ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/CT-UBND
|
Kon Tum, ngày 02
tháng 01 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIỐNG CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Trong thời gian qua, công tác
quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh đã dần
đi vào ổn định và đạt được kết quả tích cực như: hầu hết các cơ sở kinh doanh giống
cây trồng có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có nguồn gốc, xuất xứ; số
lượng giống cây trồng cơ bản đáp ứng nhu cầu cho sản xuất,... góp phần phát triển
lĩnh vực trồng trọt bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng giá
trị trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, công tác quản lý giống cây trồng vẫn
còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp
của tỉnh; tình trạng mua, bán giống cây trồng trôi nổi, không rõ nguồn gốc,
chưa đảm bảo chất lượng vẫn còn diễn ra; vẫn còn sử dụng vật liệu nhân giống
được khai thác trực tiếp từ các vườn sản xuất đại trà, chưa được cấp có thẩm
quyền công nhận,...
Để tăng cường công tác quản lý
nhà nước về giống cây trồng, đồng thời từng bước khắc phục những bất cập nêu
trên và phát huy vai trò quan trọng của giống cây trồng sản xuất; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai, thực hiện có hiệu quả một
số nội dung sau[1]:
1. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ
biến các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây
trồng thuộc địa bàn nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành, đồng thời lựa
chọn cho phù hợp.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra
hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn; kịp thời phát
hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền (nếu có).
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên
môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà
nước về sản xuất kinh doanh giống cây trồng; hướng dẫn người dân lựa chọn, sử
dụng giống cây trồng đã có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất,
kinh doanh ở Việt Nam; phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan của địa
phương tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện (xe gắn máy, xe ô tô các
loại…) buôn bán giống cây trồng trái pháp luật; xử lý kịp thời các hành vi
vi phạm pháp luật theo thẩm quyền (nếu có).
- Chỉ đạo các chủ đầu tư thực
hiện dự án trên địa bàn liên quan đến giống cây trồng phải thực hiện theo đúng
quy định của pháp luật về giống cây trồng.
- Thường xuyên công khai danh
sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn;
các trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có); cập nhật danh sách nguồn giống được
công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên các phương tiện
thông tin đại chúng để tổ chức, cá nhân, người dân biết, lựa chọn.
2. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Tăng cường công tác thông tin,
tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giống
cây trồng để tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về sản
xuất, kinh doanh giống cây trồng([2]).
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan thực hiện những nội dung về quyền bảo hộ giống cây trồng; hướng
dẫn, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh
vực giống cây trồng. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lưu hành giống cây
trồng; đặc cách giống cây trồng; công bố hợp quy giống cây trồng;…đảm bảo thuận
lợi, kịp thời, đúng quy định.
- Tham mưu triển khai thực hiện
các quy định về quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn khai thác,
sử dụng có hiệu quả nguồn giống cây trồng; quản lý các tổ chức, cá nhân sản
xuất, kinh doanh giống cây trồng đảm bảo đúng quy định; tổ chức thanh tra, kiểm
tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về giống cây trồng và xử lý nghiêm
các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có).
- Thường xuyên công khai các tổ
chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn; các trường hợp
vi phạm pháp luật (nếu có); cập nhật danh sách nguồn giống được công nhận, công
nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng
để tổ chức, cá nhân, người dân biết, lựa chọn.
- Chịu trách nhiệm đôn đốc,
kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ hằng tháng, 6 tháng, năm([3]), báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình triển khai
thực hiện, kết quả đạt được và những kiến nghị, đề xuất (nếu có) trong công tác
quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Khoa học và Công nghệ:
Ưu tiên triển khai thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khảo nghiệm, thử
nghiệm giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao phù hợp điều kiện tự nhiên,
xã hội của tỉnh đúng quy định pháp luật; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc
ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất.
4. Sở Công Thương: Phối
hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên
quan tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối
với việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
5. Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh, Báo Kon Tum và các cơ quan truyền thông: Phối hợp với các đơn vị
liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về
sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; thông tin kịp thời giống cây trồng đảm
bảo chất lượng, các mô hình sản xuất có hiệu quả để các tổ chức, cá nhân, người
dân biết, áp dụng.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh: Tăng cường
tuyên truyền, hướng dẫn hội viên sử dụng giống cây trồng phù hợp, có hiệu quả,
có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam; Thực hiện giám sát
việc thực hiện pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây
trồng trên địa bàn tỉnh.
7. Đề nghị Cục Quản lý thị
trường tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn thực
hiện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh các mặt
hàng thuộc lĩnh vực phụ trách, trong đó có mặt hàng vận chuyển, kinh doanh
giống cây trồng theo quy định của pháp luật.
6. Trách nhiệm của các tổ
chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng: Tổ chức, cá
nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phải tuân thủ theo đúng
quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và các quy định có
liên quan; Chịu trách nhiệm về chất lượng giống cây trồng do mình sản xuất,
kinh doanh thông qua việc công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo quy định
của pháp luật. Thu hồi, xử lý giống cây trồng không đảm bảo chất lượng khi lưu
thông ngoài thị trường; Tuân thủ, tự giác chấp hành việc kiểm tra và biện pháp
xử lý của cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Công
Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- Các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Kon Tum;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ CVP, các PCVP;
+ Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN.NLTA.
|
CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Tuấn
|