BỘ
NỘI VỤ
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
81-NV/DC
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 12 năm 1958
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 523-TTG NGÀY 06-12-1958 CỦA
THỦ TƯỚNG PHỦ VỀ TRƯỜNG HỢP DÀI HẠN CHO QUÂN NHÂN TÌNH NGUYỆN ĐÃ PHỤC VIÊN BỊ BỆNH
KINH NIÊN TÁI PHÁT ỐM, YẾU KHÔNG CÒN KHẢ NĂNG LAO ĐỘNG
Kính gửi: Ủy ban Hành
chính các Khu, thành phố, tỉnh và khu vực Vĩnh Linh
Để thi hành Nghị định số 523-TTg
ngày 06 tháng 12 năm 1958 của Thủ tướng phủ về việc trợ cấp dài hạn cho quân
nhân tình nguyện đã phục viên bị bệnh kinh niên tái phát ốm, yếu không còn khả
năng lao động, Bộ nêu một số điểm để các địa phương căn cứ vào đó mà tiến hành.
I. - MỤC ĐÍCH
Ý NGHĨA VIỆC TRỢ CẤP
Việc trợ cấp cho quân nhân phục
viên là biểu hiện sự quan tâm săn sóc của Đảng và Chính phủ đối với anh chị em,
những người đã góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Nó thiết thực
giúp đỡ cho quân nhân phục viên ở nhà kết hợp với hoàn cảnh gia đình có điều kiện
chữa bệnh và giảm bớt khó khăn cho gia đình hoặc tăng một phần sinh hoạt để giải
quyết căn bản hoặc giải quyết dần dần tình trạng bệnh tật để có thể tiếp tục
lao động sản xuất.
Trợ cấp cho quân nhân phục viên
là một công tác chính trị: nó ổn định một phần tư tưởng cho bản thân anh em và
cho cả gia đình; nó có ảnh hưởng rất tốt trong việc xây dựng lực lượng hậu bị,
củng cố quốc phòng.
Trợ cấp cho quân nhân phục viên
cũng là một công tác xã hội trong việc thanh toán dần vết tích chiến tranh còn
sót lại.
II. – YÊU CẦU
KHI XÉT TRỢ CẤP
1) Cần quan niệm rõ vấn đề trợ cấp
là một sự cố gắng của Đảng và Chính phủ trong lúc kinh tế nước nhà còn đang gặp
nhiều khó khăn. Nó chỉ mới giải quyết được một mức nào cho quân nhân phục viên
chứ chưa phải giải quyết thích đáng được mức nhu cầu nói chung. Vì vậy khi xét
trợ cấp cần phải tránh tình trạng thành kiến với anh em mà làm qua loa, đại
khái để khỏi hao tổn công quỹ hoặc làm tràn lan để ban ơn, xoa dịu, thỏa mãn
anh em. Trường hợp đáng trợ cấp thì trợ cấp; trường hợp không đáng trợ cấp thì
cương quyết không trợ cấp, nhưng phải kiên trì giải thích để cho quân nhân phục
viên khỏi thắc mắc.
2) Khi khám xét trợ cấp, Hội đồng
giám định y khoa cần phải đông đủ để trao đổi, bàn bạc tập thể chu đáo, hội chuẩn
phân loại cho đúng; nhưng muốn cho được hợp lý, đảm bảo đúng mức quyền lợi cho
quân nhân phục viên, điều căn bản là phải xét bệnh kinh niên tái phát ốm, yếu,
không còn khả năng lao động và triển vọng tương lai của sức khỏe mà đề nghị
trợ cấp.
3) Bệnh kinh niên là những bệnh
lâu năm đã điều trị tại bệnh viện hay khu an điều dưỡng mà chưa khỏi hẳn nên
khi thời tiết thay đổi hay sinh hoạt sút kém bị tái phát. Do đó làm cho con người
ốm, yếu, suy nhược toàn thân, mất hẳn hoặc một phần lớn sức khỏe lao động sản
xuất. Cũng có người vì bị bệnh thần kinh rối loạn mà không thể lao động được.
Cũng có người bị bệnh kinh niên nhẹ nhưng vì bị trực tiếp ảnh hưởng chiến tranh
lại thêm tuổi nhiều nên cũng mất hoàn toàn hoặc một phần lớn sức khỏe để lao động.
4) Hội đồng giám định y khoa phải
quan hệ chặt chẽ với Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh và khu vực, Hội đồng
giám định y khoa có quyền khám xét, chứng nhận và đề nghị cho quân nhân phục
viên được hưởng trợ cấp mất sức lao động dài hạn sau khi có ý kiến nhận xét
sơ bộ về khả năng lao động của Ủy ban Hành chính xã hay khu phố, Ủy ban
Hành chính khu, thành phố, tỉnh, khu vực căn cứ vào tình hình thực tế mà quyết
định sau khi có ý kiến của Hội đồng giám định y khoa.
III. – ĐỐI TƯỢNG
TRỢ CẤP VÀ PHẠM VI TRỢ CẤP
Chỉ trợ cấp cho những quân nhân
tình nguyện đã phục viên từ ngày hòa bình lập lại (20-07-1954) hiện bị bệnh
kinh niên ốm yếu, mất sức lao động, cụ thể là:
1) Những quân nhân tình nguyện
đã phục viên từ ngày 20-07-1954 đến ngày 01-07-1957 hiện bị bệnh kinh niên tái
phát ốm, yếu không còn khả năng lao động.
2) Những quân nhân tình nguyện
đã phục viên từ ngày 01-07-1957, đã được hưởng trợ cấp theo Nghị định số 111-NĐ
ngày 22-06-1957 của Bộ Quốc phòng nhưng đến nay đã hết hạn và hiện bị bệnh kinh
niên tái phát không còn khả năng lao động.
3) Những quân nhân tình nguyện
trước chuyển ngành mà nay đã phục viên vì lý do bệnh kinh niên tái phát ốm yếu
không lao động sản xuất được.
Phạm vi trợ cấp này chỉ áp dụng
cho những quân nhân tình nguyện đã phục viên bị bệnh kinh niên ốm yếu không còn
khả năng lao động từ 20-07-1954 đến ngày 11-11-1958 ban hành Nghị định số
500-NĐ/LB quy định trợ cấp dài hạn cho quân nhân tình nguyện ốm, yếu, mất sức
lao động, sắp phục viên.
IV. TRỢ CẤP –
TÍNH TRỢ CẤP – LĨNH TRỢ CẤP
Như trên đã nói, trợ cấp sức khỏe
là nhằm mục đích giúp đỡ anh chị em kết hợp với hoàn cảnh gia đình có điều kiện
chữa bệnh và giảm bớt khó khăn cho gia đình hoặc tăng thêm phần sinh hoạt
nên mức ấn định tối đa là 12.000 đồng mỗi người một tháng, dành cho anh chị em
nào hoàn toàn mất sức lao động và ít nhất là 8.000 đồng cho người bị mất một phần
sức khỏe. Mức trợ cấp này là căn cứ vào tình hình sinh hoạt bình thường hiện
nay.
Sau 2 năm, tính từ ngày Ủy ban
Hành chính khu, thành phố, tỉnh, khu vực quyết định, những quân nhân phục viên
được hưởng trợ cấp này đều được Hội đồng giám định y khoa khám lại sức khỏe; nếu
được chứng nhận sức khỏe đã bình phục, đủ sức lao động để tự sinh sống thì sẽ
chấm dứt trợ cấp. Ngược lại, nếu chưa đủ khả năng lao động để tự sống thì vẫn
tiếp tục được hưởng trợ cấp 2 năm nữa; sau đó cứ 2 năm khám lại sức khỏe một lần
như đã quy định trên.
Quân nhân phục viên được trợ cấp
dài hạn thì lĩnh bằng tiền mặt.
Tiền trợ cấp được lĩnh mỗi quý
(3 tháng) một lần bắt đầu từ ngày 01 tháng đầu quý.
Khi đến lĩnh tiền, quân nhân phục
viên phải mang theo các giấy tờ như quyết định, lý lịch quân nhân phục viên, giấy
lĩnh tiền trợ cấp.
Trường hợp quân nhân bị đau yếu
không đi lĩnh được có thể viết giấy ủy nhiệm cho cha mẹ, vợ con, anh chị em ruột
đi lĩnh thay, có chứng thực của Ủy ban Hành chính xã hay khu phố.
Quân nhân phục viên được hưởng
trợ cấp dài hạn nếu vì bệnh tái phát thì được bệnh viện thu nhận để điều trị.
Khi nằm bệnh viện, quân nhân phục viên vẫn được hưởng trợ cấp nếu còn thời hạn.
Tiền viện phí, tiền bồi dưỡng nếu có, thì áp dụng theo tinh thần thông tư số
4697-BYT-CB ngày 09-07-1958 và số 5996-BYT-CB ngày 23-08-1958 của Bộ Y tế.
Trường hợp quân nhân phục viên
hiện đương nằm điều trị tại bệnh viện thì được tiếp tục điều trị; khi ra viện,
nếu thấy cần thiết, Hội đồng giám định y khoa sẽ khám và đề nghị, Ủy ban Hành
chính khu, thành phố, tỉnh và khu vực xét và quyết định.
Những quân nhân phục viên được
hưởng trợ cấp dài hạn, nếu hiện nay không có gia đình hoặc nơi nương tựa thì được
nghiên cứu thu nhận vào trại điều dưỡng của Bộ Cứu tế xã hội. Khi vào trại thì
không được hưởng trường hợp dài hạn nữa mà hưởng theo chế độ hiện hành của trại
do trại đài thọ. Khi ra trại về địa phương, nếu còn thời hạn, vẫn được tiếp tục
trợ cấp.
V. - BIỆN
PHÁP TIẾN HÀNH
Để thi hành việc trợ cấp sức khỏe
được tốt cho quân nhân phục viên nghĩa là đảm bảo đúng mức quyền lợi của anh chị
em, không tràn lan cũng không hẹp hòi, tránh suy bì, thắc mắc lung tung gây sự
xích mích giữa gia đình và giữa anh em với nhau, thêm khó khăn của địa phương,
cần phải:
a) Đối với cán bộ phụ trách:
nghiên cứu kỹ Nghị định, thông tư, nắm vững mục đích, yêu cầu, đối tượng phạm
vi trợ cấp, quan hệ chặt chẽ với Y tế đặt kế hoạch tỉ mỉ và hướng dẫn cụ thể Ủy
ban Hành chính cơ sở.
b) Đối với Ủy ban Hành chính xã,
khu phố, thị trấn: nắm vững mục đích yêu cầu, đối tượng phạm vi trợ cấp; thông
tư tưởng, không ngại khó, không thành kiến hoặc hẹp hòi với anh em hoặc ban ơn
nhằm rũ trách nhiệm, giảm khó khăn cho địa phương.
c) Đối với quân nhân phục viên:
ngoài mục đích yêu cầu, giáo dục cho anh chị em thấy sự quan tâm săn sóc tận
tình và lòng biến ơn của Đảng, Chính phủ và của toàn dân, nhưng cũng làm cho
anh em thấy được khả năng kinh tế nước nhà hiện nay còn eo hẹp mà không đòi hỏi
quá đáng.
Trên đây Bộ nêu những điểm
chính; công việc khám xét, phân loại, quyết định trợ cấp sẽ gặp nhiều khó khăn
phức tạp. Bộ đề nghị các Ủy ban Hành chính khu, thành phố, khu vực, nghiên cứu,
phối hợp chặt chẽ với Y tế, đặt kế hoạch cụ thể nhất là đối với Ủy ban Hành
chính xã, thị trấn, khu phố và tiến hành nhanh nhưng thận trọng, chu đáo. Gặp
điều gì trở ngại cần báo cáo cho Bộ biết kịp thời.
|
K.T.
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Tô Quang Đẩu
|