BỘ LAO
ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ CÔNG AN-VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
*******
|
CỘNG HOÀ
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số: 09/2006/TTLT/BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC-TANDTC
|
Hà Nội,
ngày 04 tháng 8 năm 2006
|
THÔNG
TƯ LIÊN TịCH
HƯỚNG
DẪN VIỆC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ NGƯỜI CÓ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG
LĨNH VỰC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG Ở NƯỚC NGOÀI
Để thi
hành đúng và thống nhất các quy định của pháp luật trong việc xử lý các hành vi
vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài, góp phần tăng
cường quan hệ hợp tác kinh tế - lao động với các nước, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối
cao thống nhất hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi
phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài như sau:
I. VIỆC
TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ NGƯỜI CÓ HÀNH VI TỔ CHỨC, CƯỠNG ÉP NGƯỜI LAO ĐỘNG
Ở LẠI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP
1. Giải thích từ ngữ
1.1. “Người lao động
làm việc ở nước ngoài” là công dân Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài
dưới hình thức xuất khẩu lao động (sau đây gọi chung là "người lao
động").
1.2. “Tổ chức cho
người lao động ở lại nước ngoài trái phép” là thực hiện một trong những hành vi
sau đây giúp cho người lao động ở lại nước ngoài (ở lại nước tiếp nhận lao động
theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài hoặc ở lại nước thứ ba) trái với các quy
định của pháp luật Việt Nam:
a) Lập kế hoạch hoặc
tư vấn cho người lao động ở lại nước ngoài trái phép;
b) Tạo các điều kiện
về vật chất như: tìm chỗ ở, giới thiệu nơi tìm việc làm, cho tiền, cung cấp
phương tiện... hoặc tạo các điều kiện khác như: làm các giấy tờ tuỳ thân giả,
cung cấp các giấy tờ tuỳ thân... cho người lao động ở lại nước ngoài trái phép.
1.3. “Cưỡng ép người
lao động ở lại nước ngoài trái phép” là dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, uy
hiếp về tinh thần, khống chế hoặc lợi dụng sự lệ thuộc về vật chất hoặc có hành
vi khác ép buộc người lao động ở lại nước ngoài trái phép.
2. Chủ thể của tội
phạm
Người bị truy cứu
trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái
phép quy định tại Điều 275 Bộ luật hình sự (sau đây viết tắt
là BLHS) và hướng dẫn tại Thông tư này là
công dân Việt Nam, người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam phạm tội
ngoài lãnh thổ Việt Nam. Các đối tượng phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam
cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng dẫn tại Thông tư này nếu
trong cùng vụ án đó còn có đối tượng khác phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam.
3. Về đường lối xử lý
3.1. Việc định tội
danh
a) Người nào thực
hiện một trong các hành vi được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1
Phần I của Thông tư này, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tổ
chức người khác ở lại nước ngoài trái phép” quy định tại Điều
275 BLHS.
b) Người nào thực
hiện một trong các hành vi được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1
Phần I của Thông tư này, thì bị thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội
“cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép” quy định tại Điều
275 BLHS.
c) Người nào thực
hiện nhiều hành vi được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 và tiểu mục
1.3 mục 1 Phần I của Thông tư này mà các hành vi đó liên quan chặt chẽ với
nhau (hành vi này là điều kiện để thực hiện hoặc là hậu quả tất yếu của hành vi
phạm tội kia), thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với
các hành vi đã thực hiện về tội “tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài
trái phép” quy định tại Điều 275 BLHS và chỉ phải chịu một
hình phạt chung.
Ví dụ: Nguyễn Văn A lập
kế hoạch cho Nguyễn Văn B là người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái
phép. Khi thấy Nguyễn Văn B không muốn ở lại nước ngoài thì Nguyễn Văn A đe doạ
sẽ giết chết B hoặc vợ, con của B. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn A phải bị
truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với các hành vi đã thực
hiện về tội “tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép”.
d) Người nào thực
hiện nhiều hành vi được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 và tiểu mục
1.3 mục 1 Phần I của Thông tư này mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì
bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội độc lập tương ứng với các hành vi
phạm tội là tội “tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép” và tội “cưỡng
ép người khác ở lại nước ngoài trái phép” quy định tại Điều 275
BLHS. Khi xét xử Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội và áp dụng Điều 50 BLHS để quyết định hình phạt chung.
Ví dụ: Trần N làm hộ
chiếu giả và tìm chỗ ở cho Lê Văn C để Lê Văn C ở lại nước ngoài trái phép,
đồng thời Trần N lợi dụng Lê Thị M lệ thuộc mình về mặt vật chất và khống chế
buộc Lê Thị M ở lại nước ngoài trái phép. Trong trường hợp này, Trần N bị truy
cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội “tổ chức người khác ở lại nước ngoài
trái phép” đối với hành vi làm hộ chiếu giả và tìm chỗ ở cho Lê Văn C và tội
“cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép” đối với hành vi lợi dụng Lê
Thị M lệ thuộc mình về mặt vật chất và khống chế buộc Lê Thị M ở lại nước ngoài
trái phép.
3.2. Xác định các
tình tiết định khung tăng nặng
a) “Phạm tội nhiều
lần” quy định tại khoản 2 Điều 275 BLHS là đã có từ hai lần
phạm tội trở lên (hai lần tổ chức cho người lao động ở lại nước ngoài trái
phép; hai lần cưỡng ép người lao động ở lại nước
ngoài trái phép mà không phân biệt các hành vi đó được thực hiện ở cùng một địa
điểm trong một nơi làm việc hay ở các nơi khác nhau...) và trong các lần
phạm tội đó người phạm tội chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và
chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
b) “Gây hậu quả
nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 275 BLHS khi thuộc
một trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức, cưỡng ép
từ 5 người đến 10 người lao động ở lại nước ngoài trái phép;
- Thu lợi bất chính
từ việc tổ chức, cưỡng ép người lao động ở lại nước ngoài trái phép từ 30 triệu
đồng đến 100 triệu đồng.
c) “Gây hậu quả rất
nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 275 BLHS khi thuộc
một trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức, cưỡng ép
từ 11 người đến 15 người lao động ở lại nước ngoài trái phép;
- Thu lợi bất chính
từ việc tổ chức, cưỡng ép người lao động ở lại nước ngoài trái phép từ trên 100
triệu đồng đến 300 triệu đồng;
- Làm cho nước tiếp
nhận lao động tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc tiếp nhận lao động Việt Nam
vào làm việc ở một số ngành, nghề.
d) “Gây hậu quả đặc
biệt nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 275 BLHS khi
thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức, cưỡng ép
từ 16 người lao động trở lên ở lại nước ngoài trái phép;
- Thu lợi bất chính
từ việc tổ chức, cưỡng ép người lao động ở lại nước ngoài trái phép từ trên 300
triệu đồng trở lên;
- Làm cho nước tiếp
nhận lao động tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc tiếp nhận lao động Việt Nam
làm việc.
II. VIỆC
TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở LẠI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP
1. Giải thích từ ngữ
“Người lao động ở lại
nước ngoài trái phép” là công dân Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài
dưới hình thức xuất khẩu lao động mà trong thời hạn lao động hoặc hết thời hạn
lao động theo hợp đồng đã tự ý trốn ở lại nước ngoài (ở lại nước tiếp nhận lao
động theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài hoặc ở lại nước thứ ba) không được
phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và được thể hiện bằng một
trong các hành vi sau đây:
1.1. Bỏ trốn ngay sau
khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận lao động để ở lại nước ngoài trái phép quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị
định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11-11-2005 của Chính phủ về quản lý lao
động làm việc ở nước ngoài (sau đây viết gọn là Nghị
định số 141);
1.2. Tự ý bỏ nơi đang
làm việc theo hợp đồng lao động để ở lại nước ngoài trái phép quy định tại khoản 6 Điều 4 của Nghị định số 141;
1.3. Không về nước
khi chấm dứt hợp đồng lao động theo thời hạn quy định của nước sở tại quy định
tại khoản 7 Điều 4 của Nghị định số 141.
2. Chủ thể của tội
phạm
2.1. Người bị truy
cứu trách nhiệm hình sự về tội “ở lại nước ngoài trái phép” quy định tại Điều 274 BLHS và hướng dẫn tại Thông tư này là người lao động
thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đã
bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc về
nước” theo đúng thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt quy định tại Điều 31 Nghị định số 141 nhưng sau 30 ngày, kể từ ngày thông
báo về việc không chấp hành quyết định xử phạt mà người bị xử phạt vẫn không
chấp hành quyết định xử phạt.
b) Người lao động đã
chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
“buộc về nước”, nhưng chưa hết thời hạn một năm kể từ ngày về nước lại được đưa
đi làm việc hợp pháp ở nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động và đã thực
hiện một trong các hành vi được hướng dẫn tại mục 1 Phần II của Thông
tư này.
2.2. Những người khác
không phải là chủ thể được hướng dẫn tại tiểu mục 2.1 của mục này cũng có thể
bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “ở lại nước ngoài trái phép” với vai trò
đồng phạm.
III. THẨM
QUYỀN, THỦ TỤC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ NGƯỜI CÓ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT
TRONG LĨNH VỰC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG Ở NƯỚC NGOÀI
1. Thẩm quyền xét xử
1.1. Toà án có thẩm
quyền xét xử các vụ án về tội “ở lại nước ngoài trái phép” và về tội “tổ chức,
cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép” trong lĩnh vực xuất khẩu lao
động theo hướng dẫn tại Thông tư này là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở
trong nước trước khi xuất cảnh.
1.2. Việc xác định
nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước trước khi xuất cảnh như sau:
a) Nơi bị cáo có hộ
khẩu thường trú trước khi xuất cảnh;
b) Trong trường hợp
bị cáo không có hộ khẩu thường trú trước khi xuất cảnh, thì nơi cư trú cuối
cùng được xác định là nơi bị cáo có đăng ký tạm trú dài hạn hoặc nơi thường
xuyên sinh sống trước khi xuất cảnh hay nơi bị cáo làm thủ tục xuất cảnh.
2. Thẩm
quyền khởi tố, điều tra và truy tố
2.1. Việc khởi tố, điều
tra và truy tố tội “ở lại nước ngoài trái phép” và tội “tổ chức, cưỡng ép người
khác ở lại nước ngoài trái phép” trong lĩnh vực xuất khẩu lao động theo hướng
dẫn tại Thông tư này thuộc thẩm quyền của cơ quan An ninh điều tra Công an cấp
tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
2.2. Thẩm quyền khởi
tố, điều tra và truy tố của cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh và Viện
kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được xác định theo thẩm quyền xét xử của Toà án nhân
dân cấp tỉnh được hướng dẫn tại mục 1 Phần III của Thông tư này.
2.3. Khi cần thiết
phải uỷ thác điều tra hoặc khi cơ quan điều tra cấp trên xét thấy cần trực tiếp
điều tra, thì việc uỷ thác điều tra hoặc cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp điều
tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về điều tra hình sự.
3. Thủ tục
Thủ tục khởi tố, điều
tra, truy tố, xét xử tội “ở lại nước ngoài trái phép” và tội “tổ chức, cưỡng ép
người khác ở lại nước ngoài trái phép” trong lĩnh vực xuất khẩu lao động phải
thực hiện theo đúng các quy định của Bộ luật tố
tụng hình sự (sau đây viết tắt là BLTTHS).
IV. SỰ
PHỐI HỢP GIỮA CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NGOÀI NƯỚC – BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ
HỘI VÀ CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG KHÁC
1. Trách nhiệm của
Cục quản lý lao động ngoài nước.
1.1. Khi phát hiện
hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép theo hướng
dẫn tại Phần I của Thông tư này, Cục Quản lý lao động ngoài
nước thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và làm văn
bản kiến nghị khởi tố. Trong văn bản kiến nghị khởi tố cần ghi cụ thể: họ tên,
ngày tháng năm sinh, nơi cư trú cuối cùng ở trong nước trước khi xuất cảnh của
người có hành vi vi phạm; số hộ chiếu; tóm tắt hành vi vi phạm của người cần
phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Văn bản kiến nghị khởi tố và các tài liệu,
chứng cứ thu thập được phải được gửi cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp
tỉnh nơi Toà án cùng cấp có thẩm quyền xét xử vụ án để xem xét, quyết định việc
khởi tố. Tài liệu, chứng cứ gửi kèm văn bản kiến nghị khởi tố gồm có biên bản
về hành vi vi phạm; các tài liệu khác có giá trị chứng minh hành vi tổ chức,
cưỡng ép người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái phép. Nếu các tài liệu
bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và có chứng thực hợp pháp.
Văn bản kiến nghị
khởi tố cũng phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với Toà án có
thẩm quyền xét xử vụ án để kiểm sát việc giải quyết kiến nghị khởi tố.
1.2. Khi phát hiện
người lao động có hành vi ở lại nước ngoài trái phép theo hướng dẫn tại Phần II của Thông tư này, Cục Quản lý lao động ngoài nước thu
thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và việc xử lý vi phạm
hành chính theo quy định tại Nghị định số 141
và làm văn bản kiến nghị khởi tố. Trong văn bản kiến nghị khởi tố cần ghi cụ
thể: họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của người
lao động trước khi đi lao động ở nước ngoài; số hộ chiếu; tóm tắt hành vi vi
phạm của người lao động cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Văn bản kiến
nghị khởi tố và các tài liệu, chứng cứ thu thập được phải gửi cho Cơ quan An
ninh điều tra Công an cấp tỉnh nơi Toà án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử vụ án
để xem xét, quyết định việc khởi tố. Tài liệu chứng cứ gửi kèm theo văn bản
kiến nghị khởi tố gồm có: Bản chính (hoặc bản sao) biên bản vi phạm hành chính
và bản chính (hoặc bản sao) quyết định xử phạt vi phạm hành chính lần thứ nhất
(hoặc các tài liệu khác có giá trị chứng minh việc đã bị xử phạt vi phạm hành
chính lần thứ nhất) về hành vi ở lại nước ngoài trái phép; văn bản của người có
thẩm quyền xử phạt thông báo về việc không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm
hành chính đối với trường hợp người lao động không chấp hành quyết định xử phạt
hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 141 hoặc
biên bản vi phạm hoặc tài liệu khác chứng minh hành vi vi phạm lần thứ hai
(hành vi tái phạm) đối với trường hợp người lao động đã chấp hành quyết định xử
phạt hành chính, nhưng lại vi phạm; các tài liệu của cơ quan, tổ chức nước
ngoài về hành vi vi phạm của người lao động (nếu có); các tài liệu khác có liên
quan. Nếu các tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt và
được chứng thực hợp pháp.
Văn bản kiến nghị
khởi tố cũng phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với Toà án có
thẩm quyền xét xử vụ án để kiểm sát việc giải quyết kiến nghị khởi tố.
1.3. Việc giao nhận
trực tiếp văn bản kiến nghị khởi tố và các tài liệu, chứng cứ kèm theo giữa Cục
Quản lý lao động ngoài nước và Cơ quan an ninh điều tra phải được lập thành
biên bản, trong đó có chữ ký và ghi rõ họ tên của người giao, người nhận và
bảng kê các tài liệu, chứng cứ giao nhận.
2. Trách nhiệm của Cơ
quan điều tra
Sau khi tiếp nhận văn
bản kiến nghị khởi tố và các tài liệu, chứng cứ kèm theo do Cục Quản lý lao
động ngoài nước chuyển đến, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Cơ quan điều
tra phải kiểm tra, xác minh nguồn tin, trao đổi thống nhất bằng văn bản với
Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và giải quyết như
sau:
2.1.
Trường hợp xét thấy chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án, cần thiết phải bổ sung chứng
cứ thì Cơ quan điều tra yêu cầu Cục quản lý lao động ngoài nước bổ sung hồ sơ.
2.2.
Trường hợp xét thấy có đủ căn cứ thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ
án, khởi tố bị can theo quy định của BLTTHS;
đồng thời thông báo cho Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an để quản lý,
theo dõi đối tượng nhập cảnh phục vụ cho yêu cầu điều tra.
2.3.
Trường hợp xét thấy không có đủ căn cứ để khởi tố vụ án thì Cơ quan điều tra ra
quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
2.4. Quyết định khởi
tố vụ án, khởi tố bị can hoặc không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra và các
tài liệu liên quan phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định của
pháp luật. Cơ quan điều tra phải thông báo kết quả giải quyết cho Cục Quản lý
lao động ngoài nước biết.
2.5. Trong trường hợp
bị can bị khởi tố trước khi về nước thì Cơ quan điều tra xem xét, quyết định
việc áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật, đồng thời thực
hiện các biện pháp cần thiết, đề phòng bị can bỏ trốn hoặc không chấp hành quyết
định, yêu cầu của Cơ quan điều tra.
3. Trách
nhiệm của Cục quản lý xuất nhập cảnh- Bộ Công an
Trường
hợp người lao động ở lại nước ngoài trái phép, sau đó trở về Việt Nam thì trên
cơ sở danh sách người lao động bị khởi tố do Cơ quan điều tra thông báo, Cục
quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo các trạm Công an cửa
khẩu khi phát hiện họ nhập cảnh về Việt Nam thì báo ngay cho Cơ quan điều tra
biết để xử lý theo thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của
các cơ quan, tổ chức có liên quan
Cơ quan
đại diện Ngoại giao, Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, Ban quản lý lao động và
các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp và thực hiện
các yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án trong việc cung cấp
thông tin, tài liệu liên quan phục vụ việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử
vụ án.
V. HIỆU
LỰC THI HÀNH
1.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Trong quá trình
thực hiện, nếu có vướng mắc cần giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì báo cáo
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối
cao, Tòa án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp
thời./.
KT. BỘ
TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG
Nguyễn Văn Hưởng
|
KT. BỘ
TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Lương Trào
|
KT. VIỆN
TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Trần Thu
|
KT.
CHÁNH ÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
Đặng Quang Phương
|
Nơi nhận:
-
Văn phòng Chính phủ (02 bản để đăng Công báo);
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
(để sao gửi cho các cơ quan, ban ngành của Đảng
và Nhà nước theo quy định);
- Toà án nhân dân tối cao; để sao gửi cho các TAND,
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao; VKSND và Công an địa phương
- Bộ Công an; và các đơn vị chức năng
- Lưu: VP Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân
dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao.