BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 49/CT-BNN-TCTS
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 01
năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀU CÁ, ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ TÀU CÁ HOẠT
ĐỘNG THỦY SẢN
Thời gian qua, các cơ quan có liên quan của trung
ương và địa phương đã quan tâm, tích cực triển khai thực hiện công tác quản lý
tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản đã đạt được nhiều
kết quả quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác thanh tra,
kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý tàu cá trên cả nước đã được tăng
cường; công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản được
quan tâm hơn đã góp phần làm giảm đáng kể số vụ tai nạn tàu cá so với trước
đây.
Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo đảm an toàn cho
người và tàu cá hoạt động thủy sản đang tiếp tục đối mặt với một số khó khăn,
thách thức như các hình thái thời tiết cực đoan trên biển đang ngày càng phức tạp,
khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tình hình Biển Đông ngày càng có
nhiều diễn biến phức tạp. Nghề khai thác hải sản của ngư dân đa dạng, nhiều nghề,
thời gian bám biển sản xuất trên biển; công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm tàu
cá và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển vẫn còn một số bất cập, hạn chế.
Để tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an
toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trong bối cảnh ngành khai thác thủy
sản đang triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 và các
quy định có liên quan của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn đề nghị:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố ven biển tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện
nghiêm một số nội dung, giải pháp cụ thể như sau:
a) Về công tác quản lý tàu cá
- Tiếp tục kiểm soát chặt việc đóng mới, cải hoán,
thuê, mua tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và
vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của địa phương và hạn ngạch Giấy phép khai thác
thủy sản vùng khơi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, giao cho
các địa phương; khẩn trương thực hiện rà soát, cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu
nghề cá quốc gia (Vnfishbase), thực hiện xóa đăng ký đối với các tàu cá theo
quy định tại Điều 72 của Luật Thủy sản.
- Tiếp tục hướng dẫn ngư dân thực hiện đầy đủ, đúng
các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá; chỉ đạo cơ sở đăng kiểm tàu cá
thực hiện nghiêm túc việc đăng kiểm, phân cấp và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật tàu cá theo đúng quy định, không để tình trạng tàu cá đóng mới, cải hoán
lắp đặt trên tàu các loại máy kém chất lượng, máy bộ (động cơ ôtô, máy kéo được
thủy hóa), các máy tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chịu trách nhiệm trước
pháp luật về kết quả kiểm tra an toàn kỹ thuật, phân cấp tàu cá.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở đóng mới,
cải hoán tàu cá; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cơ sở
đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.
- Thực hiện nghiêm quy định về đánh dấu tàu cá và lắp
đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
b) Công tác quản lý thuyền viên và người làm việc
trên tàu cá
- Kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu
cá vào Sổ danh bạ thuyền viên, trong đó lưu ý việc đảm bảo đủ định biên an toàn
tối thiểu của tàu cá; đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe, chuyên môn, nghiệp vụ
thuyền viên quy định tại Thông tư số 22/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ
thủy sản.
- Yêu cầu các chủ tàu cá mua bảo hiểm tai nạn và
các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá
theo quy định.
c) Công tác quản lý tàu cá, khu neo đậu tránh trú
bão cho tàu cá
- Trước ngày 01 tháng 02 hằng năm, tiến hành rà
soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá
đủ điều kiện hoạt động và thống kê báo cáo danh sách về Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn để công bố trên phạm vi toàn quốc.
- Xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng công tình khu
neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để tổ chức
thực hiện.
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công bố mở, đóng cảng
cá theo thẩm quyền đối với cảng cá loại II và cảng cá loại III theo quy định.
d) Công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động
nghề cá trên biển
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm
tra tàu cá theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kiên quyết không cho rời cảng đi khai
thác đối với các trường hợp tàu cá không đủ định biên an toàn tối thiểu của tàu
cá; không lắp đặt đủ trang thiết bị bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá; tàu cá sử
dụng lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động;
- Chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý
nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình
hoạt động trên biển, đặc biệt là đối với các tàu cá vi phạm vùng biển các nước
để đánh bắt hải sản trái phép, không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành
trình trên tàu cá.
- Tổ chức trực ban 24/7 vận hành Hệ thống giám sát
hành trình tàu cá để theo dõi giám sát tàu cá hoạt động trên biển, kịp thời
cung cấp thông tin và cảnh báo cho tàu cá về tình hình thời tiết trên biển; hướng
dẫn ngư dân tránh trú bão đảm bảo an toàn và kết nối với các cơ quan chức năng
có liên quan khác để hỗ trợ ngư dân trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển
khi cần thiết.
- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động, tập huấn
cho ngư dân các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Thủy sản năm 2017, Nghị
định 26/2019/NĐ-CP , Nghị định 42/2019/NĐ-CP , các Thông tư hướng dẫn có liên
quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các khuyến nghị của Ủy ban
Châu Âu (EC) về cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam để
ngư dân hiểu và chấp hành đúng quy định của pháp luật về thủy sản và các quy định
pháp luật khác có liên quan.
đ) Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tàu cá, thực hiện
tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương
và có hiệu quả” nhằm đảm bảo an toàn cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất
cho người và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản.
e) Định kỳ tổ chức diễn tập các phương án ứng phó sự
cố tàu cá trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và phương
án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tàu cá trên biển để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng
phó và xử lý tình huống khi có bão, thiên tai, sự cố, tai nạn trong hoạt động
khai thác thủy sản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, an toàn giúp ngư dân
an tâm sản xuất khai thác thủy sản.
g) Định kỳ 06 tháng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao
tại Chỉ thị này về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua Tổng cục Thủy
sản trước ngày 20 của tháng 6 và tháng 12 hằng năm; bằng văn bản theo địa chỉ số
10 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội, bằng thư điện tử theo địa chỉ: khaithacthuysan@mard.gov.vn.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy
sản
a) Tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến
các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, các quy định về quản lý hoạt động khai
thác thủy sản của Việt Nam và các nước, kỹ năng phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt
đới; kỹ năng đảm bảo an toàn lao động trên tàu cá và xử lý tình huống khi gặp sự
cố trên biển. Chủ trì, phối hợp tổ chức biên soạn, in ấn Sổ tay an toàn tàu cá
để cấp phát miễn phí cho ngư dân trên toàn quốc.
b) Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ trực
tiếp làm công tác quản lý tàu cá, đăng kiểm tàu cá, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật
mới vào quản lý tàu cá, phù hợp với tình hình phát triển.
c) Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện công tác đăng kiểm, phân cấp và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu
cá của các đăng kiểm viên, cơ sở đăng kiểm. Thực hiện thu hồi thẻ, dấu kỹ thuật
đăng kiểm viên tàu cá đối với các trường hợp vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT.
d) Tổng hợp kết quả, đánh giá các sáng kiến, đề xuất,
mô hình và cách làm sáng tạo để triển khai có hiệu quả Chỉ thị này của địa
phương để phổ biến, nhân rộng. Tham mưu trình Bộ trưởng có hình thức khen thưởng
kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích cao trong thực hiện Chỉ
thị này.
đ) Chủ trì, theo dõi, đôn đốc các cơ quan đơn vị có
liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị này và định kỳ 06 tháng báo cáo Bộ.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế
Chỉ thị số 3727/CT-BNN-TCTS ký ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản
cho người và tàu cá hoạt động trên biển.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, nếu có vướng mắc
phát sinh, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển và Tổng
cục trưởng Tổng cục Thủy sản báo cáo, phản ánh bằng văn bản gửi về Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn để tổng hợp, xử lý./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (để b/c);
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN (để b/c);
- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao (để p/h);
- UBND các tỉnh, thành phố ven biển (để t/h);
- Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển (để t/h);
- Tổng cục Thủy sản (để t/h);
- Cổng Thông tin điện tử Bộ NN&PTNT;
- Website Tổng cục Thủy sản;
- Lưu: VT, TCTS.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phùng Đức Tiến
|