BỘ TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 22/2004/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2004
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 22/2004/TT-BTC NGÀY 24
THÁNG 3 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ
HỢP TÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2004-2005
Căn cứ Công văn
số 387/CP-NN ngày 4/4/2003 của Chính phủ về Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản
lý Hợp tác xã 2003 - 2005;
Sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên
minh Hợp tác xã Việt Nam; Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh
phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hợp tác xã giai đoạn 2004 - 2005 như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI
1. Đối tượng đào tạo:
gồm 2 nhóm đối tượng:
1.1. Đội ngũ cán bộ
chủ chốt Hợp tác xã chưa được đào tạo bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về quản
lý, điều hành hoạt động kinh tế Hợp tác xã, bao gồm:
+ Chủ nhiệm Hợp
tác xã
+ Kế toán trưởng Hợp
tác xã
+ Trưởng kiểm soát
Hợp tác xã
1.2. Cán bộ chuyên
môn nghiệp vụ của các hợp tác xã phi nông nghiệp.
2. Phạm vi sử dụng
kinh phí thực hiện đề án:
- Kinh phí thực hiện
Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Hợp tác xã giai đoạn 2004 - 2005 được sử
dụng để đào tạo cho những đối tượng được qui định tại điểm 1 nêu trên theo chỉ
tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Hợp tác xã do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng
dẫn hàng năm.
Thời gian mỗi đợt
đào tạo tối đa là 15 ngày theo hình thức đào tạo ngắn hạn tập trung.
- Đối với các cán
bộ hợp tác xã khác không thuộc đối tượng quy định tại điểm 1 nêu trên: các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ hợp tác xã do địa phương quản lý, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện.
- Đối với các đối
tượng là cán bộ quản lý, điều hành, kiểm soát của HTX được giảm 50% tiền học
phí khi được cử đi đào tạo dài hạn tại các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống của Nhà
nước và hệ thống thuộc Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, theo các đề án thực hiện
theo Nghị định 15/CP ngày 12/2/1997 của Chính phủ, thì không thuộc phạm vi hướng
dẫn tại Thông tư này.
II. NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI
1. Nội dung chi:
- Chi biên soạn
chương trình, viết giáo trình;
- Chi mua hoặc in ấn
giáo trình, tài liệu trực tiếp phục vụ lớp học;
- Chi cho giảng
viên: Trả thù lao cho giảng viên, chi phí cho việc đi lại, bố trí nơi ở cho giảng
viên;
- Chi cho học
viên:
+ Hỗ trợ tiền đi lại,
ăn ở và sinh hoạt cho học viên (nếu có);
+ Trả tiền thuê xe
và chi phí cho việc liên hệ tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế.
- Chi cho công tác
tổ chức lớp học:
+ Chi thuê hội trường
(hoặc phòng học), thuê dụng cụ phục vụ giảng dạy như đèn chiếu, máy vi tính,...
+ Chi tiền văn
phòng phẩm và nước uống phục vụ lớp học;
+ Chi tiền điện,
tiền nước, tiền phục vụ, trông coi xe;
+ Chi khai giảng,
bế giảng, chấm thi, cấp chứng chỉ, khen thưởng học viên suất sắc;
+ Chi quản lý lớp
học và một số khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho lớp học.
- Chi in ấn chứng
chỉ công nhận hoàn thành khoá học.
2. Mức chi:
- Mức chi ngân
sách về đào tạo bồi dưỡng cán bộ chủ chốt hợp tác xã (chủ nhiệm, kế toán trưởng,
trưởng kiểm soát) là 1.500.000 đ/ 1 suất đào tạo. Mức chi này bao gồm: chi tổ
chức đào tạo bồi dưỡng và chi hỗ trợ tiền ăn, ở.
- Mức chi ngân
sách hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của HTX phi nông nghiệp
là 350.000 đ/ 1 xuất đào tạo học là 15 ngày. Mức chi này chỉ bao gồm chi tổ chức
đào tạo bồi dưỡng, không hỗ trợ chi phí ăn ở cho học viên.
Một số mức chi cụ
thể như sau:
2.1. Chi cho giảng
viên:
2.1.1. Chi thù lao
giảng viên: (Một buổi giảng được tính bao gồm 4 tiết)
- Đối với giảng
viên là Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương: 150.000 đ/buổi.
- Đối với giảng
viên là cấp Cục, Vụ, Viện, các giáo sư, tiến sĩ, chuyên viên cao cấp và tương
đương: 120.000 đ/buổi.
- Đối với giảng
viên là các đối tượng khác: 90.000 đ/buổi.
- Đối với giảng
viên nước ngoài được cấp có thẩm quyền cho phép mời giảng dậy: Mức thù lao do
cơ quan, đơn vị thoả thuận với chuyên gia trên cơ sở khả năng bố trí kinh phí của
cơ quan, đơn vị.
Riêng đối với các
giảng viên chuyên nghiệp làm nhiệm vụ giảng dạy trong các Trường trực thuộc hệ
thống Liên minh Hợp tác xã thì số giờ giảng vượt định mức được thanh toán phụ cấp
giảng bài theo chế độ giảng vượt giờ áp dụng cho giảng viên các trường chuyên
nghiệp, không trả theo mức trên khi tham gia giảng dạy các lớp học do cơ quan
có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho các trường thực hiện; còn khi được mời giảng dạy
tại các lớp học khác vẫn được hưởng theo chế độ qui định nêu trên.
2.1.2. Chi phí cho
việc đi lại, bố trí nơi ở cho giảng viên.
Trong trường hợp
không có điều kiện bố trí chỗ nghỉ cho giảng viên, cơ quan tổ chức lớp học phải
thuê ngoài thì được chi với mức chi không quá mức chi được qui định tại Thông
tư số 94/1998/TT-BTC ngày 30/6/1998 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác
phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước.
2.2. Chi hỗ trợ một
phần tiền ăn, ở cho học viên ở xa: thực hiện theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ một phần
tiền ăn ở cho học viên ở xa đối với đối tượng là cán bộ chủ chốt hợp tác xã,
không áp dụng đối với đối tượng là cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của hợp tác xã
phi nông nghiệp (chỉ hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo bồi dưỡng theo mức chi nêu
trên). Đối với học viên ở xa được hỗ trợ tiền ăn và tiền ở; đối với học viên ở
gần chỉ hỗ trợ tiền ăn. Việc xác định đối tượng hỗ trợ ở xa là cán bộ chủ chốt
hợp tác xã được hỗ trợ tiền ở và mức hỗ trợ tiền ăn, ở thực hiện theo Thông tư
số 74/1999/TT-BTC ngày 14/6/1999 của Bộ Tài chính quy định về chế độ công tác
phí đối với cán bộ xã.
2.3. Chi biên soạn
giáo trình và in ấn tài liệu:
- Mức chi biên soạn
chương trình, viết giáo trình được áp dụng theo mức chi biên soạn chương trình,
viết giáo trình cho các ngành đào tạo Trung học chuyên nghiệp được quy định tại
tiết b-điểm 2.3-Mục 2- Thông tư số 87/2001/TT-BTC ngày 30/10/2001 của Bộ Tài
chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình khung cho các ngành đào
tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và biên soạn chương trình, giáo
trình các môn học.
- Chi mua, in ấn
tài liệu: Thực hiện theo qui định chi tiêu tài chính hiện hành, chỉ mua và in ấn
tài liệu thông thường trực tiếp phục vụ nội dung học tập, không bao gồm tài liệu
tham khảo.
III. LẬP DỰ TOÁN, CHẤP HÀNH VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ
Công tác lập dự
toán, chấp hành và quyết toán ngân sách thực hiện theo quy định của Luật ngân
sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Thông tư này hướng dẫn thêm một
số nội dung sau:
1. Lập dự toán:
Căn cứ vào chỉ
tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định thông
báo cho từng Bộ, cơ quan trung ương, từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương; căn cứ chế độ chi tiêu ngân sách; Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế
hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định phân bổ trong dự
toán chi ngân sách sự nghiệp giáo dục- đào tạo hàng năm của các Bộ, cơ quan
trung ương và mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa
phương để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã theo các đối
tượng, chế độ quy định tại Thông tư này.
Nguyên tắc hỗ trợ
kinh phí đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau:
- Ngân sách trung
ương thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí đối với những tỉnh miền núi, Tây nguyên
có khó khăn để thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã.
- Đối với các tỉnh,
thành phố khác: Căn cứ chỉ tiêu đào tạo cán bộ hợp tác xã do Bộ Kế hoạch và Đầu
tư hướng dẫn và khả năng cân đối của ngân sách địa phương; các tỉnh, thành phố
chủ động bố trí ngân sách để tổ chức thực hiện công tác đào tạo cán bộ hợp tác
xã đảm bảo theo kế hoạch.
Riêng năm 2004, thực
hiện bổ sung ngoài dự toán ngân sách năm 2004 đã giao cho các Bộ, cơ quan trung
ương và các tỉnh miền núi, Tây nguyên có khó khăn để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ hợp tác xã quy định tại Thông tư này.
2. Cấp phát và quản
lý kinh phí:
- Kinh phí thực hiện
Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã được hạch toán vào loại 14 khoản 12
theo chương, mục tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước.
- Kho bạc Nhà nước
thực hiện kiểm soát chi, đảm bảo việc sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
hợp tác xã đúng mục đích, đúng quy định chi tiêu tài chính hiện hành và quy định
cụ thể tại Thông tư này.
- Kinh phí thực hiện
Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã của các Bộ, cơ quan trung ương, các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổng hợp chung trong báo cáo quyết
toán chi ngân sách hàng năm; kèm theo thuyết minh cụ thể tình hình quản lý và sử
dụng kinh phí.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Hàng năm các Bộ,
cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
Liên minh Hợp tác xã có trách nhiệm tổng hợp và gửi báo cáo tình hình thực hiện
công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã, về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Đối với báo cáo 6
tháng: gửi trước ngày 31 tháng 7.
Đối với báo cáo cả
năm: gửi trước ngày 31 tháng 01 của năm sau.
2. Thông tư này có
hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện,
nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phản ánh
kịp thời về Bộ Tài chính để xử lý.