ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
---------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
17/2012/QĐ-UBND
|
Vị
Thanh, ngày 9 tháng 5 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ XUẤT BẢN
TÀI LIỆU KHÔNG KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 ngày 03 tháng 12
năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 6
năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm
2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Xuất bản;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 85/2008/TTLT-BVHTTDL-BTTTT
ngày 18 tháng 12 năm 2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và
Truyền thông hướng dẫn về cấp phép, đăng ký, thực hiện quảng cáo trên báo chí,
mạng thông tin máy tính, xuất bản phẩm và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý
vi phạm;
Căn cứ Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 02
năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26
tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Xuất bản;
Căn cứ Thông tư số 02/2010/TT-BTTTT ngày 11 tháng 01
năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết thi hành một số quy
định của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 6 năm 2008, Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày
26 tháng 8 năm 2005 và Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2009;
Căn cứ Thông tư số 29/2010/TT-BTTTT ngày 30 tháng 12
năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xuất bản tài liệu không
kinh doanh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền
thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế
xuất bản tài liệu không kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau
10 (mười) ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám
đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Công Chánh
|
QUY CHẾ
XUẤT BẢN TÀI LIỆU KHÔNG KINH
DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số:17/2012/QĐ-UBND ngày09 tháng 5 năm 2012 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
1. Quy chế này điều chỉnh hoạt động xuất bản tài liệu không
kinh doanh của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã
hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,
đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp, các cơ sở in trên địa
bàn tỉnh Hậu Giang.
2. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề
nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế và doanh
nghiệp 100% vốn nước ngoài, các cơ sở in trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (sau đây
gọi là tổ chức, pháp nhân trên địa bàn tỉnh) phải tuân thủ các quy định tại Quy
chế này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như
sau:
1. Hoạt động xuất bản: Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực
văn hóa, tư tưởng thông qua việc sản xuất, phổ biến những xuất bản phẩm, ấn phẩm
thông tin đến nhiều người nhằm giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời
sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Hoạt động
xuất bản bao gồm các khâu xuất bản, in và phát hành.
2. Tài liệu không kinh doanh: Tài liệu không kinh doanh
là tài liệu không bán, phát miễn phí, lưu hành nội bộ.
3. Tờ rời, tờ gấp: Là tài liệu không kinh doanh xuất bản
không định kỳ không đóng thành quyển nhằm thông tin về nội dung, mục đích,
chương trình, kết quả hoạt động; giới thiệu chức năng hoạt động, hướng dẫn
nghiệp vụ, kết quả nghiên cứu ứng dụng của các tổ chức, pháp nhân Việt Nam trên
địa bàn tỉnh Hậu Giang.
4. Bản thảo tài liệu: Là bản viết tay hoặc đánh máy đầy
đủ nội dung và đảm bảo về hình thức của tổ chức, pháp nhân đề nghị xin phép xuất
bản.
5. Lưu chiểu: Là việc lưu trữ các ấn phẩm đã xuất bản trước
khi phát hành tại các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức kinh tế và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài
trên địa bàn tỉnh Hậu Giang: Là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp liên doanh,
doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã
và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Việc xuất bản tài liệu không kinh doanh
phải tuân theo những quy định sau đây
1. Không gây phương hại đến độc lập, chủ quyền, thống nhất
và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không được kích
động nhân dân chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối
đại đoàn kết toàn dân.
2. Không gây kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh
xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô,
đồi trụy, tội ác.
3. Không tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh,
kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam quy định.
4. Không đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống
nhằm xúc phạm danh dự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, uy tín
của các tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.
5. Không xuất bản tài liệu không kinh doanh khi chưa có
giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước về Báo chí - Xuất bản.
6. Không được làm trái các quy định ghi trong giấy phép
xuất bản tài liệu không kinh doanh.
Điều 4. Trách nhiệm của tổ chức, pháp nhân được cấp
phép xuất bản
1. Chỉ đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh
doanh đúng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đã được quy định.
2. Đứng tên chịu trách nhiệm xuất bản trên tài liệu không
kinh doanh; thực hiện việc ghi thông tin trên tài liệu xuất bản theo đúng quy
định tại Điều 26 Luật Xuất bản 2004 và Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều
của Luật Xuất bản 2008.
3. Chấp hành các quy định về quyền tác giả theo quy định
của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm trong
quá trình xuất bản tài liệu không kinh doanh theo quy định của Luật Xuất bản.
Chương II
NỘI DUNG, HÌNH THỨC CỦA TÀI LIỆU KHÔNG KINH DOANH
Điều 5. Nội dung của tài liệu không kinh doanh
Tài liệu không kinh doanh của tổ chức, pháp nhân đề nghị
cấp giấy phép xuất bản có nội dung sau:
1. Tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, các
ngày kỷ niệm lớn và các sự kiện trọng đại của đất nước (trong đó bao gồm cả tài
liệu về lịch sử Đảng, chính quyền của địa phương).
2. Hướng dẫn học tập và thi hành chủ trương đường lối,
các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phục vụ địa
phương.
3. Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; các biện pháp phòng chống
thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ môi trường phục vụ địa phương.
4. Kỷ yếu hội thảo, kỷ yếu hội nghị, kỷ yếu ngành nghề
của các cơ quan, tổ chức, pháp nhân.
5. Hướng dẫn sử dụng sản phẩm, catalo kèm theo sản phẩm,
quy định về hoạt động mang tính nội bộ của tổ chức kinh tế và doanh nghiệp 100%
vốn nước ngoài.
Điều 6. Hình thức của tài liệu không kinh doanh
Tài liệu không kinh doanh xuất bản dưới các hình thức
sau:
1. Sách;
2. Băng, đĩa;
3. Tranh, ảnh, áp phích, tờ rời, tờ gấp.
Điều 7. Thông tin bắt buộc ghi trên tài liệu không
kinh doanh
1. Đối với tài liệu không kinh doanh xuất bản dưới hình
thức là sách ghi các thông tin:
1.1. Trang bìa của tài liệu
a) Ghi tên của tài liệu
b) Ghi cụ thể tên tổ chức, pháp nhân được phép xuất
bản;
1.2. Trang tên sách: Ngoài các thông tin quy định tại Điểm
a, Khoản 1 Điều này còn phải ghi thêm tên người chủ biên hoặc người dịch, người
hiệu đính, số lần xuất bản, năm xuất bản.
1.3. Trang cuối của tài liệu xuất bản ghi các thông
tin sau:
a) Tên, chức vụ người chịu trách nhiệm xuất bản; tên
người biên tập;
b) Tên người trình bày, minh họa, sửa bản thảo (nếu
có);
c) Tài liệu không bán;
d) Nơi in, khuôn khổ, số lượng in;
đ) Số Giấy phép; ngày, tháng, năm cấp giấy phép; cơ quan
cấp phép, thời gian nộp lưu chiểu;
e) Đối với sách dịch phải ghi đầy đủ: Tên nguyên bản, tác
giả, nhà xuất bản nước ngoài, năm xuất bản; nếu sách dịch từ ngôn ngữ khác với
ngôn ngữ nguyên bản phải ghi rõ ngôn ngữ về tên người dịch bản đó;
Trường hợp vì lý do kỹ thuật in mà không thể ghi các thông
tin quy định tại Khoản 1 của Điều này thì ghi ở trang liền sau trang tên tài
liệu hoặc trang trước của trang cuối tài liệu xuất bản;
2. Đối với tài liệu không kinh doanh xuất bản dưới hình
thức là băng, đĩa, tranh, ảnh, áp phích, tờ rời, tờ gấp ghi các thông tin:
a) Tên, địa chỉ tổ chức, pháp nhân xuất bản;
b) Tên, chức vụ người chịu trách nhiệm xuất bản, tên người
biên tập;
c) Nơi in, khuôn khổ, số lượng in;
d) Số Giấy phép; ngày, tháng, năm cấp giấy phép; cơ quan
cấp phép, thời gian nộp lưu chiểu.
Điều 8. Quy định về quảng cáo trong tài liệu không
kinh doanh
1. Đối với tài liệu không kinh doanh xuất bản dưới hình
thức là sách, tranh, ảnh, tờ rời, tờ gấp, các tổ chức, pháp nhân không được
đăng quảng cáo trong tài liệu được phép xuất bản.
2. Chỉ được quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ và hoạt động
của cơ quan, tổ chức xuất bản tài liệu đó theo quy định tại Điều 29 Luật Xuất
bản 2004;
3. Đối với tổ chức, cá nhân xuất bản không tuân thủ theo
quy định về quảng cáo trong tài liệu không kinh doanh thì bị xử phạt vi phạm
hành chính theo Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2011 của Chính
phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
4. Đối với tài liệu không kinh doanh xuất bản dưới hình
thức là băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh, tổ chức, pháp nhân
được phép đăng phát quảng cáo nhưng không vượt quá 5% thời lượng chương trình
và phải được ghi rõ trong giấy phép.
Điều 9. Sử dụng tranh, ảnh, tác phẩm sưu tầm trong tài
liệu không kinh doanh
1. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền
tác giả.
2. Ghi rõ tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc nguồn
gốc xuất xứ của tranh, ảnh, tác phẩm sưu tầm được sử dụng.
3. Không được sử dụng tranh, ảnh, tác phẩm sưu tầm đang
có tranh chấp bản quyền tác giả hoặc tranh, ảnh có nguồn gốc xuất xứ không rõ
ràng.
Chương III
ĐIỀU KIỆN, THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, THU HỒI
GIẤY PHÉP XUẤT BẢN TÀI LIỆU KHÔNG KINH DOANH
Điều 10. Điều kiện cấp phép xuất bản tài liệu không
kinh doanh
1. Có người chịu trách nhiệm về xuất bản tài liệu.
2. Xác định rõ nội dung, mục đích xuất bản, phạm vi sử
dụng tài liệu không kinh doanh, khuôn khổ, số trang, số lượng, nơi in.
3. Các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ theo quy định giải
quyết thủ tục hành chính về cấp phép lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Điều 11. Thẩm quyền cấp phép
Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan cấp, thu hồi giấy
phép xuất bản tài liệu không kinh doanh cho các tổ chức, pháp nhân trên địa bàn
tỉnh Hậu Giang.
Điều 12. Trình tự, thủ tục cấp phép
Thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất bản tài liệu không
kinh doanh được quy định tại Quyết định số 2346/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2011
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc công bố sửa đổi, bổ sung
thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Thông tin và Truyền thông, cụ thể
như sau:
1. Các tổ chức, pháp nhân có nhu cầu xuất bản tài liệu
không kinh doanh nộp hồ sơ tại Sở Thông tin và Truyền thông.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang hướng dẫn,
tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh
và chịu trách nhiệm kiểm tra đầy đủ các điều kiện của tổ chức, pháp nhân xin cấp
phép xuất bản.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép gồm:
a) Đơn xin cấp giấy phép xuất bản theo mẫu số 03 ban hành
kèm theo Thông tư số 29/2010/TT-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ Thông
tin và Truyền thông quy định việc xuất bản tài liệu không kinh doanh. Trong đơn
phải điền đầy đủ các thông tin yêu cầu, có chữ ký của thủ trưởng và đóng dấu
của tổ chức, pháp nhân đứng tên đề nghị cấp giấy phép;
b) Hai (02) bản thảo tài liệu không kinh doanh có đóng
dấu tại trang tên sách và dấu giáp lai (trường hợp bản thảo có từ 2 trang trở lên)
của tổ chức, pháp nhân đề nghị cấp giấy phép; trường hợp tài liệu bằng tiếng
nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam phải kèm theo bản dịch tiếng Việt;
c) Đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp Việt
Nam; tổ chức kinh tế và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thì ngoài hồ sơ quy
định tại Điểm a, b của Khoản 2 Điều này, phải có bản sao có chứng thực quyết
định thành lập (hoặc giấy phép hoạt động) do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm
quyền cấp;
d) Đối với tài liệu không kinh doanh là kỷ yếu, ngoài hồ
sơ quy định tại Điểm a, b Khoản này, phải có xác nhận của cơ quan chủ quản hoặc
cơ quan có thẩm quyền vào đơn đề nghị cấp giấy phép;
e) Đối với tài liệu không kinh doanh có nội dung về lịch
sử Đảng, chính quyền của địa phương ngoài hồ sơ quy định tại Điểm a, b Khoản
này, cơ quan, tổ chức, đơn vị xin cấp giấy phép xuất bản phải có văn bản thẩm
định nội dung của cơ quan Đảng, chính quyền cấp trên.
3. Số lượng hồ sơ xin cấp giấy phép: 01 bộ hồ sơ.
Điều 13. Thời gian giải quyết hồ sơ
1. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận
được hồ sơ hợp lệ, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thẩm định nội
dung bản thảo và xét đơn đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu cho tổ chức,
pháp nhân trên địa bàn tỉnh.
2. Trường hợp không cấp giấy phép thì chậm nhất là 10 (mười)
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin cấp giấy phép xuất bản, Sở Thông
tin và Truyền thông phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Điều 14. Hiệu lực của giấy phép
1. Kể từ ngày cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh
doanh có hiệu lực, nếu sau 90 (chín mươi) ngày, tổ chức, pháp nhân không xuất
bản tài liệu không kinh doanh thì giấy phép không còn giá trị.
2. Tổ chức, pháp nhân tạm ngừng hoặc thôi không xuất bản
tài liệu không kinh doanh phải thông báo bằng văn bản trước 15 (mười lăm) ngày
cho Sở Thông tin và Truyền thông trước khi giấy phép hết hiệu lực.
3. Thay đổi một trong các nội dung ghi trong giấy phép
xuất bản tài liệu không kinh doanh phải có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền
thông trong đó ghi rõ nội dung cần thay đổi và lý do phải thay đổi.
Điều 15. Phí và lệ phí
Việc thu phí và lệ phí cấp giấy phép xuất bản tài liệu
không kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ IN, PHÁT HÀNH, LƯU CHIỂU TÀI LIỆU KHÔNG
KINH DOANH
Điều 16. Quy định về in
1. Tổ chức, pháp nhân được cấp phép xuất bản phải in tài
liệu không kinh doanh theo đúng nội dung bản thảo đã được cơ quan có thẩm quyền
thẩm định, in đúng số lượng, số trang, khuôn khổ, ngôn ngữ thể hiện, nơi in
được quy định trong giấy phép đã được cấp.
2. Cơ sở in chỉ được nhận in tài liệu không kinh doanh
khi giấy phép xuất bản do Sở Thông tin và Truyền thông cấp còn hiệu lực và phải
in theo đúng nội dung bản thảo có đóng dấu của Sở Thông tin và Truyền thông, hình
thức, khuôn khổ, số lượng, số trang ghi trong giấy phép, đồng thời phải thực
hiện nghiêm chỉnh các quy định của Luật Xuất bản về điều kiện đặt in, nhận in.
Điều 17. Quy định về phát hành
1. Việc phát hành tài liệu không kinh doanh phải được thực
hiện theo đúng phạm vi, phương thức, đối tượng đã ghi trong giấy phép được cấp.
2. Tài liệu không kinh doanh không được bán dưới bất
kỳ hình thức nào.
Điều 18. Nộp lưu chiểu tài liệu không kinh doanh
1. Thời hạn nộp lưu chiểu
a) Tổ chức, pháp nhân được phép xuất bản tài liệu không
kinh doanh phải thực hiện việc nộp lưu chiểu trước khi phát hành ít nhất 10
(mười) ngày;
b) Trong trường hợp đặc biệt thì việc nộp lưu chiểu được
thực hiện ngay sau khi in xong nhưng phải đảm bảo ít nhất 12 tiếng trước khi
phát hành.
2. Số lượng nộp lưu chiểu tài liệu không kinh doanh
a) Nộp lưu chiểu cho Sở Thông tin và Truyền thông hai
(02) bản
b) Nộp lưu chiểu cho Thư viện Quốc gia (05) năm bản (trường
hợp in với số lượng trên 300 bản); hai (02) bản (trường hợp in với số lượng
dưới 300 bản);
c) Nộp lưu chiểu cho Cục Xuất bản hai (02) bản.
3. Hình thức, thủ tục nộp lưu chiểu
a) Nộp lưu chiểu được thực hiện theo một trong hai hình
thức: Trực tiếp hoặc chuyển phát qua bưu điện;
b) Cùng với số lượng tài liệu không kinh doanh theo quy
định phải kèm theo 2 tờ khai;
c) Sau khi có xác nhận lưu chiểu của Sở Thông tin và Truyền
thông, tổ chức, pháp nhân xuất bản tài liệu không kinh doanh mới được phát
hành.
Điều 19. Nhận lưu chiểu tài liệu không kinh doanh
1. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ nhận lưu chiểu tài
liệu không kinh doanh khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Tài liệu không kinh doanh xuất bản theo đúng các quy
định được ghi trong giấy phép;
b) Trên tài liệu không kinh doanh nộp lưu chiểu phải đảm
bảo đầy đủ các thông tin bắt buộc quy định tại Quy chế này.
2. Đối với tài liệu không kinh doanh nộp lưu chiểu thực
hiện đúng các quy định tại Khoản 1 Điều này, Sở Thông tin và Truyền thông xác
nhận thời gian, số lượng nhận lưu chiểu vào sổ theo dõi nhận tài liệu lưu chiểu.
3. Đối với tài liệu không kinh doanh thực hiện không đúng
các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này, Sở Thông tin và Truyền thông trả
lại cho tổ chức, pháp nhân được phép xuất bản để bổ sung, sửa chữa; xác nhận
thời gian trả lại vào sổ theo dõi nhận lưu chiểu.
4. Các tài liệu lưu chiểu bị trả lại phải được bổ sung,
sửa chữa thì mới được nhận lưu chiểu và phát hành.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Giao Sở Thông tin và Truyền thông hướng
dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát và tổ chức triển khai thực hiện Quy chế đến
các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
Các tổ chức, pháp nhân tham gia hoạt động xuất bản tài
liệu không kinh doanh và các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm thực hiện
nghiêm túc Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện có phát sinh, vướng mắc đề nghị
phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông bằng văn bản để tổng hợp trình Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.