Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 1520/KH-UBND 2019 phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi Lâm Đồng

Số hiệu: 1520/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Phạm S
Ngày ban hành: 20/03/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1520/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 20 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thú y;

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Căn cứ Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ Quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp;

Căn cứ Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Căn cứ Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam;

Căn cứ Công điện khẩn số 1237/CĐ-BNN-TY ngày 22/02/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi;

Căn cứ Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, như sau

I. TÌNH HÌNH BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI:

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng; không gây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn; không lây nhiễm và gây bệnh ở người; vi rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,..), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị được bệnh DTLCP.

Tại Việt Nam, ngày 19/02/2019, Cục Thú y công bố thông tin về bệnh DTLCP lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và hiện nay, theo báo cáo của Cục Thú y, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 19 tỉnh là: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh và Thừa Thiên Huế.

Tại tỉnh Lâm Đồng, mặc dù chưa xuất hiện bệnh nhưng nguy cơ bệnh DTLCP xảy ra trên đàn lợn là rất lớn (do: lượng khách du lịch đến từ các tỉnh và các nước đang có dịch bệnh; lợn và các sản phẩm từ lợn thường xuyên được vận chuyển ra, vào tỉnh làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập phân gia súc, gia cầm phục vụ trồng trọt của tỉnh Lâm Đồng rất lớn nhưng đa số chưa được xử lý, ủ hoai nên rất dễ lây lan dịch bệnh).

II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI:

1. Các văn bản, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào Việt Nam, Công điện khẩn số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP, Chỉ thị số 8523/CT-BNN-TY ngày 01/11/2018 về việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào Việt Nam, Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2019 ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP, Công điện khẩn số 9863/CĐ-BNN-TY về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam; Công điện khẩn 1237/CĐ-BNN-TY ngày 22/02/2019 về việc tăng cường kiểm, soát, buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn để phòng chống bệnh DTLCP và Nghị quyết số 16/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2019, công văn số 2053/TY-DT ngày 30/8/2018 về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào Việt Nam và các văn bản chỉ đạo về chuyên môn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều Hội nghị phòng, chống bệnh DTLCP cho các tỉnh; Hội nghị diễn tập ứng phó với bệnh DTLCP tại Lào Cai; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, ngăn chặn dịch bệnh DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam; thành lập 8 đội phản ứng nhanh, hướng dẫn lấy mẫu, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm.

2. Các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh: Công văn số 5923/UBND-NN ngày 14/9/2018 về việc triển khai các biện pháp ngăn chặn DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam; công văn số 6537/UBND-KT ngày 10/10/2018 về việc triển khai các biện pháp ngăn chặn DTLCP; Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 28/01/2019 phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2019; Quyết định số 186/QĐ-UBND ngày 29/01/2019 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2019 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; công văn số 760/UBND-NN ngày 15/02/2019 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; công văn số 867/UBND-NN ngày 19/02/2019 về việc triển khai Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP; công văn số 1219/UBND-NN ngày 07/3/2019 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 06/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống bệnh DTLCP; Kế hoạch số 1218/KH-ĐKT ngày 07/3/2019 về kiểm tra công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh.

III. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung: Chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm và lây lan dịch bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Ngăn chặn và giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh; kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, phương tiện vận chuyển đến từ các địa phương, vùng đã, đang có dịch bệnh và có nguy cơ lớn xảy ra dịch.

b) Chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh DTLCP để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng; giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh DTLCP gây ra.

c) Ổn định, khôi phục chăn nuôi, tái đàn sau dịch (nếu có).

IV. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP:

1. Tình huống khi chưa phát hiện bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh:

1.1. Công tác chỉ đạo phòng chống dịch:

a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng.

b) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, trang trại chăn nuôi nhằm nâng cao ý thức, chủ động trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP; thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh và trong cả nước để nắm bắt thông tin, chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra.

c) Thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa phương có tổng đàn lợn với số lượng lớn, các địa phương có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ thịt lợn ra vào tỉnh.

d) Thành lập các Chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại các cửa ngõ vào địa bàn tỉnh trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khi cần thiết (đặc biệt là trên quốc lộ 27C khu vực giáp ranh tỉnh Khánh Hòa là tuyến giao thông chính từ các tỉnh phía bắc đang có dịch vào Lâm Đồng); tăng cường lực lượng tại các Trạm Kiểm dịch động vật: Eo gió, huyện Đơn Dương; Madagui, huyện Đạ Huoai và Phước Cát 1, huyện Cát Tiên để kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ thịt lợn ra vào tỉnh.

d) Tập trung triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2019 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 186/QĐ-UBND ngày 29/01/2019 và các văn bản chỉ đạo có liên quan của UBND tỉnh.

1.2. Các giải pháp kỹ thuật:

1.2.1. Kiểm soát vận chuyển:

a) Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân vào địa bàn tỉnh. Tập trung kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiêu hủy toàn bộ lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu nếu phát hiện.

b) Tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ các phương tiện giao thông đường bộ, đường hàng không và khách du lịch từ các nước, các tỉnh đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến Lâm Đồng; các phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn nói riêng và các phương tiện vận chuyển thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, phân hữu cơ chưa qua xử lý, sản phẩm khác liên quan đến chăn nuôi.

c) Tăng cường lực lượng liên ngành tại Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông: Eo Gió, Madagui, Phước Cát 1 bao gồm: cán bộ Cảnh sát giao thông, môi trường để kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

d) Khi cần thiết, thành lập các Chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại các tuyến đường giáp ranh các tỉnh chưa có Trạm Kiểm dịch động vật tại: Quốc lộ 27 đi Đắk Lắk, quốc lộ 27C đi Khánh Hòa. Thành phần tham gia: Cảnh sát giao thông huyện, cán bộ Trung tâm nông nghiệp (Thú y), Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cán bộ xã nơi lập Chốt kiểm dịch để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn, phân hữu cơ chưa qua xử lý xuất nhập tỉnh.

1.2.2. Quản lý chăn nuôi và an toàn sinh học:

a) Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; định kỳ thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở nhất là các cơ sở sản xuất con giống.

b) Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.

1.2.3. Chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh:

a) Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ và sẵn các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch và lấy mẫu xét nghiệm bệnh.

b) Giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói chung và bệnh DTLCP trên đàn lợn của hộ chăn nuôi, tại các chợ, điểm tập kết, buôn bán.

c) Hướng dẫn người chăn nuôi theo dõi, giám sát đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo ngay cho Chính quyền và cơ quan Thú y địa phương để lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.

d) Tổ chức lấy mẫu giám sát đối với lợn sống và các sản phẩm từ lợn nhập lậu vào tỉnh, các cơ sở giết mổ và một số hộ, trang trại chăn nuôi lợn. Thực hiện các đợt lấy mẫu giám sát theo chương trình của Cục Thú y và của tỉnh Lâm Đồng.

1.2.4. Truyền thông:

a) Thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để kịp thời thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến tất cả những người làm thú y cơ sở, người chăn nuôi, người dân để nắm bắt, hiểu biết về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống bệnh và chủ động ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm vào tỉnh Lâm Đồng.

b) Hình thức tuyên truyền: Xây dựng các phóng sự, tài liệu, tờ rơi về bệnh để tuyên truyền qua kênh của đài Truyền hình tỉnh, huyện; đài phát thanh của xã, tuyên truyền thông qua các buổi họp ở khu phố,... đảm bảo nội dung tuyên truyền đến các trang trại, hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn.

c) Nội dung tuyên truyền: Các chế độ, chính sách đối với người chăn nuôi khi có dịch bệnh; các hành vi bị cấm trong chăn nuôi: nêu rõ tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh gây thiệt hại đến người chăn nuôi, giấu dịch, vứt xác ra môi trường,...làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; bệnh DTLCP không lây sang người để người dân tiếp tục sử dụng thịt lợn đồng thời tránh gây hoang mang trong xã hội; thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, chết; Không vứt xác lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa.

2. Tình huống khi phát hiện có bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh:

2.1. Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức chống dịch theo quy định của Luật Thú y để chỉ đạo, điều hành các hoạt động tại địa phương; báo cáo tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, các quy định cụ thể cho phù hợp với tình hình và diễn biến dịch bệnh.

b) Thực hiện thủ tục công bố dịch khi đủ điều kiện theo quy định.

c) Các thành viên Ban chỉ đạo các cấp trực tiếp đến ngay các địa phương có dịch bệnh, có nguy cơ bị dịch bệnh uy hiếp để kiểm tra, đôn đốc và tổ chức các biện pháp chống dịch.

d) Ban chỉ đạo các cấp thực hiện giao ban hàng tuần, đột xuất hoặc giao ban trực tuyến để cập nhật diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo tổ chức thực hiện.

đ) Trên cơ sở Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng, phê duyệt Kế hoạch hành động của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống nêu trên; huy động toàn hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh.

2.2. Các giải pháp kỹ thuật:

2.2.1. Tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh DTLCP:

a) Không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP.

b) Toàn bộ đàn lợn bị bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh DTLCP (Kỹ thuật tiêu hủy bắt buộc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn). Các đàn lợn trong vùng dịch, vùng bị uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy có thể được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của DTLCP mà không nhất thiết phải chờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm để nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

c) Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dãy chuồng có lợn bệnh; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn bộ số lượng trong trang trại.

d) Khi phát hiện lợn bị bệnh hoặc chết chưa rõ nguyên nhân phải báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan thú y để kịp thời xử lý; nghiêm cấm và kiên quyết xử lý các trường hợp vứt xác lợn ra môi trường, sông, suối.

e) Công khai chính sách và thực hiện hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ.

2.2.2. Khoanh vùng ổ dịch:

a) Ổ dịch là trại chăn nuôi lợn, hộ gia đình chăn nuôi lợn hoặc nơi phát hiện có mẫu dương tính với vi rút DTLCP.

b) Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 01 tuần đầu tiên, 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.

c) Vùng bị dịch uy hiếp: Trong phạm vi 03 km xung quanh ổ dịch phải thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 03 lần/tuần trong vòng 01 tháng kể từ thời điểm khoanh vùng;

d) Vùng đệm: Trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 01 lần/tuần liên tục trong vòng 01 tháng kể từ thời điểm khoanh vùng;

đ) Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm thường xuyên theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút DTLCP.

2.2.3. Dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn:

a) Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn (kể cả phân và chất thải của lợn) ra khỏi vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm (trừ trường hợp cơ sở đã được công nhận an toàn với các bệnh khác, cần phải lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương).

b) Không vận chuyển lợn con, lợn giống, phân và chất thải của lợn từ bên ngoài vào vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

c) Đối với lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ thì được phép giết mổ dưới sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP. Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng đệm.

2.2.4. Quản lý chăn nuôi tái đàn sau khi hết dịch:

a) Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.

b) Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.

c) Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy con lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

2.2.5. Chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh:

Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cáo cơ quan thú y để lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của Pháp luật) chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cần tập trung đối với đàn lợn tại vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng đệm.

V. KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG DỊCH:

1. Ngân sách tỉnh: Bố trí kinh phí thực hiện công tác chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống bệnh DTLCP, công tác tuyên truyền, hội nghị, tập huấn ở cấp tỉnh; mua sắm dụng cụ, bảo hộ lao động, mua hóa chất, lấy mẫu xét nghiệm để giám sát sự lưu hành vi rút, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh phẩm, điều tra dịch tễ các hoạt động phục vụ phòng chống dịch của cấp tỉnh (đã được phê duyệt theo các Quyết định của UBND tỉnh: số 177/QĐ-UBND ngày 28/01/2019 và số 186/QĐ-UBND ngày 29/01/2019). Trong trường hợp dịch bệnh xuất hiện và lây lan ra diện rộng, tùy theo tình hình thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề xuất, gửi Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh xem xét bổ sung nguồn kinh phí phục vụ phòng chống dịch theo quy định.

2. Ngân sách cấp huyện: Bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn như: Tuyên truyền, khử trùng tiêu độc, chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, hội nghị, tập huấn, vật tư, nhiên liệu; chi hỗ trợ tiêu hủy; xử lý môi trường sau tiêu hủy và các hoạt động có liên quan khác; UBND cấp huyện chủ động sử dụng kinh phí dự phòng của huyện để chi trả cho các hoạt động phòng chống dịch, trong trường hợp kinh phí phải trả vượt quá nguồn dự phòng của huyện thì có văn bản đề nghị chi tạm ứng từ nguồn dự phòng của tỉnh.

3. Các sở, ban, ngành liên quan: Chủ động sử dụng nguồn kinh phí trong dự toán được giao; trường hợp dịch bệnh xảy ra, nếu có nhu cầu bổ sung kinh phí, các đơn vị có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tổng hợp tham mưu trình UBND tỉnh xem xét.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Là cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này; tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo; cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh.

b) Trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn; đôn đốc và kiểm tra các địa phương, các sở, ngành tổ chức các hoạt động ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh; cập nhật thông tin để tuyên truyền và phối hợp với Cục Thú y, các tỉnh lân cận để nắm thông tin về tình hình dịch bệnh thông báo cho các địa phương trong tỉnh và báo cáo UBND tỉnh (định kỳ, đột xuất) để có các biện pháp thích hợp ngăn ngừa sự lây lan; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

c) Chuẩn bị và dự trữ vật tư, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng ứng phó và làm tốt công tác phòng chống dịch; lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, dự báo tình hình dịch bệnh. Hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương và phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong phòng chống dịch, chẩn đoán, xác minh các ổ dịch, kỹ thuật tiêu hủy bắt buộc lợn và sản phẩm của lợn bệnh; tham mưu trong việc mua sắm, sử dụng vật tư, hóa chất sát trùng và phân bổ kịp thời cho các địa phương; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm dịch động vật đối với động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh.

d) Sử dụng kinh phí phòng chống dịch bệnh động vật đã được phê duyệt năm 2019 để thực hiện kế hoạch, trường hợp có phát sinh thì phối hợp với Sở Tài chính đề xuất bổ sung kinh phí thực hiện công tác phòng chống bệnh DTLCP theo tình hình thực tế.

đ) Xây dựng các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn theo hướng ngắn, gọn, dễ hiểu để tuyên truyền đến các hộ, trang trại chăn nuôi và người tiêu dùng trong tỉnh biết, hiểu rõ và tham gia trong công tác phòng, chống DTLCP tại địa phương; phối hợp Đài PTTH Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng xây dựng tin, phóng sự để tuyên truyền đến người dân về cách nhận biết công tác phòng chống bệnh DTLCP.

e) Tăng cường hoạt động tại các Trạm kiểm dịch động vật; tham mưu đề xuất UBND tỉnh thành lập các Chốt kiểm dịch động vật tạm thời (khi cần thiết) tại một số huyện có đường quốc lộ thông qua các tỉnh nhưng chưa có Trạm kiểm dịch động vật; tăng cường lực lượng tại các Trạm kiểm dịch động vật: Eo gió, Madagoui, Phước Cát 1 và phối hợp lực lượng công an, Cảnh sát giao thông tại địa phương để tuần tra, kiểm soát các tuyến đường liên tỉnh, các tuyến đường liên huyện; chỉ đạo Đội thanh tra, kiểm dịch động lưu động Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp với Cảnh sát giao thông tỉnh tuần tra, kiểm soát các tuyến quốc lộ như: Quốc lộ 27, quốc lộ 27 C, tuyến đường Đại Ninh - Lương Sơn đi tỉnh Bình Thuận,... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, các phương tiện vận chuyển phân gia súc, gia cầm chưa được ủ hoai, chưa qua xử lý vào địa bàn tỉnh.

f) Căn cứ các tình huống xảy ra để chủ động triển khai hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng chống dịch tương ứng.

2. UBND các huyện, thành phố:

a) Xây dựng và ban hành “Kế hoạch phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi” của địa phương; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch theo các tình huống xảy ra.

b) Thường xuyên kiểm tra, cập nhật thông tin, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh và phối hợp cùng các địa phương lân cận, các sở, ngành, cơ quan thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.

c) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi, lực lượng thú y trên cơ sở tăng cường theo dõi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; tăng cường số lần thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở nhất là các cơ sở sản xuất con giống; theo dõi đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo ngay cho Chính quyền và cơ quan Thú y địa phương để lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.

d) Giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói chung và bệnh DTLCP trên đàn lợn của hộ chăn nuôi, tại các chợ, điểm tập kết, buôn bán.

đ) Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiêu hủy toàn bộ lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu nếu phát hiện;

e) Tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ các phương tiện giao thông đường bộ, đường hàng không và khách du lịch từ các nước, các tỉnh đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến địa phương.

f) Bố trí lực lượng tại các Chốt kiểm dịch động vật tạm thời (đảm bảo hoạt động 24/24h) trên các tuyến quốc lộ chính ra vào tỉnh chưa có Trạm kiểm dịch động vật để kiểm soát các phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ thịt lợn ra vào tỉnh.

g) Tổ chức lấy mẫu giám sát đối với lợn sống nhập lậu, điểm thu gom buôn bán lợn sống và một số trang trại chăn nuôi lợn. Thực hiện các đợt lấy mẫu giám sát theo chương trình của tỉnh; chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, phương tiện, vật tư, bảo hộ lao động, nhân lực để thực hiện các hoạt động khi có dịch xảy ra và phương án tiêu hủy lợn khi có quyết định tiêu hủy.

h) Rà soát, dự phòng sẵn các phương án tiêu hủy, xác định địa điểm nơi chôn, tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh DTLCP; đặc biệt là phương án phải tiêu hủy số lượng lớn (bao gồm cả hóa chất, dụng cụ và phương tiện vận chuyển từ nơi phát hiện lợn dương tính đến nơi tiêu hủy, nơi chôn hủy).

k) Tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn cụ thể theo số trại, số hộ chăn nuôi của địa phương để có số liệu chính xác số lượng lợn trên địa bàn; dự phòng kinh phí ứng phó, xử lý và kiểm soát kịp thời khi dịch bệnh xảy ra; thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời nhằm kiểm soát chặt chẽ không để lợn và sản phẩm lợn (kể cả phân và chất thải của lợn) được vận chuyển ra khỏi vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm cũng như lợn và các sản phẩm của lợn có mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh.

l) Khi có lợn nghi mắc bệnh DTLCP, chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện lấy mẫu xét nghiệm để xác định bệnh, chỉ đạo xử lý các ổ dịch nhỏ lẻ và tổ chức chống dịch (nếu xảy ra) tại địa phương theo quy định của Luật Thú y và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho hoạt động phòng chống dịch.

3. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố và cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phù hợp để người dân hiểu rõ về bệnh DTLCP và yên tâm sản xuất; nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại của bệnh DTLCP và của việc nhập lậu gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm đến người chăn nuôi, ngành chăn nuôi; tuyên truyền người dân không sử dụng sản phẩm của gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

4. Sở Công Thương: Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn để có giải pháp bảo đảm lưu thông, tránh gây bất ổn về thị trường; phối hợp với Cục quản lý thị trường tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép.

5. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát nhằm bảo đảm không để vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ các vùng này ra bên ngoài khi có dịch; thực hiện dừng xe, phương tiện từ trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát đi ra bên ngoài để thực hiện việc phun thuốc sát trùng, hạn chế tối đa nguy cơ mang mầm bệnh ra các vùng bên ngoài.

6. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, tham mưu bố trí kinh phí phục vụ hoạt động phòng chống dịch theo quy định.

7. Công an tỉnh: Chỉ đạo Công an các địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm soát phương tiện giao thông ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát để thực hiện việc kiểm soát vận chuyển, vệ sinh tiêu độc khử trùng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, nắm tình hình, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu; phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

8. Các sở: Y tế, Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành có liên quan: Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh DTLCP trên địa bàn.

9. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh: Tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TTTU, TTH
ĐND tỉnh;
- Cục Thú y;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: NN&PTNT,TC, KH&ĐT,CT, GTVT, TT&TT và Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chi cục CN,TY và Thủy sản;
- LĐVP;
- Lưu: VT, NN, VX3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 1520/KH-UBND ngày 20/03/2019 về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.631

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.63.148
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!