ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1001/QĐ-UBND
|
Nghệ
An, ngày 15 tháng 4 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ KHẨN CẤP VỚI BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÂU, BÒ TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Thú y; Nghị định số 35/2016/NĐ-CP
ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Thú y;
Căn cứ Công điện khẩn số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10/2020 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông
thôn về việc tập trung nguồn lực và khẩn trương triển
khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; Chỉ thị số 8634/CT-BNN-TY
ngày 09/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc tập trung
triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 1151/SNN-CNTY
ngày 12/4/2021.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch ứng
phó khẩn cấp với bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện đúng các tình huống trong
Kế hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban
hành.
Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc
các sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn
cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông Nghiệp và PTNT (để b/c);
- Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng 3 (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- PCT NN UBND tỉnh;
- Chi cục CN&TY;
- Báo Nghệ An, Đài PT-TH tỉnh;
- PVP TC UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN (M).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Nghĩa Hiếu
|
KẾ HOẠCH
ỨNG PHÓ KHẨN CẤP VỚI BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÂU, BÒ
(Ban hành theo Quyết định số 1001/QĐ-UBND
ngày 15/4/2021 của UBND tỉnh Nghệ An)
I. TÍNH CẤP THIẾT
1. Thông tin
tóm tắt về bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò
Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) tên tiếng
Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD, còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh
truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae chi Capripoxvi rút
gây ra trên trâu, bò. Virus viêm da nổi cục không lây nhiễm và không gây bệnh
trên người.
Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ
55 độ C trong 2 giờ, 65 độ C trong 30 phút. Vi rút có thể được hồi phục từ những
nốt sần trên da được giữ ở nhiệt độ - 80 độ C trong 10 năm và dịch nuôi cấy mô
nhiễm vi rút được bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C trong 6 tháng.
Vi rút nhạy cảm với môi trường pH kiềm
hoặc a xít; có thể tồn tại ở môi trường pH = 6,6 - 8,6 trong 5 ngày ở nhiệt độ
37 độ C.
Hóa chất sử dụng để diệt vi rút viêm
da nổi cục bao gồm ether (20%), chloroform, formalin (1%),
phenol (2% trong 15 phút), sodium hypochlorite (2 - 3%), hợp chất iodine (pha
loãng 1:33), Virkon (2%), hợp chất amoni bậc bốn (0,5%) và một số chất tẩy rửa
như sodium dodecyl sulphate.
Vi rút viêm da nổi cục rất ổn định, tồn
tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại
trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và
ít nhất 18 ngày trong da phơi khô. Vi rút nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và chất
tẩy rửa có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi
trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại
trong nhiều tháng.
Động vật mẫn cảm với bệnh là trâu,
bò; bệnh chủ yếu qua côn trùng đốt như ruồi, muỗi, ve, mòng,..; bệnh cũng có thể
lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực
cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp; bệnh VDNC làm giảm khả năng
tiết sữa, vô sinh, sảy thai và giảm sức sản xuất của trâu, bò.
2. Tình hình dịch
bệnh VDNC
- Trên địa bàn cả nước: Theo thông
báo của Cục Thú y, từ giữa tháng 10/2020, bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên
xuất hiện tại Việt Nam ở các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.
Trong một thời gian ngắn, dịch bệnh đã lây lan nhanh, ở phạm vi rộng tại 25 tỉnh,
thành phố.
- Vùng Bắc Trung Bộ: Theo thông báo của
Chi cục Thú y Vùng 3, trong vùng Bắc trung bộ hiện nay, đang có 336 ổ dịch VDNC
tại 47 huyện của 5 tỉnh (Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thanh Hóa).
Tổng số gia súc mắc bệnh tại các ổ dịch này là 10.020 con, số chết, tiêu hủy là
562 con trâu, bò (trong đó tỉnh Hà Tĩnh có 6.444 con ốm, tiêu hủy 480 con).
- Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bệnh
VDNC xuất hiện đầu tiên tại xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp
(ngày 11/12/2020). Từ ngày 10/02/2021 đến nay, dịch VDNC xuất hiện trở lại,
trong thời gian ngắn đã xảy ra 153 ổ dịch thuộc 19 huyện, thành, thị: Hưng
Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Diễn Châu, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai,
Thái Hòa, Cửa Lò, Quỳ Châu, Nam Đàn, Đô Lương, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quế
Phong, Yên Thành, Con Cuông và TP Vinh. Tổng số bò mắc bệnh: 1.231 con; số gia
súc chết, buộc tiêu hủy: 60 con bò, bê; trọng lượng: 9.923 kg.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ BỆNH
VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ
Kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi bệnh
VDNC xảy ra trên địa bàn tỉnh được xây dựng dựa trên 02 tình huống:
- Tình huống 1: Khi bệnh VDNC trên
trâu, bò chưa xảy ra;
- Tình huống 2: Khi bệnh VDNC trên
trâu, bò xảy ra (Chia ra 02 trường hợp):
+ Trường hợp 1: Bệnh VDNC trên trâu,
bò mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ hẹp;
+ Trường hợp 2: Khi bệnh VDNC trên trâu,
bò xảy ra diện rộng.
Một số khái niệm theo Luật Thú y và
khuyến cáo của Cục Thú y:
- Ổ dịch
bệnh động vật là nơi đang có bệnh truyền nhiễm của động
vật thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch.
- Vùng có dịch là vùng có ổ dịch bệnh động vật hoặc có
tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới đã được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y
xác định.
- Vùng bị dịch uy hiếp là vùng bao quanh vùng có dịch hoặc khu vực tiếp giáp với vùng có dịch
ở biên giới của nước láng giềng đã được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác
định.
- Vùng nguy cơ cao: Các địa phương tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp; các chợ buôn bán
trâu, bò (chợ Ú, chợ Nam Nghĩa); các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ thường
xuyên vận chuyển trâu, bò đi qua.
I. TRÁCH NHIỆM
CHUNG:
1.1. Thành lập/kiện toàn Ban Chỉ đạo
phòng, chống dịch bệnh động vật ở các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg
ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống
VDNC; phân công địa bàn, nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cụ thể cho các thành viên
Ban Chỉ đạo trong công tác phòng dịch (tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám
sát, báo cáo dịch bệnh,....).
1.2. Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục
Chăn nuôi và Thú y, UBND cấp huyện báo cáo, hướng dẫn, tham mưu kịp thời các giải
pháp phòng, chống dịch VDNC khẩn cấp khi dịch xảy ra trên địa bàn.
2. TÌNH HUỐNG
1: Khi bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò chưa xảy ra
2.1. Giải pháp
truyền thông
- Cơ quan truyền thông: Thông tin
tuyên truyền kịp thời về diễn biến tình hình dịch bệnh, tính chất dịch tễ của bệnh,
các biện pháp phòng, chống bệnh; trường hợp giấu dịch,
phát tán dịch bệnh thì bị xử lý theo pháp luật; nguyên tắc tuyên truyền vừa bảo
đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt
trâu, bò, tránh gây hoang mang trong xã hội (bệnh VDNC không lây sang người).
- Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã tuyên
truyền đến người chăn nuôi, trang trại chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt giải pháp
chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chỉ mua trâu, bò giống khỏe mạnh
từ các cơ sở uy tín, người tiêu dùng sử dụng thịt và sản phẩm trâu, bò có nguồn
gốc rõ ràng, đã được kiểm soát giết mổ của thú y. Tổ chức ký cam kết với người
chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò thực hiện 5 “không”, gồm: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển trâu
bò bệnh, trâu bò chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu bò bệnh, trâu bò chết;
Không vứt xác trâu bò ra ngoài môi trường; Không chăn thả rông trâu bò bị bệnh
chung trên đồng cỏ.
2.2. Giải pháp
tiêm phòng, khử trùng tiêu độc, giám sát
a) Tiêm phòng
- Đối với bệnh VDNC chưa có thuốc điều
trị đặc hiệu, chỉ có tiêm phòng vắc xin tạo miễn dịch chủ động là hiệu quả nhất.
Các huyện, thành, thị tăng cường công tác giám sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh,
thống kê tổng đàn tại cơ sở, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu, bò
trên địa bàn chủ động bỏ kinh phí mua vắc xin VDNC tiêm
phòng cho 100% trâu, bò thuộc diện phải tiêm phòng. Thực hiện tiêm phòng theo
đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo dõi
chặt chẽ sức khỏe của đàn trâu bò, nếu con vật khỏe mạnh không có dấu hiệu bệnh thì tổ chức tiêm phòng ngay vắc xin VDNC cho toàn bộ đàn
trâu bò để có miễn dịch chủ động chống lại mầm bệnh.
- Nhân lực tiêm phòng: UBND cấp huyện
chỉ đạo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, UBND cấp xã thành lập tổ tiêm phòng cho
các hộ chăn nuôi; các trang trại chăn nuôi tự tổ chức tiêm phòng (bố trí kỹ thuật
thú y để tiêm phòng).
- Kỹ thuật tiêm phòng: Tiêm phòng dưới
da cổ toàn bộ trâu bò khỏe mạnh, bê nghé từ 4 tháng tuổi
trở lên (trừ trâu, bò mang thai tháng đầu tiên và tháng cuối cùng trước khi đẻ) theo đúng liều lượng nhà sản xuất. Bố trí cán bộ
thú y có chuyên môn kỹ thuật, đã được đào tạo, tập huấn trực tiếp tiêm phòng nhằm
tránh việc tiêm không đúng kỹ thuật, không đúng liều, sai vị trí, kiểm tra
chuyên môn về triệu chứng, cơ địa gia súc trước, sau khi
tiêm phòng.
- Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp
huyện, các tổ tiêm phòng và người chăn nuôi theo dõi gia súc sau khi tiêm, kịp
thời phát hiện, xử lý phản ứng sau tiêm phòng.
b) Khử trùng tiêu độc
- Người chăn nuôi trâu bò tự bỏ kinh
phí mua hóa chất đặc hiệu tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,...), vôi bột
để khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi.
- Thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử
trùng theo Kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT: UBND cấp xã thành lập tổ
phun khử trùng tiêu độc; hóa chất thực hiện tháng hành động vệ
sinh, khử trùng tiêu độc do tỉnh, huyện cấp. Người chăn nuôi chủ động mua vôi bột,
hóa chất đặc hiệu (Hantox, Deltox...) tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve,
mòng) tại khu vực chăn nuôi của gia đình.
- Định kỳ (10 ngày/lần) tổ chức vệ
sinh, khử trùng tiêu độc tại các khu vực các chợ, điểm buôn bán, giết mổ trâu
bò và các sản phẩm của trâu bò bằng hóa chất đặc hiệu tiêu diệt côn trùng ruồi,
muỗi, ve, mòng (Deltox, Hantox, thuốc diệt côn trùng...); hằng ngày thực hiện vệ
sinh, khử trùng tiêu độc bằng hóa chất Benkocid, Iodin 10% hoặc các loại hóa chất
nằm trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam sau mỗi buổi họp
chợ, mỗi ca giết mổ trâu, bò; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc
đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật
chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
- Duy trì vệ sinh, tiêu độc môi trường,
phát quang bụi rậm, quét dọn chuồng trại, thu gom chất thải,
phun hóa chất để diệt mầm bệnh và ký chủ trung gian (ruồi, muỗi, ve, mòng...) để
phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh.
c) Giám sát dịch bệnh
Người chăn nuôi, cán bộ phụ trách thú
y cấp xã giám sát chặt chẽ đàn trâu, bò nuôi trên địa bàn, báo cáo ngay cho
UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn cấp huyện (Phòng Nông nghiệp/Phòng Kinh tế,
Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp) nếu phát hiện có trâu bò ốm, chết, nghi ngờ bệnh
Viêm da nổi cục để lấy mẫu, chẩn đoán bệnh kịp thời, phòng
chống dịch khẩn cấp, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
2.3. Giải pháp
kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ
a) Đối với cấp tỉnh
- Tổ chức kiểm soát, kiểm dịch chặt
chẽ trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò vận chuyển trong tỉnh cũng như vận chuyển ra
ngoại tỉnh.
- Thành lập Đoàn kiểm tra công tác
phòng, chống dịch (thành phần gồm: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo và
cán bộ chuyên môn Chi cục Chăn nuôi và Thú y): Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa
phương triển khai các biện pháp phòng, chống VDNC ở cơ sở.
- Trạm Kiểm dịch động vật Bắc Nghệ
An, Tổ công tác lưu động liên ngành của tỉnh (theo Quyết định 580/QĐ-UBND ngày
27/02/2019 của UBND tỉnh): kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý các
sai phạm trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ
trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò bị bệnh, không rõ nguồn gốc, sản phẩm gia súc
không có dấu kiểm soát giết mổ...
b) Đối với UBND cấp huyện, UBND cấp
xã
- Thành lập đoàn liên ngành kiểm tra,
kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh trâu, bò, sản phẩm trâu, bò
trên địa bàn.
- Chỉ đạo UBND cấp xã, cán bộ phụ
trách chăn nuôi, thú y, các ban ngành tăng cường giám sát tại khu dân cư để
kịp thời phát hiện, báo cáo sớm các trường hợp trâu, bò ốm, trâu,
bò không rõ nguồn gốc, thông tin sai sự thật về bệnh VDNC để ép giá, gây hoang
mang dư luận.
- Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm
soát giết mổ gia súc theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày
01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; phun hóa chất khử trùng ngay sau mỗi ca giết
mổ và cuối buổi chợ, cuối ngày đối với khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động
vật tại các chợ, đặc biệt là khu vực bán trâu, bò, thịt trâu, bò.
* Đối với địa phương chưa có
dịch tiếp giáp với địa phương có dịch:
- UBND cấp huyện thành lập đoàn kiểm
tra liên ngành gồm các thành phần: Phòng Nông nghiệp/Kinh tế, Công Thương, Tài
nguyên và Môi trường, Công an, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp,... tổ chức kiểm
tra hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ trâu bò, bán rong, bán vỉa hè thịt
và sản phẩm từ trâu, bò.... Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về
vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, kinh doanh.
- UBND cấp xã thành lập các đoàn kiểm
tra, tổ cơ động, tổ phản ứng nhanh (thành phần gồm: công an, dân quân tự vệ, cán bộ xã phụ trách
thú y, bí thư/xóm trưởng...) để giám sát, theo dõi, báo cáo về tình hình chăn
nuôi và phòng, chống dịch bệnh, giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn thực phẩm,
buôn bán thịt trâu, bò rong, vỉa hè trên địa bàn quản lý. Khi vào khu vực chăn
nuôi phải thực hiện nghiêm quy trình vệ sinh, sát trùng người, dụng cụ và
phương tiện ra vào đúng quy định.
- UBND cấp huyện lập chốt kiểm dịch tạm
thời tại các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ tiếp giáp với huyện có dịch, lực lượng
tham gia do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định. UBND cấp xã lập chốt kiểm dịch
tạm thời tại các tuyến đường, ngõ, ngách tiếp giáp với xã có dịch, kiểm soát việc
vận chuyển trâu, bò, sản phẩm của trâu, bò ra vào, đi qua địa bàn.
Tại chốt kiểm dịch tạm thời: Cử đủ lực
lượng, thành phần tham gia trực chốt (24/24 giờ trong ngày kể cả ngày lễ, thứ
7, chủ nhật). Yêu cầu chốt có rào chắn, lập biển cảnh báo khu vực có dịch, bình
khử trùng, hóa chất, rải vôi bột tại chốt kiểm dịch. Phun
khử trùng, tiêu độc tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật
đi qua chốt.
- Các đoàn liên ngành, tổ lưu động, chốt kiểm dịch: khi phát hiện trâu, bò ốm, chết, nghi ngờ bệnh
VDNC, thịt và sản phẩm trâu, bò không có dấu kiểm soát giết mổ, không rõ nguồn gốc tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định đồng
thời phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện để kiểm tra, lấy mẫu
bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Khi kết quả âm tính với bệnh VDNC thì tiếp tục thực
hiện lại quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; nếu trường hợp dương
tính với bệnh VDNC thì tổ chức phòng chống dịch theo quy định. Kinh phí xét
nghiệm mẫu, khử trùng tiêu độc, tiêu hủy do chủ hàng hoặc lái xe chở hàng vi phạm
chi trả.
+ Đối với trâu bò chết tất cả các
nguyên nhân: Buộc phải tiêu hủy; phương pháp tiêu hủy theo quy trình hướng dẫn
tại điểm f, mục 3.1 của tình huống 2.
+ Đối với trâu, bò sống: UBND cấp xã
nơi bắt giữ trâu, bò có trách nhiệm tìm địa điểm phù hợp để nuôi nhốt, tạm giữ trâu, bò nghi mắc bệnh
VDNC; giao cho chủ hàng trả chi phí nơi nuôi nhốt, tự chăm sóc, nuôi dưỡng,
theo dõi, phun khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển và khu vực tạm giữ để
tiêu diệt mầm bệnh, côn trùng.
+ Đối với thịt và sản phẩm trâu, bò:
Giao chủ hàng chịu trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã nơi bắt giữ thịt và sản
phẩm trâu, bò nghi nhiễm bệnh VDNC tìm kho lạnh, tủ lạnh
chuyên dụng tạm giữ; giao cho chủ hàng thuê và trả kinh phí kho lạnh, tủ lạnh để
bảo quản thịt, sản phẩm trâu, bò, phun khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển
và khu vực tạm giữ để tiêu diệt mầm bệnh, côn trùng.
2.4. Giải pháp
chăn nuôi an toàn
a) Đối với chăn nuôi nông hộ
- Hàng ngày vệ sinh cơ giới, xử lý
phân trâu, bò và chất thải đúng kỹ thuật, tăng cường khử trùng tiêu độc môi trường
chăn nuôi, chú trọng các loại hóa chất đặc hiệu diệt ký chủ
trung gian (ve, mòng, ruồi, muỗi,...). Định kỳ 7-10 ngày phun 1 lần theo hướng
dẫn của nhà sản xuất.
- Chỉ mua trâu, bò giống khỏe mạnh,
nguồn gốc rõ ràng;
- Định kỳ tiêm phòng vắc xin VDNC và
các loại vắc xin khác để có miễn dịch chủ động. Đối với các loại vắc xin khác
như Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng tiêm nhắc lại 6 tháng 1 lần; Đối với vắc
xin VDNC tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần.
- Không mua thịt và sản phẩm trâu, bò
không rõ nguồn gốc, không có dấu KSGM của cơ quan thú y. Nơi chế biến thực phẩm
gia đình tách biệt khu vực chăn nuôi.
- Phổ biến thông tin về các biện pháp
thực hiện phòng bệnh, ngăn chặn và kiểm soát bệnh VDNC cho người chăn nuôi biết
rõ để phòng bệnh.
b) Đối với trang trại chăn nuôi
trâu, bò
- Hướng dẫn trang trại chăn nuôi thực
hiện các khâu để đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y; Xây dựng cơ
sở an toàn dịch bệnh.
- Chỉ mua trâu, bò giống khỏe mạnh,
nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng vắc xin VDNC và các loại vắc xin khác
theo quy định, nuôi cách ly trước khi nhập đàn. Trường hợp trâu bò đưa về nuôi
chưa được tiêm phòng thì tổ chức tiêm cho toàn bộ đàn trâu bò vắc xin VDNC và
các loại vắc xin khác sau thời gian nuôi ít nhất 7 ngày.
- Hệ thống chuồng nuôi, hàng rào xung
quanh phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về độ cao, độ chắc;
- Hạn chế tối đa người và khách tham
quan ra vào trại;
- Trang bị bảo hộ lao động: quần áo, ủng
cho tất cả các thành viên liên quan đến chăm sóc trâu, bò và khách tham quan;
- Thực hiện quy trình xử lý phân trâu, bò và chất thải đúng kỹ thuật;
- Kiểm soát nguồn thực phẩm đưa vào
cơ sở chăn nuôi;
- Thực hiện quy trình vệ sinh khử
trùng người, phương tiện ra vào, các thiết bị, dụng cụ trước khi đưa vào trại,
dụng cụ chăn nuôi sau khi sử dụng, thiết bị dụng cụ thú y như xilanh, kim tiêm.
Chú trọng sử dụng hóa chất đặc hiệu để tiêu diệt côn trùng ruồi, muỗi, ve, mòng (Deltox, Hantox, thuốc diệt côn trùng...); định kỳ 7-10
ngày phun 1 lần theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Phổ biến thông tin về các biện pháp
thực hiện phòng bệnh, ngăn chặn và kiểm soát bệnh VDNC cho bác sỹ, kỹ sư, công
nhân, người chăn nuôi,...
3. TÌNH HUỐNG
2: Khi bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra
3.1. Trường hợp
1: Khi bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ hẹp (Phạm vi nhỏ hẹp được tạm quy ước từ 01 đến 03 hộ chăn nuôi, trại
chăn nuôi trong từ 01-03 xóm, thôn, bản của 01 đơn vị hành chính cấp xã).
a) Họp khẩn cấp BCĐ phòng chống dịch các cấp: Nội dung:
triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp cấp bách để bao vây, khống
chế dịch bệnh VDNC.
b) Đối với các xã chưa có dịch: Triển khai các nội dung tình huống 1 của kế hoạch ứng phó khẩn cấp với
bệnh VDNC
c) Đối với xã có dịch:
- Tổ chức tiêm phòng
+ Đối với bệnh VDNC chưa có thuốc điều
trị đặc hiệu, chỉ có tiêm phòng vắc xin tạo miễn dịch chủ động là hiệu quả nhất. Các huyện, thành, thị tăng cường công
tác giám sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh, thống kê tổng đàn tại cơ sở, chỉ đạo
các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn chủ động bỏ kinh phí mua vắc
xin VDNC tiêm phòng cho 100% trâu, bò thuộc diện phải tiêm phòng. Thực hiện
tiêm phòng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
+ Nhân lực tiêm phòng: UBND cấp huyện
chỉ đạo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, UBND cấp xã thành lập
tổ tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi; các trang trại chăn nuôi tự tổ chức tiêm
phòng (bố trí kỹ thuật thú y để tiêm phòng).
+ Kỹ thuật tiêm phòng: Kiểm tra lâm
sàng con vật trước khi tiêm phòng, tiêm phòng cho gia súc khỏe mạnh, không tiêm
phòng cho trâu, bò bị bệnh. Tổ chức tiêm phòng từ ngoài vào trong ổ dịch và do
cán bộ thú y có chuyên môn kỹ thuật, đã được đào tạo, tập huấn thực hiện để hạn
chế sai sót trong quá trình tiêm phòng.
+ Đối với trường hợp con trâu, bò đã
bị bệnh nhưng chưa xuất hiện triệu chứng điển hình bên ngoài. Nếu tiêm vào con trâu, bò đó sẽ biểu hiện lâm sàng sớm
hơn, từ đó sớm phát hiện bệnh để triển khai các giải pháp phòng, chống, tránh vận
chuyển, tiếp xúc làm lây lan những con trâu, bò khác. Lúc này chúng ta có thể
can thiệp bằng các phác đồ điều trị triệu chứng và dự phòng các bệnh kế phát.
+ Sau khi tiêm phòng, nếu gia súc bị
phản ứng thì người chăn nuôi báo với tổ tiêm phòng, UBND cấp xã, Trung tâm dịch
vụ nông nghiệp cấp huyện để có biện pháp can thiệp kịp thời. Trường hợp trâu,
bò bị chết thì chính quyền địa phương, cơ quan thú y tổ chức tiêu hủy, đồng thời
lập hồ sơ theo đúng quy định để trình xin hỗ trợ (khi có chính sách hỗ trợ của
Nhà nước).
+ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp
huyện, các tổ tiêm phòng theo dõi gia súc sau khi tiêm, kịp
thời phát hiện, xử lý phản ứng sau tiêm phòng theo hướng dẫn của Chi cục Chăn
nuôi và Thú y.
- Khử trùng tiêu độc
+ Người chăn nuôi tự bỏ kinh phí mua
hóa chất đặc hiệu tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,...), vôi bột để khử
trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi.
+ UBND cấp xã thành lập tổ khử
trùng tiêu độc: tổng dọn vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc bằng
hóa chất đặc hiệu (Hantox, Deltox...) tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve,
mòng). Tổ chức thực hiện tháng hành động vệ sinh, khử trùng tiêu độc do tỉnh,
huyện cấp;
+ Định kỳ (10 ngày/lần) tổ chức vệ
sinh, khử trùng tiêu độc tại các khu vực các chợ, điểm buôn bán, giết mổ trâu
bò và các sản phẩm của trâu bò bằng hóa chất đặc hiệu tiêu diệt côn trùng ruồi,
muỗi, ve, mòng (Deltox, Hantox, thuốc diệt côn trùng...); hằng ngày thực hiện vệ
sinh, khử trùng tiêu độc bằng hóa chất Benkocid, Iodin 10%, Vikon S, Chloramin
B... sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ trâu, bò; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc
đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật
chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
+ Duy trì vệ sinh, tiêu độc môi trường,
phát quang bụi rậm, quét dọn chuồng trại, thu gom chất thải, phun hóa chất để
diệt mầm bệnh và ký chủ trung gian (ruồi, muỗi, ve, mòng...) để
phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh.
- Giám sát dịch bệnh
+ Người chăn nuôi, cán bộ phụ trách
thú y cấp xã giám sát chặt chẽ đàn trâu, bò nuôi trên địa bàn, báo cáo ngay cho
UBND xã, Cơ quan chuyên môn cấp huyện (Phòng Nông nghiệp/Kinh tế, Trung tâm dịch
vụ Nông nghiệp) nếu phát hiện có trâu bò ốm, chết, nghi ngờ bệnh Viêm da nổi cục
để lấy mẫu, chẩn đoán bệnh kịp thời, phòng chống dịch khẩn cấp, hạn chế dịch bệnh
lây lan ra diện rộng
+ Không chăn thả chung trâu bò tại
các bãi chăn thả tập trung; có giải pháp quản lý trâu, bò thả rông ở miền núi.
d) Thành lập các tổ phản ứng nhanh
Giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND cấp
xã huy động lực lượng của xã để phòng chống dịch, đồng thời quyết định thành lập
06 tổ (thành phần bao gồm: tài chính, địa chính, phụ trách lĩnh vực thú y, công
an, dân quân tự vệ, thanh niên, trưởng các thôn xóm,...). Gồm các tổ sau:
(1) Tổ tiêm phòng, phun khử trùng
tiêu độc:
- Thực hiện tiêm phòng và phun hóa chất
theo đúng quy trình và hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Chuẩn bị dụng cụ, vật tư, hóa chất:
Vôi bột, hóa chất, máy phun động cơ KTTĐ, bảo hộ lao động...
(2) Tổ tuyên truyền và điều tra đàn
trâu, bò trong xã:
- Tuyên truyền theo nội dung do Cơ
quan chuyên môn cấp huyện (Phòng Nông nghiệp/Kinh tế, Trung tâm dịch vụ Nông
nghiệp) soạn thảo.
- Đọc nội dung tuyên truyền trên hệ
thống loa phát thanh của xã từ 2 - 3 lần/ngày cho đến khi hết dịch.
- Điều tra, thống kê đàn trâu, bò của
vùng dịch, vùng dịch uy hiếp, vùng nguy cơ cao và của toàn xã; người buôn bán,
giết mổ trâu, bò, sản phẩm trâu, bò...
(3) Tổ cơ động: Thường xuyên tuần
tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động
kinh doanh, vận chuyển, giết mổ trâu bò, bán rong, bán vỉa hè thịt và sản phẩm
từ trâu, bò....
(4) Tổ trực chốt:
- Tham mưu và lập các chốt kiểm soát
ra vào vùng dịch.
- Chuẩn bị đầy đủ vật tư: Bảo hộ (Quần
áo, găng tay, khẩu trang...), rào chắn, biển báo, hóa chất, máy phun động cơ để
khử trùng tiêu độc...
(5) Tổ tiêu hủy (thành lập khi có
trâu bò chết phải tiêu hủy):
- Tổ chức vận chuyển trâu, bò, cân
đo, lập hồ sơ hỗ trợ...
- Chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết
bị, dụng cụ phục vụ công tác tiêu hủy:
+ Bảo hộ, găng tay cao su sử dụng 1 lần,
ủng, khẩu trang, kính...
+ Vôi bột, hóa chất đặc hiệu tiêu diệt
côn trùng ruồi, muỗi, ve, mòng ... (Deltox, Hantox, thuốc
diệt côn trùng) để khử trùng tiêu độc.
+ Bạt lót sàn xe, biển báo, bạt bao
quanh khu vực tiêu hủy.
(6) Tổ hậu cần: Tham mưu và dự trù
kinh phí mua các vật tư, dụng cụ máy móc phục vụ công tác chống dịch; hỗ trợ tiền
công cho những người thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch...trình chủ tịch UBND
cấp xã phê duyệt và cấp kinh phí trong nguồn dự phòng của xã. Khi vượt quá Ngân
sách dự phòng của xã, báo cáo trình lên UBND cấp huyện trích từ nguồn kinh phí
dự phòng chống dịch.
Dựa vào tính chất công việc của từng
tổ, UBND cấp xã phân công các thành viên phù hợp với hoạt động của các tổ. Giao
01 đồng chí tổ trưởng có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện,
đôn đốc, báo cáo hoạt động của tổ cho ban chỉ đạo chống dịch.
Hoạt động các tổ ở xã dưới sự chỉ đạo
của BCĐ chống dịch xã, huyện và hướng dẫn, giám sát của Cơ quan chuyên môn cấp
huyện, tỉnh.
đ) Lấy mẫu
- Lấy mẫu xét nghiệm, bảo quản lạnh,
gửi về phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An khi trâu, bò
có các triệu chứng bệnh VDNC; cách lấy mẫu như sau:
+ Các nốt sần, vảy da (là nơi chứa lượng
vi rút cao): Cạo sạch lông xung quanh nốt sần, vảy da, dùng panh kẹp cả nốt sần
kéo ra, cắt nốt sần, vảy da bỏ vào lọ chứa dung dịch đệm bảo quản hoặc nước muối
sinh lý;
+ Dịch mắt, mũi, miệng, sữa, tinh dịch:
Dùng panh kẹp gạc y tế ngoáy vào các vị trí chứa dịch cho vào lọ chứa dung dịch
đệm bảo quản;
+ Mẫu máu: lấy mẫu
máu cho vào ống chống đông (đối với trâu, bò đang có triệu chứng sốt);
Ưu tiên lấy các nốt sần, vảy da (là nơi chứa lượng vi rút cao).
- Trường hợp phát hiện trâu, bò mắc bệnh,
nghi mắc bệnh có triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh VDNC ở các hộ/trại
khác trong cùng xã đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh VDNC, thì không
cần lấy mẫu xét nghiệm.
- Trong trường hợp trâu bò chết nghi
bệnh VDNC, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cử cán bộ thú y kiểm tra triệu chứng
lâm sàng. Nếu triệu chứng lâm sàng điển
hình của bệnh VDNC thì không cần lấy mẫu xét nghiệm; nếu không có triệu chứng
hoặc triệu chứng không điển hình (có thể chết do nguyên
nhân dịch bệnh khác), phải lấy mẫu gửi xét nghiệm để làm căn cứ hỗ trợ (khi có
chính sách hỗ trợ của Nhà nước);
Trong quá trình chỉ đạo chống dịch,
tùy thuộc vào tình hình bệnh, tính chất dịch tễ của dịch VDNC, Chi cục Chăn
nuôi và Thú y sẽ hướng dẫn lấy mẫu bổ sung để đánh giá
nguy cơ lây lan dịch bệnh trong vùng dịch.
e) Điều trị triệu chứng, kế phát
Đối với bệnh VDNC là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; triệu chứng
lâm sàng xuất hiện các nốt sần gây tổn thương ở da, qua mổ khám một số trâu bò
chết có triệu chứng viêm phổi kẽ, xuất huyết đường ruột, tổn thương các cơ quan nội tạng, kế phát các bệnh như Tụ huyết trùng, ký
sinh trùng đường máu.... Cần phải điều trị triệu chứng và
các bệnh kế phát theo nguyên tắc:
- Trâu bò sốt, viêm: hạ sốt, kháng
viêm bằng anagin, flunixin hoặc ketoprofen;
- Dùng kháng sinh hoạt phổ rộng để
tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn kế phát
- Vết loét trên da: sử dụng xịt có kháng sinh oxytetracycline hoặc Neomycin...
- Truyền đường ưu trương (nếu phổi
tích nước), truyền đường đẳng trương (nếu con vật không tích nước, không phù nề...);
- Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, nếu
con vật bọ liệt dạ cỏ tiêm Pilocarpin, thúc bằng tay tại hõm hông bên trái (bụng
cỏ);
- Tránh nghẽn dạ lá sách: cho uống
Sulfat Magie;
- Có thể tiêm thêm vitamin nếu gia
súc ốm kéo dài;
Tuyệt đối không đổ cháo, thức ăn tinh, trứng gà... cho trâu bò sẽ làm tăng nguy cơ liệt dạ
cỏ dẫn đến chết bệnh súc
Thực hiện điều trị theo các phác đồ cụ
thể của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
f) Tiêu hủy trâu bò chết
Tiêu hủy tất cả trâu, bò chết không
rõ nguyên nhân.
- Khi phát hiện trâu, bò chết trên địa
bàn có các triệu chứng nghi ngờ bệnh VDNC. Tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm bệnh
VDNC, giao UBND cấp xã tổ chức tiêu hủy trâu, bò chết ngay
tại địa bàn đúng quy trình, kỹ thuật đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y,
không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường kể cả khi chưa có kết quả xét nghiệm
bệnh.
- Kỹ thuật, phương pháp tiêu hủy được
thực hiện như sau:
+ Vận chuyển xác trâu, bò đến địa điểm
tiêu hủy: Xác trâu, bò, sản phẩm trâu, bò phải được cho vào bọc kín để phun khử
trùng trước khi vận chuyển; phương tiện vận chuyển xác trâu, bò, sản phẩm trâu, bò phải có sàn kín hoặc lót bằng nilon hoặc vật liệu chống thấm khác bên trong (đáy và xung
quanh thành) để không làm rơi vãi các chất thải trên đường
đi, được vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành
thú y ngay trước khi vận chuyển và sau khi bỏ bao chứa xuống địa điểm tiêu hủy hoặc rời khỏi khu vực tiêu hủy.
Trong suốt quá trình vận chuyển phải
có người thực hiện phun khử trùng tiêu độc theo sau để đảm
bảo khử trùng tiêu độc triệt để, ngăn chặn phát tán mầm bệnh
ra môi trường.
+ Địa điểm tiêu hủy: Ưu tiên tiêu hủy
ngay tại trong vườn của hộ gia đình/trang trại có trâu, bò bệnh, trong xóm có dịch
nếu có nơi chôn lấp phù hợp. Trường hợp
trong xóm/hộ gia đình không có đất để tiêu hủy thì chọn địa
điểm phù hợp, nhưng không quá xa ổ dịch để tránh phát tán mầm bệnh.
+ Biện pháp tiêu hủy: Sử dụng biện
pháp chôn lấp.
+ Người tham gia tiêu hủy trâu, bò:
chỉ huy động đủ số lượng người tham gia tiêu hủy, những người không liên quan
không đến gần ổ dịch, điểm tiêu hủy; các thành viên phải mặc
bảo hộ lao động 1 lần, đeo khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ, đi ủng. Sau khi
xong nhiệm vụ, cho tất cả bảo hộ xuống hố chôn cùng trâu, bò (có thể giữ ủng lại,
rửa ngay tại chỗ, phun sát trùng đậm, cho vào bao ni lông buộc lại để dùng lần
sau). Tất cả thành viên trước khi ra về phải phun sát trùng giầy dép, phương tiện, dụng cụ... Khi vận chuyển trâu bò từ hộ gia đình ra
hố chôn phải có máy phun khử trùng tiêu độc đi sau để tiêu diệt mầm bệnh, tránh
phát tán qua vận chuyển.
+ Quy cách hố chôn:
Địa điểm: Hố chôn phải cách nhà dân,
giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ
diện tích; nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ);
Kích cỡ: Hố chôn phải đủ rộng phù hợp
với khối lượng trâu, bò, sản phẩm trâu, bò và chất thải cần chôn. Ví dụ nếu cần
chôn 2 con trâu, bò có trọng lượng khoảng 01 tấn thì hố chôn cần có kích thước
là sâu 2 - 2,5m; rộng 1,5 - 2m; dài 1,5 - 2m.
+ Các bước chôn lấp: Sau khi đào hố,
rải một lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 01 kg vôi/m2, cho
bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi lên trên bề mặt, lấp đất
và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa trên cùng đến ngang mặt đất
(lớp đất phủ bên trên) tối thiểu phải dày ít nhất là 1 m và cao hơn mặt đất để
tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn. Phun sát trùng khu vực chôn
lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy.
- Quản lý hố chôn:
+ Hố chôn xác động vật phải có biển cảnh
báo người ra vào khu vực. Cắt cử lực lượng canh hố chôn 24/24 giờ trong vòng ít
nhất 02 ngày đêm.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm
quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói
mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn.
+ Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu
trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Trong thời gian chờ quy định chính
sách hỗ trợ cụ thể của nhà nước, UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn,
UBND cấp xã tiến hành tiêu hủy đảm bảo an toàn dịch bệnh, lập hồ sơ hỗ trợ đầy
đủ theo quy định hiện hành.
g) Khoanh vùng ổ dịch, khử trùng tiêu độc
- Đối với vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng nguy cơ
cao: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc bằng hóa chất đặc hiệu
tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng ...) 10 ngày/01
lần.
- Người chăn nuôi, trang trại chăn
nuôi phải tự chủ động thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi, trang trại
chăn nuôi thường xuyên bằng vôi bột, hóa chất đặc hiệu Hantox, Deltox để tiêu
diệt mầm bệnh, côn trùng ruồi, muỗi, ve, mòng.
- Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng tiêu
độc:
+ Người thực hiện khử trùng tiêu độc
phải sử dụng bảo hộ lao động dùng 01 lần.
+ Trước khi phun hóa chất diệt côn
trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn,
cạo, cọ rửa).
+ Pha chế và sử dụng hóa chất sát
trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ
trên một đơn vị diện tích.
- Loại hóa chất:
+ Sử dụng hóa chất đặc hiệu trong
Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để khử trùng tiêu độc, tiêu
diệt côn trùng ruồi, muỗi, ve, mòng ... (Deltox, Hantox, thuốc diệt côn trùng).
+ Sử dụng vôi bột, hóa chất để phun
khử trùng tiêu độc tại các hộ, trang trại bị dịch và khu vực xung quanh.
- Đối tượng vệ sinh, khử trùng tiêu độc
+ Trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi
trâu, bò.
+ Cơ sở sản xuất trâu, bò giống.
+ Cơ sở giết mổ trâu, bò.
+ Cơ sở sơ chế, chế biến thịt trâu,
bò và các sản phẩm thịt trâu, bò.
+ Chợ buôn bán trâu, bò và sản phẩm của
trâu, bò.
+ Cơ sở thu gom trâu, bò và sản phẩm
của trâu, bò để buôn bán, kinh doanh, nơi cách ly kiểm dịch trâu, bò và sản phẩm
của trâu, bò.
+ Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy
trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò nhiễm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải
của trâu, bò.
+ Trạm, chốt kiểm dịch động vật, chốt
kiểm soát ổ dịch.
+ Phương tiện vận chuyển trâu, bò và
sản phẩm của trâu, bò.
+ Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm
h) Công bố dịch
Tùy theo tính chất lây lan của dịch bệnh,
cơ quan quản lý chuyên ngành thú y đề nghị cấp có thẩm quyền công bố dịch bệnh
động vật. Các thủ tục công bố dịch theo quy định tại Điều
26 của Luật Thú y khi có đủ điều kiện: Có kết luận chẩn đoán, xét nghiệm xác định
bệnh VDNC, chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng và văn bản đồng ý của Chi cục
Chăn nuôi và Thú y.
i) Trong cùng ô chuồng đã có trâu,
bò bị bệnh
- Cách ly trâu bò khỏe với trâu bò bị
bệnh; tiến hành theo dõi trâu bò khỏe trong thời gian ít nhất 7 ngày, nếu vẫn
khỏe mạnh bình thường thì tiêm phòng vắc xin VDNC
- Cấm giết mổ, vận chuyển trâu bò
trong vùng dịch.
- Chỉ vận chuyển, giết mổ trâu bò khỏe
mạnh tại các vùng chưa có dịch VDNC, có thú y thực hiện kiểm dịch và kiểm soát
giết mổ.
k) Lập chốt kiểm dịch và dừng vận
chuyển trâu, bò và sản phẩm trâu, bò
- Cấm vận chuyển trâu, bò, sản phẩm
trâu, bò từ vùng dịch ra địa bàn cho đến khi công bố hết dịch.
- Trang trại, cơ sở chăn nuôi trâu,
bò nằm trong vùng dịch đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật
còn hiệu lực đối với các bệnh khác, nếu có nhu cầu vận chuyển trâu, bò ra khỏi
phạm vi vùng dịch phải được Chi cục Chăn nuôi và thú y lấy mẫu, xét nghiệm có kết
quả âm tính với bệnh VDNC và hướng dẫn tuyến đường vận chuyển ra khỏi vùng có dịch
(chủ chăn nuôi chi trả kinh phí cho việc lấy mẫu và xét nghiệm).
- UBND cấp xã thành lập các chốt kiểm
dịch tạm thời tại các trục đường chính, để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ
(kể cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ) đối với trâu, bò và sản phẩm trâu, bò từ
vùng dịch ra ngoài, lực lượng trực là công an và phụ trách thú y của xã; chốt
có barie, lập biển cảnh báo khu vực có dịch; tổ chức phun
thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật
đi qua chốt. Trường hợp phát hiện trâu, bò ốm, nghi trâu, bò bệnh đi qua chốt
thì báo cáo cho Cơ quan chuyên môn cấp huyện (Phòng Nông nghiệp/Kinh tế, Trung
tâm dịch vụ Nông nghiệp) đến kiểm tra, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm bệnh
VDNC.
- Trường hợp tại vùng dịch, vùng bị dịch
uy hiếp và các địa phương tiếp giáp với huyện có dịch có tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua, giao UBND cấp huyện thành lập chốt kiểm dịch tạm thời, lực lượng do UBND cấp huyện điều động, nhằm thực hiện khử trùng phương tiện đi lại,
kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trâu, bò, sản phẩm trâu, bò ra, vào vùng dịch.
l) Tại vùng bị dịch uy hiếp: Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trâu bò, tạm dừng việc giết mổ
trâu, bò tại vùng bị dịch uy hiếp.
m) Quản lý chăn nuôi an toàn sinh
học: Đối với các hộ chưa có dịch, thực hiện giải pháp
chăn nuôi an toàn tại mục 2.4.
n) Truyền thông nguy cơ
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn là cơ quan thông tin chính thức về các trường hợp phát hiện, xác định có
các ca bệnh VDNC (thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y); Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố, thị xã là cơ quan thông tin chính thức về các ca bệnh VDNC tại
địa phương sau khi đã có thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức
thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến người chăn nuôi về bệnh Viêm da nổi
cục trên trâu, bò để tự giác phòng chống dịch.
Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ
hiểu, cung cấp đầy đủ thông tin về sự nguy hiểm của bệnh VDNC, các biện pháp khống
chế bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò lây lan ra diện rộng; kêu gọi người dân
không quay lưng lại với thịt trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò, nên chọn mua
sản phẩm trâu, bò có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan thú y kiểm soát; Thông
tin các chính sách hỗ trợ của nhà nước để người dân khai báo kịp thời, không
bán chạy trâu, bò; Trường hợp các tổ chức, cá nhân giấu dịch,
vứt xác trâu, bò chết ra ngoài môi trường, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ
trâu, bò bệnh, nghi nhiễm bệnh...sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật
hiện hành.
o) Kiểm
tra, triển khai, chỉ đạo chống dịch: tất cả các thành
viên của Ban chỉ đạo cần đặc biệt lưu ý việc ra, vào vùng dịch, ổ dịch..., phải
thực hiện khử trùng, tiêu độc đúng quy trình đảm bảo không được để dịch lây lan
từ nơi có dịch sang nơi chưa có dịch.
q) Báo cáo: Tổng hợp báo cáo công tác phòng chống dịch và tình hình, diễn biến dịch
bệnh hàng ngày gửi Chi cục Chăn nuôi Thú y tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo
quy định.
3.2. Trường hợp
2: Khi bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra trên phạm vi rộng (Phạm vi rộng được tạm quy ước theo mức độ lây lan của dịch, từ các
ổ dịch ban đầu lây lan nhanh, xảy ra ở nhiều hộ, trang trại, cơ sở chăn nuôi
trâu, bò trên địa bàn toàn xã, huyện hoặc
nhóm xã, nhóm huyện)
Tổ chức thực hiện các giải pháp
như trường hợp 1, ngoài ra thực hiện các giải pháp sau:
a) Chủ tịch UBND cấp huyện, xã có dịch
bố trí một phần kinh phí dự phòng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch,
mua vắc xin tiêm phòng, hóa chất, vôi bột để khử trùng môi trường chăn nuôi, chống
dịch khẩn cấp; người chăn nuôi chủ động bỏ kinh phí mua vắc xin, hóa chất để
phòng chống dịch VDNC.
b) Huyện/xã có dịch
thành lập các Tổ phản ứng nhanh. Hoạt động của các tổ phản ứng nhanh có sự hướng
dẫn, giám sát của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện.
c) Tiêu hủy trâu, bò chết do mắc bệnh
VDNC
- Thực hiện tiêu hủy theo hướng dẫn tại
mục 2.4 (của trường hợp 1), thực hiện thêm một số nội dung sau:
+ Địa điểm tiêu hủy: UBND cấp huyện
chỉ đạo Phòng tài nguyên và Môi trường huyện có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp
xã tìm địa điểm tiêu hủy phù hợp.
+ Trong trường hợp phải tiêu hủy số
lượng trâu, bò nhiều phải theo hướng dẫn của phòng Tài nguyên và Môi trường.
d) Lập chốt kiểm dịch, kiểm soát vận
chuyển trâu, bò và sản phẩm trâu, bò: Giao UBND cấp huyện thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên trục đường chính (quốc lộ, tỉnh lộ..) đi qua huyện;
UBND cấp xã thành lập các chốt kiểm dịch tại các tuyến đường chính qua xã để tổ
chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với trâu, bò và sản phẩm trâu, bò từ vùng
dịch.
III. KINH PHÍ TỔ
CHỨC, TRIỂN KHAI PHÒNG, CHỐNG DỊCH
1. Nguồn kinh phí
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ theo phân
cấp;
- Kinh phí do tổ chức, cá nhân chăn
nuôi tự đảm bảo;
- Nguồn huy động hợp pháp khác.
2. Phân khai cụ thể nguồn kinh phí
2.1. Ngân sách tỉnh: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách
đảm bảo các nhiệm vụ của cấp tỉnh như sau:
- Kinh phí mua vắc xin VDNC, hóa chất
đặc hiệu, xét nghiệm bệnh VDNC để xử lý các ổ dịch khẩn cấp.
- Kinh phí hỗ trợ tiêu hủy gia súc mắc
bệnh chết do bệnh VDNC (khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước); kinh phí cho lực
lượng tham gia công tác phòng, chống dịch cấp tỉnh theo quy định hiện hành.
- Vận chuyển, bảo quản vắc xin từ tỉnh
đến cấp huyện; kinh phí quản lý, chỉ đạo thực hiện tiêm phòng; chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát phòng, chống dịch....
- Thông tin, tuyên truyền (báo, đài,
tờ rơi, tờ dán...); tập huấn chuyên môn về phòng chống dịch VDNC
- Hoạt động kiểm tra chuyên ngành;
thành lập đoàn liên ngành cấp tỉnh kiểm tra, kiểm soát vận chuyển; chốt kiểm dịch
tạm thời của tỉnh, phòng chống buôn lậu động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn
tỉnh...
- Hỗ trợ kinh phí trường hợp gia súc
bị sảy thai sau tiêm phòng, gia súc chết do sốc vắc xin sau tiêm phòng.
2. Ngân sách huyện
Chủ động bố trí kinh phí đảm bảo triển
khai thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh VDNC của địa phương, bao gồm:
- Ngoài vắc xin, hóa chất do ngân
sách tỉnh cấp, UBND huyện chủ động bố trí kinh phí mua vắc xin VDNC, vật tư,
hóa chất đặc hiệu để xử lý các ổ dịch khẩn cấp.
- Hỗ trợ kinh phí chốt chặn, vận chuyển,
bảo quản vắc xin, hóa chất từ huyện đến xã; kinh phí chỉ đạo thực hiện tiêm
phòng, tiêu độc khử trùng; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát
phòng, chống dịch, kinh phí đi lấy mẫu....
- Kinh phí hỗ trợ tiêu hủy gia súc mắc
bệnh, gia súc chết do bệnh theo quy định hiện hành.
- Thông tin, tuyên truyền (báo, đài,
tờ rơi, tờ dán...); đào tạo, tập huấn chuyên môn phòng, chống
dịch bệnh VDNC,....
- Kinh phí hỗ trợ cho lực lượng phòng
chống dịch nếu cấp huyện điều động.
3. Ngân sách cấp xã
- Chủ động bố trí kinh phí đảm bảo
triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh VDNC của địa phương, bao gồm:
Kinh phí cho lực lượng phòng chống dịch; hợp đồng cán bộ thú y; tổ chức tiêm
phòng, tiêu độc khử trùng; các chốt kiểm dịch tạm thời,
các tổ phản ứng nhanh; Thông tin tuyên truyền, tập huấn; kinh phí mua vôi bột,
hóa chất, vật tư,...
- Đảm bảo kinh phí cho lực lượng
phòng chống dịch nếu cấp xã điều động.
4. Kinh phí do tổ chức, cá nhân
chăn nuôi trâu, bò tự đảm bảo
- Kinh phí mua vắc xin VDNC, tiền
công để tiêm phòng cho đàn trâu, bò theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên
ngành thú y cấp tỉnh, cấp huyện.
- Kinh phí mua vôi bột, hóa chất đặc
hiệu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng) để xử lý khu vực chăn nuôi.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh, giết mổ,
vận chuyển trâu bò, sản phẩm trâu bò bị bệnh, nghi bị bệnh chi trả kinh phí lấy
mẫu, xét nghiệm, nuôi nhốt, bảo quản và tiêu hủy khi phát hiện động vật, sản phẩm
động vật dương tính với vi rút gây bệnh VDNC.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh
động vật cấp tỉnh
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động
vật cấp tỉnh là đầu mối điều phối, chỉ đạo các hoạt động ứng phó khẩn cấp trong
toàn tỉnh theo Kế hoạch này. Tùy theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch,
Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở,
ngành và địa phương triển khai các biện pháp bổ sung cho phù hợp với tình hình
thực tế.
2. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan
đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, cơ
chế chính sách do Trung ương giao hoặc địa phương ban hành liên quan đến dịch bệnh
VDNC.
- Tổng hợp, thẩm định dự toán do Chi
cục Chăn nuôi và Thú y lập để triển khai kế hoạch. Chỉ đạo
công tác báo cáo quyết toán kinh phí gửi Sở Tài chính trình Bộ Tài chính hỗ trợ
kinh phí.
- Thành lập các đoàn công tác kiểm
tra, đôn đốc, chỉ đạo các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm công tác phòng, chống
dịch; báo cáo UBND tỉnh tình hình công tác triển khai tại các địa phương.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
+ Phối hợp với các Sở, Ngành, các địa
phương: Theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình bệnh gia súc, gia cầm trên địa
bàn tỉnh để kịp thời báo cáo, tham mưu phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả; chuẩn
bị đầy đủ vắc xin, vật tư, hóa chất..., phối hợp với các địa phương xử lý dịch
trong diện hẹp.
+ Chỉ đạo Trạm Kiểm dịch động vật Bắc
Nghệ An, Tổ công tác lưu động liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt
động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật và công tác tổ
chức triển khai các giải pháp tại địa phương
+ Phân công cán bộ trực tiếp đến các
địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra công tác phòng, chống dịch.
+ Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản mẫu gửi
Chi cục Thú y Vùng 3 (thuộc Cục Thú y) hoặc Trung tâm chẩn
đoán Thú y Trung ương xét nghiệm xác định lưu hành bệnh VDNC tại vùng dịch,
vùng bị dịch uy hiếp và các vùng có nguy cơ cao gửi để kịp
thời phát hiện và xử lý khi phát hiện bệnh.
+ Hướng dẫn tiêm phòng, xử lý phản ứng
sau tiêm phòng, điều trị triệu chứng kế phát do bệnh VDNC.
3. Sở Tài chính
- Căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh
hàng năm tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phòng chống dịch theo quy định.
- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính bổ sung
ngân sách hàng năm cho địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để
đảm bảo nguồn lực thực hiện Kế hoạch
4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và chính quyền các địa phương hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường
phục vụ công tác phòng chống bệnh VDNC.
5. Sở Thông tin và Truyền
thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng cần
thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh VDNC và
các biện pháp phòng chống dịch; có chuyên mục riêng về phòng chống bệnh VDNC.
6. Các Sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn đã được phân công chủ động phối hợp
với ngành chuyên môn, các địa phương để theo dõi, chỉ đạo
việc triển khai, thực hiện Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh VDNC đảm bảo hiệu
quả.
7. Công an tỉnh, Cục Quản
lý thị trường: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các lực
lượng chức năng phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương tăng cường
kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận
chuyển trâu bò, sản phẩm trâu bò trái phép, không rõ nguồn
gốc. Bố trí lực lượng tham gia Tổ công tác lưu động liên
ngành của tỉnh và Chốt kiểm soát dịch tại các địa phương trên các tuyến Quốc lộ
và trục đường giao thông chính.
8. BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh,
Cục Hải quan: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ khu vực
biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phối hợp với các lực
lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
trong buôn bán, vận chuyển trái phép trâu bò, sản phẩm trâu bò.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh phối hợp chặt
chẽ với các sở, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hội viên, đoàn viên, nhân dân thực hiện
các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC.
10. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã
- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và
PTNT/Phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, các phòng, ngành liên quan
và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện nội dung Kế hoạch này.
- Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống
dịch cấp huyện để chỉ đạo, giám sát về công tác phòng, chống dịch tại địa
phương; phân công địa bàn, nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cụ
thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo trong giám sát, báo cáo dịch bệnh; chỉ đạo
UBND xã thành lập các Tổ giám sát cộng đồng tại thôn, xóm để giám sát, theo
dõi, báo cáo về tình hình chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có dịch
phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp,
vùng nguy cơ cao (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y). Huy động nguồn lực của địa
phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt dịch bệnh,
ngăn chặn dịch lây lan; đồng thời, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức chống
dịch tại các địa phương nơi có dịch.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn,
các phòng, ban, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, triển khai đồng
bộ các biện pháp phòng chống bệnh VDNC theo theo quy định của pháp luật và các
văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh.
- Chỉ đạo tăng cường áp dụng các biện
pháp phòng dịch như tiêm phòng vắc xin, vệ sinh khử trùng tiêu độc bằng hóa chất, vôi bột, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ, chăn nuôi
an toàn...
Trong quá trình thực hiện nếu phát
sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn soát xét, tổng hợp, chủ trì tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý
kịp thời./.