ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2842/QĐ-UBND
|
Quảng Ninh, ngày 24 tháng 07 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM
2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng
năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng số
15/2004/PL-UBTVQH11 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 24/3/2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP
ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm
2004;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng
Chính Phủ: Số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 về phê
duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp,
giống vật nuôi giống thủy sản đến năm 2020; Số
40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 về ban hành nguyên tắc,
tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển
nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; Số
38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 về ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển
rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công
ty nông, lâm nghiệp;
Căn cứ các Quyết định của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn: Số 89/2005/QĐ-BNN
ngày 29/12/2005 về việc Ban hành Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; Số
62/2006/QĐ-BNN ngày 16/8/2006 về việc phê duyệt Chiến lược
phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020; Số 3748/QĐ-BNN-KH ngày 15/9/2015 Phê duyệt định hướng phát triển giống
cây trồng, vật nuôi đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; Số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 về việc ban hành Danh mục các loài
cây chủ lực trồng rừng sản xuất và loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng
sinh thái lâm nghiệp;
Căn cứ các Thông tư: Thông tư liên
tịch số 11/2012/TTLT-BNNPTNT-TC-BKHĐT ngày 01/3/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chế độ quản
lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Đề án phát triển giống cây
nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản
đến năm 2020; Thông tư số 44/2015/TT-BNNPTNNT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn về việc Ban hành danh mục giống cây trồng lâm nghiệp chính;
Căn cứ các Quyết định của UBND Tỉnh:
Số 1562/QĐ-UBND ngày 25/6/2012 về việc ban hành Quy
định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho khoa học công nghệ tỉnh Quảng Ninh; Số 2669/QĐ-UBND ngày 14/11/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và
phát triển rừng của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; Số 1396/QĐ-UBND ngày
25/5/2015 về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng
cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng
Ninh giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Số 680/QĐ-UBND ngày 14/3/2016 phê duyệt kết quả kiểm kê rừng năm 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch
và Đầu tư tại Tờ trình số 1641/TTr-KHĐT ngày
27/6/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển giống cây lâm nghiệp
tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 - 2020, với các nội dung sau:
I. Tên Đề án: Đề án phát triển giống
cây lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020.
II. Mục tiêu Đề án
1. Mục tiêu tổng quát
- Nâng cao chất lượng giống cây trồng
lâm nghiệp theo hướng cải thiện từng bước phẩm chất di truyền; đáp ứng yêu cầu
về chất lượng, chủng loại và cung cấp đủ nhu cầu về giống cây phục vụ trồng rừng,
làm giàu rừng theo hướng quản lý rừng bền vững trong triển khai kế hoạch hành động
nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất đến năm 2020;
- Tạo tiền đề cho
phát triển rừng giai đoạn sau năm 2020, đặc biệt cho triển khai kế hoạch trồng
và kinh doanh rừng gỗ lớn gắn với chuỗi chế biến sâu, nâng
cao giá trị rừng;
- Cung cấp vật liệu giống của những
loài cây bản địa quý thông qua giải pháp làm giàu rừng tự nhiên, đặc biệt đối với
những khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
2. Mục tiêu cụ thể
- Thiết lập hệ thống nguồn giống cây
lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng từng bước cải thiện chất lượng di truyền,
cơ bản dần chủ động được nguồn vật liệu giống phục vụ trồng rừng theo mục tiêu
phát triển rừng đến năm 2020 và tạo tiền đề cho giai đoạn sau năm 2020:
+ Có 60% rừng trồng sản xuất theo hướng
thâm canh được sử dụng vật liệu giống trồng rừng (cây con) được sản xuất bằng
phương pháp nhân giống vô tính công nghệ cao (mô, hôm);
+ 90% vật liệu giống (cây con giống)
làm giàu rừng, trồng rừng kinh doanh gỗ lớn bằng những loài cây bản địa được sử dụng nhân giống
từ vật liệu giống của cây trội;
+ Năng suất rừng trồng từ giống được
cải thiện tăng từ 20-50% so với năng suất bình quân giai
đoạn 2010 - 2015; tăng chất lượng, khối lượng, tăng tỷ lệ gỗ được đưa vào chế
biến;
+ Bảo tồn nguồn gen cây lâm nghiệp bản
địa, quý, cung cấp vật liệu ban đầu cho nhân giống vô tính và sinh dưỡng trồng rừng để phục vụ sản xuất hàng hóa đã được công nhận như nhựa
Thông Quảng Ninh; nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất,
chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ rừng;
- Củng cố hệ thống quản lý đáp ứng đủ
năng lực để thực hiện kiểm soát chất lượng, sản xuất, sử dụng giống cây lâm
nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định giám sát Chuỗi hành trình quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ thông
tin điện tử trong quản lý giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Khuyến khích các thành phần kinh tế
trong và ngoài nước tham gia sản xuất giống đáp ứng đủ giống chất lượng cao cho
trồng rừng tập trung có gắn với chuỗi sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh;
- Nâng cao nhận thức trong việc sử dụng
giống tốt trong sản xuất, kinh doanh phát triển rừng.
III. Nội dung của Đề án
1. Xây dựng, củng cố nguồn giống
Căn cứ định hướng phát triển giống
cây lâm nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Quyết định số 3748/QĐ-BNN-KH ngày 15/9/2015 và đặc điểm
tình hình cụ thể của tỉnh Quảng Ninh, xác định các loài cây chủ lực, ưu tiên
phát triển giống như sau:
1.1. Xác định các loài cây chủ lực,
ưu tiên:
- Nhóm loài cây lấy gỗ phục vụ trồng
rừng kinh tế:
+ Keo tai tượng (Acacia mangium),
Thông Mã vĩ (Pinus massoniana), Thông Caribeae (Pinus Caribeae), Bạch đàn lai (2-3 dòng),
Keo lai vô tính (5-7dòng); Sa mộc;
+ Cây bản địa gồm một số loài cây có
khả năng thích ứng với lập địa Quảng Ninh và đáp ứng nhu cầu trồng rừng gỗ lớn: Lim xanh (Erythrophloeum fordii), Xoan đào (Pygeum
arboreum Endl), Lát
hoa (Chukrasia tabularis), Lim xẹt (Peltophorum tonkinensis A),
Sồi phảng (Lithocarpus fissus Champ);
- Nhóm loài cây trồng làm giàu rừng,
trồng bổ sung trong khoanh nuôi rừng gồm các loài chủ yếu: Lát hoa (Chukrasia
tabularis), Sưa đỏ Dalbergia Tonkinensis Prain, Sồi phẳng (Lithocarpus fissus Cham), Trám (Canarium album), Lim xẹt (Peltophorum tonkinensis A), Kim giao (Podocarpus
Nagia);
- Nhóm loài cây lâm sản ngoài gỗ:
Thông Nhựa (Pinus merkusii), Quế (Cinnamomum
cassia), Hồi (Illicium Verum Hook), Sở (Camellia sasaqua
Thumb), Mây nếp (Calamus tetradactylus Hance)...
- Nhóm loài cây trồng rừng phòng hộ,
rừng ngập mặn: Bao gồm cả nhóm cây bản địa ở trên và một số cây có khả năng chống
chịu và sinh trưởng tốt như: cây Xanh (Ficus benjamina L.) và cây Vối thuốc (Cleistocalyx
operculatus), Phi lao chịu hạn (dòng 601 và 701).
1.2. Xây dựng nguồn giống
(1). Xây dựng rừng giống:
- Trồng mới rừng giống Thông nhựa xuất
xứ Quảng Ninh (giống Thông chân vịt), rừng giống vô tính
trồng bằng cây ghép: 10 ha;
- Trồng mới rừng giống Sa mộc (rừng
giống hữu tính): 20 ha;
- Trồng mới rừng giống Quế (rừng giống
hữu tính): 10 ha;
- Trồng mới rừng giống Sở (rừng giống
vô tính bằng cây ghép): 10 ha;
(2). Xây dựng vườn cung cấp hom, cung
cấp vật liệu sinh dưỡng:
- Xây dựng mới vườn cung cấp hom Keo
lai vô tính (5-7 dòng): 05 ha;
- Xây dựng mới vườn cung cấp hom các
dòng vô tính Bạch đàn lai được công nhận (2-3 dòng): 01 ha;
- Xây dựng mới vườn cung cấp hom, vật
liệu sinh dưỡng phục vụ nhân giống cây lâm sản ngoài gỗ:
10 ha;
(3). Điều tra khảo sát, bình tuyển,
công nhận cây trội: 576 cây.
(4). Củng cố, cải thiện nâng cao chất
lượng nguồn giống hiện có:
- Hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng giống
vô tính Thông nhựa xuất xứ Quảng Ninh: 6,6 ha;
- Chuyển hóa rừng giống Thông mã vĩ tại
Bình Liêu: 20 ha;
- Hỗ trợ chăm sóc bảo vệ cây trội
(cây Hồi) tại Bình Liêu: 15 cây;
- Chăm sóc, bảo vệ vườn cung cấp hom
(Keo lai vô tính): 0,34 ha.
(Chi
tiết như Biểu 1 kèm theo)
2. Xây dựng, cải tạo nâng cấp vườn
ươm, cơ sở sản xuất vật liệu gieo ươm
2.1. Cải tạo, nâng cấp vườn ươm cố định:
- Khu vực Miền Tây (dự kiến phường
Đông Mai, Minh Thành, Thị xã Quảng Yên);
- Vườn ươm khu vực Vân Đồn (dự kiến
xã Đài Xuyên);
- Vườn ươm khu vực Miền Đông (dự
kiến tại huyện Tiên Yên hoặc huyện Đầm Hà).
- Vườn ươm cây ngập mặn (dự kiến tại
xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên hoặc xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn).
2.2. Xây dựng cơ sở sản xuất giá thể
hữu cơ tại khu vực Miền Đông (dự kiến tại
huyện Ba Chẽ, huyện Tiên Yên hoặc thành phố Cẩm phả).
2.3. Hỗ trợ cải
tạo vườn ươm quy mô vừa, nhỏ (dự kiến khoảng 10 vườn).
(Chi
tiết như Biểu 2 kèm theo)
3. Xây dựng, nâng cấp cơ sở sản xuất
giống công nghệ cao
- Nâng cấp cơ sở nuôi cấy mô (khoảng
300 m2);
- Mua sắm bổ sung trang thiết bị phục
vụ nuôi cấy mô (01 cơ sở);
- Hỗ trợ mua dây truyền sản xuất cây
bàng cơ giới (3 cơ sở sản xuất);
- Mua, chuyển giao công nghệ sản xuất
giá thể hữu cơ siêu nhẹ để gieo tạo cây giống (sản xuất cây giống của 5 loài
cây trồng rừng phổ biến);
- Mua, chuyển giao công nghệ sản xuất
túi bầu tự hoại thân thiện với môi trường (thay bầu Poolyetylen hiện nay);
- Xây dựng ngân hàng gen, lưu giữ giống
gốc các dòng ưu thế phục vụ trồng rừng (bao gồm cả giống cây lâm sản ngoài gỗ):
khoảng 10-15 dòng, giống.
(Chi
tiết như Biểu 3 kèm theo)
4. Đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội
thảo và công tác tuyên truyền
- Tập huấn kỹ thuật và kiến thức quản
lý cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý làm công tác chỉ đạo, điều hành và sản
xuất giống lâm nghiệp;
- Tham quan học tập trong và ngoài nước
về lĩnh vực giống lâm nghiệp;
- Hội nghị, hội thảo.
(Chi tiết như Biểu 4 kèm theo)
IV. Giải pháp thực
hiện
1. Giải pháp về tổ chức quản lý
- Tổ chức quản lý chặt chẽ, có hiệu
quả các nguồn giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Pháp lệnh giống cây
trồng và Quy chế quản lý giống cây lâm nghiệp. Trước mắt
chú trọng quản lý nguồn giống của các loài có trong danh mục
giống cây lâm nghiệp chính thuộc nhóm loài cây chủ lực, loài có thế mạnh của tỉnh;
- Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất
kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm chế độ
kiểm tra, đánh giá phân loại định kỳ và đột xuất hàng năm đối với toàn bộ các
cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây lâm nghiệp; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn
thực hiện đúng các quy định; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, tái
phạm;
- Xây dựng và triển khai cơ chế
thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời về thị trường giống
và năng lực sản xuất, cung ứng của các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên
địa bàn, định kỳ hàng tháng đưa công khai trên mạng Internet để cung cấp cho
các cá nhân, đơn vị có quan tâm.
2. Về tổ chức sản
xuất, cung ứng giống
- Khuyến khích, lựa chọn nhà đầu tư,
trong đó ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực về kinh tế, khả năng đáp ứng yêu cầu
về khoa học công nghệ tiên tiến trong xây dựng nguồn giống, cơ sở sản xuất giống
có quy mô lớn, cung ứng giống ổn định, lâu dài theo yêu cầu
chuỗi sản phẩm, cung cấp vật liệu giống đầu vào cho triển khai kế hoạch trồng rừng
nâng cao năng suất chất lượng và giá trị rừng.
- Việc trồng mới rừng giống chất lượng
cao đối với các loài Quế, Hồi, Sở, Sa Mộc thực hiện trên cơ sở chọn lọc cây trội;
chọn lập địa thích hợp với từng loài và áp dụng biện pháp thâm canh cường độ
cao. Riêng cây Hồi và cây Sở có thể tạo cây giống sinh dưỡng thông qua ghép mắt,
ghép cành. Rừng giống Thông nhựa (thông chân vịt) trồng rừng giống bằng vật liệu
giống vô tính (cây con ghép).
- Đối với xây dựng nguồn giống, cơ sở
sản xuất quy mô nhỏ và cải thiện nguồn giống hiện có: Các tổ chức, đơn vị, hộ gia
đình, cá nhân triển khai xây dựng các dự án đầu tư trên cơ sở cơ chế chính sách
đầu tư, hỗ trợ đầu tư của nhà nước và của tỉnh đối với lĩnh vực phát triển giống
cây lâm nghiệp. Khuyến khích sản xuất, sử dụng giống cây lâm nghiệp bản địa thuộc
danh mục cây ưu tiên của tỉnh để trồng rừng (đặc biệt rừng phòng hộ, đặc dụng),
làm giàu rừng tự nhiên; thực hiện cơ chế hưởng lợi giữa chủ nguồn giống và
đơn vị sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ đối với cây bản địa quý;
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
theo phân cấp từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố; trong đó tập trung quản
lý tốt việc sản xuất, cung ứng giống trồng rừng chất lượng cao (cấy nhân mô, sản phẩm nhân giống vô tính...) tại
các cơ sở sản xuất là các tập đoàn, công ty, trung tâm có quy mô sản xuất lớn
và công nghệ tiên tiến. Tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng thủ tục kiểm tra,
xác nhận nguồn gốc lô giống để lưu thông phục vụ trồng rừng;
- Việc sản xuất, cung ứng giống phải
luôn gắn với công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật,
xử lý nghiêm những hành vi, đối tượng vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh
doanh và sử dụng giống cây trồng nhằm lành mạnh hóa thị trường giống cây lâm
nghiệp.
3. Về cơ chế,
chính sách
Tiếp tục triển khai thực hiện một số
chính sách của Trung ương và của Tỉnh về đầu tư, hỗ trợ đầu tư, tín dụng, đất
đai và thuế nhằm khuyến khích phát
triển sản xuất giống cây lâm nghiệp; đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung
cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển giống cây lâm nghiệp chất lượng cao
đáp ứng yêu cầu của thực tế trên địa bàn tỉnh.
4. Về khoa học
và công nghệ
- Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp, ưu tiên sử dụng nguồn giống cây lâm
nghiệp chính đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và công bố
phù hợp với lập địa của Tỉnh; đồng thời tiếp tục điều tra, tuyển chọn, bổ sung nguồn giống cây bản địa làm phong phú hơn tập đoàn cây
trồng rừng chính của tỉnh. Đối với những giống có nhu cầu lớn nhưng khó khăn
trong việc đảm bảo phẩm chất di truyền cần phối hợp với
các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu chọn, tạo giống của
Trung ương để thực hiện (nghiên cứu nhân giống thông qua nuôi cấy mô tế bào);
- Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ
lĩnh vực Công nghệ sinh học trong phát triển giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh Quảng
Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn ngoài năm 2020 (nhân giống bằng phương pháp mô,
hom; sản xuất giá thể hữu cơ bằng phương pháp compost
từ phế thải hữu cơ (rươm, rạ, vỏ keo, vỏ đậu lạc...); sản xuất vỏ bầu tự hoại thân thiện môi trường thay thế bầu
polyetylen hiện nay...);
- Trong việc xây dựng các vườn ươm cố
định, quy mô lớn tại các khu vực được quy hoạch trong Đề án phải được thẩm định,
lựa chọn theo hướng ưu tiên áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất
gieo ươm giống cây lâm nghiệp;
- Tăng cường hợp tác Quốc tế để tiếp
thu và cập nhật thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất, cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp;
- Xây dựng các mô hình trồng thử giống
mới, mô hình khuyến nông.
5. Danh mục dự án ưu tiên (Chi tiết
như Biểu 6 kèm theo);
V. Nhu cầu vốn thực hiện Đề án
1. Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2017 -
2020: 37.325 triệu đồng; trong đó:
+ Vốn Ngân sách nhà nước: 12.665 triệu
đồng (chiếm 33,9%).
+ Vốn tự có và huy động hợp pháp khác:
24.660 triệu đồng (chiếm 66,1%).
(1) Xây dựng, củng cố nguồn giống:
10.775 triệu đồng;
(2) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp vườn
ươm, cơ sở sản xuất vật liệu gieo ươm: 16.000 triệu đồng;
(3) Xây dựng, nâng cấp cơ sở sản xuất
giống công nghệ cao: 9.050 triệu đồng;
(4) Đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội
thảo và công tác thông tin tuyên truyền: 1.500 triệu đồng.
(Chi tiết như Biểu 5 kèm theo)
2. Triển khai thực hiện các nhóm dự
án
Kinh phí để thực hiện Đề án sẽ căn cứ
vào quá trình triển khai từng dự án trong danh mục ưu tiên. Việc thẩm định từng
dự án cụ thể trong Đề án sẽ được thực hiện theo đúng quy định về trình tự, thủ
tục, chủ trương đầu tư các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Về huy động vốn của các tổ chức, cá nhân: Khi thẩm định từng dự án thành phần sẽ bổ sung cam kết của các tổ chức, cá nhân
tham gia dự án.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
Chủ trì phối hợp với các sở, ngành
xây dựng, thẩm định, báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư thuộc dự
án thành phần của Đề án; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân
tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh (nếu cần thiết) nhằm khuyến khích thu hút đầu tư, tạo
điều kiện để Đề án triển khai có hiệu quả.
2. Sở Kế hoạch và đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn ngân sách của tỉnh nguồn vốn
trung hạn và hàng năm cho thực hiện Đề án; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế
hoạch nguồn tài chính dành cho đầu tư phát triển.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan phân bổ kinh phí Nhà nước thực hiện Đề án; kiểm soát nguồn vốn phân bổ
để việc sử dụng vốn có hiệu quả; hướng dẫn, kiểm tra, giám
sát việc cấp phát, sử dụng kinh phí và thanh quyết toán theo quy định; phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để
sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan thẩm định, báo cáo UBND tỉnh
phê duyệt các dự án đầu tư có ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và
chuyển giao công nghệ trong thực hiện Đề án; báo cáo đề xuất hỗ trợ cho các dự
án của các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đề án có sử dụng hàm lượng
khoa học công nghệ cao.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
về công tác giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn do địa phương quản lý theo
Quy chế quản lý giống cây lâm nghiệp và các Quyết định phân cấp của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Quảng Ninh và hướng dẫn về chuyên môn
của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong lĩnh vực quản lý giống cây trồng
lâm nghiệp;
Phối hợp với các Sở, ban ngành chức
năng có liên quan thực hiện các nội dung trong công tác phát triển giống cây
lâm nghiệp trên địa bàn.
6. Các cơ quan, đơn vị có liên quan
khác
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao
thực hiện phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa
phương để thực hiện kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn, thông tin, tuyên truyền về
thực hiện Chuỗi hành trình quản lý giống cây trồng lâm nghiệp của các cơ sở
tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu giống cây trồng lâm nghiệp
trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc
các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tỉnh;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ
quan, tổ chức, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp&PTNT (b/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- V0, V5, NLN1,3; TM2,3;
- TT Hành chính công Tỉnh;
- TT Thông tin VPUBND Tỉnh;
- Lưu: VT, NLN2 (8b)-QĐ 02/6.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Huy Hậu
|