ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2083/QĐ-UBND
|
Hà Nam, ngày 30 tháng 11 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ SINH SẢN, BÒ THỊT CHẤT LƯỢNG
CAO TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ: Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu
ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 về Chính sách hỗ trợ nâng
cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020;
Căn cứ Quyết định số
1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc
ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển
bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo Kế hoạch số 1281/KH-UBND ngày
16 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035,
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 227/TTr-SNN ngày 29 tháng 11 năm 2017, đề
nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1933/TTr-SKHĐT ngày 30 tháng 11 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi bò sinh sản,
bò thịt chất lượng cao tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm
2025, với những nội dung chính như sau:
1. Tên Đề án: Đề án phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.
2. Đơn vị lập Đề án: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam.
3. Quan điểm phát triển:
- Phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng quy mô lớn, tập trung, ứng dụng kỹ thuật chăn
nuôi tiên tiến, nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân góp phần quan trọng để
thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Ưu tiên phát triển chăn nuôi bò thịt
ở các khu chăn nuôi đã được quy hoạch; khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư phát triển chăn
nuôi bò tập trung trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến
khích phát triển chăn nuôi bò thịt bền vững theo quy hoạch, an toàn về môi trường;
sản xuất ra sản phẩm thịt sạch chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu thị trường.
4. Mục tiêu của Đề án:
4.1. Mục tiêu tổng quát:
- Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò thịt
có năng suất, chất lượng cao, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng bò
thịt của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân;
Hình thành và phát triển các khu chăn nuôi tập trung bò sinh sản, bò thịt chất
lượng cao đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và có hiệu quả kinh tế
cao.
- Phát triển chăn nuôi bò thịt theo
hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tăng
thu nhập cho nông dân.
- Góp phần tăng bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 là 4%/năm và
cao hơn các năm sau.
4.2. Mục tiêu cụ thể:
a) Đến năm 2020:
- Tổng đàn bò sinh sản và bò thịt
toàn tỉnh đạt 36.000 con (bò nuôi trong dân cư
khoảng 32.000 con, bò nuôi trong các khu chăn tập trung 4.000 con), trong đó số bò mua mới tại các khu chăn nuôi tập trung khoảng 2.980
con.
- Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước
đạt 10.518 tấn, giá trị sản xuất ước đạt 841 tỷ đồng.
- Phối giống lai tạo ra khoảng 7.500
con bò thịt chất lượng cao, hướng tới phát triển rộng đàn bò thịt chất lượng cao.
b) Đến năm 2025: Phấn đấu tổng đàn bò sinh sản, bò thịt toàn tỉnh là 50.000 con. Trong
đó đàn bò trong dân 43.000 con, đàn bò tại các doanh nghiệp là 7.000 con.
- Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt
7.350 tấn, giá trị sản xuất đạt 735 tỷ đồng.
- Phối giống lai tạo ra trên 10.000 con bò thịt chất lượng cao, hướng tới phát triển rộng đàn bò thịt chất lượng cao.
5. Nội dung của đề án:
5.1. Cải tạo giống bò địa phương:
- Áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo,
sử dụng tinh đông lạnh các giống bò Zebu (Sind, Brahman, Sahiwal...) lai cải tạo
đàn bò địa phương để nâng cao tầm vóc
thể trạng, tạo đàn bò cái lai làm nền cho lai tạo với các
giống bò chuyên thịt tạo ra bò thịt có năng suất, chất
lượng cao.
- Giai đoạn 2018-2020: Áp dụng thụ
tinh nhân tạo cho khoảng 24.000 lượt bò cái đủ tiêu chuẩn
nhằm nâng cao tầm vóc đàn bò cụ thể:
+ Năm 2018: 7.500 lượt con.
+ Năm 2019: 8.000 lượt con.
+ Năm 2020: 8.500 lượt con.
+ Tiêu chí lựa chọn: Lựa chọn bò cái có tỷ lệ máu ngoại (Zebu) thấp dưới
70% để cải tạo nâng tầm vóc thể trạng.
- Giai đoạn 2021-2025: Dự kiến thụ tinh nhân tạo
cho khoảng 49.000 lượt bò cái đủ tiêu chuẩn
nhằm nâng cao tầm vóc đàn bò.
5.2. Lai tạo bò thịt chất lượng cao:
Sử dụng tinh bò thịt đông lạnh (nhập
ngoại) gồm các giống bò chuyên thịt chất lượng cao như: Red Angus, Blanc
Bleu Beige (BBB)... phối giống nhân tạo với bò cái lai
Zebu (tỷ lệ máu lai ≥ 70% Zêbu) để tạo ra bê lai hướng thịt chất lượng
cao phục vụ phát triển tăng đàn và cung cấp thực phẩm thịt ra thị trường.
- Giai đoạn từ 2018- 2020: Áp dụng thụ
tinh nhân tạo bằng tinh bò nhập ngoại chất lượng cho 7.500 lượt con bò cái, cụ
thể:
+ Năm 2018: 2.000 con.
+ Năm 2019: 2.500 con.
+ Năm 2020: 3.000 con.
+ Điều kiện lựa chọn: Lựa chọn bò cái
đạt tỷ lệ máu lai Zêbu ≥ 70%, có tầm vóc, trọng lượng ≥ 280 kg và đã đẻ từ lứa
2 trở lên.
- Giai đoạn 2021-2025: Dự kiến áp dụng
thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò nhập ngoại chất lượng cho khoảng 12.000 lượt con
bò cái.
5.3. Xây dựng mô hình chăn nuôi bò tập
trung.
Đến năm 2020, quy hoạch và xây dựng
khoảng 20 khu chăn nuôi tập trung (Huyện Lý Nhân có 6 khu, huyện Bình Lục có 5 khu, huyện Kim Bảng có 3 khu, huyện Thanh Liêm có 3 khu, huyện Duy Tiên có 3 khu) với quy mô khoảng 15-200 ha (Quy hoạch mỗi khu
chăn nuôi tập trung có diện tích trung bình 5-10 ha với quy mô từ 100-200 con).
5.4. Quy hoạch vùng nguyên liệu:
- Đến năm 2020: Quy hoạch khoảng
1.800 ha đất để trồng cỏ, cụ thể: Huyện Duy Tiên 270 ha,
huyện Lý Nhân 475 ha, huyện Kim Bảng 305 ha, huyện Thanh Liêm 325 ha, huyện
Bình Lục 300 ha, thành phố Phủ Lý 125 ha.
- Đến năm 2025: Quy
hoạch khoảng 2.500 ha đất để trồng cỏ, cụ thể: Huyện Duy
Tiên 375 ha, huyện Lý Nhân 620 ha, huyện Kim Bảng 425 ha, huyện Thanh Liêm 430 ha, huyện Bình Lục 500 ha, thành phố Phủ Lý 150 ha.
6. Giải pháp thực hiện:
6.1. Về quy hoạch:
a) Quy hoạch các khu chăn nuôi bò tập
trung:
- Rà soát, bổ
sung các khu chăn nuôi bò thịt tập trung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương, yêu cầu các địa phương dồn đổi đủ diện tích để xây dựng chuồng trại và trồng cỏ theo quy hoạch;
hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, đường điện, nước sạch
trong khu quy hoạch và vận động các hộ dân tham gia đề án;
- Quy hoạch 20 khu chăn nuôi bò sinh
sản, bò thịt tập trung với tổng diện tích khoảng 150-200 ha để xây dựng các
trang trại chăn nuôi bò thịt tập trung (mỗi khu
quy hoạch nuôi ít nhất từ 100 - 200 con/01 khu, diện tích
mỗi khu từ 5-10 ha và quy mô mỗi trại nuôi từ 20 con bò trở lên).
b) Quy hoạch vùng nguyên liệu thức
ăn:
- Rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch
vùng nguyên liệu ở các huyện, xã để đảm bảo đáp ứng
đủ diện tích trồng cây thức ăn cho bò thịt. Yêu cầu tối thiểu 500 m2 đất
trồng cỏ/01 con bò.
- Hộ, nhóm hộ lập dự án thuê đất;
UBND huyện cho thuê và giao đất cho các hộ thực hiện dự án.
6.2. Giải pháp về khoa học công nghệ:
a) Về lựa chọn
tinh phối giống: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện
b) Về thức ăn:
- Các địa phương quy hoạch đủ diện
tích đất trồng cỏ cần thiết phù hợp với tiến độ phát triển
đàn bò; chọn lọc một số giống cỏ hiện có, trồng một số giống cỏ mới có năng suất chất lượng cao, thuận lợi cho cơ giới hóa.
- Áp dụng các công nghệ chế biến, ủ
chua bảo quản thức ăn thô xanh (cỏ, cây ngô và phụ phẩm nông nghiệp) để
nâng cao giá trị dinh dưỡng, tăng khả năng tiêu hóa, hấp thu và đảm
bảo đủ thức ăn thô xanh cho bò trong mùa đông, mùa mưa lũ;
Bổ sung đạm phi Protein cho bò dưới dạng chế biến tảng liếm, ủ rơm với urê...;
Bổ sung thức ăn tinh hỗn hợp trong giai đoạn nuôi con, vỗ béo, mỗi con bổ sung
01% lượng thức ăn tinh so với khối lượng cơ thể.
c) Về phòng chống
dịch bệnh: Thường xuyên quản lý, giám sát dịch bệnh trên đàn bò; lấy mẫu, xét nghiệm bệnh; hỗ trợ vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trị bệnh.
- Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại
20 khu quy hoạch chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao tập trung.
d) Về đào tạo tập
huấn: Đào tạo đội ngũ cán bộ thú y, dẫn tinh viên cơ sở chuyên sâu có đủ năng lực
phòng, chữa bệnh, phối giống cho đàn bò; hàng năm tiếp tục tập huấn nâng cao kỹ
thuật và dạy nghề cho nông dân.
đ) Về chuồng trại:
Tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng chuồng trại theo thiết kế mẫu, đảm bảo
ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, tránh được gió lùa và đủ diện tích cho
chăn nuôi bò.
6.3. Giải pháp xử lý môi trường:
Vận động, tuyên truyền và hướng dẫn
các hộ xây dựng hệ thống xử lý chất thải có bể lắng để xử
lý nước rửa chuồng và nước tiểu của bò, đảm bảo dung tích khoảng
01 m3 /01 bò, chất thải khô (phân bò) được xử lý bằng vi sinh vật sau đó làm phân
bón cho cây trồng.
6.4. Giải pháp về cơ chế chính sách hỗ
trợ cho hộ nông dân:
a) Về xây dựng
cơ sở hạ tầng: Tỉnh hỗ trợ phát triển hạ tầng ngoài hàng rào các khu chăn nuôi
tập trung.
- Hỗ trợ đường giao giao thông: Tỉnh
hỗ trợ để cứng hóa đường trục chính khu vực trang trại
chăn nuôi tập trung; hộ nông dân chăn nuôi bò, trồng cỏ hiến đất để làm đường,
cụ thể:
+ Mức hỗ trợ: Tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/km
đường trục chính để cứng hóa mặt đường (Theo các Quyết định số
06/2013/QĐ-UBND ngày 21/01/2013; Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND ngày 08/5/2013;
Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND ngày 23/7/2015 của UBND tỉnh).
+ Điều kiện: quy mô Bnền ≥ 4m, Bmặt ≥ 3,5m; Chiều dày từ
20 cm trở lên (17 cm bằng đá lẫn đất, đá
thải; 03 cm đá mạt rải mặt) được đầm chặt hoặc lu lèn
bằng lu loại nhỏ.
+ Dự kiến hỗ trợ xây dựng 20 km đường
giao thông cho 20 khu quy hoạch chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt tập trung, dự kiến
kinh phí là 1.000 triệu đồng (năm 2018 là 400 triệu đồng; năm 2019 là 350
triệu đồng; năm 2020 là 250 triệu đồng).
- Về điện: Giao
trách nhiệm cho ngành điện xây dựng đường trục khu trang trại chăn nuôi tập
trung để nông hộ có điện sản xuất theo tiến độ.
- Về nước:
+ Hỗ trợ 60% kinh phí xây lắp đường ống
cấp nước đến chân hàng rào khu chăn nuôi tập trung.
+ Dự kiến hỗ trợ xây dựng 20 km đường
ống cấp nước, kinh phí dự kiến hỗ trợ là 8.596,8 triệu đồng
(năm 2018 là 3.438,72 triệu đồng; năm
2019 là 3.008,88 triệu đồng; năm 2020 là 2.149,2 triệu đồng); Thực hiện lồng ghép trong các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia nước
sạch và VSMT nông thôn.
- Đơn vị thực hiện: Các sở, ngành đơn
vị có liên quan; UBND xã hướng dẫn, chỉ đạo các hộ, nhóm hộ chăn nuôi đối ứng các chi phí còn lại và tự làm.
b) Giải pháp về đất đai:
- Khuyến khích các hộ chăn nuôi thuê
quyền sử dụng đất của các hộ được giao đất nông nghiệp, thời
gian thuê do 2 bên thỏa thuận; hoặc dồn đổi đất nông nghiệp của mình được giao
với hộ khác ở khu vực quy hoạch.
c) Giải pháp nâng cao thể trạng, tầm vóc và năng suất đàn bò
- Hỗ trợ 100% kinh phí mua tinh bò và
vật tư phối giống nhân tạo (tinh đông lạnh, Nitơ lỏng, găng tay, dẫn tinh quản)
để cải tạo giống bò địa phương và lai
tạo ra bò thịt chất lượng cao;
+ Điều kiện hỗ trợ: Các hộ nuôi bò
sinh sản phải có bò cái nền khỏe mạnh, sinh sản tốt; đối với lai tạo bò thịt thì bò cái nền phải có tỷ lệ máu ngoại ≥ 70% trọng lượng ≥ 250 kg.
d) Giải pháp phát triển giống bò:
- Hỗ trợ bình chứa ni tơ, bình bảo quản tinh bò và bộ dụng cụ
thụ tinh nhân tạo cho chi cục thú y, địa phương chăn nuôi
bò sữa. Dự kiến hỗ trợ mua 08 bình chứa ni tơ (04 bình
chứa có dung tích 47 lít, 04 bình chứa có dung
tích 15 lít); 30 bộ dụng cụ thụ tinh nhân tạo.
- Hỗ trợ tinh bò, ni tơ lỏng và các vật tư kèm theo cho các hộ chăn nuôi để phối giống cho bò sinh sản.
- Hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ tai và công bấm cho khoảng 4.000 con bò cái sinh sản được tuyển chọn để phối giống bằng tinh bò chuyên thịt. Mức hỗ trợ: 38.000 đồng/con.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên
quan triển khai thực hiện.
e) Giải pháp về thức ăn cho bò:
+ Hỗ trợ một lần
20% kinh phí mua mới máy thái cỏ đối với hộ, trang trại tại
khu chăn nuôi tập trung có quy mô từ 20 con bò cái sinh sản trở lên; mức hỗ trợ
tối đa không quá 3 triệu đồng/máy thái cỏ.
+ Hình thức hỗ trợ: Sau đầu tư.
+ Hỗ trợ máy thái cỏ với số kinh phí
là 100 máy x 3 triệu đồng/máy = 300 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện: UBND các huyện,
thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, thẩm định
hồ sơ và tổ chức nghiệm thu trình UBND tỉnh hỗ trợ.
f) Kiểm soát và phòng trừ dịch bệnh
trên đàn bò:
- Tùy theo điều kiện tình hình dịch bệnh
cụ thể, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh
trên đàn bò.
g) Giải pháp về đào tạo tập huấn:
- Hỗ trợ đào tạo tập huấn nâng cao,
chuyên sâu tay nghề cho đội ngũ Thú y, dẫn tinh viên cơ sở
và nông dân nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao. Hướng dẫn nông dân xây dựng
chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng, giới thiệu các mô hình
chăn nuôi hiệu quả cao theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, các xã triển khai,
thực hiện.
h) Giải pháp xử lý môi trường:
- Hỗ trợ một lần 50% kinh phí xây dựng
mới hệ thống xử lý chất thải có bể lắng, tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ;
- Điều kiện: Quy mô hộ chăn nuôi từ
20 con bò sinh sản trở lên tại khu chăn nuôi tập trung và dung tích bể lắng đảm
bảo tối thiểu 01m3/con bò.
- Hình thức hỗ trợ: Sau đầu tư.
- Hỗ trợ hộ với
kinh phí là: 100 hộ x10 triệu/hộ = 1.000 triệu đồng;
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và
PTNT chủ trì thực hiện.
(Có
phụ lục chi tiết các nội dung hỗ trợ kèm theo)
7. Tổng kinh phí thực hiện Đề án:
204.191,0 triệu đồng (Hai trăm linh bốn tỷ một trăm chín mươi mốt triệu đồng), trong đó:
- Vốn hộ chăn nuôi: 179.231,0 triệu đồng.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho nông
dân: 24.960,0 triệu đồng.
(Chi
tiết có phụ lục kèm theo)
8. Thời gian thực hiện Đề án: 2017- 2020, định hướng đến năm 2025.
9. Tổ chức
thực hiện:
9.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
- Xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện
Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng
đến năm 2025.
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện,
các sở ngành có liên quan:
+ Thống nhất quy hoạch vùng, vị trí
khu chăn nuôi thịt tập trung và quy hoạch đất trồng cỏ; Hướng dẫn, đôn đốc các
địa phương tổ chức thực hiện đề án, nghiệm thu, thẩm định và đề nghị hỗ trợ cho người chăn nuôi; Thường xuyên giám sát
tình hình phát triển và phòng, chống dịch bệnh trên đàn
bò; kịp thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những khó khăn
trong quá trình thực hiện.
+ Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật
chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng bò thịt cho nông dân, quản lý hệ thống thụ
tinh nhân tạo, xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt hiệu quả theo hướng an
toàn sinh học và đảm bảo an toàn thực phẩm; Triển khai, sơ kết, tổng kết, báo
cáo đúng tiến độ; Tăng cường các hoạt động khuyến nông,
xúc tiến thương mại, nghiên cứu khảo sát thị trường...
giúp người chăn nuôi định hướng sản xuất ổn định.
+ Làm đầu mối nghiệm thu, quyết toán
các khoản kinh phí thực hiện của Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt tỉnh Hà Nam
giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 theo quy định.
9.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì,
phối hợp Sở Tài chính cân đối, đề xuất UBND tỉnh bố trí kế
hoạch vốn đầu tư hàng năm để thực hiện Đề án.
9.3. Sở Tài chính: Chủ trì, cân đối các nguồn vốn sự nghiệp và vốn khác của ngân sách để thực hiện Đề án.
Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
ban hành các văn bản; Hướng dẫn nghiệm thu, thanh toán nguồn kinh phí theo quy
định hiện hành.
9.4. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, huyện kiểm tra việc
thực hiện quy hoạch, tham gia thiết kế và nghiệm thu các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng.
9.5. Sở Khoa học và Công nghệ: Tham
mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học phục
vụ cho phát triển chăn nuôi bò thịt, sinh sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giống bò thịt, sinh sản, giống cỏ.
9.6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ
trì, phối hợp, hướng dẫn các địa phương thủ tục hợp đồng thuê đất, giao đất, dồn đổi
diện tích đất trồng lúa, màu sang chuyên canh trồng cỏ, trồng ngô cung cấp thức ăn cho bò thịt, bò sinh sản; Phối hợp với Sở Nông Nghiệp
& PTNT thẩm định, nghiệm thu và đề nghị hỗ trợ xây dựng
hệ thống xử lý
chất thải cho các hộ chăn nuôi; kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại các khu chăn nuôi bò sữa tập trung.
9.7. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối
hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, Ngành liên quan tuyên
truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân: Các chính sách
pháp luật của Nhà nước về chăn nuôi, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản; các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích các hộ
nông dân đầu tư vào chăn nuôi.
9.8. Ủy ban nhân
dân các huyện: Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn; Phối hợp với các Sở, ngành xây dựng
quy hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản xây dựng
kế hoạch hàng năm, chỉ đạo các xã để triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển đàn bò sinh sản, bò thịt tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2020,
định hướng đến năm 2025; Cho thuê đất, giao đất tạo điều kiện cho các hộ, các
doanh nghiệp tham gia Đề án; Kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về
quản lý chăn nuôi bò tại khu tập trung.
9.9. Ủy ban nhân các xã: Rà soát, bổ sung quy hoạch các trang trại trong khu chăn nuôi tập
trung, quy hoạch sử dụng đất trồng cỏ, quy hoạch chuyển đổi đất lúa, màu hiệu quả thấp
sang trồng cỏ kết hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi và khu trang trại chăn
nuôi tập trung; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm; Tổ chức phổ biến,
công khai quy hoạch chăn nuôi đã được phê duyệt, đồng thời
chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển
chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản trên địa bàn, nhằm đảm bảo phát triển ổn định,
kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường; Tổ chức và duy trì hoạt động đội ngũ
thú y cơ sở có hiệu quả.
9.10. Doanh nghiệp và các hộ dân tham
gia Đề án: Thực hiện thủ tục đầu tư dự án (nếu có) theo trình tự thủ tục quy định;
thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, vay vốn, thuê đất... theo quy định; đảm
bảo vệ sinh môi trường, chấp hành nghiêm các quy định quản lý về chăn nuôi của
tỉnh và pháp luật của nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các
Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng,
Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã tham
gia Đề án và Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu VT, NN.
C-NN/2017
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trương Minh Hiến
|