ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 78/KH-UBND
|
Cần Thơ, ngày 07
tháng 4 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2022 -
2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Thực hiện Thông báo số
642/TB-BNN-VP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về việc thực hiện ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội
nghị tổng kết Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020
và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, Ủy ban nhân dân
(UBND) thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy
sản giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, với những nội dung
sau:
I. MỤC TIÊU
VÀ YÊU CẦU
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
- Tổ chức triển khai thực hiện
có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của
Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Thông tư
số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và các văn bản pháp
luật liên quan khác.
- Bảo vệ, khôi phục và tái tạo
nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên trên địa bàn thành phố. Duy trì và
phát triển đa dạng sinh học, phát triển bền vững khai thác nguồn lợi thủy sản.
- Nâng cao nhận thức của tổ chức,
cá nhân về tầm quan trọng, giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng
sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Kiểm soát chặt chẽ, xử lý các
đối tượng vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, đặc biệt là các hành vi
vi phạm về sử dụng điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản trên địa bàn
thành phố.
- Nâng cao năng lực quản lý Nhà
nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Nâng cao thu nhập cho cộng đồng
cư dân sống ven sông, kênh, rạch thông qua việc quản lý, khai thác có hiệu quả
nguồn lợi thủy sản.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Hoàn thành việc xây dựng hệ
thống cơ sở dữ liệu về nghề cá thương phẩm và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn
thành phố Cần Thơ.
- Tổ chức thực hiện 04 đợt thả
cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, số lượng giống thả khoảng 300.000 con/đợt.
- Công nhận và giao quyền quản
lý cho 01 tổ chức cộng đồng theo quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi
thủy sản.
- Trữ lượng nguồn lợi thủy sản
tự nhiên tại các thủy vực trên địa bàn thành phố tăng lên 20% so với thời điểm
hiện tại.
2. Yêu cầu
- Tổ chức, triển khai có trọng
tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn thành phố.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền
rộng rãi đến với người dân về các quy định của pháp luật, các hành vi vi phạm
trong khai thác thủy sản; các hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và
các quy định khác có liên quan.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp,
các ngành và người dân trong triển khai thực hiện kế hoạch.
- Khuyến khích xã hội hóa các
chương trình bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
II. THỜI
GIAN, ĐỊA ĐIỂM
1. Thời gian thực hiện: Từ
năm 2022 đến năm 2025.
2. Địa điểm: các quận,
huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
III. NỘI
DUNG THỰC HIỆN
1. Thông
tin, tuyên truyền về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
- Nội dung tuyên truyền: phổ biến
hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản,
như: Luật Thủy sản năm 2017; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của
Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Thông tư
số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn sửa đổi, bổ sung một số thông tư trong lĩnh vực thủy sản và các quy định của
pháp luật có liên quan.
- Đối tượng tuyên truyền: các tổ
chức, cá nhân tham gia hoạt động có liên quan đến lĩnh vực thủy sản; cán bộ
theo dõi, phụ trách về lĩnh vực thủy sản từ cấp tỉnh đến cấp xã; người dân tham
gia hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên trên địa bàn thành phố.
- Hình thức tuyên truyền: tổ chức
các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo. Xây dựng các tài liệu, áp phích, tờ rơi,
tờ gấp, băng rôn. Tổ chức Lễ phát động phong trào thả cá.
- Số lượng tuyên truyền: từ năm
2023 đến năm 2025, mỗi năm thực hiện in ấn 3.000 áp phích và 3.000 tờ rơi; tổ
chức tập huấn tuyên truyền cho các hộ dân khai thác thủy sản tại các xã, phường,
thị trấn trên địa bàn thành phố, mỗi năm dự kiến tổ chức 9 lớp, tổng cộng là 27
lớp; tổ chức Lễ phát động phong trào thả cá mỗi năm 1 lần, thả bổ sung các giống
loài thủy sản.
- Huy động các tổ chức: Ủy ban
nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ
nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Ban Dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam
thành phố Cần Thơ tham gia các hoạt động tuyên truyền về hoạt động thả cá bảo vệ,
tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
2. Điều
tra, đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản
- Từ năm 2022-2025 thực hiện điều
tra hiện trạng nguồn lợi thủy sản và các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản
trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
- Xác định thành phần giống
loài, kích cỡ, mật độ theo loài, chỉ số đa dạng sinh học ở tất cả các thủy vực
theo thời gian, tạo bản đồ đa dạng thành phần loài trong địa bàn thành phố Cần
Thơ.
- Xác định các yếu tố môi trường
có ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản bao gồm xác định hiện trạng yếu tố thủy lý
hóa, mức độ ngập nước thường xuyên từng thủy vực, độ sâu tương ứng với các điểm
quan trắc theo thời gian và thủy vực, xác định các mối tương quan giữa môi trường
với nguồn lợi thủy sản, tạo bản đồ khu vực có môi trường bất lợi cho sự phát
triển nguồn lợi thủy sản.
- Xác định các yếu tố ảnh hưởng
đến nguồn lợi thủy sản (khai thác hủy diệt, thu hẹp môi trường sống do rút nước
canh tác nông nghiệp và phát triển loài ngoại lai); mật độ, kích cỡ loài ngoại
lai theo từng thủy vực so với loài bản địa, xác định sự xuất hiện loài quý hiếm
trong sách đỏ Việt Nam và thế giới theo thủy vực và thời gian xuất hiện; Xác định
tình hình khai thác và sử dụng ngư cụ; nhằm tìm ra các yếu tố tác động đến nguồn
lợi thủy sản, tạo bản đồ khu vực có sinh vật ngoại lai cao, khu vực có xuất hiện
loài quý hiếm.
- Thực hiện thu mẫu nguồn lợi
thủy sản và môi trường tại 55 điểm thu bao gồm các thủy vực: sông, rạch, ao, ruộng,
kênh, mương.
3. Thanh
tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Từ năm 2023-2025 thực hiện
thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các khu vực trên sông, kênh, rạch thuộc địa
bàn thành phố.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra,
giám sát thường xuyên, đột xuất và theo kế hoạch được phê duyệt hằng năm.
- Tăng cường công tác giám sát
của cộng đồng thông qua việc xây dựng các tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản
lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nhân rộng kết quả đạt được của mô hình.
4. Điều tra
nghề cá thương phẩm
- Thực hiện điều tra đánh giá
nghề cá thương phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo hướng dẫn của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Trong năm 2022, tổ chức điều
tra, phỏng vấn 200 hộ dân khai thác thủy sản bằng các ngư cụ khác nhau trên địa
bàn thành phố bằng bảng phỏng vấn đã soạn sẵn. Qua đó, nắm bắt được tình hình
khai thác và sử dụng ngư cụ để khai thác thủy sản. Đồng thời, từng bước nâng
cao năng lực quản lý về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
5. Phục hồi,
tái tạo nguồn lợi thủy sản
- Từ năm 2022-2025 thực hiện 04
đợt thả giống thủy sản tái tạo nguồn lợi thủy sản, mỗi năm 01 đợt, số lượng dự
kiến thả khoảng 300.000 con/đợt. Trong đó, ưu tiên thả các giống loài thủy sản
bản địa, quý hiếm, những loài có giá trị kinh tế vào các thủy vực tự nhiên nhằm
bổ sung nguồn lợi thủy sản đang ngày càng suy giảm, đồng thời khôi phục khả
năng tái tạo, bảo toàn các giống loài tự nhiên, đa dạng sinh thái trên các thủy
vực, từng bước nâng cao sản lượng khai thác tự nhiên.
- Khuyến khích, huy động các
nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động tái tạo, phục hồi nguồn lợi và môi trường
sống của các loài thủy sản.
6. Tổng kết
và khen thưởng hàng năm
Hàng năm, tổ chức tổng kết cuối
năm, rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo và khen thưởng cho các tổ chức, cá
nhân có những đóng góp cho công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy
sản trên địa bàn thành phố.
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn
2022 - 2025 là 2.651.220.000 đồng (Hai tỷ sáu trăm năm mươi mốt triệu,
hai trăm hai mươi ngàn đồng) từ nguồn ngân sách thành phố.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Căn cứ Kế hoạch này, hàng năm
chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên và tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch
thực hiện và sử dụng kinh phí được giao theo đúng quy định hiện hành.
- Phối hợp với các đơn vị có
liên quan tổ chức Lễ Phát động phong trào thả cá và thả giống thủy sản về tự
nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát và
hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch này.
- Tổ chức, hướng dẫn các quận,
huyện triển khai thực hiện; Tổng hợp số liệu của các quận, huyện báo cáo Ủy ban
nhân dân thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Sở Tài chính: thẩm định,
tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ kinh phí thực hiện kế hoạch này theo
đúng quy định, đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra.
3. Công an thành phố
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan thực hiện kế hoạch bảo vệ và
phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn; Cử cán bộ phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hoạt động
khai thác thủy sản trái phép theo quy định.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông
Sở Thông tin và Truyền thông phối
hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, cung cấp thông tin cho
báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền Kế hoạch Bảo vệ và phát triển
nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2025.
5. Ủy ban nhân dân quận, huyện
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng có liên quan, theo dõi, đôn đốc,
kiểm tra và hướng dẫn triển khai thực hiện tốt nội dung kế hoạch này.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và
UBND xã, phường, thị trấn:
+ Tăng cường tuyên truyền về bảo
vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến các hộ dân hoạt động trong lĩnh vực thủy
sản trên địa bàn.
+ Tập trung rà soát các tổ chức,
cá nhân khai thác thủy sản bằng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ cấm để
tuyên truyền vận động, cam kết không sử dụng. Thành lập các đoàn thanh, kiểm
tra xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn quản lý.
6. Giám đốc Sở, thủ trưởng
cơ quan ban, ngành thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các
Đoàn thể, Hội, Hiệp hội nghề nghiệp thực hiện đầy đủ và hiệu quả những nội dung
liên quan trong Kế hoạch.
Trên đây là Kế hoạch Bảo vệ và
Phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần
Thơ, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan,
đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực
hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần bổ sung, điều chỉnh, Giám đốc Sở,
Thủ trưởng cơ quan liên quan chủ động đề xuất gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Hè
|