UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
161/2006/QĐ-UBND
|
Thủ
Dầu Một, ngày 04 tháng 7 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban
nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 27/CP ngày 20/4/1995 của Chính phủ về quản lý sản xuất,
cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 64/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ về việc quy định
xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 373/TTr-SCN ngày 29
tháng 06 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này “Quy định về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Bình Dương”.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Công nghiệp, Lao động Thương binh và Xã hội;
Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Chủ tịch UBND
các huyện, thị; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Giám đốc các doanh nghiệp
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thị Kim Vân
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH
DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 161/2006/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm
2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Quy định này
quy định về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; bao gồm
các hoạt động: sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp.
2. Quy định
này áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân (gồm cả tổ chức, doanh nghiệp của lực lượng
vũ trang làm kinh tế; tổ chức, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt
Nam) có hoạt động liên quan đến công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp nêu tại
khoản 1 Điều này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quyết định
này, các từ ngữ được hiểu như sau:
1. “Vật liệu
nổ công nghiệp” (sau đây viết tắt là VLNCN) bao gồm: thuốc nổ và các loại
phụ kiện nổ, sử dụng trong hoạt động công nghiệp và các mục đích dân dụng khác.
1.1. “Thuốc nổ”
là các loại hóa chất hoặc hỗn hợp hóa chất mà khi có tác động cơ học, hóa học,
điện hoặc nhiệt học đạt đến một mức độ nhất định, trong một điều kiện nhất định
sẽ gây ra phản ứng hóa học biến chúng thành năng lượng nổ và phá hủy môi trường
xung quanh;
1.2. “Phụ kiện
nổ” bao gồm dây cháy chậm, dây nổ, dây dẫn nổ, các loại kíp nổ, mồi nổ, hạt nổ,
rơle nổ, các loại đạn chuyên dụng và các loại phụ kiện nổ khác;
Thuốc nổ, phụ
kiện nổ tự chế tạo hoặc chế tạo từ thuốc phóng, thuốc nổ thu hồi sau xử lý bom,
đạn, mìn chưa qua chế biến và kiểm tra chất lượng sản phẩm, chưa được cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng; các hóa chất, bán thành phẩm để chế biến
thành thuốc nổ mà tự nó không gây ra cháy nổ trong quá trình sản xuất, vận chuyển
và bảo quản riêng rẽ không được coi là VLNCN.
2. “Sản xuất
VLNCN” là hoạt động chế tạo ra thuốc nổ, phụ kiện nổ; bao gồm cả quá trình
nghiên cứu chế thử vật liệu nổ công nghiệp.
3. “Kinh
doanh cung ứng VLNCN” là hoạt động mua, bán, vận chuyển vật liệu nổ công
nghiệp.
4. “Bảo quản
VLNCN” là hoạt động cất giữ vật liệu nổ công nghiệp trong kho hay bảo quản
trong quá trình vận chuyển và sử dụng theo những quy định riêng nhằm đảm bảo
nguyên vẹn chất lượng, số lượng; không để xảy ra cháy, nổ.
5. “Vận
chuyển VLNCN” là hoạt động vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ địa điểm
này đến địa điểm khác (ngoại trừ việc vận chuyển VLNCN trong đường nội bộ mỏ hoặc
công trường).
6. “Sử dụng
VLNCN” là hoạt động dùng vật liệu nổ công nghiệp trong thăm dò, khai thác mỏ,
xây dựng, điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực khác theo qui trình
đã được xác định.
Điều 3. Các nguyên tắc chung
1. VLNCN là vật
tư kỹ thuật đặc biệt, chịu sự quản lý nghiêm ngặt của Nhà nước về an ninh, trật
tự an toàn xã hội, an toàn lao động, cháy nổ và vệ sinh môi trường từ khâu sản
xuất đến sử dụng.
2. VLNCN là
hàng hóa thuộc Danh mục 2 – Hàng hóa, dịch vụ, thương mại hạn chế kinh doanh được
quy định tại Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ.
3. Các doanh
nghiệp Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh
cung ứng VLNCN theo đề nghị của Bộ Công nghiệp; nếu là đơn vị quân đội làm kinh
tế thuộc Bộ Quốc phòng, phải được Bộ Quốc Phòng và Bộ Công nghiệp đề nghị mới
được sản xuất, kinh doanh cung ứng VLNCN.
4. Mọi hoạt động
có liên quan đến VLNCN phải tuân thủ chặt chẽ Quy định này và các văn bản pháp
luật có liên quan.
5. Nghiêm cấm
sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN trên địa
bàn tỉnh Bình Dương trái pháp luật và trái với Quy định này.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ SẢN XUẤT VÀ
KINH DOANH CUNG ỨNG VLNCN
Điều 4. Quy định về sản xuất VLNCN
1. Tất cả các
doanh nghiệp sản xuất VLNCN phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền theo quy định tại Thông tư 02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 3 năm 2005 của Bộ
Công nghiệp.
2. Hoạt động
sản xuất VLNCN của các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất
– kỹ thuật; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; điều kiện sức khoẻ; điều kiện bảo vệ
môi trường; phòng chống cháy nổ và tuân thủ các qui trình an toàn theo quy định
của pháp luật.
Điều 5. Quy định về kinh doanh cung ứng VLNCN
1. Tất cả các
doanh nghiệp kinh doanh cung ứng VLNCN phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư 02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 3 năm
2005 của Bộ Công nghiệp.
2. Hoạt động
kinh doanh cung ứng VLNCN của các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về cơ
sở vật chất – kỹ thuật; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; điều kiện sức khoẻ; điều
kiện bảo vệ môi trường; phòng chống cháy nổ và điều kiện an toàn theo quy định
của pháp luật.
3. Các doanh
nghiệp kinh doanh cung ứng VLNCN chỉ được phép bán VLNCN cho các tổ chức, doanh
nghiệp được phép sử dụng theo quy định.
4. Việc mua,
bán VLNCN phải ký kết và thanh lý hợp đồng theo quy định về ký kết và thực hiện
hợp đồng theo pháp luật; phải cung cấp bản sao hợp đồng mua, bán và thanh lý
cho Sở Công nghiệp và Công an tỉnh để giám sát, kiểm tra.
5. Không được
phép từ chối việc mua lại VLNCN không sử dụng hết của các tổ chức, doanh nghiệp
sử dụng đã mua của đơn vị mình mà không có lý do từ chối chính đáng.
6. Việc bán
VLNCN phải căn cứ theo đúng quy định trong giấy phép sử dụng VLNCN của các tổ
chức, doanh nghiệp; có kế hoạch cung cấp đảm bảo về số lượng, ổn định về chủng
loại và chất lượng.
7. Trong quá
trình hoạt động phải có hệ thống sổ sách ghi chép, phiếu nhập kho, phiếu xuất
kho, hóa đơn, chứng từ và phải thống kê mọi hoạt động mua, bán, tồn kho, tiêu hủy
VLNCN. Sổ sách, chứng từ nêu trên phải được bảo quản, lưu trữ theo quy định hiện
hành.
8. Không được
bán các loại VLNCN trái với quy định này.
9. Định kỳ 06
tháng và 01 năm phải gửi báo cáo tình hình kinh doanh, cung ứng VLNCN cho Sở
Công nghiệp Bình Dương và Công An tỉnh.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ BẢO QUẢN VÀ
VẬN CHUYỂN VLNCN
Điều 6. Quy định về bảo quản VLNCN
1. Kho VLNCN
là nơi bảo quản VLNCN. Kho có thể gồm một hoặc nhiều kho chứa và một số công
trình phụ trợ bố trí xung quanh kho. Kho VLNCN phải đảm bảo:
a. Kho VLNCN
phải được thiết kế, thi công, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng theo đúng
quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và những quy định tại TCVN 4586:1997
và Thông tư 02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 3 năm 2005 của Bộ Công nghiệp;
b. Việc sắp xếp
VLNCN tại kho phải tuân thủ những hướng dẫn tại phụ lục H – TCVN 4586:1997;
công tác thống kê xuất, nhập, tồn kho, tiêu hủy phải đảm bảo đúng theo quy định
hiện hành;
c. Kho VLNCN
phải chống được mất cắp; giữ được chất lượng; nhập vào, xuất ra thuận tiện,
nhanh chóng và được bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp có vũ
trang, canh gác suốt ngày đêm.
2. Bảo quản
VLNCN tại nơi nổ mìn khi chưa tiến hành nổ mìn phải tuân thủ:
a. Từ khi đưa
VLNCN đến nơi sẽ tiến hành nổ; VLNCN phải được bảo quản, canh gác, bảo vệ cho đến
lúc nạp. Người bảo vệ phải là thợ mìn hoặc công nhân đã được huấn luyện về an
toàn;
b. Khi nạp
mìn xong mà chưa đến thời gian được phép tiến hành nổ mìn trong ngày, không được
phép đấu nối dây dẫn khởi nổ với bãi mìn; dây đấu mạng phải được quấn cách điện
và phải bố trí người canh gác bãi mìn;
c. Những trường
hợp khác phải thực hiện theo quy định tại TCVN 4586:1997.
Điều 7. Quy định về vận chuyển VLNCN
1. Vận chuyển
VLNCN phải tuân thủ theo những quy định tại TCVN 4586:1997 và những quy định
khác của pháp luật hiện hành.
2. Quá trình
vận chuyển VLNCN phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền đối với
phương tiện vận tải và được cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thuộc Công
an cấp tỉnh trở lên cấp giấy phép vận chuyển VLNCN.
3. Khi vận
chuyển VLNCN phải đem theo đầy đủ các hồ sơ pháp lý có liên quan đến việc vận
chuyển và lý lịch lô hàng; phương tiện vận chuyển phải tuân thủ lộ trình ghi
trong giấy phép vận chuyển.
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG VLNCN
Điều 8. Quy định về công tác quản lý sử dụng VLNCN
1. Tất cả các
tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN vào mục đích sản xuất, dịch vụ nổ mìn, đào
tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học và thử nghiệm phải có giấy phép sử dụng
VLNCN do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép phải được đăng ký tại Sở Công
nghiệp mới được phép sử dụng VLNCN.
2. Hàng năm
các tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng VLNCN phải lập kế hoạch sử dụng
VLNCN của năm tiếp theo gửi về Sở Công nghiệp trước ngày 15 tháng 12 của năm
trước.
3. Các tổ chức,
doanh nghiệp được phép sử dụng chỉ được mua VLNCN ở các doanh nghiệp được phép
kinh doanh cung ứng VLNCN; trường hợp sử dụng không hết hoặc không sử dụng thì
phải bán lại cho đơn vị kinh doanh cung ứng ban đầu, không được bán lại cho bất
cứ đối tượng nào khác.
4. Việc mua
bán VLNCN phải ký kết và thanh lý hợp đồng theo đúng quy định về ký kết và thực
hiện hợp đồng của pháp luật. Các tổ chức, doanh nghiệp mua VLNCN phải cung cấp
bản sao hợp đồng mua bán và thanh lý cho Sở Công nghiệp và Công An tỉnh kiểm
tra, giám sát.
5. Các tổ chức,
doanh nghiệp sử dụng VLNCN phải có thiết kế, phương án và hộ chiếu khoan nổ mìn
đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc chấp thuận. Hộ
chiếu nổ mìn do Chỉ huy nổ mìn lập, có sự phê chuẩn của Thủ trưởng đơn vị hoặc
cấp tương đương của đơn vị phê chuẩn theo quy định.
6. Chỉ được sử
dụng VLNCN theo đúng số lượng, chủng loại và thời hạn ghi trong giấy phép; việc
sử dụng VLNCN vượt quá số lượng trong giấy phép sẽ bị xử lý thuộc hành vi sử dụng
giấy phép VLNCN hết hạn.
7. Trong quá
trình sử dụng VLNCN phải có đầy đủ hệ thống sổ sách ghi chép, phiếu nhập, phiếu
xuất, hóa đơn, hộ chiếu và phải thống kê mọi hoạt động mua, bán, tồn kho, tiêu
hủy VLNCN. Sổ sách, chứng từ nêu trên phải được bảo quản, lưu trữ theo quy định
của TCVN 4586:1997 và quy định của Bộ Tài chính.
8. Hàng tháng
phải tổng hợp tình hình sử dụng VLNCN của đơn vị báo cáo cho Công an tỉnh và
báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm cho Sở Công nghiệp.
Điều 9. Quy định về thông số kỹ thuật và yêu cầu an toàn trong
nổ mìn
1. Trong quá
trình thi công nổ mìn các tổ chức, doanh nghiệp phải tuân thủ các thông số kỹ
thuật và quy mô bãi nổ theo thiết kế được phê duyệt hoặc phương án được Sở Công
nghiệp chấp thuận.
2. Những người
tham gia vào hoạt động sử dụng VLNCN của doanh nghiệp phải có chứng chỉ và được
tập huấn, sát hạch định kỳ theo quy định tại TCVN 4586:1997 và Thông tư số
02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 3 năm 2005 của Bộ Công nghiệp.
3. Chỉ huy nổ
mìn là người có trình độ chuyên môn theo quy định, phải am hiểu các quy định của
pháp luật về sử dụng VLNCN và được Sở Công nghiệp chấp thuận.
4. Những yêu
cầu an toàn trong quá trình sử dụng vật liệu nổ như: thi công bãi mìn, canh
gác, bảo vệ, tiến hành khởi nổ, xử lý mìn câm... phải tuyệt đối tuân thủ những
quy định hướng dẫn tại TCVN 4586:1997.
5. Tổ chức,
doanh nghiệp sử dụng VLNCN phải trang bị máy bộ đàm để đảm bảo thông tin liên lạc
giữa chỉ huy nổ mìn và các chốt canh gác; khu vực có nhiều mỏ nên trang bị hệ
thống máy bộ đàm có cùng tần số.
Điều 10. Quy định về Phòng cháy và chữa cháy
Tổ chức,
doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo quản, vận chuyển và sử dụng
VLNCN phải tuân thủ quy định về phòng cháy và chữa cháy theo hướng dẫn tại phụ
lục H – TCVN 4586:1997.
Điều 11. Quy định về thời gian không được vận chuyển VLNCN và
tiến hành nổ mìn
1. Tết âm lịch:
trước tết nghỉ 07 ngày và sau tết nghỉ 07 ngày.
2. Các ngày lễ
khác được nghỉ theo quy định tại Luật Lao động: trước ngày lễ nghỉ 03 ngày và
sau ngày lễ nghỉ 03 ngày.
3. Trường hợp
đột xuất sẽ có thông báo của Sở Công nghiệp và Phòng cảnh sát Phòng cháy và chữa
cháy – Công an tỉnh bằng văn bản.
Điều 12. Quy định về hiệu lệnh nổ mìn
1. Các tổ chức,
doanh nghiệp phải liên hệ và thỏa thuận với Uỷ ban nhân dân xã nơi tiến hành nổ
mìn về các quy định biển cảnh báo nổ mìn, hiệu lệnh và thời gian tiến hành nổ
mìn trong ngày, trong tuần của đơn vị. Trong một khu vực có nhiều mỏ cùng hoạt
động nổ mìn thì các quy định, hiệu lệnh phải được quy ước giống nhau.
2. Những quy
định về biển cảnh báo nổ mìn, hiệu lệnh nổ mìn và thời gian nổ mìn của đơn vị
phải được thông báo rộng rãi cho toàn thể cán bộ nhân viên trong mỏ, các đơn vị
lân cận và dân cư sống xung quanh mỏ được biết.
3. Sử dụng
còi làm tín hiệu cho việc tiến hành nổ mìn hàng ngày, âm thanh của còi báo hiệu
phải đảm bảo mọi người nghe rõ; tuyệt đối không được dùng mìn để báo hiệu.
4. Các tổ chức,
doanh nghiệp không được tự ý thay đổi quy định, quy ước về hiệu lệnh nổ
mìn.
Điều 13. Quy định sử dụng VLNCN trên địa bàn huyện Dĩ An
1. Thuốc nổ
được phép sử dụng gồm: nhũ tương, anfo; việc sử dụng các loại thuốc nổ công
nghiệp khác phải được sự chấp thuận của Sở Công nghiệp bằng văn bản.
2. Phụ kiện nổ
được phép sử dụng những chủng loại sau:
a. Kíp điện
vi sai nhiều số và kíp nổ phi điện. Đối với những tổ chức, doanh nghiệp đang sử
dụng kíp điện vi sai nhiều số, muốn chuyển đổi sang sử dụng kíp nổ phi điện phải
được sự chấp thuận của Sở Công nghiệp;
b. Dây nổ chịu
nước được phép sản xuất trong nước và được phép nhập khẩu;
c. Mồi nổ được
phép sản xuất trong nước như: MN-31, TMN-15, TX-1A, VE 05, VE 05A, TMN-15H và
các loại mồi nổ được phép nhập khẩu như: PPP-400g, Pentolite.
3. Công tác
phá đá quá cỡ phải tiến hành bằng máy đập hoặc nổ chiết. Việc nổ chiết phải sử
dụng kíp điện vi sai nhiều số, lượng thuốc nổ tối đa cho một lỗ mìn không quá 0,1kg.
Khối lượng thuốc nổ tối đa cho một lần nổ chiết không quá 5 kg. Tuyệt đối không
được phép sử dụng VLNCN để nổ ốp.
4. Thời gian
được phép tiến hành nổ mìn và khởi nổ:
a. Vào thứ 3,
5, 7 hàng tuần, thời gian được phép tiến hành khởi nổ từ 11 giờ 30 đến 13 giờ
00 trong ngày;
b. Trường hợp
không thể tiến hành khởi nổ được trước 13 giờ thì được phép nổ từ 16 giờ 30 đến
17 giờ 30 trong ngày. Chỉ được thực hiện khi đơn vị đã báo cáo cho Sở Công nghiệp
Bình Dương và Uỷ ban nhân dân xã nơi tiến hành nổ mìn; đồng thời lập biên bản
trong đó ghi rõ nội dung, nguyên nhân gây ra sự cố, có chữ ký của Giám đốc điều
hành mỏ và Chỉ huy nổ mìn;
c. Không được
khởi nổ cùng một lúc hai hoặc nhiều hộ chiếu, mỗi lần khởi nổ cách nhau ít nhất
từ 03 - 05 phút. Đối với khu vực có nhiều mỏ các đơn vị phải có biên bản thỏa
thuận, thống nhất về thời gian nổ và khoảng cách giữa các lần nổ.
Điều 14. Quy định sử dụng VLNCN trên địa bàn huyện Tân Uyên,
Phú Giáo và Dầu Tiếng
1. Thuốc nổ
được phép sử dụng là những loại thuốc nổ nằm trong danh mục được Bộ Công nghiệp
công bố cho phép sử dụng hàng năm như: AD1, Nhũ tương, Anfo, Zecno...
2. Phụ kiện nổ
được phép sử dụng những chủng loại sau:
a. Kíp điện
vi sai nhiều số và kíp nổ phi điện. Đối với những tổ chức, doanh nghiệp đang sử
dụng kíp điện vi sai nhiều số, muốn chuyển đổi sang sử dụng kíp nổ phi điện phải
được sự chấp thuận của Sở Công nghiệp bằng văn bản;
b. Dây nổ chịu
nước được phép sản xuất trong nước và được phép nhập khẩu;
c. Mồi nổ được
phép sản xuất trong nước như: MN-31, TMN-15, TX-1A, VE 05, VE 05A, TMN-15H và
các loại mồi nổ được phép nhập khẩu như: PPP-400g, Pentolite.
3. Công tác
phá đá quá cỡ phải tiến hành bằng máy đập hoặc nổ chiết. Việc nổ chiết sử dụng
kíp điện tức thời hoặc vi sai nhiều số, lượng thuốc nổ tối đa cho một lỗ mìn
không quá 0,1kg. Khối lượng thuốc nổ tối đa cho một lần nổ chiết không quá 5
kg. Tuyệt đối không được phép sử dụng VLNCN để nổ ốp.
4. Thời gian
được phép tiến hành nổ mìn và khởi nổ:
a. Thời gian
nổ mìn vào các ngày trong tuần (trừ ngày chủ nhật), thời gian được phép tiến
hành khởi nổ từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 00 trong ngày;
b. Trường hợp
có sự cố không thể tiến hành khởi nổ được trước 13 giờ thì được phép nổ từ 16
giờ 30 đến 17 giờ 30 trong ngày. Chỉ được thực hiện khi đơn vị đã báo cáo cho Sở
Công nghiệp Bình Dương và Uỷ ban nhân dân xã nơi tiến hành nổ mìn, đồng thời lập
biên bản trong đó ghi rõ nội dung, nguyên nhân gây ra sự cố, có chữ ký của Giám
đốc điều hành mỏ và Chỉ huy nổ mìn;
c. Không được
khởi nổ cùng một lúc hai hoặc nhiều hộ chiếu, mỗi lần khởi nổ cách nhau ít nhất
từ 03 - 05 phút. Đối với khu vực có nhiều mỏ các đơn vị phải có biên bản thỏa
thuận, thống nhất về thời gian nổ và khoảng cách giữa các lần nổ.
Điều 15. Quy định sử dụng VLNCN trên địa bàn huyện Thuận An,
Bến Cát và Thị xã Thủ Dầu Một
Trường hợp có
nhu cầu sử dụng VLNCN để tiến hành các hoạt động công nghiệp và sử dụng vào các
mục đích dân dụng khác; các tổ chức, doanh nghiệp phải tiến hành lập thủ tục
theo trình tự hướng dẫn tại TCVN 4586-1997 và Thông tư 02/2005/TT-BCN ngày 29
tháng 3 năm 2005 của Bộ Công nghiệp. Hồ sơ được gửi về Sở Công nghiệp để Sở xem
xét và tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA SỞ,
NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG
Điều 16. Trách nhiệm chung của các Sở, Ngành và địa phương
1. Các Sở,
Ngành thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về
VLNCN trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
2. Uỷ ban
nhân dân cấp huyện, xã theo chức năng quản lý địa phương có trách nhiệm quản lý
về VLNCN theo thẩm quyền.
Điều 17. Trách nhiệm của Sở Công nghiệp
1. Sở Công
nghiệp là cơ quan đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý về VLNCN trên địa
bàn tỉnh.
2. Tiếp nhận
hồ sơ xin cấp Giấy phép sử dụng VLNCN của các tổ chức, doanh nghiệp; thẩm định
và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép mới, giấy phép gia hạn hoặc thu hồi
Giấy phép sử dụng VLNCN.
3. Chủ trì
công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc sản xuất, kinh doanh
cung ứng, bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN của các tổ chức, doanh nghiệp trên
địa bàn tỉnh.
4. Chủ trì việc
tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở xây dựng kho chứa VLNCN trên địa bàn tỉnh.
5. Chịu trách
nhiệm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn và các đối tượng liên
quan đến VLNCN; kiểm tra sát hạch và cấp giấy chứng nhận theo quy định của TCVN
4786:1997 và Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 3 năm 2005 của Bộ Công
nghiệp.
6. Xử lý vi
phạm về VLNCN theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
7. Chịu trách
nhiệm báo cáo định kỳ việc sử dụng VLNCN 06 tháng, 01 năm và tổng hợp kế hoạch
sử dụng VLNCN hàng năm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo Uỷ ban
nhân dân tỉnh và Bộ Công nghiệp.
Điều 18. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Trách nhiệm
trong lĩnh vực quản lý Hành chính và Trật tự xã hội:
a. Tiếp nhận
hồ sơ và xem xét cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các tổ
chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo quản, vận chuyển và sử dụng
VLNCN trên địa bàn tỉnh;
b. Chủ trì
công tác kiểm tra về việc đảm bảo thực hiện các điều kiện về an ninh trật tự tại
các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo quản, vận chuyển
và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh trong những tình huống đột xuất, theo chỉ đạo
của ngành;
c. Tham gia
thẩm định thiết kế cơ sở các kho chứa VLNCN.
2. Trách nhiệm
trong lĩnh vực quản lý Phòng cháy và chữa cháy:
a. Xem xét cấp
giấy phép vận chuyển (M) cho các đơn vị có nhu cầu vận chuyển VLNCN;
b. Tham gia
thẩm định thiết kế cơ sở các kho chứa VLNCN.
3. Tham gia
thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo
quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN do Thanh tra tỉnh hoặc Sở Công nghiệp thành lập.
4. Xử lý vi
phạm về VLNCN theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Điều 19. Trách nhiệm của Sở lao động Thương binh và Xã hội
1. Hướng dẫn
thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với các tổ chức,
doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo quản, vận chuyển và sử
dụng VLNCN.
2. Tổ chức huấn
luyện an toàn lao động và cấp thẻ an toàn cho người lao động tại các tổ chức,
doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo quản, vận chuyển và sử
dụng VLNCN.
3. Tham gia
thẩm định thiết kế cơ sở các kho chứa VLNCN.
4. Tham gia
thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo
quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN do Thanh tra tỉnh hoặc Sở Công nghiệp thành lập.
Điều 20. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã
1. Có trách
nhiệm chỉ đạo các ngành chức năng liên quan ở địa phương và Uỷ ban nhân dân cấp
xã theo dõi, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo quản, vận
chuyển và sử dụng VLNCN trên địa bàn.
2. Tham gia
thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo
quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN do Thanh tra tỉnh, Sở Công nghiệp hoặc Công
an tỉnh thành lập.
3. Tham gia xử
lý sự cố và các vấn đề khác xảy ra có liên quan đến sản xuất, kinh doanh cung ứng,
bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN trên địa bàn.
4. Xử lý vi
phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Điều 21. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn
1. Tham gia
thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo
quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN do Thanh tra tỉnh, Sở Công nghiệp hoặc Công
an tỉnh thành lập khi có yêu cầu.
2. Tham gia xử
lý sự cố và các vấn đề khác xảy ra có liên quan đến sản xuất, kinh doanh cung ứng,
bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN trên địa bàn.
3. Cùng với tổ
chức, doanh nghiệp thỏa thuận về thời gian nổ mìn, các quy định, quy ước về hiệu
lệnh nổ mìn tại địa phương; có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho nhân dân địa
phương được biết.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân
vi phạm Quy định về quản lý VLNCN, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy
định của pháp luật.
Điều 23. Tổ chức thực hiện
Thủ trưởng
các Sở, Ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân xã, phường, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, địa phương
mình tổ chức thực hiện Quy định này.
Quá trình thực
hiện Quy định này, Sở Công nghiệp có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất xử lý các
khó khăn, vướng mắc để Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với
hoạt động sản xuất, kinh doanh cung ứng, bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN
trên địa bàn tỉnh./.