BAN THƯỜNG TRỰC
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM - THANH TRA CHÍNH PHỦ - BỘ TƯ
PHÁP - HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM - LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 10 năm 2018
|
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP
GIỮA
BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, THANH TRA CHÍNH PHỦ,
BỘ TƯ PHÁP, HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM, LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM VỀ GIÁM SÁT VÀ
NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO Ở ĐỊA PHƯƠNG, CƠ SỞ
- Căn cứ quy định của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
- Căn cứ Luật khiếu nại, Luật tố cáo năm 2011, Luật
tiếp công dân năm 2013;
- Căn cứ Quy chế giám sát và phản biện xã hội của
MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định
số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị);
- Căn cứ kết quả thực hiện Chương trình số
01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS, ngày 11/11/2014, Chương trình phối hợp giữa Ban
Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ
Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng
cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở;
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm
của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra
Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các
bên thống nhất ban hành Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả việc
giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân nâng cao nhận
thức về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại và giải quyết khiếu nại, tố cáo và
giải quyết tố cáo, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý... tạo điều kiện cho nhân
dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai,
góp phần bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật. Qua đó, từng bước giảm
dần tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở; khắc phục tình trạng khiếu nại, tố
cáo vượt cấp, phức tạp, đông người.
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan,
tổ chức tham gia với chính quyền cùng cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc thực hiện
các quy định của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải
quyết tố cáo; góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền, của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư,
giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, nhằm bảo đảm
quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
- Thông qua phối hợp tiếp công dân, xử lý đơn thư
khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài để nắm bắt
tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của công dân phản ánh kịp thời với Đảng,
Nhà nước, chính quyền các cấp giải quyết; phát hiện nhu cầu và thực hiện trợ
giúp pháp lý trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho những người thuộc diện
trợ giúp pháp lý.
- Thông qua các hoạt động giám sát, kịp thời phát
hiện những hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp
luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ
sở.
2. Yêu cầu
- Việc giám sát phải thực hiện đúng thủ tục, trình
tự theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, gắn với việc phát huy quyền
làm chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; phát huy
các hình thức giám sát thường xuyên, đột xuất; lắng nghe ý kiến của các tổ chức
thành viên, người uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng dân cư trong thực hiện Chương
trình phối hợp.
- Việc phối hợp phải được thực hiện trên cơ sở chức
năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức tham gia phối hợp;
được triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả;
định kỳ có sơ kết, tổng kết nhằm rút kinh nghiệm và triển khai có hiệu quả các
nhiệm vụ.
II. NỘI DUNG PHỐI HỢP
1. Tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về
pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền,
nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo; đồng thời, giải thích về
chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước để nhân dân hiểu, tự giác
chấp hành pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh thỏa thuận hòa giải hoặc quyết định
giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu
lực pháp luật; phổ biến kinh nghiệm tuyên truyền đối với việc giải quyết các vụ
việc đông người, phức tạp.
2. Chủ động tham gia phối hợp với cơ quan, tổ
chức có liên quan giải quyết các tranh chấp ngay tại cơ sở khi có mâu thuẫn,
tranh chấp trong nội bộ nhân dân thông qua các biện pháp hòa giải, tuyên truyền,
giáo dục, giải thích chính sách, pháp luật, đồng thời đẩy mạnh công tác hòa giải
ở cơ sở; kiến nghị các biện pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải.
3. Tăng cường hoạt động giám sát của Ban
thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải ở cơ sở để
phòng ngừa, hạn chế phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; phát
hiện và kiến nghị chính quyền giải quyết kịp thời những thiếu sót, vụ việc tiêu
cực; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền ở cơ sở.
4. Giám sát một số chuyên đề: Việc thực hiện
pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
và đối thoại với nhân dân; việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư; việc thực hiện chính sách về triển khai, quản lý dự án BT, BOT; việc thi
hành pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; việc thực hiện chính
sách về cổ phần hóa doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình quản lý chợ; công tác xét
xử các vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính và hành vi hành
chính của tòa án các cấp. Kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật còn sơ hở
là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
5. Lựa chọn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo
có dấu hiệu vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng của công dân; những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có kết quả giải quyết
của các cơ quan chức năng, có thẩm quyền nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm
pháp luật hoặc có tình tiết mới mà công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo; những
vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp, “điểm
nóng” để xem xét, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý, giải quyết.
Qua đó ngăn ngừa khiếu kiện đông người.
6. Trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình
tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phản ánh tình hình
dư luận nhân dân về khiếu nại, tố cáo, những vụ việc khiếu kiện đông người, phức
tạp, kéo dài, vượt cấp để thúc đẩy các cuộc đối thoại, giải quyết đến cùng vụ
việc.
7. Rà soát, đề xuất hoàn thiện và nâng cao
chất lượng, tính khả thi của các chính sách, pháp luật và biện pháp công tác về
tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1.1. Chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp giám sát ở
Trung ương và hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai thực
hiện Chương trình.
1.2. Chủ trì, lựa chọn những vụ việc khiếu nại, tố
cáo theo điểm 4, mục II để xây dựng kế hoạch phối hợp giám sát; phối hợp với
các cơ quan, tổ chức giám sát, ban hành quyết định thành lập Đoàn giám sát khi
cần thiết.
1.3. Hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam
cấp tỉnh:
1.3.1. Phối hợp với Thanh tra, Sở Tư pháp, Hội Luật
gia Việt Nam, Đoàn Luật sư cùng cấp xây dựng kế hoạch phối hợp giám sát hàng
năm; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát việc giải quyết khiếu nại,
tố cáo của các cơ quan chức năng và cung cấp thông tin liên quan đến việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
1.3.2. Hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp
huyện, cấp xã phối hợp với các cơ quan Tư pháp, Hội Luật gia, chi hội Luật gia,
Thanh tra cùng cấp hướng dẫn Tổ hòa giải, Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị
trấn, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở thực hiện nội dung của Chương
trình phối hợp giám sát.
1.3.3. Hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp
xã tham gia kịp thời các vụ việc bức xúc trong nhân dân có thể dẫn đến khiếu nại,
tố cáo và báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, tỉnh để kiến nghị
có tư vấn pháp lý cho nhân dân qua hỗ trợ tư vấn của Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật
gia tỉnh.
1.4. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam ở Trung ương và cấp tỉnh thông báo kịp thời kết quả giám sát cho Chính phủ,
Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết khiếu
nại, tố cáo của công dân; định kỳ tổng hợp kết quả giám sát để báo cáo tại các
kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Thanh tra Chính phủ
2.1. Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các nội
dung của Chương trình. Chỉ đạo, hướng dẫn Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phối hợp giám
sát hàng năm. Cử cán bộ tham gia các Đoàn giám sát cấp trung ương.
2.2. Chủ trì nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện
cơ chế, chính sách, pháp luật; biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền, tập huấn
các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo.
2.3. Chủ trì phối hợp trao đổi kinh nghiệm về thanh
tra, kiểm tra, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ trì đề xuất tổ chức
các hội thảo chuyên đề hoặc mời Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự các hội
thảo chuyên đề có liên quan về khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ tổ chức.
2.4. Thông qua kết luận và kiến nghị của Đoàn giám
sát, Thanh tra Chính phủ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng và
các cơ quan liên quan có trách nhiệm kịp thời thanh tra, phúc tra, kiểm tra lại
hoặc phối hợp giải quyết và trả lời bằng văn bản kết quả giải quyết cho Đoàn
giám sát và người khiếu nại, người tố cáo theo trình tự, thủ tục của pháp luật.
Thông báo kết quả giải quyết cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam.
3. Bộ Tư pháp
3.1. Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các nội
dung của Chương trình; hướng dẫn cơ quan, đơn vị trong Ngành xây dựng và tổ chức
triển khai kế hoạch phối hợp giám sát; cử cán bộ tham gia các đoàn giám sát cấp
trung ương.
3.2. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật về khiếu nại, tố cáo, pháp luật về hòa giải ở cơ sở để nâng cao nhận thức
và ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, góp phần giảm thiểu những
mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ cơ sở và để người dân thực hiện quyền và
nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
3.3. Phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn
thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; biên soạn, in ấn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng
về quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, về hòa giải ở cơ sở.
3.4. Hướng dẫn các Trung tâm trợ giúp pháp lý ở các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát hiện nhu cầu và cử Trợ giúp viên
pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người thuộc diện trợ giúp pháp
lý, trong đó ưu tiên giải quyết các trường hợp theo đề nghị của Ban Thường trực
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
3.5. Phối hợp tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm
công tác hòa giải, xây dựng và thực hiện pháp luật, giám sát giải quyết khiếu nại,
tố cáo.
4. Hội Luật gia Việt Nam
4.1. Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các nội
dung của Chương trình. Hướng dẫn Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương tham gia triển khai chương trình; cử người tham gia các đoàn giám
sát cấp trung ương.
4.2. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của
pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực
giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuyên truyền, vận động Hội Luật gia
các tỉnh, thành phố, các Chi hội Luật gia, các trung tâm tư vấn pháp luật và hội
viên tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
4.3. Trên cơ sở kế hoạch phối hợp giám sát đối với
những vụ việc khiếu nại, tố cáo theo điểm 4, mục II do Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, lựa chọn, trực tiếp tham gia giám
sát và tư vấn cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để
kiến nghị với cơ quan, tổ chức có liên quan.
4.4. Thực hiện việc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp
lý theo quy định của pháp luật cho nhân dân trước, trong và sau khiếu nại, tố
cáo theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
5. Liên đoàn Luật sư Việt Nam
5.1. Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các nội
dung của Chương trình. Hướng dẫn Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương tham gia triển khai chương trình; cử người tham gia các đoàn giám
sát cấp trung ương.
5.2. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của
pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; vận động các đoàn luật sư, tổ chức
hành nghề luật sư tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
5.3. Trên cơ sở kế hoạch phối hợp giám sát đối với
những vụ việc khiếu nại, tố cáo theo điểm 4, mục II do Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, lựa chọn, trực tiếp tham gia giám
sát và tư vấn cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để
kiến nghị với cơ quan, tổ chức có liên quan.
5.4. Phát huy vai trò của đội ngũ luật sư trong việc
thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu tại địa
phương; tập trung tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhân dân trước, trong
và sau khiếu nại, tố cáo theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam ở Trung ương và cấp tỉnh.
IV. CƠ CHẾ PHỐI HỢP
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các
phương tiện truyền thông của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh
tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam
để cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức về trách nhiệm, tích cực tham gia thực
hiện Chương trình.
2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các bên thường
xuyên trao đổi, cung cấp thông tin tình hình, diễn biến vụ việc khiếu nại, tố
cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức các hội thảo chuyên đề về
khiếu nại, tố cáo.
3. Khi có yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Bộ
Tư pháp về việc góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giải
quyết khiếu nại, tố cáo, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có trách nhiệm tổ chức
phản biện, góp ý bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức yêu cầu. Thanh tra Chính
phủ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc tiếp thu ý kiến phản
biện.
4. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động phối hợp với Thanh
tra nhà nước, Sở Tư pháp, Hội luật gia và Đoàn Luật sư cùng cấp xây dựng kế hoạch
triển khai thực hiện Chương trình này; đồng thời, phối hợp với Hội Luật gia Việt
Nam, Đoàn Luật sư cùng cấp xây dựng kế hoạch việc thực hiện tư vấn và trợ giúp
pháp lý cho nhân dân trước, trong và sau khiếu nại, tố cáo. Hằng năm, theo dõi,
tổng kết, đánh giá về việc thực hiện vai trò của đội ngũ luật sư trong việc thực
hiện tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhân dân trước, trong và sau khiếu
nại, tố cáo.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương
trình do một Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng
ban, đại diện lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam làm Phó trưởng ban, đại diện lãnh
đạo của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam là thành
viên. Định kỳ 6 tháng họp Ban Chỉ đạo một lần; họp đột xuất khi cần thiết.
2. Thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm
lãnh đạo cấp vụ, chuyên viên thuộc các đơn vị chuyên môn của các bên tham gia
do đại diện lãnh đạo Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam làm Tổ trưởng.
3. Các cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo theo
ngành dọc ở các địa phương ký chương trình phối hợp và tổ chức thực hiện các nội
dung Chương trình; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị tỉnh ủy,
thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ
đạo và tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả Chương trình.
4. Hằng năm, các bên thống nhất xây dựng kế
hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện; đồng thời, sơ kết, đánh
giá tình hình, kết quả thực hiện; đề nghị cơ quan có thẩm quyền biểu dương,
khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong việc giải quyết khiếu nại,
tố cáo.
5. Kinh phí tổ chức thực hiện Chương trình
phối hợp:
- Kinh phí chi cho các hoạt động thường xuyên từ
nguồn ngân sách của các cơ quan, tổ chức.
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bảo đảm
kinh phí tổ chức các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết Chương trình và kinh
phí tổ chức thực hiện việc giám sát.
- Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức tham gia Chương
trình này có thể thực hiện việc vận động tài trợ, huy động lập Quỹ (nếu có)
theo đúng quy định của pháp luật để hỗ trợ tổ chức, triển khai thực hiện Chương
trình.
- Trường hợp thành lập Đoàn giám sát Ban Thường trực
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí theo
quy định của pháp luật cho Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
6. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam giao Ban Dân chủ - Pháp luật; Thanh tra Chính phủ giao Ban Tiếp
công dân Trung ương; Bộ Tư pháp giao Thanh tra Bộ; Hội Luật gia Việt Nam giao
Ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; Liên đoàn Luật sư giao Trung tâm tư vấn
pháp luật làm đầu mối giúp việc Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn,
kiểm tra, đôn đốc đơn vị ngành dọc ở các địa phương tổ chức thực hiện.
TM. BAN THƯỜNG
TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH - TỔNG THƯ KÝ
Hầu A Lềnh
|
THANH TRA CHÍNH
PHỦ
TỔNG THANH TRA
Lê Minh Khái
|
BỘ TƯ PHÁP
BỘ TRƯỞNG
Lê Thành Long
|
HỘI LUẬT GIA VIỆT
NAM
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Quyền
|
LIÊN ĐOÀN LUẬT
SƯ VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Đỗ Ngọc Thịnh
|
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Ban Dân vận TW;
- Văn phòng: Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ;
- Ban Thường trực Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, lãnh đạo Trung ương Hội LGVN, Thanh
tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư VN;
- Tỉnh ủy, thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQVN, Hội Luật gia, Thanh tra, Sở Tư
pháp, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: Ủy ban TWMTTQVN, Hội LGVN, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn
Luật sư Việt Nam.
|