ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/CT-UBND
|
Kon Tum, ngày 07 tháng 02 năm 2022
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG SINH VẬT HẠI CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH KON TUM
Trong thời gian qua các đơn vị, địa
phương trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả
các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch hại cây trồng theo chỉ đạo của Trung
ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay một số bệnh hại trên
cây trồng vẫn còn xảy ra tại một số địa phương như thành phố Kon Tum, các huyện
Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Plông,.... và có khả năng lây lan ra các địa bàn
khác.
Trước tình hình biến đổi khí hậu và
diễn biến thời tiết phức tạp, nền nhiệt độ ngày càng có xu hướng tăng cao,
thiên tai thường xuyên xảy ra, bất thường và không theo quy luật, nguồn bệnh hại
trên cây trồng có thể phát sinh, gây hại và lây lan trên diện rộng, có nguy cơ
bùng phát thành dịch và rất khó kiểm soát. Để chủ động phòng, chống dịch hại
trên các loại, cây trồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất
nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở,
ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện
các nội dung sau:
1. Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố
- Tổ chức triển khai công tác phòng
chống dịch hại trên cây trồng tại địa phương, trong đó tập trung chỉ đạo giải
quyết dứt điểm diệt trừ cây Mai dương, bênh khảm lá trên cây sắn, không để lây
lan ra diện rộng.
- Tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên
môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra đồng
ruộng, phát hiện xử lý sớm, dứt điểm ngay từ ban đầu các đối tượng gây hại trên
cây trồng; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong
công tác phòng, chống, khống chế dịch hại trên cây trồng, tránh tình trạng chủ
quan, lơ là; kiên quyết không để dịch hại lây lan và phát triển thành dịch.
- Chủ động cập nhật tình hình dịch bệnh
Covid-19 đang diễn ra, xây dựng các phương án phòng chống dịch hại trên cây trồng
để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống phát sinh tại địa phương.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên
truyền đến người nông dân bằng các hình thức phù hợp về thời điểm phát sinh và
các biện pháp phòng, trừ các đối tượng sâu, bệnh hại cụ thể trên từng loại, cây
trồng ở từng thời điểm (trong đó lưu ý khuyến cáo giai đoạn phòng trừ hiệu
quả nhất) để người nông dân biết, áp dụng.
- Tổ chức tập huấn, triển khai các biện
pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế
và có tiềm năng xuất khẩu ở địa phương theo Chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV ngày 24
tháng 11 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(1).
- Chủ động chỉ đạo triển khai các giải
pháp ngăn chặn, phòng trừ bệnh hại trên cây trồng có nguy cơ phát sinh trong thời
gian đến(2); hướng dẫn người nông dân sử dụng giống
cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, vệ sinh đồng ruộng, bố trí thời vụ, sử dụng
phân bón hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường nhằm tạo điều
kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức chống chịu, hạn
chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật
có ích.
- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ về nguồn
gốc, chất lượng, chủng loại, đánh giá khả năng phát sinh sâu bệnh hại đối với
các loại giống cây lâm nghiệp đang được địa phương sử dụng để trồng rừng, chủ động
triển khai các giải pháp phòng trừ, không để dịch hại phát sinh.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra việc mua bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng
tình hình dịch bệnh để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng, kịp thời
xử lý các hành vi vi phạm (nếu có); có giải pháp chỉ đạo, thúc đẩy, hỗ trợ các
doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp cung ứng thuốc bảo vệ thực vật,
vật tư đầy đủ, kịp thời để phục vụ Nhân dân sản xuất.
- Bố trí nhân lực để thực hiện tốt
công tác điều tra, dự tính, dự báo và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ
dịch hại kịp thời, hiệu quả.
- Thực hiện tốt Quy chế phối hợp công
tác và chế độ thông tin báo cáo giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố về công tác chăn nuôi và thú y, trồng trọt và
bảo vệ thực vật, khuyến nông trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Chủ động cân đối ngân sách địa
phương (nguồn dự phòng, sự nghiệp kinh tế,...) và các nguồn huy động,
đóng góp hợp pháp để triển khai thực hiện phòng, chống dịch hại trên cây trồng
theo đúng quy định pháp luật.
- Định kỳ hằng tuần (trước ngày thứ
Tư) báo cáo tình hình dịch hại cây trồng, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Quá trình triển khai thực hiện công
tác phòng chống dịch hại trên cây trồng phải tuân thủ theo đúng các quy định của
cơ quan có thẩm quyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để dịch hại trên cây trồng phát sinh, tái phát, diễn biến phức tạp, lây
lan trên địa bàn và ra các địa phương khác.
2. Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
- Phối hợp các cơ quan chuyên môn có thẩm
quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ thông báo chính xác,
kịp thời về tình hình sâu, bệnh hại, dự báo thời điểm phát sinh, gây hại của
các đối tượng sâu bệnh hại và hướng dẫn các biện pháp, kỹ thuật, phòng trừ hiệu
quả để các địa phương, người nông dân biết, áp dụng.
- Tập huấn, hướng dẫn người sản xuất
và các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình VietGAP(3),
GlobalGAP(4), kỹ thuật IPM(5), INM(6), ICM(7) trong quá trình canh tác để đảm bảo năng suất, chất lượng và
an toàn thực phẩm. Xây dựng các mô hình sản xuất bền vững, an toàn dịch bệnh;
mô hình IPM trên các loại cây trồng để người nông dân tham khảo, áp dụng và
nhân rộng.
- Tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố triển khai các giải pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm
diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, đảm bảo không để lây lan ra diện rộng,
gây thiệt hại cho người trồng sắn.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt
chẽ các cơ sở kinh doanh, mua bán giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực
vật trên địa bàn tỉnh; đồng thời thông tin đến người dân những cơ sở kinh doanh
thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, uy tín; xử lý
các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công
bố dịch, hết dịch theo đúng quy định của pháp luật(8)
(trong trường hợp đủ điều kiện).
- Theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn
biến của thời tiết, tình hình sinh vật gây hại cây trồng trên địa bàn tỉnh, định
kỳ hằng tuần (trước 11h00’ ngày thứ Tư) tổng hợp báo cáo và
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng trừ kịp thời,
hiệu quả, đúng quy định, không để dịch hại lây lan phát sinh trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông và các đơn vị, địa
phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực
hiện Chỉ thị này phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm
theo quy định pháp luật.
4. Sở Công
Thương: Phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ
đạo 389 tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả đối với việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng,
phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
5. Sở Thông tin
và Truyền Thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum và các cơ quan
thông tấn, báo chí khác: Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn xây dựng các chuyên mục, chương trình tuyên truyền,
truyền thông, thông tin về tình hình và tác hại của sâu bệnh hại trên các loại
cây trồng và các biện pháp ngăn chặn, phòng trừ.
6. Đề nghị Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh: Phối hợp tổ chức quán triệt, vận động Nhân dân, các hội viên, đoàn
viên tích cực thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sinh vật hại cây trồng
trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT
(B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Kon Tum;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ CVP, các PCVP;
+ Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN.NLTA.
|
CHỦ
TỊCH
Lê Ngọc Tuấn
|