BỘ
Y TẾ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
12-BYT/TT
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1988
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ Y TẾ SỐ 12-BYT/TT NGÀY 26-4-1988 HƯỚNG
DẪN ỨNG DỤNG BẢN DANH MỤC SỐ II CÁC CHỨC DANH ĐẦY ĐỦ CỦA VIÊN CHỨC CHUYÊN MÔN KỸ
THUẬT THUỘC NHÓM 7 LÀM CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA NGÀNH
Y TẾ TẠI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ, CÁC SỞ Y TẾ TỈNH, THÀNH PHỐ, ĐẶC
KHU TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ Y TẾ CÁC NGÀNH
Căn cứ vào Chỉ
thị số 124-HĐBT ngày 7-11-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về việc uỷ nhiệm cho Bộ
trưởng Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) kiêm Trưởng Tiểu
ban danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ, viên chức thuộc Hội đồng Bộ trưởng được
phép ban hành các bản danh mục của các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan
khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng cũng như của Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố
và đặc khu trực thuộc Trung ương.
Ngày 3-3-1988 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiêm Trưởng Tiểu
ban danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức thuộc Hội đồng Bộ trưởng đã ra
Quyết định số 61-LĐTBXH/QĐ ban hành bản danh mục số II các chức danh đầy đủ của
viên chức làm công tác nghiên cứu nghiệp vụ quản lý Nhà nước của ngành Y tế.
Do vậy, bản danh mục này có cơ sở pháp lý và được áp dụng cho tất cả các cơ
quan, đơn vị thuộc ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương và Y tế các ngành.
Để thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 22-7-1986 của Bộ Chính trị và Quyết
định số 227-HĐBT ngày 29-12-1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc kiện toàn tổ chức,
tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực của bộ máy, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ
kinh tế, xã hội và làm căn cứ xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ cho viên chức thuộc
nhóm 7 của ngành Y tế nhằm phục vụ cho việc triển khai các nghị quyết trên.
Bản danh mục số II là kế tiếp sau bản danh mục số I làm cơ sở để:
- Cải tiến tổ chức, hợp lý hoá tổ
chức làm cho bộ máy gọn nhẹ và có hiệu lực.
- Tiến hành tinh giản bộ máy, giảm
nhẹ biên chế, cải tiến chế độ làm việc cho tất cả các cơ sở Y tế trong toàn
ngành.
- Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng,
tuyển chọn, bố trí tiếp nhận các cán bộ nghiên cứu nghiệp vụ quản lý của các cơ
sở đúng với chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ.
Bản danh mục số II các chức danh
đầy đủ của viên chức ngành Y tế bao gồm 137 chức danh đầy đủ là bản chức danh của
viên chức ngành Y tế trong đó:
Loại A: Là viên chức lãnh đạo quản
lý.
- Nhóm 9: 9 chức danh đầy đủ.
- Nhóm 8: 20 chức danh đầy đủ.
Loại B: Là viên chức chuyên môn
kỹ thuật làm công tác nghiên cứu nghiệp vụ quản lý.
- Nhóm 7: 100 chức danh đầy đủ.
- Nhóm 3: 6 chức danh đầy đủ.
Loại C: Là viên chức thực hành
nghiệp vụ và kỹ thuật
- Nhóm 1: 2 chức danh đầy đủ.
Căn cứ vào Quyết định số
61-LĐTBXH/QĐ ngày 3-3-1988 và tinh thần nội dung nêu trên, Bộ Y tế hướng dẫn cụ
thể việc ứng dụng các chức danh đầy đủ đã được duyệt cho toàn ngành, đồng thời
để thống nhất tên gọi cho đúng với chức danh như sau:
1. Theo quy định
của Nhà nước thì những cán bộ tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp đã hết thời
gian tập sự, hiện làm công tác nghiên cứu nghiệp vụ quản lý ở các phòng chức
năng của tất cả các cơ sở y tế trong toàn ngành và các vụ, ban, văn phòng thuộc
cơ quan Bộ Y tế đều gọi là cán sự. Tất cả các cán bộ tốt nghiệp đại học đã hết
thời gian tập sự bất kỳ là đại học gì mà hiện làm công tác nghiên cứu nghiệp vụ
quản lý ở các phòng chức năng của các cơ sở hoặc ở các vụ, ban và văn phòng thuộc
cơ quan Bộ đều gọi là chuyên viên, còn những viên chức không được đào tạo thì từ
nay thống nhất gọi là nhân viên.
2. Riêng đối với
những viên chức tuy không được đào tạo, mà đã có quá trình cống hiến và đang đảm
nhiệm một nội dung công việc, một phần việc hoặc một lĩnh vực nghiên cứu nghiệp
vụ quản lý của các phòng chức năng của các cơ sở hoặc ở các vụ, ban, văn phòng
thuộc cơ quan Bộ, thì Bộ Y tế sẽ nghiên cứu đề xuất với Nhà nước, để Nhà nước
cân đối và ban hành các chức danh đó sao cho phù hợp với những tài năng cống hiến
và tương xứng với trình độ của các viên chức nghiên cứu nghiệp vụ quản lý Nhà
nước có đào tạo.
3. Trong khi
xây dựng chức danh đầy đủ cho hệ thống chức vụ của viên chức chuyên môn kỹ thuật
làm công tác nghiên cứu nghiệp vụ quản lý Nhà nước, Bộ Y tế đã chú ý xây dựng từ
thấp đến cao theo cấp trình độ của từng nghiệp vụ chuyên môn trong ngành Y tế,
đồng thời thống nhất dùng từ ngữ để phân biệt chức vụ và độ phức tạp của nội
dung công việc quản lý để phân biệt cấp trình độ mà không dùng bằng cấp và học
vị vào các chức danh đầy đủ của viên chức làm nghiệp vụ quản lý Nhà nước và các
viên chức làm ở các bộ phận cấu thành của các cơ sở quản lý sự nghiệp, các cơ sở
sản xuất kinh doanh. Vì vậy, khi ứng dụng chức danh vào bộ máy các đơn vị trực
thuộc Bộ, các Sở Y tế tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương cần lưu
ý độ phức tạp của nội dung công việc quản lý để phân biệt cấp trình độ cho phù
hợp.
4. Quá trình
xây dựng bản danh mục số II. Bộ đã tiến hành khảo sát nội dung lao động và sản
phẩm tạo thành cũng như độ phức tạp của nội dung lao động đã hợp lý hoá giao
cho từng viên chức, mà phân hệ thống chức vụ viên chức làm nghiệp vụ quản lý
thành 4 cấp trình độ sau:
- Cán sự. - Chuyên viên.
- Chuyên viên chính. - Chuyên
viên cấp cao.
Như vậy việc đổi tên một viên chức
không chỉ là thay đổi về hình thức bên ngoài mà đó chính là thay đổi toàn bộ
phương pháp quản lý cũ bằng phương pháp quản lý khoa học, gắn con người với tổ
chức, gắn tổ chức được kiện toàn với lĩnh vực quản lý và phương pháp làm việc mới.
5. Theo cấp
trình độ được xác định như trên thì mỗi một chức danh mới đều phải mang đầy đủ
một lĩnh vực quản lý và nội dung lao động, nghĩa là phải xác định rõ chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và sản phẩm tạo thành, hay nói một cách khác
là phải xác định rõ lĩnh vực quản lý, nội dung công việc quản lý đã hợp lý hoá
giao cho từng viên chức, để cho từng viên chức xây dựng lấy quy trình làm việc
của mình tạo ra sản phẩm và cũng từ đó phấn đấu nâng cao trình độ nghiệp vụ,
tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, phát huy sáng tạo, trên cơ sở đạt được như
trên sẽ có chính sách đãi ngộ về tinh thần và vật chất xứng đáng với tài năng
và cống hiến của mỗi viên chức. Do đó, mà điểm dừng của các chức danh đầy đủ của
hệ viên chức trong bản danh mục số II là lĩnh vực quản lý. Chính vì những lý do
trên mà tên gọi của những chức danh đầy đủ của viên chức làm công tác nghiệp vụ
quản lý từ nay thống nhất gọi tên như sau:
Ví dụ 1: Lĩnh vực tổ chức thiết
kế bộ máy có các chức danh đầy đủ sau:
- Cán sự tổ chức thiết kế bộ
máy.
- Chuyên viên tổ chức thiết kế bộ
máy.
- Chuyên viên chính tổ chức thiết
kế bộ máy.
- Chuyên viên cấp cao tổ chức
thiết kế bộ máy.
Ví dụ 2: Lĩnh vực kế toán có các
chức danh sau:
- Cán sự kế toán Y tế.
- Chuyên viên kế toán Y tế.
- Chuyên viên chính kế toán Y tế.
- Chuyên viên cấp cao kế toán Y
tế.
Ví dụ 3: Lĩnh vực phòng bệnh, chữa
bệnh có các chức danh sau:
- Cán sự phòng bệnh, chữa bệnh.
- Chuyên viên phòng bệnh, chữa bệnh.
- Chuyên viên chính phòng bệnh,
chữa bệnh.
- Chuyên viên cấp cao phòng bệnh,
chữa bệnh.
Ví dụ 4: Lĩnh vực phòng, chống dịch
có những chức danh sau đây:
- Cán sự phòng, chống dịch.
- Chuyên viên phòng, chống dịch.
- Chuyên viên chính phòng, chống
dịch.
- Chuyên viên cấp cao phòng, chống
dịch.
Ví dụ 5: Lĩnh vực Y học dân tộc
có những chức danh sau:
- Cán sự Y học dân tộc.
- Chuyên viên Y học dân tộc.
- Chuyên viên chính Y học dân tộc.
- Chuyên viên cấp cao Y học dân
tộc.
6. Căn cứ vào bản
danh mục số II và bản hướng dẫn ứng dụng các chức danh này, cơ quan Bộ Y tế,
các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung
ương và Y tế ở các ngành nghiên cứu tổ chức học tập và ứng dụng cho tất cả các
viên chức của đơn vị mình.
Khi tổ chức học tập thủ trưởng
đơn vị cần làm cho mỗi viên chức hiểu rõ nội dung lao động và nghiệp vụ của mỗi
chức danh, để sau khi học tập ứng dụng các chức danh đầy đủ, thì mỗi viên chức
phải xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và sản phẩm tạo
thành của mỗi chức danh.
Trong quá trình này, thủ trưởng
đơn vị cần triển khai việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của
các bộ phận cấu thành của đơn vị mình (các vụ, ban, văn phòng thuộc cơ quan Bộ,
các phòng chức năng kế cận của tất cả các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa
phương và y tế các ngành) theo trình tự như sau: xem xét chức năng, nhiệm vụ
nào còn trùng lặp, chồng chéo, hoặc chức năng, nhiệm vụ nào còn bỏ sót hay
không. Nếu có:
- Trước hết là trả những chức
năng, nhiệm vụ còn chồng chéo của vụ, ban nào về vụ, ban đó (nếu thuộc cơ quan
Bộ) và trả những chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo của phòng nào về phòng đó
(nếu là cơ sở y tế trong ngành).
- Bổ sung những chức năng, nhiệm
vụ còn thiếu.
- Từng vụ, ban hoặc từng phòng tự
kê khai những nội dung lao động đã và đang làm, rồi tổ chức hội thảo có mời đại
diện của các tổ chức có liên quan và cấp trên đến dự để tham gia và bổ sung cho
hoàn chỉnh.
- Trên cơ sở đó tiến hành nghiên
cứu hợp lý hoá về tổ chức và báo cáo với cấp trên trực tiếp có thẩm quyền, đồng
thời báo cáo với Bộ những kiến nghị bổ sung hoặc sửa đổi về mặt tổ chức của đơn
vị nếu có.
- Dựa trên tổ chức đã hợp lý
hoá, gồm có bao nhiêu nội dung lao động mà tiến hành hợp lý hoá các nội dung
lao động đó giao cho từng viên chức đảm nhiệm. Tuỳ theo độ phức tạp của nội
dung lao động và trình độ của viên chức, mà lãnh đạo các vụ, ban, văn phòng hoặc
lãnh đạo các phòng có thể giao từ 2 đến 3 nội dung lao động cho một viên chức,
hoặc chỉ có một nội dung lao động mà phải giao cho từ 2 đến 3 viên chức đảm nhiệm.
- Từng viên chức dựa trên nội
dung lao động được giao mà tính ra khối lượng công việc phải làm và dự kiến thời
gian hoàn thành từng khối lượng công việc đó.
- Các đồng chí lãnh đạo các bộ
phận cấu thành của bộ máy dựa vào cơ cấu mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định
mà điều hành.
7. Sau khi ứng
dụng chức danh và sắp xếp viên chức vào đúng chức danh, Bộ Y tế sẽ gửi tiêu chuẩn
nghiệp vụ của cán sự , chuyên viên, chuyên viên chính, và chuyên viên cấp cao,
để các đơn vị tiến hành tổ chức cho từng viên chức học tập tiêu chuẩn, trên cơ
sở đó mà đơn vị tiến hành giám định chức danh nào đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ và
chức danh nào không đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ, để có những chế độ, chính sách
thích đáng với từng loại chức danh.
Việc sắp xếp, giao nhiệm vụ theo
đúng chức danh và việc chính thức công nhận chức danh đó đạt tiêu chuẩn nghiệp
vụ là hai việc khác nhau. Việc sắp xếp, giao nhiệm vụ theo đúng chức danh là
căn cứ vào yêu cầu và nội dung lao động cũng như trình độ và khả năng của cán bộ
hiện có, cho nên nhất định sẽ có những viên chức đạt chức danh và tiêu chuẩn,
nhưng cũng có những viên chức chưa đạt chức danh và tiêu chuẩn, hoặc cũng có những
viên chức còn phải phấn đấu trong một thời gian nhất định để vươn lên đạt chức
danh và tiêu chuẩn. Còn việc chính thức công nhận chức danh đạt tiêu chuẩn thì
chỉ khi nào viên chức đó đã thực sự tổ chức làm việc tốt với nội dung công việc
được giao đúng với tiêu chuẩn đã ban hành và được Hội đồng giám định chức danh
đạt tiêu chuẩn xác nhận là viên chức đó đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ, lúc đó mới đề
nghị thủ trưởng đơn vị ra quyết định công nhận chức danh đạt tiêu chuẩn theo
phân cấp quản lý cán bộ đã quy định.
8. Bản danh mục
số II các chức danh đầy đủ của viên chức làm công tác nghiên cứu nghiệp vụ quản
lý Nhà nước ban hành lần này mới chỉ là những viên chức thuộc nhóm 7 (cán sự,
chuyên viên các cấp) còn một số chức danh của một số tổ chức sản xuất, kinh
doanh chưa được ban hành lần này, thì các tổ chức đó cần phải tiến hành rà xét
lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của đơn vị mình và báo cáo về Bộ, để
Bộ xem xét và nghiên cứu xây dựng các chức danh cho hệ sản xuất, kinh doanh,
trình Nhà nước duyệt và sẽ ban hành các chức danh đó vào bản danh mục số III.
9. Để giữ vững
kỷ cương và pháp luật của Nhà nước, từ nay tên gọi các tổ chức cũng như tên gọi
các chức vụ của viên chức ngành Y tế trong bản danh mục số II đều phải thống nhất
tên gọi theo đúng Quyết định số 61-LĐTBXH/QĐ ngày 3-3-1988 của Bộ trưởng Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội kiêm trưởng Tiểu ban danh mục và tiêu chuẩn nghiệp
vụ viên chức thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Các công văn, giấy tờ từ nay không dùng
các chức danh cũ như cán sự 1 đến cán sự 6 và chuyên viên 1 đến chuyên viên 9.
Đơn vị nào sử dụng chưa đúng phải
kịp thời sửa lại theo đúng quy định của Quyết định nói trên.
Để đạt được những kết quả trên
đây là cả một việc làm khó khăn, phức tạp và mới mẻ về công tác chấn chỉnh tổ
chức, chuyển đổi cơ chế quản lý, cải tiến lề lối làm việc, nếu đơn vị nào thấy
có vấn đề gì chưa rõ thì báo cáo về Bộ để Bộ cử cán bộ xuống giúp đỡ hoặc hướng
dẫn thêm.