Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 315/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Vũ Văn Diện
Ngày ban hành: 22/12/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 315/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 22 tháng 12 năm 2023

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2024

Căn cứ Luật Thú y năm 2015; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013; Luật Thủy sản năm 2017; các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện các luật nêu trên; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh trong Nông nghiệp; các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trong Nông nghiệp. Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 5790/TTr-SNNPTNT ngày 04/12/2023; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng chống dịch bệnh ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành về công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản (sau đây gọi chung là công tác phòng, chống dịch bệnh ngành nông nghiệp) đặc biệt là các bệnh có khả năng lây lan, bùng phát trên diện rộng, các bệnh có nguy cơ truyền lây sang người;

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người sản xuất về công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm bảo vệ sản xuất nông nghiệp; bảo đảm khống chế không để bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng, vật nuôi, thủy sản;

Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với phương châm phòng bệnh là chính, phòng bệnh là biện pháp rẻ nhất kết hợp đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm ngay khi mới phát sinh; sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh mới nhằm đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh của cơ sở đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững, môi trường và bảo vệ sức khỏe của người dân và phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh.

2. Yêu cầu

Thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tuân thủ theo định hướng, quy hoạch; không lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư; quản lý sản xuất và giám sát dịch bệnh trong nông nghiệp đến tận thôn, xóm, từng hộ dân, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao;

Nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền nhất là cấp cơ sở, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương; huy động toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngành nông nghiệp;

Nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan từ khâu sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ;

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nông nghiệp và công tác phòng, chống dịch bệnh; kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm;

Chuẩn bị phương tiện, nguồn lực, vật tư, hóa chất phòng chống dịch, chủ động các phương án chỉ đạo khi diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, có nguy cơ bùng phát thành dịch nhằm bảo vệ sản xuất, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch hại gây ra trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng

1.1. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân hiểu về tác hại của các đối tượng sinh vật hại trên cây trồng, đặc biệt là tác hại của chuột và bệnh virut gây hại trên lúa (bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá, lúa cỏ...), các loài sâu mới xuất hiện có khả năng gây hại cao từ đó áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng. Hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sinh vật hại tránh gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản;

- Hình thức thực hiện: (1). Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (Trung tâm Truyền thông tỉnh, Trung tâm thông tin và văn hóa các địa phương, loa phát thanh của địa phương...); (2). Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng cho nông dân tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là phòng chống các đối tượng dịch hại khó kiểm soát như: bệnh virut gây hại trên lúa (bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá...), chuột hại, các đối tượng sinh vật gây hại mới nổi (lúa cỏ, sâu keo mùa thu, sâu đục ngọn hại trên cây Lim, Lát...); (3). Xây dựng pano, áp phích, sổ tay, tờ rơi, quy trình biện pháp phòng trừ... để tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến cho người dân.

1.2. Công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo

- Chỉ đạo cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính dự báo chính xác thời gian phát sinh, tham mưu và đề xuất các biện pháp phòng trừ khi có dịch xảy ra đảm bảo kịp thời và hiệu quả đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng (sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, sâu keo mùa thu, chuột, lúa cỏ...);

- Thường xuyên phối hợp với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt kịp thời diễn biến của các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng để có các biện pháp phòng trừ kịp thời.

1.3. Công tác phòng chống dịch hại cây trồng

Để chủ động trong công tác phòng chống dịch hại trên cây trồng đảm bảo kịp thời và hiệu quả cần thực hiện theo nguyên tắc: Khẩn trương, tập trung nhân lực, vật lực để nhanh chóng khống chế, tiêu diệt dịch hại nhưng phải đảm bảo cho người và đảm bảo vệ sinh môi trường;

Chủ động thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp bao gồm: Sử dụng giống cây trồng chống chịu với sinh vật gây hại, vệ sinh đồng ruộng, bố trí thời vụ, sử dụng phân bón hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức đề kháng, hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích;

Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan; luôn coi trọng biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, chủ động áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi mật độ sinh vật gây hại gia tăng có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng cây trồng;

Khi có dịch xảy ra, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng cây trồng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình dịch hại và đề xuất ban hành Quyết định công bố dịch theo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013.

(1). Phòng, chống bệnh do virut lúa lùn sọc đen gây hại (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV)

Bệnh lùn sọc đen do virut lúa lùn sọc đen gây hại, bệnh có khả năng lây lan nhanh, gây hại nặng trên diện rộng, môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng, truyền bệnh theo kiểu bền vững tích lũy. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị để phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa theo Quy trình phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa của Cục Bảo vệ thực vật được ban hành kèm theo công văn số 1317/BVTV-TV ngày 24/5/2018 về việc ban hành Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh lùn sọc đen;

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Trồng trọt và BVTV) Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các địa phương thực hiện lấy mẫu rầy, lúa giám định virus lùn sọc đen để chủ động phát hiện, khoanh vùng xử lý những khu vực bị bệnh, không để lây lan diện rộng;

- Hóa chất xử lý hạt giống: Căn cứ vào diện tích gieo cấy và lượng giống lúa gieo cấy của các địa phương vụ mùa năm 2023, Ủy ban nhân dân các địa phương bố trí nguồn kinh phí để mua hóa chất cần thiết để xử lý hạt giống gieo trồng năm 2024 (đặc biệt quan tâm đối với vụ mùa) đảm bảo các quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(2). Thực hiện diệt chuột bảo vệ sản xuất

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) đôn đốc, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh về quy mô, thời điểm, các biện pháp diệt chuột đảm bảo kế hoạch sản xuất;

Tập trung trên các diện tích gieo cấy lúa và rau màu, bờ mương, bờ vùng bờ thửa, các gò đống, ven đê, đất thu hồi chưa được sử dụng và những nơi có điều kiện để chuột trú ngụ, sinh sản...

- Về kinh phí thực hiện diệt chuột: Ủy ban nhân dân các địa phương căn cứ vào diện tích gieo trồng trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí diệt chuột, tối thiểu hỗ trợ kinh phí mua thuốc đánh chuột tập trung cho 02 đợt (đợt 1 và đợt 3 tương ứng với thời điểm trước khi gieo cấy vụ Đông xuân 2023- 2024 và vụ mùa 2024) cho toàn bộ diện tích gieo cấy, diện tích đất thu hồi chưa đưa vào sử dụng tại địa phương;

Lượng bả (thuốc đã trộn với mồi) diệt chuột sử dụng cho 01 ha/vụ: 2,5-3 kg bả/ha/vụ tùy theo mật độ chuột theo quy trình kỹ thuật phòng chống chuột hại cây trồng của Cục Bảo vệ thực vật ban hành kèm theo công văn số 2475/BVTV-TV ngày 11/12/2014.

(3). Phòng chống lúa cỏ

Hiện nay lúa cỏ đang có xu hướng gây hại gia tăng trên các diện tích lúa đặc biệt là trên diện tích lúa gieo sạ; căn cứ diện tích trồng lúa vụ mùa năm 2022 tại các địa phương bị lúa cỏ gây hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố các các biện pháp phòng chống lúa cỏ, tập trung: (1). Chọn giống lúa đảm bảo chất lượng; (2). Lựa chọn các biện pháp canh tác phù hợp: Chuyển đổi phương thức gieo cấy, luân canh cây trồng, phòng chống lúa cỏ khi làm đất, ngăn chặn lây lan lúa cỏ theo máy móc, nhổ, khử lúa cỏ sau khi mọc; (3). Áp dụng biện pháp sinh học; (4). Áp dụng biện pháp hóa học.

(4). Phòng, chống các đối tượng sâu bệnh hại lúa khác

- Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện và dự tính dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng (QCVN 01-38: 2010/BNNPTNT; TCVN 13268- 1:2021; TCVN 13268-2:2021 ; TCVN 13268-3:2021 ; TCVN 13268-4:2021 ; TCVN 13268-5:2022; TCVN 13268-6:2022 vàTCVN 13268-7:2023);

- Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phun phòng trừ có hiệu quả các đối tượng sinh vật hại lúa theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sinh vật;

- Khi một đối tượng sinh vật gây hại ở diện hẹp với mật độ, tỷ lệ cao có khả năng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng mà tỉnh không công bố dịch thì UBND cấp huyện có thể căn cứ tình hình thực tế, trích ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí mua thuốc phòng trừ đối tượng sinh vật hại đó để hạn chế sự lây lan, bùng phát gây hại ra diện rộng.

1.4. Công tác thanh kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại cơ sở khi có dịch hại xuất hiện;

- Tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và ngăn chặn việc vận chuyển sinh vật gây hại từ nơi bị nhiễm bệnh ngoài tỉnh đến và từ nơi bị nhiệm bệnh trong tỉnh đi để không lây lan nguồn bệnh ra địa bàn khác; không mua bán, sử dụng cây trồng đã bị nhiễm bệnh.

1.5. Thông tin và báo cáo: Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo định kỳ theo tuần, quý, vụ, năm, báo cáo đột xuất gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp báo cáo cơ quan cấp trên theo quy định.

2. Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

2.1. Nội dung phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

2.1.1. Tổ chức thực hiện các Chương trình quốc gia, kế hoạch của UBND tỉnh về phòng chống bệnh động vật

- Phòng chống bệnh Dại: Tổ chức truyền thông phòng chống bệnh dại, lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút Dại tại các hộ nuôi chó tại 03 địa phương có ổ dịch cũ trong tỉnh, tập huấn công tác phòng chống bệnh Dại cho đội ngũ thú y cơ sở, cập nhật các nội dung mới theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Triển khai các nội dung theo Chương trình quốc gia đã được phê duyệt tại Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính Phủ về Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025; chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 212/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025.

- Phòng chống bệnh Cúm gia cầm: Triển khai các nội dung theo Chương trình quốc gia đã được phê duyệt tại Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025; chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 252/KH-UBND ngày 12/11/2019 về phòng chống dịch bệnh Cúm gia cầm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025.

- Phòng chống bệnh Lở mồm long móng: Triển khai các nội dung theo Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 04/8/2021 về phòng, chống bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025.

2.1.2. Các hoạt động triển khai

a. Tập huấn, thông tin, tuyên truyền

- Cấp tỉnh: Tổ chức 02 lớp tập huấn (60 người/lớp, 02 ngày/lớp) về công tác giám sát, điều tra ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý ổ dịch, phòng chống dịch bệnh cho trên 90% cán bộ thú y cơ sở tại các địa phương; tuyên truyền, phổ biến Luật Thú y, các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

- Cấp huyện: Xây dựng kế hoạch tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng nuôi, nhận biết và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi; tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại địa phương; tập huấn nghiệp vụ kiểm soát giết mổ cho người tham gia kiểm soát giết mổ tại các cơ sở trên địa bàn.

- Chủ động thông tin cảnh báo về các ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm sang người trên địa bàn tỉnh (cúm gia cầm, dại...).

b. Triển khai tiêm phòng vắc xin

Tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định tại luật Thú y; Nghị định số 35/2016/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 07/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn; hướng dẫn của Cục Thú y và các quy định hiện hành, nhằm tạo miễn dịch chủ động bảo vệ đàn gia súc, gia cầm đối với các bệnh dịch.

- Thời gian tiêm phòng: Tiêm các loại vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh vào 02 đợt chính trong năm:

+ Đợt I: vào tháng 3, tháng 4 năm 2024;

+ Đợt II: vào tháng 9, tháng 10 năm 2024.

- Đối tượng tiêm, các bệnh bắt buộc tiêm phòng:

+ Đối với đàn trâu, bò, dê: Tiêm vắc xin phòng các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng; vắc xin viêm da nổi cục cho trâu, bò;

+ Đối với lợn: Tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn, lở mồm long móng cho đàn lợn nái, đực giống và lợn các loại ở trại giống. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiêm vắc xin tai xanh cho lợn nái và đực giống;

+ Đối với đàn gia cầm: tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm (lưu ý lựa chọn vắc xin chứa các chủng H5N1, H5N6, H5N8); khuyến khích tiêm vắc xin Newcastle, tụ huyết trùng gia cầm và dịch tả vịt...

+ Đối với đàn chó, mèo: Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Dại 02 đợt chính vào tháng 3-4 và bổ sung vào tháng 9-10 cho toàn bộ đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng.

- Khi có dịch thực hiện tiêm phòng toàn bộ gia súc, gia cầm mẫn cảm với bệnh trong vùng dịch và vùng bị uy hiếp theo đề nghị của cơ quan chuyên ngành thú y;

- Các địa phương đăng ký nhu cầu sử dụng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm bao gồm cả 10% vắc xin dự phòng gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ kết quả giám sát lưu hành, khuyến cáo của Cục Thú y hướng dẫn các địa phương lựa chọn chủng loại vắc xin; các địa phương thực hiện quy trình đấu thầu mua sắm vắc xin, vật tư phòng chống dịch theo quy định đảm bảo toàn tỉnh tổ chức triển khai đồng loạt tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng kế hoạch;

- Riêng đối với vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi, do đối tượng sử dụng vắc xin còn hẹp. Đến thời điểm hiện tại, mới chi có 02 công ty sản xuất và cung ứng vắc xin, trong đó 01 công ty vắc xin sử dụng cho lợn thịt 04 tuần tuổi; 01 công ty vắc xin sử dụng cho lợn thịt 08-10 tuần tuổi. Do vậy, tại thời điểm tiêm phòng, các địa phương rà soát và triển khai tiêm phòng cho đàn lợn thuộc lứa tuổi tiêm phòng theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin. Khi có các hướng dẫn mới về tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi, Sở Nông nghiệp và PTNT cập nhật và hướng dẫn cụ thể.

c. Công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng

- Cấp tỉnh: Dự trù vật tư, hóa chất để tổ chức thực hiện tiêu độc khử trùng tập trung toàn tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương (Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y) về các tháng hành động, hỗ trợ các địa phương phục vụ xử lý ổ dịch theo đề nghị từ thực tế nhu cầu các địa phương, số lượng: số lượng 10.000 lít hóa chất khử trùng hoạt phổ rộng.

- Cấp huyện: Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh cơ giới, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, cơ sở kinh doanh buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, phương tiện vận chuyển, dụng cụ giết mổ và các chợ buôn bán gia súc, gia cầm nhằm mục đích tiêu diệt mầm bệnh. Tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, chủ động xây dựng nhu cầu kinh phí mua hóa chất khử trùng tiêu độc thực hiện thường xuyên, xử lý ổ dịch phát sinh tại địa phương, có dự phòng để sử dụng những tình huống phát sinh: thiên tai, bão lũ...

d. Giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm

- Tăng cường vai trò giám sát lâm sàng trên động vật của các hộ chăn nuôi, thú y cấp xã nhằm kịp thời phát hiện dịch bệnh ngay từ khi mới phát sinh.

- Thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động, giám sát sau tiêm phòng:

* Nhiệm vụ cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) chủ trì thực hiện việc giám sát chủ động dịch bệnh động vật, định kỳ lấy mẫu kiểm tra lưu hành vi rút gây bệnh tại các ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao đối với các bệnh: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Viêm da nổi cục theo quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn; phối hợp với các địa phương trong điều tra ổ dịch các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng văc xin đánh giá đáp ứng miễn dịch bảo hộ trên vật nuôi, đánh giá chất lượng và hiệu quả sau tiêm phòng vắc xin tại các địa phương; hỗ trợ công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tại các địa phương:

+ Lấy mẫu giám sát chủ động (giám sát lưu hành): Lấy mẫu trên gia súc, gia cầm chưa tiêm phòng trước các đợt tiêm phòng chính vụ để phát hiện lưu hành mầm bệnh ngoài tự nhiên phục vụ tham mưu lựa chọn vắc xin của tỉnh trong năm và có dự báo về tình hình dịch bệnh làm cơ sở cho các địa phương chủ động các giải pháp phòng, chống, số lượng mẫu lấy căn cứ tỷ lệ lưu hành bệnh ước đoán 10% trên tổng đàn vật nuôi của tỉnh, cụ thể:

Kiểm tra, giám sát sự phát tán vi rút đối với các ổ dịch gia súc, gia cầm khi phát sinh; các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, gia súc, gia cầm nhập lậu trên địa bàn tỉnh bị bắt giữ (vô chủ): 120 mẫu/năm;

Giám sát lưu hành virut LMLM: 180 mẫu/năm tại các địa phương trong vùng khống chế và vùng đệm của Chương trình quốc gia phòng chống bệnh LMLM (06 địa phương trong tỉnh);

Giám sát lưu hành virut cúm gia cầm: 360 mẫu/năm/12 địa phương;

Giám sát lưu hành virut Dịch tả lợn Châu Phi: 360 mẫu/năm/12 địa phương;

Giám sát lưu hành virut Viêm da nổi cục: 180 mẫu/năm/06 địa phương;

Giám sát lưu hành vi rút Dại: 90 mẫu/năm/03 địa phương;

Đơn vị xét nghiệm mẫu: Trạm Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động, thực vật Quảng Ninh. Riêng mẫu xét nghiệm giám sát lưu hành bệnh Dại thực hiện xét nghiệm qua đấu thầu.

+ Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng: Lấy mẫu trên gia súc, gia cầm đã được tiêm phòng vắc xin tối thiểu 21 ngày để kiểm tra hàm lượng kháng thể trong cơ thể gia súc, gia cầm, với trường hợp hàm lượng kháng thể thấp, không có khả năng miễn dịch phòng chống bệnh, cần đề nghị địa phương tiêm nhắc lại để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, số lượng mẫu lấy căn cứ tỷ lệ bảo hộ ước đoán 70% và sai số ước lượng 10% (có miễn dịch đạt tỷ lệ bảo hộ cho vật nuôi) trên tổng số động vật sau tiêm phòng của tỉnh, cụ thể:

Định lượng kháng thể LMLM: 366 mẫu/năm/06 địa phương;

Giám sát sau tiêm phòng văc xin CGC: 366 mẫu/năm/06 địa phương.

Đơn vị xét nghiệm mẫu: Đấu thầu rộng rãi.

+ Kiểm tra, lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm khi có gia súc, gia cầm ốm, chết chưa rõ nguyên nhân (ổ dịch) hoặc phát sinh loại mầm bệnh mới tại các địa phương phục vụ chẩn đoán, xác minh dịch bệnh, công bố dịch và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp, không để lây lan ra diện rộng;

+ Trang bị phòng hộ an toàn cho người tiếp xúc, làm việc trong khu vực có dịch, những người tham gia phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, các đoàn kiểm tra ổ dịch, chống dịch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành của tỉnh (dự kiến 50 bộ quần áo phòng hộ, 300 đôi găng tay, 500 khẩu trang, 40 đôi ủng).

* Nhiệm vụ cấp huyện: Chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện lây mẫu giám sát sau tiêm phòng tại các khu vực chưa được tỉnh lấy mẫu giám sát, lấy mẫu xác minh ổ dịch, các bệnh mới phát sinh tại địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) giám sát, hỗ trợ quá trình lấy mẫu và gửi mẫu xét nghiệm, thông báo kết quả giám sát và khuyến cáo (nếu có) kịp thời, hiệu quả.

đ. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn;

- Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật tại các chợ, cơ sở giết mổ, kinh doanh, buôn bán sơ chế động vật và sản phẩm động vật, các cơ sở ấp nở gia cầm, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm;

- Chính quyền cơ sở tổ chức ký cam kết với các chủ hộ kinh doanh vận chuyển, chủ buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý về việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch nhất là các quy định về kiểm dịch;

- Thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ tập trung để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm;

- Phối hợp với các tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vào tỉnh.

e. Xử lý khi có dịch xảy ra

Khi có dịch xảy ra căn cứ vào mức độ, quy mô, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh có trong Danh mục các bệnh phải công bố dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương ban hành Quyết định công bố dịch thực hiện đầy đủ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; triển khai các hoạt động chống dịch theo kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo khống chế nhanh gọn ở diện hẹp, không để lây lan diện rộng ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi.

f. Chế độ thông tin và báo cáo

- Duy trì đường dây nóng của tỉnh để kịp thời tiếp nhận, giải quyết các thông tin về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản;

- Thực hiện nghiêm chế độ khai báo, cung cấp thông tin, báo cáo dịch bệnh. Định kỳ, đột xuất báo cáo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh vật nuôi, cây trồng và thủy sản (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổng hợp).

g. Vật tư, hóa chất phòng, chống dịch

- Các địa phương chủ động chuẩn bị đầy đủ vật tư, vắc xin, dụng cụ, hóa chất sát trùng phục vụ công tác phòng chống dịch. Yêu cầu dự trữ 10% lượng vắc xin từng loại theo kế hoạch của Tỉnh giao để tiêm phòng bao vây dập dịch;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo dự phòng vật tư, dung cụ, hóa chất sát trùng phục vụ cho tình huống dịch bệnh xảy ra khi vươt quá khả năng của cấp huyện và tổ chức các tháng hành động theo quy định của Luật Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh (dự kiến 10.000 lít/năm).

h. Thanh kiểm tra công tác phòng chống dịch

- Quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh thuốc thú y, hóa chất, thuốc, chế phẩm sinh học dùng trong thú y trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định pháp luật;

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh, kiểm tra các hoạt động chăn nuôi, dịch vụ thú y và công tác phòng chống dịch theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

k. Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh: Rà soát, xây dựng thí điểm vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với bệnh Dại tại thành phố Hạ Long và thành phố Uông Bí; vùng ATDB trên gia cầm đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle tại huyện Tiên Yên. Tổng kết, rút kinh nghiệm và tiến tới xây dựng các cơ sở, vùng ATDB trên toàn tỉnh.

3. Nội dung phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi

a. Tập huấn, thông tin, tuyên truyền

- Tổ chức 02 lớp tập huấn sử dụng hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật VAHIS và nghiệp vụ thú y thủy sản cho 80 nhân viên thú y, chăn nuôi thú y cơ sở; chủ cơ sở, doanh nghiệp nuôi thủy sản;

- Tổ chức 01 hội nghị tổng kết đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2024.

b. Giám sát chủ động dịch bệnh

Thực hiện giám sát lưu hành bệnh dịch nguy hiểm thường gặp trên địa bàn tỉnh: bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính, Đốm trắng do vi rút, Vi bào tử trùng, Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô trên tôm nuôi nước lợ; Hội chứng hoại tử thần kinh ở cá biển (cá song, cá giò, cá vược); bệnh ký sinh trùng Perkinsus ở nhuyễn thể (ngao, tu hài, hầu); bệnh Tilapia Lake Virut (TiLV), bệnh do Streptococcus trên cá rô phi; giám sát các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhiễm: Hội chứng Taura (TS), đầu vàng (YHD), hoại tử gan tụy (NHP), teo gan tụy (HPD), hoại tử cơ (IMNV) trên tôm.

- Địa điểm thu mẫu: Tại 14 vùng nuôi thủy sản tập trung (08 vùng nuôi tôm nước lợ, 02 vùng nuôi cá biển, 02 vùng nuôi nhuyễn thể, 02 vùng nuôi cá rô phi) và cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản;

- Phương pháp thu mẫu đa tầng, ngẫu nhiên theo từng nhóm nguy cơ: cao (nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến), trung bình (nuôi bán thâm canh, bán công nghiệp), thấp (công nghiệp, thâm canh, nuôi theo VietGap), nhiều giai đoạn;

- Số mẫu thu theo hướng dẫn của Cục Thú y tại văn bản số 431/TY-TS ngày 18/3/2019 về việc hướng dẫn giám sát, điều tra và ứng phó dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ;

- Phân tích, xét nghiệm mẫu theo phương pháp PCR, RT-PCR, Realtime PCR, nuôi cấy phân lập, định danh.

* Giám sát các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh: Hội chứng Taura (TS), đầu vàng (YHD), bệnh do DIV1 (DIV1), hoại tử gan tụy (NHP), teo gan tụy (HPD), hoại tử cơ (IMN) trên tôm.

Thời gian thực hiện: 09 tháng, từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2024.

Tần suất thu mẫu: 01 lần/tháng.

Nội dung giám sát:

(1). Giám sát chủ động bệnh dịch nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ:

* Giám sát các bệnh nguy hiểm thường gặp: Bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính, Đốm trắng do vi rút, Vi bào tử trùng, Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô.

- Thu mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính tại các ổ dịch cũ năm 2023 trước khi bắt đầu vụ nuôi Xuân Hè, chuyển tiếp giữa vụ Xuân Hè và Thu Đông năm 2024.

+ Địa điểm thu mẫu: trong ao nuôi, kênh cấp, kênh xả thải chung tại 08 vùng nuôi tôm tập trung tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và Quảng Yên;

+ Loại mẫu thu: bùn, nước;

+ Tổng số mẫu: 100 mẫu;

- Thu mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh trong quá trình nuôi:

+ Địa điểm thu mẫu: 08 vùng nuôi tôm tập trung tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên; các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm; các lô tôm giống nhập Tỉnh;

+ Loại mẫu thu: Tôm nuôi

- Số lượng mẫu thu:

+ Số lượng mẫu thu tại 01 vùng/01 lần thu mẫu;

+ Tổng số mẫu thu: 900 mẫu.

* Thu mẫu giám sát các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi có nguy cơ xăm nhiễm: Hội chứng Taura (TS), đầu vàng (YHD), hoại tử gan tụy (NHP), teo gan tụy (HPD), hoại tử cơ (IMN).

- Thực hiện thu 02 đợt/năm tại 8 vùng nuôi tôm (tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên);

- Tổng số mẫu gồm: 150 mẫu tôm.

(2). Giám sát chủ động dịch bệnh hoại tử thần kinh trên cá biển:

- Địa điểm thu mẫu: 02 vùng nuôi cá biển tập trung tại các địa phương: Cẩm Phả, Vân Đồn;

- Số mẫu thu tại 01 vùng/ 01 làn thu mẫu;

- Tổng số mẫu thu: 60 mẫu.

(3). Giám sát chủ động dịch bệnh Perkinsus trên nhuyễn thể nuôi.

- Địa điểm thu mẫu: 02 vùng nuôi tập trung tại các địa phương: Vân Đồn, Cẩm Phả;

- Số mẫu thu tại 01 vùng/ 01 lần thu mẫu;

- Tổng số mẫu thu: 60 mẫu (mỗi mẫu phân tích 02 chỉ tiêu bệnh Perkinsus olseni và Perkinsus marinus).

(4). Giám sát chủ động dịch bệnh TiLV, bệnh do Streptococcus trên cá rô phi

- Địa điểm thu mẫu: 02 vùng nuôi tập trung tại các địa phương: Đông Triều, Uông Bí;

- Số mẫu thu tại 01 vùng/01 lần thu mẫu;

- Tổng số mẫu thu: 60 mẫu (mỗi mẫu phân tích 02 chỉ tiêu bệnh: TiLV, Streptococcus).

c. Giám sát bị động

- Nội dung: Kiểm tra quy trình quản lý, chăm sóc, các yếu tố môi trường ao nuôi (độ mặn, pH, nhiệt độ, độ kiềm, NH3, H2S...) và thu mẫu xét nghiệm bệnh thuộc Danh mục bệnh phải công bố dịch, bệnh mới theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT khi có thủy sản nuôi chết, nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh;

- Xét nghiệm các bệnh trong danh mục bệnh được chỉ định thực hiện tại Trạm Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động, thực vật Quảng Ninh: Bệnh Đốm trắng (WSD), bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), bệnh Vi bào tử trùng (EHP), bệnh Hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV), Hội chứng Taura (TS), Đầu vàng (YHD), bệnh Hoại tử gan tụy (NHP), bệnh Teo gan tụy (HPD), bệnh Hoại tử cơ (IMNV) trên tôm nuôi nước lợ; Hội chứng hoại tử thần kinh ở cá biển (cá song, cá giò, cá vược...); bệnh ký sinh trùng Perkinsus ở nhuyễn thể (ngao, tu hài, hầu...); bệnh Tilapia Lake Virut (TiLV), bệnh do Streptococcus trên cá rô phi.

+ Số lượng mẫu: Dự kiến 105 mẫu. Bao gồm: 75 mẫu tôm (xét nghiệm 09 chỉ tiêu bệnh), 10 mẫu cá biển (xét nghiệm bệnh Hoại tử thần kinh), 10 mẫu nhuyễn thể (xét nghiệm 02 chỉ tiêu bệnh do ký sinh trùng Perkinsus olseni và Perkinsus marinus) và 10 mẫu cá nước ngọt (xét nghiệm 02 chỉ tiêu bệnh do TiLV, Streptococcus).

- Xét nghiệm các bệnh chưa được chỉ định, một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác, bệnh mới nổi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo cảnh báo của IOE/NACA (Tổng số lượng, loại mẫu và chỉ tiêu phân tích xét nghiệm theo tình hình thực tế và diễn biến dịch bệnh trên các đối tượng nuôi trong năm).

d. Vật tư, hóa chất phòng, chống dịch bệnh

- Vật tư phục vụ công tác thu mẫu, giám sát, điều tra, xử lý dịch bệnh của cơ quan thực hiện giám sát, điều tra dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y);

- Dự phòng hóa chất dự phòng phòng, chống dịch: Dự phòng 10.000 kg Chlorin từ nguồn ngân sách tỉnh; các địa phương dự phòng hóa chất để chủ động phòng chống, xử lý dịch bệnh (Nồng độ sử dụng hóa chất Chlorine theo khuyến cáo của Cục Thú y là 30 g/m3).

e. Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản

- Thực hiện nghiêm các quy định về chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản; tổ chức, tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng đối với một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi;

- Duy trì, mở rộng các chỉ tiêu xét nghiệm, các tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia về xét nghiệm bệnh và quan trắc môi trường (ISO, LAS-NN...) cho phòng thử nghiệm;

- Đào tạo, tập huấn chuyên môn về dịch tễ, kỹ thuật xét nghiệm, quan trắc môi trường bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam và yêu cầu của quốc tế; bổ sung, cập nhật, xây dựng mới các quy trình xét nghiệm bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên động vật thủy sản.

f. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin

- Nghiên cứu, xây dựng bản đồ dịch tễ một số bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên động vật thủy sản và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh;

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin trên cá rô phi, cá trắm cỏ;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nuôi mới để nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất nuôi trồng thủy sản;

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bao gồm: báo cáo, chia sẻ, phân tích số liệu dịch bệnh, dự báo, cảnh báo dịch bệnh.

g. Hợp tác quốc tế về công tác thú y thủy sản

- Tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch bệnh thủy sản, nghiên cứu khoa học về dịch bệnh, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh;

- Tham gia hợp tác trong kiểm dịch xuất, nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thủy sản; đàm phán, thống nhất các yêu cầu về thú y để hỗ trợ xuất khẩu thủy sản.

i. Chế độ báo cáo

- Khi chưa có dịch xảy ra: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố định kỳ báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh theo quy định;

- Khi có dịch bệnh xảy ra hoặc có bệnh mới phát sinh: Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Quan trắc cảnh báo môi trường

Quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm, cá biển, nhuyễn thể được quy hoạch tập trung, kịp thời khuyến cáo cho các cơ quan quản lý địa phương, các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất năm 2024 đạt hiệu quả. Quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm, cá biển, nhuyễn thể, cá nước ngọt bao gồm quan trắc định kỳ và đột xuất, cụ thể:

(1). Đối với quan trắc môi trường định kỳ

- Đối tượng: Quan trắc các yếu tố môi trường gồm thủy lý, thủy hóa và thủy sinh phục vụ nuôi các đối tượng chủ lực, đặc thù của tỉnh Quảng Ninh: Tôm, nhuyễn thể, cá biển, cá nước ngọt;

- Tần suất quan trắc: Tần suất 01 lần/tháng vào các tháng 7, 10, 11 và tần suất 02 lần/tháng vào các tháng 5, 6, 8,9;

- Số lượng mẫu nước dự kiến thu: 9.405 mẫu;

- Tiến hành thu mẫu tại Khu vực 1 gồm các địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà: 11 lượt; Khu vực 2 gồm các địa phương: Vân Đồn, Cẩm Phả: 11 lượt; Khu vực 3 gồm các địa phương: Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí: 11 lượt;

- Điểm quan trắc: Tại 18 vùng nuôi thuộc 09 địa phương Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều;

- Các vùng thu mẫu: Vùng nuôi tôm: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Uông Bí; vùng nuôi cá biển, nhuyễn thể: Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, cẩm Phả và vùng nuôi cá nước ngọt: Uông Bí, Đông Triều;

- Mỗi một vùng thu mẫu tiến hành thu mẫu tại 05 điểm (02 điểm cấp chung của vùng và 03 hộ nuôi đại diện);

- Nhóm thông số quan trắc: Nhóm thông số quan trắc 1 (nuôi tôm), nhóm thông số quan trắc 2 (nuôi nhuyễn thể, cá biển), nhóm thông số quan trắc 3 (cá nước ngọt);

- Chỉ tiêu quan trắc: Căn cứ vào các nhóm thông số quan trắc các chỉ tiêu quan trắc được phân bổ như sau:

(i). Nhóm thông số quan trắc 1: Phân tích 10 chỉ tiêu gồm Nhiệt độ, Độ mặn, pH, DO, COD, NH4+, H2S, NH3, Vi khuẩn Vibrio tổng số, Thực vật phù du, tảo độc.

(ii). Nhóm thông số quan trắc 2: Phân tích 09 chỉ tiêu gồm Nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, COD, NH4+, H2S, NH3, thực vật phù du, tảo độc.

(iii). Nhóm thông số quan trắc 3: Phân tích 9 chỉ tiêu gồm Nhiệt độ, pH, DO, COD, NH4+, NH3, H2S, NO2-, Aeromonas sp tổng số.

(2). Đối với quan trắc môi trường đột xuất

- Đối tượng: Quan trắc các yếu tố môi trường gồm thủy lý, thủy hóa và thủy sinh khi thủy sản nuôi (tôm, nhuyễn thể, cá biển) có dấu hiệu bị bệnh hoặc chết đột ngột trên địa bàn Tỉnh;

- Số lượng mẫu nước dự kiến thu: 35 mẫu;

- Các vùng thu mẫu: Vùng nuôi tôm tại các địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Uông Bí; vùng nuôi cá biển, nhuyễn thể tại các địa phương: Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả và vùng nuôi cá nước ngọt tại các địa phương: Uông Bí, Đông Triều.

- Nhóm thông số quan trắc: Nhóm thông số quan trắc 1 (nuôi tôm), nhóm thông số quan trắc 2 (nuôi nhuyễn thể, cá biển).

* Nội dung giám sát kết quả quan trắc môi trường

- Thực hiện công tác giám sát quan trắc cảnh báo môi trường tại 09 địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều chia làm 03 khu vực: Khu vực 1 gồm Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên; khu vực 2 gồm: Vân Đồn, Cẩm Phả; khu vực 3 gồm: Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí. Theo dõi, giám sát công tác cảnh báo kết quả phân tích môi trường vùng nuôi đến xã, phường và cơ sở nuôi. Tần suất thực hiện giám sát: 04 đợt/năm;

- Quan trắc các yếu tố môi trường gồm thủy lý, thủy hóa và thủy sinh khi thủy sản nuôi (tôm, nhuyễn thể, cá biển) có dấu hiệu bị bệnh hoặc chết đột ngột trên địa bàn Tỉnh.

5. Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2024 đến 31/12/2024 (Riêng nội dung Quan trắc cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm, cá biển, nhuyễn thể thực hiện từ tháng 3/2024 đến 31/12/2024[1]).

(Chi tiết có hệ thống phụ biểu kèm theo)

III. DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Đối với các nhiệm vụ cấp tỉnh thực hiện: Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định của pháp luật.

2. Đối với các nhiệm vụ do cơ quan cấp huyện thực hiện: Căn cứ các nội dung của Kế hoạch phòng chống dịch bệnh, nhu cầu thực hiện Kế hoạch, các đơn vị liên quan thuộc cấp huyện lập dự toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí từ nguồn ngân sách địa phương;

Ủy ban nhân dân các địa phương chủ động xây dựng dự toán thực hiện năm 2024, bố trí kinh phí mua hóa chất, vật tư vệ sinh, tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh, vắc xin, công tiêm phòng, kinh phí hỗ trợ mua hóa chất diệt chuột, xử lý hạt giống... chi khác theo quy định đảm bảo yêu cầu của Kế hoạch.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Là cơ quan thường trực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định;

Tổ chức triển khai các nội dung, hoạt động phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch được phê duyệt; thực hiện tốt Quy chế quản lý, cấp phát, sử dụng vật tư, vắc xin, hóa chất phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh;

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý, phát triển sản xuất, phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp;

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tại cơ sở; tổ chức giao ban định kỳ, đột xuất việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh;

Phối hợp với Sở Y tế trong việc hướng dẫn các địa phương giám sát và phòng chống các bệnh động vật lây sang người (Bệnh dại, Cúm gia cầm, Nhiệt thán…) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 về việc hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chủ động, kịp thời cung cấp cho Sở Y tế các thông tin về các ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm sang người trên địa bàn tỉnh (cúm gia cầm, dại…);

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xử lý triệt để các ổ dịch trên động vật có nguy cơ lây nhiễm sang người trên địa bàn tỉnh;

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, sâu rộng đến người dân;

Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc[2] phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện quy chế sử dụng, cấp phát thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị sử dụng phòng chống dịch bệnh; đề xuất bổ sung phương tiện, vật tư, trang thiết bị, hóa chất cần thiết đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp đảm bảo kịp thời, hiệu quả, thiết thực;

Trực tiếp triển khai các nội dung của kế hoạch, thực hiện quản lý, quy hoạch, xây dựng phát triển cơ sở, vùng sản xuất an toàn dịch bệnh trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt;

Tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành có liên quan rà soát, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch và các nội dung phát sinh (nếu có).

3. Sở Công Thương

Phối hợp với các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và xử lý các trường hợp vi phạm trong kinh doanh động vật, sản phẩm động vật;

Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh trong công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật và công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương trong tỉnh;

Cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm khi có yêu cầu.

4. Sở Y tế

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực ngành y tế quản lý;

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo hệ thống Y tế cơ sở tích cực tham gia và hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng tránh các loại dịch bệnh lây nhiễm từ động vật sang người, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng;

Chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tham gia xử lý các ổ dịch gia súc, gia cầm có nguy cơ lây sang người, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm (khi sử dụng động vật mắc bệnh làm thức ăn cho người) trên địa bàn tỉnh;

Bố trí cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người, trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu.

5. Công an tỉnh

Chỉ đạo các lực lượng trong ngành tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản; đảm bảo trật tự an ninh trên các địa bàn. Kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm vận chuyển buôn bán động vật, sản phẩm động vật ra vào vùng dịch theo quy định của pháp luật;

Phối hợp với các sở, ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch, kiểm dịch động vật, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm;

Cử cán bộ tham gia trực tại chốt kiểm dịch, tổ kiểm dịch liên ngành theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

6. Sở Thông tin truyền Thông, Trung tâm truyền thông tỉnh

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân về phòng, chống dịch bệnh ngành nông nghiệp; xây dựng bản tin cảnh báo môi trường, dịch bệnh ngành nông nghiệp, phát trên sóng phát thanh, truyền hình Tỉnh, kịp thời thông tin kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh để người dân chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời, có hiệu quả.

7. Các sở, ngành liên quan

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo trong hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trong gia đình và cộng đồng.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngành nông nghiệp trên địa bàn đảm bảo sát thực, hiệu quả; chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt Kế hoạch này;

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh buôn bán sản phẩm, vật tư nông nghiệp theo phân cấp, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; hướng dẫn cơ sở sản xuất trên địa bàn kê khai sản xuất ban đầu, tổng hợp thông tin phục vụ công tác quản lý và các biện pháp phòng bệnh tại cơ sở. Huy động, bố trí lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch đặc biệt khi dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh;

Chỉ đạo các cơ quan, chính quyền cơ sở, đoàn thể, tổ chức xã hội cùng tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động và biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ nguồn lợi thủy sản kịp thời, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; thực hiện tốt các quy định của Pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh trong nông nghiệp;

Chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, hóa chất kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Chủ động bố trí ngân sách để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản: hỗ trợ hóa chất tiêu hủy thủy sản mắc bệnh thuộc diện phải công bố dịch khi có kết quả xét nghiệm, điều tra của cơ quan chuyên ngành thú y; kinh phí hỗ trợ mua thuốc xử lý hạt giống phòng chống bệnh lùn sọc đen, diệt chuột bảo vệ sản xuất trên địa bàn và các nội dung khác phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương;

Thống kê, đánh giá, hỗ trợ khôi phục sản xuất do dịch bệnh theo quy định hiện hành, kể cả khi phải tiêu hủy nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch; chi thù lao cho người tham gia thực hiện phòng, chống dịch theo quy định;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để dịch bệnh trên địa bàn lây lan, bùng phát trên diện rộng do chủ quan, lơ là, thiếu sự phối hợp trong công tác phòng chống dịch và chậm tiến độ trong việc triển khai thực hiện các quy hoạch trên địa bàn quản lý;

Tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) theo quy định.

10. Tổ chức, cá nhân trong công tác phòng chống dịch bệnh

Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phải thực hiện các quy định về điều kiện quy định tại Luật Thú y, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và các biện pháp phòng bệnh bắt buộc, điều trị bệnh, chống dịch bệnh cho động thực vật. Hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát dịch bệnh và lấy mẫu theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành theo quy định;

Tổ chức, cá nhân khi sử dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền công bố, thực hiện theo hướng dẫn hoặc chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật, cơ quan quản lý chuyên ngành;

Những tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định trong công tác phòng, chống dịch trong lĩnh vực thú y, làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật;

Trong quá trình tổ chức, triển khai, nếu có vướng mắc, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp) để điều chỉnh cho phù hợp.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện./.


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- CT, P4 UBND tỉnh (b/c);
- Các tổ chức chính trị, xã hội tỉnh;
- Các Sở, ngành: NNPTNT, TC, KHCN, CT, TTTT, Công an tỉnh;
- Cục QLTT tỉnh;
- UBND các huyện, tx, tp;
- V0, V1, V2, NLN1, 3, TM3;
- Lưu: VT, NLN3 (05b, KH27).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Văn Diện

Phụ lục I.1: Chi tiết kế hoạch thực hiện phòng chống sinh vật hại cây trồng năm 2024

(Kèm theo Kế hoạch số: 315/KH-UBND ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

STT

Nội dung

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

1

Tổ chức thực hiện vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo cấy

Các huyện, thị xã, thành phố

Chi cục TT và BVTV

Tháng 01/2024;

Tháng 6-7/2024

2

Tổ chức diệt chuột

Các huyện, thị xã, thành phố

Chi cục TT và BVTV

Tháng 01-12/2024

3

Chuẩn bị thuốc diệt chuột hỗ trợ cho nông dân trước các vụ sản xuất

Các huyện, thị xã, thành phố

Chi cục TT và BVTV

Tháng 01 và tháng 6/2024

4

Lấy mẫu rầy, lúa giám định vurus lùn sọc đen

Chi cục TT và BVTV; TTDVKTNN các huyện, thị xã, TP

Tháng 01-10/2024

5

In phát tờ rơi hướng dẫn phòng trừ các đối tượng dịch hại cây trồng

Chi cục TT và BVTV

Phòng NN/phòng KT; Trung tâm DVKTNN các huyện, thị xã, thành phố

Tháng 3-7/2024

6

Tổ chức phòng trừ các đối tượng sinh vật hại cây trồng

Các huyện, thị xã, thành phố

Chi cục TT và BVTV

Tháng 01-10/2024

7

Xây dựng chuyên mục trên Báo, Truyền hình, các tin bài, phóng sự hướng dẫn phòng trừ sinh vật hại cây trồng

Chi cục TT và BVTV

Trung tâm truyền thông tỉnh.

Tháng 3-10/2024

Phụ lục I.2: Nhu cầu bả diệt chuột của các địa phương vụ mùa năm 2024

(Kèm theo Kế hoạch số: 315/KH-UBND ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

STT

Địa phương (huyện, tx, tp)

Dự kiến diện tích gieo cấy vụ xuân 2024 (ha)

Dự kiến diện tích gieo cấy vụ mùa 2024 (ha)

Dự kiến tổng diện tích gieo cấy 2024 (ha)

Số lượng bả diệt chuột cần sử dụng năm 2024 (kg)

Ghi chú

1

Đông Triều

3.980

4.500

8.480

25.440

Diện tích gieo cấy năm 2024 của các địa phương căn cứ vào kết quả thực hiện năm 2023. Định mức lượng bả cần cho 01 ha là 03 kg bả/ha/vụ).

2

Quảng Yên

2.975

3.198

6.173

18.519

3

Uông Bí

768

1.399

2.677

8.031

4

Hạ Long

1.198

1.540

2.738

8.214

5

Vân Đồn

262

468

730

2.190

6

Tiên Yên

1.224

2.276

3.500

10.500

7

Đầm Hà

1.435

2.100

3.535

10.605

8

Hải Hà

1.355,20

2.150

3.505

10.515

9

Ba Chẽ

392,2

615,2

1.007,40

3.022

10

Bình Liêu

494,6

1.530

2.024,60

6.073

11

Móng Cái

768

2.492

3.260

9.780

12

Cẩm Phả

87

287

374

1.122

13

Cô Tô

60

47

107

321

Tổng cộng

14.999

22.602

38.111

114.332

Phụ lục II.1: Giao chỉ tiêu tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm năm 2024

(Kèm theo Kế hoạch số: 315/KH-UBND ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Địa phương (huyện, tx, tp)

Các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Lở mồm long móng

Tụ huyết trùng trâu, bò

Viêm da nổi cục trâu, bò

Tai xanh lợn

Cúm gia cầm

Dại

Kế hoạch

10% dự trữ

Kế hoạch

10% dự trữ

Kế hoạch

10% dự trữ

Kế hoạch

10% dự trữ

Kế hoạch

10% dự trữ

Kế hoạch

10% dự trữ

1

Đông Triều

8.750

870

2.650

260

2.755

260

5.550

540

649.900

58.400

10.115

976

2

Uông Bí

5.575

550

2.030

200

2.025

200

1.410

140

195.000

19.500

6.695

695

3

Quảng Yên

19.080

1.908

6.850

685

3.425

347

15.040

1.450

855.126

85.500

8.250

825

4

Hạ Long

9.000

900

3.500

350

3.500

350

1.200

120

380.000

38.000

12.000

1.200

5

Cẩm Phả

7.000

700

2.800

280

4.000

400

5.000

500

50.000

5.000

6.200

620

6

Vân Đồn

4.600

400

1.800

180

1.800

180

1.000

100

130.000

13.000

3.000

300

7

Tiên Yên

3.100

310

1.660

160

2.650

260

450

40

685.200

68.400

8.400

840

8

Ba Chẽ

3.635

365

3.635

365

1.780

220

160

40

81.000

9.000

3.650

350

9

Bình Liêu

8.150

815

4.055

405

4.055

405

48

0

159.200

15 920

4.884

488

10

Đầm Hà

11.000

1.000

3.580

500

T580

500

4.400

450

650.000

65.000

5.800

600

11

Hải Hà

25.600

2.560

7.200

720

7.200

720

11.200

1.120

850.000

8.500

19.000

1.900

12

Móng Cái

32.200

3.220

16.100

1.610

16.100

1.600

3.000

300

290.000

29.000

5.400

540

13

Cô Tô

1.236

124

618

62

618

62

55

5

54.500

5.500

1.273

127

TỔNG

138.926

13.722

56.478

5.777

53.488

5.504

48.513

4.805

5.029.926

420.720

94.667

9.461

* Ghi chú:

- Vắc xin LMLM tiêm phòng cho trâu, bò, dê, lợn nái, lợn đực giống;

- Vắc xin tụ huyết trùng trâu bò: sử dụng vắc xin nhũ dầu tiêm 01 lần/năm;

- Vắc xin tai xanh tiêm phòng cho lợn nái, lợn đực giống.

Phụ lục II.2: Nhu cầu thuốc khử trùng tiêu độc phục vụ phun phòng, chống dịch năm 2024

(Kèm theo Kế hoạch số: 315/KH-UBND ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

STT

Địa phương (huyện, tx, tp)

Số hộ chăn nuôi gia cầm

Số hộ chăn nuôi lợn

Số hộ chăn nuôi trâu bò

Hộ chăn nuôi ngựa, dê, thỏ, vật nuôi khác

Dự kiến diện tích/lần phun = (hộ chăn nuôi gia cầm * 300 m2/hộ) + (hộ chăn nuôi lợn * 200 m2/hộ) + (hộ chăn nuôi trâu bò * 200 m2/hộ)

Số lượng thuốc khử trùng sử dụng/lần phun (lít)

Thuốc khử trùng dự phòng tỉnh mua

(phun trong các trường hợp: xử lý ổ dịch, xử lý nhập lậu, vận chuyển, 02 tháng cao điểm Bộ NN và PTNT phát động) (lít)

1

Đông Triều

1.200

950

432

0

636.400

636

(1). Trong năm có ít nhất 02 lần phun trong toàn tỉnh thực hiện tháng cao điểm KTTĐ; dự kiến 33.960 lít.

(2). Hóa chất dự trữ xử lý khi phát sinh ổ dịch (LMLM, Cúm, DTLCP, tai xanh, dại). Trên cơ sở thực tế năm 2022 phát sinh 14 ổ dịch, 08 tháng năm 2023 phát sinh 12 ổ dịch. Dự kiến 15 ổ dịch (xã) cho năm 2024. Dự kiến 7.500 lít (500 lít/xã).

(3). Hóa chất dự trữ sử dụng trong các vụ việc xử lý hàng nhập lậu, các khu vực trọng yếu như cửa khẩu, lối mở để đảm bảo công tác phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm: Dự kiến 500 lít.

2

Uông Bí

2.281

616

326

120

896.700

897

3

Quảng Yên

4.575

4.250

1.062

0

2.434.900

2.435

4

Hạ Long

3.797

1.045

884

0

1.524.900

1.525

5

Cẩm Phả

545

392

29

8

249.300

249

6

Móng Cái

4.977

3.356

2.691

12

2.704.900

2.705

7

Vân Đồn

1.358

260

198

0

499.000

499

8

Ba Chẽ

2.974

413

156

2

1.006.400

1.006

9

Bình Liêu

1.524

915

1.641

145

997.400

997

10

Tiên Yên

4.569

1.244

412

63

1.714.500

1.715

11

Đầm Hà

7.100

1.977

1.350

5

2.796.400

2.796

12

Hải Hà

2.315

1.250

2.410

0

1.426.500

1.427

13

Cô Tô

266

25

41

0

93.000

93

Tổng

37.481

16.693

11.632

355

16.980.300

16.980

41.960

Tổng số hóa chất dự kiến sử dụng: 41.960 lít

* Ghi chú: Nồng độ thuốc khử trùng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Vùng dịch: phạm vi bán kính 3km từ ổ dịch

Vùng đệm: phạm vi bán kính 10 km từ ổ dịch

Quy trình phun: vùng dịch, vùng uy hiếp phun 1 lần/ngày trong 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; vùng đệm phun 1 lần/tuần, phun liên tiếp trong 1 tháng đến khi hết dịch.

Phụ lục II.3: Nhu cầu hóa chất dự phòng phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2024

(Kèm theo Kế hoạch số: 315/KH-UBND ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Địa phương (huyện, tx, tp)

Dự kiến diện tích nuôi tôm TC, BTC năm 2024 (ha)

Tình hình xuất cấp năm 2022, 2023; dự kiến nhu cầu hóa chất phòng, chống dịch năm 2024

Dự kiến hóa chất dự phòng năm 2024 (tấn)

Tình hình xuất cấp năm 2022

(tấn)

Tình hình xuất cấp năm 2023

(tấn)

1

Móng Cái

1.600

13,565

13,5

2

Hải Hà

350

4,992

3

Đầm Hà

560

2,475

5

4

Tiên Yên

1.200

5

5

Cẩm Phả

175

6

Quảng Yên

2.665

0,68

7

Uông Bí

160

8

Hạ Long

400

Tổng cộng

7.110

21,712

23,5

10*

(* Ghi chú: Nhu cầu hóa chất dự kiến xử lý 02% diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh, tương đương khoảng 94 ha; liều dùng 300 kg/ha) .

BẢNG III.1: CHỈ TIÊU QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG NĂM 2024

(Kèm theo Kế hoạch số: 315/KH-UBND ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Địa điểm

Đối tượng

Điểm quan trắc

Tổng số lần QT

Thông số quan trắc

1

Móng Cái

Hải Hòa

Tôm

5

11

Nhóm quan trắc 1

Vạn Ninh

Tôm

5

11

Nhóm quan trắc 1

Bình Ngọc

Tôm

5

11

Nhóm quan trắc 1

Hải Xuân

Tôm

5

11

Nhóm quan trắc 1

2

Hải Hà

Quảng Minh

Nhuyễn thể

5

11

Nhóm quan trắc 2

3

Đầm Hà

Tân Bình

Tôm

5

11

Nhóm quan trắc 1

Tân Lập

Nhuyễn thể

5

11

Nhóm quan trắc 2

4

Tiên Yên

Đông Hải

Tôm

5

11

Nhóm quan trắc 1

Đồng Rui

Tôm

5

11

Nhóm quan trắc 1

5

Vân Đồn

Bản Sen

Nhuyễn thể, cá biển

5

11

Nhóm quan trắc 2

Thắng Lợi

Nhuyễn thể, cá biển

5

11

Nhóm quan trắc 2

6

Cẩm Phả

Cẩm Đông

Cả biển

5

11

Nhóm quan trắc 2

7

Quảng Yên

Hà An

Tôm

5

11

Nhóm quan trắc 1

8

Uông Bí

Yên Thanh

Tôm

5

11

Nhóm quan trắc 1

Phương Nam

Cá nước ngọt

5

11

Nhóm quan trắc 3

9

Đông Triều

Hồng Phong

Cá nước ngọt

5

11

Nhóm quan trắc 3

Hoàng Quế

Cá nước ngọt

5

11

Nhóm quan trắc 3

Yên Đức

Cá nước ngọt

5

11

Nhóm quan trắc 3

Làm tròn

90

198

BẢNG III.2: NHÓM THÔNG SỐ QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG NĂM 2024

(Kèm theo Kế hoạch số: 315/KH-UBND ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Thông số quan trắc

Ghi chú

I

Nhóm thông số quan trắc

Môi trường nuôi tôm

1

Nhiệt độ

Hiện trường

2

Độ mặn

Hiện trường

3

pH

Hiện trường

5

DO

Hiện trường

6

COD

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

7

NH4+

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

8

H2S

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

9

NH3

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

10

Vi khuẩn Vibrio tổng số

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

11

Thực vật phù du, tảo độc

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

II

Nhóm thông số quan trắc 2

Môi trường nuôi nhuyễn thể, cá biển

1

Nhiệt độ

Hiện trường

2

Độ mặn

Hiện trường

3

pH

Hiện trường

4

DO

Hiện trường

5

COD

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

6

NH4+

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

7

H2S

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

8

NH3

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

9

Thực vật phù du, tảo độc

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

III

Nhóm thông số quan trắc 3

Môi trường nuôi cá nước ngọt

1

Nhiệt độ

Hiện trường

2

pH

Hiện trường

3

DO

Hiện trường

4

COD

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

5

NH4+

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

6

NH3

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

7

H2S

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

8

NO2-

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

9

Aeromonas sp tổng số

Hiện trường, Phòng thí nghiệm

BẢNG III.3: CHI TIẾT SỐ LẦN QUAN TRẮC VÀ LƯỢNG MẪU QUAN TRẮC TỪ THÁNG 5 ĐẾN THÁNG 11 NĂM 2024

(Kèm theo Kế hoạch số: 315/KH-UBND ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Địa điểm

Đối tượng

Điểm quan trắc

Tháng trong năm

Số lần quan trắc

Thông số quan trắc

Số mẫu

T5

T6

T7

T8

T9

T10

T11

1

Móng Cái

44

2.200

Hải Hòa

Tôm

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 1

550

Vạn Ninh

Tôm

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 1

550

Bình Ngọc

Tôm

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 1

550

Hải Xuân

Tôm

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 1

550

2

Hải Hà

11

495

Quảng Minh

Nhuyễn thể

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 2

495

3

Đầm Hà

22

1.045

Tân Bình

Tôm

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 1

550

Tân Lập

Nhuyễn thể

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 2

495

4

Tiên Yên

22

1.100

Đông Hải

Tôm

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 1

550

Đồng Rui

Tôm

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 1

550

5

Vân Đồn

22

990

Bản Sen

Nhuyễn thể, cá biển

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 2

495

Thắng Lợi

Nhuyễn thể, cá biển

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 2

495

6

Cẩm Phả

11

495

Cẩm Đông

Cá biển

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 2

495

7

Quảng Yên

11

550

Hà An

Tôm

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 1

550

8

Uông Bí

11

1045

Yên Thanh

Tôm

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 1

550

Phương Nam

Cá nước ngọt

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 3

495

9

Đông Triều

33

1.485

Hồng Phong

Cá nước ngọt

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 3

495

Hoàng Quế

Cá nước ngọt

5

2

2

1

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 3

495

Yên Đức

Cá nước ngọt

5

2

2

I

2

2

1

1

11

Nhóm quan trắc 3

495

Tổng cộng

187

9.405

BẢNG III.4: DỰ TOÁN CHI PHÍ PHÂN TÍCH CHỈ TIÊU MÔI TRƯỜNG ĐỘT XUẤT NĂM 2024

(Kèm theo Kế hoạch số: 315/KH-UBND ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Địa điểm

Đối tượng

Điểm quan trắc

Tổng số lần QT

Thông số quan trắc

1

Các địa phương phát sinh dịch bệnh đột xuất

1

Địa phương

Tôm

5

3

Nhóm quan trắc 1

2

Địa phương

Nhuyễn Thể

5

2

Nhóm quan trắc 2

3

Địa phương

Cá biển

5

2

Nhóm quan trắc 2

Làm tròn



[1] Theo thời vụ thả nuôi thủy sản.

[2] Các Chi cục: Thủy sản, Kiểm lâm, Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Phòng Kỹ thuật môi trường.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 315/KH-UBND ngày 22/12/2023 phòng chống dịch bệnh ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2024

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


154

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.162.129
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!