BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: /2022/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày
tháng năm 2022
|
DỰ THẢO 2
|
|
THÔNG
TƯ
Căn cứ Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày
21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma
túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai
nghiện ma túy;
Căn cứ Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020
của Chính phủ quy định vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị
sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020
của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020
của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp
công lập;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày
17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống
tệ nạn xã hội;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
ban hành Thông tư hướng dẫn việc thành lập, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức;
nội quy, quy chế; quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức
chuyên ngành; quy định về trang phục của người cai nghiện ma túy và viên chức,
người lao động tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn và quy
định về các nội dung:
1. Hướng dẫn việc thành lập, chức
năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nguồn tài chính của cơ sở cai nghiện ma túy
công lập.
2. Hướng dẫn xây dựng nội quy,
quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy công lập, gồm: Nội quy của cơ sở cai nghiện
ma túy công lập; Quy chế quản lý, đánh giá kết quả học tập, cai nghiện và khen
thưởng, kỷ luật đối với người cai nghiện; Quy chế thăm gặp người thân, nhận gửi
thư, nhận tiền, quà của người cai nghiện.
3. Quy định mã số, tiêu chuẩn
chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành của cơ sở cai nghiện ma túy công
lập.
4. Quy định về trang phục, việc
quản lý, sử dụng trang phục của người cai nghiện ma túy và viên chức, người lao
động tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với
cơ sở cai nghiện ma túy công lập do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập
theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có
liên quan khác.
2. Cơ sở cai nghiện ma túy thuộc
lực lượng thanh niên xung phong, cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Ủy ban nhân dân
cấp huyện được áp dụng Thông tư này, quy định của Đoàn thanh niên và của pháp
luật khác có liên quan.
Điều 3.
Thành lập cơ sở cai nghiện ma túy công lập
1.
Căn cứ đặc điểm, tình hình phát triển, yêu cầu
thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập cơ sở sở
cai nghiện ma túy công lập, quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ sở cai nghiện ma túy công lập phù hợp với
quy hoạch phát triển ngành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định của
pháp luật, bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 6, 7, 8 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP
ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng,
chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau
cai nghiện ma túy.
2. Trình
tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ
sở cai nghiện ma túy công lập thực hiện theo quy định tại Nghị định số
120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập,
tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 4.
Vị trí pháp lý
1. Cơ sở cai nghiện ma túy công
lập là đơn vị sự nghiệp công do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thành lập; có
tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu, tài khoản riêng được mở tài khoản
tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở cai nghiện ma túy công
lập, cơ sở cai nghiện ma túy thuộc lực lượng thanh niên xung phong chịu sự quản
lý, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ của Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chương
II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC, NHÂN LỰC VÀ
NGUỒN TÀI CHÍNH CỦA CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY CÔNG LẬP
Mục
1. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 5.
Chức năng
Cơ sở cai nghiện ma túy
công lập có chức năng:
1. Tiếp nhận, quản lý, tổ chức
cai nghiện ma túy cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma
túy bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, người từ đủ 12 tuổi đến dưới
18 tuổi bị áp dụng cai nghiện ma túy bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy.
2. Tiếp nhận, quản lý, tổ
chức giáo dục, tư vấn, điều trị hội chứng cai, điều trị rối loạn tâm thần và
các bệnh khác đối với người nghiện ma túy đang trong thời gian lập hồ sơ đề
nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi
phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy; xác định tình trạng nghiện ma túy.
3. Cung cấp các dịch vụ
cai nghiện ma túy đối với người tự nguyện cai nghiện.
Điều
6. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Tổ chức các hoạt động
cai nghiện ma túy cho người bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở:
a) Xây dựng và tổ chức
thực hiện quy trình cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật, cung cấp các
dịch vụ cai nghiện ma túy đối với người cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy;
b) Tiếp nhận, phân loại
đối tượng; tư vấn, xây dựng kế hoạch cai nghiện cho người cai nghiện ma túy;
c) Tổ chức các hoạt động
điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh
lý khác, hỗ trợ phục hồi sức khỏe thể chất, tâm thần cho người cai nghiện ma
túy;
d) Triển khai các hoạt
động giáo dục, tư vấn, trị liệu phục hồi hành vi, nhân cách đối với người cai
nghiện ma túy;
đ) Tổ chức các hoạt động
lao động trị liệu, dạy nghề hoặc phối hợp các trung tâm hoặc cơ sở đủ điều kiện
tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề cho người cai nghiện theo quy định của pháp luật,
gắn với việc thực hiện các dự án việc làm, giảm nghèo, các chương trình kinh tế
- xã hội khác phù hợp với điều kiện, cơ cấu kinh tế đặc thù của địa phương;
hướng nghiệp cho người sau cai nghiện tự tìm việc làm, tạo việc làm, thích nghi
với đời sống xã hội khi trở về cộng đồng;
e) Tổ chức các lớp học xóa
mù chữ cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo
quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
g) Tổ chức cho người cai
nghiện theo tôn giáo được sử dụng kinh sách in được xuất bản, phát hành hợp
pháp mỗi tuần một lần, được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cá nhân và
không làm ảnh hưởng đến người khác; quản lý, kiểm duyệt kinh sách trước khi cho
người cai nghiện sử dụng.
h) Kết nối, tư vấn tuyên
truyền, vận động người sau cai nghiện tham gia chương trình quản lý sau cai
nghiện phù hợp để được hỗ trợ về sinh kế, các hoạt động xã hội khác; hướng dẫn,
tư vấn cho gia đình người sau cai nghiện về quản lý, giáo dục người sau cai
nghiện tại gia đình và cộng đồng.
2. Tiếp nhận, quản lý, tổ
chức giáo dục, tư vấn, điều trị hội chứng cai, điều trị rối loạn tâm thần và
các bệnh khác đối với người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện
pháp cai nghiện bắt buộc:
a) Tổ chức điều trị hội
chứng cai, điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh khác;
b) Thực hiện các hoạt động
giáo dục, tư vấn cho người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện
pháp cai nghiện bắt buộc;
c) Thực hiện việc xác định
tình trạng nghiện theo đề nghị của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp
cai nghiện bắt buộc.
3. Thực hiện các hoạt động
cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy đối với người tự nguyện cai nghiện:
a) Xây dựng kế hoạch thực
hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy, quy trình cai nghiện ma túy và các
dịch vụ cai nghiện ma túy tại cơ sở;
b) Tổ chức thực hiện việc
nhiệm vụ xác định tình trạng nghiện ma túy, cai nghiện ma túy tại cơ sở và tại
cộng đồng;
c) Kết nối, tư vấn hỗ trợ
chuyên môn, kỹ thuật về cai nghiện ma túy cho cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện
ma túy tại gia đình, cộng đồng; phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên
truyền, vận động người sử dụng, người nghiện ma túy tham gia chương trình can
thiệp, điều trị, cai nghiện phù hợp.
4. Tổ chức quản lý, chăm
sóc, tư vấn điều trị cho người cai nghiện ma túy nhiễm HIV/AIDS; thông tin,
giáo dục, truyền thông và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS
tại cơ sở.
5. Thực hiện đào tạo, bồi
dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức, người lao động
của cơ sở về xác định tình trạng nghiện ma túy, cai nghiện ma túy; phối hợp với
các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức
chuyên môn nghiệp vụ về cai nghiện ma túy cho người làm công tác cai nghiện ma
túy tại gia đình, cộng đồng theo quy định của cấp có thẩm quyền của địa phương.
6. Hợp tác với các cơ
quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu, tham gia
nghiên cứu, tổ chức thực nghiệm các mô hình, phương pháp điều trị, cai nghiện,
phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy và các hoạt động lao động
trị liệu, lao động sản xuất theo quy định của pháp luật.
7. Tổ chức quản lý, bảo vệ
môi trường tại cơ sở cai nghiện ma túy và địa bàn trú đóng; lồng ghép việc thực
hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường với các chương trình, kế hoạch và hoạt
động của cơ sở cai nghiện ma túy.
8. Chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan ở địa phương tổ chức quản lý, bảo vệ, gìn giữ trật tự,
trị an, an toàn tại cơ sở và địa bàn trú đóng.
9. Thực hiện chế độ thống
kê, báo cáo; xây dựng, tổng hợp, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về cai nghiện
ma túy theo quy định của pháp luật.
10. Thực hiện quản lý nhân
lực, tài chính, tài sản theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
11. Thực hiện các nhiệm
vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.
Mục
2. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NGUỒN TÀI CHÍNH CỦA CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY CÔNG LẬP
Điều
7. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo cơ sở cai
nghiện ma túy công lập
a) Cơ sở cai nghiện ma túy
công lập có Giám đốc và các Phó Giám đốc theo quy định của pháp luật.
b) Việc bổ nhiệm Giám đốc,
Phó Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo phân cấp hoặc ủy quyền của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật. Việc miễn
nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho thôi chức vụ, nghỉ hưu
và thực hiện các chế độ chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc cơ sở cai
nghiện ma túy công lập thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Các phòng chức năng
thuộc cơ sở cai nghiện ma túy
a) Căn cứ chức năng, nhiệm
vụ, cơ sở cai nghiện ma túy thành lập các phòng chuyên môn theo quy định của
pháp luật đảm bảo bao quát các lĩnh vực được giao về cai nghiện ma túy.
b) Các phòng chuyên môn tổ
chức thực hiện các giai đoạn của quy trình cai nghiện bảo đảm các điều kiện
theo quy định tại Mục 1, Chương II Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày
21/12/2021 của Chính phủ.
3. Các đơn vị trực thuộc
cơ sở cai nghiện ma túy công lập (nếu có)
a) Đơn vị (cơ sở) cung cấp
dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh;
b) Các khu, đội: thực hiện
các nhiệm vụ về điều trị, cai nghiện, hỗ trợ phục hồi, lao động trị liệu cho
người cai nghiện ma túy do cấp có thẩm quyền quy định trên cơ sở nhu cầu thực
tế tại địa phương và theo quy định của pháp luật.
4. Căn cứ vào tính chất,
đặc điểm, số lượng người cai nghiện, nhu cầu và khả năng của từng
địa phương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định theo
thẩm quyền hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc
thành lập, chia tách, lồng ghép các phòng chức năng, các đơn vị trực thuộc theo
hướng dẫn tại Khoản 2 và 3 Điều này; quy định nhiệm vụ cụ thể của các phòng,
đơn vị trực thuộc cơ sở cai nghiện ma túy công lập bảo đảm thực hiện việc cai
nghiện ma túy phù hợp với nhu cầu thực tế và theo quy định của pháp luật.
Điều
8. Nguồn tài chính
1. Nguồn
thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công.
2. Nguồn
thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại theo quy định.
3. Nguồn
ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần chi phí chưa kết cấu trong giá, phí dịch vụ
sự nghiệp công.
4. Nguồn
thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
5. Kinh
phí cấp chi thường xuyên trên cơ sở nhiệm vụ được Nhà nước giao, số lượng người
làm việc và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Nguồn
viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.
Chương
III
HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG NỘI QUY, QUY CHẾ CỦA CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY
CÔNG LẬP
Điều
9. Nội quy, quy chế tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập
1. Giám đốc cơ sở cai
nghiện ma túy công lập chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các nội
quy, quy chế sau:
a) Nội quy của cơ sở cai
nghiện ma túy công lập theo Mẫu số 01 tại Phụ lục 1 Thông tư này;
b) Quy chế quản lý, đánh
giá kết quả học tập, cai nghiện và khen thưởng, kỷ luật đối với người cai
nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo Mẫu số 02 tại Phụ lục 1
Thông tư này;
c) Quy chế thăm gặp người
thân, nhận, gửi thư, nhận tiền, quà của người cai nghiện ma túy tại cơ sở cai
nghiện ma túy công lập theo Mẫu số 03 tại Phụ lục 1 Thông tư này.
2. Ngoài các nội quy, quy
chế trên, Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy công lập căn cứ tình hình thực tế,
yêu cầu quản lý, điều hành của đơn vị để tổ chức xây dựng, ban hành các nội
quy, quy chế phù hợp, đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu và quy trình quy định tại
Điều 10, 11 Thông tư này.
Điều
10. Các nguyên tắc, yêu cầu trong việc xây dựng nội quy, quy chế
1. Việc xây dựng, nội dung
nội quy, quy chế phải bảo đảm tính thống nhất với các quy định của Luật Phòng,
chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày
21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma
túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai
nghiện ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Các nội quy, quy chế
tại cơ sở phải bám sát và cụ thể hóa quy trình, dịch vụ cai nghiện ma túy, đồng
thời phải phù hợp với tổ chức bộ máy, đội ngũ viên chức, người lao động và thực
tiễn quản lý, điều hành của cơ sở cai nghiện ma túy.
3. Nội dung nội quy, quy
chế phải minh bạch, quy định rõ trách nhiệm, nội dung công việc của cá nhân,
đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện; bảo đảm các quyền, lợi ích
của người cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.
Điều
11. Quy trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các nội quy, quy chế
1. Căn cứ các quy định tại
Điều 9, 10 Thông tư này và thực tiễn hoạt động của cơ sở, Giám đốc cơ sở cai
nghiện ma túy xác định nội dung nội quy, quy chế; tổ chức xây dựng theo quy
trình sau:
a) Bước 1: Giám đốc cơ sở
quán triệt mục đích, yêu cầu; giao người phụ trách các phòng chuyên môn, đơn vị
trực thuộc (theo các lĩnh vực được giao) biên soạn dự thảo nội quy, quy chế.
b) Bước 2: Lấy ý kiến đóng
góp của Ban Giám đốc, người phụ trách các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc
thuộc (theo các lĩnh vực được giao) về dự thảo quy chế; hoàn chỉnh các dự thảo
trước khi lấy ý kiến đóng góp của tập thể viên chức, người lao động, người cai
nghiện trong cơ sở cai nghiện ma túy.
c) Bước 3: Tổ chức cho
viên chức, người lao động, người cai nghiện tại cơ sở đóng góp ý kiến; tiếp
thu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo nội quy, quy chế.
d) Bước 4: Xin ý kiến Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội về dự thảo nội quy, quy chế; hoàn chỉnh dự
thảo nội quy, quy chế theo ý kiến góp ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội.
đ) Bước 5: Thủ trưởng đơn
vị được giao chủ trì hoàn thiện quy chế trình Giám đốc cơ sở phê duyệt, ban
hành nội quy, quy chế.
2. Giám đốc cơ sở cai
nghiện ma túy tổ chức quán triệt nội quy, quy chế đến toàn thể viên chức, người
lao động, người cai nghiện trong đơn vị để thực hiện. Các nội quy, quy chế sau
khi ban hành phải được niêm yết công khai tại các địa điểm phù hợp, bảo đảm
người cai nghiện, gia đình, thân nhân của người cai nghiện có thể tiếp cận,
đọc, hiểu nội quy, quy chế.
Chương
IV
QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VÀ XẾP LƯƠNG ĐỐI
VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH CỦA CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY CÔNG LẬP
Mục
1. MÃ SỐ, PHÂN HẠNG VÀ TIÊU CHUẨN CHUNG
Điều
12. Mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quản học
viên
Chức danh nghề nghiệp viên
chức chuyên ngành quản học viên của cơ sở cai nghiện ma túy công lập bao gồm:
1. Quản học viên chính (hạng
II) Mã số: V............;
2. Quản học viên (hạng III)
Mã số: V............;
3. Quản học viên trung cấp
(hạng IV) Mã số: V............;
Điều
13. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành quản học
viên
1. Tâm huyết với công
việc, tôn trọng, cởi mở, đoàn kết, đồng cảm và chia sẻ với các đồng nghiệp
trong hoạt động nghề nghiệp; luôn thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của
người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng của người cai nghiện, đồng nghiệp và cộng đồng.
2. Tận tụy với công việc, đặt
lợi ích của người cai nghiện là mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động nghề
nghiệp; tôn trọng, khuyến khích, hỗ trợ người cai nghiện; không lợi dụng mối
quan hệ nghề nghiệp để vụ lợi cá nhân ảnh hưởng đến việc cai nghiện của người
cai nghiện ma túy.
3. Thường xuyên học tập
nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về cai nghiện ma túy; thực hiện đúng
nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện, của ngành.
Mục
2
TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VÀ NGUYÊN TẮC XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI
VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH
Điều
14. Tiêu chuẩn chức danh quản học viên chính (hạng II) - Mã số: V.............
1. Nhiệm vụ
a) Chủ trì đề xuất kế hoạch, xây dựng chương trình, nội dung tài
liệu hướng dẫn các hoạt động theo quy trình cai nghiện ma túy;
b) Chủ
trì xây dựng các nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy; đề xuất các biện
pháp quản lý, giám sát người cai nghiện thực hiện nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy;
c) Chủ
trì xây dựng các chương trình hoạt động ngoại khóa và chính khóa cho người
cai nghiện ma túy;
d) Trực
tiếp tổ chức hướng dẫn người cai nghiện thực hiện lịch sinh hoạt, học tập, lao động trị liệu, lao động sản xuất
và các hoạt động khác theo nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy;
đ) Trực
tiếp tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động theo quy trình cai
nghiện ma túy.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với
chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
b) Có chứng chỉ hoặc chứng nhận đã qua đào tạo,
tập huấn kiến thức cơ bản về tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy theo
khung chương trình do Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội ban hành.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Có năng lực chủ trì tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động
nghiệp vụ công tác quản học viên cai nghiện ma túy;
b) Có năng lực tổ chức phối hợp hiệu quả với các cơ quan, đơn vị
và cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác quản học
viên;
c) Có năng lực tổng hợp, khái quát các hoạt động liên quan đến
nghiệp vụ chuyên môn, để có những đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển
khai thực hiện các hoạt động công tác quản học viên;
d) Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ công tác quản học viên phù hợp
với chuyên ngành được đào tạo;
đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản trong thực hiện
các nhiệm vụ của công tác quản học viên chính hạng II và sử dụng được ngoại ngữ
hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số
trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.
4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh
quản học viên chính (hạng II)
Viên chức thăng hạng từ chức danh quản học viên (hạng III) lên
chức danh quản học viên chính (hạng II) phải có thời gian công tác giữ chức
danh quản học viên (hạng III) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên,
trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh quản học viên (hạng III) tối thiểu là
03 (ba) năm.
Điều 15. Tiêu chuẩn chức danh
quản học viên (hạng III) - Mã số: V……
1. Nhiệm vụ
a) Tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động theo quy
trình cai nghiện ma túy;
b) Đề xuất xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung tài liệu
hướng dẫn các hoạt động theo quy trình cai nghiện ma túy;
c) Đề
xuất xây dựng các nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy; đề xuất các
biện pháp quản lý, giám sát người cai nghiện thực hiện nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma
túy;
d) Tổ
chức thực hiện các hoạt động sinh hoạt chuyên đề về tìm hiểu pháp luật, học nội
quy, quy chế, văn hóa thể thao cho người cai nghiện ma túy;
đ) Tổ
chức hướng dẫn người cai nghiện thực hiện lịch
sinh hoạt, học tập, lao động trị liệu, lao động sản xuất và các hoạt động khác
theo nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với
chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
b) Có chứng chỉ hoặc chứng nhận đã qua đào tạo,
tập huấn kiến thức cơ bản về tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy theo
khung chương trình do Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội ban hành.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Có khả năng độc lập, thực hiện thành thạo các phương pháp,
nghiệp vụ quản học viên cai nghiện ma túy;
b) Có khả năng nắm bắt lý thuyết và phương pháp thực hành trong
quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác quản học viên;
c) Có khả năng chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong
quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác quản học viên; chịu trách nhiệm cá
nhân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao;
d) Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm và tham
gia nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản học viên;
đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản trong thực hiện
các nhiệm vụ của công tác quản học viên hạng III và sử dụng được ngoại ngữ hoặc
tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số trong
một số nhiệm vụ cụ thể được giao.
4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh
quản học viên (hạng III)
Viên chức từ chức danh quản học viên trung cấp (hạng IV) lên chức
danh quản học viên (hạng III) phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại các khoản 2,
3 và 4 Điều này và có thời gian công tác giữ chức danh quản học viên trung cấp
(hạng IV) như sau:
a) Trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp cao
đẳng, phải có thời gian công tác giữ chức danh quản học viên trung cấp (hạng
IV) tối thiểu đủ 02 (hai) năm;
b) Trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp trung
cấp, phải có thời gian công tác giữ chức danh quản học viên trung cấp (hạng IV)
tối thiểu đủ 03 (ba) năm.
Điều 16. Tiêu chuẩn chức danh
quản học viên trung cấp (hạng IV) - Mã số: V……
1. Nhiệm vụ
a) Thực hiện một số nghiệp
vụ có yêu cầu đơn giản về công tác tổ chức quản lý người cai nghiện ma túy theo
quy định.
b) Tham gia xây dựng nội
quy, quy chế quản lý người cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy theo
quy định;
c) Hướng dẫn triển khai
thực hiện nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy;
d) Tham gia
xây dựng các chương trình hoạt động ngoại khóa và chính khóa về nội dung, thời
gian... sinh hoạt, học tập, các hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí,
lao động trị liệu, lao động sản xuất cho người cai nghiện ma túy;
đ) Trực
tiếp thực hiện lịch sinh hoạt, học tập, lao động trị liệu, lao động sản xuất và
các hoạt động khác theo nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên với
chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
b) Có chứng chỉ hoặc chứng nhận đã qua đào tạo,
tập huấn kiến thức cơ bản về tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy theo
khung chương trình do Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội ban hành.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Có khả năng độc lập, thực hiện thành thạo các phương pháp,
nghiệp vụ quản học viên cai nghiện ma túy;
b) Có khả năng làm việc theo nhóm trong quá trình thực hiện nhiệm
vụ về công tác quản học viên;
c) Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm trong
lĩnh vực quản học viên;
d) Có kỹ năng phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong quá trình
thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác quản học viên.
Điều
17. Nguyên tắc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức quản học viên
1. Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức
chuyên ngành quản học viên phải căn cứ vào vị trí việc làm
được giao và khả năng đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
viên chức chuyên ngành quản học viên được quy
định tại Điều 14, 15, 16 của Thông tư này.
2. Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ vào chức danh nghề
nghiệp viên chức chuyên ngành quản học viên
tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề
nghiệp viên chức.
Điều
18. Cách xếp lương
1. Các chức danh nghề
nghiệp viên chức quản học viên được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ
đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban
hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính
phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực
lượng vũ trang, như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp
viên chức quản học viên chính hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức
loại A2 nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
b) Chức danh nghề nghiệp
viên chức quản học viên hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại
A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
c) Chức danh nghề nghiệp
viên chức quản học viên trung cấp hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên
chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
2. Xếp lương khi hết thời
gian tập sự và được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp
Sau khi hết thời gian tập
sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ
nhiệm chức danh nghề nghiệp thì thực hiện xếp bậc lương trong chức danh nghề
nghiệp được bổ nhiệm như sau:
a) Trường hợp có trình độ
thạc sĩ chuyên ngành luật, kinh tế, tâm lý xã hội, khoa học xã hội, nhân văn...
thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 của chức danh nghề nghiệp quản học viên
(hạng III, mã số: V……);
b) Trường hợp có trình độ
cao đẳng chuyên ngành luật, kinh tế, tâm lý xã hội, khoa học xã hội, nhân
văn... thì được xếp bậc 2, viên chức loại B, hệ số lương 2,06 của chức danh
nghề nghiệp quản học viên trung cấp (hạng IV, mã số: V…...).
3. Việc bổ nhiệm và xếp
lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quản học viên quy định
tại khoản 1 Điều này đối với viên chức đã được xếp lương vào các ngạch viên
chức quản học viên theo quy định tại Quyết định số 1614/2003/QĐ- BLĐTBXH ngày
08 tháng 12 năm 2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành tiêu
chuẩn một số chức danh chuyên môn và áp dụng tiêu chuẩn nghiệp vụ của các chức
danh khác trong Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị
định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế
độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và
Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ
thực hiện như sau:
a) Trường hợp viên chức đủ
điều kiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quản học
viên có hệ số bậc lương bằng ở ngạch cũ thì thực hiện xếp ngang bậc lương và %
phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời
gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu
có ở ngạch cũ) vào chức danh nghề nghiệp mới được bổ nhiệm.
b) Trường hợp viên chức có
trình độ cao đẳng chuyên ngành luật, kinh tế, tâm lý xã hội, khoa học xã hội,
nhân văn..., khi tuyển dụng đã được xếp lương ở viên chức loại A0 theo quy định
của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP , nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp
quản học viên trung cấp (hạng IV, mã số: V………) thì xếp lương trong chức danh
nghề nghiệp quản học viên trung cấp (hạng IV) được căn cứ vào thời gian công
tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thang lương, bảng lương do nhà nước
quy định (trừ thời gian tập sự) như sau: Tính từ bậc 2 của chức danh nghề
nghiệp quản học viên trung cấp, cứ sau 02 năm (đủ 24 tháng) được xếp lên 01 bậc
lương (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được
cộng dồn). Trường hợp thời gian công tác có năm không hoàn thành nhiệm vụ được
giao hoặc bị kỷ luật thì bị kéo dài thêm theo chế độ nâng lương thường xuyên.
Sau khi chuyển xếp lương
vào chức danh nghề nghiệp quản học viên trung cấp (hạng IV) nêu trên, nếu hệ số
lương được xếp ở chức danh nghề nghiệp quản học viên trung cấp (hạng IV) cộng
với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn hệ số lương đã hưởng ở ngạch
cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp
thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu
này được hưởng trong suốt thời gian viên chức xếp lương ở chức danh nghề nghiệp
quản học viên trung cấp (hạng IV). Sau đó, nếu viên chức được thăng hạng chức
danh nghề nghiệp thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể
cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào chức danh
được bổ nhiệm khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thôi hưởng hệ số chênh
lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở chức danh nghề nghiệp mới.
4. Việc thăng hạng viên
chức chuyên ngành quản học viên được thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm
quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quản học viên theo
quy định tại Thông tư này và thực hiện xếp lương theo hướng dẫn tại Khoản
2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ
hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên
chức.
Chương
V
QUY ĐỊNH VỀ TRANG PHỤC, VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI
CAI NGHIỆN MA TÚY VÀ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY CÔNG
LẬP
Mục 1. TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI CAI NGHIỆN MA TÚY
Điều 19. Trang phục của người cai nghiện ma túy
1. Người
cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập được cấp phát trang phục.
2. Kiểu
dáng, màu sắc trang phục của người cai nghiện ma túy theo Mục A Phụ lục II
Thông tư này.
Mục 2. TRANG PHỤC CỦA VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều
20. Trang phục của viên chức, người lao động tại cơ sở cai nghiện ma túy công
lập
1. Trang phục của viên chức, người lao động tại cơ sở cai
nghiện ma túy công lập bao gồm: quần, áo xuân hè; quần, áo thu
đông; áo khoác ngoài mùa đông (đối với các tỉnh, thành phố có mùa đông);
áo sơ mi dài tay; áo sơ mi ngắn tay; giày da; biển tên;
mũ cứng; mũ mềm; dây
lưng; quần áo mưa.
2. Kiểu dáng, màu sắc trang phục của viên chức, người lao động tại
cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo Mục B Phụ lục II Thông tư này.
Mục 3. TIÊU
CHUẨN CẤP PHÁT, NIÊN HẠN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TRANG PHỤC
Điều 21. Tiêu
chuẩn, niên hạn cấp phát trang phục của viên chức, người lao động
STT
|
Tên trang
phục
|
Đơn vị tính
|
Số lượng
|
Niên hạn (năm)
|
1
|
Quần áo thu đông
|
Bộ
|
2
|
2
|
2
|
Quần áo xuân
hè
|
Bộ
|
2
|
1
|
3
|
Áo khoác ngoài mùa đông (đối với các
tỉnh, thành phố có mùa đông)
|
Cái
|
1
|
3
|
4
|
Áo sơ mi
|
Cái
|
2
|
1
|
5
|
Giày da
|
Đôi
|
1
|
1
|
6
|
Biển tên
|
Cái
|
1
|
1
|
7
|
Mũ cứng
|
Cái
|
1
|
2
|
8
|
Mũ mềm
|
Cái
|
1
|
1
|
9
|
Dây lưng
|
Cái
|
1
|
3
|
10
|
Quần áo mưa
|
Bộ
|
1
|
3
|
Điều 22. Nguyên tắc
cấp phát, quản lý, sử dụng trang phục của người cai nghiện ma túy và viên chức,
người lao động
1.
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; đúng đối tượng, đúng mục đích.
2.
Bảo đảm chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định tại Thông tư này.
3.
Viên chức, người lao động sử dụng trang phục khi thi hành công vụ, ngày lễ,
ngày truyền thống; trường hợp sử dụng đồng phục, bảng tên cài áo ngoài phạm vi
cơ sở phải được sự cho phép của Ban Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy.
4.
Người cai nghiện ma túy và và viên chức, người lao động có trách nhiệm giữ gìn,
bảo quản trang phục, trường hợp mất, hỏng phải kịp thời báo cáo người phụ
trách để giải quyết.
Điều 23. Lập
dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí may sắm trang phục của viên chức, người
lao động
Kinh phí trang bị
trang phục
của viên chức, người lao động được bảo đảm từ nguồn kinh phí hoạt
động thường xuyên
của cơ
sở cai nghiện ma túy.
Chương
VI
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ..... tháng .... năm 2022
2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Các văn bản sau đây hết hiệu lực
thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:
- Quyết định số 1614/2003/QĐ- BLĐTBXH
ngày 08 tháng 12 năm 2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành tiêu
chuẩn một số chức danh chuyên môn và áp dụng tiêu chuẩn nghiệp vụ của các chức
danh khác trong Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
- Thông tư số 14/2014/TT-BLĐTBXH ngày
12 tháng 6 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành biểu mẫu
về lập hồ sơ đề nghị, thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính
đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế đối
với người cai nghiện của cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH ngày
10 tháng 12 năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chức
năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm
việc của cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
Điều 25. Quy định
chuyển tiếp
Đối với viên chức làm việc tại cơ sở
cai nghiện ma túy công lập, chưa đáp ứng về trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn
chức danh quản học viên trung cấp (hạng IV), còn thời gian công tác từ 05 năm
trở lên, cơ sở cai nghiện ma túy báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để
bố trí sắp xếp đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho viên chức, đáp ứng theo quy định
tại Thông tư này.
Điều 26.
Trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo các cơ sở cai nghiện ma túy
công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề
nghiệp, xếp lương đối với viên chức trong đơn vị;
b) Phê duyệt phương án tuyển dụng, bổ
nhiệm vào chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức trong các cơ sở
cai nghiện ma túy công lập thuộc phạm vi quản lý, từ ngạch viên chức hiện giữ
sang chức danh nghề nghiệp viên chức quản học viên tương ứng trong đơn vị quy
định tại Thông tư này; giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá
trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương;
c) Quyết định bổ nhiệm vào chức danh
nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức thuộc diện quản lý vào các chức danh
nghề nghiệp quản học viên tương ứng trong đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm
quyền;
d) Báo cáo kết quả bổ nhiệm chức danh
nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức trong các cơ sở cai nghiện ma túy
công lập thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ
Nội vụ;
e) Chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên
quan bố trí kinh phí trang cấp trang phục cho viên chức, người lao động của cơ
sở cai nghiện ma túy.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm, hàng năm rà soát cơ
cấu tổ chức của cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, trình cấp có thẩm quyền quyết
định.
3. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo cơ sở cai nghiện ma túy công lập xây dựng nội
quy của cơ sở cai nghiện ma túy; quy chế quản lý, đánh giá kết quả học tập, cai
nghiện và khen thưởng, kỷ luật đối với người cai nghiện ma túy; quy chế thăm
gặp người thân, nhận, gửi thư, nhận tiền, quà của người cai nghiện ma túy.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn
đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội để được hướng dẫn, giải quyết theo quy định./.
Nơi nhận:
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn
phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND, Sở LĐTBXH, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Bộ LĐTBXH: Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các đơn vị có liên quan;
- Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, Cục PCTNXH (CSCNMT-10b).
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Ngọc Dung
|