủ cao su chế biến trong nước đạt trên 40%; đầu tư một số phòng phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận mủ cao su thiên nhiên.

Đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ mủ cao su như: lốp, nệm, sợi chỉ thun, găng tay, các linh kiện cao su phụ trợ phục vụ ngành công nghiệp.... Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thị trường, sản xuất các sản phẩm từ gỗ cao su phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế.

3. Cây chè

3.1. Sản xuất

Đến năm 2030, diện tích trồng chè cả nước khoảng 120-125 nghìn ha; trong đó, vùng Trung Du Miền Núi Phía Bắc khoảng 98-100 nghìn ha, vùng Bắc Trung Bộ khoảng 10-12 nghìn ha, vùng Tây Nguyên khoảng 8-10 nghìn ha, còn lại được trồng tại một số tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Nam....

Đối với diện tích chè Shan tuyết cổ thụ tại các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Cạn... tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo tồn nguồn gen, tổ chức sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đối với diện tích chè trồng thâm canh cần áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới như trồng cây che bóng, tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa khâu đốn, thu hoạch búp chè, phun thuốc bảo vệ thực vật.... Đến năm 2030, diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất GAP và tương đương đạt khoảng trên 70%, diện tích chè được cấp mã số vùng trồng đạt trên 70%.

Với diện tích chè già cỗi, cần trồng tái canh bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao; 100% diện tích chè trồng mới được sử dụng giống đạt tiêu chuẩn.

Ở những nơi có điện kiện, gắn phát triển vùng trồng chè với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ (Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Nghệ An, Lâm Đồng...).

3.2. Chế biến

Tiếp tục đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm chè; cơ cấu sản phẩm chè xanh 50%, chè đen 50%. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm chè như: chè Ô-long, chè túi lọc, chè bột Matcha, chè đỏ (hồng trà), chè trắng (bạch trà), chè ép bánh, chè thảo dược, chè đóng chai.... và các sản phẩm chè làm nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, y tế...

Áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến và kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất và chế biến. Tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chè có chỉ dẫn địa lý. Xây dựng, phát triển chứng nhận sản phẩm OCOP chè ở các địa phương gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

4. Cây điều

4.1. Sản xuất

Đến năm 2030, diện tích điều cả nước khoảng 280-300 nghìn ha; trong đó, vùng trồng điều trọng điểm Đông Nam bộ khoảng 170-180 nghìn ha, vùng Tây Nguyên khoảng 80-90 nghìn ha. Còn lại khoảng 10-30 nghìn ha được trồng tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định....

Trồng tái canh hoặc ghép cải tạo diện tích điều già cỗi trên 30 năm tuổi, năng suất thấp bằng những giống có năng suất cao hơn, phù hợp với chế biến: PN1, AB29, AB05-08, LBC5.... Đến năm 2030, khoảng 80-90% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn.

Diện tích điều áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh chiếm 40-50%; diện tích điều được trồng xen (ca cao, cây gia vị, cây dược liệu, nấm....), nuôi xen (ong mật, gà...) khoảng 20-25 nghìn ha.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất điều (sử dụng giống, bón phân, đốn tỉa cành, tạo tán, dọn thực bì....), nâng cao sức chống chịu, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh và mưa trái vụ.

4.2. Chế biến

Đến năm 2030, 100% cơ sở chế biến nhân điều tự động hóa khâu tách vỏ cứng và bóc vỏ lụa nhân điều, trên 95% cơ sở chế biến hạt điều được cấp chứng nhận quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP...

Tiếp tục đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến nhân điều, tăng cường chế biến sâu nâng cao chuỗi giá trị; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ cây điều như: tinh luyện dầu từ vỏ hạt điều, sản xuất cồn từ nước ép quả điều, ván ép từ gỗ điều và bã vỏ điều... Nâng tỷ lệ chế biến sâu nhân điều lên 25-30%.

5. Cây hồ tiêu

5.1. Sản xuất

Đến năm 2030, diện tích khoảng 80-100 nghìn ha; trong đó, vùng Tây Nguyên 60-70 nghìn ha, vùng Đông Nam bộ 25-30 nghìn ha, còn lại 5-10 nghìn ha được trồng tại một số tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Kiên Giang...

Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, giảm bệnh vàng lá chết chậm và bệnh héo chết nhanh. Đến năm 2030, có trên 40% diện tích hồ tiêu được trồng theo quy trình GAP và tương đương, diện tích hồ tiêu được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 40%.

Rà soát phân loại diện tích hồ tiêu hiện có, chuyển đổi diện tích hồ tiêu ở những vùng không thích hợp, nhiễm bệnh nặng, già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây khác. Xây dựng hệ thống vườn giống hồ tiêu đầu dòng, ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh để cung cấp giống cho diện tích hồ tiêu trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn khoảng 40-50%.

5.2. Chế biến

Khối lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 210-250 nghìn tấn (bao gồm cả sản lượng nhập khẩu). Tiếp tục đổi mới công nghệ, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA... . Đến năm 2030, tỷ lệ chế biến sâu đạt khoảng 30% sản lượng (tiêu trắng, tiêu xay và các sản phẩm tinh chế khác); tỷ lệ tiêu đen 70%, trong đó tiêu nghiền bột 20%; tỷ lệ tiêu trắng 30%, trong đó tiêu nghiền bột trên 25%.

6. Cây dừa

6.1. Sản xuất

Đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195-210 nghìn ha; vùng trồng dừa trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170-175 nghìn ha, vùng Duyên Hải Nam Trung bộ diện tích 16-20 nghìn ha, còn lại 9-15 nghìn ha được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ...

Chuyển giao các giống dừa mới vào sản xuất như dừa Xiêm xanh bầu, dừa Mã Lai, dừa Dứa... Đến năm 2030, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%.

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng xen (ca cao, cây ăn quả...), nuôi xen (thủy sản, gia cầm...) với trồng dừa để tăng giá trị trên diện tích đất sản xuất; với vườn dừa nuôi xen, cần phải được quản lý theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Kết hợp xây dựng không gian phát triển vườn dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương; vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long tại các tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng...), vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ tại các tỉnh (Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa..). Phát triển các làng nghề, các cơ sở sản xuất, chế biến dừa phục vụ du lịch; xây dựng các Chương trình du lịch tham quan làng nghề, tham quan cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa, giới thiệu quy trình và hoạt động sản xuất; tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.

6.2. Chế biến

Phát triển chuyên sâu 2 dòng sản phẩm, gồm dừa chế biến và dừa tươi. Phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa sử dụng công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh những sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới như: than không khói, than sinh học, than hoạt tính gáo dừa, cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa, kem dừa, dầu dừa, thảm xơ dừa, nệm xơ dừa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nước dừa đóng hộp...

Phát triển hệ thống các cửa hàng kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hàng đặc sản chế biến từ dừa. Đào tạo nguồn lao động về chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, thiết bị và công nghệ mới, thiết kế mẫu mã, thị trường tiêu thụ... để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ dừa.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về tổ chức sản xuất

- Căn cứ Đề án được phê duyệt, các tỉnh xác định vùng sản xuất cây công nghiệp chủ lực trong phương án quy hoạch của tỉnh và các định hướng khác có liên quan. Rà soát diện tích trồng cây công nghiệp chủ lực (nhất là cây cà phê, hồ tiêu) trên những vùng đất không phù hợp, kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ, với giá trị cao hơn.

- Các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất các cây công nghiệp chủ lực, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã và Tổ hợp tác là cầu nối doanh nghiệp với hộ gia đình trồng cây công nghiệp chủ lực.

- Các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển Hợp tác xã và Tổ hợp tác, ưu tiên hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động cho Hợp tác xã hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm cây công nghiệp chủ lực.

- Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua các Hợp tác xã và Tổ hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất cây công nghiệp lực, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và tương đương, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

2. Về khoa học công nghệ

- Tiếp tục đầu tư duy trì, lưu giữ nguồn gen cây công nghiệp chủ lực hiện có, bổ sung nguồn gen mới phục vụ nghiên cứu khoa học công nghệ; nghiên cứu chọn tạo, nhập nội các giống cây công nghiệp chủ lực mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với từng vùng sinh thái, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu.

- Chăm sóc, quản lý cây đầu dòng, vườn đầu dòng hiện có; đồng thời, tiếp tục bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn đầu dòng nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp cây giống cho các địa phương.

- Hoàn thiện quy trình nhân giống cây công nghiệp chủ lực sạch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phục vụ trồng mới, tái canh; quy trình canh tác đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm; quy trình canh tác tiên tiến trong các khâu: trồng, chăm sóc, tưới nước, bón phân, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch...; thị trường tiêu thụ sản phẩm; công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến....

- Phát triển và ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tối đa các phụ phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến một số cây công nghiệp chủ lực (cà phê, điều, dừa..) để phục vụ lại cho sản xuất nông nghiệp. Tuyên truyền thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại từ các bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... trong quá trình sản xuất cây công nghiệp chủ lực.

- Đầu tư khoa học công nghệ, thiết bị hiện đại chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực, đáp ứng rộng rãi nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

3. Về thị trường tiêu thụ sản phẩm

- Đối với thị trường trong nước: Định hướng đến năm 2030, tiêu thụ chè trong nước khoảng 20%, điều khoảng 10-15%, hồ tiêu khoảng 5-10%, cà phê khoảng 16-18%, dừa tươi và khoảng 20% dừa chế biến. Các địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng; hình thành sàn giao dịch sản phẩm; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây công nghiệp chủ lực.

- Đối với thị trường xuất khẩu: Các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thực hiện tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm; tháo gỡ rào cản thương mại, đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu...

Với cây cà phê, định hướng xuất khẩu tại thị trường Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Italy, Nga, Tây Ban Nha, Bỉ, Trung Quốc.... Với sản phẩm mủ cao su, tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Châu Âu....Với chè búp, duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống (Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia...), phát triển các thị trường tiềm năng: EU và các nước tham gia hiệp định EVFTA, IPA... Với nhân điều, duy trì thị trường truyền thống (Mỹ, EU, Trung Quốc...), đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Âu, Anh, Úc, Canada, Trung Đông...). Với hồ tiêu, giữ vững thị trường truyền thống (Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu...), đồng thời mở rộng các thị trường mới: Trung Đông, các quốc gia Châu Á... Với cây dừa, tập trung ở một số thị trường: Indonesia, Argentina... (sản phẩm dầu dừa); EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... (sản phẩm nước cốt dừa, sản phẩm cơm dừa nạo sấy, nước dừa đóng hộp); EU, Nam Mỹ, Châu Á... (sản phẩm than hoạt tính, chỉ xơ dừa); riêng dừa tươi, hướng tới xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, UAE...

4. Về quản lý nhà nước

- Tổ chức thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Chính sách tín dụng; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giống; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; chính sách thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất, chế biến nông sản; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách mới như: Xây dựng và quản lý nhãn hiệu; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ chuyển đổi số, quản lý số trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ quản lý đất trồng cây công nghiệp chủ lực không gây mất rừng, không gây suy thoái rừng; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp...

- Rà soát, xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến cây công nghiệp chủ lực, phù hợp với tiêu chuẩn nhập khẩu của các nước cũng như tiêu dùng trong nước.

- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản....); kiểm tra việc quản lý truy xuất sản xuất sản phẩm cây công nghiệp chủ lực...

5. Về đầu tư tăng cường năng lực

Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp và người dân. Các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng trồng cây công nghiệp chủ lực để ổn định vùng nguyên liệu. Các Hợp tác xã và Tổ hợp tác liên kết với hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, kho chứa sản phẩm.... Doanh nghiệp đầu tư kho bảo quản, nhà máy chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ... sản phẩm cây công nghiệp chủ lực.

Ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực theo quy định của pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; cơ sở vật chất cho các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; hạ tầng vùng sản xuất tập trung: giao thông, thủy lợi, điện…; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm....

6. Về hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế về khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực như: nghiên cứu chọn tạo, nhập nội giống mới; quy trình canh tác; cơ giới hóa các khâu sản xuất; nghiên cứu thiết bị, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến; quản trị chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; tháo gỡ rào cản thương mại, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ... các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT

a) Cục Trồng trọt

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án; đề xuất các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện Đề án; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cây công nghiệp chủ lực; rà soát, bổ sung trình cấp có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ phát triển các cây công nghiệp chủ lực; hướng dẫn các địa phương xây dựng mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; theo dõi, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án...

b) Cục Bảo vệ thực vật

Chủ trì, phối hợp các địa phương quản lý tốt sinh vật gây hại trên cây công nghiệp chủ lực; triển khai thực hiện chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên các loại cây công nghiệp chủ lực; hướng dẫn các địa phương xây dựng mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu; phối hợp thực hiện biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm cây công nghiệp...

c) Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường

Phối hợp với các địa phương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực; dự báo, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tham mưu tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cây công nghiệp chủ lực. Phối hợp với Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án...

d) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường

Chủ trì tham mưu trình Bộ phê duyệt các nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện Đề án: Bảo tồn nguồn gen; chọn tạo giống; hoàn thiện quy trình nhân giống sạch bệnh, quy trình canh tác; cơ giới hóa; công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến; nghiên cứu thị trường; xây dựng mô hình...

e) Các đơn vị khác thuộc Bộ

Phối hợp với Cục Trồng trọt tham mưu triển khai thực hiện nội dung Đề án: Tuyên truyền nội dung Đề án; xây dựng cơ chế, chính sách; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực; cân đối nguồn vốn; các hoạt động thanh tra, kiểm tra; đề xuất các nhiệm vụ, dự án cụ thể thực hiện Đề án...

2. Các Bộ/Ngành liên quan khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện Đề án, trọng tâm là: Tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng cơ chế, chính sách; cân đối nguồn vốn; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cây công nghiệp chủ lực...

3. UBND các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương

Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án: Xây dựng Kế hoạch thực hiện; đề xuất cơ chế, chính sách phát triển cây công nghiệp chủ lực tại địa phương trình HĐND tỉnh.... Báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT để có giải pháp tháo gỡ.

4. Các Hội, Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp

Phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền nội dung Đề án; đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện Đề án; phối hợp với địa phương xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở chế biến; hỗ trợ nông dân vay vốn; hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện Đề án (nếu có); cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực; tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường...

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2024 phê duyệt “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030” (Gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.852

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.255.23
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!