Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 84-CP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ Người ký: Lê Thanh Nghị
Ngày ban hành: 24/04/1970 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 1970 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH ỔN ĐỊNH NGHĨA VỤ LƯƠNG THỰC VÀ PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC (PHIÊN HỌP TOÀN THỂ HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ NGÀY 03 THÁNG 03 NĂM 1970)

I. CHÍNH SÁCH LƯƠNG THỰC TRONG MẤY NĂM QUA VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CHÍNH SÁCH LƯƠNG THỰC TRONG THỜI GIAN TỚI

Lương thực là nhu cầu cơ bản nhất của đời sống và là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách, trong đó có chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực ban hành năm 1963, nhằm phát triển sản xuất, tăng cường quản lý lưu thông phân phối, hướng dẫn tiêu dùng hợp lý và tiết kiệm lương thực.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, những chủ trương, chính sách và biện pháp của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết vấn đề lương thực đã được bổ sung cho thích ứng với điều kiện cả nước có chiến tranh, đã góp phần duy trì sản xuất, bảo đảm nhu cầu chiến đấu và đời sống nhân dân, làm cho người đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu được yên tâm về đời sống của gia đình họ. Các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân đã cố gắng phấn đấu sản xuất để vừa bảo đảm lương thực cho bản thân, vừa làm nhiệm vụ đóng góp lương thực cho Nhà nước, góp phần vào những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.

Tuy nhiên, việc tổ chức chỉ đạo thực hiện chính sách có nhiều thiếu sót, nội dung chính sách cũng có những nhược điểm: chưa khuyến khích đúng mức việc đẩy mạnh sản xuất lương thực; nghĩa vụ lương thực của hợp tác xã nông nghiệp không được ổn định; việc xác định mức huy động lương thực cho các hợp tác xã một số nơi làm không được sát, đúng; việc phân phối lương thực của hợp tác xã nông nghiệp chưa thể hiện được đầy đủ nguyên tắc phân phối theo lao động, nhiều nơi phân phối lại chưa được công bằng hợp lý; nguyên tắc tiết kiệm tiêu dùng lương thực chưa được chú ý đề cao; cung cấp lương thực của Nhà nước thiếu chặt chẽ; công tác quản lý thị trường buông lỏng v.v…

Những nhược điểm thiếu sót trên đã phát sinh tác dụng tiêu cực đối với sản xuất lương thực, đối với việc huy động và phân phối lương thực trong những năm gần đây; nhiều hợp tác xã và nông dân thiếu yên tâm và phấn khởi sản xuất, ý thức làm nghĩa vụ đối với Nhà nước sút kém, khuynh hướng ỷ lại vào Nhà nước nảy nở, khối lượng lương thực Nhà nước phải bán ra cho nông dân thiếu ăn ngày càng tăng, khối lượng lương thực phải nhập khẩu ngày càng nhiều, thị trường tự do về lương thực có chiều hướng phát triển.

Hiện nay, trong điều kiện miền Bắc đã chuyển sang thời kỳ vừa khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam, vấn đề khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lương thực, thực phẩm là nhiệm vụ hàng đầu. Phương hướng cơ bản giải quyết vấn đề lương thực là: trên tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, tập trung sức phát triển sản xuất, tăng cường quản lý lưu thông và phân phối, tiêu dùng hợp lý và tiết kiệm, vươn lên mạnh mẽ, tiến tới tự lực giải quyết vấn đề lương thực một cách vững chắc. Để bảo đảm thực hiện phương hướng trên, chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề lương thực là: bằng mọi cách giúp đỡ và khuyến khích các hợp tác xã và nông dân phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là sản xuất lương thực, thực phẩm. Trên cơ sở sản xuất phát triển, thi hành tốt chính sách thu mua và phân phối lương thực nhằm phục vụ tốt cho sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Chính sách thu mua và phân phối lương thực phải quán triệt một cách toàn diện những quan điểm, nguyên tắc sau đây:

1. Làm cho nông dân yên tâm, phấn khởi đẩy mạnh sản xuất lương thực nhằm giải quyết một cách vững chắc nhu cầu về lương thực trong phạm vi toàn miền Bắc, trên tinh thần đề cao tự lực cánh sinh xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân các địa phương phấn đấu đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm để bảo đảm nhu cầu lương thực của mình và đóng góp ngày càng nhiều lương thực cho Nhà nước.

2. Đề cao tinh thần tự lực cánh sinh trong việc giải quyết lương thực. Phải trên cơ sở khắc phục tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, trông chờ vào nhập khẩu mà làm cho các hợp tác xã nông nghiệp, các hộ nông dân và các địa phương phấn đấu vươn lên tự lực giải quyết nhu cầu về lương thực và làm tốt nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước. Những nơi xưa nay vẫn thiếu lương thực thì phải phấn đấu tự túc về lương thực; những nơi đã làm nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước thì phải phấn đấu làm tốt hơn nữa. Những nơi được Nhà nước cung cấp lương thực thì phải hết sức tiết kiệm tiêu dùng về lương thực.

3. Thực hiện đúng đắn nguyên tắc phân phối theo lao động trong nội bộ hợp tác xã nhằm khuyến khích mọi người hăng hái tham gia lao động để tạo ra được nhiều sản phẩm lương thực thực phẩm cho xã hội, đồng thời phát huy truyền thống tương trợ, hữu ái giai cấp của nông dân, nhằm giải quyết lương thực cho những hộ xã viên đã tích cực lao động mà vẫn còn thiếu, góp phần đoàn kết nông thôn, ổn định đời sống của quần chúng.

4. Tăng cường quản lý của Nhà nước trong việc phân phối lương thực của toàn xã hội theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm.

Nhà nước phải tăng cường quản lý lương thực một cách toàn diện, thực hiện phân phối có tổ chức, có kế hoạch; nghiêm cấm thương nhân buôn bán thóc, gạo, ngô, bột mì, nghiêm cấm tệ nấu rượu trái phép, từng bước xóa bỏ thị trường tự do về lương thực.

Triệt để tiết kiệm tiêu dùng lương thực, kiên quyết chống lãng phí, đầu cơ, ăn cắp lương thực của Nhà nước và của hợp tác xã.

Kết hợp chặt chẽ quản lý phân phối lương thực với quản lý lao động xã hội, thực hiện phân công mới lao động xã hội, góp phần bảo đảm trật tự trị an.

5. Tăng cường và củng cố công nông liên minh. Giai cấp công nhân có nhiệm vụ giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp; không ngừng củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, mở rộng sự trao đổi hàng hóa có tổ chức giữa Nhà nước và nông dân theo một chính sách công bằng hợp lý, tăng cường cung cấp hàng công nghiệp (tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng) cho nông dân, bảo đảm quyền làm chủ của nông dân đối với số lương thực và nông sản còn lại sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước. Giai cấp nông dân tập thể phải ra sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển, thực hành tiết kiệm nhằm vừa bảo đảm nhu cầu lương thực cho bản thân vừa bảo đảm đóng góp ngày càng nhiều lương thực và nông sản cho Nhà nước, giúp Nhà nước nắm chắc lực lượng lương thực và nông sản trong tay để đáp ứng nhu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước.

II. CHÍNH SÁCH ỔN ĐỊNH NGHĨA VỤ LƯƠNG THỰC

1. Từ năm 1970 trở đi, Nhà nước ổn định mức nghĩa vụ lương thực (bằng thóc và ngô) dưới hình thức thuế và thu mua cho các hợp tác xã và hộ nông dân cá thể. Các khoản lệ phí khác từ nay thu bằng tiền. Mức nghĩa vụ kỳ này được ổn định trong 5 năm, từ năm 1970 đến 1974. Trong thời gian 5 năm ấy, mức này không thay đổi, trừ trường hợp diện tích trồng lúa và ngô của hợp tác xã thay đổi lớn do dùng vào xây dựng cơ bản của Nhà nước, hoặc do chuyển sang trồng cây khác theo yêu cầu của Nhà nước.

Khi định mức ổn định nghĩa vụ lương thực cần quán triệt những quan điểm, nguyên tắc nói trên. Căn cứ để định mức ổn định là dựa vào kết quả huy động bình quân 3 năm (năm cao nhất, năm bình thường, năm sút kém), tính  trong những năm từ 1963 đến 1969, đồng thời dựa vào tình hình thực tế sản xuất và đời sống hiện nay, nhìn khả năng mấy năm tới, và tham khảo mức ổn định nghĩa vụ mà Nhà nước đã giao năm 1963.

Mức ổn định nghĩa vụ giao theo số lượng tuyệt đối cho cả năm, nhưng có định mức tạm thu trong vụ chiêm, và giữa hai vụ trong một năm có thể cho phép được bù trừ để bảo đảm cho nông dân có được mức lương thực còn lại cần thiết và để bảo đảm thực hiện được mức nghĩa vụ đã ổn định tính chung cho cả năm.

Hợp tác xã nào hoàn thành tốt mức nghĩa vụ ổn định thì tùy tình hình cụ thể sẽ được Nhà nước xét khen thưởng thích đáng.

Trường hợp vì có thiên tai nặng, địch họa lớn, mùa màng bị sút kém nặng, nếu cứ giữ nguyên mức nghĩa vụ đã ổn định sẽ gây ảnh hưởng đến mức sống tối thiểu của nông dân, thì Nhà nước sẽ giảm mức nghĩa vụ trong năm đó.

Khi gặp mất mùa, thiếu ăn, hợp tác xã và xã viên nông dân phải cố gắng tăng thêm rau mầu ngắn ngày để tự giải quyết, hoặc vận động, tương trợ nhau trong hợp tác xã và giữa các hợp tác xã với nhau. Trường hợp hợp tác xã đã cố gắng mọi mặt nhưng vẫn không tự giải quyết được, thì Nhà nước có thể xem xét giúp đỡ thêm.

2. Ở vùng đại đồng mầu, đối với hợp tác xã và hộ nông dân cá thể trồng nhiều mầu (khoai, sắn), Nhà nước giao mức ổn định nghĩa vụ lương thực bằng mầu khô như đối với thóc, ngô.

 Đối với những hợp tác xã sản xuất vừa thóc vừa mầu, lâu nay chỉ làm nghĩa vụ lương thực bằng thóc, thì cho phép nộp một phần mầu, một phần thóc.

Để phục vụ tốt cho sản xuất, phân phối và tiêu dùng hoa mầu, các ngành, các cấp cần tập trung sức giúp hợp tác xã nông nghiệp và nông dân giải quyết tốt khâu đào dỡ, chế biến và vận chuyển hoa mầu, nhất là ở các vùng sản xuất mầu tập trung, việc sơ chế hoa mầu từ tươi ra khô chủ yếu là do các hợp tác xã nông nghiệp và xã viên nông dân tự làm với sự hướng dẫn, giúp đỡ của Nhà nước về kỹ thuật và công cụ chế biến.

3. Việc áp dụng chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực đối với miền núi phải thích hợp với điều kiện cụ thể khác nhau của từng vùng; ở vùng cao và vùng giữa phải chú ý kết hợp chặt chẽ với chính sách định canh, định cư, nhằm cố gắng giải quyết lương thực, thực phẩm tại chỗ (bằng nhiều loại: thóc, ngô, sắn, khoai, đỗ…) tạo thêm điều kiện phấn đấu từng bước, phát huy 3 thế mạnh lớn của miền núi là: nghề rừng, cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Bộ Lương thực và thực phẩm cùng Ủy ban Dân tộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thi hành.

4. Sau khi hợp tác xã và nông dân đã hoàn thành nghĩa vụ lương thực, những hộ nông dân có thừa lương thực được toàn quyền sử dụng số lương thực thừa của mình có thể để dự trữ để phát triển chăn nuôi, để bán cho Nhà nước ngoài nghĩa vụ, hoặc bán cho những hộ thiếu lương thực trong địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu của những hộ nông dân cần bán lương thực thừa và để tăng cường quản lý lương thực chung của xã hội, đồng thời để Nhà nước có thêm lực lượng góp phần thực hiện tốt cân đối lương thực của Nhà nước, Nhà nước sẽ tổ chức mua số lương thực thừa của nông dân bán ngoài nghĩa vụ.

Việc mua lương thực ngoài nghĩa vụ được thực hiện theo nguyên tắc thuận mua vừa bán và theo phương thức trao đổi hàng công nghiệp.

5. Để khuyến khích sản xuất lương thực và để điều hòa một phần thu nhập giữa các vùng, giữa các hợp tác xã cho được công bằng hợp lý, Hội đồng Chính phủ quyết định:

a) Điều chỉnh giá mua lương thực trong nghĩa vụ như sau:

- Thóc từ 0,27đ lên 0,30đ/1kg,

- Ngô từ 0,30đ lên 0,33đ/1kg.

b) Nâng giá mua các loại thóc đặc sản và các loại hoa màu chế biến bán trong nghĩa vụ như sau:

- Thóc nếp cái, dự hương nâng từ 0,34đ lên 0,52đ/1kg,

- Thóc tám thơm nâng từ 0,36đ lên 0,54đ/kg,

- Khoai lang lát khô nâng từ 0,31đ lên 0,34đ/1kg,

- Sắn lát khô (đã bóc vỏ dày) nâng từ 0,23đ lên 0,38đ/1kg.

c) Nâng giá mua lương thực bán trong nghĩa vụ cho các vùng sản xuất có nhiều khó khăn (khu 4 và đồng chiêm trũng) như sau:

- Thóc ở vùng Nghệ-an trở vào nâng từ 0,28đ lên 0,32đ/1kg,

- Khoai lang lát khô tại liên khu 4 cũ nâng từ 0,32đ lên 0,35đ/1kg,

- Sắn lát khô (đã bóc vỏ dày) tại liên khu 4 cũ nâng từ 0,36đ lên 0,39đ/1kg,

- Thóc ở vùng chiêm trũng đương trên quá trình cải tạo đồng ruộng chưa kiến thiết xong, sản xuất thường xuyên còn gặp khó khăn nâng từ 0,28đ lên 0,32đ/1kg (Riêng từ Nghệ-an trở vào nâng lên 0,34đ/1kg).

Việc nâng giá nói trên được áp dụng từ vụ chiêm năm 1970.

6. Các hợp tác xã nông nghiệp và các hộ nông dân có nhiệm vụ vận chuyển số lương thực trong nghĩa vụ đến kho thóc của Nhà nước. Cách tính toán để trả thù lao vận chuyển như sau: mỗi lao động tính bình quân trong một năm có nhiệm vụ vận chuyển 5 tạ/kilômét không hưởng thù lao; nếu vận chuyển quá mức quy định trên đây, cơ quan thu mua phải trả cước vận chuyển cho hợp tác xã và các hộ nông dân theo giá cước chung của Nhà nước quy định cho mỗi loại phương tiện vận tải.

III. CHÍNH SÁCH PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC TRONG HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Để khuyến khích những xã viên làm tốt, làm giỏi, đóng góp nhiều công sức cho hợp tác xã và để đấu tranh, giáo dục những người chây lười, không chăm lo xây dựng hợp tác xã, việc phân phối lương thực trong nội bộ hợp tác xã phải theo đúng nguyên tắc phân phối theo lao động: “người làm nhiều được hưởng nhiều, người làm ít được hưởng ít, người có sức lao động mà không làm thì không được hưởng”, đồng thời có chính sách hợp tình hợp lý giúp đỡ những gia đình thiếu lương thực vì thiếu sức lao động, ưu tiên cho những gia đình có người đi chiến đấu.

Về việc vận dụng nguyên tắc phân phối theo lao động, Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp trung ương có trách nhiệm nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ quy định.

Về việc giải quyết lương thực cho những gia đình vì thiếu sức lao động mà thiếu lương thực, hướng chủ yếu là sắp xếp việc làm trong hợp tác xã phù hợp với khả năng lao động của họ, để tạo cho họ có thu nhập về lương thực. Trong trường hợp có những gia đình tuy đã cố gắng lao động sản xuất trong hợp tác xã, nhưng vẫn còn thiếu lương thực thì giải quyết như sau:

1. Đối với những gia đình liệt sĩ, thương binh và những gia đình có những người đang đi chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu, nếu thiếu sức lao động và đã cố gắng lao động sản xuất trong hợp tác xã mà vẫn thiếu lương thực, hợp tác xã có trách nhiệm dành một phần lương thực bán thêm theo giá chỉ đạo mua trong nghĩa vụ của Nhà nước, để bảo đảm cho những gia đình này có mức ăn cần thiết tối thiểu cũng bằng mức bình quân chung của hợp tác xã.

2. Đối với những người không có hoặc không đủ sức lao động và không nơi nương tựa (già yếu, đau ốm, tàn tật…) mà bị thiếu lương thực, hợp tác xã cần trích quỹ công ích của hợp tác xã để giúp đỡ.

3. Đối với cán bộ xã, trước hết phải bố trí công tác hợp lý, tinh giản bộ máy ở xã và bớt hội họp, nhằm bảo đảm cho cán bộ có thì giờ tham gia sản xuất để tự giải quyết nhu cầu lương thực cho bản thân và gia đình. Riêng đối với một số cán bộ chủ chốt và cán bộ phải đảm nhiệm nhiều công việc của xã và hợp tác xã, bản thân và gia đình đã cố gắng lao động sản xuất trong hợp tác xã mà vẫn thiếu lương thực, hợp tác xã và xã viên cần bán cho các hộ này một số lương thực để có đủ mức ăn bình quân nghĩa vụ của Nhà nước, hoặc cao hơn một ít.

4. Đối với những gia đình xã viên có người là công nhân, viên chức Nhà nước nếu thiếu sức lao động và đã cố gắng lao động sản xuất trong hợp tác xã mà vẫn có khó khăn về lương thực, thì giải quyết như đối với cán bộ xã.

5. Đối với những hộ xã viên neo đơn khác đã cố gắng lao động sản xuất mà vẫn thiếu lương thực thì hợp tác xã chú ý giải quyết

Hợp tác xã và xã viên bàn bạc quyết định cụ thể mức bán và giá bán lương thực cho các đối tượng nói trong điểm 3, 4 và 5.

Những người có sức lao động mà lười biếng, không chịu làm cho tập thể, và những người không chịu theo sự quản lý lao động của hợp tác xã thì không được hưởng quyền phân phối lương thực của hợp tác xã hoặc của Nhà nước.

Cần tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp từng bước xây dựng quỹ dự trữ lương thực cần thiết, đề phòng khi mất mùa thiếu ăn. Việc xây dựng quỹ dự trữ phải dựa trên cơ sở phát triển sản xuất, tiêu dùng tiết kiệm, bảo đảm hoàn thành tốt nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước và bảo đảm mức ăn cần thiết cho xã viên. Phải có chế độ quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập quỹ này, chống tham ô lãng phí, chống lợi dụng hưởng riêng hoặc chi phí vào việc liên hoan bừa bãi. Ban Quản lý hợp tác xã nông nghiệp trung ương có trách nhiệm nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ quy định việc xây dựng và quản lý quỹ nghĩa thương hoặc quỹ dự trữ lương thực của hợp tác xã.

IV. CHÍNH SÁCH PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG SẢN XUẤT LƯƠNG THỰC

1. Đối với vùng trồng cây công nghiệp, rau, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung theo quy hoạch của Nhà nước và có hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước, chính sách lương thực phải thể hiện được tinh thần bảo đảm cho những hợp tác xã ở những vùng này có được mức lương thực cần thiết, khuyến khích thích đáng những hợp tác xã sản xuất giỏi, bán nhiều nông sản cho Nhà nước; bảo đảm cung cấp lương thực được kịp thời, thuận tiện và theo đúng những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng giữa Nhà nước với nông dân. Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm có trách nhiệm nghiên cứu cải tiến chính sách lương thực và chính sách thu mua đối với những sản phẩm trên ở những vùng này, trình Thủ tướng Chính phủ xét ban hành.

2. Đối với những người làm nghề phụ và nghề thủ công trong các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay, nói chung nên để hợp tác xã nông nghiệp quản lý để sử dụng hợp lý sức lao động và phát triển kinh doanh nhiều ngành, nhiều nghề trong hợp tác xã nông nghiệp. Trường hợp ở nơi ít ruộng đất, có nhiều người làm nghề thủ công và sản xuất tập trung, có sản lượng lớn và có điều kiện phát triển, nếu tách thành hợp tác xã thủ công nghiệp có lợi hơn cho sản xuất công nông nghiệp, tăng thêm sản phẩm cho xã hội, tăng thêm thu nhập cho quần chúng, có lợi cho Nhà nước, giữ được đoàn kết trong nông thôn, thì có thể được tách khỏi hợp tác xã nông nghiệp, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét cụ thể và quyết định. Những nơi nào vừa qua đã tách thủ công nghiệp ra khỏi nông nghiệp không đúng tinh thần trên, thì phải xem xét và điều chỉnh lại cho hợp lý.

3. Đối với khu vực không sản xuất nông nghiệp, Hội đồng Chính phủ có chỉ thị riêng nhằm đề cao tiết kiệm và quản lý chặt chẽ lương thực của Nhà nước.

V. CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG LƯƠNG THỰC

Để tăng cường quản lý lương thực trong xã hội, bảo đảm sự phân phối công bằng, hợp lý và tiêu dùng tiết kiệm, tiến tới xóa bỏ thị trường tự do về lương thực, trước mắt phải nghiêm cấm thương nhân buôn bán thóc, gạo, ngô, bột mì và những sản phẩm chế biến bằng các loại lương thực ấy; nghiêm chỉnh thi hành pháp lệnh qui định cấm nấu rượu trái phép.

Nông dân sau khi làm tròn nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước, nếu còn thóc, gạo, ngô thừa, cần để dự trữ phòng khi mất mùa; nếu cần bán thì có thể bán thêm cho Nhà nước, hoặc bán cho người thiếu lương thực trong xã và xã lân cận. Ở các thành phố phải triệt để cấm thương nhân buôn bán những mặt hàng lương thực đã nói ở trên. Để đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng của nhân dân, tạo điều kiện xóa bỏ thị trường tự do về lương thực, các ngành công nghiệp và thương nghiệp quốc doanh phải tăng cường chế biến lương thực và thực phẩm, tổ chức tốt việc chế biến bột mì, hoa mầu, quà bún bánh, củng cố tốt và phát triển thêm các nhà ăn tập thể, mở rộng hệ thống phục vụ ăn uống công cộng…

VI. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Thi hành chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực và chính sách phân phối lương thực là một cuộc vận động chính trị lớn ở nông thôn. Các ngành ở trung ương và các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách lương thực của Đảng và Nhà nước theo kế hoạch hướng dẫn thực hiện.

Các ngành ở trung ương, nhất là Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Nông nghiệp, căn cứ theo chức năng và nhiệm vụ của mình, phải tích cực giải quyết những vấn đề liên quan đến sản xuất lương thực, thực phẩm, quản lý hợp tác xã nông nghiệp và thực hiện tốt chính sách lương thực.

Ủy ban hành chính các cấp từ tỉnh đến huyện, xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện toàn bộ chính sách và nhiệm vụ công tác lương thực của Nhà nước ở địa phương bao gồm cả quá trình từ sản xuất đến phân phối tiêu dùng, đồng thời có trách nhiệm xây dựng và quản lý tốt cân đối lương thực của địa phương theo sự phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương.

Trước hết, cần tiến hành thật tốt việc giáo dục chính sách cho cán bộ, đảng viên và xã viên nông dân nhằm: một mặt làm cho cán bộ, đảng viên quán triệt các quan điểm, nguyên tắc và nội dung tư tưởng của chính sách, đề cao quyết tâm thực hiện cho kịp vụ chiêm 1970 để phát huy tác dụng tích cực của chính sách phục vụ tốt cho sản xuất phát triển, khắc phục tư tưởng ngại khó muốn hoãn việc thi hành chính sách đến vụ mùa tới; một mặt làm cho xã viên nông dân thông suốt chính sách, thực sự yên tâm, phấn khởi, do đó mà hăng hái tham gia lao động tập thể xây dựng hợp tác xã, ra sức phát triển sản xuất lương thực thực phẩm, vừa tự cải thiện đời sống của mình vừa làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Về chỉ đạo thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ việc thi hành chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực trong hợp tác xã với việc thi hành điều lệ hợp tác xã, với cuộc vận động dân chủ và cuộc vận động lao động sản xuất hiện nay. Cần phân công cán bộ lãnh đạo và tập trung một lực lượng cán bộ cần thiết đưa xuống cơ sở để giúp hợp tác xã nông nghiệp tiến hành các cuộc vận động nói trên, chú trọng đi sâu vào việc tổ chức học tập chính sách lương thực, hướng dẫn việc phân phối trong nội bộ hợp tác xã theo chính sách mới cho kịp vụ thu hoạch vụ chiêm năm nay.

Chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ trong chính sách của Đảng và Chính phủ ở nông thôn hiện nay nhằm khuyến khích mạnh mẽ sản xuất trong khu vực kinh tế tập thể.

Hội đồng Chính phủ chỉ thị các Bộ và các cấp chính quyền địa phương, từ tỉnh đến xã, phải nghiên cứu kỹ và thi hành nghiêm chỉnh nghị quyết này, bảo đảm hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ công tác lương thực trong tình hình mới.

Hội đồng Chính phủ kêu gọi các hợp tác xã nông nghiệp và xã viên, nông dân hãy phát huy hơn nữa tinh thần làm chủ tập thể và làm chủ đất nước: không ngừng chăm lo xây dựng và cải tiến quản lý hợp tác xã, ra sức phát triển sản xuất nông nghiệp nhất là lương thực, thực phẩm, chấp hành đầy đủ chính sách lương thực mới của Đảng và Nhà nước, góp phần lương thực xứng đáng hơn nữa vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước trong cả nước.

 

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết số 84-CP ngày 24/04/1970 về chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực do Hội đồng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.503

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.84.200
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!