BỘ
LAO ĐỘNG
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
12-LĐ/TT
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 5 năm 1977
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 12-LĐ/TT NGÀY 28 THÁNG 05 NĂM 1977 VỀ CỦNG
CỐ VÀ TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT LAO ĐỘNG TRONG CÁC XÍ NGHIỆP, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Hiện nay, ở khá nhiều xí nghiệp,
cơ quan Nhà nước, kỷ luật lao động thi hành chưa rõ ràng và còn luộm thuộm. Một
số chính sách, chế độ hiện hành có liên quan đến kỷ luật lao động không còn phù
hợp, trở ngại cho việc củng cố và tăng cường kỷ luật lao động;
Để đề cao kỷ luật lao động, để chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết của Đại hội
Đảng lần thứ IV, và thi hành Nghị quyết số 19-CP ngày 29 tháng 1 năm 1976 của Hội
đồng Chính phủ;
Để đề cao vị trí của người lao động, đề cao quyền tự chịu trách nhiệm của thủ
trưởng;
Căn cứ Điều 16 của Điều lệ về kỷ luật lao động được ban hành kèm theo Nghị định
số 195-CP ngày 31 tháng 12 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ giao cho Bộ trưởng Bộ
Lao động trách nhiệm ban hành nội quy về kỷ luật lao động ở xí nghiệp, cơ quan,
quy định chi tiết và hướng dẫn việc thi hành Điều lệ.
Sau khi thống nhất ý kiến với Ban tổ chức của Chính phủ, Tổng Công đoàn Việt
Nam và một số ngành có liên quan, Bộ Lao động hướng dẫn và quy định thêm.
I- NGHIÊM CHỈNH
CHẤP HÀNH NHỮNG VĂN BẢN HIỆN HÀNH VỀ CHẾ ĐỘ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG DƯỚI ĐÂY:
1- Nghị định số 195-CP ngày 31
tháng 12 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về kỷ luật lao động
trong các xí nghiệp, cơ quan của Nhà nước và Thông tư hướng dẫn số 13-TT/LB
ngày 30 tháng 8 năm 1966 của liên bộ Lao động - Nội vụ.
2- Quyết định số 119-CP ngày 19
tháng 7 năm 1969 của Hội đồng Chính phủ về một số biện pháp bảo đảm thời gian
lao động của công nhân, viên chức, và Thông tư hướng dẫn số 11-LĐ-TT ngày 22
tháng 06 năm 1969 của Bộ Lao động.
3- Nghị định số 49-CP ngày 9
tháng 4 năm 1968 của Hội đồng Chính phủ ban hành chế độ trách nhiệm vật chất của
công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước và Thông tư hướng dẫn số
128-TT/LB ngày 21 tháng 7 năm 1968 của liên bộ Tài chính - Lao động - Tổng Công
đoàn.
II- QUY ĐỊNH
CHI TIẾT THÊM
1- Cán bộ, công nhân, viên chức
phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ lao động được quy định trong Điều 1 của kỷ luật
lao động; "Thực hiện đúng định mức lao động, hoàn thành kế hoạch sản xuất,
chương trình công tác với số lượng tốt nhất". Điều này phải ghi rõ trong nội
quy về kỷ luật lao động của tổ sản xuất, của đơn vị công tác, những người có
thiếu sót còn phải ghi "sổ theo dõi công tác của người phụ trách" để
làm căn cứ cho việc xét nâng bậc, khen thưởng... Từ nay cán bộ phụ trách ở tất
cả các cấp đều có sổ theo dõi công tác của cán bộ, công nhân trực tiếp dưới quyền
của mình.
2- Những người có sai phạm dưới
đây tuỳ theo mức độ sẽ bị kiểm điểm, khiển trách cảnh cáo hay bị xử lý theo các
hình thức nặng hơn:
- Từ chối sự phân công phân nhiệm,
không thi hành chỉ thị của người chỉ huy trực tiếp và của cấp trên.
- Vi phạm nội quy an toàn kỹ thuật,
an toàn lao động sau khi đã được huấn luyện.
- Vô trách nhiệm gây tổn thất,
lãng phí tài sản và lao động; gây rối trật tự xí nghiệp, cơ quan, làm trở ngại
cho sản xuất và công tác...
3- Tất cả công nhân, viên chức
Nhà nước kể cả khu vực hành chính sự nghiệp, tự ý nghỉ việc, bỏ việc không được
phép, phân công không nhận thì nghỉ ngày nào không được trả lương ngày ấy.
Ngoài ra, tuỳ theo lỗi nặng nhẹ, đương sự còn bị xử lý theo các hình thức kỷ luật
quy định trong Điều lệ về kỷ luật lao động.
Những người đã bị khiển trách, cảnh
cáo vì bỏ việc, nghỉ việc không được phép, sau vẫn còn tái phạm thì bị buộc
thôi việc.
Trong trường hợp bỏ việc, nghỉ
việc không được phép làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới dây chuyền sản xuất, tới
tài sản của Nhà nước, tính mạng của công nhân viên chức, của nhân dân thì ngoài
kỷ luật buộc thôi việc còn có thể bị truy tố trước pháp luật.
4- Giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng
cơ quan được quyền thi hành kỷ luật công nhân, viên chức trong xí nghiệp, cơ
quan mình theo đúng chế độ phân cấp quản lý công nhân, viên chức của Nhà nước,
sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng kỷ luật (Điều 10 của Điều lệ về kỷ luật
lao động và điểm hai, mục IV trong Thông tư số 13-TT/LB ngày 30 tháng 8 năm
1966 của liên bộ Lao động - Nội vụ). Đối với những xí nghiệp liên hiệp và những
xí nghiệp có từ 1000 công nhân trở lên thì giám đốc có thể phân cấp cho quản đốc
phân xưởng thi hành kỷ luật đối với những người dưới quyền từ hình thức kỷ luật
cảnh cáo trở xuống; nhưng phải lấy ý kiến đầy đủ của Ban chấp hành công đoàn
phân xưởng trước khi quyết định.
Thời gian xử lý kỷ luật không được
để lâu quá một tháng, kể từ ngày phát hiện sai lầm. Trường hợp thật phức tạp mới
được kéo dài đến 3 tháng.
Nếu thi hành kỷ luật sai người
dưới quyền thì người phụ trách cũng bị xử lý theo các hình thức kỷ luật của Điều
lệ, trường hợp cố ý thi hành kỷ luật sai, khi phát hiện không chịu sửa, cơ quan
có thẩm quyền truy tố trước pháp luật.
5- Hội đồng kỷ luật ở cơ sở chỉ
được triệu tập để tham khảo ý kiến khi giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng cơ quan
thấy cần xử lý kỷ luật tới mức phải hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật, chuyển
đi làm việc khác, hay buộc thôi việc. Thành phần của Hội đồng kỷ luật được triệu
tập phải theo đúng quy định trong Điều 9 của Điều lệ về kỷ luật lao động, không
được mở rộng, làm mất thì giờ, ảnh hưởng đến sản xuất.
6- Những người bị thi hành kỷ luật
buộc thôi việc được trả lại sổ lao động, hộ tịch và các giấy tờ cần thiết khác.
Những người bị thi hành kỷ luật
buộc thôi việc ở nơi này vẫn được chấp nhận vào làm việc ở nơi khác nếu có đủ
điều kiện được tuyển dụng. Thời gian công tác trước khi bị thi hành kỷ luật buộc
thôi việc không tính là thời gian liên tục.
7- Công nhân viên chức đã bị thi
hành kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc, hay hạ tầng công tác (hạ bậc lương),
sau đó cấp có thẩm quyền xét lại, thấy đương sự tuy có phạm lỗi, nhưng chưa cần
xử lý đến mức buộc thôi việc, đến mức phải hạ bậc lương, được sửa lại mức kỷ luật,
được thu nhận lại làm việc hoặc được hưởng lại bậc lương cũ. Thời gian trước
khi bị kỷ luật được tính là thời gian liên tục.
Nếu đương sự bị xử lý oan (không
phạm lỗi) thì xí nghiệp, cơ quan phải thu nhận trở lại, đền bù thiệt hại bằng
100% tiền lương cấp bậc, phụ cấp khu vực và trợ cấp con (nếu có) hoặc đền bù về
chênh lệch tiền lương bị hạ trong suốt thời gian bị xử lý oan.
8- Việc giải quyết các vụ khiếu
tố về kỷ luật lao động không được kéo dài quá 3 tháng kể từ ngày nhận được đơn.
9- Những người bị xử tù án treo
là người phạm tội, không được đền bù thiệt hại. Tuỳ theo tính chất sai phạm, tuỳ
theo nhu cầu công tác, vẫn được sắp xếp việc làm thích hợp không bị buộc thôi
việc.
10- Công nhân, viên chức phạm
pháp quả tang như tham ô, cướp giựt, ăn cắp, đánh người..., phạm tội đã rõ
ràng, đương sự đã nhận, nếu bị bắt, tạm giam để chờ xét xử thì kể từ khi bị bắt
tạm giam, không được trả lương và các chế độ khác (trừ trợ cấp công đoàn).
Các trường hợp khác, nếu bị bắt,
tạm giam để chờ xét xử thì kể từ khi bị bắt, tạm giam được trả một khoản tiền bằng
50% lương (gồm lương chính và phụ cấp khu vực và toàn bộ trợ cấp con nếu có). Đối
với người độc thân không phải nuôi ai thì không trả. Khi xét xử nếu được trắng
án (do oan, không có tội), thì được trả mọi quyền lợi, được xin lỗi công khai,
được truy lĩnh đủ lương trong thời gian bị giam. Nếu khi xét xử được đình cứu,
miễn tố, miễn nghi, nhưng về nội dung vấn đề đương sự vẫn là người phạm lỗi (phạm
pháp, nhưng được miễn trách nhiệm hình sự) không phải là oan thì tuỳ theo tính
chất sai phạm của từng người, xí nghiệp, cơ quan có thể để làm việc cũ hay sắp
xếp công việc mới. Thời gian tạm giam không được truy lĩnh lương.
Những người phạm pháp quả tang,
hay phạm tội đã rõ ràng, bị bắt tạm giam, nếu xét không đủ điều kiện làm công
nhân, viên chức thì xí nghiệp, cơ quan làm thủ tục buộc thôi việc; không đợi
quyết định của toà án.
Việc trả khoản tiền bằng 50%
lương trong thời gian tạm giam và tiền đền bù thiệt hại nói trên do xí nghiệp,
cơ quan có công nhân, viên chức bị xử lý tạm chi, còn nguồn kinh phí do Bộ Tài
chính giải quyết.
III- ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Thông tư này huỷ bỏ Thông tư
18-TT-LB ngày 6 tháng 10 năm 1959 của liên bộ Lao động - Nội vụ, Thông tư số
2-TT/LB ngày 14 tháng 3 năm 1968 của liên bộ Lao động - Nội vụ, Thông tư số
11-TT/LB ngày 14 tháng 7 năm 1970 của Bộ Lao động, công văn số 955-LĐ/PC ngày 8
tháng 9 năm 1973 của Bộ Lao động; và sửa đổi điểm 1 mục IV nói về Hội đồng kỷ
luật trong Thông tư số 13-TT/LB ngày 30 tháng 8 năm 1966.
2- Tất cả các xí nghiệp, cơ quan
đều phải phổ biến cho toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức Điều lệ về kỷ luật
lao động và các Thông tư hướng dẫn về kỷ luật lao động.
3- Dựa vào mẫu nội quy ban hành
kèm theo Thông tư này, đưa ngay vào nền nếp việc xây dựng và chấp hành nội quy
kỷ luật lao động và niêm yết ở những nơi cần thiết trong xí nghiệp, cơ quan.
4- Kịp thời biểu dương khen thưởng
những người chấp hành nghiêm chỉnh, xử lý nghiêm minh những người vi phạm kỷ luật
lao động.
5- Thường xuyên tuyên truyền
giáo dục về ý thức củng cố và tăng cường kỷ luật lao động trên báo, trên đài,
trong các bản tin và báo tường ở các xí nghiệp, cơ quan.
Ban hành kèm theo Thông tư
12-LĐ/TT của Bộ Lao động ngày 28 tháng 5 năm 1977
Tất cả cán bộ, công nhân, viên
chức làm việc trong xí nghiệp có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động:
1- Nhận rõ trách nhiệm của mình,
ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ trong sản xuất và công tác.
2- Tìm mọi biện pháp để hoàn
thành định mức lao động, hoàn thành kế hoạch sản xuất và chương trình công tác,
sản phẩm làm ra phải bảo đảm chất lượng tốt nhất (tức là chất lượng do Nhà nước
quy định).
3- Đến nơi làm việc và ra vào
đúng giờ. Sử dụng hết thời gian làm việc trong sản xuất, trong công tác. Không
làm việc riêng trong giờ làm việc và không làm trở ngại công việc của người
xung quanh mình.
4- Khi đến nơi làm việc và sau
ngày hay cả khi làm việc kết thúc, công nhân, viên chức có nhiệm vụ chứng minh
sự có mặt của mình ở nơi làm việc theo quy định của xí nghiệp, cơ quan đề ra,
(như lập thẻ, ghi công v. v...).
5- ở những công việc làm liên tục
theo ca, cấm công nhân, viên chức không được rời thiết bị hay địa điểm làm việc
của mình khi người làm thay chưa đến. Trường hợp hết giờ làm việc mà người làm
thay chưa đến, công nhân, viên chức phải báo cho người phụ trách biết để chỉ định
người khác làm thay.
6- Trong giờ làm việc không được
tiếp khách riêng, không được ra khỏi xí nghiệp. Trường hợp đặc biệt cần thiết
phải được phép của người phụ trách trực tiếp và theo đúng thủ tục của xí nghiệp
quy định. Không được tự ý bỏ việc.
7- Thi hành nghiêm chỉnh đúng thời
hạn những nhiệm vụ của cấp trên giao. Gặp khó khăn, trở ngại phải báo cáo xin
chỉ thị kịp thời.
8- Chấp hành đầy đủ những quy
trình về công nghiệp, quy phạm về kỹ thuật sản xuất và an toàn lao động, quy phạm
về phòng hoả, giữ gìn trật tự và vệ sinh nơi làm việc.
9- Giữ gìn bí mật, bảo vệ của
công, bảo vệ máy móc, sử dụng tiết kiệm dụng cụ, vật liệu và các trang bị bảo hộ
lao động do xí nghiệp giao.
10- Cố gắng học tập nâng cao
trình độ chính trị, văn hoá, nghiệp vụ và kỹ thuật.
11- Đối với cán bộ, nhân viên phục
vụ sản xuất và đời sống phải lấy mục tiêu phục vụ là đẩy mạnh sản xuất giúp cho
giám đốc, thủ trưởng đơn vị có những quyết định chính xác về sản xuất, quản lý
đời sống đồng thời phải có chương trình thực hiện đầy đủ các quyết định ấy.
12- Đối với cán bộ công nhân
viên phục vụ phải có chương trình công tác. Phải thi hành đúng thời hạn những
nhiệm vụ của giám đốc và thủ trưởng đơn vị giao. Gặp khó khăn phải báo cáo, xin
chỉ thị kịp thời.
13- Lấy tổ sản xuất làm nơi phục
vụ sản xuất hàng ngày và là nơi thực nghiệm để nâng cao công tác nghiệp vụ và
năng lực quản lý của mình. Khi tiến hành công tác phải phối hợp chặt chẽ với
nhau để tránh gây trở ngại cho nhau. Bỏ bớt giấy tờ và thủ tục phiền phức làm mất
thời gian sản xuất, công tác.
14- Mỗi phòng ban ở cơ sở phải
có sổ công tác, sổ ghi chép ngày công. Căn cứ nghiệp vụ, từng thời kỳ kiểm điểm
việc thực hiện.
Để tạo cho công nhân viên chức
có đủ điều kiện chấp hành tốt kỷ luật lao động, cán bộ lãnh đạo xí nghiệp phải
gương mẫu thực hiện những điều kể trên.
15- Tổ chức hợp lý lao động của
công nhân, viên chức để tận dụng khả năng nghề nghiệp của mỗi người.
16- Khi giao công việc phải rõ
và đầy đủ nội dung nhiệm vụ công tác, đảm bảo đủ dụng cụ, vật liệu và phụ tùng
thay thế, tạo điều kiện cho công nhân,
viên chức sản xuất, công tác
liên tục.
17- Tạo mọi điều kiện để tăng
năng suất lao động, chấp hành đầy đủ các chế độ, thể lệ về quản lý xí nghiệp, về
lao động tiền lương, phát triển phong trào thi đua, phổ biến và hướng dẫn áp dụng
rộng rãi những kinh nghiệm liên tiến, những sáng kiến của công nhân, áp dụng các
tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình công nghệ mới, cơ khí hoá những công việc nặng
nhọc.
18- Hướng dẫn công nhân, viên chức
nắm được những quy trình công nghệ, quy phạm về kỹ thuật sản xuất và an toàn
lao động, về vệ sinh công nghiệp trong phạm vi công tác của mỗi người và cung cấp
trang bị bảo hộ lao động để đề phòng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
19- Cung cấp các phương tiện kiểm
tra việc đến làm việc và ra về của công nhân, viên chức. Bên cạnh các chỗ kiểm
tra phải có đồng hồ chạy đúng giờ. Quản đốc phân xưởng, trưởng phòng nghiệp vụ,
tổ trưởng sản xuất hàng ngày phải kiểm tra việc thống kê tình hình đến làm việc
và ra về của công nhân, viên chức.
20- Trong giờ làm việc không được
triệu tập các cuộc họp để thảo luận hoặc tiến hành các hoạt động xã hội (trừ những
Hội nghị do luật lệ cho phép). Không được huy động công nhân, viên chức đi làm
công việc ngoài nhiệm vụ thường xuyên (trừ trường hợp có lệnh đặc biệt).
21- Cấp phát tiền lương đúng thời
hạn đã quy định, thi hành các biện pháp cải thiện điều kiện sinh hoạt vật chất
và văn hoá của công nhân, viên chức ; chú ý giải quyết những yêu cầu nguyện vọng
chính đáng của mọi người.
22- Tổ chức học tập chính trị,
văn hoá, bổ túc nghề nghiệp và chuyên môn cho công nhân, viên chức.
23- Tôn trọng và phát huy quyền
làm chủ tập thể, thường xuyên giáo dục công nhân, viên chức nâng cao ý thức bảo
vệ của công, thực hiện tiết kiệm, đề cao cảnh giác cách mạng, giữ gìn bí mật
Nhà nước.
24- Cán bộ lãnh đạo cũng như
công nhân, viên chức, người nào có thành tích trong việc chấp hành kỷ luật lao
động sẽ được khen thưởng theo chế độ khen thưởng chung của Nhà nước.
Người nào vi phạm kỷ luật lao động
sẽ bị xử lý theo các hình thức kỷ luật đã quy định trong Điều lệ về kỷ luật lao
động và Thông tư hướng dẫn này.