BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 20/2023/TT-BCT
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 11 năm 2023
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÁC CÔNG
VIỆC CÓ TÍNH CHẤT ĐẶC BIỆT TRONG LĨNH VỰC THĂM DÒ, KHAI THÁC DẦU KHÍ TRÊN BIỂN
Căn cứ Luật Dầu
khí số 12/2022/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
khóa XV thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Bộ luật Lao
động số 45/2019/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
khóa XIV thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 145/2020/NĐ-CP
ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện
lao động và quan hệ lao động;
Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP
ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định
về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc
có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về thời giờ làm việc, thời giờ
nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong
lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng áp dụng:
a. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, tổ chức,
cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai
thác dầu khí trên biển;
b. Người lao động làm việc trong lĩnh vực thăm dò,
khai thác dầu khí trên biển tại các công trình dầu khí trên biển.
2. Thông tư này không áp dụng đối với người lao động
thuộc các chức danh thuyền viên.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Công trình dầu khí trên biển là một công trình độc
lập hoặc một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở
sau: giàn khoan dầu khí, giàn khai thác, giàn chế biến, xử lý, phân phối dầu
khí, giàn phụ trợ, giàn bơm ép nước, tàu phục vụ dầu khí, kho chứa, kho chứa nổi,
hệ thống đường ống và tổ hợp các phương tiện máy móc, thiết bị có liên quan,
các kết cấu công trình được chế tạo, xây dựng, chôn ngầm và lắp đặt cố định hoặc
tạm thời trên vùng biển Việt Nam.
2. Phiên làm việc là khoảng thời gian làm việc của
người lao động được tính liên tục từ khi có mặt đến khi rời khỏi công trình dầu
khí trên biển, không bao gồm thời gian đi đường.
3. Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người
lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi bàn giao nhiệm vụ cho người
khác, bao gồm: thời giờ làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
Chương II
THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI
GIỜ NGHỈ NGƠI
Mục 1. Thời giờ làm việc
Điều 4. Thời giờ làm việc đối với
người lao động làm việc thường xuyên
Người lao động làm việc thường xuyên tại các công
trình dầu khí trên biển theo phiên và theo ca làm việc, cụ thể như sau:
a. Ca làm việc không quá 12 giờ trong 01 ngày;
b. Phiên làm việc tối đa là 28 ngày.
Điều 5. Thời giờ làm việc đối với
người lao động làm việc không thường xuyên
1. Thời giờ làm việc tiêu chuẩn
Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn trong 1 năm của người
lao động làm việc không thường xuyên được tính như sau:
SGLVN
|
=
|
(SNN-SNHN) x 12h
|
2
|
Trong đó: SGLVN: Số giờ làm việc chuẩn trong năm
SNN: Số ngày trong năm
SNHN: Số ngày nghỉ hàng năm của người lao động theo
quy định của Bộ luật lao động
Trường hợp người lao động chưa làm đủ 12 tháng
trong năm, số ngày trong năm (SNN) và số ngày nghỉ hàng năm (SNHN) được tính tỷ
lệ theo thời gian làm việc từ thời điểm người lao động bắt đầu làm việc cho người
sử dụng lao động trong năm đấy.
Ví dụ 1: Anh A làm việc cho Công ty Dầu khí
X liên tục từ năm 2007 đến 2023.
Số ngày nghỉ hàng năm tăng thêm tương ứng với 16
năm làm việc là 3 ngày.
Số ngày nghỉ hàng năm của anh A trong năm 2023 theo
quy định của Bộ luật lao động là: SNHN =12
+ 3 = 15 ngày
Tổng số ngày trong năm 2023: SNN = 365 ngày
Vậy số giờ làm việc chuẩn trong năm 2023 của anh A
sẽ là:
SGLVN
|
=
|
(365 - 15 x 12h
|
= 2100 giờ
|
2
|
Ví dụ 2: Anh B làm việc cho Công ty Dầu khí
Y từ ngày 01/4/2023.
Số ngày nghỉ hàng năm của anh B tại công ty Dầu khí
Y trong năm 2023 theo quy định của Bộ luật lao
động và quy định tại Điều 66, Nghị định 145/2020/NĐ-CP của
Chính phủ là:
SNHN
|
=
|
9 tháng làm việc
|
X 12 ngày = 9 ngày
|
12 tháng trong năm
|
Tổng số ngày còn lại trong năm 2023 là: SNN = 275
ngày
Vậy số giờ làm việc chuẩn trong năm 2023 của anh B
sẽ là:
SGLVN
|
=
|
(275 - 9) x 12h
|
= 1596 giờ
|
2
|
2. Người lao động làm việc không thường xuyên tại
các công trình dầu khí trên biển theo phiên và theo ca làm việc, cụ thể như
sau:
a. Ca làm việc không quá 12 giờ trong 01 ngày;
b. Phiên làm việc tối đa là 45 ngày.
3. Người sử dụng lao động thỏa thuận bằng văn bản
hoặc thống nhất với người lao động về ca làm việc và phiên làm việc trước khi cử
người lao động làm việc không thường xuyên trên công trình dầu khí trên biển.
4. Trong thời gian không làm việc trên công trình dầu
khí trên biển, người lao động làm việc không thường xuyên được bố trí nghỉ bù
theo quy định tại khoản 4 Điều 8 hoặc thực hiện công việc trên đất liền theo
quy định pháp luật về lao động.
5. Tổng số giờ làm việc bình thường trong năm của
người lao động làm việc không thường xuyên không được vượt quá thời giờ làm việc
tiêu chuẩn trong 01 năm quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 6. Làm thêm giờ
1. Thời gian làm việc ngoài ca làm việc hoặc ngoài
phiên làm việc quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này đối
với người lao động làm việc thường xuyên được tính là thời gian làm thêm giờ.
Thời gian làm việc ngoài ca làm việc hoặc ngoài phiên làm việc quy định tại khoản 2 Điều 5 hoặc thời gian làm việc vượt quá số giờ làm việc
tiêu chuẩn trong năm quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này
đối với người lao động làm việc không thường xuyên được tính là thời gian làm
thêm giờ.
2. Tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ
làm thêm của người lao động không quá 14 giờ/ngày; số giờ làm thêm của người
lao động không vượt quá 300 giờ/năm.
3. Việc tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của
người lao động và tuân thủ quy định tại Điều 59 và Điều 62 Nghị
định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ
luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Điều 7. Làm thêm giờ trong trường
hợp đặc biệt
1. Việc tổ chức làm thêm giờ trong trường hợp đặc
biệt tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động.
2. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm sắp xếp
cho người lao động nghỉ bù tương ứng thời gian làm thêm vào thời gian nghỉ giữa
phiên làm việc.
Trường hợp không thể sắp xếp cho người lao động nghỉ
bù thì người sử dụng lao động phải trả lương và các chế độ làm thêm giờ cho người
lao động theo quy định của pháp luật.
Mục 2. Thời giờ nghỉ ngơi
Điều 8. Thời giờ nghỉ ngơi
1. Sau mỗi ca làm việc, người lao động được bố trí
nghỉ liên tục tối thiểu 10 giờ trước khi bắt đầu ca làm việc mới.
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời
gian nghỉ giải lao giữa giờ làm việc tính vào thời giờ làm việc, trong đó tổng
thời gian nghỉ giữa giờ làm việc tối thiểu 60 phút và phải đảm bảo được nghỉ giữa
giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất
45 phút liên tục.
3. Ngoài thời gian nghỉ giữa ca làm việc, sau mỗi
phiên làm việc, người lao động làm việc thường xuyên được bố trí nghỉ liên tục
với số ngày bằng với số ngày làm việc trong phiên làm việc trước đó.
4. Người lao động làm việc không thường xuyên được
bố trí nghỉ phù hợp với tình hình công việc, theo tỷ lệ như sau:
a. Làm việc trên công trình dầu khí trên biển vào
ngày làm việc trong tuần: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù nửa ngày làm việc;
b. Làm việc trên công trình dầu khí trên biển vào
ngày nghỉ hàng tuần: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù 1 ngày làm việc;
c. Làm việc trên công trình dầu khí trên biển ngày Lễ,
Tết: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù 2 ngày làm việc.
Điều 9. Nghỉ hàng năm
Người lao động được nghỉ hàng năm, ngoài thời gian
nghỉ giữa phiên làm việc tuân thủ quy định tại Điều 113 và Điều
114 Bộ luật lao động. Trường hợp không thể bố trí nghỉ hàng năm cho người
lao động, người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc nghỉ
hàng năm vào thời gian nghỉ giữa các phiên.
Điều 10. Nghỉ Lễ, Tết; Nghỉ việc
riêng; Nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được bố trí nghỉ Lễ, Tết; nghỉ việc
riêng và nghỉ không hưởng lương theo quy định tại Điều 112 và Điều
115 Bộ luật Lao động.
2. Trường hợp ngày nghỉ Lễ, Tết trùng với phiên làm
việc, người lao động được thanh toán tiền lương làm thêm giờ phù hợp với quy định
của pháp luật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Trách nhiệm của người
sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định cụ
thể ca làm việc và phiên làm việc của người lao động trong Nội quy lao động và
thông báo cho người lao động trước khi đến làm việc theo đúng quy định của pháp
luật.
2. Hàng năm, trước ngày 15 tháng 01 báo cáo Bộ Công
Thương tình hình thực hiện Thông tư này và báo cáo đột xuất trong trường hợp có
yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25
tháng 12 năm 2023.
Thông tư này thay thế Thông tư số 24/2015/TT-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ
trưởng Bộ Công Thương quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với
lao động làm công việc đặc biệt trong thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.
2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm giám sát, kiểm
tra quá trình thực hiện các quy định tại Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề
nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết
theo thẩm quyền./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng
Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, TCCB, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Sinh Nhật Tân
|