ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 193/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày 15 tháng 12 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
KHUYẾN NÔNG TỈNH NINH BÌNH NĂM 2023
Thực hiện Nghị định số 83/2018/NĐ-CP
ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông; Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày
26/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình Khuyến nông
tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025. Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Khuyến nông cấp tỉnh năm 2023
với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc
và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Khuyến nông tỉnh Ninh Bình
giai đoạn 2022-2025, phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ
theo nhu cầu thực tiễn của các địa phương.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng
dẫn kỹ thuật, chủ trương, chính sách về nông lâm nghiệp và thủy sản cho nông
dân, chủ cơ sở, hợp tác xã sản xuất nông lâm thủy sản; các hoạt động sản xuất
nông nghiệp. Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương pháp tổ chức sản
xuất và định hướng thị trường.
- Chuyển đổi cơ cấu trong lĩnh
vực nông nghiệp theo hướng tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ
ổn định. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất theo tiêu
chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi
giá trị, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn bền vững, gắn với tiêu
thụ sản phẩm.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tập huấn cho trên 2.700 lượt
nông dân, người sản xuất được tiếp cận, nắm bắt tiến bộ kỹ thuật mới trong sản
xuất đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao,
chất lượng cao, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.
- Tăng cường xúc tiến thương mại,
giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
- Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật,
giống, công nghệ thông qua các mô trình diễn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm,
tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả
kinh tế.
II. NỘI DUNG
KẾ HOẠCH KHUYẾN NÔNG
1. Tập huấn
nâng cao kiến thức cho đối tượng nhận chuyển giao
- Mục tiêu: Tập huấn chuyển
giao tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp (giống, phân bón, thức ăn,
kỹ thuật thâm canh theo hướng hữu cơ,…); tuyên truyền các chủ trương, chính
sách, quy định của pháp luật trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản
giúp người nông dân áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và
đời sống cho người nông dân.
- Đối tượng tham gia: cán bộ phụ
trách công tác khuyến nông các xã, phường, thị trấn, thành viên HTX nông nghiệp,
nông dân chủ chốt,… tại 08 huyện, thành phố.
- Quy mô: 45 lớp
- Số người tham gia: 2.700 học
viên (60 học viên/lớp).
- Thời gian tổ chức: 01 ngày/lớp.
- Địa điểm tổ chức: Tại các xã,
thị trấn trên địa bàn tỉnh.
2. Thông
tin tuyên truyền
a) In ấn tờ rơi, tuyên truyền
qua Ban tuyên giáo Tỉnh ủy
- Mục tiêu: Cung cấp thông tin
về tiến bộ khoa học kỹ thuật , quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới.
- Đối tượng: Nông dân, hợp tác
xã sản xuất nông nghiệp, chủ trang trại, chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế
biến và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Nội dung: In ấn, cấp phát
19.940 tờ rơi; tổ chức hội nghị tuyên truyền và đăng tải, cập nhật thông tin
trên cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy.
b) Tổ chức hội nghị
- Mục tiêu: Tuyên truyền ứng dụng
công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ liên kết tiêu thụ các sản phẩm
nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
- Đối tượng: Các doanh nghiệp,
hợp tác xã, hộ kinh doanh, khuyến nông viên, nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
- Quy mô: 02 hội nghị (110 người/hội
nghị)
c) Tổ chức đoàn học tập, trao đổi
tiến bộ khoa học kỹ thuật
- Nội dung làm việc: Điều tra,
khảo sát thị trường tiêu thụ nông sản, tìm hiểu các hình thức ứng dụng công nghệ
số trong việc kết nối cung cầu nhằm giúp các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nắm
bắt được thông tin thị trường, tìm hiểu phương thức tổ chức liên kết tiêu thụ sản
phẩm từ đó có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ phù hợp với nhu cầu thị trường.
- Thành phần: Cán bộ khuyến
nông, một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực
sản xuất nông nghiệp.
- Địa điểm: Tỉnh Khánh Hòa, tỉnh
Lâm Đồng.
- Quy mô: 01 đoàn.
d) Tham gia triển lãm, hội chợ
nông nghiệp
- Mục tiêu: Giới thiệu, quảng
bá thương hiệu sản phẩm nông sản, đặc sản, của tỉnh nhằm tìm kiếm đầu mối tiêu
thụ, cơ hội giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, phát triển
thị trường.
- Nội dung: Hỗ trợ một số cơ sở
sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản chủ lực của tỉnh tham gia một số triển lãm,
hội chợ nông nghiệp trong nước.
- Địa điểm: Trong nước
- Quy mô: 06 hội chợ.
3. Xây dựng
và nhân rộng mô hình
3.1 Lĩnh vực trồng trọt: Năm
2023, xây dựng 10 mô hình cho 04 nhóm mô hình khuyến khích nhân rộng. Cụ thể
như sau:
* Nhóm 1. Chương
trình phát triển sản xuất lúa bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu:
- Mục đích: Đẩy mạnh cơ giới
hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật
trong sản xuất nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm công lao động, tăng
hiệu quả kinh tế.
- Dự kiến triển khai mô hình
sau: Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ứng dụng mạ khay, cấy máy.
* Nhóm 2. Chương
trình phát triển sản xuất rau, hoa bền vững:
- Mục đích: Chuyển giao các tiến
bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất rau, hoa, quả tạo ra sản phẩm
an toàn chất lượng, tăng thu nhập cho người sản xuất. Nâng cao kỹ năng sản xuất
theo hướng an toàn cho người nông dân; Phát triển liên kết giữa người sản xuất
với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm khắc phục tình trạng
“Được mùa mất giá” tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có hiệu quả cao;
khuyến khích thử nghiệm một số giống cây trồng mới vào sản xuất.
- Dự kiến triển khai các mô
hình sau: Mô hình trồng dưa hấu chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm; mô
hình ứng dụng công nghệ nhà lưới trong sản xuất rau, quả an toàn; mô hình thử
nghiệm một số giống dưa lưới mới tại tỉnh Ninh Bình; mô hình sản xuất dưa chuột
tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm; mô hình liên kết trong chuỗi giá trị-vùng
nguyên liệu trồng cây trạch tả đảm bảo ATTP; mô hình trồng nấm an toàn có tem
truy xuất nguồn gốc; mô hình trồng cây dược liệu an toàn.
* Nhóm 3. Chương
trình phát triển sản xuất bền vững một số cây ăn quả chủ lực của tỉnh:
- Mục đích: Xây dựng thương hiệu,
nhãn hiệu hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát nguồn gốc sản phẩm,
minh bạch trong quản lý, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm nông
nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh.
- Dự kiến triển khai mô hình
sau: Mô hình trồng cây ăn quả theo hướng GAP.
* Nhóm 4. Chương
trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản xuất:
- Mục đích: Chuyển đổi cơ cấu
cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Dự kiến triển khai các mô
hình sau: Mô hình trồng sen thâm canh lấy hạt gắn với tiêu thụ sản phẩm.
3.2 Lĩnh vực chăn nuôi: Xây
dựng 09 mô hình cho 03 nhóm mô hình khuyến khích nhân rộng, cụ thể như sau:
* Nhóm 1. Chương
trình phát triển chăn nuôi gia cầm theo chuỗi giá trị
- Mục đích: Khảo nghiệm, lựa chọn
giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao thích nghi với điều kiện Ninh Bình, giúp
đa dạng hóa sản phẩm gắn với tiêu thụ.
- Dự kiến triển khai mô hình
sau: Mô hình nuôi gà ác thương phẩm liên kết tiêu thụ.
* Nhóm 2. Chương
trình phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nâng cao giá trị
- Mục đích: Cải tạo chất lượng
giống vật nuôi nhàm tăng năng suất, chất lượng và nâng cao tổng đàn trên địa
bàn tỉnh. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong chăn nuôi nhằm tăng
năng suất và chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.
- Dự kiến triển khai các mô
hình sau:Mô hình Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho bò nhằm nâng cao năng
suất chất lượng đàn bò địa phương; mô hình Sử dụng Bò đực giống cải tạo đàn bò,
nâng cao năng suất chất lượng thịt; mô hình Phát triển đàn bò cái sinh sản nhằm
nâng cao nền bò cái địa phương; mô hình Vỗ béo bò thịt trên nền đệm lót sinh học.
* Nhóm 3. Chương
trình phát triển chăn nuôi bản địa và các vật nuôi khác có tiềm năng thị trường
- Mục đích: Nâng cao giá trị
kinh tế của vật nuôi bản địa, khai thác lợi thế cạnh tranh thích ứng với biến đổi
khí hậu.
- Dự kiến triển khai các mô
hình sau: Mô hình Sử dụng Dê đực giống lai Boer nhằm nâng cao năng suất, chất
lượng trong chăn nuôi dê; mô hình nuôi dê sinh sản nhằm phát triển, bảo tồn đàn
dê núi; mô hình Chăn nuôi Vịt biển nhằm phát huy lợi thế ven biển Kim Sơn; mô
hình nuôi ong nội lấy mật.
3.3 Lĩnh vực thủy sản: Xây
dựng 25 mô hình cho 05 nhóm mô hình khuyến khích nhân rộng, cụ thể như sau:
* Nhóm 1. Chương
trình Khuyến ngư lĩnh vực khai thác thủy sản
- Mục đích: Nâng cao hiệu quả
khai thác thủy sản ven bờ có chọn lọc góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ
và ổn định thu nhập cho người dân.
- Dự kiến triển khai mô hình
sau:Mô hình hỗ trợ lưới rê đơn (cá trích, mòi) trên tàu khai thác hải sản nhằm
nâng cao hiệu quả chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác ven bờ.
* Nhóm 2. Chương trình
Khuyến ngư nuôi thủy sản nước ngọt.
- Mục đích: Xây dựng các mô
hình nuôi thâm canh các đối tượng thủy sản nước ngọt truyền thống, các phương
thức nuôi mới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giúp người chăn nuôi thủy sản
khắc phục những tồn tại, hạn chế so với phương thức nuôi thủy sản truyền thống.
- Các mô hình, đối tượng dự kiến
triển khai: sử dụng chế phẩm sinh học nuôi cá rô đồng, cá chép, cá trắm cỏ; cá
trăm cỏ sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn xanh; nuôi thâm canh cá
nước ngọt; tôm càng xanh.
* Nhóm 3. Chương
trình Khuyến ngư nuôi thủy sản mặn lợ
- Mục đích: Thử nghiệm một số đối
tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi; thay
đổi phương thức nuôi, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Các mô hình, đối tượng dự kiến
triển khai: Hỗ trợ nuôi thử nghiệm ngao tía thương phẩm; nuôi tôm thẻ chân trắng
thâm canh hai giai đoạn ứng dụng phương pháp xử lý nước nhanh; nuôi ghép cá nâu
trong ao nuôi cá vược.
* Nhóm 4. Chương
trình Khuyến ngư phát triển nuôi đặc sản, con nuôi mới
- Mục đích: Khôi phục nguồn lợi
thủy sản nội đồng, nhân rộng, phát triển các đối tượng đặc sản có giá trị kinh
tế cao.
- Các mô hình, đối tượng dự kiến
triển khai: Tôm càng xanh, ếch, ốc nhồi, cá trê đồng, ba ba gai nhật Bản, nuôi
cá Mú thương phẩm,.…
* Nhóm 5. Chương
trình Khuyến ngư về phát triển giống thủy sản
- Mục đích: Giúp chủ động nguồn
giống đảm bảo chất lượng đối với một số đối tượng nuôi truyền thống và đối tượng
nuôi mới.
- Các mô hình, đối tượng dự kiến
triển khai: Mô hình ương giống cá chép lai; Mô hình Hỗ trợ ương giống cá trắm cỏ;
Mô hình Hỗ trợ sản xuất giống ngao tía;…
3.4 Lĩnh vực lâm nghiệp: Xây
dựng 02 mô hình cho 01 nhóm mô hình khuyến khích nhân rộng, cụ thể như sau:
* Nhóm 1. Chương
trình trồng rừng cây lâm sản ngoài gỗ kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp.
- Mục đích: Nhân rộng các mô
hình phát triển cây lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế tạo thu nhập ổn định
cho người dân làm nghề rừng góp phần quản lý rừng bền vững.
- Dự kiến triển khai các mô
hình sau: Mô hình trồng cây lâm nghiệp kết hợp cây dược liệu có ứng dụng công
nghệ tưới tiết kiệm trên địa bàn xã Gia Sinh huyện Gia Viễn; mô hình trồng cây
lâm nghiệp gỗ lớn kết hợp trồng cây Sim và cây dược liệu dưới tán có ứng dụng
công nghệ tưới tiết kiệm trên địa bàn xã Gia Hòa huyện Gia Viễn.
(Chi
tiết tại phụ lục kèm theo Kế hoạch)
III. DỰ KIẾN
KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Dự kiến kinh phí:
13.355 triệu đồng (Trong đó: Sở Nông nghiệp và PTNT: 12.405 triệu đồng; Hội
Nông dân tỉnh: 950 triệu đồng); từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế tỉnh năm
2023
2. Kinh phí đối ứng của
tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các mô hình và các nguồn vốn hợp pháp khác.
IV. Tổ chức
thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Chủ trì, tổ chức, hướng dẫn,
triển khai thực hiện Kế hoạch Khuyến nông theo đúng quy định của pháp luật, đảm
bảo không trùng lặp nội dung, đối tượng; tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục tiêu đề
ra. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
- Thường xuyên theo dõi, rà
soát các cơ chế, chính sách, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban
hành cho phù hợp với điều kiện thực tế từng giai đoạn và nâng cao hiệu quả
trong hoạt động khuyến nông tỉnh.
- Trong quá trình triển khai thực
hiện, nếu cần thiết có sự thay đổi về quy mô, địa điểm hoặc chuyển đổi mô hình,
điều chuyển tăng giảm kinh phí thực hiện từ mô hình này sang mô hình khác… Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị
có liên quan thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh quy định về một số điểm về
điều hành dự toán ngân sách nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2023 của UBND tỉnh Ninh
Bình.
2. Sở Tài chính
Thẩm tra, thông báo kinh phí và
hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch theo
quy định hiện hành.
3. Hội Nông dân tỉnh
Tổ chức triển khai thực hiện có
hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này; quản lý, sử dụng kinh phí thực
hiện Kế hoạch đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và theo quy định của Luật ngân
sách Nhà nước và quy định của văn bản có liên quan.
3. Các sở, ban, ngành liên
quan
- Các Sở, ban, ngành liên quan:
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Hội Nông dân tỉnh thực hiện các nội dung Kế hoạch.
- Cơ quan thông tin tuyên truyền
và các tổ chức đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn để tuyên truyền về công tác khuyến nông.
4. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn,
UBND cấp xã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông
dân tỉnh triển khai hoàn thành các mô hình khuyến nông trên địa bàn huyện,
thành phố năm 2023.
Trên đây là Kế hoạch Khuyến
nông tỉnh Ninh Bình năm 2023. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc các đơn vị kịp thời thông tin về Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm
quyền./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT, VP3,5
Bh_VP3_KH34
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Song Tùng
|