HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
19/2016/NQ-HĐND
|
Quảng Nam,
ngày 19 tháng 7 năm 2016
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH THUỶ SẢN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN
NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm
2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng
06 năm 2014;
Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm
2012;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm
2013;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07
tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm
2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng
9 năm 2006;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31
tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm
định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Xét Tờ trình số 3095/TTr-UBND ngày 05 tháng 7
năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định điều
chỉnh quy hoạch tổng thể ngành thuỷ sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn
đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 29/BC-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban
Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội
đồng nhân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Quy hoạch phát triển ngành
thuỷ sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với các nội dung
chủ yếu sau:
Điều 1.
Mục tiêu tổng quát
Từng bước hiện đại hóa ngành
thủy sản trên tất cả các lĩnh vực, đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mạnh
của tỉnh, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ
giữa mục tiêu phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi
thủy sản và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Điều 2.
Các chỉ tiêu triển phát
1. Các chỉ tiêu phát triển đến
năm 2020
a) Giá trị sản xuất ngành thủy
sản (theo giá so sánh 2010) đạt 4.200 tỷ đồng, chiếm từ 29-30% trong cơ cấu nội
bộ ngành nông nghiệp, trong đó: khai thác thủy sản đạt 2.500 tỷ đồng; nuôi trồng
thủy sản đạt 1.700 tỷ đồng.
b) Tổng sản lượng thuỷ sản đạt
110.000-120.000 tấn, trong đó: khai thác thủy sản chiếm 77%; nuôi trồng thủy sản
chiếm 23%.
c) Giá trị kim ngạch xuất khẩu
thủy sản đạt 46 triệu USD, tăng trưởng bình quân từ 15-17%/năm.
d) Giải quyết việc làm cho
khoảng 41 nghìn người, trong đó có trên 60% số lao động nghề cá được đào tạo, tập
huấn.
e) Phấn đấu giảm tổn thất
sau thu hoạch sản phẩm khai thác hải sản theo mục tiêu của Trung ương đề ra (dưới
10%).
2. Các chỉ tiêu phát triển đến
năm 2030
a) Giá trị sản xuất ngành thủy
sản (theo giá so sánh 2010) đạt 5.700 tỷ đồng, chiếm 32-33% trong cơ cấu nội bộ
ngành nông nghiệp, trong đó: khai thác thủy sản đạt 3.500 tỷ đồng; nuôi trồng
thủy sản đạt 2.200 tỷ đồng.
b) Tổng sản lượng thủy sản đạt
125.000-130.000 tấn, trong đó: khai thác thủy sản sản chiếm 73%, nuôi trồng thủy
sản chiếm 27%.
c) Giá trị kim ngạch xuất khẩu
đạt 110 triệu USD, tăng trưởng bình quân từ 8-10%/năm.
d) Giải quyết việc làm cho
khoảng 45 nghìn người, trong đó: có trên 70% số lao động nghề cá được đào tạo,
tập huấn.
Điều 3.
Nội dung quy hoạch
1. Khai thác và bảo vệ nguồn
lợi thủy sản
a) Về sản lượng khai thác: Tổng
sản lượng khai thác vào năm 2020 đạt 85.000 tấn, trong đó: khai thác hải sản xa
bờ đạt 55.250 tấn (chiếm 65%); khai thác nội địa và ven bờ đạt 29.750 tấn (chiếm
35%). Đến năm 2030, tổng sản lượng khai thác đạt 95.000 tấn, trong đó: khai
thác xa bờ đạt 66.500 tấn (chiếm 70%); khai thác nội địa và ven bờ đạt 28.500 tấn
(chiếm 30%).
b) Về năng lực tàu thuyền
khai thác: Giảm dần số lượng tàu thuyền khai thác từ 4.231 chiếc (năm 2015) xuống
còn 3.700 chiếc vào năm 2020, trong đó đội tàu khai thác xa bờ đạt 750 chiếc; tổng
công suất tàu cá đạt 270.000 CV, trong đó công suất tàu xa bờ đạt 230.000 CV. Đến
năm 2030, tổng số tàu toàn tỉnh giảm xuống còn 3.300 chiếc, trong đó đội tàu
khai thác xa bờ 900 chiếc; tổng công suất tàu cá là 325.000 CV, trong đó: công
suất tàu xa bờ đạt 290.000 CV.
Phát triển đội tàu dịch vụ hậu
cần nghề cá phục vụ cho các tàu khai thác hải sản xa bờ đạt 75 chiếc vào năm
2020 và 90 chiếc vào năm 2030.
c) Về bảo vệ và phát triển
nguồn lợi thủy sản: Quy hoạch, thành lập khu bảo tồn sinh vật thủy sinh hồ Phú
Ninh; khu bảo tồn biển Mũi An Hòa xã Tam Hải, huyện Núi Thành theo mô hình đồng
quản lý; khu bảo tồn vùng nước nội địa Vu Gia - Thu Bồn. Xây dựng khu bảo tồn
nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học tại thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, huyện Thăng
Bình. Chú trọng công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, triển khai thực hiện một số
chương trình thả giống ra các vùng nước tự nhiên đối với một số đối tượng thủy
sản có nguy cơ cạn kiệt.
d) Về hậu cần dịch vụ khai
thác thủy sản: Hình thành cơ sở hậu cần nghề cá đồng bộ, thu hút tàu đánh bắt
xa bờ có công suất lớn của địa phương và khu vực lân cận, là đầu mối tập trung
và phân phối hàng thủy sản tại khu vực; đồng thời, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề
cá, hỗ trợ dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, hình thành khu neo đậu tránh bão theo quy
hoạch được duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng
Chính phủ và theo nhu cầu của địa phương.
2. Nuôi trồng thủy sản
a) Đến năm 2020, tổng sản lượng
nuôi trồng thủy sản đạt 25.000 tấn, trong đó nuôi nước mặn, lợ 16.000 tấn; nuôi
nước ngọt 9.000 tấn.
b) Đến năm 2030, tổng sản lượng
nuôi trồng thủy sản đạt 34.000 tấn, trong đó: nuôi nước mặn, lợ 23.600 tấn;
nuôi nước ngọt 10.400 tấn.
3. Chế biến thủy sản
a) Về sản lượng chế biến thủy
sản: Đến năm 2020 sản xuất được 31.000 tấn sản phẩm với tốc độ tăng trưởng bình
quân hằng năm 11%/năm và đến năm 2030 sản xuất được 50.500 tấn sản phẩm với tốc
độ tăng trưởng bình quân hằng năm tăng trưởng 5%/năm. Trong đó:
Đối với chế biến xuất khẩu:
Sản lượng xuất khẩu thủy sản đến năm 2020 đạt 10.000 tấn với tốc độ tăng trưởng
bình quân hằng năm 17%/năm và đến năm 2030 đạt 27.000 tấn với tốc độ tăng trưởng
bình quân hằng năm tăng trưởng 10%/năm.
Đối với chế biến các mặt
hàng nội địa: Tổng sản phẩm thủy sản chế biến nội địa đến năm 2020 đạt 21.000 tấn
với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 8%/năm và đến năm 2030 sản lượng chế
biến đạt 23.500 tấn với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 1%/năm, trong đó
chế biến mặt hàng khô đến năm 2020 sản lượng chế biến đạt 9.500 tấn với tốc độ
tăng trưởng bình quân hằng năm 4%/năm và đến năm 2030 sản lượng chế biến đạt
10.000 tấn với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm tăng trưởng 1%/năm.
b) Về nhu cầu công suất, nhà
máy chế biến: Đến năm 2020 để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cần đầu tư nhà máy chế
biến có tổng công suất đạt 8.000 tấn/năm, trong đó: công suất nhà máy cho chế
biến đông lạnh và giá trị gia tăng cần 6.000 tấn/năm; chế biến khô cần 2.000 tấn/năm.
Đến năm 2030 công suất chế biến nâng lên 12.000 tấn/năm, trong đó công suất cho
chế biến đông lạnh cần 9.000 tấn/năm và chế biến khô cần 3.000 tấn/năm.
c) Về hậu cần dịch vụ cho chế
biến thủy sản:
Chế biến xuất khẩu: Trong
giai đoạn 2016-2020, phát triển nhà máy/phân xưởng chế biến thủy sản tập trung
tại khu công nghiệp huyện Núi Thành, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn.
Chế biến nội địa: Đầu tư xây
dựng các làng nghề sản xuất chế biến thủy sản tại các cụm công nghiệp trên địa
bàn các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, thị xã Điện Bàn, thành phố Tam Kỳ để chế
biến nước mắm, hàng khô, sơ chế thủy sản đông lạnh.
4. Các dự án ưu tiên đầu tư:
Chi tiết theo phụ lục 01, 02, 03 và 04 đính kèm.
5. Nhu cầu vốn đầu tư
a) Tổng nhu cầu vốn phát triển
thủy sản toàn tỉnh giai đoạn 2016-2030 là 3.548 tỷ đồng, gồm: Nguồn vốn ngân
sách là 1.097 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 30,9% tổng nguồn vốn); nguồn vốn khác (gồm:
vốn vay, tổ chức nghề nghiệp, cá nhân, tổ chức phi Chính phủ và các nguồn vốn
khác) khoảng 2.451 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 69,1% tổng nguồn vốn). b) Cơ cấu vốn
theo lĩnh vực đầu tư như sau: Vốn đầu tư cho lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn
lợi thủy sản khoảng 2.300 tỷ đồng, chiếm 64,9% (bao gồm cả dịch vụ hậu cần cho
khai thác thủy sản); vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng và dự án, cơ chế phát
triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản khoảng 748 tỷ đồng, chiếm 20,9 %; vốn đầu tư
cho lĩnh vực chế biến thủy sản khoảng 480 tỷ đồng, chiếm 13,6% (bao gồm cả dịch
vụ hậu cần cho chế biến thủy sản); vốn đầu tư cho nâng cao năng lực ngành thủy
sản giai đoạn 2016-2030 là 20 tỷ đồng, chiếm 0,6%.
6. Phân kỳ đầu tư:
a) Giai đoạn 2016-2020: Tổng
nguồn vốn đầu tư là 2.783 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách là 653 tỷ đồng; nguồn
vốn khác là 2.130 tỷ đồng.
b) Giai đoạn 2021- 2030: Tổng
vốn đầu tư là 765 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách là 424 tỷ đồng; nguồn vốn
khác là 341 tỷ đồng.
Điều 4.
Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản
cấp quốc gia và các quy định tại nghị quyết này triển khai thực hiện.
2. Thường trực Hội đồng nhân
dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng
nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa IX, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 19 tháng 7 năm
2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Quang
|