Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Công ước Viên về quan hệ ngoại giao 1961

Số hiệu: Khôngsố Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Liên hợp quốc Người ký:
Ngày ban hành: 18/04/1961 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

CÔNG ƯỚC VIÊN

NGÀY 18 THÁNG 4 NĂM 1961 VỀ QUAN HỆ NGOẠI GIAO

Các nước tham gia Công ước này.

Nhắc lại rằng, từ thời xưa, nhân dân tất cả các nước đã thừa nhận quy chế các viên chức ngoại giao;

Ý thức rõ những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc về bình đẳng chủ quyền của các nước, về việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế và về sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nhà nước;

Tin chắc rằng việc ký kết một Công ước quốc tế về quan hệ ngoại giao, các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao sẽ góp phần vào việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nước, không phụ thuộc vào chế độ nhà nước và xã hội khác nhau của họ;

Nhận thức rằng mục đích của các quyền ưu đãi và miễn trừ đó không phải để làm lợi cho các cá nhân mà để bảo đảm cho các cơ quan đại diện ngoại giao thực hiện có hiệu quả các chức năng của họ, với tư cách là đại diện cho các nước;

Khẳng định rằng các quy phạm của luật tập quán quốc tế sẽ tiếp tục điều chỉnh những vấn đề không được quy định trực tiếp trong các điều khoản của Công ước này;

Đã thoả thuận như sau:

Điều 1

Trong Công ước này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) "Người đứng đầu cơ quan đại diện" là người được Nước cử đi giao cho nhiệm vụ hoạt động với tư cách đó;

b) "Các thành viên của cơ quan đại diện" là người đứng đầu cơ quan đại diện và các cán bộ nhân viên của cơ quan đại diện;

c) "Các cán bộ nhân viên của cơ quan đại diện" là các cán bộ ngoại giao, các nhân viên hành chính và kỹ thuật và các nhân viên phục vụ của cơ quan đại diện;

d) "Các cán bộ ngoại giao" là các thành viên của cơ quan đại diện có hàm ngoại giao;

e) "Viên chức ngoại giao" là người đứng đầu cơ quan đại diện hay một cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện;

f) "Các nhân viên hành chính và kỹ thuật" là các thành viên của cơ quan đại diện thực hiện các công việc hành chính và kỹ thuật của cơ quan đại diện;

g) "Các nhân viên phục vụ" là các thành viên cơ quan đại diện thực hiện các công việc phục vụ nội bộ của cơ quan đại diện;

h) "Người phục vụ riêng" là người thực hiện các công việc phục vụ riêng cho thành viên của cơ quan đại diện và không phải là nhân viên của Nước cử đi;

i) "Trụ sở của cơ quan đại diện" là toà nhà hoặc bộ phận của toà nhà và đất đai phụ thuộc, không kể người sở hữu là ai, được dùng vào mục đích của cơ quan đại diện, kể cả nhà ở của người đứng đầu cơ quan đại diện.

Điều 2

Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa các nước và việc lập các cơ quan đại diện ngoại giao thường trú được tiến hành theo sự thoả thuận giữa các bên với nhau.

Điều 3

1. Chức năng của cơ quan đại diện ngoại giao cụ thể gồm có:

a) Đại diện cho Nước cử đi tại Nước tiếp nhận;

b) Bảo vệ quyền lợi của Nước cử đi và của công dân Nước cử đi tại Nước tiếp nhận trong phạm vi cho phép của luật quốc tế;

c) Đàm phán với Chính phủ Nước tiếp nhận;

d) Tìm hiểu bằng mọi cách hợp pháp các điều kiện và các sự kiện tại Nước tiếp nhận và báo cáo với Chính phủ của Nước cử đi;

e) Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và phát triển quan hệ kinh tế, văn hoá và khoa học giữa Nước cử đi và Nước tiếp nhận.

2. Không một điều khoản nào của Công ước này có thể được giải thích như có ý ngăn cản cơ quan đại diện ngoại giao thi hành các chức năng lãnh sự.

Điều 4

1. Nước cử đi phải nắm chắc rằng người mình định bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan đại diện tại Nước tiếp nhận đã được nước đó chấp thuận.

2. Nước tiếp nhận không bắt buộc phải cho Nước cử đi biết lý do việc từ chối chấp thuận.

Điều 5

1. Nước cử đi, sau khi thông báo hợp lệ cho các nước tiếp nhận hữu quan, có thể bổ nhiệm một người đứng đầu cơ quan đại diện hoặc cử bất cứ một cán bộ ngoại giao nào, tuỳ theo trường hợp tại một hoặc nhiều nước, trừ khi trong số các nước tiếp nhận có nước phản đối một cách rõ ràng.

2. Nếu Nước cử đi bổ nhiệm một người đứng đầu cơ quan đại diện tại một hay nhiều nước khác thì Nước cử đi có thể lập một cơ quan đại diện ngoại giao do một đại biện lâm thời phụ trách tại mỗi nước, nơi mà người đứng đầu cơ quan đại diện không có trụ sở thường trú.

3. Người đứng đầu cơ quan đại diện hay bất cứ một cán bộ ngoại giao nào của cơ quan đại diện có thể đại diện cho Nước cử đi bên cạnh bất cứ một tổ chức quốc tế nào.

Điều 6

Hai hay nhiều nước có thể bổ nhiệm cùng một người làm người đứng đầu cơ quan đại diện tại một nước khác, nếu nước tiếp nhận không phản đối việc đó.

Điều 7

Ngoài các trường hợp đã quy định ở các Điều 5, 8, 9, 11 Nước cử đi được tự do cử các thành viên của cơ quan đại diện. Đối với các tuỳ viên quân sự, hải quân hoặc không quân, Nước tiếp nhận có thể yêu cầu được thông báo trước họ tên những người này để chấp nhận.

Điều 8

1. Các cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện về nguyên tắc, là công dân Nước cử đi

2. Cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện không thể là công dân của Nước tiếp nhận, trừ khi có sự đồng ý của nước này. Tuy nhiên, Nước tiếp nhận có thể huỷ bỏ sự đồng ý đó bất cứ lúc nào.

3. Nước tiếp nhận có thể dành cho mình quyền đó đối với những người là công dân nước thứ ba và không đồng thời là công dân Nước cử đi.

Điều 9

1. Nước tiếp nhận có thể, vào bất cứ lúc và không phải nêu lý do về quyết định của mình, báo cho Nước cử đi rằng người đứng đầu cơ quan đại diện hay bất cứ một cán bộ ngoại giao nào của cơ quan đại diện là "persona non grata" (người không được hoan nghênh) hoặc bất cứ một thành viên nào khác của cơ quan đại diện là người không được chấp nhận. Khi đó, Nước cử đi sẽ, tuỳ theo trường hợp, hoặc gọi người đó về , hoặc chấm dứt chức vụ của người đó trong cơ quan đại diện. Một người có thể bị tuyên bố "persona non grata" hoặc không được chấp nhận trước khi đến lãnh thổ Nước tiếp nhận.

2. Nếu Nước cử đi từ chối thi hành hoặc không thi hành trong một thời hạn hợp lý những nghĩa vụ của mình nêu ở Đoạn 1 Điều này, Nước tiếp nhận có thể từ chối thừa nhận người đó là thành viên của cơ quan đại diện.

Điều 10

1. Bộ Ngoại giao hoặc một Bộ nào khác đã được thoả thuận của Nước tiếp nhận được thông báo về:

a) Việc cử các thành viên của cơ quan đại diện, việc họ đến và đi hẳn hoặc việc họ thôi giữ chức vụ trong cơ quan đại diện;

b) Việc đến và đi hẳn của một người thuộc gia đình một thành viên của cơ quan đại diện và, nếu có, việc một người trở thành hoặc thôi không còn là người thuộc gia đình một thành viên của cơ quan đại diện;

c) Việc đến và đi hẳn của những người phục vụ riêng cho những người nêu ở Đoạn a trên đây và, nếu có, việc họ thôi không phục vụ những người đó nữa;

d) Việc tuyển dụng và cho thôi việc những người cư trú tại nước tiếp nhận với tư cách là thành viên của cơ quan đại diện hoặc với tư cách là người phục vụ riêng được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ.

2. Mỗi khi có thể được, phải thông báo trước việc đến và đi hẳn.

Điều 11

1. Khi không có thoả thuận cụ thể về số lượng cán bộ nhân viên của cơ quan đại diện, Nước tiếp nhận có thể yêu cầu giữ con số đó trong giới hạn mà nước đó cho là hợp lý và bình thường, căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện của Nước tiếp nhận và các nhu cầu của cơ quan đại diện.

2. Nước tiếp nhận cũng có thể, theo những lý do nêu trên và không có sự phân biệt đối xử, từ chối nhận những viên chức thuộc một loại nào đó.

Điều 12

Nếu không được Nước tiếp nhận chấp thuận một cách rõ ràng từ trước, Nước cử đi không được lập các văn phòng thuộc cơ quan đại diện tại các địa phương khác ngoài nơi cơ quan đại diện đóng.

Điều 13

1. Người đứng đầu cơ quan đại diện được coi là đã nhậm chức tại Nước tiếp nhận kể từ khi đã trình thư uỷ nhiệm hoặc kể từ khi đã thông báo là đã đến và đã trao một bản sao y thư uỷ nhiệm cho Bộ Ngoại giao Nước tiếp nhận hoặc một Bộ nào khác đã được thoả thuận, theo thực tiễn hiện hành ở Nước tiếp nhận và thực tiễn đó phải được áp dụng một cách nhất quán.

2. Thứ tự trình thư uỷ nhiệm hoặc trao bản sao y thư này được xác định căn cứ vào ngày và giờ đến của người đứng đầu cơ quan đại diện.

Điều 14

1. Những người đứng đầu cơ quan đại diện được phân làm ba cấp như sau:

a) Cấp Đại sứ hoặc Đại sứ của Giáo hoàng được bổ nhiệm bên cạnh Nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu cơ quan đại diện có hàm tương đương;

b) Cấp Công sứ hoặc Công sứ của Giáo hoàng được bổ nhiệm bên cạnh Nguyên thủ quốc gia:

c) Cấp đại biện được bổ nhiệm bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao.

2. Trừ những việc liên quan đến ngôi thứ và nghi thức, không được có sự phân biệt nào giữa những người đứng đầu cơ quan đại diện vì cấp bậc của họ.

Điều 15

Các nước thoả thuận với nhau về việc người đứng đầu cơ quan đại diện của mình thuộc cấp nào.

Điều 16

1. Người đứng đầu cơ quan đại diện giữ trình tự ngôi thứ ở từng cấp căn cứ vào ngày và giờ nhậm chức, theo Điều 13.

2. Những sửa đổi trong thư uỷ nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện, nếu không đề cập đến việc thay đổi về cấp, không ảnh hưởng gì đến ngôi thứ của họ.

3. Điều này không ảnh hưởng gì đến các tập tục tại Nước tiếp nhận đối với ngôi thứ của người đại diện Toà thánh Va-ti-căng.

Điều 17

Trình tự ngôi thứ giữa các bọ ngoại giao của cơ quan đại diện do người đứng đầu cơ quan đại diện thông báo cho Bộ Ngoại giao hoặc một bộ nào khác được thoả thuận.

Điều 18

Ở mỗi nước thủ tục áp dụng cho việc tiếp đón những người đứng đầu cơ quan đại diện phải nhất quán ở từng cấp.

Điều 19

1. Nếu chức vị người đứng đầu cơ quan đại diện bị khuyết hoặc nếu người đứng đầu cơ quan đại diện không thể thực hiện chức năng của mình thì một đại diện lâm thời sẽ tạm thời là người đứng đầu cơ quan đại diện. Họ tên của đại biện lâm thời đó, hoặc do người đứng đầu cơ quan đại diện, hoặc, nếu người đứng đầu cơ quan đại diện không làm được, do Bộ Ngoại giao Nước cử đi thông báo cho Bộ ngoại giao Nước tiếp nhận hoặc một Bộ nào khác đã được thoả thuận.

2. Trong trường hợp không một cán bộ ngoại giao nào của cơ quan đại diện có mặt tại Nước tiếp nhận, Nước cử đi có thể, với sự đồng ý của Nước tiếp nhận, chỉ định một nhân viên hành chính và kỹ thuật điều hành công việc hành chính hàng ngày của cơ quan đại diện.

Điều 20

Cơ quan đại diện và người đứng đầu cơ quan đại diện có quyền treo quốc kỳ và quốc huy của Nước cử đi trên các trụ sở của cơ quan đại diện, kể cả trên nhà ở và các phương tiện đi lại của người đứng đầu cơ quan đại diện.

Điều 21

1. Nước tiếp nhận cần phải, hoặc tạo điều kiện dễ dàng để Nước cử đi có được trên lãnh thổ và phù hợp với luật pháp Nước tiếp nhận, trụ sở cần thiết cho cơ quan đại diện, hoặc giúp Nước cử đi có trụ sở bằng một cách khác.

2. Nếu cần, Nước tiếp nhận cũng phải giúp các cơ quan đại diện có chỗ ở thích hợp cho thanh viên của họ.

Điều 22

1. Trụ sở của cơ quan đại diện là bất khả xâm phạm. Chính quyền Nước tiếp nhận không được vào nơi đó nếu không có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan đại diện.

2. Nước tiếp nhận có nghĩa vụ đặc biệt thi hành mọi biện pháp thích đáng để ngăn chặn việc xâm nhập hoặc làm hư hại trụ sở của cơ quan đại diện, việc phá rối sự yên tĩnh hoặc làm tổn hại đến phẩm cách của cơ quan đại diện.

3. Trụ sở của cơ quan đại diện, đồ đạc và tài sản khác ở trong đó cũng như các phương tiện đi lại của cơ quan đại diện không thể bị lục soát, trưng dụng, tịch thu hoặc đem xử lý.

Điều 23

1. Nước cử đi và người đứng đầu cơ quan đại diện được miễn tất cả các thứ thuế và lệ phí của Nhà nước, khu vực hay thành phố đánh vào trụ sở của cơ quan đại diện mà họ là người sở hữu hay người thuê, trừ các loại thuế và lệ phí là các khoản thu về các dịch vụ cụ thể.

2. Việc miễn thuế nêu trong điều này không áp dụng cho các loại thuế và lệ phí mà theo luật lệ của Nước tiếp nhận do những người giao dịch với Nước cử đi hay với người đứng đầu cơ quan đại diện phải trả.

Điều 24

Hồ sơ và tài liệu của cơ quan đại diện là bất khả xâm phạm bất cứ vào lúc nào và bất kỳ để ở đâu.

Điều 25

Nước tiếp nhận dành mọi sự dễ dàng để cơ quan đại diện thực hiện các chức năng của họ.

Điều 26

Không trái với luật lệ của mình về các khu vực mà việc ra vào bị cấm hoặc phải theo quy định vì lý do an ninh quốc gia, Nước tiếp nhận phải bảo đảm cho tất cả các thành viên của cơ quan đại diện được tự do đi lại trên lãnh thổ của mình.

Điều 27

1. Nước tiếp nhận phải cho phép và bảo vệ việc tự do thông tin liên lạc của cơ quan đại diện về mọi việc công. Khi liên lạc với Chính phủ cũng như với các cơ quan đại diện khác và các cơ quan lãnh sự của nước mình đóng bất kỳ ở đâu, cơ quan đại diện Nước cử đi có thể dùng mọi phương tiện thông tin liên lạc thích hợp, kể cả giao thông viên ngoại giao và điện tín bằng mật mã hay số hiệu. Tuy nhiên, chỉ khi nào được Nước tiếp nhận đồng ý, cơ quan đại diện mới được đặt và sử dụng đài phát vô tuyến.

2. Thư tín về việc công của cơ quan đại diện là bất khả xâm phạm. "Thư tín về việc công" được hiểu là mọi thư tín có liên quan đến cơ quan đại diện và các chức năng của cơ quan đại diện.

3. Túi ngoại giao không thể bị mở hoặc bị giữ lại.

4. Những kiện tạo thành túi ngoại giao phải mang các dấu hiệu bên ngoài dễ thấy, chỉ rõ tính chất của các kiện này và chỉ được chứa dựng những tài liệu ngoại giao hay những đồ vật dùng vào việc công.

5. Giao thông viên ngoại giao phải mang theo giấy tờ chính thức chứng nhận tư cách của họ, ghi rõ số kiện tạo thành túi ngoại giao và khi thi hành chức năng của mình, họ được Nước tiếp nhận bảo hộ. Họ được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể và không bị bắt hoặc bị giam giữ dưới bất kỳ hình thức nào.

6. Nước cử đi hay cơ quan đại diện có thể cử giao thông viên ngoại giao ad hoc (được chỉ định theo từng việc). Trong trường hợp đó, những quy định ở Đoạn 5 của Điều này cũng được áp dụng, nhưng ngay sau khi giao thông viên trao túi cho mình phụ trách cho người nhận thì các quyền miễn trừ đã nêu sẽ không được áp dụng nữa.

7. Túi ngoại giao có thể được giao cho người chỉ huy máy bay dân dụng sẽ hạ cánh tại một sân bay được phép đến. Người chỉ huy này phải mang theo giấy tờ chính thức ghi rõ số kiện tạo thành túi ngoại giao, nhưng người đó không được coi là giao thông viên ngoại giao. Cơ quan đại diện có thể cử một thành viên của mình đến nhận túi ngoại giao một cách trực tiếp và không bị cản trở từ tay người chỉ huy máy bay đó.

Điều 28

Các khoản tiền mà cơ quan đại diện thu trong việc tiến hành các công việc được miễn mọi thứ thuế và lệ phí.

Điều 29

Thân thể của viên chức ngoại giao là bất khả xâm phạm. Họ không thể bị bắt hoặc bị giam giữ dưới bất cứ hình thức nào. Nước tiếp nhận cần có sự đối xử trọng thị xứng đáng với họ và áp dụng mọi biện pháp thích đáng để ngăn chặn mọi hành vi xúc phạm đến thân thể, tự do hay phẩm cách của họ.

Điều 30

1. Nhà riêng của viên chức ngoại giao cũng được hưởng quyền bất khả xâm phạm và được bảo vệ như trụ sở của cơ quan đại diện.

2. Tài liệu, thư tín và, trừ những trường hợp nêu ở Đoạn 3 của Điều 31, tài sản của họ cũng được hưởng quyền bất khả xâm phạm

Điều 31

1. Viên chức ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự của Nước tiếp nhận. Họ cũng được hưởng quyền miễn trừ xét xử về dân sự và hành chính, trừ những trường hợp sau:

a) Một vụ kiện về tài sản liên quan đến bất động sản tư nhân nằm trên lãnh thổ Nước tiếp nhận, nếu như viên chức ngoại giao sở hữu bất động sản đó không trên danh nghĩa Nước cử đi vì các mục đích của cơ quan đại diện.

b) Một vụ kiện liên quan đến việc thừa kế, trong đó viên chức ngoại giao đứng tên là người thực hiện di chúc, người bảo hộ, người thừa kế hoặc người thừa tự với tư cách cá nhân chứ không phải nhân danh Nước cử đi.

c) Một vụ kiện liên quan đến bất cứ hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại nào mà viên chức ngoại giao tiến hành ở Nước tiếp nhận ngoài phạm vi những chức năng chính thức của họ.

2. Viên chức ngoại giao không bắt buộc phải ra làm chứng.

3. Không được có bất cứ một biện pháp xử lý nào đối với viên chức ngoại giao, trừ những trường hợp nêu ở các điểm a, b và c trong Đoạn 1 của Điều này và việc xử lý đó cần được tiến hành sao cho không vi phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể hoặc nhà ở của họ.

4. Quyền được miễn trừ xét xử của một viên chức ngoại giao đối với pháp luật Nước tiếp nhận không miễn trừ cho người đó đối với pháp luật Nước cử đi.

Điều 32

1. Nước cử đi có thể từ bỏ quyền miễn trừ xét xử của các viên chức ngoại giao và của những người được quyền miễn trừ theo Điều 37.

2. Việc từ bỏ này bao giờ cũng phải rõ ràng.

3. Nếu một viên chức ngoại giao hay một người được hưởng quyền miễn trừ xét xử theo Điều 37 đứng ra phát đơn kiện, người đó sẽ không còn được quyền viện dẫn quyền miễn từ xét xử đối với mọi đơn phản kiện có liên quan trực tiếp đến đơn kiện trước.

4. Việc từ bỏ quyền miễn trừ xét xử trong một vị kiện về dân sự hoặc hành chính không được coi như bao hàm cả việc từ bỏ quyền miễn trừ đối với những biện pháp thi hành án. Về việc này cần phải có sự từ bỏ riêng.

Điều 33

1. Viên chức ngoại giao được miễn thực hiện các quy định hiện hành về chế độ bảo hiểm ở Nước tiếp nhận đối với các công việc phục vụ cho Nước cử đi, trừ các quy định ở Đoạn 3 Điều này.

2. Việc miễn trừ nêu ở Đoạn 1 của Điều này cũng được áp dụng đối với những người phục vụ riêng của các viên chức ngoại giao, với điều kiện:

a) Họ không phải là công dân Nước tiếp nhận hay không có nơi cư trú thường xuyên ở Nước này.

b) Họ phải tuân theo các quy định hiện hành về bảo hiểm xã hội ở Nước cử đi hay ở một Nước thứ ba.

3. Viên chức ngoại giao thuê những người phục vụ không được hưởng quyền miễn trừ nêu ở Đoạn 2 của Điều này phải tuân theo những nghĩa vụ mà các điều khoản về bảo hiểm xã hội của Nước tiếp nhận quy định đối với người thuê nhân công.

4. Việc miễn trừ nêu ở các Đoạn 1 và 2 của Điều này không loại trừ việc tự nguyện tham gia chế độ bảo hiểm xã hội của Nước tiếp nhận, miễn là việc tham gia đó được Nước này cho phép.

5. Những quy định của Điều này không ảnh hưởng đến các hiệp định hai bên hay nhiều bên về bảo hiểm xã hội đã được ký từ trước và không cản trở việc ký các hiệp định như vậy về sau.

Điều 34

Viên chức ngoại giao được miễn mọi thứ thuế và lệ phí của Nhà nước, khu vực hay thành phố đánh vào người hoặc hiện vật, trừ:

a) Thuế gián thu, là thuế thông thường vẫn được tính gộp vào giá hàng hoá hoặc công dịch vụ;

b) Thuế và lệ phí đối với bất động sản tư nhân nằm trên lãnh thổ Nước tiếp nhận, nếu viên chức ngoại giao không sở hữu bất động sản đó trên danh nghĩa Nước cử đi để phục vụ cho cơ quan đại diện.

c) Thuế và lệ phí thừa kế do Nước tiếp nhận thu, trừ những quy định nêu ở Đoạn 4 của Điều 39.

d) Thuế và lệ phí đánh vào các khoản thu nhập tư nhân có nguồn gốc ở Nước tiếp nhận và thuế đánh vào vốn đầu tư các cơ sở thương mại đóng tại Nước tiếp nhận.

e) Thuế và lệ phí thu về việc trả công các dịch vụ cụ thể;

f) Các lệ phí trước bạ, chứng thư, toà án, cầm cố và cước tem về bất động sản, trừ các quy định nêu ở Điều 23.

Điều 35

Nước tiếp nhận phải miễn cho viên chức ngoại giao mọi nghĩa vụ lao động và Nhà nước bất luận mang tính chất nào và những nghĩa vụ quân sự như trưng dụng, các thứ đảm phụ và việc cung cấp nơi ở cho quân đội.

Điều 36

1. Phù hợp với luật pháp và các quy định của mình, Nước tiếp nhận cho phép nhập khẩu và miễn thuế quan, các loại thuế và các khoản thu khác có liên quan, trừ các khoản thu về lưu kho, vận chuyển và các dịch vụ tương tự, đối với:

a) Các đồ vật dùng vào việc công của cơ quan đại diện;

b) Các đồ vật dùng riêng cho viên chức ngoại giao hay cho các thành viên trong gia đình cùng sống chung với họ, kể cả những đồ vật dùng vào việc bố trí nơi ở.

2. Hành lý cá nhân của viên chức ngoại giao được miễn khám xét, trừ phi có những lý do xác đáng để cho rằng hành lý đó chứa đựng những đồ vật không thuộc loại được hưởng sự ưu đãi nêu ở Đoạn 1 Điều này hay thuộc loại mà luật pháp Nước tiếp nhận cấm nhập khẩu hay xuất khẩu hay phải tuân theo chế độ kiểm dịch của Nước tiếp nhận. Trong trường hợp đó, việc khám xét chỉ được tiến hành trước mặt viên chức ngoại giao hoặc người được uỷ quyền đại diện cho họ.

Điều 37

1. Các thành viên gia đình của viên chức ngoại giao cùng sống chung với người đó, nếu không phải là công dân Nước tiếp nhận, được hưởng những quyền ưu đãi và miễn trừ nêu trong các Điều từ 29 đến 36.

2. Các nhân viên hành chính và kỹ thuật của cơ quan đại diện cũng như các thành viên gia định cùng sống chung với họ, nếu không phải là công dân Nước tiếp nhận hoặc không có nơi cư trú thường xuyên ở nước này, được hưởng những quyền ưu đãi và miễn trừ nêu trong các Điều từ 29 đến 35; tuy nhiên quyền miễn trừ xét xử về dân sự và hành chính đối với luật pháp của Nước tiếp nhận nêu ở Đoạn 1 Điều 31 không áp dụng cho những hành vi ngoài việc thi hành chức năng của họ. Họ cũng được hưởng các quyền ưu đãi nêu ở Đoạn 1 của Điều 36 đối với những đồ vật nhập khẩu dùng vào việc bố trí nơi ở lần đầu của họ.

3. Các nhân viên phục vụ của cơ quan đại diện không phải là công dân Nước tiếp nhận hoặc không có nơi cư trú thường xuyên ở nước này được hưởng những quyền miễn trừ đối với những hành vi trong khi thi hành chức năng của họ và được miễn các thứ thuế và lệ phí đánh vào tiền lương mà họ lĩnh về công việc đã làm và được hưởng những quyền miễn trừ nêu ở Điều 33.

4. Những người không phải là công dân Nước tiếp nhận hoặc không có nơi cư trú thường xuyên ở Nước này phục vụ riêng cho các thành viên của cơ quan đại diện được miễn các thứ thuế và lệ phí đánh vào tiền lương mà họ lĩnh về công việc đã làm. Về các mặt khác, họ chỉ được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ trong phạm vi được Nước tiếp nhận cho phép. Tuy nhiên, Nước tiếp nhận nên thực hiện quyền xét xử của mình đối với những người này sao cho không cản trở quá đáng việc thực hiện các chức năng của cơ quan đại diện.

Điều 38

1. Trừ phi được Nước tiếp nhận cho hưởng thêm các quyền ưu đãi và miễn trừ, viên chức ngoại giao có quốc tịch Nước tiếp nhận hoặc có nơi cư trú thường xuyên ở Nước này chỉ được hưởng quyền miễn trừ xét xử và quyền bất khả xâm phạm đối với những hành vi chính thức trong khi thi hành các chức năng của họ.

2. Những thành viên khác của cơ quan đại diện và những người phục vụ riêng là công dân Nước tiếp nhận hoặc có nơi cư trú thường xuyên ở nước đó chỉ được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ trong phạm vi được nước đó công nhận. Tuy nhiên, Nước tiếp nhận phải thi hành quyền xét xử của mình đối với những người này sao cho không cản trở quá đáng việc thực hiện các chức năng của cơ quan đại diện.

Điều 39

1. Người được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ có được các quyền đó từ khi vào lãnh thổ Nước tiếp nhận để nhận chức; nếu người đó đã có mặt trên lãnh thổ Nước tiếp nhận thì kể từ khi thông báo về việc bổ nhiệm người đó cho Bộ Ngoại giao hay một Bộ nào khác đã được thoả thuận.

2. Khi chức năng của một người được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ chấm dứt thì thông thường các quyền ưu đãi và miễn trừ đó cũng chấm dứt vào lúc người đó rời khỏi Nước tiếp nhận, hoặc vào lúc kết thúc một thời hạn hợp lý dành cho họ vì mục đích đó, ngay cả khi có xung đột vũ trang. Tuy nhiên, đối với những hành vi của người này trong khi thi hành chức năng của mình với tư cách là thành viên của cơ quan đại diện, quyền miễn trừ vẫn tiếp tục tồn tại

3. Trong trường hợp một thành viên của cơ quan đại diện chết, các thành viên gia đình họ tiếp tục được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ mà họ có quyền hưởng cho đến lúc kết thúc một thời hạn hợp lý dành cho họ để rời khỏi lãnh thổ Nước tiếp nhận.

4. Trong trường hợp một thành viên của cơ quan đại diện không phải là công dân Nước tiếp nhận hoặc không có nơi cư trú thường xuyên ở Nước này hay một người trong gia đình cùng sống chung với họ chết. Nước tiếp nhận cho phép mang đi những động sản của người đã chết, trừ tài sản đã có được ở nước này là những thứ bị cấm xuất khẩu vào lúc người đó chết. Sẽ không thu thuế và lệ phí thừa kế đối với các động sản sở dĩ đã có ở Nước tiếp nhận chỉ vì do người chết đã có mặt tại Nước này với tư cách là một thành viên của cơ quan đại diện hay là thành viên gia đình một thành viên của cơ quan đại diện

Điều 40

1. Nếu viên chức ngoại giao đi qua hoặc đang ở trên lãnh thổ một nước thứ ba mà nước này đã cấp thị thực cho người đó, trong trường hợp cần phải có thị thực, để đi nhận chức hoặc để trở lại nhiệm sở của họ, hoặc để về nước thì nước thứ ba cho người đó hưởng quyền bất khả xâm phạm và mọi quyền miễn trừ cần thiết khác của họ đi qua hoặc trở về. Nước thứ ba cũng làm như thế đối với những thành viên gia đình của viên chức ngoại giao đó được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao đó khi cùng đi với họ hoặc đi riêng để đến với họ hoặc để về nước.

2. Trong những điều kiện tương tự như những điều kiện nêu ở Đoạn 1 của Điều này, nước thứ ba không được cản trở việc đi qua lãnh thổ mình của các nhân viên hành chính và kỹ thuật hoặc nhân viên phục vụ của cơ quan đại diện và thành viên gia đình họ.

3. Nước thứ ba phải dành cho thư tín và các truyền thông chính thức khác khi quá cảnh, kể cả các điện tín bằng mật mã hoặc số hiệu, quyền tự do và sự bảo hộ như ở Nước tiếp nhận. Nước thứ ba phải dành cho giao thông viên ngoại giao đã được cấp thị thực hộ chiếu, trong trường hợp cần phải có thị thực, và cho túi ngoại giao khi quá cảnh quyền bất khả xâm phạm và sự bảo hộ như Nước tiếp nhận dành cho giao thông viên ngoại giao và túi ngoại giao đó.

4. Những nghĩa vụ của nước thứ ba được nêu trong các Đoạn 1, 2 và 3 của Điều này, cũng được áp dụng đối với những người nêu trong các đoạn đó, cũng như đối với các truyền thông chính thức và túi ngoại giao khi ở trên lãnh thổ Nước thứ ba vì lý do bất khả kháng.

Điều 41

1. Không làm phương hại đến các quyền ưu đãi và miễn trừ của mình, tất cả những người hưởng các quyền đó có nghĩa vụ lớn trong luật lệ của Nước tiếp nhận. Họ cũng có nghĩa vụ không được can thiệp vào công việc nội bộ của Nước tiếp nhận.

2. Mọi công việc chính thức với Nước tiếp nhận do Nước cử đi giao cho cơ quan đại diện đều phải được tiến hành với Bộ Ngoại giao Nước tiếp nhận hoặc thông qua Bộ Ngoại giao hay một Bộ nào khác đã được thoả thuận.

3. Trụ sở của cơ quan đại diện không được đem sử dụng một cách không phù hợp với các chức năng của cơ quan đại diện đã được nêu trong Công ước này hoặc trong những quy phạm khác của công pháp quốc tế, hoặc trong những hiệp định riêng hiện hành giữa Nước cử đi và Nước tiếp nhận.

Điều 42

Viên chức ngoại giao không được tiến hành ở Nước tiếp nhận một hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại nào nhằm mục đích kiếm lợi riêng.

Điều 43

Các chức năng của viên chức ngoại giao chấm dứt trong những trường hợp sau đây:

a) Nước cử đi thông báo cho Nước tiếp nhận rằng những chức năng của viên chức ngoại giao đó đã chấm dứt;

b) Nước tiếp nhận thông báo cho Nước cử đi, theo Đoạn 2 của Điều 9 rằng nước này từ chối việc thừa nhận viên chức ngoại giao đó là thành viên của cơ quan đại diện.

Điều 44

Nước tiếp nhận, ngay cả trong trường hợp có xung đột vũ trang, phải dành sự giúp đỡ cần thiết để những người được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ không phải là công dân Nước tiếp nhận, cũng như các thành viên gia đình họ, không phân biệt quốc tịch nào, được rời khỏi lãnh thổ Nước tiếp nhận trong thời hạn sớm nhất. Đặc biệt, nếu cần, Nước tiếp nhận phải dành cho họ các phương tiện vận chuyển cần thiết cho bản thân họ và tài sản của họ.

Điều 45

Trong trường hợp quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt hoặc cơ quan đại diện được rút về hẳn hoặc tạm thời:

a) Nước tiếp nhận, ngay cả trường hợp có xung đột vũ trang, phải tôn trọng và bảo vệ trụ sở cùng với tài sản và hồ sơ của cơ quan đại diện;

b) Nước cử đi có thể giao việc bảo quản trụ sở của cơ quan đại diện và những tài sản hồ sơ ở trong đó cho một nước thứ ba mà Nước tiếp nhận có thể chấp nhận được;

c) Nước cử đi có thể giao việc bảo vệ các quyền lợi của mình và của công dân mình cho một nước thứ ba mà Nước tiếp nhận có thể chấp nhận được.

Điều 46

Với sự đồng ý của Nước tiếp nhận và theo yêu cầu của một nước thứ ba không có đại diện ở nước này. Nước cử đi có thể đảm nhiệm việc bảo vệ tạm thời các quyền lợi của nước thứ ba và của công dân nước đó.

Điều 47

1. Khi áp dụng các điều khoản của Công ước này, Nước tiếp nhận không được phân biệt đối xử giữa các nước.

2. Tuy nhiên, sẽ không coi là phân biệt đối xử nếu;

a) Nước tiếp nhận áp dụng một cách hạn chế một điều khoản nào đó của Công ước này bởi vì điều khoản đó cũng được áp dụng như vậy đối với cơ quan đại diện của họ tại Nước cử đi;

b) Các nước cho nhau hưởng, theo tập quán hoặc theo thoả thuận, một quy chế thuận lợi hơn so với yêu cầu của những điều khoản của Công ước này.

Điều 48

Công ước này để ngỏ cho việc ký của tất cả các nước thành viên của Liên hiệp quốc hoặc của một tổ chức chuyên môn, cũng như của các nước tham gia Quy chế của Toà án quốc tế hoặc của bất cứ một nước nào khác được Đại hội đồng Liên hợp quốc mời tham gia Công ước, theo cách thức sau: cho đến ngày 31 tháng 10 năm 1961, ký, tại Bộ Ngoại giao Liên bang của nước Áo và sau đó đến ngày 31 tháng 3 năm 1962, ký tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Yoóc.

Điều 49

Công ước này cần được phê chuẩn, các thư phê chuẩn nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Điều 50

Công ước này để ngỏ cho việc gia nhập của bất cứ nước nào thuộc một trong bốn loại nêu trên ở Điều 48. Các văn kiện gia nhập nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Điều 51

1. Công ước này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày thứ ba mươi tiếp theo sau ngày văn kiện phê chuẩn hay gia nhập thứ hai mươi hai được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.

2. Đối với mỗi nước sẽ phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước sau khi văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ hai mươi hai đã được nộp lưu chiểu Công ước sẽ có hiệu lực kể từ ngày thứ ba mươi sau ngày nước này nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập của mình.

Điều 52

Tổng thư ký Liên hợp quốc thông báo cho tất cả các nước thuộc một trong bốn loại nêu ở Điều 48;

a) Việc các nước đã ký Công ước này và nộp lưu chiểu các văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập theo các Điều 48, 49 và 50.

b) Ngày Công ước có hiệu lực, theo Điều 51.

Điều 53

Nguyên bản Công ước này, được lập bằng các thứ tiếng Anh, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp và Nga có giá trị như nhau, sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên hợp quốc và Tổng thư ký sẽ gửi bảo sao có xác nhận y bản chính cho tất cả các nước thuộc một trong bốn loại nêu ở Điều 48.

Để làm bằng, các đại diện được uỷ quyền hợp lệ ký tên dưới đây, đã ký vào công ước này.

Làm tại Viên, ngày mười tám tháng tư năm một nghìn chín trăm sáu mươi mốt.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công ước Viên của Liên hợp quốc ngày 19/04/1961 về quan hệ ngoại giao

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


142.989

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.62.68
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!