BAN BÍ THƯ
-----
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
-------
|
Số: 06-NQ/TW
|
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1998
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN
I - ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng của vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Trong quá trình đổi mới, đường lối đúng đắn của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn đã khơi dậy nguồn động lực to lớn của nhân dân, đưa đến những thành tựu rất quan trọng. Mười năm qua (1988 – 1998), sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, liên tục, với tốc độ cao (bình quân tăng 4,3%/năm). Cơ cấu kinh tế nông thôn bước đầu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tăng nhanh, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn (gạo, cà phê, cao su, tôm...). Cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thuỷ lợi được tăng cường. Đời sống của đại bộ phận nông dân được cải thiện. Nhiều nhân tố mới trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới xuất hiện. Những thành tựu đó góp phần rất quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đồng thời tiếp tục khẳng định vị trí rất quan trọng của nông nghiệp, nông thôn nước ta.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, cũng tồn tại những vấn đề cần giải quyết và khuyết điểm cần khắc phục: cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là về giống nhiều loại cây trồng, vật nuôi còn hạn chế, công nghiệp chế biến và ngành nghề kém phát triển; thị trường tiêu thụ nông sản hàng hoá gặp nhiều khó khăn, khả năng cạnh tranh của nông sản phẩm hàng hoá yếu, lao động dư thừa, nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống ở một số vùng còn rất thấp: quan hệ sản xuất ở nông thôn chậm đổi mới; tiềm năng to lớn về đất đai, rừng biển và lao động ở một số vùng chưa được khai thác có hiệu quả; đời sống của một bộ phận nông dân, nhất và ở vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém trên là:
1. Chúng ta chưa thực hiện nghiêm túc đường lối đúng đắn đã được nêu trong các nghị quyết Đại hội và nhiều nghị quyết Trung ương: coi công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong giai đoạn hiện nay.
2. Một số chính sách của Đảng và Nhà nước chậm đổi mới, chưa thông thoáng, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các chính sách về đất đai, khoa học công nghệ, tín dụng thị trường. Việc nghiên cứu vận dụng các kinh nghiệm quản lý tiên tiến trên thế giới vào điều kiện của ta còn nhiều hạn chế. Đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn còn thấp.
3. Trong điều hành chưa chú ý nắm bắt thực tiễn, không kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, uốn nắn sai lầm, lệch lạc trong thực hiện chủ trương chính sách; chậm tổng kết kinh nghiệm và những mô hình mới, những nhân tố mới của quần chúng, của các đơn vị cơ sở. Kinh tế nhà nước chưa được củng cố để phát huy vai trò chủ đạo và hướng dẫn, hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân. Công nghiệp, thương nghiệp chưa liên kết chặt chẽ nên chưa phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Luật đất đai có những quy định chưa phù hợp; việc thực hiện còn nhiều khuyết điểm và lúng túng.
4. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn và yêu cầu tăng cường khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức trong thời kỳ công nghiệp hoá. Một số địa phương chưa xác định đúng tiềm năng nội lực cần tập trung phát huy là ở nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống quản lý, chỉ đạo nông nghiệp và phát triển nông thôn còn phân tán, hiệu lực thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
II – QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
A. Quan điểm
1. Coi trọng thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong phát triển nông nghiệp (gồm cả lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp) và xây dựng nông thôn, đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn lên sản xuất lớn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, là cơ sở để ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, củng cố liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, ngành nghề gắn sản xuất với thị trường để hình thành sự liên kết nông - công nghiệp - dịch vụ và thị trường ngay trên địa bàn nông thôn và trên phạm vi cả nước; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; gắn công nghiệp hoá với thực hiện dân chủ hoá và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực ở nông thôn: tạo ra sự phân công lao động mới, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, thực hiện có kết quả mục tiêu phát triển dân số.
3. Phát huy lợi thế của từng vùng và cả nước, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển nông nghiệp hàng hoá đa dạng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu nông sản thực phẩm và nguyên liệu công nghiệp, hướng mạnh ra xuất khẩu.
4. Phát triển nền nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế hợp tác xã dần trở thành nền tảng, hợp tác và hướng dẫn kinh tế tư nhân phát triển theo đúng pháp luật. Tiếp tục phát triển nhiều hình thức kinh tế hợp tác; các loại hình hợp tác xã dịch vụ cho kinh tế hộ nông dân, từng bước xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã; chú trọng liên kết kinh tế nhà nước với các thành phần kinh tế khác. Tạo điều kiện và khuyến khích mạnh mẽ hộ nông dân và những người có khả năng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.
B. Mục tiêu
1. Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Từng bước cải thiện cơ cấu và chất lượng bữa ăn, tiến tới đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng.
2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng nhanh khối lượng sản phẩm hàng hoá, nhất là hàng nông, lâm, thuỷ sản qua chế biến; tăng kim ngạch xuất khẩu; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ trong cơ cấu kinh nông thôn.
3. Ban hành nhiều biện pháp để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn; xóa hộ đói (vào năm 2000), giảm tỷ lệ nghèo; phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, chú trọng phát triển hệ thống thuỷ lợi, bảo đảm đường giao thông thông suốt đến trung tâm xã, có đủ trường học, trạm y tế và nước sạch cho sinh hoạt.
4. Bảo vệ môi trường sinh thái; ngăn chặn nạn phá rừng; có chính sách để huy động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực khoanh nuôi, tái sinh bảo vệ và trồng rừng, đưa tỉ lệ che phủ của rừng đạt 48% vào năm 2010.
5. Nâng cao hiệu quả và năng lực đánh bắt, chú trọng thâm canh và đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ, hải sản phục vụ xuất khẩu; phấn đấu để sớm đứng vào hàng ngũ những quốc gia có sản lượng thuỷ, hải sản lớn của thế giới.
6. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, bảo đảm ổn định chính trị xã hội và đoàn kết nông thôn.
III - MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN
1. Đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn
Đẩy mạnh thâm canh lúa, từng bước hình thành các vùng tập trung sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo và đẩy mạnh xuất khẩu.
Hình thành các vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, rau, hoa quả, thâm canh, sử dụng các giống có chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Khuyến khích kinh tế hộ, hợp tác xã và trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, chú trọng khâu giống và công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; thực hiện các biện pháp để nâng cao năng suất và hạ giá thành, đưa chăn nuôi thực sự trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.
Tập trung bảo vệ có hiệu quả vốn rừng hiện có và làm giàu rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Triển khai thực hiện có hiệu quả dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Hình thành các vùng rừng sản xuất tập trung gắn với chế biến và nâng cao hiệu quả của nghề rừng.
Đầu tư đồng bộ cho chương trình nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản gắn với chế biến hiện đại. Ưu tiên đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ. Có chính sách hỗ trợ nông, ngư dân khai thác tốt các diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản tổ chức sản xuất và cung cấp giống tốt, phòng chống các loại bệnh, hỗ trợ nông dân phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
Hỗ trợ, khuyến khích sản xuất và sử dụng các loại máy móc thiết bị cơ khí sản xuất trong nước phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Khuyến khích phát triển các cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động và vật liệu tại chỗ.
Có chính sách khuyến khích mạnh các nguồn vốn của dân cư, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, dành một tỷ lệ quan trọng các nguồn vốn nhà nước huy động được để đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn hình thành các tổ hợp công - nông nghiệp - dịch vụ ở những địa bàn có điều kiện.
2. Chính sách về các thành phần kinh tế
Nền kinh tế nhiều thành phần trong nông nghiệp, nông thôn tồn tại lâu dài, mỗi thành phần có vị trí, vai trò riêng và đều được khuyến khích phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
a)Khuyến khích phát triển kinh tế hộ.
Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn (làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp... hoặc kết hợp làm nhiều ngành nghề là loại hình tổ chức sản xuất có hiệu quả về kinh tế - xã hội, tồn tại, phát triển lâu dài, có vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục khuyến khích kinh tế hộ phát triển mạnh mẽ để tạo ra lượng sản phẩm hàng hoá đa dạng có chất lượng, giá trị ngày càng cao, tăng thu nhập cho mỗi gia đình nông dân, cải thiện đời sống mọi mặt ở nông thôn, cung cấp sản phẩm cho đô thị, công nghiệp và xuất khẩu, đồng thời thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngay từ kinh tế hộ.
Sớm hoàn thành việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ổn định lâu dài cho hộ nông dân; mở rộng việc cho nông dân vay vốn bằng nhiều hình thức phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi nhằm hỗ trợ đúng lúc, đúng đối tượng thực sự có nhu cầu và khả năng sử dụng hiệu quả vốn vay, trước hết chú trọng đáp ứng nhu cầu giống, các vật tư thiết yếu, dịch vụ kỹ thuật; gắn việc hình thành vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến; có cơ chế và hình thức tổ chức thích hợp để tạo sự gắn bó về tổ chức và lợi ích giữa các cơ sở chế biến với đơn vị sản xuất nguyên liệu. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ hộ nông dân vươn lên sản xuất hàng hoá với quy mô ngày càng lớn, gắn với công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn hiện nay đang phát triển mô hình trang trại nông nghiệp, phổ biến và các trang trại gia đình, thực chất là kinh tế hộ sản xuất hàng hoá với quy mô lớn hơn, sử dụng lao động, tiền vốn của gia đình là chủ yếu để sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Một bộ phận trang trại ngoài lao động của gia đình, có thuê thêm lao động để sản xuất, kinh doanh, quy mô diện tích đất canh tác xoay quanh mức hạn điền ở từng vùng theo quy định của pháp luật.
Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển hình thức trang trại gia đình như các loại hình sản xuất khác của kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt khuyến khích các hộ nông dân các trang trại gia đình và các thành phần kinh tế khác liên kết với nhau, hình thành các tổ chức, các hình thức kinh tế hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thu hút là hỗ trợ các hộ gia đình còn khó khăn.
b) Phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã
Kinh tế hộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá là cơ sở để hình thành và phát triển kinh tế hợp tác liên kết với kinh tế hộ theo yêu cầu mới nhằm tạo ra năng suất, chất lượng cao hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân và xã hội.
Hoạt động của các hợp tác xã gắn với kinh tế hộ vừa có tác dụng hỗ trợ, tạo điều kiện để kinh tế hộ phát triển, vừa góp phần phát huy hiệu quả đầu tư của Nhà nước trên từng địa bàn (nhất là về thuỷ lợi và khoa học kỹ thuật...). Khuyến khích các hợp tác xã, hộ gia đình, các thành phần kinh tế phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trên cơ sở tự nguyện, theo quy định của pháp luật.
Tổng kết, đánh giá đầy đủ hơn tình hình phát triển kinh tế hợp tác và thực hiện Luật hợp tác xã để định hướng và thúc đẩy kinh tế hợp tác và hợp tác xã phát triển theo hướng đa dạng, trên cơ sở tự nguyện của nông dân và sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tập trung chỉ đạo thực hiện, với bước đi vững chắc và phù hợp việc chuyển đổi các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã. Đối với các hợp tác xã khá và trung bình, tiếp tục hỗ trợ giải quyết các vướng mắc về tài sản, vốn quỹ, cho vay vốn, đào tạo cán bộ chuyên môn, quản lý... để chuyển đổi thành hợp tác xã mới. Đối với những hợp tác xã yếu kém, đã có nhiều biện pháp hỗ trợ vẫn không khắc phục được, xã viên có nguyện vọng thì xem xét từng trường hợp có thể giải thể, hướng dẫn và giúp đỡ nông dân hình thành tổ chức kinh tế hợp tác phù hợp. Xem xét giải quyết dứt điểm công nợ tồn đọng để tạo điều kiện tổ chức lại các hợp tác xã.
Khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, phát triển thành các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp.
Ở những nơi chưa có hợp tác xã nông nghiệp, cần làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích hình thành các loại hình hợp tác hướng vào dịch vụ sản xuất và đời sống theo nhu cầu nông dân.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho kinh tế hợp tác và hợp tác xã. Có cơ chế để nhân dân lựa chọn bầu những người có năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất tốt tham gia quản lý các tổ chức kinh tế hợp tác.
c) Tăng cường vai trò có kinh tế nhà nước trong nông nghiệp, nông thôn.
Hoạt động của kinh tế nhà nước trong nông nghiệp hướng vào việc làm dịch vụ đầu vào, đầu ra; đầu tư vào các lĩnh vực, các địa bàn mà các thành phần khác không đủ sức hoặc không muốn đầu tư; hoặc để hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, trước hết là các lĩnh vực: thuỷ lợi, cơ khí, điện, xây dựng cơ sở hạ từng; khoa học công nghệ; công nghiệp chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, hải sản có ý nghĩa lớn về kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nông, lâm trường và quốc doanh đánh cá để làm tốt vai trò là trung tâm sản xuất, dịch vụ khoa học, kỹ thuật trong từng khu vực. Tăng tiềm lực các doanh nghiệp quốc doanh có vị trí quan trọng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả; sắp xếp lại những doanh nghiệp yếu kém và chọn lọc tổ chức thêm một số doanh nghiệp quốc doanh mới đủ mạnh để bảo đảm vai trò chủ đạo trong các khâu cung cấp giống, vật tư hưởng dẫn kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước hợp đồng dài hạn với hộ nông dân, với các hợp tác xã để cung ứng vật tư, nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, tạo mối liên kết ổn định, lâu dài với nông dân.
Đổi mới cơ chế quản lý đất đai và lao động của các nông, lâm trường bằng rà soát, tổ chức lại các nông, lâm trường quốc doanh. Nông, lâm trường chỉ được giữ lại diện tích đất đã được đầu tư và có kế hoạch đầu tư theo dự án khả thi. Diện tích đất chưa và không sử dụng phải cao lại cho chính quyền địa phương để giao cho các hộ nông dân theo pháp luật. Những nông, lâm trường sử dụng đất có hiệu quả so với hộ nông dân thì được tiếp tục sử dụng, nhưng hằng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải đánh giá lại hiệu quả sử dụng đất của nông, lâm trường để có sự điều chỉnh thích hợp. Giao khoán đất, vườn cây ổn định lâu đài cho các hộ gia đình nông lâm trường viên và hộ dân địa phương tại chỗ gắn với sản phẩm cuối cùng, theo sự hướng dẫn, kiểm tra của ngành và của nông, lâm trường về kỹ thuật và công nghệ. Có thể giao một phần đất sản xuất cho các hộ gia đình nông, lâm trường viên để phát triển kinh tế gia đình, không để có sự bất bình đẳng giữa hộ gia đình nông lâm trường viên và hộ dân địa phương sở tại. Đối với nông trường cao su, phải duy trì và phát triển theo quy hoạch từng vùng; nâng cao năng lực và chất lượng công nghiệp chế biến, bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng mủ cao su của các nông trường và của các hộ trồng cao su.
Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh tế nhà nước, các đơn vị quân đội làm kinh tế vùng sâu, vùng xa, các địa bàn xung yếu, vừa sản xuất kinh doanh, vừa hỗ trợ đồng bào dân tộc định canh, định cư, ổn định sản xuất, đời sống, xoá đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên giới và địa bàn chiến lược.
Củng cố các tổ chức thương nghiệp nhà nước kinh doanh các mặt hàng quan trọng và thiết yếu trên địa bàn nông thôn. Đa dạng hoá các hình thức liên kết giữa thương nghiệp nhà nước với hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác; bám sát thị trường giải quyết tốt đầu ra, có lực lượng dự trữ đủ sức can thiệp thị trường khi cần thiết bằng các biện pháp kinh tế nhằm hạn chế cao nhất sự đột biến giá cả. Chống đầu cơ, không để nông dân bị ép cấp, ép giá khi mua vật tư và bán sản phẩm.
d)Về các thành phần kinh tế khác trong nông nghiệp.
- Khuyến khích mọi người có vốn, có kinh nghiệm quản lý kinh doanh tự đầu tư hoặc liên kết, liên doanh dưới mọi hình thức để phát triển ngành nghề, dịch vụ, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến và công nghiệp sử dụng nhiều lao động, xây dựng một số cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế trang trại, kinh doanh với quy mô lớn hoặc liên kết với các thành phần kinh tế khác đầu tư theo từng dự án cụ thể để khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá ở trung du, miền núi, ven biển... Nhà nước hoan nghênh, khuyến khích các chủ trang trại, giao khoán một phần đất khai hoang, vườn cây hoặc gia súc cho người lao động (hộ nông dân), hỗ trợ giống, vốn vật tư đầu vào (trừ dần vào tiền công bao tiêu sản phẩm) để hộ nông dân từng bước vươn lên thành hộ có liên kết với chủ trang trại lớn và hướng dẫn chủ trang trại ký kết hợp đồng lao động với người lao động theo pháp luật trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Riêng đối với các trang trại ở đồng bằng, cần hướng đầu tư kinh doanh vào việc phát triển công nghiệp chế biến, chăn nuôi quy mô lớn, không phải sử dụng nhiều đất canh tác.
Kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước là những thành phần kinh tế trong nền kinh tế nhiều thành phần được phát triển lâu dài theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng đã xác định. Nhà nước khuyến khích tư nhân trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp, nhất là đầu tư vào công nghiệp phục vụ nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ cùng với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương nắm lại tình hình cán bộ, công chức, đảng viên làm kinh tế trang trại vượt hạn điền với quy mô lớn, nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách trình Bộ Chính trị quyết định phương án giải quyết phù hợp.
Nghiêm cấm việc lợi dụng chức quyền để lấn chiếm, ép mua, ép bán đất đai kiếm lợi bất chính, làm cho nhân dân bất bình.
- Thí điểm hình thức liên doanh giữa nhà nước với tư bản tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp ở một số địa bàn. Khuyến khích các hộ gia đình, chủ trang trại liên kết với doanh nghiệp nhà nước xây dựng các cơ sở chế biến, tìm thị trường tiêu thụ nông sản.
3. Chính sách đất đai
Hiến pháp, Luật đất đai năm 1993 và các nghị quyết của Đảng đã khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Nhà nước giao đất, cho thuê đất để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Nhà nước định giá đất một cách công khai, căn cứ vào từng loại đất, từng vùng và mức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng... làm cơ sở để xây dựng chính sách chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mức đền bù khi thu hồi đất, thế chấp khi vay vốn v.v..
Về tích tụ ruộng đất: Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tích tụ và tập trung ruộng đất là hiện tượng sẽ diễn ra trong quá trình phát triển nông nghiệp lên sản xuất hàng hoá lớn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lao động xã hội trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Việc tích tụ và tập trung ruộng đất phải được kiểm soát, quản lý chặt chẽ của Nhà nước, phù hợp với quá trình chuyển địch cơ cấu kinh tế và trình độ phát triển của công nghiệp, dịch vụ, từng bước chuyển dần lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và xu hướng phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, không để quá trình này diễn ra tự phát làm cho người nông dân mất ruộng mà không tìm được việc làm, trở thành bần cùng hoá. Bằng nhiều biện pháp thiết thực tạo điều kiện để mọi người nông dân chủ yếu sống bằng nghề nông, có đất để sản xuất.
Đối với nông dân không có đất sản xuất, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay cần được phân loại cụ thể và giải quyết sát hợp với từng địa phương theo Chỉ thị 23-CT/TW ngày 29-11-1997 của Bộ Chính trị về lãnh đạo thực hiện công tác xoá đói, giảm nghèo.
Về giao đất, hạn điền, cho thuê đất và thời hạn giao đất: Đẩy mạnh việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho nông dân, giải quyết những tranh chấp và khiếu kiện về đất đai đảm bảo mỗi khoảnh đất, khoảnh rừng đều có chủ quản lý hợp pháp, cụ thể.
Giữ nguyên mức hạn điền (theo vùng như đã quy định trong Luật đất đai năm 1993, nhưng cần nghiên cứu các quy định cụ thể hơn theo phân vùng và theo loại đất, chú trọng các vùng Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất (không phải trả tiền) trong phạm vi hạn điền và được Nhà nước cho thuê phần đất vượt hạn điền ở những vùng có điều kiện. Những người không phải là nông dân được Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất trống, đồi núi trọc, đất bồi ven biển, đất hoang hoá để đầu tư, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp với diện tích phù hợp với từng vùng theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, cần tăng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Bảo vệ diện tích đất canh tác lúa nước trên cơ sở kết hợp các biện pháp kinh tế và hành chính. Việc trồng cây lâu năm trên đất trồng lúa hoặc lấy đất trồng lúa để sử dụng cho mục đích khác phải theo quy hoạch và phải được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật. Tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa ở những nơi có điều kiện để bù đắp phần diện tích phải lấy để làm việc khác.
Về sử dụng đất trống, đồi núi trọc và đất rừng: Nhà nước cần nhanh chóng quy hoạch sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng để khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước đầu tư khai thác sử dụng đất trống, đồi núi trọc. Trước hết cần ưu tiên giao đất, giao rừng cho cư dân tại chỗ và số dân điều chỉnh ở đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long lên Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Nhà nước hỗ trợ và giao đất để đồng bào định, canh định cư có thể sinh sống bằng nghề nông, nghề rừng và cho các nhà đầu tư thuê để kinh doanh theo quy định của pháp luật, trong đó có hình thức trang trại lớn. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế có vốn đầu tư thuê đất theo dự án sản xuất kinh doanh để khai thác sử dụng đất vào mục đích phát triển sản xuất nông lâm, ngư nghiệp với nhiều hình thức (vườn đồi, vườn rừng, VAC, hùn vốn phát triển công nghiệp chế biến... ).
Rà soát lại quy hoạch, xác định chính xác diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phải bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới với giống cây trồng phù hợp để giữ gìn môi trường sinh thái; ngăn chặn tình trạng phá rừng đã quy hoạch để lấy đất trồng các loại cây khác.
Căn cứ các nội dung và tư tưởng chỉ đạo trên đây, trước mắt Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc sửa đổi và bổ sung một số điều trong Luật đất đai năm 1993 trong kỳ họp cuối năm 1998. Đồng thời tổng kết việc thực hiện Luật đất đai năm 1998, trên cơ sở đó, chuẩn bị xây dựng Luật đất đai sửa đổi có tính toàn diện sau này.
4. Chính sách về khoa học và công nghệ
Trong những năm tới, dành ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực sau đây:
Phát triển thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu để thâm canh, tăng vụ và khai thác các vùng đất mới. Trước hết, ưu tiên đầu tư nâng cấp và tăng cường công tác quản lý để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình đã có; tập trung vốn hoàn thành các công trình xây dựng dở dang để sớm đưa vào sử dụng đầu tư mới đối với những công trình thật sự cấp bách và có hiệu quả cao. Chú trọng đầu tư phát triển các công trình thuỷ lợi nhỏ gắn với thuỷ điện ở miền núi, củng cố và phát triển hệ thống đê sông, đê biển và các công trình phòng chống lụt, bão, để giảm nhẹ thiệt hại. Có chính sách khuyến khích nhân dân tham gia đầu tư và quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi.
Đầu tư đúng mức cho việc phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, nhất và áp dụng các thành tựu của sinh học hiện đại. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và áp dụng giống mới, nhất và các giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, lúa cạn, các loại rau quả, cây nguyên liệu, vật nuôi, tạo ra khâu đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường khu vực và thế giới.
Chú trọng việc chấn chỉnh tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các viện nghiên cứu, các trung tâm, tổ chức sự nghiệp khoa học trong nông, lâm, ngư nghiệp.
Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích phát triển công nghệ chế biến, bảo quản để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm hỗ trợ và tạo điều kiện để đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các loại máy móc thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản.
5. Các chính sách đầu tư, tín dụng và thị trường
Từng bước tăng đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn. Trước hết tập trung đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng (đường, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm xá..,) ở nông thôn, chú ý các vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích nhân dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực trực tiếp phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Nghiên cứu phương án để lại tỷ lệ thoả đáng các nguồn thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp cho ngân sách xã và huyện (nhất là xã) để đầu tư lại cho nông nghiệp, nông thôn. Có chính sách và quy định cụ thể để huy động hợp lý sự đóng góp của nhân dân vào việc xây dựng nông thôn. Rà soát, xoá bỏ các loại phí, các khoản đóng góp đặt ra tuỳ tiện, trái pháp luật.
Mở rộng tín dụng, tăng dần vốn vay trung và dài hạn, đáp ứng yêu cầu vốn cho công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất và có thời hạn trả nợ riêng đối với tín dụng cho các chương trình ưu tiên về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thời hạn cho vay vốn phải phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng và thời gian khấu hao máy móc nông nghiệp.
Phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản trong nước trên cơ sở tạo điều kiện tăng thu nhập của nhân dân và thực hiện cơ chế lưu thông hàng hoá thông thoáng. Thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị sản xuất thuộc các thành phần kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
6. Một số chính sách xã hội
Thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế để thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời có quy hoạch phân bố lại lao động, dân cư trong từng địa phương và trên phạm vi cả nước. Thực hiện tốt các chính sách, chương trình quốc gia về xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn. Tổng kết, có biện pháp cụ thể để hạn chế mức chênh lệch về thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng trong phạm vi cả nước, trước hết cần tập trung xóa đói giảm nghèo cho trên 1.700 xã đặc biệt khó khăn.
Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá và sinh đẻ có kế hoạch trên địa bàn nông thôn, nâng cao dân trí, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, tư tưởng, đạo đức, văn hoá, lối sống, sức khoẻ của dân cư, phát triển nguồn nhân lực được đào tạo để đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế- xã hội ở nông thôn.
IV- TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Các ngành và cơ quan chức năng nghiên cứu toàn diện các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn làm cơ sở xây dựng các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn, hợp lòng dân, nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nông thôn thông qua việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ. Có chính sách đúng đắn đối với việc đào tạo cán bộ cơ sở, thu hút cán bộ và trí thức về công tác lâu đài ở nông thôn.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt quan tâm củng cố các tổ chức đảng cơ sở vững mạnh và trong sạch, coi đây là nhân tố quan trọng đảm bảo sự thành công của sự nghiệp phát triển nông thôn.
Nhà nước tăng cường chỉ đạo công tác quy hoạch, phân bố lực lượng sản xuất, xây dựng chính sách, quản lý các chương trình quốc gia trong nông nghiệp và nông thôn, triển khai một số chương trình trọng điểm phù hợp với yêu cầu mới, thực hiện đầy đủ chức năng quản lý toàn diện về nông nghiệp, về tài nguyên đất, nước, rừng và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phân cấp ngân sách, đầu tư, quản lý các cơ sở công nghiệp chế biến, các hệ thống thủy lợi, các nông, lâm trường, các dịch vụ gắn với địa bàn sản xuất cho cấp thành, thành phố; mở rộng quyền hạn của các tỉnh, thành phố trong việc tiếp cận thị trường và tổ chức công tác xuất nhập khẩu để có sự chỉ đạo sát sao, chủ động và kịp thời.
Củng cố chính quyền cơ sở và thực hiện quy chế dân chủ ở nông thôn. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Hội Nông dân Việt Nam và các đoàn thể khác để góp phần động viên sức mạnh toàn dân từng bước xây dựng nông thôn Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc, văn minh và hiện đại.
Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ của toàn Đảng. Các cấp uỷ đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng có trách nhiệm phổ biến, quán triệt nghị quyết, xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch và chương trình trong địa phương và ngành đơn vị mình. Đặc biệt các tỉnh, thành ủy căn cứ vào tình hình đặc điểm của địa phương để trực tiếp triển khai và tổ chức chỉ đạo thực hiện nghị quyết cho sát hợp và đạt hiệu quả cao. Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và ban tuyên giáo các cấp biên soạn tài liệu phổ biến đến cơ sở, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền phổ biến nghị quyết bằng nhiều hình thức phù hợp với đông đảo quần chúng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
TỔNG BÍ THƯ
Lê Khả Phiêu
|