Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 263/QĐ-UBND.HC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Trương Ngọc Hân
Ngày ban hành: 12/03/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 263/QÐ-UBND.HC

Thành phố Cao Lãnh, ngày 12 tháng 03 năm 2009

 

QUYẾT ÐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH NÔNG NGHIỆP, PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá X;

Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09 tháng 12 năm 2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;

Căn cứ Báo cáo thẩm định số 01/HĐTĐ.QHNN&PTNT ngày 18 tháng 11 năm 2008 về việc thẩm định Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ÐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Định hướng phát triển

- Xây dựng nền sản xuất nông, lâm, thuỷ sản từng bước hiện đại, bền vững với thế mạnh là cây lúa và nuôi trồng thuỷ sản để tăng năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, sản xuất gắn với thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Từng bước tổ chức lại sản xuất, tiến lên sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi bảo vệ thành quả sản xuất.

- Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, đầu tư hạ tầng thuỷ lợi phục vụ đa mục tiêu, góp phần xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hiện đại, gắn với phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ; bảo đảm xã hội vùng nông thôn ổn định, môi trường được bảo vệ, đủ khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trước mắt và lâu dài.

- Phát triển nông nghiệp, nông thôn để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trình độ sản xuất của dân cư nông thôn, đặc biệt là dân cư ở vùng sâu, vùng biên giới đạt mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long.

2. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu

a. Mục tiêu

Xây dựng nền nông nghiệp của Tỉnh theo hướng hiện đại, tiên tiến với thế mạnh là cây lúa và thuỷ sản; phát triển hiệu quả, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước và là nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu.

Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp được đổi mới, củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn theo hướng hợp tác, mở rộng quy mô, đổi mới nội dung hoạt động, mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn, từng bước hình thành các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản ở nông thôn.

Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hiện đại, gắn với phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ; đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục… công trình cấp nước sạch, bố trí sắp xếp dân cư nông thôn; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng đa mục tiêu; cùng với phát triển hệ thống giao thông nông thôn kết nối thị trấn và trung tâm giao lưu hàng hoá lớn xe tải nặng lưu thông được, đường đến thị tứ bảo đảm cho xe tải nhẹ lưu thông, đường từ trung tâm xã đến các cụm, tuyến dân cư đi lại được quanh năm. Nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống an toàn; từng bước ngăn chặn và khắc phục kịp thời tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn.

Nâng cao trình độ lao động nông nghiệp qua đào tạo, tăng tỷ lệ lao động trong độ tuổi có công ăn việc làm ổn định; trang bị kiến thức cho nông dân tiếp cận khoa học công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp trong xu thế hội nhập; đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động nông nghiệp, chuyển dịch lao động trong nông nghiệp sang các lĩnh vực, ngành nghề khác còn 40% ở năm 2020, góp phần nâng mức sống dân cư nông thôn cao gấp 2,5 lần trở lên so với hiện nay.

b. Các chỉ tiêu chủ yếu

+ Chỉ tiêu đến năm 2020

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thuỷ sản bình quân từ 5,0 - 6,0%/năm. Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ nông - lâm - thuỷ sản đến năm 2020 đạt tỷ lệ theo thứ tự là 56,72% - 1,12% - 42,16%.

- Ổn định sản lượng lúa trên 2,5 triệu tấn, có trên 80% lúa chất lượng cao (trong đó có 400.000 - 500.000 tấn lúa đặc sản). Tỷ lệ cơ giới hóa khâu gặt đập 80 - 85%, tưới tiêu bằng bơm điện 80 - 85%.

- Tổng đàn gia cầm 11 triệu con, gia súc 950.000 con (trong đó heo 780.000 con). Sản lượng nuôi thuỷ sản đạt 550.000 tấn.

- Ổn định diện tích rừng tập trung hiện có, phấn đấu bình quân mỗi năm trồng 4,0 - 5,0 triệu cây phân tán.

- Tỷ lệ cấp nước sinh hoạt nông thôn đạt 95% (trong đó giảm tỷ lệ lắng lọc, cấp nước từ công trình 85 - 90%, tăng 10% so với năm 2015).

+ Chỉ tiêu đến năm 2015

Phấn đấu tăng trưởng khu vực nông - lâm - thuỷ sản bình quân giai đoạn 2011 - 2015 từ 5,5 - 6,0%. Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ nông - lâm - thuỷ sản đến năm 2015 đạt tỷ lệ theo thứ tự là 61,61% - 0,91% - 37,48%.

- Sản lượng lúa trên 2,5 triệu tấn, có trên 80% lúa chất lượng cao (trong đó 300.000 - 400.000 tấn lúa đặc sản). Tỷ lệ cơ giới hóa khâu gặt đập 65 - 70%, tưới tiêu bằng bơm điện 70 - 75%.

- Tổng đàn gia cầm 9 triệu con, gia súc 690.000 con (trong đó heo 630.000con). Sản lượng nuôi thuỷ sản đạt 450.000 tấn, chủ yếu là cá tra xuất khẩu, tôm càng xanh.

- Ổn định diện tích rừng tập trung hiện có, phấn đấu bình quân mỗi năm trồng 4,0 - 5,0 triệu cây phân tán, đưa tổng số cây phân tán đạt 120 triệu cây.

- Tỷ lệ cấp nước sinh hoạt nông thôn đạt 95% (trong đó tỷ lệ cấp nước từ công trình 75 - 80%, tăng 10 - 15% so với năm 2010).

3. Nhiệm vụ và giải pháp

3.1. Quy hoạch nông, lâm, thuỷ sản

a) Quy hoạch phát triển trồng trọt: theo hướng hiện đại hoá trên cơ sở đẩy mạnh tổ chức các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và ứng dụng khoa học công nghệ; quản lý sản xuất theo quy hoạch, chủ động điều chỉnh thời vụ, luân canh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp theo yêu cầu thị trường.

Trên lợi thế về tiềm năng về đất đai, nhu cầu thị trường, trong 03 phương án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chọn phương án chuyển đổi mạnh, tăng diện tích sản xuất lúa vụ 3 vừa phải, tăng luân canh hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày với diện tích gấp 2,5 lần trở lên so với hiện nay.

Bố trí các vùng sản xuất vùng chuyên sản xuất lúa, vùng luân canh lúa - màu, lúa - tôm, lúa - cá; vùng chuyên canh cây ăn trái, chuyên màu, chuyên trồng hoa, cây kiểng, xây dựng các vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao... trên cơ sở lợi thế từng vùng.

Xây dựng hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi từ Tỉnh đến huyện theo phân cấp, với phương châm xã hội hóa sản xuất cung ứng giống, đảm bảo đủ giống tốt cho sản xuất; trong đó nâng cao vai trò chủ đạo của Nhà nước, gắn kết với các Viện, Trường trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất giống; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống bằng phương pháp lai tạo. Đầu tư nâng cấp Trung tâm Giống Nông nghiệp Tỉnh, trại giống cấp huyện, cơ sở sản xuất giống cây con theo hướng hiện đại (máy móc làm đất, hệ thống tưới, kho chứa bảo quản giống, phòng cấy mô; nhà sản xuất giống cây ăn trái, hoa kiểng; trang thiết bị về lò sấy, máy sàng lọc, máy khử lẫn, máy đo độ ẩm, thiết bị kiểm nghiệm giống...) để sản xuất giống có chất lượng cao theo quy trình sạch bệnh đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Chuyển giao có hiệu quả quy trình, kỹ thuật sản xuất theo hướng hiện đại để nâng cao năng suất, hạ giá thành, đủ sức cạnh tranh. Điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, xây dựng phương thức sản xuất theo cộng đồng chủ động chống lũ, phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất, tạo điều kiện để kinh tế hộ sản xuất hàng hoá tiếp tục phát triển; củng cố, xây dựng các đơn vị kinh tế hợp tác ở nông thôn, trước hết là nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã hiện có; mở rộng hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết; khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế trang trại, phát triển thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn; tạo mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng để tạo mối liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy việc tập trung, tích tụ đất đai nhằm từng bước tiến lên sản xuất lớn, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn cho xuất khẩu.

Đầu tư hạ tầng về thuỷ lợi để chủ động tưới tiêu, hoàn thiện hệ thống bờ bao chống lũ phù hợp với từng loại cây trồng (lúa, hoa màu, cây ăn trái) theo hướng kiên cố, hiện đại gắn với giao thông nội đồng đáp ứng phương tiện cơ giới hoạt động trên đồng ruộng. Đưa nhanh cơ giới hoá vào sản xuất từ các khâu từ làm đất, bơm tưới, gieo sạ, thu hoạch, phơi sấy; hiện đại hoá công nghiệp bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm với việc đầu tư hệ thống kho trữ nông, thuỷ sản hàng hóa.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu; thường xuyên và kịp thời cung cấp thông tin dự báo về thị trường giá cả, cung - cầu các sản phẩm chính như: lúa gạo, thuỷ sản, trái cây... để các nhà quản lý và nông dân có định hướng tập trung phát triển.

b) Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi

Phát triển chăn nuôi từng bước hiện đại hóa theo hướng nuôi công nghiệp bán công nghiệp, nuôi trang trại với quy mô ngày càng lớn hơn, tập trung hơn để gắn kết với tiêu thụ, chế biến giết mổ tập trung, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu; chuyển đổi giống vật nuôi theo hướng lai tạo để nâng cao tầm vóc, sản lượng và chất lượng, hiệu quả, bền vững; chủ động phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường, hướng đến xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi.

Chọn phương án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với thị trường trên cơ sở khai thác lợi thế tiềm năng, khoa học công nghệ và chính sách để tăng tỷ trọng chăn nuôi từ 12 - 14% vào năm 2010; 18 - 20% vào năm 2015 và 24 - 25% vào năm 2020 trong cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi.

Phát triển đàn gia súc, gia cầm theo đặc điểm, lợi thế từng vùng, từng địa phương trên cơ sở nâng cao chất lượng đàn giống thông qua lai tạo giống mới cao sản, nâng cao tầm vóc, năng suất; chủ động thức ăn theo hướng công nghiệp; phổ biến việc ứng dụng nhanh các tiến bộ về công nghệ chuồng trại (như chuồng kín, chuồng lồng…) nuôi heo trang trại, công nghiệp chủ động điều khiển nhiệt độ, độ ẩm... áp dụng các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng tiên tiến; hướng dẫn, khuyến cáo các hộ, các tổ chức chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, nuôi gia súc, đặc biệt là nuôi heo sử dụng túi và hố ủ biogas để bảo vệ môi trường nhằm phát triển chăn nuôi bền vững.

Xây dựng mạng lưới thú y đủ mạnh để đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi, kỹ thuật lai tạo giống, xây dựng các mô hình trình diễn chăn nuôi an toàn, chủ động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

Khuyến khích tạo điều kiện phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến tập trung. Phấn đấu từng bước không chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm sống trong các nội thành, nội thị; phấn đấu tỷ lệ giết mổ, chế biến gia cầm tập trung đồng bộ với chăn nuôi tập trung; tỷ lệ giết mổ gia súc tập trung đạt 50% đến năm 2010, 65% vào năm 2015 và 80% ở năm 2020.

Tăng cường kiểm soát, vận chuyển giết mổ, sản xuất, kinh doanh giống gia súc gia cầm, xây dựng mạng lưới thú y cơ sở.

c) Phương hướng quy hoạch thuỷ sản

Phát triển thuỷ sản theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ sản xuất giống, quy trình nuôi, phát triển thuỷ sản bền vững gắn với đầu tư công nghệ chế biến hiện đại; khai thác tiềm năng lợi thế nuôi cá tra xuất khẩu, tôm càng xanh, chủ động các điều kiện để chuyển đổi sang nuôi các loại cá bản địa có giá trị khác đáp ứng yêu cầu thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Chọn phương án phát triển thuỷ sản bền vững theo lợi thế tự nhiên của từng vùng trong tỉnh, khai thác hợp lý tiềm năng trên cơ sở dự báo, cân đối sản xuất, chế biến, gắn với thị trường tiêu thụ trên cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết một số loài nuôi chủ lực như: cá tra, tôm càng xanh, gắn với quy hoạch đầu tư hạ tầng vùng nuôi trên cơ sở lợi thế từng vùng; quản lý quy hoạch vùng nuôi, đặc biệt là cá tra theo hướng cân đối sản xuất, chế biến, tiêu thụ; thực hiện cấp giấy phép nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch. Khuyến khích tổ chức nuôi trồng theo quy mô lớn trang trại, doanh nghiệp, sử dụng thức ăn công nghiệp, đổi mới công tác khuyến ngư chuyển giao quy trình nuôi, quy trình sản xuất giống thuỷ sản sạch gắn với thực tiễn sản xuất từng giai đoạn.

Triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp về con giống, thức ăn, quy trình nuôi, phòng trừ dịch bệnh, gắn sản xuất với tiêu thụ, nhà máy chế biến, xuất khẩu; nâng cao vai trò của Hiệp hội Thuỷ sản và các Chi hội, gắn với doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến xuất khẩu.

Đầu tư hạ tầng vùng nuôi thuỷ sản tập trung, hạ tầng vùng sản xuất giống, đặc biệt là nuôi cá tra bãi bồi, ao hầm thâm canh phải bố trí hệ thống cấp nước, thoát nước riêng biệt, có ao xử lý nước thải và áp dụng xử lý bằng phương pháp vi sinh với chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường sinh thái; kết hợp với thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền vệ sinh thú y thuỷ sản, quy định về bảo vệ môi trường đối với nuôi trồng thuỷ sản.

d) Về phát triển lâm nghiệp

Ổn định diện tích rừng tập trung, trồng và khai thác rừng hợp lý nhằm bảo tồn thiên nhiên, sinh thái vùng Đồng Tháp Mười. Ngoài rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Tràm Chim, rừng Khu di tích Gò Tháp, Xẻo Quýt, phát triển rừng sản xuất, rừng phòng hộ chủ yếu trồng lại trên diện tích đã khai thác, ổn định diện tích rừng tập trung hiện có, phát triển 3 loại rừng tập trung trên cơ sở phủ kín quỹ đất lâm nghiệp hiện có; kết hợp trồng cây phân tán, góp phần tăng độ che phủ, bảo vệ sản xuất, bảo vệ dân cư, phòng hộ biên giới, phòng hộ lũ lụt, tạo cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường, đồng thời cung cấp chất đốt cho hộ gia đình với các giải pháp điều chỉnh bổ sung các dự án trồng rừng; hỗ trợ các đơn vị xây dựng phương án điều chế rừng, trồng rừng theo hướng thâm canh, nâng chất lượng rừng sản xuất; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong việc tổ chức quản lý và phát triển rừng giữa Uỷ ban nhân dân huyện, xã có rừng với các chủ rừng; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng, quản lý rừng.

3.2. Quy hoạch một số lĩnh vực phát triển nông thôn

a) Về xây dựng quan hệ sản xuất nông nghiệp

Mục tiêu phát triển quan hệ sản xuất trong nông nghiệp là củng cố nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể (loại hình Hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác trong nông nghiệp), kinh tế hộ, kinh tế trang trại hoạt động kinh doanh tổng hợp, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh; chủ động liên kết trong việc đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu; tạo điều kiện để kinh tế hộ sản xuất hàng hóa tiếp tục phát triển mạnh; điều chỉnh bổ sung chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn Tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, hỗ trợ tiếp cận với kỹ thuật mới, trình độ quản lý; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước mắt là hệ thống giao thông bộ liên huyện, liên xã đảm bảo xe tải trọng lớn lưu thông thuận tiện, đủ nguồn điện năng, phủ sóng điện thoại tạo môi trường để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, để khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp; đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp đã có ở nông thôn mở rộng quy mô, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp dịch vụ vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản cho nông dân và doanh nghiệp công nghiệp sửa chữa, chế tạo máy nông nghiệp (máy cày, xới, máy gặt, máy bơm nước…) để phục vụ phát triển nông nghiệp. Củng cố, phát triển làng nghề gắn với thị trường tiêu thụ.

b) Định hướng hỗ trợ sắp xếp dân cư nơi cần thiết

Điều tra, khảo sát kịp thời dự tính, dự báo tình hình diễn biến sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu và các sông lớn khác, nguy cơ của các điểm sạt lở, tập trung các điểm xung yếu để khuyến cáo, hỗ trợ di dời dân cư khỏi vùng nguy hiểm; rà soát, đánh giá, kiểm tra tình hình sạt lở, tình hình ngập lũ hàng năm để xác định số hộ cần di dời chủ động kế hoạch hỗ trợ kinh phí di dời theo quy định từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia sắp xếp dân cư nơi cần thiết, chủ động sắp xếp ổn định đời sống dân cư vùng ngập lũ, vùng sạt lở, vùng biên giới đến nơi an toàn để ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, gắn phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh.

c) Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn

Quy hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp các trạm cấp nước sạch nông thôn; đối với dân cư nông thôn ven thị xã, thị trấn, thị tứ đầu tư đấu nối với hệ thống mạng đường ống khai thác nguồn nước đô thị đã có theo phân cấp với các mô hình đầu tư, quản lý, khai thác thích hợp nhằm từng bước xã hội hoá cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Rà soát, điều chỉnh bổ sung chính sách khuyến khích thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn trên địa bàn Tỉnh, sử dụng có hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn vay chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

d) Quy hoạch thuỷ lợi

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Kết hợp phát triển thuỷ lợi với giao thông và bố trí dân cư, phục vụ đa mục tiêu và phù hợp với Quyết định số 84/2006/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch thuỷ lợi đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; đồng thời, đầu tư hệ thống các công trình thuỷ lợi phải phù hợp với quy hoạch thuỷ lợi, đặc biệt là kiểm soát lũ toàn vùng Đồng Tháp Mười và Quy hoạch lũ toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09 tháng 12 năm 2008 của Tỉnh uỷ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng thuỷ lợi kết hợp chặt chẽ với giao thông nông thôn, giao thông nội đồng để cơ giới hóa đồng ruộng; kết hợp phân bố dân cư, tạo cảnh quan và cải tạo môi trường...

Mục tiêu chính để chủ động tưới, tiêu, kiểm soát lũ cho trên 200.000 ha canh tác cây hàng năm và gần 30.000 ha cây ăn trái. Kết hợp chặt chẽ đầu tư công trình tưới tiêu chống lũ phục vụ sản xuất nông nghiệp với việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên ruộng lúa, bãi bồi, vùng ven sông. Chủ động kiểm soát lũ bảo vệ hệ thống công trình hạ tầng cơ sở, các thị tứ, thị trấn; chủ động phòng chống sạt lở bờ sông bảo vệ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Nạo vét mở rộng các kênh trục chính đảm bảo thoát lũ và cấp nước tưới tiêu theo định hướng kiểm soát lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Quyết định số 84/2006/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ; nạo vét 197 kênh cấp 1, 551 kênh cấp 2 và các kênh cấp 3, kênh mương nội đồng theo định kỳ; nâng cấp các ô bao chống lũ, những tuyến kết hợp giao thông nông thôn, giao thông nội đồng theo hướng kiên cố, đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa sản xuất.

Phát triển trạm bơm điện thay thế dần bơm dầu, kết hợp cung cấp điện cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp, sinh họat ở những khu vực có điều kiện. Xây dựng các cống tưới tiêu khép kín các ô bao sản xuất, trong đó chủ động kết hợp mục tiêu giao thông thuỷ bộ, giao thông nội đồng đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa, khai thác hiệu quả nguồn nước tự chảy, phù hợp với điều kiện thực tế từng khu vực.

Xây dựng công trình phòng chống xói lở, công trình chống lũ bảo vệ thị xã, thị trấn, ưu tiên đầu tư các công trình kè chống xói lở bảo vệ bờ sông Tiền, sông Hậu cho các đô thị ven sông như: kè Sa Đéc, kè Hồng Ngự, kè chống xói lở tuyến kênh Xáng Lấp Vò…

4. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch

Tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn đảm bảo phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững về sản xuất, tiêu thụ và bảo vệ môi trường.

Đầu tư sản xuất, cung ứng giống cây, giống con theo hướng hiện đại; từng bước xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống cây, giống con từ Tỉnh đến các cơ sở sản xuất cung ứng giống có sự hỗ trợ, kiểm soát của Nhà nước nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nông, thuỷ sản đáp ứng yêu cầu thị trường tiến tới xã hội hoá công tác sản xuất, cung ứng giống.

Đổi mới công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, thực hiện công tác khuyến nông theo các dự án, chương trình, đầu tư có trọng điểm gắn kết với các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng mô hình khuyến nông tổng hợp theo hướng khép kín từ khâu giống, chuyển giao kỹ thuật tiến bộ, công nghệ thu hoạch, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, định hướng tiêu thụ; nhằm chuyển giao có hiệu quả các quy trình kỹ thuật sản xuất; từng bước tiến tới xã hội hoá công tác khuyến nông.

Đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trước, trong và sau thu hoạch ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, gắn với bảo quản, chế biến, tồn trữ bằng việc phát triển hệ thống kho tàng theo quy hoạch, ưu tiên đẩy mạnh tiến trình áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, xây dựng các mô hình cơ giới hoá rau màu thí điểm, tiến tới nhân rộng đại trà ở các vùng sản xuất tập trung…

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vốn đầu tư gồm: vốn ngân sách địa phương, vốn Trung ương hỗ trợ, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, vốn vay, vốn huy động hợp pháp khác.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn từng giai đọan, từng bước nghiên cứu thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất.

Tiếp tục đẩy mạnh việc gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, thuỷ sản cho người sản xuất.

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, đào tạo nông dân để tiếp cận nắm bắt khoa học công nghệ mới; mở rộng các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn, gắn kết vừa đào tạo nghề và giải quyết việc làm để chuyển dịch lao động trong nông nghiệp sang lĩnh vực khác để cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân.

Xây dựng và ban hành các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch theo từng lĩnh vực, phân chia các giai đoạn, phân công tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành Tỉnh liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ, cụ thể hoá quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn (5 năm) với các giải pháp đồng bộ để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, giám sát việc thực hiện theo quy hoạch, kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá kịp thời bổ sung điều chỉnh quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển, gắn kết với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của Tỉnh và quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiến hành lập quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn của địa phương mình theo định hướng chung của Tỉnh, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể; tiến hành công khai quy hoạch tổng thể nông nghiệp, nông thôn để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc các sở, ngành Tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Ðiều 3;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- CT, các PCT/UBND Tỉnh;
- Mặt trận TQ, các đoàn thể Tỉnh;
- Lưu VT, NC/NN(1).ttn.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 263/QĐ-UBND.HC ngày 12/03/2009 phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.730

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.129.8
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!