ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
23/2024/QĐ-UBND
|
Đà Nẵng, ngày 01
tháng 7 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CANH TÁC TRÊN VÙNG CANH TÁC HỮU CƠ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm
2018;
Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng
8 năm 2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;
Căn cứ Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng
12 năm 2019 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt
về giống cây trồng và canh tác;
Căn cứ Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01
tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định
một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính
phủ về Nông nghiệp hữu cơ;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 2101/TTr-SNN ngày 31 tháng 5 năm
2024 và kết quả biểu quyết của các thành viên UBND thành phố tại phiên họp ngày
12 tháng 6 năm 2024 (Thông báo số 256/TB-VP ngày 17 tháng 6 năm 2024 của Văn
phòng UBND thành phố Đà Nẵng).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ tại thành phố Đà
Nẵng.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
quận, huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TTTU, TT HĐND thành phố;
- UBMTTQVN thành phố;
- CT và các PCT UBND thành phố;
- Hội Nông dân thành phố;
- Các Sở: NN&PTNT, KH&CN, TN&MT, Tư pháp;
- UBND các quận, huyện;
- Cổng Thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT, SNN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Chí Cường
|
QUY ĐỊNH
VỀ
CANH TÁC TRÊN VÙNG CANH TÁC HỮU CƠ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2024/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2024 của
UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định các hoạt động canh tác áp
dụng trên các vùng canh tác hữu cơ để tạo ra các sản phẩm cây trồng hữu cơ tại
thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là vùng canh tác hữu cơ). Trách nhiệm của
các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động canh tác trên vùng canh tác hữu
cơ trên địa bàn thành phố.
2. Những quy định khác về canh tác hữu cơ không được
quy định tại quy định này được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác
xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất sản phẩm cây trồng
hữu cơ (gọi tắt là cơ sở); tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến canh tác
hữu cơ trên vùng canh tác hữu cơ tại thành phố Đà Nẵng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Canh tác hữu cơ là quá trình sử dụng tài nguyên
thiên nhiên, trang thiết bị, vật tư nông nghiệp và áp dụng quy trình sản xuất
phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ để tạo ra các sản phẩm cây trồng hữu cơ.
2. Vùng canh tác hữu cơ là vùng canh tác đáp ứng
tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
phê duyệt.
3. Sản phẩm cây trồng hữu cơ là bộ phận thu hoạch của
cây trồng (không bao gồm cây lâm nghiệp, cây cảnh) được sản xuất, chứng nhận và
ghi nhãn phù hợp theo quy định tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ.
Điều 4. Nguyên tắc canh tác
trên vùng canh tác hữu cơ
1. Canh tác hữu cơ trên vùng canh tác hữu cơ phải đảm
bảo yêu cầu tại Điều 69 Luật Trồng trọt, trên cơ sở đáp ứng các nguyên tắc sản
xuất nông nghiệp hữu cơ tại Điều 4 Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 28/8/2018 của
Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.
a) Quản lý các tài nguyên (bao gồm đất, nước, không
khí) theo nguyên tắc hệ thống và sinh thái trong tầm nhìn dài hạn.
b) Không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp
trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, tránh trường hợp con người và
môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất
và môi trường chung quanh.
c) Không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ
và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ.
d) Đối xử với động vật, thực vật một cách có trách
nhiệm và nâng cao sức khỏe tự nhiên của chúng.
đ) Sản phẩm hữu cơ phải được bên thứ ba chứng nhận
theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế,
tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm
hữu cơ.
2. Vùng canh tác hữu cơ phải được phát triển, bảo vệ
và xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp, bảo đảm không bị ô nhiễm hóa chất từ bên
ngoài.
Chương II
QUY ĐỊNH CÁC HOẠT ĐỘNG
CANH TÁC TRÊN VÙNG CANH TÁC HỮU CƠ
Điều 5. Quy định canh tác trên
vùng canh tác hữu cơ
Quá trình canh tác hữu cơ phải tuân thủ theo đúng
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 2: Trồng trọt hữu
cơ; trường hợp xuất khẩu sản phẩm cây trồng hữu cơ thì áp dụng theo yêu cầu của
nước nhập khẩu. Các quy định cụ thể:
1. Khu vực sản xuất hữu cơ
a) Khu vực sản xuất hữu cơ phải được khoanh vùng,
phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu
cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải
sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.
b) Cơ sở phải quy định vùng đệm cụ thể và dễ nhận
diện. Chiều cao của cây trồng trong vùng đệm và chiều rộng cụ thể của vùng đệm
phụ thuộc vào chiều cao của cây trồng trong khu vực sản xuất thông thường, nguồn
gây ô nhiễm cần được xử lý, địa hình và điều kiện khí hậu địa phương.
c) Nếu có nguy cơ ô nhiễm từ bên ngoài do nguồn nước
thì bên ngoài vùng đệm tạo một bờ đất hoặc rãnh thoát nước triệt để, nhằm tránh
nước xâm lấn, ô nhiễm vào khu vực sản xuất hữu cơ.
d) Các cây trồng trong vùng đệm không được chứng nhận
là sản phẩm hữu cơ.
2. Diện tích đang canh tác thông thường chuyển đổi
sang canh tác hữu cơ phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Trong giai đoạn chuyển đổi, các hoạt động canh
tác phải tuân thủ các yêu cầu của canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ quy định tại
khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10,11,12,13,14,15,16 của Điều này; khu vực chuyển đổi
hữu cơ phải có bờ bao và mương nước thoát riêng, không được để nước tưới và nước
mưa chảy trực tiếp từ khu vực sản xuất chuyển đổi hữu cơ sang khu vực sản xuất
hữu cơ.
b) Giai đoạn chuyển đổi áp dụng trên một phần hoặc
toàn bộ diện tích sản xuất phải ít nhất là:
- Đối với cây hàng năm: 12 tháng cho đến khi gieo hạt
hoặc trồng cây;
- Đối với cây lâu năm: 18 tháng cho đến khi thu hoạch
vụ đầu tiên.
Thời điểm bắt đầu chuyển đổi là ngày ghi nhận việc
quản lý sản xuất hữu cơ trong hồ sơ hoặc ngày mà tổ chức chứng nhận chấp nhận
đơn đăng ký.
c) Giai đoạn chuyển đổi có thể kéo dài trên cơ sở
nhận diện và đánh giá các nguy cơ có liên quan. Tổ chức, cá nhân không được ghi
nhãn liên quan đến hữu cơ đối với sản phẩm trong vòng 36 tháng sau khi sử dụng
các chất không được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ.
d) Giai đoạn chuyển đổi có thể được rút ngắn nếu có
bằng chứng về việc không sử dụng các chất cấm làm vật tư, nguyên liệu đầu vào
hoặc không thực hiện các hoạt động bị cấm. Thời gian chuyển đổi sau khi rút ngắn
không được ít hơn 6 tháng.
đ) Nếu không chuyển đổi đồng thời toàn bộ cơ sở thì
phải chia diện tích sản xuất thành từng khu vực nhỏ trong đó có sự tách biệt giữa
khu vực trồng trọt hữu cơ với khu vực không sản xuất hữu cơ. Cơ sở có thể mở rộng
dân phạm vi trồng trọt hữu cơ bằng cách áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ ngay từ khi bắt
đầu việc chuyển đổi trên các diện tích thích hợp.
3. Duy trì sản xuất hữu cơ
Cơ sở phải duy trì sản xuất hữu cơ liên tục. Không
được chuyển đổi qua lại giữa khu vực sản xuất hữu cơ và khu vực không hữu cơ,
trừ khi có lý do thích hợp để chấm dứt sản xuất hữu cơ trên khu vực đã được chứng
nhận hữu cơ và trong những trường hợp yêu cầu chuyển đổi được áp dụng.
4. Sản xuất song song và sản xuất riêng lẻ
Nếu thực hiện sản xuất hữu cơ và sản xuất không hữu
cơ tại cùng một cơ sở thì các hoạt động sản xuất không hữu cơ không được gây ảnh
hưởng đến sự toàn vẹn của khu vực sản xuất hữu cơ. Phải tách biệt khu vực sản
xuất hữu cơ, sản phẩm hữu cơ với khu vực sản xuất không hữu cơ, sản phẩm không
hữu cơ.
5. Quản lý hệ sinh thái và đa dạng sinh học
a) Trong sản xuất hữu cơ, không thực hiện các hoạt
động có tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn đã được cơ quan có thẩm quyền
công nhận.
b) Sản xuất hữu cơ duy trì và tăng cường đa dạng
sinh học tại khu vực sản xuất bằng cách:
- Áp dụng đa dạng cây trồng bằng phương thức luân
canh, xen canh đối với cây hàng năm; trồng xen nhiều loài cây trồng đối với cây
lâu năm; trồng cây che phủ đất (cây phân xanh) đối với cây hàng năm và cây lâu
năm; quản lý mùa vụ tổng hợp;
- Trồng cây vùng đệm, trồng cây ký chủ của sinh vật
có ích, cây xua đuổi côn trùng, cây dẫn dụ thiên địch, trồng cây sử dụng làm
thuốc diệt sinh vật gây hại, các cây trồng khác ngoài cây trồng sản xuất hữu cơ
trong khu vực sản xuất;
- Giữ lại trong khu vực sản xuất một số diện tích tự
nhiên hoặc nhân tạo làm môi trường sống cho các loài động vật, thực vật. Diện
tích này bao gồm: kênh rạch, ao hồ tự nhiên, khu vực có cây mọc tự nhiên, rừng,
vườn quả hỗn hợp, cây trồng vùng đệm, cây ký chủ, cây xua đuổi côn trùng, cây trồng
khác ngoài cây trồng sản xuất hữu cơ.
6. Lựa chọn loài và giống cây trồng
Lựa chọn loài và giống cây trồng đưa vào sản xuất hữu
cơ có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái của địa phương, chống chịu
sinh vật gây hại và đảm bảo duy trì chất lượng giống cây trồng trong quá trình
sản xuất. Hạt giống và vật liệu nhân giống vô tính (cành dùng để giâm hoặc chiết,
mắt ghép, mô nuôi cấy...) phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Không sử dụng hạt giống và vật liệu nhân giống từ
cây trồng biến đổi gen.
b) Ưu tiên sử dụng giống cây trồng được sản xuất hữu
cơ (giống hữu cơ).
c) Nếu không có sẵn giống hữu cơ thì sử dụng giống
thu được từ giống cây trồng thông thường sau khi canh tác theo phương thức sản
xuất hữu cơ ít nhất một vụ sản xuất (một thế hệ/vòng đời) đối với cây hàng năm
hoặc ít nhất hai vụ thu hoạch đối với cây lâu năm.
d) Khuyến khích sử dụng giống cây trồng bản địa. Nếu
không có giống bản địa thì sử dụng giống thuộc danh mục giống cây trồng được
phép sản xuất, kinh doanh, có nguồn gốc rõ ràng.
đ) Sử dụng giống cây trồng không qua xử lý hoặc chỉ
xử lý bằng phương pháp vật lý, cơ học, sinh học. Nếu phải sử dụng giống được xử
lý bằng hóa chất thì các chất đó phải nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật
được phép sử dụng trong trồng trọt hữu cơ. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng
giống được xử lý bằng hóa chất không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật
được phép sử dụng trong trồng trọt hữu cơ thì phải loại bỏ các chất đó khỏi giống
cây trồng trước khi sử dụng.
7. Quản lý đất
a) Đất canh tác trong vùng canh tác hữu cơ phải đáp
ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng
và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất theo quy định.
b) Độ phì và hoạt tính sinh học của đất cần được
duy trì hoặc tăng cường khi thích hợp, bằng cách:
- Trồng các loại cây họ Đậu, cây phân xanh và các
loài thực vật có rễ đâm sâu theo chu kỳ luân canh thích hợp;
- Đưa vào đất các vật liệu hữu cơ, có thể ủ hoặc
không ủ, bao gồm cả các chế phẩm sinh học từ bột xương, phân chuồng hoặc phân
xanh;
c) Khi không có khả năng cung cấp đủ dinh dưỡng cho
cây trồng hoặc không ổn định được đất đai theo các phương pháp nêu trên, hoặc
trong trường hợp không có đủ phân bón từ canh tác hữu cơ thì có thể sử dụng các
chất được quy định trong danh mục phân bón và chất ổn định đất được phép sử dụng
trong trồng trọt hữu cơ (Bảng A.1 Phụ lục A của TCVN 11041-2:2017 ).
d) Không đốt các thảm thực vật, tàn dư cây trồng
trong quá trình làm đất trừ trường hợp tàn dư cây trồng bị sinh vật gây hại phải
thu gom, tiêu hủy.
đ) Áp dụng các biện pháp canh tác nhằm chống thoái
hóa đất, xói mòn đất, xâm nhập mặn và các rủi ro liên quan khác gây mất đất,
thoái hóa đất và ô nhiễm đất.
e) Đối với việc trồng nấm, giá thể phải làm từ vật
liệu là sản phẩm hữu cơ hoặc các vật liệu tự nhiên không được xử lý bằng hóa chất,
ví dụ: than bùn, gỗ, đất, các sản phẩm khoáng.
8. Quản lý nước
a) Nước sử dụng trong vùng canh tác hữu cơ phải đáp
ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt và chất lượng nước dưới
đất theo quy định.
b) Nguồn nước sử dụng trong canh tác hữu cơ cần được
sử dụng hợp lý theo nhu cầu của cây trồng và tránh lãng phí.
c) Phải bảo vệ nguồn nước để tránh bị ô nhiễm; có
biện pháp ngăn chặn nước tưới thừa và nước mưa chảy trực tiếp từ khu vực sản xuất
thông thường, khu vực sản xuất chuyển đổi hữu cơ sang khu vực sản xuất hữu cơ.
9. Quản lý phân bón
a) Sản xuất hữu cơ chỉ sử dụng các loại phân khoáng
thiên nhiên và chỉ để bổ sung cho các phương pháp sinh học để tăng độ phì của đất
(phân xanh và phân ủ (compost)...).
b) Sản xuất hữu cơ không sử dụng
- Phân bón tổng hợp;
- Phân bón hòa tan bằng phương pháp hóa học (các
superphosphat).
c) Sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bắc đối với
cây trồng dùng làm thực phẩm.
d) Các sản phẩm phụ từ chăn nuôi (phân chuồng từ
bãi chứa trong trang trại) có thể dùng để bón cho cây trồng. Khuyến khích sử dụng
phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ.
đ) Để làm hoai mục phân ủ, có thể dùng các vi sinh
vật thích hợp hoặc các chế phẩm có nguồn gốc thực vật.
10. Quản lý sinh vật gây hại
Cơ sở phải có các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát
sinh vật gây hại (vi sinh vật gây bệnh, côn trùng gây hại, có dại), có thể sử dụng
các biện pháp sau:
a) Thực hiện luân canh cây trồng, quản lý dinh dưỡng
đối với đất và cây trồng.
b) Vệ sinh để loại bỏ các mầm bệnh, hạt cỏ dại và
môi trường sống cho sinh vật gây hại.
c) Sử dụng loài, giống cây trồng có khả năng kháng
các loài sinh vật gây hại phổ biến và thích nghi với môi trường.
d) Kiểm soát sinh vật gây hại, có thể sử dụng các
biện pháp sau đây:
- Bảo vệ các loài thiên địch của sinh vật gây hại
qua việc tạo môi trường sống thuận lợi (làm hàng rào, địa điểm làm tổ, các vùng
sinh thái đệm để duy trì thảm thực vật ban đầu cho các loài côn trùng ăn sinh vật
gây hại);
- Phóng thích các loài thiên địch, bao gồm cả các
loài côn trùng ăn thịt và các loài ký sinh;
- Trồng cây xua đuổi sinh vật gây hại, cây dẫn dụ
thiên địch;
- Dùng bẫy, rào chắn, ánh sáng, nhiệt độ và tiếng động;
đ) Đối với cỏ dại, có thể sử dụng các biện pháp kiểm
soát sau đây:
- Cắt tỉa;
- Làm cỏ bằng tay;
- Canh tác bằng cơ giới (cày xới đất);
- Đốt cỏ dại với điều kiện không ảnh hưởng đến hệ
sinh thái của đất;
- Che phủ bằng các vật liệu tự nhiên hoặc các vật
liệu khác có thể phân hủy sinh học hoàn toàn;
- Che phủ bằng chất dẻo hoặc các vật liệu tổng hợp
khác. Các vật liệu này phải được thu gom ra khỏi khu vực trồng trọt vào cuối
mùa vụ.
e) Đối với dịch bệnh, có thể sử dụng các biện pháp
kiểm soát sau đây:
- Thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của
các sinh vật gây bệnh;
- Sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, chất
khoáng hoặc chế phẩm sinh học không chứa các chất tổng hợp.
Trong trường hợp có khả năng gây hại nghiêm trọng đến
cây trồng và ở nơi mà các biện pháp nêu trên không đủ hiệu quả thì có thể sử dụng
các chất nêu trong Bảng A.2 Phụ lục A của Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN
11041-2:2017.
11. Kiểm soát ô nhiễm
a) Trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu sử dụng trong
quá trình trồng trọt hữu cơ được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Các thiết bị
phòng trừ sinh vật gây hại đã được sử dụng trong sản xuất thông thường không được
sử dụng trong sản xuất hữu cơ.
b) Khuyến khích sử dụng các vật liệu che phủ đất tự
phân hủy, vật liệu thân thiện với môi trường.
c) Nơi bảo quản, xử lý phân bón, tàn dư thực vật và
nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ pha bình bơm phải được che mưa, che nắng,
cách ly với khu vực sản xuất, khu vực chứa sản phẩm và nguồn nước tưới.
d) Giống cây trồng và vật tư đầu vào trong canh tác
hữu cơ phải đảm bảo theo quy định tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
12. Thu hoạch, sơ chế sản phẩm
a) Trong quá trình thu hoạch, vận chuyển sản phẩm đến
nơi sơ chế, chế biến, phải duy trì sự toàn vẹn hữu cơ của sản phẩm. Cơ sở phải
có các biện pháp để ngăn ngừa ô nhiễm và ngăn ngừa việc trộn lẫn sản phẩm cây
trồng hữu cơ với sản phẩm cây trồng không hữu cơ.
b) Không sử dụng các công nghệ có hại cho quá trình
thu hoạch, sơ chế sản phẩm cây trồng hữu cơ; sản phẩm, vật tư, nguyên liệu có
nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen; bức xạ ion hóa (chiếu xạ) để kiểm soát sinh
vật gây hại.
13. Các chất được phép sử dụng trong trồng trọt hữu
cơ
Yêu cầu cụ thể và danh mục các chất được phép sử dụng
trong trồng trọt hữu cơ được nêu trong Phụ lục A của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
11041-2:2017.
14. Kế hoạch sản xuất hữu cơ
Cơ sở phải thiết lập kế hoạch sản xuất hữu cơ đối với
các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến. Kế hoạch sản xuất hữu cơ phải bao gồm:
a) Bản mô tả các biện pháp thực hành và các quy
trình phải thực hiện, bao gồm cả tần suất thực hiện.
b) Danh sách vật tư, nguyên liệu đầu vào, bao gồm
thông tin về thành phần, nguồn cung cấp, địa điểm sử dụng và tài liệu kèm theo,
nếu có.
c) Bản mô tả các biện pháp thực hành và các quy
trình giám sát cần thực hiện, bao gồm cả tần suất thực hiện, để xác minh rằng kế
hoạch sản xuất hữu cơ được thực hiện có hiệu quả.
d) Bản mô tả hệ thống hồ sơ lưu trữ được thực hiện
để đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ.
đ) Bản mô tả các biện pháp thực hành và các rào cản
vật lý được thiết lập để phân tách sản phẩm hữu cơ và sản phẩm không hữu cơ và
để ngăn ngừa sự tiếp xúc của quá trình sản xuất hữu cơ và sản phẩm hữu cơ với
các chất không được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ.
e) Các thông tin bổ sung cần thiết nhằm tuân thủ
các quy định có liên quan.
15. Ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc và
thu hồi sản phẩm
Việc lưu giữ hồ sơ nhằm đảm bảo truy xuất được tính
toàn vẹn trong toàn bộ hoạt động sản xuất hữu cơ và khả năng thu hồi sản phẩm bằng
cách theo dõi dữ liệu sản xuất (dữ liệu về vật tư, nguyên liệu đầu vào...) và
nhật ký sản xuất.
a) Mỗi điểm sản xuất riêng biệt được nhận diện bằng
tên hoặc mã hiệu. Tên hoặc mã hiệu được đặt tại điểm sản xuất và được ghi lại
trên bản đồ. Tên hoặc mã hiệu của địa điểm được lưu giữ lại trên tất cả các tài
liệu và hồ sơ liên quan đến địa điểm đó.
b) Cơ sở phải duy trì hồ sơ về việc mua hàng, kiểm
kê hàng tồn kho của tất cả các vật tư, nguyên liệu đầu vào sử dụng cho sản xuất,
sơ chế.
c) Tài liệu, hồ sơ phải nhận diện rõ nguồn gốc, quá
trình vận chuyển, sử dụng và kiểm kê các vật tư, nguyên liệu đầu vào không hữu
cơ ở tất cả các khâu sản xuất, sơ chế.
d) Hồ sơ, tài liệu và cơ sở dữ liệu phải cho phép
truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm hữu cơ tại bất cứ thời điểm nào.
đ) Các hồ sơ nói trên (bao gồm cả các hồ sơ liên
quan đến việc sử dụng nhà thầu phụ) phải được lưu trữ trong ít nhất 5 năm.
16. Thu gom, xử lý, sử dụng chất thải và phụ phẩm
cây trồng
a) Thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ
thực vật sau sử dụng áp dụng theo Thông tư liên tịch số
05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
b) Thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng thực
hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2019 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
1. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về canh tác
trên vùng canh tác hữu cơ tại thành phố; các quy định về nông nghiệp hữu cơ, chính
sách phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Trung ương và của thành phố.
2. Tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất
nông nghiệp hữu cơ để nhân dân mở rộng sản xuất.
3. Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương
và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các
quy định canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn thành phố.
Điều 7. Sở Khoa học và Công nghệ
1. Hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học
và công nghệ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết bị mới trong canh tác hữu
cơ, sản xuất trồng trọt hữu cơ.
2. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn
nông nghiệp hữu cơ và quy chuẩn kỹ thuật liên quan trên địa bàn.
Điều 8. Sở Tài nguyên và Môi
trường
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Ủy ban nhân dân các quận, huyện hướng dẫn, tổ chức triển khai thực
hiện các nhiệm vụ về quản lý, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường
trong canh tác hữu cơ theo quy định.
Điều 9. Ủy ban nhân dân quận,
huyện
1. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tuyên
truyền, phổ biến các quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa
bàn; phổ biến các quy định về nông nghiệp hữu cơ, chính sách phát triển sản xuất
nông nghiệp hữu cơ của Trung ương và của thành phố.
2. Phối hợp với các đơn vị liên quan giới thiệu các
doanh nghiệp, các nhà đầu tư liên kết với các tổ chức, cá nhân trên vùng canh
tác hữu cơ của địa phương đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
3. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra
việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng đất sản xuất nông nghiệp,
bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
4. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, phường hướng dẫn
nhân dân thực hiện các quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ, phổ biến
các quy định về nông nghiệp hữu cơ, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ của
Trung ương và của thành phố; hướng dẫn, đôn đốc nhân dân thực hiện các quy định
về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn; giải quyết các tranh chấp
phát sinh trong sản xuất trên vùng canh tác hữu cơ.
Điều 10. Cơ sở, tổ chức, cá
nhân canh tác trên vùng canh tác hữu cơ tại thành phố Đà Nẵng
Tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định về canh tác trên
vùng canh tác hữu cơ tại thành phố Đà Nẵng./.