Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 289/QĐ-UBND.HC 2017 phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu: 289/QĐ-UBND.HC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Nguyễn Thanh Hùng
Ngày ban hành: 24/03/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 289/QĐ-UBND .HC

Đồng Tháp, ngày 24 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT/UBND Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, KTN (VA).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hùng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 289/QĐ-UBND.HC ngày 24 tháng 3 năm 2017 của UBND Tỉnh)

I. HIỆN TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO VÀO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

1. Kết quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

1.1. Trên cây trồng

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của Tỉnh năm 2016 đạt 616.938 ha. Trong đó diện tích trồng lúa 553.425 ha, hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày 37.536 ha. Diện tích trồng cây ăn trái cả năm đạt 25.352 ha. Trong thời gian qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đã góp phần hình thành và phát triển các vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, tập trung quy mô lớn, cụ thể:

- Ứng dụng công nghệ di truyền trong lai tạo giống mới, phục tráng giống; áp dụng phương pháp nhân giống vô tính (chiết cành, tháp - ghép, cấy mô,...) giúp nhân nhanh các giống mang đặc tính tốt, sạch bệnh. Đặc biệt, công nghệ chuyển gen (giống chuyển gen) đã được đưa vào sản xuất thử nghiệm trên địa bàn tỉnh.

- Đã xây dựng và nhân rộng nhiều nhiều mô hình, giải pháp tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (GAP), 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, kích thích ra hoa đồng loạt, xử lý ra hoa trái vụ, bao trái, tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân bón thông minh, cơ giới hóa các khâu: làm đất, bơm tưới, phun xịt, thu hoạch, trang bằng mặt ruộng bằng tia laser,... góp phần giảm lao động trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.

- Đối với công tác quản lý dịch hại đã ứng dụng màng phủ nông nghiệp, dùng chế phẩm vi sinh xử lý giá thể trồng, chế phẩm sinh học trong phòng trừ dịch hại, biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, công nghệ sinh thái trên đồng ruộng, ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong việc theo dõi, dự báo dịch bệnh,... góp phần kiểm soát tốt các đối tượng dịch hại bảo vệ sản xuất, tạo ra nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

1.2. Về chăn nuôi - thú y

- Công nghệ di truyền giống vật nuôi được áp dụng rộng rãi nhờ vào kỹ thuật gieo tinh nhân tạo, chọn lọc, lai tạo giống đã góp phần cải thiện tầm vóc, năng suất vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được triển khai; vắc xin, chế phẩm sinh học đối kháng được sử dụng trong phòng trị bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi. Ngoài ra, công nghệ chuồng kín, chuồng mát đã được đưa vào sử dụng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần phát triển tổng đàn heo 620.000 con, đàn bò 55.000 con, đàn trâu 3.500 con và 8,9 triệu gia cầm (tổng đàn lũy kế).

- Trong công tác giám sát, quản lý dịch bệnh đã ứng dụng công nghệ test nhanh, chuẩn đoán PCR (polymerase chain reaction), ELISA (enzyme linked immunosorbent assay) để phát hiện sớm, chuẩn đoán chính xác bệnh giúp cơ quan quản lý hướng dẫn người chăn nuôi phòng trị và áp dụng các biện pháp khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

1.3 Về thủy sản

- Bước đầu nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật chọn lọc di truyền trên các đối tượng thủy sản nuôi, kỹ thuật sinh sản nhân tạo, công nghệ sản xuất tôm toàn đực, ứng dụng quy trình sản xuất giống cá rô phi đơn tính sử dụng hormon MT (17 Alpha - Methyl Testpsteron) vào quy trình sản xuất giống, góp phần tạo ra con giống có tốc độ sinh trưởng nhanh và sức sản xuất cao.

- Việc nghiên cứu, hoàn thiện công thức thức ăn công nghiệp được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển ngành thủy sản. Bên cạnh đó, việc không ngừng cải tiến quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, thiết kế ao nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trị bệnh và xử lý môi trường đã góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển ổn định trong thời gian qua.

2. Công tác đào tạo nhân lực công nghệ cao1

Hàng năm, cán bộ chuyên môn của các sở, ngành Tỉnh đều được tạo điều kiện tham dự các hội thảo về khoa học công nghệ, tham gia các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn tại các viện, trường trong nước, tu nghiệp tại Hà Lan, Nhật Bản và các nước có nền nông nghiệp tiên tiến; phối hợp thực hiện việc đào tạo sau đại học ở nước ngoài đối với các lĩnh vực Tỉnh có nhu cầu phát triển.

3. Đánh giá chung

Sau nhiều năm tích cực xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã dần thay đổi thói quen, tư duy lạc hậu trong sản xuất của nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất các ngành hàng chủ lực, góp phần duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc:

- Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa phổ biến do đòi hỏi vốn đầu tư cao, ít có doanh nghiệp đủ tiềm lực để triển khai thực hiện.

- Nguồn nhân lực công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu; nông dân chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ trong chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm.

II. MỤC TIÊU - CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh. Đẩy mạnh triển khai các dự án hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn các công nghệ mới, công nghệ cao và sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiến đến xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao2 và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao3 nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững các ngành hàng chủ lực, nâng cao về số lượng và chất lượng nông sản.

2. Chỉ tiêu

Đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sau:

- Vùng sản xuất rau an toàn 110 ha xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự.

- Vùng sản xuất quýt hồng và quýt đường 740 ha xã Tân Phước và Long Hậu, huyện Lai Vung.

- Vùng sản xuất quýt đường và cam 308 ha xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung.

- Vùng sản xuất xoài 355 ha xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh.

- Vùng sản xuất hoa kiểng 50 ha phường Tân Quy Đông thành phố Sa Đéc.

- Vùng sản xuất cá tra giống 32 ha xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành.

- Vùng sản xuất cá tra giống 67 ha xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh.

- Vùng sản xuất tôm càng xanh 200 ha xã Phú Thọ, huyện Tam Nông.

- Vùng sản xuất tôm càng xanh diện tích 350 ha xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh.

- Vùng chăn nuôi vịt quy mô 100.000 con/lứa xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười.

Đến năm 2020, định hướng đến 2030 xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm 3 tiểu khu: (1) Tiểu khu chuyên canh cây ăn trái - nuôi trồng thủy sản xã Bình Thạnh huyện Cao Lãnh với quy mô 50 ha; (2) Tiểu khu chuyên canh hoa màu thị trấn Thanh Bình huyện Thanh Bình 50 ha; (3) Tiểu khu hoa kiểng Sa Đéc (Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và khu công nghệ cao ở cồn Đông Giang, xã Tân Khánh Đông) 50 ha.

2. Nhiệm vụ

Tại các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ chức vận động, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp làm đầu mối tổ chức, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo đảm đạt năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, gắn kết giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến với người sản xuất thông qua hợp tác xã, tiến đến tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; công nghệ thâm canh, siêu thâm canh; công nghệ tự động hóa, bán tự động; công nghệ thông tin, viễn thám, thân thiện với môi trường; công nghệ giúp gia tăng hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm và gia tăng năng suất lao động trong sản xuất nông sản, thủy sản. Cụ thể:

- Đối với lĩnh vực trồng trọt: Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác theo hướng tiên tiến cho từng đối tượng, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống bằng phương pháp cấy mô trên các chủng loại hoa kiểng, cây ăn trái và hoa màu có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu ứng dụng công nghệ di truyền trong lai tạo giống mới; nhân rộng mô hình tưới tự động, tiết kiệm nước, mô hình canh tác thủy canh, khí canh, canh tác trong nhà màng, nhà kính; tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi phân bón thông minh, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học có tính đối kháng trên cây trồng; nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trong quy trình chăm sóc, thu hoạch nông sản; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sơ chế, bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý dịch bệnh, góp phần tạo ra nông sản an toàn, giảm giá thành, tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Đối với lĩnh vực thủy sản: Tiến tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất giống, sản xuất con giống đơn tính, quy trình nuôi thâm canh, siêu thâm canh; ứng dụng kỹ thuật chọn lọc di truyền nhân nhanh đàn thủy sản bố mẹ chất lượng cao chuyển giao cho các cơ sở sản xuất; nghiên cứu vắc xin phòng bệnh trên thủy sản theo hướng dễ áp dụng, giá thành hợp lý và nhân rộng đại trà; nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa vào quá trình chăm sóc, thu hoạch thủy sản; nghiên cứu, ứng dụng quy trình nuôi hoàn lưu tự động làm sạch và tái sử dụng nước; nghiên cứu tận thu bùn đáy ao làm phân bón sinh học, giá thể trồng trọt; ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, dự tính, dự báo dịch bệnh, giám sát chất lượng môi trường, … góp phầm giảm giá thành sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Đối với lĩnh vực chăn nuôi - thú y: Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi vịt chạy đồng có kiểm soát, nuôi an toàn sinh học; sử dụng vắc xin, chế phẩm sinh học đối kháng trong phòng bệnh và xử lý môi trường; ứng dụng công nghệ test nhanh, chuẩn đoán PCR, ELISA trong chuẩn đoán chính xác bệnh,… góp phần tạo ra sản phẩm sạch, an toàn với giá thành cạnh tranh.

(Có phụ lục nội dung ứng dụng công nghệ cao đối với từng lĩnh vực )

4. Giải pháp thực hiện

4.1 Về cơ chế chính sách

Các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu và phát triển hoạt động công nghệ cao4 sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sau5:

- Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Được xem xét hỗ trợ chi phí từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ cao có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường;

- Tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cao.

Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao6 được ưu đãi, hỗ trợ như sau7:

- Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Được xem xét hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao

Chính sách hỗ trợ đối với vùng nông nghiệp công nghệ cao gồm có8:

- Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong vùng;

- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Ủy ban nhân dân Tỉnh công nhận, được hỗ trợ tối đa đến 70% kinh phí ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng kỹ thuật (hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi tưới tiêu và xử lý chất thải) trong vùng theo các dự án đầu tư được duyệt.

Chính sách hỗ trợ đối với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao9

- Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ cao nhất theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, Điều 33 Luật Công nghệ cao và các quy định pháp luật liên quan.

- Doanh nghiệp hoạt động trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu đãi như đối với các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài các hỗ trợ trên, các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao còn được hưởng ưu đãi theo quy định hiện hành.

4.2. Liên kết trong nghiên cứu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

- Liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản. Nghiên cứu công nghệ mới và phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp địa phương, nghiên cứu công nghệ viễn thám và thông tin địa lý và công nghệ trong bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch...

- Tổ chức và thực hiện các đề án, dự án hợp tác trong và ngoài nước về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp.

- Thông qua các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước kêu gọi đầu tư, viện trợ kinh phí, công nghệ.

- Kêu gọi chuyển giao khoa học công nghệ từ các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và xây dựng mô hình tiếp nhận, triển khai diện rộng các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ có hiệu quả. Tổ chức nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.

4.3. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao

- Hợp tác với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu để đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn qua nhiều hình thức, kết hợp vừa chuyển giao công nghệ vừa đào tạo.

- Trao đổi chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp với các tổ chức, doanh nghiệp.

4.4. Thông tin, tuyên truyền

- Hỗ trợ và tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nghiên cứu và phân tích được thông tin thị trường, nhu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của thị trường trong và ngoài nước.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất theo tập quán sang sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

- Hỗ trợ, xúc tiến hợp tác giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ, hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị ổn định, bền vững.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập hợp tác xã nông nghiệp thông qua các ban, ngành, đoàn thể, nồng cốt là Hội Nông dân và Liên minh hợp tác xã.

4.5. Về vốn

Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ Trung ương, vốn các chương trình, dự án, vốn sự nghiệp khoa học, vốn khuyến nông, khuyến công của Trung ương và ngân sách địa phương để triển khai thực hiện.

Huy động nguồn vốn xã hội hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi, đôn đốc và đề xuất giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng năm và tổng kết thực hiện kế hoạch theo quy định.

Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Uỷn ban nhân dân Tỉnh quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chí theo quy định.

Chủ động phối hợp với các sở, ngành Tỉnh liên quan, các địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để xây dựng các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Ưu tiên nguồn lực củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Giữ vai trò đầu tàu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Tỉnh.

- Thực hiện nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất; là nơi tham quan học tập và là nơi tập huấn cho nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

- Là đầu mối hợp tác nghiên cứu, tiếp nhận kết quả nghiên cứu và nguồn lực công nghệ cao từ các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ.

2. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên nguồn vốn bố trí cho các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; cung cấp, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

- Phối hợp với các Viện, Trường Đại học thực hiện và chuyển giao các đề tài nghiên cứu trong việc lai tạo, tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu cao với điều kiện bất lợi, biến đổi khí hậu tại địa phương.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp với Trường Đại học Cần Thơ trong nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

3. Sở Công Thương

- Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển các dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.

- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về thông tin thị trường, nâng cao năng lực quản lý các doanh nghiệp, liên kết tiêu thụ và thực hiện các hợp đồng liên kết.

4. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành Tỉnh, các địa phương có liên quan thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh phân bổ nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch hàng năm.

Hướng dẫn thủ tục quyết toán và trình tự, thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao, Quyết định 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và các văn bản pháp luật liên quan.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Trong công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, ưu tiên bố trí quỹ đất phù hợp để quy hoạch phát triển các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Hướng dẫn các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với các dự án, cơ sở sản xuất, chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp

Phối hợp các sở, ban, ngành Tỉnh và địa phương có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách, các kết quả nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình và các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

7. Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư

Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành Tỉnh, các địa phương có liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nước và ngoài nước.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

8. UBND các huyện, thị, thành phố

- Phối hợp với các sở, ngành Tỉnh trong quá trình triển khai kế hoạch thực hiện chương trình.

- Chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm của địa phương gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và tổ chức triển khai các vùng sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương./.

 



1 Nhân lực công nghệ cao là đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao,dịch vụ công nghệ cao, quản lý hoạt động công nghệ cao, vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

2 Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ra một hoặc một số nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng, đảm bảo đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật.

3 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khu công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ như: Chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng trừ dịch bệnh; trồng trọt,chăn nuôi đạt hiệu quả cao; tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp; bảo quản chế biến nông sản; phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.

4 Hoạt động công nghệ cao là hoạt động nghiên cứu, phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; phát triển công nghiệp công nghệ cao.

5 Theo Điều 12 Luật Công nghệ cao ngày 13/11/2008.

6 Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có đủ các điều kiện sau: Ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao; áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

7 Theo Điều 19 Luật Công nghệ cao ngày 13/11/2008.

8 Theo Điểm d, Khoản 4, mục III Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020

9 Theo Điểm c, Khoản 4, mục III Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 289/QĐ-UBND.HC ngày 24/03/2017 về Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017-2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


462

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.43.109
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!