ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 131/KH-UBND
|
Tuyên Quang, ngày
17 tháng 12 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ BỜ SÔNG ĐẾN NĂM 2030
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Để triển khai thực hiện Quyết định
957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành Kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 trên địa
bàn tỉnh Tuyên Quang, cụ thể như sau:
I. KHÁI QUÁT
CHUNG TÌNH HÌNH SẠT LỞ BỜ SÔNG
1. Đặc điểm điều kiện tự
nhiên
Tuyên Quang là tỉnh miền núi
phía Bắc nằm ở trung tâm lưu vực sông Lô, sông Gâm có tổng diện tích tự nhiên
là 586.790 ha, trong đó có 70% diện tích là đồi núi, phần còn lại là các thung
lũng nhỏ hẹp và những bãi bồi ven sông suối tạo thành các dải ruộng bậc thang
theo cả hai chiều. Tuyên Quang có địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt mạnh
bởi núi cao và sông suối và được chia làm 2 khu vực rõ rệt: Phía Bắc tỉnh bao gồm
huyện Na Hang, huyện Lâm Bình, phần phía Bắc huyện Chiêm Hóa và Hàm Yên; phía
Nam tỉnh có địa hình thấp dần, ít bị chia cắt hơn, có nhiều đồi núi thấp, thung
lũng chạy dọc theo các sông thuộc các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên
Quang, phía Nam các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên. Mật độ sông suối cao (khoảng 0,9
km/km2), chế độ thủy văn trên địa bàn tỉnh chia làm hai mùa rõ rệt, phù hợp với
hai mùa của khí hậu. Mùa lũ tập trung tới 80% tổng lượng nước trong năm và thường
gây ra ngập lụt ở một số vùng trũng, thấp. Trên địa bàn tỉnh có 03 con sông lớn
chảy qua là sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy.
2. Hiện trạng sạt lở bờ sông
Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ
sông trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng cả về
phạm vi và mức độ sạt lở, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân
dân. Đặc biệt, hiện tượng sạt lở bờ sông hàng năm đã làm mất đất sản xuất của
người dân với diện tích rất lớn tập trung chủ yếu dọc bờ sông Lô trên địa bàn
huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang và dọc bờ sông Gâm
trên địa bàn huyện Na Hang, Chiêm Hóa.
(Chi
tiết có biểu số 01 kèm theo)
3. Nguyên nhân
Hiện tượng sạt lở bờ sông ngày
càng gia tăng do nhiều nguyên nhân tác động như: Sự biến đổi khí hậu có nhiều
diễn biến phức tạp, khó lường gây ra các đợt mưa lũ lớn và mưa trái mùa làm mực
nước trên sông thay đổi; khai thác cát sỏi trái phép làm lòng sông hạ thấp dẫn
tới thay đổi chế độ dòng chảy; các tàu, thuyền tải trọng lớn di chuyển theo luồng
sát bờ sông tạo ra sóng, kết cấu địa chất bờ sông là đất pha cát bở rời đã làm
xói lở bờ sông; ngoài ra còn có thêm tác động của việc điều tiết dòng chảy
trong việc xả lũ và tích nước của hệ thống các công trình thủy điện phía thượng
nguồn gây ra.
II. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Chủ động quản lý, phòng, chống
sạt lở bờ sông, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các
cá nhân có liên quan trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả do sạt lở bờ sông nhằm
góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Yêu cầu
- Công tác phòng, chống và khắc
phục tình trạng sạt lở bờ sông phải được thực hiện chủ động và thường xuyên nhằm
giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do sạt lở bờ sông gây ra.
- Nâng cao năng lực của các cấp,
các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng
phó với sạt lở bờ sông đảm bảo an toàn, đạt hiệu quả cao.
- Tăng cường công tác thông
tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp, phòng tránh, ứng phó với
sạt lở bờ sông đến cộng đồng khu dân cư.
- Nâng cao nhận thức cộng đồng
để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông của người dân.
II. CÁC
NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nhiệm vụ
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống sạt lở bờ sông nhằm giảm
nguy cơ sạt lở, các thiệt hại về người và tài sản do sạt lở bờ sông gây ra.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu liên
quan đến sạt lở bờ sông.
- Tăng cường quản lý chặt chẽ
các hoạt động ven sông ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông như khai thác cát sỏi, xây
dựng công trình, nhà cửa, hoạt động giao thông thủy.
- Xây dựng công trình tại các
khu vực trọng điểm để phòng, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ an toàn tính mạng,
tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng thiết yếu.
2. Giải pháp thực hiện
2.1. Giải pháp cấp bách
- Tổ chức cắm biển cảnh báo tại
những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động
khai thác cát, sỏi trên sông, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát sỏi
trái phép.
- Tổ chức di dời khẩn cấp các hộ
dân ra khỏi khu vực bờ sông bị sạt lở, bố trí tái định cư theo các hình thức
tái định cư xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với điều
kiện cụ thể của địa phương.
- Xây dựng các công trình khắc
phục sự cố sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng
quan trọng ven sông.
- Kiểm soát, quản lý chặt chẽ
việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông tránh bị ảnh hưởng do sạt lở
và làm gia tăng nguy cơ sạt lở.
2.2. Giải pháp lâu dài
a) Giải pháp phi công trình:
- Tiếp tục thực hiện tuyên truyền,
phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về phòng
chống sạt lở bờ sông.
- Thường xuyên theo dõi tình
hình sạt lở, cắm biển báo và thông tin tuyên truyền để người dân biết để chủ động
phòng tránh.
- Rà soát, bổ sung hoàn thiện
quy định pháp luật để tăng cường quản lý các hoạt động tại khu vực bờ sông, nhất
là quản lý khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông và xử lý sạt
lở bờ sông để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn
tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của Nhân dân và nhà nước.
- Điều tra cơ bản về sạt lở,
dân cư và công trình hạ tầng ven sông, trên cơ sở đó xây dựng cơ sở dữ liệu về
sạt lở, dân cư và công trình phòng, chống sạt lở, trong đó, ưu tiên thực hiện tại
những khu vực đang có diễn biến sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông.
- Hàng năm thực hiện xây dựng,
rà soát phương án ứng phó với diễn biến sạt lở bờ sông cụ thể cho từng khu vực
đang sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở đảm bảo đúng phương châm “bốn tại chỗ”
và yêu cầu “ba sẵn sàng”.
- Tăng cường kiểm soát chặt chẽ
hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác
cát sỏi trái phép; quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, các công trình ven
sông tránh bị ảnh hưởng do sạt lở và làm tăng nguy cơ sạt lở.
- Vận động và hỗ trợ các hộ dân
trong khu vực sạt lở nguy hiểm di dời nhà cửa, cơ sở sản xuất đến nơi an toàn.
- Quản lý, kiểm soát các hoạt động
của phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ trên các tuyến đê nhằm giảm thiểu
tác động gây xói, lở bờ sông.
- Sẵn sàng chuẩn bị phương tiện,
lực lượng, vật tư tại chỗ để ứng phó và khắc phục với các tình huống sạt lở bờ
sông nguy hiểm gây nguy cơ mất an toàn khu dân cư, đê điều.
b) Giải pháp công trình:
- Xây dựng công trình kè chống
sạt lở bờ sông, chỉnh trị lòng sông để bảo vệ các công trình hạ tầng, khu dân
cư, đất sản xuất của người dân.
- Xây dựng các công trình cảnh
báo, theo dõi diễn biến sạt lở bờ sông.
- Quy hoạch sắp xếp lại dân cư,
chủ động di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở, trước hết là tại các
khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
- Đẩy nhanh tiến độ thi công
các công trình bảo vệ bờ sông trên địa bàn tỉnh đã có quyết định đầu tư.
(Chi
tiết có biểu số 01 kèm theo)
3. Nguồn vốn thực hiện:
Vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương, Quỹ phòng chống thiên
tai tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan thực hiện hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch
này, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo
Phòng chống thiên tai Trung ương và các Bộ, ban, ngành theo quy định.
- Phối hợp với các Sở, ngành
liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng
cơ sở dữ liệu về hiện trạng dân cư, sạt lở, công trình phòng, chống sạt lở và
công trình hạ tầng ven sông nhất là tại các khu vực đang sạt lở, có nguy cơ cao
sạt lở.
- Cập nhật, theo dõi diễn biến
khí hậu, thủy văn để cảnh báo tới các địa phương có nguy cơ sạt lở bờ sông nhằm
hạn chế các thiệt hại do mưa lũ, sạt lở bờ sông gây ra.
- Sắp xếp các công trình, dự án
ưu tiên theo mức độ sạt lở, xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống công trình phòng,
chống sạt lở bờ sông đề xuất vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, đồng
thời lồng ghép vào các chương trình, dự án khác.
- Phối hợp với các cơ quan liên
quan thực hiện công tác tuyên truyền các biện pháp, phòng tránh, ứng phó với sạt
lở bờ sông; diễn tập các phương án ứng phó với tình huống sạt lở bờ sông gây
nguy cơ mất an toàn khu dân cư, đê điều.
2. Sở Thông tin và Truyền
thông: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài
nguyên và Môi trường xây dựng chương trình tuyên truyền hướng dẫn người dân các
biện pháp phòng tránh, ứng phó với sạt lở bờ sông nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt
hại về người và tài sản do sạt lở bờ sông gây ra.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chủ
trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch diễn tập ứng phó với
các tình huống sạt lở bờ sông gây nguy cơ mất an toàn khu dân cư, đê điều trên
địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài chính: Chủ trì
phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và
các cơ quan liên quan bố trí nguồn kinh phí theo khả năng cân đối ngân sách được
phân cấp để kịp thời hỗ trợ, khắc phục khẩn cấp sự cố sạt lở, di dời dân khẩn cấp
ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm theo quy định của pháp luật.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ
trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các
cơ quan liên quan cân đối bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn
và hàng năm để thực hiện các công trình, dự án phòng chống sạt lở bờ sông, di dời
dân cư ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm theo quy định hiện hành của nhà nước.
6. Sở Xây dựng: Chỉ đạo,
hướng dẫn quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn để chủ
động phòng, chống và giảm thiểu các nguy cơ thiệt hại do sạt lở bờ sông.
7. Sở Giao thông vận tải: Thực
hiện rà soát xây dựng kế hoạch nạo vét, điều chỉnh luồng tuyến giao thông đường
thủy, hạn chế tối đa các tác động xấu đến khu vực sạt lở bờ sông, tăng cường
công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với phương tiện
vận tải thủy.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện thành phố và các cơ quan
liên quan thực hiện kiểm soát các hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông, ngăn
chặn việc khai thác cát sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo
có nguy cơ sạt lở; quản lý chặt chẽ vùng đất ven sông, không để xây dựng nhà ở,
công trình ven sông làm tăng nguy cơ sạt lở bờ sông.
9. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố:
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức
điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng dân cư, sạt lở, công trình
phòng, chống sạt lở và công trình hạ tầng ven sông, nhất là tại các khu vực
đang sạt lở, có nguy cơ cao sạt lở.
- Thực hiện kiểm tra các khu vực
sạt lở bờ sông, cắm biển báo, khoanh vùng khu vực sạt lở, không cho người và
phương tiện vào khu vực sạt lở nguy hiểm, bố trí lực lượng thường xuyên theo
dõi diễn biến sạt lở, thông báo chính quyền địa phương, người dân để chủ động
phòng tránh khi có sự cố sạt lở bờ sông xảy ra
- Xây dựng, rà soát các phương
án ứng phó với diễn biến sạt lở bờ sông cụ thể cho từng khu vực đang sạt lở hoặc
có nguy cơ xảy ra sạt lở đảm bảo đúng phương châm “bốn tại chỗ” và yêu cầu “ba
sẵn sàng”.
- Tổ chức tuyên truyền vận động,
hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vực nguy hiểm đến nơi ở an toàn, thực hiện rà
soát lập kế hoạch di dời hộ dân cư ra khỏi vùng sạt lở.
- Thường xuyên kiểm tra, phát
hiện và xử lý kịp thời các trường hợp xây dựng nhà ở, công trình ven sông trong
hành lang bảo vệ bờ sông, các hoạt động có nguy cơ gây ra sạt lở bờ sông.
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn,
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường
và các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát, sỏi
trái phép trên địa bàn.
10. Các sở, ngành liên quan:
Theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, triển khai phòng, chống sạt lở đối
với lĩnh vực quản lý để giảm thiểu tác động gây sạt lở bờ sông.
(Chi
tiết có biểu số 02 kèm theo)
Yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban
nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung Kế
hoạch này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết,
yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải kịp thời tổng hợp và gửi ý kiến bằng văn bản về
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Chánh VP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và
truyền thông, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Báo Tuyên Quang, Đài PTTH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chuyên viên: TL, NLN, TC;
- Lưu VT (TL).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thế Giang
|