HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 160-HĐBT
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 9 năm 1982
|
CHỈ THỊ
VỀ NHỮNG CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP NHẰM TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ
QUYẾT SỐ 148-CP NGAY 7-4-1981 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG THỜI GIAN TỚI
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng
trọng điểm lương thực và nông nghiệp toàn diện lớn nhất của nước ta. Sau một
năm rưỡi thực hiện nghị Quyết số 148-CP ngày 7-4-1981 của Hội đồng Chính phủ,
tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng này có những tiến bộ: diện
tích, năng suất, sản lượng lúa đều tăng hơn trước, đáng chú ý là diện tích lúa
cao sản ngày càng mở rộng. Việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và ứng dụng
tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp đạt được kết quả bước đầu, nhất là việc làm
thuỷ lợi và ứng dụng các loại giống mới có năng suất cao, chống được rầy nâu và
sâu bệnh. Công tác điều chỉnh ruộng đất và cải tạo quan hệ sản xuất trong nông
nghiệp được chú ý hơn. Tình hình giản sút trong ngư nghiệp đã được ngăn chặn và
bắt đầu có phát triển . Việc huy động lương thực và thu mua nông sản có nhiều cố
gắng.
Tuy nhiên, kết quả đạt được còn
thấp so với khả năng và yêu cầu. Việc tăng vụ và thâm canh, tăng năng suất lúa
chưa được coi trọng đúng mức, nhất là việc thâm canh đối với lúa mùa; sản lượng
màu giảm sút, việc chế biến, bảo quản, thu mua, tiêu thụ màu chưa tốt. Việc
phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi đạt kết quả còn thấp. Nghề khai thác thuỷ
sản chưa đạt bằng mức trước chiến tranh; rừng bị phá rất nghiêm trọng. Việc xây
dựng cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu; việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ
thuật còn nhiều mặt chưa thoả đáng, nhất là về thuỷ lợi. Việc điều chỉnh ruộng
đất và hợp tác hoá nông nghiệp tiến hành chậm; chưa gắn cải tạo nông nghiệp với
cải tạo công, thương nghiệp. Công tác phân phối, lưu thông còn rất phức tạp,
chưa phục vụ tốt việc thúc đẩy sản xuất của vùng cũng như việc thu mua nắm nguồn
hàng của Nhà nước.
Nghị quyết số 148-CP ngày
7-4-1981 của Hội đồng Chính phủ về phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu
Long là sự vận dụng đường lối chung và đường lối kinh tế phù hợp với điều kiện
cụ thể của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm
vụ, mục tiêu và biện pháp đề ra trong nghị quyết ấy, trong 3 năm còn lại của kế
hoạch 1981 - 1985, các địa phương và các ngành có liên quan phải làm tốt những
việc chủ yếu sau đây:
1. Đẩy mạnh
công tác điều tra cơ bản và công tác phân vùng quy hoạch, tổ chức lại sản xuất.
Phải tập trung lực lượng cán bộ
của các địa phương và các ngành tiến hành khẩn trương công tác điều tra tài
nguyên thiên nhiên và xã hội, công tác đo đạc , đăng ký, thống kê, phân hạng ruộng
đất và đẩy mạng công tác phân vùng, quy hoạch nông - lâm - ngư nghiệp gắn với
quy hoạch công nghiệp, giao thông vân tải và quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Từ quy hoạch tổng thể, phải xác định quy hoạch từng vùng, từng địa bàn cụ thể
(tỉnh, huyện, xã, ấp). Xác định một cách vững chắc cơ cấu kinh tế , xác định và
bố trí mùa vụ cây trồng, bố trí chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản
thích hợp với điều kiện cụ thể từng nơi. Đặc biệt, phải hoàn chỉnh nhanh quy hoạch
các vùng lúa cao sản, vùng chuyên canh cây, con xuất khẩu để kịp bố trí kế hoạch
đầu tư và thực hiện ngay từ đầu năm 1983. Đồng thời tiến hành khẩn trương công
tác đo đạc, đăng ký, thống kê, phân hạng ruộng đất để điều chỉnh ruộng đất.
Công tác quy hoạch tổng thể và cụ thể, công tác đo đạc, đăng ký, thống kê và điều
chỉnh ruộng đất đều phải nỗ lực hoàn thành vào năm 1983.
Trong quy hoạch phải thể hiện rõ
phương hướng sản xuất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về lương thực, phải tăng
nhanh sản xuất lúa, thực hiện thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích, nhưng
quan trọng và chủ yếu hiện nay là thâm canh và tăng vụ, đặc biệt là tập trung
xây dựng nhanh các vùng lúa cao sản. Đồng thời coi trọng màu, mở rộng diện tích
ngô khoai lang, trên cơ sở thực hiện thâm canh; có kế hoạch tổ chức tốt việc
thu mua, chế biến, bảo quản, vận chuyển màu và sử dụng màu để chăn nuôi, khuyến
khích dùng màu phù hợp với đặc điểm của vùng. Về cây thực phẩm và cây công nghiệp,
phát triển mạnh đậu tương, lạc, các loại đậu đỗ để tăng nguồn thực phẩm và cải
tạo đất, tạo mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Mở rộng diện tích trồng mía, để đẩy
mạnh sản xuất đường; phát triển mạnh các cây đay, cói, dâu tằm, nhất là đay; đẩy
mạnh việc trồng dừa ở các khu vực tập trung, nhất là ven biển. Phát triển các
loại cây ăn quả phù hợp với yêu cầu xuất khẩu và khả năng chế biến. Về chăn
nuôi, chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi lợn,trâu, bò, gà vịt, nhất là vịt nuôi theo
thời vụ.
Về thuỷ sản, tận dụng mọi diện
tích mặt nước mặn, lợ, ngọt để nuôi thuỷ sản, chú trọng áp dụng rộng rãi kinh
nghiệm nuôi tôm ở ruộng lúa, nuôi tôm ở rừng nước ngập, nuôi tôm ở đồng muối để
nhanh chóng nâng sản lượng tôm, nhất là các loại tôm có giá trị xuất khẩu
cao... Phát triển lực lượng đánh cá thủ công, cơ giới nhỏ; khôi phục các nghề
đáy sông, đáy biển , nghề xiệp. Ngành thuỷ sản cần mở rộng kinh doanh xuất, nhập
khẩu để tự giải quyết nhu cầu xăng dầu, phụ tùng, ngư cụ, đồng thời làm tốt các
khâu thu mua, chế biến, vận chuyển, bảo quản để phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng
trong nước.
Về lâm nghiệp, phải có biện pháp
tích cực chống tệ phá rừng bừa bãi, quản lý, bảo vệ tốt rừng hiện có. Trong những
năm 1982 - 1985, đẩy mạnh trồng rừng tập trung và phát triển rộng khắp phong
trào nhân dân trồng cây để giải quyết gỗ nhỏ và củi đun tại chỗ.
2. Đẩy mạnh xây
dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tập trung vào
các mục tiêu sau đây:
- Về thuỷ lợi, trước hết phải tận
dụng mọi điều kiện thuận lợi của thiên nhiên, gắn thuỷ lợi với cải tạo đất, tiến
hành khảo sát, thiết kế các công trình một cách vững chắc, vừa làm trước mắt, vừa
chuẩn bị cho kế hoạch thuỷ lợi lâu dài, trước mắt chú trọng phát triển thuỷ lợi
nhỏ và vừa. Tập trung khai thác tốt các công trình thuỷ lợi đã xây dựng, đẩy mạnh
việc đào kênh dẫn nước và tiêu nước, làm cống bộng, củng cố đê bao; tranh thủ
làm một số công trình hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Ngành thuỷ lợi phải phụ trách từ
công trình đầu mối đến việc đưa nước vào mặt ruộng, cần huy động thêm nữa sức
đóng góp của nhân dân vào công tác thuỷ lợi.
- Về phân bón, trước hết phải đặc
biệt quan tâm phát động phong trào quần chúng làm các loại phân hữu cơ (phân
chuồng, phân xanh ); coi trọng việc làm chuồng để tận dụng nguồn phân lợn, phân
trâu bò. Phấn đấu mỗi hécta gieo trồng lúa có khoảng 3 - 4 tấn phân chuồng,
phân xanh và nhiều hơn nữa đối với lúa cao sản . Mặt khác, phải bảo đảm mức
cung ứng phân hoá học bằng hai cách: Nhà nước cung cấp và địa phương xuất để nhập
thêm.
- Về sức kéo và công cụ lao động,
phải giải quyết phụ tùng, cung ứng đủ xăng dầu và tổ chức tốt việc sửa chữa, bảo
dưỡng, quản lý sử dụng để phát huy cao năng lực các máy kéo hiện có; đồng thời
Nhà nước tăng thêm máy kéo cho đồng bằng sông Cửu Long. Hết sức coi trọng việc
xây dựng, củng cố các cơ sở máy kéo quốc doanh. Làm thử ở một số nơi việc bán
máy kéo các loại cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Phải đẩy mạnh việc chăn
nuôi để tăng nhanh đàn trâu bò cày kéo; coi trong phát triển trâu bò tại chỗ,
nhất là trâu bò sinh sản , khuyến khích gia đình nuôi nhiều trâu bò. Chú ý giải
quyết tốt yêu cầu về các loại công cụ cầm tay ở các địa phương.
- Về giống, phải kết hợp Nhà nước,
tập thể, nhân dân cùng làm để bảo đảm được cơ cấu giống tốt và có đủ giống các
loại cây, con (giống lúa, màu, đay, đậu tương, các loại gia súc).
Xây dựng rộng rãi mạng lưới cơ sở
giống của huyện, của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, kết hợp với hộ nhân dân để
nhân các loại giống tốt cung ứng cho sản xuất. Cơ quan nông nghiệp các cấp phải
hướng dẫn kỹ thuật làm giống, kiểm tra chất lượng giống và hướng dẫn phân phối
giống, Bộ Nông nghiệp sớm trình Chính phủ quyết định hoặc quyết định theo thẩm
quyền mình chính sách về giống cây, con, giá công làm giống, khen thưởng tập thể
và cá nhân có công trong việc làm giống.
Tăng cường công tác bảo vệ thực
vật và thú y, chú trọng hướng dẫn nhân dân làm tốt việc phòng trừ dịch bệnh,
cung cấp đủ phương tiện và thuốc cần thiết, đảm bảo thực hiện công tác này một
cách toàn diện chủ động, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
- Về điện, giải quyết đủ dầu, phụ
tùng nhất là phụ tùng của các nước tư bản và tìm mọi cách để sử dụng hết công
suất của nhà máy điện Trà Nóc, các trạm điện Dieden và các đường dây tải điện
hiện có. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng để phát triển các đường dây chuyền tải và
lưới điện phân phối, tăng thêm một số trạm điện dieden cho đồng bằng sông Cửu
Long, phát động phong trào tiết kiệm điện chống tệ ăn cắp điện.
- Về cơ khí, xây dựng và sắp xếp
lại hệ thống cơ khí từ tỉnh đến huyện, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, phân công
rõ ràng nhằm phục vụ tốt nhất cho nông nghiệp, chú trọng cơ khí sửa chữa máy
móc, công cụ nông nghiệp, chế tạo các nông cụ cầm tay và cải tiến. ở xã, ấp, hợp
tác xã, tập đoàn sản xuất, cần khôi phục và phát triển các lò rèn, các cơ sở mộc
để sửa chữa và chế tạo nông cụ thông dụng.
- Về giao thông vận tải, trước hết
phải phát huy ưu thế về vận tải thuỷ, xây dựng các cảng biển, cảng sông như Cần
Thơ, Mỹ Thới, Long Bình Tân, Mỹ Tho, Minh Hải, Bến Tre, Kiên Giang tiếp tục nạo
vét các luồng Đại Ngãi - Bạc Liêu, Rạch Giá - Kiên Lương, Kênh Xáng Xà No và luồng
Định An, khu vực cảng Cần Thơ, Trà Nóc.
Huy động sức dân và vốn địa
phương phát triển đường bộ nông thôn đến tận xã ấp, xóm; tập trung sửa chữa kịp
thời, không để xuống cấp quốc lộ 4 và các đường liên tỉnh và 30 và 80.
- Về vật liệu xây dựng, phát triển
nhanh việc sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, các cấu kiện để xây dựng nhà ở
và xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long. Bộ xây dựng phải có biện
pháp quản lý, sản xuất đá để giải quyết đủ đá cho xây dựng, thuỷ lợi và cho các
ngành; giúp các tỉnh, huyện, xã xây dựng các cơ sở làm gạch, ngói, chất lợp
khác (phi - bờ - rô xi - măng) để phục vụ xây dựng nông thôn và có thêm hàng
trao đổi với nông dân.
- Phát triển rộng rãi phong trào
ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Áp dụng rộng
rãi các tiến bộ kỹ thuật đã được xét duyệt về giống cây, con về thuỷ lợi, làm đất,
cải tạo đất (chua, phèn, mặn), sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh và nâng cao
năng suất trong chăn nuôi. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các tiến bộ kỹ thuật
để xét duyệt sớm đưa vào sản xuất. Đồng thời, khoa học kỹ thuật phải góp phần
vào công tác điều tra cơ bản, quy hoạch, xây dựng kế hoạch trong những năm tới
và xa hơn. Các viện nghiên cứu, trường đại học , trung học chuyên nghiệp... phải
thực sự tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học ký thuật vào sản xuất trên cơ
sở thực hiện hợp đồng kinh tế với các địa phương, cơ sở sản xuất.
- Về cung ứng vật tư, phải đảm bảo
cung ứng xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, phụ tùng... cho nông nghiệp theo kế
hoạch được phân phối và kịp thời vụ sản xuất. Phải nghiên cứu thống nhất việc
quản lý, phân phối vật tư nông nghiệp cho hợp lý và đỡ rối cho bên dưới.
- Về công nghiệp, chế biến, phải
đẩy mạnh việc xây dựng sân phơi, nhà kho, sửa chữa và xây dựng mới cơ sở xay
xát lúa gạo, bảo đảm tốt yêu cầu của công tác thu mua, bảo quản lương thực.
Phát triển cơ sở chế biến nông sản, hải sản, nhất là cơ sở chế biến đường, đay,
dừa , dứa, giết mổ lợn, vịt, và cơ sở chế biến tôm, cá. Phát triển cơ sở chế biến
thức ăn gia súc phục vụ chăn nuôi, kể cả việc sản xuất các chất tăng trọng cho
gia súc. Việc xây dựng mạng lưới cơ sở chế biến nông sản, hải sản phải gắn chặt
với sản xuất, vận tải và tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên từng địa bàn cụ
thể.
3. Đẩy mạnh việc
phân bố lao động.
Từng địa phương phải điều tra, nắm
thật chắc số lao động, nghề nghiệp ... và có kế hoạch phân công, phân bố lại
lao động trong từng cơ sở, từng huyện và toàn tỉnh. Phải đầu tư lao động thích
đáng cho đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất lúa, màu, cây công nghiệp,
chăn nuôi, nghề cá, nghề rừng, đồng thời mở mang ngành nghề, phát triển thủ
công nghiệp, tiểu công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Sơ kết việc giãn dân, đón
dân và chuẩn bị tốt cho kế hoạch tiếp nhận nhân dân trong thời gian tới. Có biện
pháp thiết thực để hạn chế sinh đẻ, cố gắng hạ tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên
xuống dưới 2%.
4. Chấn chỉnh
công tác phân phối, lưu thông. Phải lập lại trật tự và cải tiến công tác thu
mua lương thực và nông sản, thực phẩm, thực hiện tốt hợp đồng hai chiều giữa
Nhà nước và nông dân, bảo đảm tập trung được nguồn hàng lương thực và nông sản,
thực phẩm vào tay Nhà nước. Mở rộng mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa
(quốc doanh và hợp tác xã mua bán) đến tận cơ sở thành thị và nông thôn để tiến
tới nắm toàn bộ khâu bán buôn và đại bộ phận khâu bán lẻ. Giá cả là vấn đề hết
sức phức tạp, cần nghiên cứu để hệ thống giá ngày càng hoàn chỉnh. Trước mắt,
phải chấp hành nghiêm chỉnh chính sách giá cả của Nhà nước đã ban hành, giữ tỷ
giá trao đổi giữa các loại vật tư chủ yếu với lúa và giá chỉ đạo mua bán cụ thể
các loại hàng trong quan hệ trao đổi với nông dân; chống khuynh hướng chạy theo
cơ chế giá thị trường, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh , bổ sung những điểm cần
thiết cho sát với thực tế phát triển; xây dựng những chính sách mới cần thiết
nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển và thu mua nắm nguồn hàng vào tay Nhà nước.
Quản lý chặt chẽ tài chính và tiền tệ, giáo dục ý thức đóng góp thuế và nghĩa vụ,
chống thất thu thuế nông nghiệp, thuế sát sinh và thuế công thương nghiệp, tích
cực huy động tiền mặt trong nhân dân, kể cả ngoại hối để sử dụng vào sản xuất
kinh doanh có lợi cho nền kinh tế quốc dân. Quản lý chặt chẽ thị trường.
5. Phát huy tiềm
lực của đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu để nhập khẩu vật tư phục vụ nông
nghiệp. Bộ Ngoại thương phải nghiên cứu kỹ thị trưởng , giá cả, xác định rõ các
mặt hàng xuất khẩu và cùng với các tỉnh quy hoạch lại sản xuất để ổn định mặt
hàng xuất khẩu. Khuyến khích các tỉnh xuất nhập khẩu trực tiếp dưới sự quản lý
thống nhất của Bộ Ngoại thương.
Đẩy mạnh sự hợp tác giữa các tỉnh,
đặc biệt là sự hợp tác giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ
Chí Minh về các mặt, nhất là cơ khí, chế biến, sản xuất phụ tùng thay thế, sản
xuất hàng tiêu dùng và khoa học - kỹ thuật; nội dung hợp tác phải ghi vào kế hoạch
Nhà nước và thực hiện theo hợp đồng kinh tế ký kết giữa các địa phương.
6. Đẩy mạnh việc
điều chỉnh ruộng đất và cải tạo quan hệ sản xuất.
Phải nhanh chóng hoàn thành việc
điều chỉnh ruộng đất ở đồng bằng sông Cửu Long để trên cơ sở đó tiến hành khẩn
trương và vững chắc việc tập thể hoá nông nghiệp dưới các hình thức từ thấp đến
cao. Việc đẩy mạnh hợp tác hoá phải nhằm tổ chức lại sản xuất và phát triển sản
xuất. Phải làm sao làm ăn tập thể hơn hẳn làm ăn cá thể. Đồng thời phải coi trọng
việc xây dựng hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng và tổ chức đời sống mới ở
nông thôn, nhằm làm nổi bật tính ưu việt của quan hệ sản xuất mới, tạo ra sức hấp
dẫn lớn đối với nông dân, nhất là tầng lớp trung nông. Các tỉnh phải tập trung
sức chỉ đạo chặt chẽ phong trào hợp tác hoá, bảo đảm hoàn thành về cơ bản công
cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm này. Ở
những nơi đã xây dựng tập đoàn sản xuất cần có kế hoạch tích cực chuẩn bị điều
kiện đưa lên hình thức hợp tác xã với quy mô hợp lý mới có điều kiện tốt để
phân bố lao động hợp lý và phát triển ngành nghề, xây dựng nền móng của cơ cấu
kinh tế nông - công nghiệp. Đồng thời, phải đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối
với thương nghiệp, vận tải và công nghiệp tư nhân với các hình thức thích hợp.
7. Đẩy mạnh
công tác giáo dục , y tế, văn hoá và xây dựng nông thôn mới. Phải có kế hoạch
tích cực giải quyết tốt vấn đề giáo viên trường học để phát triển công tác giáo
dục phổ thông, nhanh chóng xoá bỏ tình hình trẻ em đến tuổi học không được đi học.
Đẩy mạnh công tác xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá.
Củng cố và mở rộng mạng lưới y tế
từ tỉnh đến tập đoàn sản xuất; lấy y tế trên địa bàn huyện làm trọng tâm; bồi
dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có cơ cấu đồng bộ và chất lượng ngày càng
cao và phát triển mạnh mẽ việc trồng cây thuốc để chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh
cho nhân dân. Tăng cường công tác vệ sinh, phòng bệnh và phòng dịch, nhất là vệ
sinh môi trường, trước hết là giải quyết vấn đề phân và tạo nguồn nước sạch để
uống. Đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới và có kế hoạch từng bước
tổ chức lại việc ăn, ở cho phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất và xây dựng
nông thôn mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh việc xây dựng các
công trình phục vụ đời sống văn hoá ở xã như nhà văn hoá, thư viện, đài truyền
thanh v.v... đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, chiếu bóng và thể dục,
thể thao ở nông thôn. Phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bài trừ mê tín dị
đoan và rượu chè ăn uống linh đình.
8. Xây dựng và
tăng cường cấp huyện và củng cố cơ sở. Trước mắt chú trọng xác định hợp lý bộ
máy, tăng cường cán bộ có năng lực, thông thạo nghiệp vụ cho cấp huyện; tiếp tục
phân cấp cho huyện quản lý những cơ sở sản xuất , kinh doanh, phục vụ đời sống
nằm gọn trong huyện, đồng thời chú ý xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho huyện.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và kiện toàn cấp xã, ấp.
9. Đào tạo và bồi
dưỡng cán bộ. Ban tổ chức của Chính phủ, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp,
các ngành liên quan phải giúp các địa phương làm tốt việc quy hoạch xây dựng đội
ngũ cán bộ, nhất là cán bộ khoa học kỹ thuật và kinh tế, nghiệp vụ đáp ứng kịp
yêu cầu của phát triển sản xuất và xây dựng. Trước mắt, từng địa phương phải cân
đối, điều chỉnh số cán bộ hiện có của các tỉnh để tăng cường cho huyện và cơ sở;
điều động từ các ngành trung ương, các tỉnh khác để bổ sung cho tỉnh, huyện và
cơ sở của đồng bằng sông Cửu Long với tinh thần là thực hiện tốt các chính sách
của Nhà nước về khuyến khích cán bộ được điều động tăng cường cho huyện và cơ sở,
đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ phục vụ lâu dài.
Đồng thời, phải hết sức coi trọng
việc đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lý kinh tế, nghiệp vụ tại vùng đồng bằng
sông Cửu Long bằng cách tận dụng khả năng của trường đại học Cần Thơ, các trường
trung học trong vùng... mở thêm các phân hiệu, cơ sở đào tạo tại các tỉnh đồng
bằng sông Cửu Long để đào tạo nhanh cán bộ có trình độ thực hành khá theo hướng
tuyển chọn người địa phương gửi đi đào tạo và về phục vụ địa phương.
10. Chỉ đạo thực
hiện. Các ngành, các địa phương phải chủ động hợp tác với nhau để thực hiện tốt
kế hoạch phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các ngành phải đưa các công việc
phục vụ phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long vào kế hoạch ngành, đồng
thời phải có biện pháp thực hiện đồng bộ và cải tiến việc điều hành công việc để
giải quyết các vấn đề đặt ra được kịp thời, có hiệu lực, đạt hiệu quả cao. Các
ngành phải phân công một đồng chí lãnh đạo chuyên trách công việc của ngành
mình về phục vụ phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, và một bộ phận
cán bộ giúp Bộ giải quyết công việc kịp thời, có hiệu lực.
Các địa phương thuộc đồng bằng
sông Cửu Long chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện kế hoạch trên địa bàn
mình phụ trách.
Hội đồng Bộ trưởng tăng cường sự
lãnh đạo tập thể đối với việc phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu
Long Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng giải quyết các vấn đề lớn có liên quan nhiều
lĩnh vực. Các đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực nào
thì chịu trách nhiệm phụ trách, chỉ đạo lĩnh vực đó ở đồng bằng sông Cửu Long,
và thường xuyên phối hợp , bàn bạc để giải quyết tốt các vấn đề liên quan.
Phải coi trọng và làm tốt việc
chỉ đạo làm thử, chỉ đạo điển hình; kịp thời phổ biến các kinh nghiệm tốt, nhân
các điển hình tốt ra diện rộng một cách vững chắc; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc
việc thực hiện Nghị quyết số 148-CP để kịp thời khẳng định những việc làm đúng
, phát hiện những thiếu sót để uốn nắn.
Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và
các ngành Trung ương, mỗi năm phải vào làm việc với các tỉnh đồng bằng sông Cửu
Long từ một đến hai lần để kiểm điểm việc thực hiện nghị Quyết số 148-CP.