ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1594/QĐ-UBND
|
Bắc Kạn, ngày
24 tháng 9 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG - XUÂN NĂM 2018
- 2019
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại Tờ trình số: 129/TTr-SNN ngày 10 tháng 9 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2018 - 2019
theo nội dung chi tiết đính kèm.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp
với các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện
Phương án sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2018 - 2019 theo đúng nội dung được phê
duyệt và quy định hiện hành của nhà nước.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Thị Minh Hoa
|
PHƯƠNG ÁN
SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG - XUÂN NĂM 2018 - 2019
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1594/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2018
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
Để chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất
nông, lâm nghiệp vụ Đông - Xuân năm 2018 - 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng
Phương án sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2018 - 2019 với các nội dung cụ thể như
sau:
I. MỘT SỐ KẾT QUẢ SẢN XUẤT
NÔNG, LÂM NGHIỆP NĂM 2018
1. Trồng trọt
- Cây lương thực có hạt: Tổng sản lượng lương thực
cả năm ước đạt 178.615 tấn bằng 102% kế hoạch.
Cây lúa 23.336ha bằng 104% kế hoạch, sản lượng dự
ước đạt 115.055 tấn bằng 104% kế hoạch. Trong đó diện tích lúa vụ xuân 8.849ha,
sản lượng đạt 49.673 tấn đạt 107% kế hoạch; diện tích lúa vụ mùa 14.478, sản lượng
ước đạt 65.838 tấn đạt 103% kế hoạch.
Cây ngô gieo trồng 15.021ha đạt 96% KH, sản lượng
dự ước đạt 63.316 tấn bằng 97% kế hoạch.
Công tác cung ứng giống lúa, ngô trong năm 2018
đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất, phần lớn diện tích được trồng giống lúa, ngô
theo cơ cấu chỉ đạo, cụ thể:
+ Vụ xuân: Có 38 giống lúa, các giống trong cơ cấu
chỉ đạo gieo cấy với diện tích 7.200ha chiếm 81,6% tổng diện tích gieo cấy, các
giống ngoài cơ cấu chỉ đạo gieo cấy với diện tích 1.480ha chiếm 16,7% tổng diện
tích, lượng giống nông dân tự để giống chiếm 1,7% diện tích; có 37 giống ngô
các giống trong cơ cấu chỉ đạo gieo cấy với diện tích 5.570ha chiếm 60% tổng diện
tích gieo trồng, các giống ngoài cơ cấu chỉ đạo gieo cấy với diện tích 3.714
chiếm 40% tổng diện tích.
+ Vụ mùa: Có 28 giống lúa, các giống trong cơ cấu
chỉ đạo gieo cấy với diện tích 12.300ha chiếm 85% tổng diện tích gieo cấy, các
giống ngoài cơ cấu chỉ đạo gieo cấy với diện tích 2.187ha chiếm 15% tổng diện
tích; có 24 giống ngô, các giống trong cơ cấu chỉ đạo gieo cấy với diện tích
3.442ha chiếm 60% tổng diện tích gieo trồng, các giống ngoài cơ cấu chỉ đạo
gieo cấy với diện tích 2.295ha chiếm 40% tổng diện tích.
- Cây chất bột: Cây khoai môn 200ha, sản lượng ước
đạt 1.924 tấn bằng 77% kế hoạch; cây khoai lang 479ha, sản lượng đạt 2.188 tấn,
bằng 107% kế hoạch; dong riềng 1.038ha, sản lượng ước đạt 72.749 tấn bằng 109%
kế hoạch.
- Cây rau 2.678ha, sản lượng ước đạt 29.209 tấn
bằng 105% kế hoạch; cây gừng 284ha, sản lượng ước đạt 6.268 tấn bằng 67% kế hoạch;
cây nghệ 118ha, sản lượng ước đạt 2.950 tấn.
- Cây công nghiệp: Cây đậu tương 632ha, sản lượng
1.041 tấn bằng 64% kế hoạch; cây lạc 592ha, sản lượng 1.011 tấn bằng 105% kế hoạch;
thuốc lá 897ha, sản lượng 2.074 tấn bằng 91% kế hoạch; cây mía 126ha, sản lượng
5.725 tấn bằng 101% kế hoạch.
- Cây chè diện tích hiện có 2.782ha, diện tích
cho thu hoạch 2.500ha, sản lượng chè búp tươi 9.713 tấn bằng 100% kế hoạch. Thực
hiện cải tạo, thâm canh chè 41ha bằng 41% kế hoạch.
- Diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa, ngô
sang trồng cây có giá trị kinh tế cao năm 2018 là 1.386ha bằng 347% kế hoạch (bổ
sung diện tích 687ha trồng thuốc lá trên đất lúa của huyện Ngân Sơn). Cơ cấu
cây trồng được chuyển đổi là dong riềng, thuốc lá, nghệ, cây ăn quả, rau các loại...
- Cây ăn quả:
+ Cây cam, quýt: Diện tích cam quýt hiện có
2.832ha, diện tích cho thu hoạch 2.100ha, sản lượng ước đạt 16.818 tấn bằng
100% kế hoạch. Diện tích trồng mới cây cam, quýt 217/300ha bằng 72% kế hoạch.
Diện tích cam, quýt cải tạo, thâm canh hoặc sản xuất đảm bảo ATVSTP hoặc
VietGAP đã thực hiện 137/200 ha đạt 68% kế hoạch.
+ Cây hồng không hạt: Diện tích hiện có 689ha,
diện tích cho thu hoạch 495 ha, sản lượng ước đạt 2.123 tấn bằng 90 % kế hoạch.
Diện tích hồng không hạt cải tạo, thâm canh hoặc sản xuất đảm bảo ATVSTP hoặc
VietGAP đã thực hiện 27ha bằng 54% kế hoạch. Diện tích trồng mới 68ha bằng 68%
kế hoạch.
- Diện tích đất ruộng, soi bãi đạt thu nhập 100
triệu đồng/ha trở lên đã thực hiện 2.752ha bằng 83% kế hoạch, diện tích 548ha
còn lại các địa phương đang tiếp tục thực hiện để phấn đấu đạt kế hoạch giao.
* Tình hình sâu bệnh và công tác phòng trừ:
Ngay từ đầu vụ người dân đã cày vùi lúa chét và
cỏ dại để tiêu hủy nguồn bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng, diện tích cày vùi
trên 900ha đạt 100% diện tích bị nhiễm năm 2017;
Trên cây lúa: Ốc bươu vàng gây hại 94ha; rầy nâu
và rầy lưng trắng diện tích nhiễm nhẹ đến trung bình 129ha; bệnh đạo ôn lá gây
hại 202ha, trong đó nhiễm nặng 35ha; bệnh lùn sọc đen gây hại nhẹ 11ha tại huyện
Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Đồn, Pác Nặm trên các giống BTE1, PHB71, 27P53, cơ quan
chuyên môn đã chỉ đạo nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy cây bị bệnh; sâu đục thân diện
tích nhiễm nhẹ đến trung bình 66ha; bệnh khô vằn diện tích nhiễm nhẹ đến trung
bình 20ha; châu chấu tre lưng vàng gây hại nhẹ 12ha lúa, 35ha ngô tại xã Kim Lư
và xã Cường Lợi huyện Na Rì, đã tiến hành phun trừ có hiệu quả bằng thuốc hóa học.
Trên cây ngô: Sâu gai gây hại nhẹ 81ha tại các
huyện: Na Rì, Chợ Mới, Ngân Sơn, bệnh khô vằn gây hại 10,5ha.
Trên cây gừng: Bệnh thối nhũn gây hại cục bộ tại
xã Tân Sơn huyện Chợ Mới, tổng diện tích nhiễm 20ha trong đó nhiễm nặng 05ha.
Cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn
dự tính, dự báo và ban hành thông báo hướng dẫn bà con phòng trừ dịch hại.
2. Chăn nuôi, thủy sản
- Chăn nuôi:
+ Tổng đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa) là
78.181 con bằng 89% kế hoạch; số con xuất bán, giết mổ trên 13.900 con. Ước cả
năm tổng đàn đại gia súc là 87.500 con đạt 100% kế hoạch và số đại gia súc giết
mổ khoảng 25.000 con.
+ Đàn lợn: 163.271 con bằng 80% kế hoạch năm; số
con xuất bán giết mổ trên 137.200 con. Tổng đàn lợn cả năm ước đạt 200.000 con,
số lượng giết mổ 300.000 con.
+ Đàn gia cầm: 1.471.856 con, đạt 78% kế hoạch
năm, ước tổng đàn gia cầm cả năm 1.900.000 con, số con giết mổ 1.600.000 con.
- Thú y:
Trong 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh có
02 ổ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cụ thể: Tháng 3/2018, Dịch Lở mồm long móng
(LMLM) gia súc tại xã Bằng Vân huyện Ngân Sơn làm 32 con trâu bò của 08 hộ dân
bị mắc bệnh ngành đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa
phương hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác chống dịch và số con mắc bệnh
đã được chữa trị khỏi và không lây lan thêm. Từ ngày 21/8/2018 đến nay, tại xã
Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn xuất hiện dịch bệnh dại chó, Ủy ban nhân dân huyện Chợ
Đồn đã ban hành Quyết định số: 2149/QĐ-UBND ngày 24/8/2018 về việc công bố dịch
bệnh dại động vật trên địa bàn huyện; ngành Nông nghiệp và Phát triẻn nông thôn
đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương thuộc vùng dịch thực
hiện công tác chống dịch theo quy định và đến ngày 04/9/2019 đã tiêm được 1.137
con chó/2.177 con tổng đàn (chỉ tiêm những con chưa được tiêm trong đợt
1/2018).
- Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt
1.354ha đạt 100% kế hoạch năm. Hiện nay, nhân dân tiếp tục chăm sóc và phòng trừ
dịch bệnh tại các diện tích đã thả nuôi; diện tích nuôi chủ yếu là ao nuôi hộ
gia đình và một số diện tích ruộng chủ động nước, sản lượng cả năm ước đạt
2.269 tấn, đạt 104% kế hoạch.
3. Lâm nghiệp
- Cây giống: Tổng số cây con sản xuất năm 2018
phục vụ cho công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh là 12,613 triệu cây. Được sản
xuất tại các vườn ươm trên địa bàn tỉnh với các loài cây chủ yếu là: Keo tai tượng,
keo hom, mỡ, thông mã vĩ, xoan ta, lát hoa, trám, tông dù, quế, giổi, sấu…
- Công tác trồng rừng:
Tính đến ngày 30/8/2018 tổng diện tích trồng rừng
tập trung và diện tích trồng cây phân tán, trồng lại rừng sau khai thác, tái
sinh chồi trên địa bàn tỉnh trồng được là 6.909 ha/6.200ha kế hoạch đạt 111% kế
hoạch, trong đó trồng rừng phòng hộ là 68ha, trồng rừng sản xuất tập trung là
2.368ha (gỗ lớn 980ha, gỗ nhỏ 1.388ha), trồng cây phân tán 2.052 ha, trồng lại
rừng sau khai thác, tái sinh chồi là 2.421ha.
- Chăm sóc rừng
trồng: Diện tích rừng đã trồng đang trong chu kỳ chăm sóc trên địa bàn
tỉnh từ năm 2015 - 2017 là 14.322ha, trong đó rừng phòng hộ 187,4 ha,
rừng sản xuất: 14.134,6ha.
4. Tình hình thiên
tai
Tình hình thiệt hại do
thiên tai: 08 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra các đợt không khí lạnh,
mưa to kèm tố lốc, mưa đá, lũ lụt gây thiệt hại về nhà ở và ảnh hưởng đến sản
xuất nông nghiệp, cụ thể: 02 người chết, 06 người bị thương, 2.055 nhà ở bị thiệt
hại, 2.788ha lúa, ngô, hoa màu bị vùi lấp, hơn 900 tấn thóc bị ướt, 1.260 con
gia súc, gia cầm bị chết, hơn 74ha ao bị vỡ, tràn bờ,... Ước thiệt hại khoảng
89.898 triệu đồng.
Trước tình hình trên,
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã chỉ đạo Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố bị ảnh hưởng chủ động chỉ đạo nhân dân bảo vệ
tốt con người, khắc phục thiệt hại theo phương châm “04 tại chỗ”, đồng thời
thành lập đoàn công tác xuống các địa phương bị thiệt hại trực tiếp chỉ đạo
công tác khắc phục hậu quả, thăm hỏi động viên kịp thời các gia đình có người
chết, nhà ở bị thiệt hại, hỗ trợ giúp đỡ người dân giảm bớt khó khăn.
II. PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT VỤ
ĐÔNG - XUÂN NĂM 2018 - 2019
1. Nhận định những thuận lợi, khó khăn
1.1. Thuận lợi
- Người dân đang tiếp tục được thụ hưởng các cơ
chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của nhà nước như:
Nghị định số: 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý,
sử dụng đất trồng lúa, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới,
Chương trình 135, hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a,...
- Kết quả triển khai thực hiện chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi
về cơ sở hạ tầng cho sản xuất. Chương trình khuyến nông, các chương trình kinh
tế xã hội khác đã và đang tạo điều kiện tích cực cho sản xuất nông, lâm nghiệp
phát triển.
- Các công trình thủy lợi đã và đang được cải tạo,
nâng cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng trong sản xuất đạt hiệu quả. Cơ giới hóa trong
sản xuất tiếp tục được áp dụng trong nhiều khâu; các loại vật tư phục vụ sản xuất
đáp ứng đủ về số lượng, cơ bản đảm bảo chất lượng.
- Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức
thực hiện triển khai sản xuất của các cấp, các ngành đã có nhiều kinh nghiệm,
nhận thức của người dân được nâng lên, tích cực và chủ động trong sản xuất.
1.2. Khó khăn
- Quy mô diện tích sản xuất theo nông hộ nhỏ lẻ,
chưa tạo được sức hút để doanh nghiệp đầu tư, liên kết trong phát triển sản xuất
và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, giá
bán nông sản chưa cao do đó hiệu quả sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức thấp.
- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho thời tiết
diễn biến phức tạp, khó lường, gió lốc, mưa lũ ngày càng lớn ảnh hưởng đến mùa
vụ. Diễn biến của một số đối tượng sâu bệnh
gây hại phức tạp đặc biệt là bệnh lùn sọc đen hại lúa, khả năng quy mô, mức độ
gây hại rộng cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và năng suất cây trồng.
- Quản lý việc kinh doanh giống cây trồng nông
nghiệp, vật nuôi, vật tư nông nghiệp trái quy định tại các chợ nông thôn chưa
sâu sát quyết liệt.
- Đối với lĩnh vực trồng
trọt một số chỉ tiêu gieo trồng chưa đạt kế hoạch như cây ngô, đậu tương, cây gừng,
cây mía, cây thuốc lá, hồng không hạt... do phần lớn người đang trong độ tuổi
lao động đi làm cho các doanh nghiệp, công ty dẫn đến thiếu nhân lực, một số ít
diện tích chuyển sang gieo trồng các cây trồng cần ít nhân lực như khoai lang,
nghệ ...
- Hoạt động thâm canh,
cải tạo hoặc sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cây cam, quýt,
cây hồng không hạt, cây chè và trồng mới cây cam, quýt, hồng không hạt không đảm
bảo kế hoạch do không có nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện các mô hình nên hoạt
động cải tạo, thâm canh diện tích chè, cây ăn quả hiện có, tổ chức lại sản xuất,
sản xuất theo quy trình để được chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc
VietGAP các địa phương chỉ thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn còn lại cơ bản do
người dân tự thực hiện nên hiệu quả không cao.
- Trong thời gian gần đây, tổng đàn vật nuôi
không đạt kế hoạch giao do giá cả không ổn định, thị trường tiêu thụ gặp nhiều
khó khăn nên chưa thúc đẩy được người chăn nuôi tái đầu tư để phát triển đàn vật
nuôi, đặc biệt đối với đàn lợn và gia cầm.
- Thiếu nguồn nhân lực lao động ảnh hưởng không
nhỏ đến việc đầu tư thâm canh trong sản xuất của người dân.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ,
cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Chuyển đổi diện
tích trồng lúa, ngô có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng khác có giá trị
kinh tế cao hơn.
- Tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất
là tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi; sử dụng các giống bản địa có
ưu thế về chất lượng để nâng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Thâm
canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm và thủy sản.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2019 đạt
175.000 tấn, trong đó vụ xuân 86.400 tấn. Trong đó, diện tích sản xuất lúa vụ
xuân 8.400ha, cây ngô 9.000ha.
- Diện tích trồng cây ngắn ngày như cây rau
1.600ha (khoai tây vụ đông 100 ha, rau vụ đông 550ha và rau vụ xuân 950ha); đậu
các loại 300ha; cây đậu tương 170ha, cây lạc 260ha, cây khoai lang 200ha (vụ
đông 100ha, vụ xuân 100ha).
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó: Duy trì
diện tích năm 2018 đã chuyển đổi từ đất trồng lúa, ngô sang trồng cây có giá trị
kinh tế cao 1.386ha; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nhằm
nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích 342ha; thực hiện các công thức
luân canh để đạt 3.400ha đất ruộng, soi bãi đạt mức thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm
trở lên.
- Tổng đàn: Đại gia súc 88.150 con; đàn lợn ổn định
200.000 con; đàn dê 38.000 con; đàn gia cầm 1.900.000 con. Tổng sản lượng thịt
hơi các loại 25.000 tấn.
- Xây dựng mới 03 trang trại chăn nuôi (huyện Chợ
Đồn); 23 gia trại chăn nuôi (huyện Bạch Thông: 02 gia trại, huyện Na Rì: 12 gia
trại, huyện Chợ Đồn 05 gia trại, huyện Pác Nặm: 04 gia trại) trong năm 2019.
- Trồng rừng 5.735ha, trong đó trồng rừng phân
tán 2.235ha; trồng lại rừng sau khai thác 3.500ha. Tỷ lệ che phủ rừng 72,1%.
3. Kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2018
- 2019
3.1. Trồng trọt
3.1.1. Sản xuất vụ Đông năm 2018
Tổng diện tích gieo trồng 1.000ha, trong đó:
+ Cây khoai tây 100ha, sản lượng 933 tấn.
+ Cây khoai lang 100ha, sản lượng củ 518 tấn.
+ Cây rau các loại 550ha, sản lượng 6.614 tấn.
+ Cây ngô 250ha, sản lượng 760 tấn.
3.1.2. Sản xuất vụ Xuân năm 2019
- Cây lương thực có hạt: Tổng diện tích gieo trồng
17.400ha, tổng sản lượng lương thực có hạt là 86.400 tấn.
+ Cây lúa: Diện tích 8.400ha, năng suất lúa 54,7
tạ/ha; sản lượng 45.930 tấn. Trong đó diện tích sử dụng giống lúa chất lượng
2.250ha; diện tích sản xuất lúa chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm là 50ha.
+ Cây ngô: Diện tích 9.000ha, năng suất
44,9 tạ/ha; sản lượng 40.470 tấn.
- Cây chất bột:
+ Dong riềng: Diện tích 1.100ha, sản lượng
70.240 tấn; diện tích trồng giống địa phương là 350ha; diện tích thâm canh lên
luống 250ha.
+ Khoai môn: Diện tích 315ha, sản lượng 2.760 tấn.
+ Khoai lang: Diện tích 155ha, sản lượng 780 tấn.
- Cây rau, đậu: Tổng diện tích trồng rau, đậu
các loại 1.250ha, bao gồm rau các loại 950ha, sản lượng 11.644 tấn; đậu các loại
300ha, sản lượng 375 tấn. Trong đó diện tích trồng rau được chứng nhận an toàn
thực phẩm hoặc công nghệ cao (cả năm) 60ha.
- Cây công nghiệp: Tổng diện tích trồng cây công
nghiệp ngắn ngày vụ mùa 4.625ha, trong đó, đậu tương 170ha, sản lượng 299 tấn;
cây lạc 260ha, sản lượng 450 tấn; cây thuốc lá 950ha, sản lượng 2.206 tấn; cây
gừng 300ha, sản lượng 8.445 tấn; cây nghệ 125ha, sản lượng 3.125 tấn; mía 70ha,
sản lượng 3.500 tấn.
- Cây chè: Chăm sóc 2.750ha chè hiện có để đảm bảo
diện tích chè cho thu hoạch 2.500ha, sản lượng chè búp tươi thu được (cả năm) đạt
10.000 tấn. Trong đó diện tích cải tạo, thâm canh 150ha, diện tích được chứng
nhận đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc VietGAP, chè hữu cơ 130ha.
- Cây ăn quả:
+ Cây cam, quýt: Chăm sóc diện tích 2.850ha hiện
có để đảm bảo diện tích cho thu hoạch là 2.150ha, sản lượng 17.500 tấn. Trong
đó diện tích được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc VietGAP 50ha, diện
tích thâm canh, cải tạo 500ha, trồng mới 310ha.
+ Cây hồng không hạt: Chăm sóc diện tích 689ha
hiện có để đảm bảo diện tích cho thu hoạch 515ha, sản lượng 2.350 tấn. Trong đó
diện tích được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc VietGAP 10ha, diện
tích thâm canh, cải tạo 120ha, trồng mới 30ha.
+ Cây mơ: Chăm sóc diện tích 290ha đang cho thu
hoạch hiện có để đạt sản lượng 1.278 tấn. Trong đó diện tích được chứng nhận đảm
bảo an toàn thực phẩm hoặc VietGAP 50ha, diện tích thâm canh, cải tạo 65ha, trồng
mới 168ha.
+ Cây mận: Chăm sóc diện tích 480ha hiện có để đảm
bảo diện tích cho thu hoạch 340ha, sản lượng 1.800 tấn.
(Phụ lục Biểu 1. Kế hoạch chi tiết đính kèm)
3.2. Chăn nuôi, thú y
3.2.1. Chăn nuôi
- Đẩy mạnh tiến
độ thực hiện các chương trình phát triển chăn nuôi trọng tâm năm 2019 (Chính
sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số: 50/2014/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ; phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại theo Kế hoạch).
- Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng bảo
vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi, không để gia súc, gia cầm bị chết đói, chết
rét; khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, phát triển
ổn định về tổng đàn vật nuôi sau dịp tết Nguyên đán phấn đấu năm 2019 đạt kế hoạch
giao về tổng đàn và sản lượng thịt hơi xuất chuồng 25.000 tấn.
3.2.2. Thú y
- Thực hiện tốt công tác tác tiêm phòng định kỳ
năm 2019 đạt kế hoạch giao, không để dịch bệnh xảy ra và lây lan ảnh hưởng đến
sản xuất nông nghiệp.
- Thực hiện “Tháng vệ sinh,
tiêu độc khử trùng môi trường năm 2019” nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh theo
chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tăng cường thực hiện công tác kiểm dịch vận
chuyển, kiểm soát giết mổ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và an
toàn dịch bệnh đối với động vật, sản phẩm động vật, hạn chế dịch bệnh lây lan
qua đường vận chuyển.
3.3. Trồng rừng và chăm sóc rừng
3.3.1. Bảo vệ rừng
- Khoán bảo vệ rừng: 71.074,28ha;
- Hỗ trợ bảo vệ rừng: 87.052,94ha.
3.3.2. Phát triển nâng cao năng suất, chất lượng
rừng
- Khoanh nuôi tái sinh tự nhiên: 77.659,56ha.
- Trồng rừng:
+ Trồng cây phân tán: 2.235ha;
+ Chủ rừng tự đầu tư trồng lại rừng sau khai
thác: 3.500ha.
- Chăm sóc rừng trồng các năm 2016 - 2018:
10.489,73ha.
+ Chăm sóc rừng trồng phòng hộ: 161,42ha;
+ Chăm sóc rừng trồng sản xuất: 10.328,31ha.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo sản
xuất
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về việc
chấp hành pháp luật đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng,
vật nuôi, vật tư, phân bón trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quản lý và thực hiện
theo đúng quy định đối với việc đưa giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón
vào khảo nghiệm, sản xuất thử, mô hình trình diễn tại các địa phương. Kiên quyết
xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Các giống cây trồng trước khi cung ứng vào các
huyện, thành phố yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải có văn bản gửi về Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn báo cáo việc triển khai các hoạt động cung ứng để thực
hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Thường xuyên kiểm tra việc sản xuất, kinh
doanh giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp tại cơ sở, đặc biệt vào
thời điểm trước khi bước vào vụ sản xuất. Phát hiện và kiến quyết xử lý các trường
hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh cây giống, con giống kém chất lượng, giống
không rõ nguồn gốc, gây thiệt hại cho người dân.
- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật
trong trồng trọt; kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phòng, chống dịch bệnh cho đàn
vật nuôi và nuôi trồng thủy sản đảm bảo đạt hiệu quả.
- Tăng cường tuyên truyền các văn bản về quản lý
chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; vận động, hướng dẫn
các tổ chức, cá nhân áp dụng quy
trình sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản thực phẩm an toàn, trong đó chú
trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết.
- Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra đột xuất,
lấy mẫu giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm sản trên địa
bàn tỉnh gắn với việc thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 28/6/2017 về
tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh
Bắc Kạn giai đoạn 2017 - 2020.
2. Trồng trọt
2.1. Cơ cấu giống
Bố trí bộ giống lúa
phù hợp theo từng vùng sản xuất, những giống có cùng thời gian sinh trưởng và đặc
điểm sinh học giống nhau cần bố trí tập trung tạo vùng sản xuất với diện tích lớn,
không bố trí nhiều giống trên một cánh đồng để thuận lợi cho chăm sóc và thu hoạch;
ưu tiên sử dụng các giống có năng suất, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu
sâu bệnh, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của địa phương.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có
hướng dẫn chi tiết về cơ cấu, chủng loại giống để phục vụ sản xuất.
2.2. Thời vụ
a) Về thời vụ gieo trồng cây trồng vụ Đông
năm 2018: Sau khi thu hoạch lúa mùa, khẩn trương làm đất và gieo trồng cây
vụ Đông để đảm bảo thời vụ.
- Thời vụ gieo trồng đối với các loại cây ưa ấm:
Cây ngô kết thúc gieo trồng trước 20/9 để tránh gặp rét khi trỗ cờ phun râu;
cây khoai lang, cà chua, dưa chuột kết thúc gieo trồng trước ngày 10/10.
- Thời vụ gieo trồng đối với các loại cây ưa lạnh:
Cây khoai tây tập trung trồng từ ngày 10/10 đến ngày 10/11, không trồng muộn vì
nếu thiếu ánh sáng, nhiệt độ quá thấp ảnh hưởng đến năng suất; rau, đậu các loại
(cải ăn lá, súp lơ, bắp cải, đậu cove...) trồng rải vụ để tránh tình trạng dư
thừa nguồn cung, ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm.
b) Về thời vụ gieo trồng cây trồng vụ Xuân
năm 2019:
- Cây lúa: Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo mạ tập
trung xung quanh tiết lập xuân (ngày 04/02/2019), phấn đấu gieo cấy tập trung
trong tháng 02, đầu tháng 3, kết thúc gieo cấy trước ngày 15/3/2019.
- Cây ngô: Trồng xong trước 15/3/2019 đối
với đất ruộng và soi bãi, trước 30/4/2019 đối với đất đồi.
- Cây thuốc lá: Tập trung gieo
hạt từ 15/11 đến 10/12 dương lịch.
Thời
gian trồng từ 15/01 đến hết tháng 02 dương lịch.
- Đối với cây đậu tương, lạc: Kết thúc gieo trồng
trong tháng 3/2019.
- Cây khoai môn, khoai lang: Trồng trong tháng
02, đầu tháng 3/2019.
- Cây dong riềng: Thực hiện kế hoạch trồng rải vụ
từ tháng 12/2018 đến hết tháng 3/2019 để rải vụ khi thu hoạch.
- Cây rau các loại: Căn cứ vào điều kiện thời tiết
thuận lợi và thời điểm thu hoạch lúa để xác định thời gian gieo hạt phù hợp với
từng loại rau. Trồng rải vụ để tránh tình trạng thừa lúc chính vụ làm rớt giá,
giảm hiệu quả kinh tế.
2.3. Các biện
pháp kỹ thuật
a) Làm đất
- Đối với đất lúa cần phải được cày, bừa kỹ và
nên tranh thủ làm sớm sau khi thu hoạch. Tùy thuộc địa hình và chân đất mà nên
làm ruộng theo kiểu (làm dầm hay làm ải). Ruộng làm dầm phải giữ được nước, ruộng
làm ải cần được phơi kỹ, giữa đợt nên cày đảo ải và tiến hành đổ ải trước cấy
05 - 07 ngày. Làm ải giúp tăng cường quá trình giải phóng dinh dưỡng trong đất,
đồng thời hạn chế các độc tố gây hại cây trồng và giúp tiêu diệt tàn dư dịch hại
trong đất.
Đất lúa phải được cày sâu, bừa kỹ cho thật nhuyễn,
mặt ruộng phải phẳng giúp thuận lợi cho cấy và điều tiết nước. Yêu cầu đất lúa
trước khi cấy phải sạch gốc rạ và cỏ dại (lúa cấy mạ non ruộng càng phải được
làm kỹ, mặt ruộng phải phẳng hơn và để mức nước nông) giúp lúa cấy xong phát
triển thuận lợi.
- Đối với các loại cây trồng khác trên đất ruộng,
soi bãi, đất đồi khi làm đất phải hợp lý để giảm thiểu sự xói mòn, rửa trôi và
thoát nước tốt khi mưa lũ xảy ra.
b) Hướng dẫn kỹ thuật đối với từng loại sản
phẩm cây trồng từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, cụ thể:
- Đối với cây lúa: Tiếp
tục mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI); chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
- Đối với cây ngô: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật
thâm canh tăng năng suất để phát huy tối đa tiềm năng, năng suất của giống; diện
tích ngô trồng trên đất đồi áp dụng phương pháp canh tác bền vững trên đất dốc
như trồng theo băng phối hợp trồng cây phân xanh giảm thiểu sự xói mòn, rửa
trôi.
- Cây chất bột (dong riềng, khoai môn, khoai
tây, khoai lang): Áp dụng phương pháp canh tác bền vững trên đất dốc và chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
- Cây rau, đậu các loại: Sản xuất theo hướng
thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; khuyến
khích mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn.
- Cây ăn quả: Tăng cường chăm sóc, bón phân và
quản lý sâu bệnh hại trên cây cam, quýt, hồng không hạt, cây mơ, cây mận sớm tạo
điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển thuận lợi, nhằm đạt năng suất, chất lượng
tốt.
c) Phân bón
Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sử dụng các loại
phân bón hữu cơ, như: Phân chuồng, phân xanh đã ủ hoai mục; phân vô cơ, như:
Lân supe, lân nung chảy, đạm urê, kaly clorua; phân tổng hợp NPK; phân hữu cơ
vi sinh.
d) Công tác bảo vệ thực vật
Làm tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh; tham
mưu kịp thời cho các cấp, ngành chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh đảm bảo an toàn, hiệu
quả; quản lý tốt chất lượng thuốc bảo vệ thực vật.
3. Chăn nuôi, thủy sản
3.1. Chăn nuôi
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tích cực
chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi trong mùa đông, không để tình trạng
trâu, bò chết do đói, rét, cụ thể:
+ Về thức ăn: Tận thu phụ phẩm
nông nghiệp như rơm rạ, thân, lá ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang, lá sắn, cây
lạc, bã dong riềng..., Hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp chế biến
để cải thiện giá trị dinh dưỡng của rơm rạ và các sản phẩm nông nghiệp; tăng cường
chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo sức khoẻ cho đàn vật nuôi để chống rét.
+ Về chuồng trại: Gia cố, tu sửa,
che chắn chuồng trại, sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương đảm bảo đủ ấm
cho đàn vật nuôi trong mùa đông.
- Đẩy mạnh tiến độ thực hiện chương trình hỗ trợ
chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số:
50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 củaThủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số: 127/KH-UBND
ngày 03/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phát triển chăn nuôi
gia trại, trang trại gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm tỉnh Bắc Kạn năm 2018
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn; Chương trình hỗ trợ con giống theo các chương
trình, dự án khác,...
- Quản lý sức khỏe động vật thủy sản, điều kiện
môi trường ao nuôi. Chủ động các biện pháp chống rét cho động vật thủy sản.
3.2. Phòng, chống dịch bệnh
- Làm tốt công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ đợt
II/2018 cho đàn vật nuôi, đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng để tiêu
diệt mầm bệnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, không để dịch bệnh xảy
ra và lây lan ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
- Thực hiện tốt công tác thanh tra chuyên ngành,
kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Lâm nghiệp
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cân đối
ngân sách địa phương để hỗ trợ trồng rừng phân tán. Cơ cấu cây trồng là các
loài cây gỗ lớn như lát hoa, trám (trám trắng, trám đen), tông dù (sao) sấu, giổi
xanh...
- Hướng dẫn, khuyến khích trồng lại rừng sau
khai thác phải thực hiện ngay vụ kế tiếp, trú trọng điều kiện lập địa, địa hình
nên trồng ở những diện tích chân đồi, sườn đồi, trồng xen các loài cây gỗ lớn
như lát hoa, trám, sấu... trên diện tích trồng cây gỗ nhỏ như mỡ, keo, quế, mật
độ trồng xen 200 cây lát, trám.../ha.
- Hướng dẫn, chỉ đạo người dân thực hiện chăm
sóc tái sinh chồi mỡ theo đúng quy trình kỹ thuật.
- Chăm sóc tốt diện tích rừng trồng đang trong
giai đoạn chăm sóc và rừng trồng những năm trước đây.
- Về nhân lực: Huy động người dân địa phương
tích cực trồng lại rừng sau khai thác theo đúng khung thời vụ, khuyến khích các
tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan đoàn thể đẩy mạnh việc trồng cây phân
tán.
- Công tác chuẩn bị cây giống:
+ Đối với hạt giống keo: Sử dụng hạt giống keo
tai tượng có nguồn gốc xuất xứ nhập khẩu từ Úc và keo tai tượng có nguồn gốc
trong nước.
+ Đối với hạt giống mỡ, thông mã vĩ, trám, lát,
xoan... sử dụng hạt giống thu hái từ rừng giống chuyển hóa, cây trội... hoặc
liên hệ với đơn vị có đủ điều kiện theo quy định để mua hạt giống đảm bảo chất
lượng, nguồn gốc lô giống đúng theo quy định.
+ Đối với hom giống keo lai: Sử dụng hom giống
được lấy từ vườn cung cấp hom đã được công nhận.
+ Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát các cơ sở
gieo ươm trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo cung cấp cây giống cho trồng rừng đạt
chất lượng, hiệu quả.
- Thời vụ trồng rừng: Vụ Xuân; Xuân - Hè,
cơ bản kết thúc trồng rừng trước 15/6/2019 (cây mỡ, keo). Đối với một số loài
cây có thời gian gieo ươm dài (thông, lát hoa, trám) kết thúc trồng rừng trước
ngày 15/8/2019.
5. Công tác thủy lợi
Chỉ đạo các đơn vị, địa phương: Tăng cường công
tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa để đảm bảo
nguồn nước tưới; tập trung sửa chữa, nạo vét kênh mương, bảo dưỡng, sửa chữa
các trạm bơm và máy bơm; xây dựng kế hoạch tưới; xây dựng phương án phòng, chống
hạn cho cây trồng;
Tăng cường công tác kiểm tra các công trình thủy
lợi và công tác tưới phục vụ sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2018 - 2019; thực hiện
tốt phương án phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước
về sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn chỉ đạo sản xuất đảm
bảo thời vụ, cơ cấu các loại cây trồng, các biện pháp kỹ thuật, đẩy nhanh việc
chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tập trung vào các cây trồng chủ lực
có giá trị kinh tế cao.
- Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng nông sản;
kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với sản xuất kinh doanh giống cây trồng,
vật tư nông nghiệp.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành căn cứ chức
năng nhiệm vụ của đơn vị và chủ trương, kế hoạch của tỉnh để tổ chức thực hiện
tốt nhiệm vụ được giao; tham mưu cho ngành, phối hợp chặt chẽ với chính quyền
các cấp trong công tác chỉ đạo sản xuất trên địa bàn, trong đó tập trung vào một
số nhiệm vụ chính sau:
+ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn
các địa phương thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác, biện pháp quản lý dịch
hại trên cây trồng; tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình
phát sinh phát triển của sâu, bệnh hại và có phương án phòng, chống dịch kịp thời.
Thanh tra chuyên ngành về trồng trọt và bảo vệ thực vật để tăng cường công tác
quản lý giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực
phẩm.
+ Chi cục Chăn nuôi - Thú y thực hiện tốt các biện
pháp chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; công tác tiêm phòng đợt I năm 2019;
công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi trong vụ Đông - Xuân năm 2018 -
2019. Thanh tra chuyên ngành, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh
thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Chi cục Kiểm Lâm chỉ đạo các Ban Quản lý
Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các huyện, thành phố, Vườn
Quốc gia Ba Bể, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn chuẩn bị đẩy đủ số lượng,
chủng loại cây giống, hiện trường trồng rừng đảm bảo theo kế hoạch.
+ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy
sản thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nông nghiệp trong
lĩnh vực nông, lâm sản và thủy sản để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng
cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý được
giao. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và lấy mẫu giám sát sản phẩm
nông, lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Chủ trì tổ chức kiểm tra công nhận điều
kiện đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đạt quy chuẩn kỹ thuật đối với
cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, khai thác, thu hoạch, thu
mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, bán buôn, vận chuyển đến khi thực phẩm được
đưa ra thị trường theo phân cấp.
+ Chi cục Thủy lợi chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu
hạn Một thành viên Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn theo dõi, quản
lý nguồn nước, tích nước, vận hành, điều tiết hồ chứa theo quy trình; phối hợp
với các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra việc sửa
chữa, nạo vét kênh mương, phát dọn cây cối, khơi thông dòng chảy; bảo dưỡng sửa
chữa các trạm bơm và máy bơm; hướng dẫn các biện pháp tưới tiêu hợp lý; xây dựng
phương án phòng chống thiên tai đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2018
- 2019.
+ Trung tâm Khuyến nông tăng cường công tác
tuyên truyền đến nông dân về sử dụng các giống lúa thuần, giống lúa tiến bộ kỹ
thuật có năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật,
thâm canh tăng năng suất cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế; lựa chọn các
giống cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng để khuyến cáo đến
người dân, như giống có khả năng chịu hạn, chịu úng, giống có khả năng thâm
canh...
- Định kỳ hằng tháng, quý báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực
hiện Phương án sản xuất theo quy định.
2. Các Sở, Ban, Ngành liên quan
- Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố
trí nguồn kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có phương án hỗ trợ kịp thời trong sản xuất
nông lâm nghiệp, chống thiên tai, dịch bệnh và phòng, chống cháy rừng.
- Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
tăng cường thời lượng phát sóng, thông tin tuyên truyền về các biện pháp kỹ thuật,
ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ và biện pháp phòng, chống thiên tai, dịch
bệnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tổ chức triển khai phương án sản xuất vụ vụ
Đông - Xuân năm 2018 - 2019 và giao chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể cho các
đơn vị, địa phương trên địa bàn. Phối hợp với các đơn vị trong ngành Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra chỉ đạo, tuyên truyền, hướng
dẫn, vận động hộ nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của
cơ quan chuyên môn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch được giao, trên
cơ sở đó hằng tháng các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức đánh giá kết quả thực
hiện, đề xuất các giải pháp phù hợp.
- Chủ động xây dựng và triển khai phương án
phòng, chống dịch bệnh, đói rét trên cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tiễn
tại địa phương.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển
đổi tổ chức sản xuất theo mô hình sản xuất tổ hợp tác, nhóm hộ hoặc hợp tác xã
để sản xuất các sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp đảm bảo đáp ứng về số lượng,
chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo nhu cầu của thị trường.
- Duy trì chế độ thông tin báo cáo về Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trên đây là nội dung Phương án sản xuất vụ Đông
- Xuân năm 2018 - 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ngành, địa
phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung trên; trong quá trình tổ
chức thực hiện, có khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
(qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét giải quyết./.