THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------
|
Số:
176/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG
NGHỆ CAO ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban
hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ
7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau
đây:
I. QUAN ĐIỂM
1. Phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn, phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển nông nghiệp của ngành,
của địa phương.
2. Phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao phải có sự lựa chọn, đầu tư đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa nghiên
cứu tạo công nghệ cao với ứng dụng để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có
năng suất, chất lượng an toàn sinh học và khả năng cạnh tranh.
3. Phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao phải khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong nước, tiếp
thu có chọn lọc thành tựu công nghệ cao của thế giới để làm chủ khoa học hiện đại,
công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, đồng thời hiện đại hóa các công nghệ
truyền thống.
4. Phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao phải huy động sự tham gia của lực lượng nghiên cứu, đào tạo các
ngành, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, trước hết là các doanh nghiệp và
các tổ chức khoa học công nghệ; thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.
5. Chú trọng đào tạo nguồn nhân
lực về công nghệ cao trong nông nghiệp đủ về số lượng và có chất lượng cao cho
phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở nước ta.
II. MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu chung
Góp phần xây dựng nền nông nghiệp
phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất,
chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng trên 3,5%/năm;
đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu
dài.
2. Mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 2010 – 2015
a) Bước đầu nghiên cứu phát triển
một số công nghệ cao mới trong nông nghiệp; tiếp cận và làm chủ một số công nghệ
cao trong nông nghiệp của thế giới có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Việt
Nam; góp phần đưa trình độ công nghệ nông nghiệp của nước ta ngang bằng trình độ
tiên tiến của các nước Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) và trung bình khá của các nước
khu vực châu Á. Đến năm 2015, tạo được 4 – 5 giống cây trồng nông, lâm nghiệp
chuyển gen có triển vọng, 2 – 3 giống thủy sản bằng kỹ thuật di truyền có triển
vọng; công nhận và đưa vào sản xuất 1 – 2 giống lai có năng suất cao, chất lượng
tốt cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ yếu và 1 – 2 quy trình công
nghệ cao mới trong từng lĩnh vực;
b) Từng bước xây dựng và hình
thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là doanh nghiệp nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao. Đến năm 2015, mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được 3 – 5 doanh
nghiệp, 2 – 3 vùng sản xuất nông nghiệp; cả nước có 3 – 5 khu nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp;
c) Từng bước sản xuất một số sản
phẩm nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và
giá trị gia tăng cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao chiếm 10 – 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.
Giai đoạn 2016 – 2020
a) Tăng cường nghiên cứu phát
triển công nghệ cao trong nông nghiệp, trọng tâm là tạo công nghệ cao mới trong
nông nghiệp; góp phần đưa trình độ công nghệ nông nghiệp của nước ta ngang bằng
trình độ khá trong khu vực châu Á. Đến năm 2020, tạo ra và đưa vào sản xuất 2 –
3 giống cây trồng chuyển gen, 2 – 3 giống thủy sản bằng kỹ thuật di truyền và
công nghệ sinh học; công nhận và đưa vào sản xuất 2 – 3 giống lai có năng suất
cao, chất lượng tốt cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ yếu và 2 –
3 quy trình công nghệ cao mới trong từng lĩnh vực;
b) Đẩy mạnh phát triển toàn diện
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng
sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng
kinh tế trọng điểm xây dựng 7 – 10 doanh nghiệp, 5 – 7 vùng sản xuất nông nghiệp
và mỗi vùng sinh thái có 1 – 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
c) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng
trên diện rộng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng
hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản
xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30 – 35% tổng giá trị sản xuất
nông nghiệp của cả nước.
III. CÁC NHIỆM
VỤ CHỦ YẾU
1. Nghiên cứu phát triển công
nghệ cao trong nông nghiệp
Trong giai đoạn 2010 – 2015 và
2016 – 2020, nghiên cứu tạo công nghệ cao trong nông nghiệp tập trung vào một số
nhiệm vụ sau đây:
a) Chọn tạo, nhân giống cây trồng,
giống vật nuôi và giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao.
- Đối với cây nông nghiệp: tập
trung nghiên cứu và ứng dụng ưu thế lai và công nghệ gen để tạo ra các giống
cây trồng mới, cây trồng biến đổi gen có các đặc tính nông học ưu việt, phù hợp
với yêu cầu của thị trường; công nghệ vi nhân giống để đáp ứng nhu cầu cây giống
có chất lượng, sạch sâu bệnh;
- Đối với cây lâm nghiệp: nghiên
cứu và ứng dụng rộng rãi công nghệ tế bào, công nghệ vi phân giống để nhân
nhanh các giống cây lâm nghiệp có tốc độ sinh trưởng cao, chất lượng gỗ tốt;
nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ gen để tạo giống cây lâm
nghiệp chống sâu, bệnh;
- Đối với giống vật nuôi: nghiên
cứu cải tiến công nghệ sinh sản, đặc biệt là công nghệ tế bào động vật trong
đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử, thụ tinh ống nghiệm; áp dụng phương
pháp chỉ thị phân tử, công nghệ gen trong chọn, tạo các giống vật nuôi mới có
năng suất, chất lượng cao; ứng dụng công nghệ gen trong xác định giới tính phôi
một số loại gia súc quan trọng;
- Đối với giống thủy sản: tập
trung nghiên cứu kết hợp phương pháp truyền thống với công nghệ gen để chọn, tạo
một số giống thủy sản chủ yếu có tốc độ sinh trưởng nhanh; tạo giống thủy sản
đơn tính; tạo giống thủy sản sạch bệnh.
b) Phòng, trừ dịch bệnh cây trồng,
vật nuôi và thủy sản
- Về phòng, trừ dịch bệnh cây trồng
nông, lâm nghiệp: nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và
protein để sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm sinh học dùng trong bảo vệ
cây trồng; nghiên cứu phát triển các kit để chuẩn đoán, giám định bệnh cây trồng;
nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ viễn thám, công nghệ hàng
không trong quản lý và phòng trừ dịch sâu, bệnh hại rừng;
- Về phòng, trừ dịch bệnh vật
nuôi: nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học để chuẩn đoán bệnh ở mức độ
phân tử; nghiên cứu sản xuất vắc-xin thú y, đặc biệt là vắc-xin phòng, chống bệnh
nguy hiểm như: cúm gia cầm, bệnh lở mồm, long móng ở gia súc và các bệnh nguy
hiểm khác;
- Về phòng, trừ dịch bệnh thủy sản:
nghiên cứu sản xuất một số loại kit chẩn đoán nhanh bệnh ở thủy sản; nghiên cứu
ứng dụng sinh học phân tử và miễn dịch học, vi sinh vật học trong phòng, trị một
số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với thủy sản.
c) Nghiên cứu, phát triển các
quy trình công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt hiệu quả
kinh tế cao
- Đối với trồng trọt: Nghiên cứu
phát triển quy trình công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình trồng trọt và
thu hoạch các loại cây trồng trong nhà lưới, nhà kính, như: giá thể, công nghệ
thủy canh, tưới nước tiết kiệm, điều tiết tự động dinh dưỡng, ánh sáng, chăm
sóc, thu hoạch. Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ thâm canh và quản lý
cây trồng tổng hợp; quy trình công nghệ sản xuất cây trồng an toàn theo
VietGAP;
- Đối với trồng rừng: nghiên cứu
phát triển quy trình công nghệ tổng hợp và tự động hóa trong trồng rừng thâm
canh;
- Đối với chăn nuôi: nghiên cứu
phát triển quy trình công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình chăn nuôi quy
mô công nghiệp, có sử dụng hệ thống chuồng kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ, ẩm
độ phù hợp, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng;
- Đối với nuôi trồng thủy sản:
Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ nuôi thâm canh, nuôi siêu thâm canh tự
động kiểm soát môi trường đối với một số loài thủy sản.
d) Tạo ra các loại vật tư, máy
móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp
- Nghiên cứu tạo ra các loại vật
tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp, đặc biệt
là cây trồng trong nhà kính, nhà lưới, như: phân bón chuyên dụng, giá thể, chế
phẩm sinh học, khung nhà lưới, lưới che phủ, hệ thống tưới, thiết bị chăm sóc,
thu hoạch, hệ thống thông thoáng khí;
- Nghiên cứu tạo ra các loại vật
tư, máy móc, thiết bị phục vụ cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, như: thức
ăn, chế phẩm sinh học; khung nhà, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phân phối thức
ăn, thu hoạch trong chăn nuôi; hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, hệ thống
điều tiết nước tuần hoàn, hệ thống mương nổi, hệ thống ao nhân tạo trong nuôi
trồng thủy sản.
đ) Bảo quản, chế biến sản phẩm
nông nghiệp
- Về công nghệ bảo quản, chế biến
nông sản: nghiên cứu phát triển công nghệ chiếu xạ, công nghệ xử lý hơi nước
nóng, công nghệ xử lý nước nóng, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản
nông sản; công nghệ sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả tươi qui mô tập trung; công
nghệ bao gói khí quyển kiểm soát; công nghệ bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất
hấp thụ etylen để bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ tạo màng trong bảo quản
rau, quả, thịt, trứng; công nghệ lên men, công nghệ chế biến sâu, công nghệ sản
xuất sản phẩm chức năng; công nghệ sinh học và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học
và các chất màu, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản;
- Về công nghệ bảo quản, chế biến
lâm sản: nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa nhằm tiết
kiệm nguyên liệu, thời gian và nâng cao hiệu quả sử dụng gỗ; công nghệ biến
tính gỗ, công nghệ sấy sinh thái, công nghệ ngâm, tẩm để bảo quản gỗ; công nghệ
sinh học sản xuất chế phẩm bảo quản, chế phẩm chống mối, mọt thế hệ mới; công
nghệ sản xuất các màng phủ thân thiện với môi trường;
- Về công nghệ bảo quản, chế biến
thủy sản: Nghiên cứu phát triển công nghệ lạnh bảo quản dài ngày sản phẩm thủy
sản trên tàu khai thác xa bờ; công nghệ sinh học sản xuất các chất phụ gia
trong chế biến thủy sản; công nghệ lên men nhanh để chế biến các sản phẩm thủy
sản truyền thống.
e) Nhập công nghệ cao trong nông
nghiệp
Lựa chọn nhập một số công nghệ
cao trong nông nghiệp từ nước ngoài mà trong nước chưa có; tiến hành nghiên cứu
thử nghiệm, làm chủ và thích nghi công nghệ cao nhập từ nước ngoài vào điều kiện
sinh thái và thực tế của Việt Nam, đặc biệt là công nghệ cao trong trồng trọt,
chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
2. Phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao
a) Phát triển doanh nghiệp nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Giai đoạn 2010 – 2015: bước đầu
hình thành và công nhận một số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại
các tỉnh có lợi thế đối với một số lĩnh vực đã có công nghệ cao, như: trồng
hoa, trồng rau trong nhà lưới; sản xuất cây giống, con giống quy mô công nghiệp;
chăn nuôi lợn, gà quy mô công nghiệp; nuôi thâm canh thủy sản; sản xuất phân
bón, chế phẩm sinh học quy mô công nghiệp;
- Giai đoạn 2016 – 2020: đẩy mạnh
phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh có
điều kiện nhằm thực hiện các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao
trong nông nghiệp; từng bước mở rộng quy mô và hoạt động của các doanh nghiệp
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kết hợp giữa nghiên cứu, thử nghiệm và sản
xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích phát triển các
doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
b) Phát triển khu nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao
- Giai đoạn 2010 – 2015: quy hoạch
phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các vùng sinh thái khác
nhau. Củng cố và tăng cường hoạt động của các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao đã được thành lập; chú trọng các hoạt động thử nghiệm, trình diễn công nghệ
cao, đào tạo nguồn nhân lực và sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao. Từng bước xây dựng một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới ở một
số vùng sinh thái có lợi thế, như: đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung,
Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long;
- Giai đoạn 2016 – 2020: hỗ trợ
đầu tư xây dựng và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở một số tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có lợi thế và có đủ điều kiện tại các vùng sinh
thái khác nhau. Mở rộng các hoạt động trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao, như: nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức hội
chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút
nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước thực hiện hoạt động
ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
c) Phát triển vùng vùng sản xuất
nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một hoặc một vài loại
sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
- Giai đoạn 2010 – 2015: quy hoạch
các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương. Khuyến khích phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao hoặc kết hợp công nghệ cao với công nghệ truyền thống đã được
hình thành. Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số vùng sản xuất nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Giai đoạn 2016 – 2020: đẩy mạnh
hỗ trợ đầu tư và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phát triển một loại hay một số loại
sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao,
như: sản xuất thâm canh lúa chất lượng, lúa đặc sản; sản xuất rau an toàn, chè
an toàn, cây ăn quả an toàn; sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao; trồng
rừng thâm canh; chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao; nuôi trồng
thủy sản ứng dụng công nghệ cao.
3. Phát triển dịch vụ công nghệ
cao phục vụ nông nghiệp
Từng bước hình thành hệ thống cơ
sở dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp, như: dịch vụ môi giới, tư vấn,
đánh giá; dịch vụ tư vấn kỹ thuật, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ
quyền sở hữu trí tuệ; dịch vụ cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị; dịch vụ tiêu
thụ sản phẩm.
IV. CÁC GIẢI
PHÁP
1. Quy hoạch phát triển nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xây dựng quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
trong cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai dự án quy hoạch phát triển
các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao tại địa phương.
2. Triển khai các hoạt động
nghiên cứu tạo công nghệ cao trong nông nghiệp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc
chương trình, đề án trọng điểm đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm: “Chương
trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông
nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, “Đề án phát triển và ứng dụng
công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020”. Phối hợp với Bộ Khoa
học và Công nghệ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ
thuộc lĩnh vực công nghệ cao khác trong nông nghiệp.
3. Đào tạo nguồn nhân lực công
nghệ cao trong nông nghiệp
a) Đào tạo ở nước ngoài: mỗi năm
đào tạo 10 – 15 tiến sĩ, 20 – 25 thạc sĩ; đào tạo lại 15 – 20 người từ 6 tháng
đến 1 năm đối với cán bộ nghiên cứu, chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý về
lĩnh vực công nghệ cao trong nông nghiệp có đủ tiêu chuẩn theo quy định thuộc
các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp, các địa phương, không bao gồm
kế hoạch đào tạo nhân lực về công nghệ sinh học nông nghiệp và thủy sản theo
các chương trình, Đề án đã được duyệt;
b) Đào tạo trong nước: mỗi năm
đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước 300 – 500 cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và kỹ
thuật viên về lĩnh vực công nghệ cao trong nông nghiệp có đủ tiêu chuẩn theo
quy định thuộc các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp, các địa
phương;
c) Đào tạo theo đề tài, dự án: mỗi
đề tài, dự án về ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp sử dụng
ngân sách nhà nước phải dành kinh phí cho đào tạo ở nước ngoài 2 – 3 người, thời
gian tối đa 6 tháng về công nghệ cao phù hợp với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ
được phê duyệt.
4. Phát triển thị trường thông
tin, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp
a) Từng bước hình thành sàn giao
dịch công nghệ cao trong nông nghiệp để các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng
dịch vụ môi giới, tư vấn, đánh giá; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá
nhân thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo
vệ quyền sở hữu trí tuệ và các dịch vụ khác nhằm thúc đẩy hoạt động công nghệ
cao, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ cao trong nông nghiệp; tạo điều
kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng, trao đổi thông tin về
công nghệ cao trong nông nghiệp; tổ chức, tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công
nghệ cao trong nông nghiệp quy mô quốc gia, quốc tế;
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ
trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân
nước ngoài tổ chức, tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ cao trong nông
nghiệp;
d) Tăng cường thông tin, tuyên
truyền, phổ biến, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và
Internet để cho mọi người dân có thể tiếp cận được về các công nghệ cao, các kết
quả ứng dụng công nghệ cao, các mô hình phát triển công nghệ cao và các sản phẩm
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
5. Hợp tác quốc tế
a) Mở rộng hợp tác quốc tế trong
nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, đặc biệt là
với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài có trình độ khoa học
và công nghệ tiên tiến thông qua nghị định thư và dự án hợp tác quốc tế;
b) Nhà nước tạo điều kiện thuận
lợi về mặt thủ tục pháp lý cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia các
chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về
phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp;
c) Tăng cường hợp tác quốc tế
trong lĩnh vực phát triển nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, ưu tiên hợp
tác đào tạo đại học, sau đại học về các ngành kỹ thuật công nghệ cao trong nông
nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tiên tiến khu vực và thế giới
thông qua các dự án hợp tác quốc tế cụ thể;
d) Thực hiện lộ trình hội nhập
quốc tế về khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công
nghệ tiên tiến vào Việt Nam nhằm nâng cao năng lực làm chủ và sáng tạo công nghệ
cao của tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao trong nước.
6. Nguồn vốn phát triển công nghệ
cao trong nông nghiệp
Đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển
công nghệ cao trong nông nghiệp, bao gồm:
a) Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa
học và công nghệ chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp có
thẩm quyền phê duyệt;
b) Nguồn kinh phí sự nghiệp đào
tạo chi cho đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài và trong nước;
c) Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ
bản chi cho đầu tư và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các tổ
chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp và vùng nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
d) Các nguồn vốn khác: ngân sách
nhà nước dành cho Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; vốn từ Quỹ đầu
tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia; vốn từ nguồn hợp tác quốc tế; vốn từ nguồn
đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân.
7. Cơ chế, chính sách
a) Chính sách hỗ trợ phát triển
nghiên cứu tạo công nghệ cao trong nông nghiệp
- Tổ chức, cá nhân nghiên cứu và
phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ cao nhất
theo khoản 1 Điều 12 của Luật Công nghệ cao và các quy định khác của pháp luật;
được hỗ trợ mức cao nhất kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các dự án sản xuất
thử nghiệm các công nghệ cao mới tạo ra trong nước hoặc các công nghệ cao nhập
từ nước ngoài trong 2 năm đầu áp dụng, không thu hồi kinh phí hỗ trợ;
- Chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở
nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được ưu đãi
cao nhất về thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật
về đất đai;
- Xem xét hỗ trợ từ ngân sách
nhà nước mức cao nhất chi phí đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập và
đối với các tổ chức khác để đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm, cơ sở
nghiên cứu hình thành do liên kết giữa tổ chức, cá nhân phục vụ hoạt động
nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp theo các dự án đầu tư
được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt;
- Nhà nước hỗ trợ mức cao nhất
kinh phí nhập khẩu một số công nghệ cao, máy móc, thiết bị công nghệ cao trong
nông nghiệp trong nước chưa tạo ra được để thực hiện một số dự án nghiên cứu ứng
dụng và trình diễn công nghệ cao quan trọng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phê duyệt.
b) Chính sách hỗ trợ đào tạo,
thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp.
- Thực hiện chính sách ưu tiên,
hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp theo khoản 1, 2,
3 Điều 27 của Luật Công nghệ cao và các quy định khác của pháp luật;
- Thực hiện chính sách ưu đãi đặc
biệt để thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp theo khoản 1
Điều 29 của Luật Công nghệ cao và các quy định khác của pháp luật;
- Nhà nước có chính sách ưu đãi
để thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực
hiện hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp tại Việt Nam đối với các tổ chức
và cá nhân trong nước.
c) Chính sách hỗ trợ thúc đẩy
phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ theo khoản 2 Điều 19 của Luật công
nghệ cao và được hưởng các ưu đãi khác do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương quyết định theo thẩm quyền;
- Các tổ chức khoa học và công
nghệ thành lập hoặc hợp tác với các tổ chức, cá nhân khác thành lập doanh nghiệp
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ
theo khoản 2 Điều 20 của Luật Công nghệ cao và các quy định khác của pháp luật.
d) Chính sách hỗ trợ đầu tư phát
triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng
hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Nhà nước ưu đãi, hỗ
trợ cao nhất theo khoản 2, 3, 4, 5 Điều 33 của Luật Công nghệ cao và các quy định
khác của pháp luật.
đ) Chính sách hỗ trợ phát triển
vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo
quy định của pháp luật về đất đai đối với đất sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao và xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao trong vùng;
- Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở
hạ tầng giao thông và thủy lợi cho nội đồng của vùng nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao;
- Hưởng các ưu đãi khác do Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định theo thẩm quyền.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ
chức triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến
năm 2020, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành có liên quan phê duyệt và quản lý các đề tài, dự án khoa học và công nghệ
và các dự án đầu tư liên quan đến phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp từ
nguồn ngân sách nhà nước do Bộ quản lý;
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực ở trong nước về lĩnh vực
công nghệ cao trong nông nghiệp.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và quản lý các đề tài, dự án khoa học
và công nghệ cấp Nhà nước liên quan đến phát triển công nghệ cao trong nông
nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch
đào tạo sau đại học, đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài nguồn nhân lực công nghệ
cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cân đối, bố trí và hướng dẫn sử dụng vốn để triển
khai, thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ, chương
trình và dự án trong Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có
liên quan hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương thẩm định đánh giá tác động môi trường và các tiêu chí về
môi trường của các đề tài thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
7. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
a) Phê duyệt và quản lý các nhiệm
vụ khoa học và công nghệ và dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa
phương quản lý;
b) Chủ trì hoặc phối hợp công nhận
các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đóng trên địa bàn, các vùng
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quyết định thành lập các khu nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao tại địa phương hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 3.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTN (5b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Sinh Hùng
|