BỘ
LAO ĐỘNG – BỘ NÔNG NGHIỆP
*******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
|
Số:
04-TT/LB
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 5 năm 1967
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
HƯỚNG DẪN NHỮNG BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA TAI NẠN TRONG VIỆC SỬ DỤNG
CƠ KHÍ NHỎ VÀ ĐỀ PHÒNG NHIỄM ĐỘC KHI SỬ DỤNG THUỐC TRỪ SÂU, PHÂN BÓN HÓA HỌC Ở
CÁC HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Trong thời gian qua, một số hợp
tác xã sản xuất nông nghiệp đã được trang bị máy cơ khí nhỏ như máy bơm nước,
máy xay xát, máy đập tuốt lúa, máy thái nghiền thức ăn cho gia súc… Việc sử dụng
cơ khí nhỏ ở hợp tác xã nông nghiệp đã có tác dụng rõ rệt: tăng năng suất lao động,
giải phóng một phần nhân lực trong một số công việc nặng nhọc, tạo thêm điều kiện
để đẩy mạnh thâm canh, mở rộng sản xuất, đảm bảo thời vụ. Nhưng do thiếu những
biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết nên ở một số hợp tác xã đã để xảy ra những
tai nạn đáng tiếc. Tai nạn xẩy ra chủ yếu là do máy thiếu thiết bị an toàn, người
quản lý sử dụng trình độ kỹ thuật còn thấp, lại chưa được học tập và hướng dẫn
những biện pháp đề phòng tai nạn hoặc có nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện.
Trong thời
gian tới, việc trang bị cơ khí nhỏ cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sẽ
tăng nhiều, nếu không có những biện pháp ngăn ngừa thì tai nạn sẽ còn xảy ra
nhiều. Liên bộ Lao động – Nông nghiệp ra thông tư này nhằm hướng dẫn một số biện
pháp ngăn ngừa tai nạn trong việc sử dụng cơ khí nhỏ ở các hợp tác xã sản xuất
nông nghiệp.
Trong thông
tư này có hướng dẫn cả một số biện pháp đề phòng nhiễm độc khi sử dụng thuốc trừ
sâu và phân bón hóa học vì hiện nay thuốc trừ sâu, phân hóa học đã được sử dụng
rộng rãi ở các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
I. BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG VIỆC SỬ DỤNG MÁY CƠ KHÍ NHỎ
A. Nguyên tắc chung.
1. Khi thiết
kế, chế tạo các máy phát động lực và máy phục vụ nông nghiệp (như máy bơm nước,
máy xay xát, máy đập, tuốt lúa, máy thái nghiền thức ăn cho gia súc…) các cơ
quan thiết kế hay nhà máy chế tạo phải nghiên cứu kết cấu máy sao cho sát hợp với
thực tế sản xuất và trình độ sử dụng của nông dân, đồng thời nghiên cứu thiết kế,
chế tạo các thiết bị cần thiết về an toàn lao động.
2. Khi lắp đặt
máy, các hợp tác xã nông nghiệp hay cơ quan, xí nghiệp phụ trách phải có trách
nhiệm thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn.
Trước khi đưa
vào sử dụng, các máy móc thiết bị phải được kiểm tra, nghiệm thu để đảm bảo kỹ
thuật an toàn.
Trước khi sử
dụng, cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định về thời gian tiển tu, trung tu và đại
tu cho các loại máy.
3. Những máy
đang sử dụng nếu thiếu các thiết bị an toàn hoặc có nhưng đã hư hỏng thì các hợp
tác xã phải làm hoặc sửa lại. Những việc nào khả năng hợp tác xã không làm được
phải thuê các cơ quan, xí nghiệp chuyên trách làm.
4. Những người
sử dụng máy ở các hợp tác xã nông nghiệp phải là những người đã được huấn luyện
về kỹ thuật an toàn sử dụng máy. Các trường, lớp đào tạo công nhân cho các hợp
tác xã sản xuất nông nghiệp phải có chương trình và nội dung huấn luyện về kỹ
thuật an toàn đối với các loại máy có sử dụng ở địa phương.
5. Ban quản
trị các hợp tác xã nông nghiệp phải thường xuyên giáo dục ý thức bảo hộ lao động
cho những người sử dụng máy, đồng thời kiểm tra đôn đốc họ chấp hành đầy đủ các
quy trình thao tác và quy trình kỹ thuật an toàn trong khi làm việc. Những nơi
đã sử dụng máy thái nghiền, máy xay xát, máy đập tuốt lúa thì phải dùng mọi
hình thức phổ biến sâu rộng những điều cần thiết về an toàn sử dụng các loại
máy này và đôn đốc nhân dân thực hiện đúng những điều quy định đó.
6. Khi xẩy ra
tai nạn, ban quản trị các hợp tác xã nông nghiệp phải tổ chức cứu chữa kịp thời
người bị nạn và phải có biện pháp ngăn ngừa tai nạn tái diễn.
Đối với những
tai nạn chết người hoặc bị thương nặng thành thương tật (như bị gẫy chân tay, đứt
mất bàn hoặc ngón tay…) thì ban quản trị hợp tác xã phải báo cáo ngay, theo mẫu
kèm theo, gửi cho Ủy ban hành chính huyện và sở, ty, phòng lao động, Ủy ban hoặc
ty nông nghiệp ở các tỉnh, thành phố. Trong báo cáo thống kê tai nạn lao động
phải thêm phần tai nạn ở các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
B. Biện pháp kỹ thuật an toàn.
Những quy định
sau đây áp dụng chung cho tất cả các máy phát động lực và máy công tác như máy
đi-ê-den, máy xay xát, máy thái nghiền, máy đập, tuốt lúa, máy bơm nước,…
1. Các bộ phận
truyền động của các máy như đai truyền, xích, bánh xích, bánh xe khía, nối trục,
đầu trục,… phải được bao che hoặc rào chắn chu đáo để người hoặc dụng cụ không
thể tiếp súc với các bộ phận này khi máy đang chạy.
Che chắn phải
vững chắc và đặt ở một vị trí cố định, dùng bulông, vít bắt chặt vào thân máy
hay nền đặt máy. Những bộ phận truyền động thường phải kiểm tra, cho dầu mỡ hoặc
điều chỉnh thì phải làm bao che kiểu bản lề có chốt đóng mở chắc chắn để công
nhân sử dụng được thuận tiện và an toàn.
2. Khi đặt
máy cần đặt các bộ phận truyền động hay xẩy ra tai nạn lao động (như đai truyền
từ động cơ đến máy công tác) về phía người ít qua lại. Máy đặt phải bảo đảm khoảng
cách giữa các máy với nhau đủ rộng để công nhân đi lại, thao tác được an toàn.
Mặt bằng chỗ làm việc phải gọn gàng.
3. Mỗi máy phải
có bản nội quy an toàn sử dụng máy viết bằng chữ to, treo ở cạnh máy. Công nhân
điều khiển máy có trách nhiệm thực hiện và nhắc nhở những người cùng làm thực
hiện đầy đủ những điều đã quy định trong nội quy đó.
4. Công nhân
điều khiển máy, quần áo phải gọn gàng. Nếu là phụ nữ phải có mũ bao gọn tóc, để
tránh vướng vào các bộ phận máy đang chuyển động.
5. Trước khi
cho máy chạy, công nhân điều khiển máy:
- Phải kiểm
tra các bộ phận máy, xiết chặt các mũ ốc bu-lông, vít hãm đề phòng khi máy chạy
tuột ra văng vào người xung quanh;
- Lắp đầy đủ
và bắt chắc chắn các thiết bị an toàn của máy;
- Không được
để các dụng cụ ở trên máy (như trên bàn máy của máy đập lúa, trên băng tải của
máy thái nghiền, máy tuốt lúa hoặc thùng chứa nguyên liệu của máy thái nghiền,
máy xay xát…) để tránh khi máy đang chạy những dụng cụ này bị đưa vào máy hoặc
va vướng vào các bộ phận chuyển động của máy, văng ra gây nên tai nạn.
- Phải báo
cho những người xung quanh biết tránh xa các bộ phận truyền động của máy. Không
được để những người không có nhiệm vụ đứng gần máy, nhất là trẻ em.
- Dùng tay
quay cho máy chạy thử mấy vòng, nếu không có gì trở ngại, mới cho máy chạy bằng
động cơ.
6. Khi máy
đang chạy, công nhân điều khiển máy:
- Không được
ngủ, không được làm việc riêng hoặc bỏ đi nơi khác;
- Tuyệt đối
không được để người khác không có trách nhiệm vào sử dụng máy hoặc tò mò nghịch
máy;
- Khi thấy có
tiếng kêu hoặc hiện tượng bất thường phải đóng ngay máy, chờ cho máy ngừng hẳn
mới được kiểm tra. Cấm dùng gậy để hãm hoặc tháo đai truyền khi máy chưa dừng hẳn;
- Không được
lau chùi, cho dầu mỡ hoặc điều chỉnh các bộ phận máy khi máy đang chạy.
7. Chỉ những
người đã học về cấu tạo, sửa chữa máy và được phân công sửa chữa mới được tháo
và sửa chữa máy. Khi sửa chữa các máy chạy bằng điện phải cắt điện vào động cơ
và treo biển “Cấm đóng điện – đang sửa chữa” ở cầu dao điện.
Khi sửa chữa,
nếu cho máy chạy thử cũng phải theo đúng những quy định trước khi chạy máy đã
nêu ở trên.
8. Khi di
chuyển máy cần dùng xe. Nếu dùng dây thừng và đòn khiêng thì đòn khiêng và dây
thừng phải tốt và buộc chắc chắn, cân bằng để khi khiêng khỏi tuột đổ.
Đối với những
máy nặng, phải khiêng nhiều người thì khi nhấc máy lên hoặc đặt máy xuống phải
phối hợp động tác cho đều, tránh hiện tượng người đặt trước, người đặt sau để đổ
xảy ra tai nạn và hỏng máy.
Trên đây là những điều quy định
chung cho các máy, các địa phương cần căn cứ vào những loại máy được sử dụng ở
địa phương mà bổ sung những điều quy định cụ thể đối với từng loại máy cho đầy
đủ, như đối với những loại máy sau đây, cần chú ý thêm:
1. Máy thái
nghiền thức ăn cho gia súc (kiểu D K Y ):
- Không được
tháo nắp che trên đoạn gần lối cửa vào của băng tải chuyền nguyên liệu vào máy.
Khi máy đang chạy không được cho tay vào cửa cho nguyên liệu;
- Khi nguyên
liệu bị mắc kẹt phải đóng máy, chờ máy ngừng hẳn mới được gỡ ra. Không được cho
tay vào gỡ khi máy đang chạy.
- Khi thái
nguyên liệu ướt không được cho tay vào lấy nguyên liệu ra, mà phải dùng cào hay
xẻng xúc;
- Khi nghiền
nguyên liệu khô phải kiểm tra hệ thống che bụi nếu hở phải che lại. Công nhân
làm việc ở đây phải đeo khẩu trang (hoặc dùng khăn bịt kín mồm, mũi) để chống bụi.
2. Máy đập,
tuốt lúa.
- Khi đưa lúa
vào máy, phải đứng vững vàng và chú ý tránh để lúa kéo cả tay vào máy;
- Khi máy bị
tắc phải đóng máy, chờ cho máy ngừng hẳn mới được lấy rơm bị kẹt ở máy ra. Cấm
dùng đòn hoặc gậy để gỡ rơm bị kẹt khi máy đang chạy;
- Khi máy
đang làm việc không đứng ngay trước phía rơm hắt ra và chú ý đề phòng hạt thóc
văng mạnh bắn vào mắt.
II. BIỆN PHÁP
ĐẢM BẢO AN TOÀN VÀ ĐỀ PHÒNG NHIỄM ĐỘC KHI SỬ DỤNG THUỐC TRỪ SÂU, PHÂN BÓN HÓA HỌC.
Các loại thuốc
trừ sâu và phân bón hóa học hiện được sử dụng rộng rãi trong các hợp tác xã
nông nghiệp với số lượng tương đối nhiều là 666,6% bột và bột thẩm nước, DDT
gam 10 + 1%, DDT sữa, DDT gam sữa, Vô pha tốc, Dip tê réch, Ti ô phốt, các loại
thuốc trừ sâu bằng thủy ngân như Xin-men, Phalidan và các loại phân hóa học (đạm,
lân, kali). Các chất này đều là các chất độc có hại đến sức khoẻ, có loại dễ
cháy nổ (như các loại thuốc ở dạng sữa, nước) khi bị cháy nổ thuốc bốc hơi gây
nhiễm độc mạnh hơn lúc bình thường nên trong khi sử dụng, bảo quản phải chú ý
thực hiện những biện pháp đề phòng sau đây:
A. Về sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.
Ban quản trị
các hợp tác xã nông nghiệp phải phổ biến và hướng dẫn cho những người làm việc,
tiếp xúc với thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, nhất là thuốc trừ sâu (như bơm
thuốc, rắc phân) biết kỹ thuật sử dụng, tính độc hại của từng loại thuốc, phân
bón hóa học và các biện pháp đề phòng nhiễm độc, cách cứu chữa khi bị nhiễm độc.
Những người
làm việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu và phân bón hóa học thực hiện đầu đủ các biện
pháp đảm bảo an toàn và đề phòng nhiễm độc sau đây:
a) Đối với
thuốc trừ sâu:
1. Khi nhận
thuốc cần chú ý hỏi nơi cung cấp để biết rõ cách pha chế sử dụng (như dùng thuốc
nồng độ bao nhiêu phần trăm, pha vào buổi nào, số lượng thuốc được dùng vào một
sào hoặc một mẫu là bao nhiêu …) để tránh dùng quá liều lượng, ảnh hưởng đến
cây trồng và sức khoẻ của người phun thuốc.
2. Trước khi
pha trộn thuốc phải kiểm tra xem đã thật đúng loại thuốc cần sử dụng chưa rồi mới
pha trộn. Khi pha trộn thuốc tốt nhất nên dùng găng tay cao su (hoặc vải bạt)
hoặc bó tay bằng ni lông, không dùng tay khuấy trộn thuốc mà phải dùng que.
Trước khi đổ
thuốc vào bình bơm phải kiểm tra bình cẩn thận, nhất là chỗ nối ống cao su vào
bình để tránh chỗ này bật ra bắn thuốc vào người.
3. Không để
phụ nữ có thai, người ốm, người bị thương đang có vết xây xát trên da hoặc trẻ
em làm việc với thuốc sâu.
4. Khi bơm
thuốc trừ sâu, cần đeo khẩu trang hoặc dùng khăn bịt kín mồm, mũi; đầu phải đội
mũ hoặc bịt khăn. Tay áo, ống quần phải thắt lại cho kín.
5. Những ngày
gió to, mưa to, buổi trời nắng gắt không bơm thuốc trừ sâu. Những ngày nắng gắt,
nên bơm thuốc trừ sâu vào buổi chiều mát hoặc sáng sớm. Khi bơm thuốc, chú ý
không đứng ngược chiều gió để tránh thuốc bay vào người. Nếu bơm thuốc nhiều
người thì những người bơm thuốc phải đứng theo hàng ngang.
Khi bơm thuốc,
đưa vòi bơm thuốc ngang cạnh sườn, không nên đưa vòi bơm thuốc trước mặt (mặc dầu
bơm một người hay nhiều người).
6. Trong khi
làm việc với các loại thuốc trừ sâu không được ăn, uống, hút thuốc và tránh nói
cười nhiều. Khi làm việc xong phải súc miệng, tắm hoặc rửa tay sạch rồi mới ăn
uống, hút thuốc, nhưng cấm uống sữa, uống rượu, ăn mỡ mà phải cách 12 giờ sau mới
ăn uống những thứ đó.
Khi tắm rửa tốt
nhất nên dùng xà phòng, nếu không có thì dùng tro bếp, nước vôi hoặc dầu hỏa để
rửa tay, không nên chỉ rửa tay qua loa bằng nước lã.
7. Sau khi
phun thuốc xong cần thay quần áo ngay. Quần áo, dụng cụ pha chế thuốc không được
rửa, giặt ở các cầu ao dùng để vo gạo, rửa rau và ao nuôi cá.
Nước sau khi
rửa bình bơm thuốc, cần đào lỗ đổ xuống rồi lấp lại, không đổ trên bãi có trâu
bò ăn, nhất là các loại thuốc ở dạng nước.
8. Khi bơm
thuốc cho rau, cây ăn quả, mía, thuốc lá cần dùng đúng thuốc và bảo đảm thời
gian cách ly quy định của từng loại thuốc để tránh ngộ độc cho người dùng sau
này (thời gian cách ly là khoảng thời gian kể từ khi bơm lần thuốc cuối cùng đến
khi thu hoạch sản phẩm; thời gian này hỏi ở nơi cung cấp thuốc);
9. Những thức
làm mồi diệt chuột phải đào lỗ chôn sâu, không được dùng vào những việc khác.
10. Tuyệt đối
không dùng thuốc trừ sâu để trừ chấy rận, bôi ghẻ hoặc các chỗ đau ở da thịt
người và gia súc.
b) Đối với
phân hóa học:
Khi pha trộn
phân nên dùng que, gậy, cuốc xẻng, không nên dùng tay hòa phân trong nước và bốc
phân ẩm ướt. Trong trường hợp còn phải dùng tay bốc và rắc phân bón ruộng,
thì chỉ nên bốc và rắc phân khô. Sau khi vận chuyển và bón phân hóa học phải tắm
rửa, giặt rũ sạch sẽ để bảo đảm sức khoẻ.
B. Về bảo quản thuốc trừ sâu, phân bón hoá học.
Thuốc trừ
sâu, phân bón hóa học không những có tính độc mà một số như DDT sữa, DDT gam
30+9, BI58, Vô pha tốc, Etinparatiông, xinmen,… còn có tính dễ cháy, nổ nên khi
cất giữ phải chú ý:
Đối với
thuốc trừ sâu:
1. Các loại
thuốc bảng A (đã có quy định) thì phải giao cho người có trách nhiệm bảo quản
và đào hầm cất giữ, không được để trên mặt đất.
Các loại thuốc
trừ sâu cần được chứa ở nhà riêng: khô ráo, mát mẻ. Thuốc xếp cách chân tường
khoảng 40-50cm, có sàn kê cao 20cm để chống ẩm, không để thuốc ngoài trời. Thuốc
phải được bọc hoặc đóng kín, nhất là các bao đã dùng dỡ. Ngoài bao bì phải ghi
rõ tên thuốc chứa bên trong để tránh nhầm lẫn. Không được để lẫn lộn các loại
thuốc với nhau.
2. Không được
để thuốc trừ sâu trong cùng một kho với lương thực, thực phẩm. Không được mang
thuốc về cất ở nhà tránh gây nhiễm độc cho những người trong gia đình.
3. Kho chứa
thuốc phải có cửa khóa cẩn thận, không để cho mọi người tự tiện vào hoặc trẻ em
đến đùa nghịch gây nhiễm độc. Những nơi chứa nhiều cần cử người trông coi.
4. Khi cất giữ
những chất dễ cháy như DDT sữa, DDT gam 30+9, BI58, Vô pha tốc, Etinparatiông,
xinmen,… cần chú ý:
- Nhà chứa
các loại này phải đặt xa nhà ở, nhất là nhà bếp, nhà chứa thuốc nên xây bằng gạch
hoặc làm nhà đất để hạn chế cháy.
- Các thùng
thuốc dùng dở phải đậy nắp và trát kín các khe hở bằng nhựa đường hoặc đất sét
,để tránh hơi trong thùng bay ra, hơi này dễ bắt lửa cháy;
Không soi
đèn, đánh diêm hút thuốc ở nơi để thuốc. Trường hợp cần lấy thuốc hoặc xem xét
khi trời tối, có thể dùng đèn pin để soi. Không được dùng dụng cụ bằng kim loại
đen (như sắt, thép,…) để mở nắp thùng;
- Bên ngoài
nhà chứa thuốc phải treo biển (cấm lửa);
- Nơi chứa
thuốc phải có các phương tiện chữa cháy như cát, xẻng;
- Khi thuốc
trừ sâu loại lỏng bị cháy, không được dùng nước để chữa, mà phải dùng đất bột
hay cát, hoặc bình chữa cháy.
5. Không được
lấy các bao bì chứa chất độc đem về dùng trong gia đình hoặc đựng lương thực,
thực phẩm.
6. Việc cấp
phát thuốc trừ sâu và phân bón hóa học cần giao cho một người của đội sản xuất
(hay của hợp tác xã) chịu trách nhiệm. Những người này phải được huấn luyện về
sử dụng và bảo quản thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Khi phát thuốc và phân bón
cần nhắc người sử dụng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và đề phòng nhiễm
độc.
Đối với
phân hóa học:
Phân ở dạng
nitrate như nitrate đạm là loại dễ cháy, dễ nổ khi bị quá nóng, cho nên cần phải
cất giữ ở kho xa nhà, xa lửa. Khi phân bị vón cục, chỉ nên dùng que gậy để cậy
phân ra hoặc dùng nước để hòa tan phân, không được dùng lửa để nung chảy, dễ
gây ra tai nạn.
Liên bộ Lao động
– Nông nghiệp đề nghị các Bộ quản lý việc sản xuất máy phục vụ nông nghiệp và Ủy
ban hành chính các tỉnh, thành phố phổ biến và kiểm tra, đôn đốc các cơ quan,
xí nghiệp trực thuộc phụ trách việc thiết kế, chế tạo, lắp đặt máy và đào tạo
công nhân cho các hợp tác xã nông nghiệp, phải thực hiện đầy đủ những quy
định trong thông tư này về những vấn đề trên.
Để đảm bảo thực
hiện được tốt thông tư này, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố cần giao
trách nhiệm thi hành cụ thể cho các ngành, các cấp trực thuộc mà dưới đây liên
bộ nêu một số việc chính:
1. Sở, ty
công nghiệp kiểm tra lại những máy sản xuất ở địa phương nếu thiếu thiết bị an
toàn phải bổ sung thiết kế và hướng dẫn các xí nghiệp sản xuất máy làm đầy đủ
thiết bị an toàn trước khi đưa máy về cho các hợp tác xã sử dụng. Và có trách
nhiệm giúp đỡ các hợp tác xã làm, sửa chữa những thiết bị an toàn ở những máy
đang sử dụng nhưng thiếu hoặc hư hỏng thiết bị an toàn.
2. Các cơ
quan phụ trách việc đào tạo công nhân cho các hợp tác xã nông nghiệp phải xem lại
chương trình giảng dạy, nếu chưa có nội dung huấn luyện về kỹ thuật an toàn hoặc
có nhưng chưa đầy đủ thì phải biên soạn bổ sung nội dung huấn luyện về kỹ thuật
an toàn cho đầy đủ.
3. Ủy ban
hành chính các huyện phải phổ biến, đôn đốc, giúp đỡ ban quản trị các hợp tác
xã nông nghiệp thực hiện những quy định thuộc phần trách nhiệm của mình trong
thông tư này.
Và cần hướng
dẫn ban quản trị các hợp tác xã tổ chức, phân công thực hiện những biện pháp về
kỹ thuật an toàn cho thật cụ thể, như:
- Trong ban
quản trị phải có người chịu trách nhiệm theo dõi; đôn đốc việc thực hiện chung;
- Tổ trưởng tổ
máy phải kiểm tra, đôn đốc những người điều khiển máy hoặc làm việc có liên
quan đến máy, thực hiện đầy đủ những biện pháp về kỹ thuật an toàn sử dụng máy;
- Đội trưởng
sản xuất phải nhắc nhở xã viên thực hiện những biện pháp đảm bảo an toàn và đề
phòng nhiễm độc khi làm việc, khi tiếp súc với thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.
4. Sở, ty lao
động cùng với Ủy ban hoặc ty nông nghiệp có kế hoạch phổ biến thông tư này
trong các cuộc hội nghị sản xuất nông nghiệp do tỉnh triệu tập và phổ biến rộng
rãi đến các cấp thi hành.
Các cơ quan
lao động địa phương còn có nhiệm vụ:
Cùng với các
sở, ty công nghiệp kiểm tra, đôn đốc việc làm và sửa các thiết bị an toàn ở các
máy hiện chưa đảm bảo an toàn;
- Giúp đỡ các
cơ quan đào tạo công nhân cho các hợp tác xã nông nghiệp tài liệu hoặc giảng dạy
phần kỹ thuật an toàn;
- Kiểm tra
tình hình đảm bảo an toàn lao động và phòng nhiễm độc ở các hợp tác xã nông
nghiệp có sử dụng cơ khí nhỏ và thuốc trừ sâu, phân bón hóa học; đồng thời theo
dõi việc thực hiện của các cơ quan có liên quan, để tập hợp tình hình báo cáo
và đề xuất những biện pháp giúp Ủy ban hành chính địa phương chỉ đạo thi hành tốt
thông tư này.
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG
Chu Văn Biên
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Quỳ
|
Phụ lục:
MẪU BÁO CÁO TAI NẠN
1. Tên hợp
tác xã ……… thuộc xã …………….. huyện ……………….
tỉnh
...........................................
2. Lý lịch
người (hay những người) bị tai nạn:
- Họ và tên
…………………………………………………………
- Tuổi:
………………………..
- Nam hay nữ:
……………………….
- Nếu là xã
viên sử dụng máy thì đã được huấn luyện về kỹ thuật an toàn chưa (cơ quan huấn
luyện, thời gian)……………….
3. Tai nạn xẩy
ra hồi …... giờ …….. phút, ngày …… tháng ……. năm ……… tại ………
4. Tóm tắt
trường hợp xảy ra tai nạn: …………………………….
5. Tình trạng
thương tích của người (hay những người) bị tai nạn……………………..
6. Nguyên
nhân xảy ra tai nạn: …………………………………..
7. Biện pháp
ngăn ngừa tai nạn về sau này……………………………..
8. Trách nhiệm
của người (hay những người) có lỗi trong vụ tai nạn.
|
Ngày…… tháng…… năm 196…
Chủ
nhiệm Ban quản trị hợp tác xã
|
Ghi
chú: Báo cáo này làm thành 4 bản:
- Một bản gửi
cho Ủy ban hành chính huyện,
- Một bản gửi
cho sở, ty, phòng lao động.
- Một bảo gửi
cho Ủy ban nông nghiệp, tỉnh hoặc ty nông nghiệp,
- Một bản lưu
ở hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nơi xảy ra tai nạn.