TỔNG
CỤC THỐNG KÊ
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
******
|
Số
: 236-PPCĐ/TK
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 12 năm 1971
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BIỂU MẪU BÁO CÁO THỐNG KÊ THIỆT HẠI VỀ LŨ, LỤT
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Căn cứ Nghị định số 131-CP ngày
29-9-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy
của Tổng cục Thống kê;
Căn cứ Nghị định số 27-CP ngày 22-2-1962 của Hội đồng Chính phủ quy định các
nguyên tắc về việc lập và ban hành các chế độ, biểu; mẫu báo cáo thống kê và
phương án điều tra,
Căn cứ quyết định số 241-TTg ngày 01-9-1971 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy
định chế độ thống kê và báo cáo thống kê những thiệt hại do lụ lụt, hàng năm
gây ra.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. –
Nay ban hành quy định cụ thể hệ thống biểu mẫu báo cáo thống kê thiệt hại về lũ,
lụt áp dụng cho các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính
phủ, các đoàn thể trung ương và các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương.
Điều 2. –
Hàng năm nơi nào xảy ra lũ, lụt có gây thiệt hại thì căn cứ vào biểu mẫu trong bản
quy định cụ thể này làm báo cáo gửi Tổng cục Thống kê để Tổng cục Thống kê tổng
hợp báo cáo lên Hội đồng Chính phủ.
Những thiệt hại
về lũ, lụt xảy ra trong trận lụt tháng 8 và tháng 9 năm 1971 phải được thống kê
và đánh giá lại theo biêu mẫu báo cáo này.
Các biểu mẫu và
giải thích tính toán các chỉ tiêu thiệt hại về lũ, lụt do Tổng cục Thống kê tạm
thời ban hành theo công văn số 777—TCTK/TH ngày 27-8-1971, số 780-TCTK/TH ngày
28-8-1971 và số 924-TCTK/TH ngày 28-9-1971 nay không còn hiệu lực.
Điều 3. –
Các ông Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc
Hội đồng Chính phủ, các đoàn thể trung ương và các ông Chủ tịch Ủy ban hành
chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực
hiện quyết định này.
|
TỔNG
CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Nguyễn Đức Dương
|
BẢN QUY ĐỊNH CỤ THỂ
BIỂU
MẪU BÁO CÁO THỐNG KÊ THIỆT HẠI VỀ LŨ, LỤT ÁP DỤNG CHO CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ,
CƠ QUAN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ, CÁC ĐOÀN THỂ TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC ỦY BAN HÀNH
CHÍNH TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(ban hành kèm theo Quyết định số 236-PPCĐ/TK ngày 06-12-1971 của Tổng cục
Thống kê)
Phần thứ nhất:
NỘI DUNG BIỂU MẪU
Phần A:
Dân cư và đơn vị bị ngập lụt
Phần B:
Tình hình thiệt hại về tài sản (chia theo ngành kinh tế quốc dân và thành phần kinh
tế)
(Kèm theo có biểu
mẫu báo cáo thống kê cụ thể và bản giải thích cách ghi báo cáo, tính toán các
chỉ tiêu trong biểu mẫu đó) ()
Phần thứ hai:
MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG VÀ TRÁCH NHIỆM THI HÀNH
1. Phạm
vi biểu mẫu báo cáo thống kê thiệt hại lũ, lụt chỉ áp dụng cho các vùng bị ngập
lụt do vỡ đê, tràn đê, do phân lũ, do mưa nhiều thành lũ, lụt, do lũ ở rừng
miền núi… có người chết hoặc có thiệt hại đến nhà cửa, gia súc, đồng ruộng và
các tài sản khác của Nhà nước, của hợp tác xã, của nhân dân ở vùng đó.
Các vùng do
mưa nhiều mà bị úng có làm thiệt hại cho cây trồng, đồng ruộng thì không thống
kê thiệt hại theo mẫu biểu này, mà báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp.
2. Để bảo
đảm yêu cầu tổng hợp, các Bộ, các ngành, các đoàn thể trung ương và các Ủy ban
hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổng hợp tình
hình thiệt hại chung trong phạm vi mình quản lý theo đúng nội dung kết cấu của
biểu mẫu và phương pháp tính toán đã quy định để gửi Tổng cục Thống kê.
Riêng các đơn
vị xí nghiệp công nghiệp, công trường xây dựng cơ bản, nông trường quốc doanh, cung
cấp vật tư kỹ thuật, kho hàng, và cửa hàng thương nghiệp trọng điểm trực
thuộc các Bộ, ngành quản lý, các huyện trọng điểm lúa… bị lũ lụt, cũng sử dụng nội
dung biểu mẫu báo cáo thống kê này gửi Tổng cục Thống kê đồng bộ gửi Bộ, ngành
chủ quản. Nếu là huyện trọng điểm lúa thì đồng gửi Ủy ban hành chính tỉnh,
thành phố.
3. Trong
các báo cáo sơ bộ thiệt hại về lũ, lụt, ngoài báo cáo bằng số liệu theo biểu
mẫu đã ban hành, các Bộ, ngành, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố còn phải kèm
theo báo cáo bằng lời văn nêu rõ ưu, khuyết điểm trong công tác phòng chống lũ,
lụt; những biện pháp đã thực hiện để khắc phục hậu quả do lũ, lụt gây ra…
4. Về kỳ
hạn báo cáo quy định như sau:
Sau khi có lũ,
lụt xảy ra có gây thiệt hại, thì Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương phải tổng
hợp báo cáo thiệt hại gửi Tổng cục Thống kê.
Báo cáo này phải
làm 2 lần:
- Lần thứ nhất:
báo cáo sơ bộ thiệt hại. Báo cáo sơ bộ này chủ yếu phản ánh tình hình số
lượng hiện vật bị thiệt hại (phần A của biểu mẫu). Về giá trị thiệt hại (phần B
của biểu) trong lần báo cáo sơ bộ này, chỉ cần báo cáo khái quát do cơ quan
thống kê sơ bộ báo cáo.
Năm ngày sau khi
có lũ, lụt báo cáo sơ bộ thiệt hại này đã phải có ở Tổng cục Thống kê. Nếu lũ,
lụt kéo dài thì báo cáo tiếp 3 ngày một lần theo tính chất sơ bộ này.
- Lần thứ
hai: Báo cáo chính thức thiệt hại. Báo cáo chính thức này bao gồm toàn bộ thiệt
hại về số lượng hiện vật và trị giá thiệt hại chi tiết ở phần B theo đúng các
quy định về phương pháp tính toán trong văn bản này.
Một tháng (tức
30 ngày) sau lũ, lụt (sau khi nước rút) báo cáo chính thức thiệt hại về lũ, lụt
phải có ở Tổng cục Thống kê.
Riêng trận lụt
tháng 8 và tháng 9-1971 thì trong ngày 15 tháng 2 năm 1972 báo cáo chính thức
về thiệt hại phải có ở Tổng cục Thống kê.
5. Tổ chức
thực hiện:
Ở địa phương,
Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố giao cho các Sở, Ty và Ủy ban hành chính huyện,
thị xã có trách nhiệm thu thập số liệu từ các cơ sở: xí nghiệp, công trường,
cửa hàng…để làm báo cáo thiệt hại theo phạm vi Sở, Ty và huyện quản lý, gửi Chi
cục thống kê, Chi cục thống kê giúp Ủy ban hành chính tỉnh, thành phổ biến
biểu mẫu cho các Sở, Ty, các cơ quan đoàn thể, các huyện các đơn vị cơ sở
sản xuất, kinh doanh quán triệt chấp hành, và tổng hợp tình hình thiệt hại
về lũ, lụt trong toàn tỉnh, thành phố báo cáo về Tổng cục Thống kê.
Ở các Bộ, các ngành, thủ trưởng
giao cho các cục, vụ hoặc Tổng công ty…thu thập số liệu từ các đơn vị cơ sở: xí
nghiệp, công trường, cửa hàng…do Bộ, ngành quản lý để làm báo cáo thiệt hại. Vụ
Thống kê (hoặc phòng thống kê) của Bộ, ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến biểu
mẫu cho các đơn vị và cơ sở trực thuộc Bộ, ngành, quán triệt, và tổng hợp thiệt
hại chung trong toàn Bộ, ngành. Bộ, ngành nào có quản lý kinh doanh đến cấp II
thì phải tổng hợp cả thiệt hại của cấp II do các Sở, Ty báo cáo lên và phải ghi
chú rõ ràng trong biểu phần thiệt hại của cấp II ở dưới biểu.
6. Các
ông Vụ trưởng Vụ phương pháp chế độ, Vụ trưởng Vụ thống kê tổng hợp thuộc Tổng cục
Thống kê có trách nhiệm giúp Tổng cục hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, đoàn
thể ở trung ương, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố thực hiện bản quy định
cụ thể biểu mẫu báo cáo thống kê thiệt hại về lũ, lụt này và tổng hợp tình hình
chung làm báo cáo trình Chính phủ.