BỘ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 11/2002/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 06 năm 2002
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 41/2002/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM
2002 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG DÔI DƯ DO SẮP XẾP LẠI DOANH
NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Thực hiện Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11
tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp
lại doanh nghiệp Nhà nước (sau đây viết tắt là Nghị định số 41/2002/NĐ-CP), sau
khi có ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan và Tổng Liên đoàn lao động Việt
Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:
I- PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
ÁP DỤNG
1- Phạm vi áp dụng là doanh nghiệp Nhà nước
theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP , bao gồm:
a) Doanh nghiệp thực
hiện cơ cấu lại theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật lao động, gồm:
- Doanh nghiệp giữ 100% vốn Nhà nước;
- Công ty cổ phần được chuyển từ doanh nghiệp
Nhà nước có phương án cơ cấu lại được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận
trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kiểm tra theo
Luật doanh nghiệp.
b) Doanh nghiệp Nhà
nước thực hiện cơ cấu lại theo các hình thức chuyển đổi, gồm:
- Doanh nghiệp Nhà nước chuyển thành Công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
- Doanh nghiệp Nhà nước chuyển thành Công ty
cổ phần;
- Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sáp nhập,
hợp nhất;
- Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện giao, bán,
khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp.
c) Doanh nghiệp Nhà nước bị giải thể, phá
sản.
2- Các doanh nghiệp
thực hiện các biện pháp cơ cấu lại theo quy định tại tiết a, tiết b, điểm 1 nêu
trên được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận phương án
cơ cấu lại trong giai đoạn từ ngày 26/4/2002 (thời điểm có hiệu lực thi hành
Nghị định số 41/2002/NĐ-CP) đến hết ngày 31/12/2005, các doanh nghiệp bị tuyên
bố phá sản, quyết định giải thể trong giai đoạn từ ngày 26/4/2002 đến hết ngày
31/12/2005.
3- Cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp là cơ quan có thẩm
quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất; quyết định chuyển
đổi và đa dạng hoá sở hữu, quản lý, được thực hiện theo quy định hiện hành. Đối
với doanh nghiệp bị giải thể, phá sản không duyệt phương án cơ cấu lại mà căn
cứ quyết định giải thể hoặc tuyên bố phá sản doanh nghiệp của cơ quan có thẩm
quyền.
Riêng đối với Công ty cổ phần được chuyển đổi
từ doanh nghiệp Nhà nước có thời gian hoạt động không quá 12 tháng kể từ ngày
được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp do Hội đồng
quản trị Công ty quyết định phương án cơ cấu lại theo Điều lệ của Công ty và có
xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chuyển doanh nghiệp
Nhà nước thành Công ty cổ phần.
4- Người lao động dôi
dư thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị
định số 41/2002/NĐ-CP bao gồm cả người lao động dôi dư
được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 30/8/1990 (thời điểm
có hiệu lực thi hành Pháp lệnh hợp đồng lao động) nhưng cho đến tại thời điểm
sắp xếp lại vẫn chưa thực hiện ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản.
5- Người lao động có
tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp quy định tại điểm b, khoản 1 Điều
2 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP là người lao động được
tuyển dụng vào làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn
hoặc xác định thời hạn từ 1 đến 3 năm mà tại thời điểm sắp xếp lại doanh
nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động chưa chấm dứt hợp đồng lao
động theo quy định của pháp luật lao động.
II- CHÍNH SÁCH ĐỐI
VỚI LAO ĐỘNG DÔI DƯ
1- Chính sách đối với người lao động dôi dư
đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Điều 3
Nghị định số 41/2002/NĐ-CP quy định như sau:
a) Người lao động đủ
55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ,
có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên được nghỉ hưu, không phải
trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi theo quy định của Điều lệ bảo hiểm
xã hội, ngoài ra còn được hưởng thêm các khoản trợ cấp sau:
a.1) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cấp
bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) đang hưởng cho mỗi năm (đủ 12 tháng) nghỉ
hưu trước tuổi. Trường hợp có tháng lẻ được tính trợ cấp như sau:
+ Nếu đủ 6 tháng trở xuống được trợ cấp 01
tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có).
+ Nếu trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được trợ
cấp 02 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có).
a.2) Trợ cấp 05 tháng tiền lương cấp bậc,
chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) đang hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo
hiểm xã hội.
a.3) Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công
tác có đóng bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cấp bậc,
chức vụ, phụ cấp lương (nếu có). Trường hợp có tháng lẻ được tính theo nguyên
tắc trên 6 tháng được tính là một năm, đủ 6 tháng trở xuống không được tính.
Tiền lương và các khoản phụ cấp lương để thực
hiện chính sách theo quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP là tiền lương cấp
bậc, chức vụ và phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993
của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp,
Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền
lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang
và tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm nghỉ việc. Trường
hợp người lao động chưa chuyển xếp lương thì thực hiện chuyển xếp lương theo
quy định tại các Nghị định nêu trên.
Các khoản phụ cấp được tính (nếu có) bao gồm:
Phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A công nhân sửa chữa
ô tô, tại thời điểm nghỉ việc đã đủ 56 tuổi 4 tháng; có thời gian đóng bảo hiểm
xã hội là 25 năm 8 tháng; hệ số lương cấp bậc đang hưởng 2,84 (bậc 6, nhóm mức
lương II, thuộc thang lương A.1 cơ khí, điện, điện tử tin học); phụ cấp
khu vực 0,5; tiền lương tối thiểu 210.000 đồng/tháng. Ông A được hưởng chế độ
như sau:
+ Tỷ lệ % được hưởng lương hưu:
- 15 năm đầu tính bằng 45%.
- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 25 được tính thêm
mỗi năm 2% là 20%
(10 năm x 2% = 20%).
- Tỷ lệ % hưởng lương hưu là 65% (45% + 20%).
+ Tiền trợ cấp do về hưu trước tuổi:
- Tiền lương cấp bậc và phụ cấp lương 1
tháng:
210.000 đồng x (2,84
+ 0,5) = 701.400 đồng
- Số tháng lương được hưởng chế độ trợ cấp:
Nghỉ hưu trước tuổi 3 năm 8 tháng:
(3 năm x 3 tháng/năm + 2 tháng) = 11 tháng
Có 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã
hội = 5 tháng
Từ năm thứ 21 trở đi có đóng bảo hiểm xã hội
= 3 tháng
(5 năm 8 tháng tính thành 6 năm x 1/2)
-----------------------
Cộng: 19 tháng
- Số tiền được nhận trợ cấp: 13.326.600 đồng
(701.400 đồng/tháng x
19 tháng)
b) Người lao động đủ
tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động, nhưng còn thiếu thời gian
đóng bảo hiểm xã hội tối đa một năm (12 tháng), thì được Nhà nước hỗ trợ kinh
phí đóng tiếp bảo hiểm xã hội một lần cho những tháng còn thiếu với mức 15%
tiền lương tháng tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu và giải quyết nghỉ hưu theo chế
độ hiện hành, bao gồm các trường hợp sau:
b.1) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có thời
gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 14 năm đến dưới 15 năm.
Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn B công nhân giao nhận
sản phẩm tại thời điểm nghỉ việc đã đủ 60 tuổi, có đủ 14 năm đóng bảo hiểm xã
hội; hệ số tiền lương đang hưởng 2,73 (bậc 6, nhóm mức lương I, tháng lương
A.15 chế biến lương thực, thực phẩm); tiền lương tối thiểu 210.000 đồng/tháng.
Ông B được Nhà nước hỗ trợ đóng tiếp bảo hiểm xã hội một lần cho 12 tháng với
mức 15% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội một hàng tháng và làm thủ
tục giải quyết chế độ nghỉ hưu theo quy định hiện hành.
+ Tiền lương một tháng làm căn cứ đóng bảo
hiểm xã hội:
210.000 đồng x 2,73 = 573.300 đồng
+ Tiền bảo hiểm xã hội đóng một lần:
(573.300
đồng x 15%) x 12 tháng = 1.031.940 đồng.
+ Tỷ lệ % lương hưu được hưởng là 45% (có 15
năm đóng bảo hiểm xã hội).
b.2) Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, có đủ 15
năm làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại hoặc đủ 15 năm làm việc ở nơi có
phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên hoặc đủ 10 năm công tác thực tế ở chiến
trường B, C trước ngày 30/4/1975, chiến trường K trước ngày
31/8/1981 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 19 năm đến dưới 20 năm.
Ví dụ 3: Ông Nguyễn Văn C công nhân nấu bếp
tại thời điểm nghỉ việc đã đủ 55 tuổi; có đủ 19 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã
hội; hệ số tiền lương đang hưởng 2,07 (bậc 5, nhóm mức lương II, thang lương
A.20 ăn uống), tiền lương tối thiểu 210.000 đồng/tháng. Ông C được Nhà nước hỗ
trợ kinh phí đóng tiếp bảo hiểm xã hội một lần cho 6 tháng với mức 15% tiền
lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng và làm thủ tục giải quyết chế
độ nghỉ hưu theo quy định hiện hành.
- Tiền lương một tháng làm căn cứ đóng bảo
hiểm xã hội:
210.000 đồng x 2,07 = 434.700 đồng
- Tiền đóng bảo hiểm xã hội đóng một lần:
(434.700 đông x 15%) x 6 tháng = 391.230
đồng.
- Tỷ lệ % tính lương hưu là 15 năm đầu tính
bằng 45%.
Từ năm thứ 16 đến năm thứ 20 được tính thêm
là 10%.
(5 năm, mỗi năm 2%; 5 năm x 2%)
Tỷ lệ % lương hưu là 55% (45% + 10%).
b.3) Nam đủ 50 tuổi,
nữ đủ 45 tuổi có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 19 năm đến dưới 20 năm mà bị
suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
b.4) Người lao động
(không phụ thuộc vào tuổi đời) có ít nhất 15 làm nghề hoặc công việc đặc biệt
nặng nhọc, đặc biệt độc hại đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 19 năm đến dưới 20 năm
mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
c) Người lao động dôi
dư không thuộc đối tượng quy định tại tiết a và tiết b, điểm 1 nêu trên, thực
hiện chấm dứt hợp đồng lao động và hưởng chế độ như sau:
c.1) Trợ cấp mất việc làm được tính theo thời
gian thực tế làm việc trong khu vực Nhà nước, cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được trợ
cấp 01 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lưong (nếu có) đang hưởng
nhưng thấp nhất cũng bằng 02 tháng tiền lương, phụ cấp lương đang hưởng.
c.2) Được trợ cấp thêm 01 tháng tiền lương
cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) đang hưởng cho mỗi năm đủ 12 tháng)
thực tế làm việc trong khu vực Nhà nước và được trợ cấp một lần với mức 5 (năm)
triệu đồng.
Thời gian thực tế làm việc trong khu vực Nhà
nước là thời gian người lao động thực tế làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước, cơ
quan, đơn vị thuộc khu vực Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (được
hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước) được tính đến thời điểm có quyết định
cho người lao động nghỉ việc do cơ cấu lại hoặc chuyển đổi sở hữu, quản lý.
Riêng đối với Công ty cổ phần được chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước theo quy
định tại tiết a điểm 1 mục I của Thông tư này thì thời gian thực tế làm việc
trong khu vực Nhà nước tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh theo Luật Doanh nghiệp. Thời gian thực tế làm việc trong khu vực Nhà nước
không bao gồm thời gian người lao động đã nhận trợ cấp mất việc làm, trợ cấp
thôi việc, hưởng chế độ xuất ngũ hoặc phục viên.
Nếu thời gian thực tế làm việc trong khu vực
Nhà nước có tháng lẻ được quy định như sau:
+ Dưới 1 tháng không được tính;
+ Từ 1 tháng đến dưới 7 tháng được tính bằng
6 tháng thực tế làm việc;
+ Từ 7 tháng đến dưới 12 tháng được tính bằng
1 năm thực tế làm việc.
c.3) Ttợ cấp một lần đi tìm việc làm là 6
(sáu) tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) đang hưởng. Nếu
có nguyện vọng học nghề thì được miễn phí tối đa 6 tháng tại cơ sở dạy nghề do
Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ định.
Tiền lương và các khoản phụ cấp lương được áp
dụng theo quy định tại tiết a, điểm 1, mục II của Thông tư này.
Ví du 4: Ông Nguyễn Văn D công nhân sửa chữa
đầu tầu hoả và toa xe tại thời điểm nghỉ việc đã đủ 54 tuổi; có thời gian thực
tế làm việc trong khu vực Nhà nước là 30 năm 7 tháng; có hệ số lương 3,05 (bậc
6, nhóm mức lương III, thang lương A.1 cơ khí, điện, điện tử, tin học); tiền
lương tối thiểu 210.000 đồng/tháng. Ông D được hưởng chế độ như sau:
210.000 đồng x 3,05 =
640.500 đồng
Tiền trợ cấp mất việc làm tính theo thời gian
thực tế làm việc:
640.500đ/tháng x 31
tháng = 19.855.500 đồng.
Tiền trợ cấp thêm tính theo thời gian thực tế
làm việc:
640.500 đ/tháng x 31
tháng = 19.855.500 đồng
Tiền trợ cấp một lần: 5.000.000 đồng
Tiền trợ cấp đi tìm việc làm:
640.500 đồng/tháng x
6 tháng = 3.843.000 đồng
Tổng số tiền được nhận: 48.554.000 đồng
(19.855.500đ +
19.855.500đ + 5.000.000đ + 3.843.000đ)
Ví dụ 5: Ông Nguyễn Văn E công nhân xây dựng
đường giao thông tại thời điểm nghỉ việc đã đủ 54 tuổi có thời gian thực tế làm
việc trong khu vực Nhà nước là 27 năm 7 tháng; có hệ số lương 3,45 (bậc 7, nhóm
mức lương II, thang lương A6 xây dựng cơ bản) tiền lương tối thiểu là 210.000
đồng. Ông E đã hưởng chế độ trợ cáp mất việc làm là 15 năm. Ông E được hưởng
chế độ như sau:
Tiền lương cấp bậc và phụ cấp lương một tháng
là:
210.000 đồng x 3,45 =
724.500 đồng
Thời gian thực tế làm việc được hưởng chế độ
trợ cấp:
28 năm - 15 năm = 13
năm
Tiền trợ cấp mất việc làm tính theo thời gian
thực tế làm việc:
724.500 đồng/tháng x
13 tháng = 9.418.500 đồng
Tiền trợ cấp thêm tính theo thời gian thực tế
làm việc:
724.500 đồng/tháng x
13 tháng = 9.418.500 đồng.
Tiền trợ cấp cố định một lần là: 5.000.000
đồng
Tiền trợ cấp đi tìm việc làm:
724.500 đồng/tháng x 6 tháng = 4.347.000 đồng
Tổng số tiền được nhận: 28.184.000 đồng
(9.418.500đ +
9.418.500đ + 5.000.000đ + 4.347.000đ)
c4. Người lao động
còn thiếu tối đa 05 tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động (nam đủ 55
tuổi đến dưới 60 tuổi, nữ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi) và đã đủ 15 năm đóng bảo
hiểm xã hội trở lên mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, theo quy định
tại điểm d khoản 3 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP , nay quy định cụ thể như sau:
+ Được hưởng chính sách theo quy định tại c1,
c2 tiết c điểm 1 mục II của của Thông tư này.
+ Được đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng với
mức 15% tiền lương cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (60 tuổi đối với
nam, 55 tuổi đối với nữ) thì hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định hiện
hành.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là
tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trước thời điểm nghỉ việc, bao gồm:
Tiền lương cấp bậc chức vụ, phụ cấp chức chức vụ phụ cấp khu vực hệ số chênh
lệch bảo lưu lương được tính theo mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại
thời điểm nộp bảo hiểm xã hội.
+ Thời gian đóng tiếp bảo hiểm xã hội kể từ
ngày có quyết định nghỉ việc.
Ví dụ 6: Ông Nguyễn Văn F công nhân xây lắp
cầu tại thời điểm nghỉ việc đã đủ 57 tuổi; có thời gian thực tế làm việc trong
khu vực Nhà nước 17 năm 6 tháng; có hệ số lương 3,05 (bậc 6 nhóm mức lương III
A6 xây dựng cơ bản); phụ cấp khu vực 0,4; tiền lương tối thiểu là 210.000
đồng/tháng. Ông F thuộc đối tượng đóng tiếp bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ tuổi
nghỉ hưu (đủ 60 tuổi) được giải quyết chế độ như sau:
- Tiền trợ cấp mất việc làm:
Tiền lương cấp bậc và phụ cấp lương một
tháng:
210.000đồng x (3,05 +
0,4) = 724.500 đồng
Tiền trợ cấp mất việc làm theo thời gian thực
tế làm việc:
724.500 đồng/tháng x
17,5 tháng = 12.670.750 đồng
Tiền trợ cấp thêm tính theo thời gian thực tế
làm việc:
724.500 đồng/tháng x
17,5 tháng = 12.670.750 đồng
Tiền trợ cấp cố định một lần là: 5.000.000
đồng.
Tổng số tiền được nhận là: 30.341.500 đồng
(12.670.750đ
+12.670.750đ + 5.000.000đ)
- Ông F phải đóng tiếp bảo hiểm xã hội 3 năm
(36 tháng); mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng:
724.500 đồng x 15% =
108.675 đồng.
+ Hồ sơ, thủ tục đóng tiếp bảo hiểm xã hội
thực hiện theo hướng dẫn của bảo hiểm xã hội Việt Nam.
+ Trong thời gian tự đóng bảo hiểm xã hội,
nếu người lao động bị chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất theo quy
định hiện hành.
Trường hợp người lao động chưa đủ điều kiện
đóng tiếp bảo hiểm xã hội thì ngoài việc được được hưởng các chế độ quy định
tại c1, c2, c3 tiết c điểm 1 mục II của Thông tư này còn được bảo lưu thời gian
đã đóng bảo hiểm xã hội và được cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc được nhận trợ cấp
bảo hiểm xã hội một lần. Thủ tục, hồ sơ giải quyết được thực hiện theo quy định
hiện hành.
2. Chính sách đối với người lao động dôi dư
thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 đến 3 năm quy định tại Điều
4 của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP , nay quy định cụ thể như sau:
a. Được trợ cấp mất việc làm cứ mỗi năm thực
tế làm việc trong khu vực Nhà nước là 01 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ và
phụ cấp lương (nếu có).
b. Được trợ cấp 70% tiền lương cấp bậc, chức
vụ và phụ cấp lương (nếu có) cho những tháng còn lại chưa thực hiện hết hợp
đồng lao động đã giao kết, nhưng tối đa không quá 12 tháng
tiền lương cấp bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương được quy định tại điểm 1
mục II của Thông tư này.
Thời gian thực tế làm việc trong khu vực nhà
nước được quy định tại tiết c điểm 1 mục II của Thông tư này.
Ví dụ 7: Ông Nguyễn Văn G công nhân khai thác
cát sỏi, thực hiện giao kết hợp đồng lao động có thời hạn là 03 năm, tại thời
điểm nghỉ việc mới thực hiện hợp đồng lao dộng được 12 tháng, còn lại 24 tháng
chưa thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết, nhưng theo quy định chỉ được
hưởng tối đa 12 tháng. Vì vậy ông G chỉ được hưởng trợ cấp (70% x 12 tháng)
tiền lương cấp bậc và phụ cấp lương (nếu có).
c. Người lao động còn thiếu tối đa 5 năm tuổi
nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động (nam đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi,
nữ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đã đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà
chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, theo quy định tại Khoản 3 Điều 4
Nghị định số 41/2002/NĐ-CP , nay quy định cụ thể như sau:
+ Được hưởng chính sách theo quy định tại
tiết a, tiết b nêu trên.
+ Được đóng tiếp bảo hiểm xã hội hàng tháng
với mức 15% tiền lương cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (60 tuổi đối
với nam, 55 tuổi đối với nữ) thì hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định hiện
hành.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là
tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trước thời điểm nghỉ việc bao gồm:
Tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực, hệ số chênh lệch
bảo lưu lương được tính theo mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời
điểm nộp bảo hiểm xã hội.
+ Thời gian đóng tiếp bảo hiểm xã hội kể từ
ngày có quyết định nghỉ việc.
3. Người lao động đã nhận chế độ trợ cấp mất
việc làm nếu được tái tuyển dụng làm việc ở doanh nghiệp đã cho thôi việc hoặc
ở doanh nghiệp nhà nước khác thì phải hoàn trả số tiền trợ cấp theo quy định
tại Điều 5 Nghị định số 41/2002/NĐ CP được cụ thể như sau:
a. Người lao động được tái tuyển dụng làm
việc cho doanh nghiệp đã cho thôi việc hoặc ở các doanh nghiệp nhà nước khác
khi nộp hồ sơ tuyển dụng theo quy định hiện hành và kèm theo bản sao quyết định
nghỉ việc hưởng chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp
nhà nước và nộp lại cho người sử dụng lao động số tiền trợ cấp thêm theo quy
định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP (01
tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực và 05 triệu
đồng).
b. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thu
số tiền trợ cấp mà người lao động đã nộp để nộp về Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư
theo quy định của Bộ Tài chính..
III- NGUỒN KINH PHÍ
CHI TRẢ
Nguồn kinh phí chi trả chế độ đối với người
lao động dôi dư được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định số
41/2002/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
IV-TỒ CHỨC THỰC HIỆN:
1-Trách nhiệm của doanh nghiệp:
Doanh nghiệp tiến hành sắp xếp lại lao động
và giải quyết chế độ đối với lao động dôi dư quy định tại Điều 9 Nghị định số
41/2002/NĐ-CP có trách nhiệm thực hiện theo trình tự sau đây:
a. Tổ chức tuyên truyền chủ trương chính sách
của Đảng và Nhà nước về tiếp tục sắp xếp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu
quả doanh nghiệp nhà nước và chính sách đối với lao động dôi dư để người lao
động hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước.
b. Xây đựng phương án
sắp xếp lao động.
Doanh nghiệp tiến hành xây dựng phương án cơ
cấu lại trong đó có phương án sắp xếp lao động, được thực hiện theo các bước
sau đây:
Bước 1: Lập danh sách toàn bộ số lao động của
doanh nghiệp tại thời điểm cơ cấu lại theo quy định tại Điều I của Nghị định số
41/2002/NĐ-CP của Chính phủ (mẫu số 1 kèm theo Thông tư này), bao gồm:
- Số lao động đang làm việc có hưởng lương và
đóng bảo hiểm xã hội hoặc không đóng bảo hiểm xã hội (kể cả số lao động làm
việc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm).
- Số lao động tuy đã nghỉ việc nhưng có tên
trong danh sách của doanh nghiệp, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, có
đóng bảo hiểm xã hội hoặc không đóng bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Xác
định số lao động cần sử dụng và lao động dôi dư như sau:
- Đối với doanh nghiệp giữ 100% vốn Nhà nước
và doanh nghiệp nhà nước chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành
viên: xác định số lao động cần sử dụng trên cơ sở phương án sản xuất - kinh
doanh, công nghệ sản xuất sản phẩm, máy móc thiết bị, định mức lao động theo
hướng doanh nghiệp phát triển và có lãi, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
phê duyệt; số lao động còn lại là số lao động không có nhu cầu sử dụng;
- Đối với doanh nghiệp thực hiện giao, bán,
khoán kinh doanh và cho thuê doanh nghiệp thì số lao động cần sử dụng là số lao
động theo thoả thuận giữa hai bên (giao và nhận giao, bán và mua, khoán và nhận
khoán, cho thuê và thuê) được ghi trong hợp đồng giao bán, khoán hoặc cho thuê
doanh nghiệp; số lao động còn lại là số lao động không có nhu cầu sử dụng;
- Đối với doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá
trong giai đoạn từ ngày 26/4/2002 đến hết ngày 31/12/2005 thì số lao động cần
sử dụng căn cứ vào phương án cổ phần hoá đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
phê duyệt, số lao động còn lại là số lao động không có nhu cầu sử dụng;
- Đối với Công ty cổ phần được chuyển đổi từ
doanh nghiệp Nhà nước có thời gian hoạt động không quá 12 tháng kể từ ngày được
cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, khi thực hiện cơ
cấu lại nếu có người lao động từ doanh nghiệp nhà nước chuyển sang không bố trí
được việc làm thì được xác định là lao động không có nhu cầu sử dụng;
- Đối với doanh nghiệp thực hiện sáp nhập,
hợp nhất thì số lao động cần sử dụng căn cứ vào phương án sáp nhập, hợp nhất đã
được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, số lao động còn lại là số lao động không
có nhu cầu sử dụng;
Số lao động không có nhu cầu sử dụng đã xác
định tại bước 2 nêu trên được phân làm 2 loại: Số lao động được tuyển dụng
trước ngày 21/4/1998 là lao động dôi dư được thực hiện chế độ theo quy định tại
Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ; số lao động tuyển dụng từ ngày 21/04/1998 được thực
hiện chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động;
- Đối với các doanh nghiệp thực hiện giải
thể, phá sản thì toàn bộ số lao động trong danh sách của doanh nghiệp được
tuyển dụng trước ngày 26/4/2002 được thực hiện chính sách theo quy định tại
Nghị định số 41/2002/NĐ-CP. Số tuyển dụng từ ngày 26/04/2002 được giải quyết
chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Bước 3: Lập danh sách lao động cần sử dụng
(mẫu số 2 kèm theo Thông tư này), số lao động không có nhu cầu sử dụng (mẫu số
3 kèm theo Thông tư này).
Bước 4: Doanh nghiệp phối hợp với Ban chấp
hành công đoàn tổ chức Đại hội công nhân viên chức để Đại hội cho ý kiến về
danh sách lao động (từ mẫu số 1 đến mẫu số 3).
Bước 5: Trên cơ sở ý kiến của Đại hội công
nhân viên chức, doanh nghiệp hoàn chỉnh phương án sắp xếp lao động này, trình
cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm 5 Mục IV của Thông tư này, phê duyệt.
Hồ sơ trình duyệt làm thành 6 bộ, mỗi bộ gồm có:
- Văn bản đề nghị phê duyệt phương án sắp xếp
lao động (mẫu số 4 kèm theo Thông tư này),
- Phương án sắp xếp lại lao động (mẫu số 5
kèm theo Thông này),
- Danh sách số lao động đã được phân loại (từ
mẫu số 1 đến mẫu số 3 kèm theo Thông tư này).
Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước giải thể,
phá sản không phải duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp mà chỉ duyệt phương
án sắp xếp lao động (mẫu số 1, 3 kèm theo Thông tư này).
c. Trả trợ cấp cho
người lao động dôi dư.
Trong thời hạn 15 ngày (ngày làm việc) kể từ
ngày được cơ quan có thẩm quyền quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động
doanh nghiệp thực hiện trả trợ cấp cho người lao động như sau:
c1. Ra quyết định cho
từng người lao động dôi dư nghỉ việc theo các nhóm chính sách đã được quy định
tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP (mẫu số 6 kèm theo Thông tư này; Quyết định làm
thành 2 bản: 1 bản gửi cho người lao động, 1 bản lưu tại doanh nghiệp).
c2. Dự toán kinh phí trả chế độ đối với người
lao động dôi dư theo các nhóm chính sách (mẫu số 7, 8, 9, 10 kèm theo Thông tư
này).
c3. Lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí từ Quỹ
hỗ trợ lao động dôi dư được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
c4. Đối với lao động không có nhu cầu sử dụng
không thuộc diện giải quyết chế độ theo quy định tại Nghị định 41/2002/NĐ-CP
(mẫu số 11 kèm theo theo Thông tư này) doanh nghiệp lập danh sách riêng để giải
quyết chế độ theo quy định của Bộ luật lao động.
d. Giải quyết chế độ
đối với người lao động.
- Trách nhiệm của doanh nghiệp.
+ Căn cứ quyết định nghỉ việc, giải quyết đầy
đủ và đúng thời hạn quy định các khoản trợ cấp đối với người lao động dôi dư;
+ Cấp phiếu học nghề miễn phí một lần cho
người lao động có nguyện vọng học nghề (mẫu số 12 kèm theo Thông tư này);
+ Làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ
bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
+ Ghi rõ lý do nghỉ việc và các quyền lợi đã
giải quyết vào sổ lao động và trả lại đầy đủ hồ sơ cho người lao động theo quy
định của pháp luật;
+ Trong thời hạn 7 ngày (ngày làm việc) kể từ
ngày nhận được kinh phí từ Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư, doanh nghiệp có trách
nhiệm trả trực tiếp, một lần tại doanh nghiệp cho ngươi lao động các khoản trợ
cấp theo phương án đã được phê duyệt.
- Trách nhiệm của người lao động khi hưởng
chính sách:
+ Ký nhận đầy đủ các khoản tiền trợ cấp được
hưởng;
+ Ký nhận đầy đủ hồ sơ nghỉ việc
+ Thanh toán các khoản còn nợ đối với doanh
nghiệp (nếu có).
e. Chậm nhất sau 30 ngày (ngày làm việc) kể
từ ngày hoàn thành việc giải quyết chế độ đối với lao động dôi dư, doanh nghiệp
có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện cho các cơ quan có thẩm quyền. Nội
dung báo cáo bao gồm: Đánh giá mặt được và chưa được, kết quả thực hiện chi trả
(theo quy định của Bộ Tài chính) báo cáo làm thành 06 bộ và gửi: cơ quan phê duyệt
phương án lao động, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm
xã hội Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và lưu tại doanh nghiệp.
2. Trách nhiệm của người lao động khi học
nghề và cơ sở dạy nghề:
a. Người lao động dôi
dư có nguyện vọng học nghề đã được cấp phiếu học nghề miễn phí thì phải nộp hồ
sơ học nghề tại cơ sở dạy nghề đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ
định thời hạn nộp hồ sơ học nghề tối đa là 90 ngày kể từ ngày có quyết định
nghỉ việc.
b. Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm tiếp nhận hồ
sơ đăng ký học nghề của người lao động dôi dư có nguyện vọng học nghề, hồ sơ
gồm có:
- Bản chính phiếu học nghề miễn phí do người
sử dụng lao động cấp;
- Bản sao quyết định nghỉ việc hưởng chính
sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ sở dạy nghề xác
nhận "đồng ý tiếp nhận đào tạo học nghề", ký tên, đóng dấu vào mặt
sau của bản chính quyết định nghỉ việc và trả lại cho người lao động.
Cơ sở dạy nghề được cấp một khoản kinh phí
tối đa 06 tháng để đào tạo nghề miễn phí cho người lao động dôi dư có nguyện
vọng học nghề. Mức học phí đào tạo, quy trình, thủ tục cấp kinh phí và quyết
toán được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương đôn đốc và kiểm tra thực hiện chính sách đối với lao động dôi
dư trên địa bàn;
b) Chỉ định những cơ sở dạy nghề đã được cơ
quan Lao động - Thương binh và xã hội cấp đăng ký hoạt động dạy nghề và lập
danh sách các cơ sở dạy nghề đã chỉ định (tên cơ sở dạy nghề; địa chỉ cụ thể)
gửi về Bộ Tài chính để cấp kinh phí học nghề. Mỗi tỉnh, thành phố được quy định
tối đa 20 cơ sở dạy nghề và được thông báo trên các phương tiện thông tin.
4. Bảo hiểm xã hội
Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra bảo hiểm xã hội tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người
lao động dôi dư theo đúng quy định tại Thông tư hướng dẫn này và các quy định
hiện hành.
5. Trách nhiệm của các Bộ; cơ quan ngang Bộ;
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản
trị Tổng công ty 91:
a) Tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính
sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao
hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các chính sách đối với lao động dôi dư;
b) Phê duyệt phương án sắp xếp lao động do cơ
cấu lại doanh nghiệp; thẩm định phương án xin hỗ trợ kinh phí của doanh nghiệp
theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
Trong thời hạn 15 ngày (ngày làm việc) kể từ
ngày nhận được phương án sắp xếp lao động của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm
quyền có trách nhiệm phê duỵệt và gửi quyết định cùng 5 bộ hồ sơ cho doanh
nghiệp, trường hợp chưa phê duyệt được thì cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn
doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung phương án. Trong thời hạn 10 ngày (ngày làm việc)
kể từ ngày nhận được phương án của cơ quan có thẩm quyền doanh nghiệp hoàn
thiện phương án gửi cơ quan phê duyệt.
c) Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức chuyên môn
hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý trong diện sắp xếp lại xây dựng
phương án, kiểm tra việc giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư và thực
hiện theo quy định tại Thông tư này;
d) Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả
thực hiện giải quyết lao động dôi dư;
e) Định kỳ 03 tháng một lần báo cáo Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, đồng thời gửi cho Bộ Tài chính về tình hình hình
thực hiện sắp xếp lao động và giải quyết lao động dôi dư: Đánh giá mặt được và
chưa được, kết quả thực hiện (mẫu số 13, 14 kèm theo Thông tư này), kiến nghị
giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện, thời gian báo
cáo chậm nhất là ngày 15/4; 15/7; 15/10 hàng năm và báo cáo cả năm vào ngày
15/1 năm sau để báo cáo Chính phủ.
6. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày
26/4/2002 đến hết ngày 31/12/2005.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc,
đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải
quyết.